Những Chuyện Quê Một Cục 35 Năm Về Trước
Phiếm luận - Tư Lúa JV
Nhân dịp năm con Dê 35 Ất Mùi, tui được định cư ở Úc cũng đúng 35 năm, nên tui xin kể lại những chuyện quá ngố của tui, lúc mới đến Úc, để bà con cùng chia sẻ với tui.
Thưa bà con!! Quê tui vùng Tắc Cậu, Miệt Thứ, Rạch Giá, quanh năm sống ở đây, chỉ thấy toàn ruộng nước, rừng rẫy cây bần, cây vẹt. Sau 30 tháng Tư năm 1975 phong trào zượt biêng ồ ạt, bà con dắt díu nhau bỏ nước ra đi, lòng tui cũng nao nao, muốn cùng bà con thử thời vận, phiêu lưu biệt xứ, xem cuộc đời may ra có thay đổi được kiếp nghèo, quê mùa hay không? Ngặt nỗi, nghèo quá, tới khố rách áo ôm, không có tiền mãi lộ, làm sao chung đủ tiền để chủ ghe cho mình đi “Zượt Biêng” nên ai cũng lánh xa, chẳng muốn dính với hủi. Không những họ không cho tui đi, mà còn né tránh, sợ tui đi méc công an nữa. Mặc dù thời đó, tui là thằng thanh niên đánh cá giỏi, khoẻ mạnh, lực lưỡng như chú Vọi trong chuyện Trống Mái.
Sự kiện tui tới được Úc là như thế này: Vào buổi tối hôm đó, tình cờ tôi đi cắm câu, trên con lạch gần nhà, tui thấy có cái xuồng chở khoảng 10 người, từ trong bụi rậm lù lù xuất hiện. Tui căn me rượt theo, nhảy đại xuống, chủ xuồng tính wuấn tui một trận, quẳng xuống cửa biển. Nhưng tui năn nỉ với ông ta, hứa sẽ chỉ đường và lái xuồng ra biển giùm, tránh vùng nước cạn và kẹt bẫy đăng, đáy. Hơn nữa họ sợ bỏ tui lại, tui sẽ trở zìa méc công an biên phòng, cho tàu cao tốc ra rượt, CA sẽ bị tóm gọn cả ghe, đem zìa bót, nhốt tù mút mùa lệ thủy.
Thế là họ cho tui đi theo, tui giúp họ lái xuồng ra biển, cặp zô chiếc ghe lớn đang chờ sẵn ngoài khơi, lúc đêm khuya.
Chiếc ghe lớn của chúng tôi là một cái ghe xiệp dài khoảng 12m, ngang cỡ 2m5 trọng tải khoảng được 30 người. Thế mà trên ghe tui ước chừng đã có khoảng trên sáu chục người lớn nhỏ, chứa gấp 2 lần trọng tải của nó.
Rất may, sau 3 ngày vượt đại dương, băng qua vịnh Thái Lan, sóng êm, gió lặng. Ghe đã cặp được bến bờ Mã Lai an toàn.
Vì là ghe chui không đăng ký, nên không có số đăng bộ. Lúc lên trình diện Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, họ hỏi số đăng bộ của ghe?? “Hổng Có”. Họ hỏi chủ ghe tên gì? Ông ta khai tên là Đỗ Long Đông. Họ gọi là Mr. Dong L. Do. Lập tức, ngay sau đó Cao ủy đặt cho cái tên ghe của chúng tôi là ghe: “DO”.
Sau này cứ mỗi lần ban thông tin gọi ghe tụi tui lên phỏng vấn, thì có người đọc là: Đồng bào đi tàu “Đê-Ô” lên….cao ủy phỏng vấn... Có người gọi là đồng bào đi tàu ĐU..LOONG DOONG.
Sau khi sang tới Úc, đi học Anh văn, tôi mới khám phá ra, thấy cái tên ông chủ ghe "Do Loong Doong” này, mà nói sành sõi tiếng Anh, là cái của qúi khá dài. Nghe rợn tóc gáy..
Ấy cha!! Tiếng Việt mà phát âm theo tiếng Anh thì thật là phong phú.
Vì vậy mà từ ngày tui bỏ nhà đi vượt biên đến nước người, tui bị nhiều cái quê mùa, nó đeo đuổi tui mãi cho đến bây giờ:
Quê vì cái tên Mẹ đẻ:
Cặp bến Mã Lai, Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ cho chúng tôi xuống tàu, chở ra đảo Pulau Bidong nhập trại tỵ nạn. Sau khi làm thu tục nhập trại, Cao Ủy gọi đồng bào tàu “DO LOONG DOONG” của chúng tôi lên phỏng vấn.
Lúc điền Application Form khai lý lịch gia đình, tui kê ra một danh sách thân nhân: Tía tui tên Vũ Đình Cu, ở guê tui người ta Tía tui là Bảy Cu, vì tía tui là thứ 7, anh hai tui tên Vũ Đình Cừ, anh kế tui Vũ Đình Cử, tui tên là Vũ Đình Cự (ở quê, người ta gọi tui là Út Cự).
Tía tui nói: Hồi má tui sanh tui ra, cái cổ của tui cứ nghiêng nghiêng qua một bên, nên ổng đặt cho tui cái tên là Cự, người sao tên đó. Lớn lên, ổng nói cái gì, tui cũng hay cãi lại, cho nên ổng nổi sùng phang luôn: Bà nội mày, tao đặt tên bay đâu có sai.
Khi lên Cao Ủy LHQ điền Form xin tỵ nạn, tui đứng đầu Form.
Trên cái Form tiếng Anh, người thông dịch điền lý lịch giúp tui:
Applicant’s name: Cu Dinh Vu
Father’s name: Cu D. Vu,
Relativer’s name 1: Cu D. Vu, Br.
Relativer’s name 2: Cu D. Vu, Br. và
Relativer’s name 3: Cu D. Vu, Br.
Ngày tui được phái đoàn Cao Ủy LHQ gọi lên phỏng vấn. Họ nhìn cái đơn xin tỵ nạn của tui, danh sách thân nhân của gia đình tui, từ trên xuống dưới 5 người đều có cái tên là: Cu D. Vu.
Ông trưởng phái đoàn hỏi tui, cả nhà anh đều tên là Cu Đi Vú hết. Vậy ai là cu lớn, ai là cu nhỏ. “Oh! My God! You are all Cu D. Vu”.
Ông thông dịch vừa cười ngất ngư, vừa nói: Thế là cả một gia đình Vú Đê Cu.
Những người đang ngồi trong hội trường chờ đến lượt phỏng vấn, nghe được tên giòng họ nhà tui. Ai nấy, đều bò lăn ra cười. Sau này họ thường chọc quê tui, là cả một lò Vú Đị Cu.
Bị bà con chọc quê hoài, tui tức quá, nghe lời người ta mách, lên văn phòng Cao Ủy, năn nỉ nhờ thông dịch viên, làm đơn xin cho tui thêm cái tên ngoại quốc vào hồ sơ, để sau này sang được cái xứ Tây Phương, ông Tây, bà Đầm có gọi tui cũng dễ và có cái tên Tây để zựt le, zới đời.
Thế là anh thông dịch chọn đại cho tui cái tên là Robert. Cái tên này nghe có lý. Tui vội vàng làm đơn xin đổi tên là Robert Vu.
Từ đó tui mang thêm cái tên là Robert Cu Vu, gọi tắt là Robert Vu. Tui hớn hở mừng rỡ với cái tên mới, rất Tây. Không ngờ, ở trên đảo lúc đi học Anh Văn. Cô giáo Jill Buchanan người Tân Tây Lan đưa sách học tiếng Anh của Cô ta ra dạy chúng tôi, trong đó có hai nhân vật Robert và Rebeca. Cô giáo nói, người Mỹ, người Anh và người Úc họ gọi tắt tên Robert là Bob, còn Rebeca là Béc.
Những học viên cùng lớp tui, họ biết tên cúng cơm của tui là Cu. Nên từ đó, lại mọc ra cái màn chọc quê tui, gọi tui là thằng Bob Cu hay thằng Bob Vu. Tui tức muốn trào máu họng.
Ở lâu trên đảo, hổng có ai tiếp tế. Tui là thằng con bà phước, nên phải lên rừng đốn cây, cưa củi, đem xuống trại bán, kiếm tiền xài. Kiếm được đồng nào, tui đi mua rượu đãi tụi bạn ăn nhậu, năn nỉ chúng đừng gọi tui hai cái tên kỳ cục này, mà chỉ xin gọi cái tên Bob thôi. Chứ kêu thêm cái tên cúng cơm nữa, nghe thiếu văn hóa và guê thấy mồ tổ.
Thực ra, tụi chúng nó, có gọi tui cái tên nào cũng dính chấu hết trơn á!. Gọi tui là Bob Cu thì cũng chết, mà gọi Bob Vu thì cũng hổng xong…
Hổm phái đoàn Cao Ủy LHQ gọi tui lên phỏng vấn để xác định tình trạng tỵ nạn. Ông Cao Ủy hỏi tui: Ở VN anh làm nghề gì? Tui trả lời: Ở bển tui làm “Nghề Múa Lân”. Ổng ta cười khì một cái!!
Đúng zậy, hồi ở quê, ngoài cái nghề mò cua bắt cá, tui được mấy ông trong ấp giới thiệu cho gia nhập đội múa lân xã, nên cứ đến ngày hội hè hay Tết nhất, là tui được chui zô trong cái đầu lân, đi múa từ làng trên, xóm dưới và ra xã kiếm lộc. Sau này VC nó bắt tui đi bộ đội. Tui trốn, nên chúng cấm không cho tui múa Lân nữa, rồi chúng lùng bắt tui.
Không được múa lân, nhờ VC lùng bắt tội trốn bộ đội, nên tui được chấp nhận là người tỵ nạn. Nên tui được phái đoàn Úc cho sang Úc định cư.
Lại nữa, còn cái ông chủ tàu của tui, ổng có cái tên cũng kỳ cục là Đỗ Long Đông. Ổng kể cho tui nghe: Cha ổng, nằm mơ thấy bầy rồng xuất hiện, khi mẹ ổng có bầu, nên Tía ổng đặt cho ổng cái tên là Đỗ Long Đông, nghĩa là một bầy rồng giáng thế.
Sang Úc, ổng cùng đi làm chung với tui. Tụi bạn Úc, thường gọi cái tên ổng ra chọc quê, rồi phá lên cười.
Thú thật mấy năm sau, tui mới hiểu được chữ Long Đông (tiếng Anh đọc là Loong Đoong) nghĩa là cái gì. Thế mà mấy thằng khỉ gió Úc nó còn gọi full name của ông ấy, nghe cái âm điệu sao mà giống chữ: Đu Loong Đoong (thật là khủng khiếp) (1).
Ở đảo Pulau Bidong, khoảng hơn 2 tháng, tui được đưa sang trại chuyển tiếp Sungei Besi A, Kuala Lumpur.
Tui bị giữ lại hơn 1 tháng, vì bị nhiễm trùng phổi. Hàng ngày phải lên Sick Bay chích mỗi ngày một mũi Streptomycin. Tui sợ quá, tính trốn chích.
Mỗi lần trốn, thì lại bị gọi tên trên loa phóng thanh: Yêu cầu đồng bào tên Bob Cu Vu đi tàu DO lên chích ngừa, nếu không chích đủ 30 mũi Streptomycine, clear phổi, sẽ không được đi định cư. “Xin nhắc lại! Xin nhắc lại: Yêu cầu đồng bào Bob Cu Vu đi tàu DO…”.
Điệp khúc này, họ cứ réo tới, réo lui như vậy, làm tui chỉ muốn độn thổ, chui xuống đất cho đỡ quê.
Quê vì tiếng Anh:
Ngày tui rời trại tỵ nạn, đến Úc định cư, khoảng giữa tháng 7. Thời điểm này đang là mùa Đông bên Úc, trong khi đó Mã Lai vẫn còn đang mùa Hè với cái nóng đổ mồ hôi, cháy da người bên Mã Lai.
Khi có list đi định cư, hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ phát cho tui cái giỏ đeo vai màu trắng, khoảng 3 tấc vuông, có cái Logo trăng lưỡi liềm đỏ và chữ HCMRC (High Commissioner Malaysian Red Cresent) và được hội Từ Thiện cho một đôi dép lẹp xẹp, cái áo thung cụt tay, cùng với cái quần dài. Đó là bộ đồ vía của tui lên máy bay đi định cư.
Ông Cao Ủy Úc dẫn 18 người chúng tôi ra phi trường Kuala Lumpur, đáp chuyến bay của hãng hàng không MAS “Malaysian Airlines” đi Úc Châu.
Lúc bấy giờ tiếng Anh của tui còn quá nghèo nàn. Khi ngồi trên máy bay, cô chiêu đãi viên Mã lai Tàu đưa cho tui cái form kê khai hành lý (Declaration Form). Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, cô ta trở lại thu form, cô ấy mỉm cười, thấy tui cứ loay hoay điền Form mãi không xong, lại dập dập, xoá xoá. Cô tiếp viên hỏi tui: Are you OK? Tui trả lời: I don’t know.
Sau khi tui trả lời như dzậy, cô ta biết tui là thằng dốt đặc tiếng Anh, nên ngồi xụm xuống kế bên. Tui ngửi thấy mùi nước hoa thơm phức, làn da gái Á Châu nhẵn bóng, hấp dẫn, làm con lợn lòng tui nổi lên, chỉ muốn kéo cô ta lại, hôn lên má cô ấy một cái cho đã thèm. Cô ta rất tử tế, chỉ cho tui cách điền Form, qua những câu hỏi mà tui hổng hiểu. Cổ nói: Anh phải cẩn thận khai báo, anh có đem theo đồ quốc cấm vào Úc không? Nếu anh khai gian, sẽ bị tù và bị đuổi ra khỏi nước Úc. Tui dựt bộp, tỏ ra kiểu ta đây rành tiếng Anh, nên tui phang tưới tia lia: “I don’t care” làm cô tiếp viên sửng sốt, hết ý kiến.
Thế rồi cô ta cũng giúp tui điền xong cái Form khai báo hành lý. Qua 12 tiếng đồng hồ, bay thâu đêm từ Kuala Lumpur sang đến phi trường Melbourne. Tui nhớ mãi hình dáng Cô Tiếp Viên nhoẻn miệng mời hành khách: “Tea, Cofee or Me!!”. Nếu được dùng cái thứ III cô mời, thì đã nhất trên đời..
Trước khi máy bay đáp, hình như Pilot có thông báo cho hành khách biết thời tiết tại Melbourne, nên trước khi xuống máy bay, hành khách ai nấy đều lấy áo lạnh mặc, hay khoác vào người. Riêng thằng tui, thì cứ tỉnh bơ, với cái áo thun trên người.
Xuống máy bay, vào phi trường Melbourne, tôi chỉ cảm thấy hơi lạnh, vì bên trong có lò sưởi. Tôi nối đuôi theo đoàn người vào quầy Immigration check in. Họ nhìn thấy cái bản mặt khờ khờ của tui, nên chẳng hỏi han gì hết, chỉ trình tờ giấy VISA tỵ nạn nhập cảnh màu xanh lợt, to bằng tờ giấy A4, là họ cho qua ngay.
Xuống Melbourne, tôi phải ngồi chờ trong phi trường bốn tiếng đồng hồ, đợi đáp chuyến bay ANSETT đi Adelaide. Hồi đó, thành phố Adelaide, xứ tui chưa có phi trường quốc tế và không có Jet Bridge Way như bây giờ.
Khoảng 11 giờ 00 sáng, phi cơ đáp xuống phi trường Adelaide. Lúc xuống máy bay, các cô Tiếp Viên phi hành phát cho mỗi người một cái dù. Hành khách phải lội bội từ máy bay đi vào trong trạm Hàng Không khoảng 200m. Hôm đó trời Adelaide vừa u ám lại có mưa lun phun, nên rất lạnh. Ra khỏi máy bay, ở phi đạo gió thổi lạnh và mưa phun, tui rét run, nổi da gà, gai ốc tứ tung, lạnh đến nỗi môi thâm, hai răng dập vào nhau kêu cầm cập.
Người ta áo vest, áo ấm mặc 2 - 3 lớp, còn tui chân đi dép lẹp xẹp, trên người chỉ có chiếc áo thun (T Shirt). Có lẽ nhiều người cho tui là thằng quái dị, mình đồng da sắt, nên không cảm thấy lạnh. Nhưng thực ra tui lạnh thấu tới cụ Hồ.
Ra khỏi trạm hàng không là muốn bò lết, bò càng, nhảy ngay lên xe bus của Bộ Di Trú chờ sẵn, cho ấm.
Đến Pennington Hostel, vào phòng tiếp tân, bà Taylor phụ trách xã hội, thấy tui lạnh run, môi bầm tím, nên nói với anh Kim thông dịch viên, đi kiếm cho tui cái áo len. Mặc áo len vào, tui cảm thấy ấm lại, thật là hạnh phúc và nhớ mãi cho đến bây giờ.
Vài ngày sau, tui được hướng dẫn lên Rundle Mall học tiếng Anh. Sau giờ học, cô giáo Diana chào và nói với tui: “See you later”. Tôi ra ngoài, ngồi cái ghế gần cửa chờ hoài. Chừng một tiếng đồng hồ sau, cô Diana mở cửa ra, thấy tui vẫn còn ngồi đó. Cô hỏi tui, tại sao anh còn ngồi đây. Tui bèn trả lời: Cô nói là, cô cần gặp lại tui nữa mà. Cô Diana nói: Oh! No! No! Rồi cô cắt nghĩa cho tôi câu: “See you later là chào tạm biệt”. Thế là mất mẹ nó mấy tiếng đồng hồ ngồi đợi không! Quê ơi! Là quê!!! Ngố thật.
Lại còn cái bảng “No Standing” quái ác này nữa. Hàng ngày tui phải đón xe Bus đi City học Anh văn.
Lúc đó chung quanh Pennington Hostel có nhiều trạm xe Bus. Mấy người sang trước, họ nói với tui. “No Standing” là không được đứng đó. Mỗi ngày đi học, tui thường né những trạm Bus stop nào có đông người.
Gần trạm Bus Stop thường có cái bảng “No Standing”, nên tui không dám đứng chỗ đó. Tới khi xe bus đến, tôi phải chạy hộc hơi, đuổi theo để lên xe bus.
Khi lên xe, tui ngồi kế bên một người Việt, anh ta thường hay đi tuyến đường này. Nhìn thấy tui chạy như vậy mỗi ngày, nên anh ta nói với tui: Sao bạn không đứng gần bảng Bus Stop mà đứng xa quá vậy. Tôi nói với anh ta: Có người bảo tôi “No Standing” là không được đứng ở chỗ đó. Đứng đó sẽ bị phạt. Anh ta cắt nghĩa No Standing chỉ áp dụng cho xe hơi thôi. Zậy là tui bị mấy người Ziệt đến trước, chơi tui rồi.
Rồi còn thêm cái ông Bẹc Cà Na láng giềng nữa. Ổng ở phòng kế, bên trong Hostel với tui. Ổng thấy cái bản mặt tui khờ khờ, ngơ ngáo mới qua. Ổng dựt le, kể chuyện thời sự Nam Úc với tui, là tại Nam Úc trời hay hạn hán, không có đủ nước cho dân chúng xài, nên chính phủ Nam Úc phải cho tàu, kéo xà lan xuống mãi tận Nam Cực, kéo những tảng băng nước đá thật lớn về Adelaide, đem lên lọc cho dân chúng xài.
Tui nghe có lý, nên tin là như vậy, thế rồi tui cũng đi kể chuyền tai cho những người mới tới nghe. Vài năm sau, tui nghe được rất nhiều người kể lại chuyện này. Guê thiệt, thật là phản khoa học.
Bà Mẹ ơi!!! Sao lúc đó mình ngố thế nhỉ! Đi kể truyện, chuyền tai cho bà con, những chuyện tào lao xích đế, vô lý… giống như mấy chú cán ngố vào giải phóng miền Nam, nhồi sọ những câu chuyện ngốc nghếch cho dân chúng miền Nam nghe, mà không biết guê…
Quê vì Chó nóng:
Một hôm xong giờ học, tui lội bộ ra quán Hungry Jack cuối Rundle Mall mua đồ ăn. Tui nhìn trên bảng thực đơn thấy có chữ Hot Dog. Thèm thịt chó, tui nghĩ là: "Đúng nó đây rồi". Nên tui xếp hàng, mua ăn thử, nhưng không phải, nó chỉ lại loại thịt bằm, dồi bằng máy của người Tây phương. Ăn Hot Dog xong tôi ra khu vực Smoking Free có bàn ghế ngồi, tui bật quẹt lên hút thuốc phì phào tỉnh bơ, thấy nhiều người cứ liếc mắt nhìn tui.
Khi đang phì phèo thưởng thức khói thuốc, thì cô chủ tiệm, đến nói với tui: Excuse me! No smoking at here, rồi cô ta đuổi tui đi. Cô ta nói: Anh ngồi đây hút thuốc sẽ bị phạt. Mấy chục con mắt của những thực khách trong nhà hàng nhìn tui. Thế là tui bị quê, chui vội vô Rest Room lẩn tránh cho đỡ quê, cứ nghĩ đây là phòng nghỉ Rest Room để thư giãn. Ai ngờ, nó là cái Toilet, nên tui ráng vào ngồi chừng ít phút, rồi len lén nhẹ nhàng zọt ra, chuồn luôn một mạch.
Quê vì Chuyện cái Đuôi Bò:
Trong thời gian ở trại tạm cư ở Pennington Hostel. Người Việt thường rủ nhau ra tiệm bán thịt, ngay trạm Stop Bus 28 trên đường Hanson Rd. mua thịt.
Vì dân ta chuyền tai nhau, đến chỗ đó mua thịt, vừa rẻ lại vừa tươi.
Một hôm, tụi bạn ở chung phòng, rủ nhau đi mua thịt. Ra đến tiệm thịt, thì một người gợi ý là mua đuôi bò về nấu cháo. Nhưng chẳng ai biết tiếng Anh, cái đuôi bò thì phải nói làm sao?
Đứng trước quày hàng, tui dựt le, gọi ông bán thịt lại, trổ tài nói tiếng Anh. Tui hỏi ông ta: “Have you got!! Ơ, ơ!! Cow ơ..ơ..” thì bị tịt.
Ông chủ hỏi tôi: “What do you want”?. Tôi bí kế, phải đưa đại cái bàn tay ra đằng sau mông, thò cái ngón trỏ thẳng ra phía sau, rồi ngoáy! ngoáy! mấy cái.
Ông chủ tiệm thịt đoán mò, đi vào phía sau quầy hàng, lấy ra cái đuôi bò, rồi hỏi: Is it right? Tôi không ngờ ông chủ tiệm lại thông minh đến thế, đã đoán trúng ý của tui.
Đuôi bò mọc ở sau mông
Ngón tay ra hiệu, người trông, hiểu liền
Khi lên xe bus, trên đường về lại Pennington Hostel, mấy người cứ tủm tỉm cười hoài, làm tui mắc cỡ đỏ mặt, tía tai ngồi nín thinh cho tới khi xuống khỏi xe bus.
Quê vì đi giết bê chui.
Ra khỏi trại tạm trú, chúng tôi thường mướn nhà ở chung. Hồi đó, cuối tuần chúng tôi hay rủ nhau xuống nông trại mua heo, bò, tự giết lấy, để có thịt tươi, rẻ, lại có tiết, để đánh tiết canh nhậu lai rai.
Một hôm chúng tôi mua của anh Joe người Ý, một con bê trông bụ bẫm mát mắt. Sau khi thọc tiết cho con bê chết. Chúng tôi mua rơm, thui theo kiểu nhà quê VN, để làm món thịt bò tái gừng. Anh bạn tui, chuyên nghề thui bê. Anh ta cầm nắm rơm đốt lửa, vừa quạt, vừa hơ hơ từng chỗ trên thân con bê, thỉnh thoảng anh ta lấy dao cạo cạo trên da, thấy chỗ nào hơ lửa, da chuyển sang màu vàng tươi, thì anh ta cầm mồi lửa rê sang chỗ khác.
Joe nhìn thấy chúng tôi làm như vậy nhiều lần, nên anh ta ngứa mắt, vừa cười vừa phát biểu một câu: “Sic!! Fucken food” làm cho chúng tôi hơi quê quê.
Chúng tôi nín thinh cúi đầu thui tiếp. Sau khi làm thịt tái sạch sẽ xong, chúng tôi đem một đĩa thịt bê thui đã thái sẵn còn nóng hổi với nước mắm pha gừng, ớt, tỏi, đem tới mời tên Joe ăn thử. Anh ta khen ngon, mỉm cười mím chi: “very fresh”
Quê, đi làm Hãng:
Sang Úc được vài tháng, tôi xin được việc làm trong hãng sản xuất xe hơi Holden. Công việc làm thì không đến nỗi vất vả cho lắm, nhưng bị trở ngại vì tôi không rành tiếng Anh, nên khi ông Cai (Forman) giao việc cho tôi, ông nói một thôi, một hồi, tôi cứ “Yes” lia lịa, xong rồi tôi chẳng hiểu phải làm gì?
Một hôm ông Cai giao cho tôi coi cái máy dập sắt. Ông ta chỉ cho tôi cách điều khiển máy. Làm được vài phút, thì tôi nhấn sai, máy dập xuống bẻ cái khuôn. Ông Cai đến cự nự tôi một hồi, rồi nói:
“I asked? Do you understand? You said Yes! Why did you break the machine?”.
Tôi trả lời ông Cai một cách ngon lành: “Yes! I am YES very well” thế là ông ta lắc đầu, nhe răng cười khì một cái, rồi bỏ đi một mạch lên văn phòng...
Lúc sau ông ấy dẫn lại một người Việt Nam đã làm việc ở đây lâu năm, đến làm thông dịch cho tôi. Anh bạn người Việt, dịch lại lời dặn của ông Cai: “Nếu anh không hiểu, thì nhờ người chỉ lại cho anh. Anh làm hư máy như vậy, hãng không sản xuất được hàng hóa, một tiếng đồng hồ có thể bị thiệt hại cả bạc triệu dollars”.
Ôi sao! Nghe mà ghê thật, chỉ không biết tiếng Anh mà làm trở ngại sản xuất, thiệt hại cho hãng cả bạc triệu và khiến cho nhiều người không có việc làm.
Hồi đó, tôi cứ phang tiếng Anh tưới lung tung, chả cần phải danh từ, động từ gì ráo trọi như: I don’t know speak English or me no English.
Tôi nói một câu tiếng Anh ngắn, thì phải chêm thêm hàng chục tiếng “You Know” kế tiếp. Về sau, mấy thằng bạn nó chọc quê, gọi tui là “Mr. You know”. Tôi học chửi thề thì rất nhanh, đi mua hàng, tui chỉ nói được vài câu Anh ngữ căn bản. Sau đó tiếng “F...ck.” văng ra rầm rầm.
Đúng là học chửi tục thì dễ và nhanh hết xảy.
Đồ hàng mua về nhà không vừa ý, hay là bị hư. Tui đem ra tiệm đổi lấy cái khác. Tui chỉ nói vài câu như: No Good, tức khắc đệm vài câu chửi thề F..ck, rồi thank you đi về.
Quê khi vào Shop:
Những tuần đầu đi học Anh Văn. Cô giáo dẫn chúng tôi đi shop để học hướng dẫn đời sống mới “Orientation”.
Đến shop John Martin, tui nhìn thấy có 2 lối vào, một lối có cửa tự động, một lối gắn kiếng dầy và rất trong, nhưng không mở. Tui giựt bộp đi trước, hiên ngang đi ngay vào cái lối có kiếng không mở, tui đụng trán vào kiếng của shop một cái rầm, tá hỏa tam tinh.
Quê quá! Tui lấy tay xoa xoa trán mấy cái, rồi bẽn lẽn theo sau đám đông đi vào cái cửa tự động. Cô tiếp thị người Úc đứng gần cửa, thấy tui đụng kiếng quá mạnh, nên lại gần hỏi tôi: Are you Ok? Tôi quê quê, nên làm bộ trả lời: Ok! Ok! Nhưng thực ra cái trán tui đang nhức nhối và cảm thấy nó đang từ từ u lên. Lúc vào trong shop, đi lòng vòng, đến xem khu bán kitchen ware. Tui làm bộ rờ rờ coi con dao to bản, xem lưỡi nó có bén không? Ngó qua, ngó lại, hổng thấy ai để ý. Nhanh như chớp, tui vội lấy con dao, đặt lên trán, ép mạnh vào chỗ u, rồi day day mấy cái, cầu mong cho nó xẹp xuống.
Tui nhớ hồi xưa còn nhỏ, chạy chơi, bị té u đầu, Má tui thường lấy con dao, day day lên trán cho đỡ xưng. Không ngờ mấy bà nhà quê hồi xưa, còn hay hơn Đốc Tờ bây giờ, lấy nước đá đắp lên chỗ bị té u cho mát, để tan máu bầm (bruise).
Quê vì đi Cua Đào:
Thuở ban đầu người Việt tỵ nạn, vượt biên qua Úc, gái Việt rất hiếm. Cho nên các cô thật là có giá, cô nào đẹp như Thị Nở thì cũng có cả tá thanh niên bu quanh, nên các cô cứ tha hồ mà vênh váo, chảnh, ngảnh mặt kênh kiệu, chọn lựa những chàng nào điển trai, dễ sai, chi $$ đẹp mới ưng. Tui nghe mấy thằng bạn rỉ tai: Mày không lo đi cua đào, thì có ngày sẽ ế vợ đó em giai, nằm chèo khoeo, ôm của qúi dài dài qua đêm đông giá lạnh....
Tôi cũng lo lo, không biết mình xí trai như vầy, mà lại gần các cô gái Ziệt, chắc dám bị đá giò lái thì quê thấy mẹ. Thế rồi tui cũng theo mấy thằng bạn đi dê, kiếm bạn gái. Nhiều cô chê tui là thằng cù lần. Tui biết cái thân phận quê mùa, tứ cố vô thân của tui, nên hổng dám trèo cao lên các cô gái Việt.
Tui nghe mấy thằng bạn xúi đi cua gái Úc. Chúng nó nói: Gái Úc, tụi nó đã không thương thì thôi! Con Úc cái nào mà nó đã chịu mình rồi, thì nó bám sát như ruồi Úc, đuổi không đi.
Tui nghe vậy, mừng thầm, nên lén lén ra cái tiệm Milk Bar gần nhà tui, giở hết vốn liếng tiếng Anh ra cua con nhỏ bán hàng.
Con Nina thấy tướng tá tui mạnh khỏe, tốt tướng to con, ngang ngửa với thanh niên Úc, nhìn giống như tên vật bột, nên nó cũng có chút cảm tình.
Một hôm tui rủ nàng đi chơi, rồi đưa về nhà tù ti…Không ngờ! Nó phang ngay cho tôi một câu:
Hey! Mate!
No Car, No Job, No Money
Please! Don’t talk “Love Me”
Thế là tui quê một cục, từ từ rút lui có trật tự.
Quê vì Thương Gia dổm:
Mới sang Úc, đa số dân tỵ nạn, ít người có đủ tiền mua xe hơi.
Toàn là đón xe bus và quá giang xe đi xuống phố.
Năm đó, thằng bạn tui cưới vợ. Hắn mời tôi đi đám cưới. Tui suy nghĩ mãi, quần áo hổng có, tiền cũng không. Tui tìm đến tiệm Thrift Shop & Vincent De Paul, hy vọng kiếm được bộ đồ vía.
Rất may, khi vào hai tiệm Second hands này, lục lọi mãi thì kiếm được cái áo Veston giá $1.00.
Một tiệm, tôi kiếm được cái áo, còn một tiệm có cái quần. Tuy không tiệp màu với nhau, nhưng cũng tạm ổn, có thể dựt le được.
Khi lựa hàng xong, tui xổ một tràng tiếng Anh. Mấy bà bán hàng, thấy tui nghèo rớt mùng tơi, nên chỉ lấy tổng cộng có $1.00/một bộ complé oách xì xằng và 20 cents cái cà ra vát.
Vì thời đó tiền Úc rất có giá: AUD $1.00 Úc kim đổi được US $2.20 dollars Mỹ, nên xài đã ngứa.
Mua được bộ đồ vía rồi. Về nhà, tui mặc thử, soi kiếng trông cũng ra vẻ lịch lãm.
Đến ngày đám cưới, chúng tôi rủ nhau quá giang xe, ba thằng đi chung một xe. Sau khi tiệc cưới tan, chúng tôi ra về. Chạy được chừng vài cây số thì xe hết xăng.
Quê cái là, mấy thằng tui quá giang, toàn mặc đồ Veston phải xuống đẩy xe vào lề.
Xe thì cũ, thùng to và nặng, khúc đường lại hơi dốc. Chúng tôi gò lưng, cong mông đẩy.
Nhìn thấy chúng tôi ốm yếu, đẩy xe đuối sức, hai ông Úc to con đi qua, họ stop xe, xuống đẩy phụ chúng tôi vô lề đường.
Chúng tôi bắt tay cảm ơn hai ông người Úc. Họ làm quen, rồi hỏi chúng tôi: Are you Ok now?? Tui bắt tay nói: Yé! Yé..Thank you, thank you!! Hai ông Úc hỏi thêm mấy câu xã giao nữa: Are you Japanese bussiness men??
Ha!!Ha!! Vì thấy chúng tôi mặc Veston ngon lành, sáng sủa, họ cứ tưởng chúng tôi là những thương gia Nhật. À!! Thì ra chúng tôi đúng là những thương gia dổm, khố rách, áo ôm, trong túi không có lấy 1 đồng xu dính bóp để đổ xăng.
Thời điểm đó, theo luật chính phủ Nam Úc, trong thành phố Adelaide, các trạm xăng, các shop cũng như các quán bán rượu bia đều phải đóng cửa cuối tuần. Cấm không được mở ngày weekend, để mọi người nghỉ ngơi. Muốn đổ xăng phải ra ngoài thành phố “On High Way”.
Cuối tuần, mở tiệc tùng, ai muốn uống rượu bia, thì phải mua trước ngày thứ Sáu.
Nếu không muốn cho bạn bè nhậu xỉn, chỉ cần tuyên bố một câu “Hết Rượu” là mọi người đều ra về vui vẻ. Vì là weekend, nên không có shop nào mở cửa bán rượu beer cả.
Quê vì té trong Toilet:
Ở nhà quê bên VN, tui đi cầu, ngồi chồm hổm, thả bom trên ao cái Dzồ quen rồi, gió thổi hiu hiu vừa mát mông, vừa thoải mái, cúi xuống coi cá Dzồ dành ăn. Tiếng đạn rớt xuống đầu cá Dzồ thanh thót như chọi cục đất xuống hồ nước.
Đến trại ty nạn trên đảo Pulau Bidong, sáng sớm chúng tôi thường rủ nhau đi xuống dốc đá. Những mỏm đá ngay bờ biển, để thả bom cho đỡ hôi và thoải mái như bên VN.
Khi mới tới Hostel, đi toilet, ngồi bệt trên cái bồn cầu hiện đại, tui không quen. Mỗi lần đi cầu, là tui phải leo lên ngồi chồm hổm (hover) trên bồn cầu. Một lần bị Tào Tháo rượt, nín không nổi, tái xanh mặt mày, tui vội vàng vô toilet, vừa kịp kéo cái quần xuống, leo vội lên bồn cầu. Mất thăng bằng, tui té nhào xuống đất, đập đầu vô tường, may mà tui có nghề, nên phản ứng kịp thời, chống tay đỡ xuống đất, chỉ bị u đầu, trầy da tróc vẩy chút xíu thôi.
Những ngày đầu tiên mới đến hostel. Đi toilet, tui không dám bỏ tissues vào trong bồn cầu, vì sợ nghẹt bồn cầu như bên VN. Chùi trôn xong, tui vất đại giấy tissues xuống nền nhà, bởi không thấy có thùng rác trong phòng vệ sinh.
Sau vài lần theo dõi, bà dọn phòng (cleaner) phát giác ra cái thằng tui, dơ dáy. Bả ấy dũa tui một trận. Ông bạn phòng kế bên, thấy bà dọn phòng to tiếng complaint tui. Thế là Ảnh ấy nhảy vô can thiệp, làm thông dịch cho tui. Bả ấy nói: Chú chùi tissues xong rồi, thì phải bỏ vào bồn cầu, nhấn nước cho nó trôi đi, giấy tissues bên này là loại tự động tan, chứ không giống như loại nhựt trình bên VN mà chúng ta vẫn dùng để đi cầu đâu.
À!! Thì ra là vậy.
Quê vì cái Toilet kiểu Nhật: "Bồn Cầu Tự Rửa" có Remote control và nhạc nghe khi thả bom.
Cách đây gần 5 năm, tôi có ghé qua thăm Nhật Bản.
Tại Phi trường thì có phòng vệ sinh, tuy mới nhưng không có gì khác biệt ở các nơi trên thế giới. Phi trường cũng có bồn cầu ngồi kiểu chồm hổm như bên VN, và cũng có kiểu ngồi bô như Tây phương.
Khi vào tới khách sạn Nhật, lần đầu tiên tôi mới thấy cái cầu tiêu loại mới, tự rửa (Self clean up).
Toilet gần phòng Reception
Vừa tới hotel, tôi mót tiểu, bèn hỏi cô Tiếp Tân, cô ta chi vào Wash Room (tiếng Mỹ là toilet đấy. Quí vị sang Mỹ họ sẽ nói là Wash room, Rest room or WC, chứ họ không gọi toilet như nên Úc).
Tôi vừa mở cửa Toiket, thì bồn cầu Automatic mở nắp lên. Sau đó nó bèn làm động tác kế tiếp là lau bàn cầu ngồi. Cái vành cầu để ngồi, nó sẽ tự động xoay 360 độ, để cái tampon gắn phía dưới bồn nước xả tự động lau cho sạch để quí vị ngồi cho mát đít. Tất cả các bàn cầu ngồi đều có máy xấy, làm ấm bàn cầu ngồi, trong mùa đông cho đỡ lạnh mông
(Quí vị có thể lên Website
để tìm hiểu trước khi đi du lịch sang Nhật. Hàn quốc họ cũng đang lắp ráp loại bồn cầu tự động này, thay thế bồn cầu cũ. Úc của chúng ta, thì chỉ mới lắp ráp trên vùng Gold Coast và có thể order loại bồn này từ Gold Coast)
Mấy đứa con tui, tụi nó nghịch ngợm, hai đứa nhóc chen nhau, dành vô restroom để phá.
Tụi nó quay video cách hoạt động của hệ thống phun nước rửa. Khi ngồi đè lên toilet seat, thì lực nặng dí xuống, công tắc mới bật lên. Chứ, nếu chỉ ấn nút tùm lum mà không ngồi lên nó, thì nó không nhúc nhích gì hết.
Trước kia tui đã từng nghe loại bồn cầu này, nó đã có khá lâu trên đất Tây rồi. Nhưng họ chỉ gắn cho các nhà giàu mà thôi, nên ít người thấy. Tui nghĩ, bây giờ có sẵn ở đây, tại sao mình không gấp gáp thử một phát cho biết.
Thế là tui trút bỏ xiêm y, chễm chệ leo lên, an tọa trên bồn cầu ngồi thả bom
.
Khi xong rồi, tui mới mò mẫm nhấn từng cái nút, theo số thứ tự: Cái nút đầu tiên vẽ vòi nước, tui nhấn nút đó, thì có một cái vòi nhỏ như cái bàn chải wuấn răng, núp ở trong vành bồn cầu, từ từ thò ra giữa bô, xịt những vòi nước li ti, âm ấm lên mông, nó làm cái nhiệm vụ rửa sạch. Tui nhấn thêm cái nút kế tiếp nữa, xem sao? Đột nhiên có một cái máy tương tự, như ống máy sấy tóc rất nhỏ, thò ra xấy cho khô cái bàn tọa cho tui.
Tui nghĩ thế này, thì chiến quá! Nhưng lại còn cái nút vẽ hình người đàn bà trên đây, thì nó có công dụng gì?
Suy nghĩ một lúc!! Mình đã vô đây rồi, đâu có ai dòm ngó. Sợ gì? Tại sao lại không thử hỉ?
Vậy là tui nhấn ngay cái nút có hình cô Ba, tức thì một bàn tay nhựa nhỏ nhắn thò ra, nó túm nguyên một chùm l^..ng toan giật một cái rột xuống. Tui hết hồn, nhổm đít lên cái thót, vội vàng dí ngón tay nhấn cái nút stop, tức thì máy nó buông ra.
Chưa kịp hú hồn vì suýt nữa bị mất của quí. Ngay lập tức, cái máy khỉ gió này, nó dán vào phía cụ hồ của tôi một cái băng vệ sinh.
Mèn đéc ơi! Thì ra cái nút đó để giúp các Dì thay băng vệ sinh! Quá tuyệt. Bên Nhật, hotel 5 Sao đều có bồn cầu full Automatic. Quí Dì muốn máy services, thì nhớ booking Hotel 5 sao nhé.
Còn lại tất cả các Hotel bình dân 3 sao trở xuống và các nhà dân cư hay public đều đã lắp ráp bồn cầu tự động, nhưng không có nút nhấn "Hình Cô Ba".
(Hiện nay vài shop Plumbing ở Nam Úc cũng có trưng bày loại bồn cầu kiểu Electric Auto Bidet này.
Em tôi đã lắp một cái "working good"
Chúng ta cũng có thể mua loại Standard Auto Electric Bidet đem về lắp ráp thay thế bồn cầu nhà. Upgrate giá khoảng 5 - 6 trăm đô, cần phải nối thêm dây điện, nhưng không đủ các function và "ngon lành" như loại Auto Clean Up Bidet, ráp ngầm trong vành của bồn cầu ở hotel bên Nhật Bản.)
Cái tính tò mò của tui, tuy cũng tốt. Nhưng đôi khi mang họa. Bởi vậy đi đâu, tui thấy gì khác lạ, không giống như của nhà. Tui ngài ngại không dám thò tay vào. Sợ trouble sẽ khốn vào thân.
Quê vì nước nóng:
Thoạt đầu đến Pennington tui vào phòng tắm công cộng trong hostel để tắm, tui trút hết quần áo xuống như con nhộng, nhào zô phòng tắm mở vòi nước. Vì trời lạnh nên tui vội vã mở cái vòi nước nóng trước. Nước vừa ra khỏi bông sen, hơi âm ấm. Tui vừa chui dô, chưa kịp mở nước lạnh, thì cha nội phòng kế bên, tắm xong, tắt nước. Thế là cái vòi nước nóng, nó sôi gần đến 100 độ phóng ra, phun mạnh vào người tui, nóng muốn lột da. Tui, tông cửa nhẩy ra ngoài, bỏ vòi nước tự do chảy. Tui không làm cách nào để vào tắt vòi nước được. Rất may có một thanh niên vừa mở cửa bước vào, thấy tui đang mặc bộ đồ A Dong. Tui vội nhờ anh ấy chạy ra phía ngoài nhà tắm, cúp cái bình nước nóng giùm, lúc đó tui mới trở vào phòng tắm, tắt được cái vòi nước nóng.
Chui cha! Tởn cho tới già. Anh bạn hào hiệp dặn tui: Lần tới, nếu chú có tắm, thì mở vòi nước lạnh trước, sau đó mở từ từ vòi nước nóng cho nó hòa lẫn với nhau, vừa đủ ấm hãy nhào vô. Đừng mở vòi mước nóng trước, nhiều khi nó phun nước nóng ra quá mạnh, không thể tắt được.
Thế là lại có thêm một bài học về nước tắm nữa….
Tui còn nhiều chuyện bị quê lắm bà con ơi! Lúc nào gưởn, gưởn tui sẽ kể tiếp cái chuyện du lịch sang Mỹ, sang Nhật nữa, để bà con biết, tui ngố tới cỡ nào.
Nhớ lại thời gian 35 năm về trước, khi mới đến Úc.
Bây giờ mình mới thấy "Quê Một Cục".
Kỷ niệm 35 định cư ở Úc Châu
Jo. Vĩnh Miệt Dưới
No comments:
Post a Comment