Thursday, March 2, 2023

Tạ Tỵ viết về Vũ Hoàng Chương

Cách đây 27 năm, vào buổi tối đầu thu, thành phố Hà Nội vừa lên đèn. Gió từ bờ Hồng Hà thổi nghe thấm lạnh. Những chiếc lá đầu mùa đã thả xuống lề đường làm duyên cho thành phố. Nguyễn Đức Nùng, người bạn cùng trường đưa tôi đến gặp Vũ Hoàng Chương tại một căn nhà cổ, sau đến Bà Kiệu. Đến nơi tôi gặp thêm Đinh Hùng, Lê Trọng Quỹ cùng vài ba bạn khác.

Căn nhà thấp, rất thấp, tối om om. Đó đây từng ngọn dạ đăng cháy lập lờ không soi tỏ mỗi khuôn mặt. Tôi được giới thiệu với Vũ và các bạn. Hình ảnh đầu tiên ghi nhận ở Vũ, đến hôm nay còn in rõ trong tôi như vết tích không phai với thời gian, đó là một thanh niên mảnh mai chìm khuất dưới bộ bà ba trắng đã ngả màu, nằm nghiêng bên ngọn dạ đăng ma quái. Vũ đưa mắt nhìn tôi mà tôi tưởng như Vũ nhìn vào khoảng trống. Đôi mắt ấy toát ra ánh sáng kỳ lạ. Nó lóe lên giống tia chớp rồi vụt tắt giữa màu mây nặng trĩu hơi mưa (…)

Tôi mê thơ Vũ đến nỗi thuộc hết tập Mây lúc nào không hay. Tôi còn thích Vũ ở lối ăn mặc đặc biệt. Vũ thường mặc áo gấm màu lam, đi giày ta, mang khăn xếp, tay cầm quạt và luôn luôn có đem theo cuốn Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh bằng chữ Hán. Vũ đi thất thểu, chậm rãi với phong độ nho gia. Sau đó ít lâu Vũ về quê nhà ở Nam Định. Bẵng đi một dạo, cho tới năm kháng chiến thứ ba, tôi mới gặp Vũ tại Đống Năm thuộc tỉnh Thái Bình, nhân buổi họp mặt Văn Nghệ. Vũ vẫn thế, chiến tranh không làm Vũ đổi thay từ bản thân tới suy nghĩ. Chiếc áo gấm năm xưa đã phai màu gió bụi trường chinh, nhưng phong cách Vũ vẫn y nguyên. Trong thời gian ấy, Vũ làm thơ một phần để tỏ bày thái độ, một phần để nguôi ngoai tâm sự (…)

Sinh ra đời dưới một ngôi sao tốt, từ nhỏ, Vũ được bọc đùm trong nhung lụa, được dạy dỗ ở cả hai phía, Tây học và Hán học. Vũ đã hấp thụ văn học Tây phương đồng thời do sự giáo huấn của bà mẹ, Vũ cũng say mê Đông phương và sớm suy tư triết thuyết Lão, Trang với cổ thư Trung Quốc.

Sự ám ảnh của thời đại hoàng kim chìm khuất với vóc dáng chàng Tư Mã áo xanh trên bờ sông Dương Tử, hay khuôn mặt nàng ca kỹ bén Tầm Dương “tay ôm đàn che nửa mặt hoa”… đã làm phai mờ tất cả kích thước các nhà thơ lớn Tây phương: Hugo, Lamartine, Musset, Baudelaire, Verlaine, Rimbaud đang chiếu sáng trên vòm trời thi ca Việt Nam khoảng 1935-43 với từng người thơ chịu ảnh hưởng sâu đậm kỹ thuật, nhất là tư tưởng vay mượn của nền thi ca miền tóc vàng, tuyết trắng.

Vũ là tượng hình đứng cô liêu trong vòm trời quá khứ. Ánh sáng của ngọn hải đăng le lói giữa đêm khuya mịt mùng sóng vỗ, Vũ lắng nghe hồn mình trải rộng trên mỗi con nước đại dương và thầm ước sẽ tìm được trong sự luân lưu đó, chút hơi thở của người xưa vọng đến. Nhưng ánh sáng của ngọn hải đăng vẫn le lói hằng đêm và đại dương cứ luân lưu theo chu kỳ miên viễn, hơi thở của quá khứ trôi đi biền biệt không để lại vết tích gì trong vũ trụ bao la, có chăng chỉ còn lại niềm tưởng vọng giữa sự-sống-hôm-nay gửi về cõi-chết hôm-qua bằng môi trường suy cảm.

Vũ đã suy cảm và lựa chọn khổ đau, với đam mê huỷ diệt. Vũ khước từ cái công danh phú quý mà đời đã trao tặng sau những năm đèn sách, để tự dấn thân vào thế giới thi ca, tức là mang lấy nghiệp. Sự “đầu thai lầm thế kỷ” mà Vũ đã viết ra, hét to lên trong cơn mê loạn của thể xác, trong nỗi vò xé của tâm linh trước cuộc sống nghẽn lối, trước cơn bi phẫn của con chim bị trúng tên rã cánh, nhìn trời cao mà không vút lên được, nhìn trái ngọt mà không vừa an hưởng, nhìn thân phận trôi đi, trôi đi như ảo ảnh để nuối tiếc giấc mơ thành bướm thuở nào (…)

Thơ Vũ hiện diện như loài hoa quý, ngạo nghễ rung rung từng cánh mỏng cho phấn hương tan vào thinh không gửi đến mọi phương trời, mọi góc cạnh tâm tư đang chới với trong mê muội, trong dục vọng thấp hèn giữa cuộc sống buông trôi. Hành trình vào thơ Vũ, mỗi con người tự cảm thấy lâng lâng như lạc vào giấc mơ kỳ thú. Thời gian, không gian xáo trộn, quỷ với người là tình nhân, gỗ đá cũng mặc áo linh hồn. Nhưng muốn hiểu thơ Vũ đến cùng, người ta phải tìm hiểu cả cái dòng sống phức tạp xuyên qua từng khía cạnh ngọt ngào và cay đắng, đã làm Vũ chết điếng sầu đau, tê rời cảm xúc (…)

Tình yêu mà Vũ đã gửi tặng lầm nơi không phải thứ tình yêu qua nhanh như gió thổi, như lằn chớp ngang trời. Nó day dứt sượng sùng. Nó tái tê cuồng dại đến nỗi Vũ phải kêu la: “Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp Tình mười năm còn lại mấy tờ thư!” Biết rằng thất bại và biết được giá trị khổ đau, Vũ muốn tìm quên bằng cách đắm chìm thân phận vào trời say, nhưng không được:

Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa, mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm thế nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay màu đôi mắt biếc?

Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
Lá, lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ…”.
(Lá thư ngày trước, Mây)


No comments:

Blog Archive