KẺ KHỜ KHẠO
THE NINCOMPOOP
Tác giả: Anton Chekhov
Trương Mỹ-Vân dịch
Trương Mỹ-Vân dịch
Lời giới thiệu: Anton Chekhov (1860-1904) là văn sĩ Nga sinh tại thành phố Taganrog, ven biển Azov. Ngay lúc còn học y khoa ông đã nuôi sống gia đình bằng cách viết truyện ngắn, và sau khi tốt nghiệp, ông vừa hành nghề bác sĩ vừa tiếp tục nghiệp văn vào lúc tuyển tập truyện ngắn của ông bắt đầu nổi tiếng.
Ông sáng tác trên một ngàn truyện ngắn và nhiều kịch bản với các đề tài chính như sự bất lực của đám người nghèo khổ và những ngộ nhận giữa con người. Lòng trắc ẩn của ông đã khiến ông tìm hiểu tâm trạng và số phận của đám tù nhân Nga thường bị xã hội bạc đãi. Ông đã gây ảnh hưởng lớn lao đối với các nhà văn Anh Mỹ nổi tiếng như Katherine Mansfield (1888-1923) và Ernest Hemingway (1899-1961).
Truyện "Kẻ Khờ Khạo" được dịch từ nguyên tác "The Nincompoop" với bối cảnh là xã hội Nga vào thế kỷ thứ mười chín dưới thời Nga Hoàng và nội dung đề cập đến một đề tài quen thuộc trong các tác phẩm của Anton Chekhov: sự bất lực của những kẻ yếu thế, thường hay bị người khác lợi dụng và xã hội chà đạp.
Cách đây vài hôm, tôi cho gọi cô Julia Vassilyevna là cô giáo dạy kèm các con tôi vào thư phòng để hỏi chuyện. Tôi bảo cô:
Truyện "Kẻ Khờ Khạo" được dịch từ nguyên tác "The Nincompoop" với bối cảnh là xã hội Nga vào thế kỷ thứ mười chín dưới thời Nga Hoàng và nội dung đề cập đến một đề tài quen thuộc trong các tác phẩm của Anton Chekhov: sự bất lực của những kẻ yếu thế, thường hay bị người khác lợi dụng và xã hội chà đạp.
Cách đây vài hôm, tôi cho gọi cô Julia Vassilyevna là cô giáo dạy kèm các con tôi vào thư phòng để hỏi chuyện. Tôi bảo cô:
- Ngồi xuống đi, cô Julia. Tôi muốn thanh toán tiền lương của cô. Mặc dầu cô cần tiền nhưng lúc nào cũng giữ đúng khuôn phép và chẳng bao giờ chịu hỏi. Thế nào, cô đã thỏa thuận về tiền lương cô rồi chứ? Ba mươi đồng rúp-bô một tháng phải không?
Julia ấp úng:
- Bốn mươi.
- Đâu có, ba mươi chứ. Tôi đã ghi sổ hẳn hoi và bao giờ cũng trả lương các cô giáo dạy con tôi ba mươi đồng. Cô làm việc ở đây được hai tháng.
- Hai tháng năm ngày.
- Đúng vỏn vẹn hai tháng. Tôi có ghi sổ mà. Như thế lương cô sáu mươi đồng rúp-bô, trừ đi chín ngày cô không dạy cháu Kolya mà chỉ đi dạo thôi. Và thêm ba ngày lễ nữa ...
Mặt Julia đỏ bừng lên, bàn tay mân mê tà áo tuy không nói được lời nào. Tôi bảo tiếp:
- Ba ngày lễ, vậy trừ đi mười hai rúp-bô. Bốn ngày cháu Kolya bị bệnh không học được và cô chỉ chơi với cháu bé Vanya thôi. Ngoài ra còn thêm ba ngày cô đau răng nên nhà tôi cho cô nghỉ việc buổi chiều. Để tôi tính xem nào. Mười hai cọng bảy là mười chín, trừ vào số lương cô còn lại bốn mươi rúp-bô. Có đúng thế không nào?
Mắt Julia mọng đỏ, rớm lệ và đôi môi run rẩy. Nàng khẽ ho, tiếng ho khô khan của người bối rối và đưa khăn thấm nước mắt nhưng tuyệt nhiên không hề thốt lên được một lời.
- Sau Tết, cô làm vỡ chén trà, vậy trừ đi hai rúp-bô. Thật ra chén trà đó trị giá nhiều hơn thế nữa vì là vật gia truyền, nhưng thôi tôi chịu thiệt thòi cũng được. Lại còn chuyện cô bất cẩn để cháu Kolya leo cây làm rách áo khoác của cháu nữa. Vậy trừ đi mười rúp-bô. Và cô sơ ý để bà giúp việc lấy cắp đôi giày của Vanya. Cô phải cẩn thận canh chừng mọi việc trong nhà này chứ! Cô ăn lương đàng hoàng mà! Vậy trừ đi năm rúp-bô. Ngày mười tháng giêng vừa qua, tôi có đưa trước cho cô mười rúp-bô.
Julia thì thào:
- Đâu có.
- Tôi ghi sổ hẳn hoi mà.
- Thôi... cũng được.
- Nào, bốn mươi mốt trừ đi hai mươi bảy còn lại mười bốn rúp-bô.
Đôi mắt Julia giờ đây đầy lệ và mồ hôi điểm lấm tấm trên trán, trên mũi nàng. Thật tội nghiệp cho nàng quá!
Giọng Julia run rẩy:
- Lần duy nhất tôi được trả tiền trước là lúc bà chủ đưa cho tôi ba đồng. Thế thôi.
- Thật không? Vậy mà tôi không biết nên chẳng hề ghi vào sổ. Mười bốn trừ đi ba còn lại mười một rúp-bô. Này, tiền đây cô. Ba, ba, ba, một và một. Lương cô đấy.
Tôi đưa cho Julia mười một rúp-bô. Julia cầm lấy và với bàn tay run run, nàng nhét tiền vào túi áo rồi thì thào:
- Cám ơn ông.
Tôi đứng bật dậy và đi quanh phòng. Cơn giận khiến tôi không còn nhịn được nữa. Tôi hỏi nàng:
- Cám ơn tôi... Tại sao?
- Về món tiền này.
- Nhưng cô thừa biết tôi đã lường gạt cô, bóc lột cô. Tôi đã thực sự ăn chận tiền lương của cô. Thế sao cô lại cám ơn tôi?
- Vì các nơi tôi kèm trẻ trước đây không hề trả lương cho tôi.
- Họ không hề trả lương cho cô thật sao? Thảo nào! Tôi chỉ đùa thử với cô, cho cô một bài học tàn nhẫn để dạy cô mà thôi... Tôi sẽ trả lương cô đúng tám mươi rúp-bô. Này, lương cô đây, trong phong bì này... Tại sao cô có thể nhu nhược đến thế? Tại sao cô không có một lời phản đối? Tại sao cô lại im lặng như vậy? Có thể nào trên đời này lại có những người yếu đuối, khờ khạo đến thế sao?
Julia cười méo xệch và tôi đọc được trên nét mặt nàng câu trả lời: "Có thể lắm chứ."
Tôi xin lỗi Julia về bài học tàn nhẫn này và đưa cho nàng tám mươi rúp-bô. Julia trố mắt ngạc nhiên và lẩm bẩm: "Cám ơn ông" nhiều lần rồi bước ra khỏi phòng. Tôi nhìn theo nàng và ngẫm nghĩ: "Muốn lợi dụng và bóc lột kẻ yếu thế trên đời này thật ra không khó."
No comments:
Post a Comment