Wednesday, March 25, 2015

Gió Tháng Ba, Bão Tháng Tư


    Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Bài viết là hồi ức của một cô học trò viết văn tại miền Nam tự đào hố chôn những bài viết, những cuốn sách, ước mơ và hoài bão của mình. Trước tháng Tư 1975, tại Sài Gòn, cô từng cộng tác với tần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Sau 35 năm ở lại trong nước, mãi tới đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tác giả mới sang định cư tại Hoa Kỳ và hiện là cư dân San Dimas, California. Với bài "Chuyện Cổ Tích Không Phải Cho Bé Thơ", tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt, Viết Về Nước Mỹ 2013.

* * *
Tôi viết câu chuyện này (không phải truyện ngắn) để tặng Phạm thị Thìn (đã mất tích), Lý Bá Hoài Khanh (Lyon) và Đặng Anh Tuấn (California)

Như tiếng roi quất vào đêm hun hút.
Như tiếng vó ngựa phi qua thảo nguyên mênh mông.
Như tiếng chó sói tru dưới trăng man dại.
Như tiếng vượn hú giữa rừng thẳm hoang vu.
Như tiếng hồn tử sĩ oán than bên trời huyền hoặc…
Gió…
Tôi ôm trái tim mình đau buốt.
Ai đang gọi tôi trở về trong mịt mù ký ức ?
Ký ức từ một ngày thơ dại xa xăm…
Một ngày của tháng Ba.


Khanh là người đầu tiên chia tay với thành phố biển. Khanh nói:

- Sẽ gặp lại nhau một ngày nào đó phải không Di ?

- Chắc chắn là như vậy.

Gia đình Khanh đi Pháp, chỉ có ba Khanh ở lại cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến và mất tích đâu đó trong cuộc hành trình tuyệt vọng đi tìm tự do: trốn trại !

Tôi nhớ ngày Khanh đi trời đầy gió:

Mù sương phi cảng não nề
Thôi em ở lại buồn về anh mang
 (thơ Cao thị Vạn Giả)

Khanh đọc khi hai đứa ngồi đong đưa trên thanh sắt chắn ngang cổng VIP chờ làm thủ tục nhận diện. Tôi đã nghĩ rằng: Đây không phải là một cuộc chia ly !

Chú tài xế chở ba Khanh và tôi về trên chiếc xe Jeep lùn mở mui, chạy bạt mạng trên đường phố đã khá đông người di tản… tháng Ba mà mây xám đầy trời và gió xoáy từng cơn… bọt biển bay trắng xóa suốt con đường Duy Tân… Ba Khanh không nói gì cho đến tận cổng nhà tôi, ông vói tay choàng chiếc áo bay rộng thùng thình của ông qua vai tôi:

-Bác quên, hôm nay trời rất lạnh, con mặc chiếc áo này cho ấm.

Chiếc áo bay của ông tôi đã mang theo trong suốt những cuộc hành trình nhưng chưa một lần đến được bến bờ.

Đó là lần cuối cùng tôi ngồi cạnh ông, co ro lạnh lẽo, khác những lần trước trong phòng khách ấm áp hay trên giảng đường của trường sĩ quan không quân khi tôi được tham dự những khóa học tiếng Anh ở đó. Trong đám bạn Khanh, tôi là đứa được ông thương hơn cả… bởi vì tôi là đứa duy nhất dám phê phán ông: Bác có nét mặt lạnh lùng của Charles Bronson nhưng trái tim thì vô cùng ấm áp… Ông nói với Khanh: Con bé thật láu lĩnh, khôn ngoan. Sau Khanh kể: Papa bắt Khanh phải đi tìm cái chân dung lạnh nhất của Charles Bronson, thuê người vẽ lại, treo trong phòng ngủ… ngắm hoài không chán!!!

Nhiều năm sau gặp lại nhau trên đất khách, hai đứa ngồi trước mặt nhau, ly cà phê tan lạt thếch… không hề hỏi thăm nhau một điều gì mà vẫn thấy cả một khoảng thời gian dài đăng đẳng đã qua đang chầm chậm trôi về…

Tôi không muốn nhớ đến ngày mà một nhà ngoại cảm đã nhìn vào quả cầu thủy tinh sau khi soi nó kỹ càng trên tấm hình ba Khanh với khuôn mặt Charles Bronson sắc cạnh, lạnh lùng ( mà có ai biết là trái tim ông ấm áp nhường nào!) và buông từng tiếng:

- Người này không còn thân xác mà hồn thì cứ lơ lửng nơi rừng thẳm non cao…

Tôi không biết đích xác ngày ông mất, nhưng từ Pháp, Khanh đã gọi tôi nửa khuya ( dù chưa tới kỳ đi thăm nuôi ông):

- Di ơi, tối qua Khanh nằm mơ thấy papa đứng bên một bờ hồ tuyết rơi trắng xóa, Khanh gọi thất thanh mà papa không quay lại.

Tháng Ba,
Mẹ tôi rải theo chiếc xe Dauphine màu xanh nhạt đưa gia đình chị tôi xuống Cảng một dĩa gạo, muối và hạt nổ. Ba nói:

- Em làm gì lạ vậy, giống như là tiễn con vào cõi chết !

Nhưng gia đình chị tôi đã đến bến bờ an toàn, chỉ có ba mới đi vào cõi chết… ( Đêm ba mất, chị tôi cũng nằm mơ thấy ba đứng bên một bờ hồ tuyết rơi lạnh lẽo dù ở miền Nam CaLi hiếm khi có tuyết… Tôi không hiểu tại sao ba tôi, ba Khanh khi chết đều đến bên một bờ hồ để nói lời vĩnh biệt những đứa con xa xôi thất lạc.)

Tháng Ba,

Bài thơ cuối cùng rất ngắn của tôi đăng trên một bán nguyệt san:

Cho em hoa hồng bạch
Cắm gai vào tim anh
Cho em hồn ngọc thạch
Chìm giữa đại dương xanh…


mà lúc ấy tôi chưa hề biết rằng đại dương xanh sẽ là nơi chôn vùi nhiều người thân yêu của tôi trên đường vượt biển…

Thìn ơi, con bé mắt nai hiền lành xinh đẹp ngồi cạnh tôi suốt 2 năm cao đẳng… Tôi nhớ đôi mắt Thìn trong veo nhìn tôi hồn nhiên trêu chọc khi biết tôi bị đày ra cái nhiệm sở khỉ ho cò gáy ở tuốt tận cùng biên giới tỉnh:

- Di ơi,
Ai đưa Di đến chốn này
Bên kia là núi, bên này là sông…
Suốt đời tôi nhớ mãi


Suốt đời tôi nhớ mãi chiếc áo laine 2 màu trắng đỏ chị tôi gởi về chưa kịp mặc vì trời Nha Trang không đủ lạnh, có mũ trùm đầu và chiếc túi lớn trước ngực, tôi mang đến cho nó và đùa:

- Mặc đi trượt tuyết nha Thìn!

Kể từ đêm nó lên đường, Tôi cứ ngong ngóng chờ tin một chiếc ghe trôi giạt hoài trên biển từ 30 năm trước.

Thìn, thật sự mày đang ở đâu?

Tháng Tư,

Những hoa gạo đỏ tươi màu máu
Nhàu nát như người lính tử thương… 
(thơ Nguyễn Bính)

Vâng, những cái chết nhàu nát Vũ chứng kiến trên con đường di tản từ Thanh An (Pleiku) về Tuy Hòa để đến một ngày Vũ phải quên nó đi bằng cách rẻ theo một đức tin mãnh liệt khác, một thiên hướng khác… Và tôi, tôi phải xua mình ra khỏi những ám ảnh nặng nề bởi tôi đã có quá nhiều khổ nạn phải cưu mang khi vừa rơi khỏi thiên đường …

Tháng Tư,

Ba ở lại với các cộng sự để đốt những hồ sơ mật và không kịp lên chuyến bay cuối cùng dành cho cả nhà di tản của tòa tổng lãnh sự Mỹ…

Tôi đã chứng kiến những loạt đạn tuyệt vọng bắn lên trời và những khẩu súng ném đớn đau xuống đất.

Tôi đã chứng kiến những ánh nhìn vĩnh biệt của những con người chính trực trao nhau như một lời cam kết thà chết vinh còn hơn sống nhục.

Tháng Tư,

Tôi chở ba tôi bằng chiếc Honda Dame đi trình diện để mất ba vĩnh viễn… Một cậu bạn hàng xóm dễ thương của tôi mang băng đỏ trên cánh tay đứng nơi chốt gác sau những hàng rào kẽm gai đã mở hàng rào cho ba tôi lách qua với cái nhìn xót xa thương cảm…

Tháng Tư,

Ngôi biệt thự nhà Tuấn tan hoang…
Tôi nhặt những lá thư rơi vương vãi lẫn quyển truyện tranh Pinocchio, nhớ Tuấn hay kéo mũi tôi, dặn dò: Không được nói xạo, cái mũi nhọn hoắt, xấu xí lắm…

Tôi khóc nức nở suốt đường về… Nhớ những đêm sau các buổi dạy kèm, Tuấn ghé nhà chở tôi cùng đi… công chuyện. Hai đứa đến trước cổng nhà chị Lan Anh. Tuấn đếm hai, ba… và hai đứa cùng la lớn: Lan…Anh… mẹ chị trên lầu 2, mở cửa sổ, nhìn xuống, mắng: Con cái nhà ai mà hư thế !

Tôi đau cùng Tuấn về mối tình thơ nhỏ bé, nhiều lần tôi dỗ dành khi thấy Tuấn buồn vì mọi người đều phản đối, nhiều lần tôi giận hờn tự nhủ không thèm quan tâm đến nữa mặc kệ Tuấn với những khoảng trời riêng… Nhiều lần tôi hét lên với Tuấn: Di chán chơi cái trò này lắm rồi. Tuấn hãy quên đi, quên đi, quên đi…

Tôi không biết Tuấn có quên được không, nhưng khi gặp lại tôi, khi mà Tuấn đã kịp có thêm nhiều và nhiều mối tình khác lẫn một mái ấm hạnh phúc thì Tuấn lại vớ vẩn nói rằng: “Chỉ có Di mới là mối tình thơ của Tuấn, còn tất cả chỉ là …buồn quá nên yêu…” lúc nào Tuấn cũng chỉ muốn chọc cho tôi cười như những ngày xưa… Ngày ấy Tuấn cứ nghĩ rằng tôi ngây thơ vô tội chứ đâu ngờ rằng tôi biết rõ điều ấy hơn ai hết nhưng tôi đã rất sợ một ngày tàn phai.

Tháng Tư,

Tôi giấu quyển sổ bìa da tuyệt đẹp cắt dán hơn 100 bài đăng trên các báo của tôi dưới ngăn tủ đựng áo quần. tôi mân mê hoài từng quyển sách mà ngày mai phải giao nộp cho phường… tủ sách quý giá nuôi dưỡng hồn tôi từ những ngày nhỏ xíu. Tôi điên cuồng đào chiếc hố sâu mà tôi có thể bằng chiếc cuốc mini dưới gốc cây chùm ruột trong đêm và chôn những quyển sách mình yêu thương nhất… để hôm sau cả hai bàn tay phồng dộp rướm máu mà không hề thấy đau đớn chút nào... Nỗi đau, một lúc nào đó sẽ tan loãng vào máu và nước mắt, thế thôi...

Chôn cả tuổi thơ
Chôn cả ước mơ
Chôn cả hoài bão
Chôn cả đam mê
Tôi chôn tôi tuyệt vọng...

Tháng Tư những phiến tình thơ dại
Gởi tặng người đau một vết thương…

Không chỉ một vết thương mà là một cái chết oan khiên tức tưởi… Vĩnh viễn không bao giờ tôi được trở lại ngày xưa… Ai có thể:

Trả lại tôi những mộng đời đã mất
Những bóng hình biệt dạng tự năm xưa
Những con thuyền khuất lấp ở trong mưa
Tôi nhắm mắt đi vào cơn ác mộng…
Cơn ác mộng?


Vâng, những cơn ác mộng đuổi theo tôi từ tháng Ba, tháng Tư năm ấy… để suốt đời tôi mãi thao thức cùng bóng đêm và tiếng gió.

Từng đêm, như đêm nay, tiếng gió từ Big Bear vọng về, như tiếng roi quất ngang trái tim tàn bạo. Tôi ôm trái tim mình…

Gió ơi,
Xin nhẹ tay...


Tháng Ba, 2015

Tôn Nữ Thu Dung

No comments:

Blog Archive