Tuesday, April 12, 2016

Khi người nhà bệnh nhân bị bác sĩ kiện


"Muốn có tiền- cướp nhà băng, muốn thắng kiện- thưa bác sĩ", câu thành ngữ cửa miệng này để nói người thầy thuốc luôn trong tình thế thập diện mai phục. Làm được thì chẳng ai khen, chỉ cần sẩy tay một chút là có nguy cơ ra tòa và thua kiện. Âu cũng là nghiệp dĩ vậy. Nhưng hôm nay thì ngược lại, bác sĩ đem người nhà bệnh nhân ra tòa vì cãi lệnh bác sĩ.

Cuối  tháng Ba 2016 vừa qua, Chánh án Tòa án Gia đình Tây Úc Thackray đã ra quyết định xử cho Hội đồng chuyên môn bệnh viện Công chúa Margaret (Princess Margaret Hospital, PMH) ở Perth, Tây Úc thắng kiện, và lệnh cho bố mẹ phải đem con đến để bác sĩ điều trị.

Oshin Kiszko, khi được 5 tuổi rưỡi, bé bị mắc chứng u não thể medulloblastoma- một loại ít gặp ở trẻ nhỏ, nhưng rất ác tính. Cháu được mổ lấy u vào cuối tháng 12 năm 2015 tại PMH với sự thỏa thuận của bố mẹ cháu. Trong quá trình bàn thảo, các bác sĩ cũng đã đề cập đến các khả năng điều trị sau phẫu thuật cũng như lợi điểm và nhược điểm. Sau phẫu thuật, các bác sĩ đề nghị cháu cần phải tiến hành xạ trị (radiotherapy) kết hợp với hóa trị (chemotherapy) vì khối u đã được xác định chắc chắn là medulloblastoma.

Thế nhưng, bố mẹ cháu đã thay đổi ý định. Bố mẹ cháu cho rằng họ không thể tưởng tượng được hết mọi điều trước khi cho cháu mổ . Nhưng sau khi chứng kiến ca mổ ròng rã trong 6 giờ đồng hồ và chứng kiến những tai biến mà cháu phải trải qua sau mổ kể cả co giật, đau đớn, họ không còn muốn cho con mình chịu thêm sự đau đớn nào nữa. Họ cho những gì mà các thầy thuốc tác động lên con trai họ là quá kinh khủng. Và với liệu pháp xạ trị và hóa trị sau mổ này sẽ đánh gục thằng bé. Ông bà không thấy được phm chất  cuộc sống của con trai mình đâu cả, nếu cháu phải tiếp tục trải qua những đòn tra tấn mới. Mẹ cháu cho rằng não của thằng bé phải chết khô vì cái thứ xạ trị và hóa trị đó mà thôi.

Bà Angela Kiszko, mẹ của Oshin,  cho rằng bà có trình độ (qualification) và kiến thức về bệnh học tự nhiên (naturopath). Bà có diploma về xoa bóp trị liệu (Bodyworks), và có chứng chỉ nâng cao về Chế độ ăn và Dinh dưỡng. Bà muốn đem con trai mình ra nước ngoài để áp dụng phương pháp chữa trị này cho cháu.

Ông bà cho rằng các bác sĩ đã dùng các phương pháp trị liệu quá tàn nhẫn, tra tấn con bà hơn là đem lại phm chất sống. Họ chỉ nghĩ đến số lượng ngày sống chứ không quan tâm đến phchất sống của con bà. Làm như thế là làm cho con bà tồn tại chứ không phải cho cháu cơ hội sống.

Trong khi đó, dưới góc độ chuyên môn và y học thực chứng, các bác sĩ điều trị cho rằng với loại ung thư như cháu, khả năng tử vong rất cao và nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng nếu không tiến hành kết hợp xạ trị và hóa trị sau mổ bỏ khối u. Ngược lại, nếu điều trị, thì xác suất sống (survival rate) đến 5 năm là chừng 30% ngay khi áp dụng hóa trị, và lên đến 50-60% nếu kếp hợp thêm xạ trị. Và dĩ nhiên, cuộc sống kéo dài hơn thì gánh nặng có thể thêm lên cho cả xã hội, nhưng điều đó thì về mặt y đức hoàn toàn được ủng hộ.

Dựa trên những bằng chứng hai bên trưng ra, Chánh án Thackray đã ra quyết định là gia đình phải đưa cháu Oshin đến điều trị, đồng thời lệnh cho bộ phận xuất nhập cảnh ghi tên cháu vào diện theo dõi, để đảm bảo quyền lợi điều trị của cháu. Dĩ nhiên, quyết định này của quan tòa gặp sự phản kháng dữ dội của bố mẹ cháu, và dĩ nhiên ông bà có quyền kháng án.

Điều quan trọng hơn, Chánh án còn ra lệnh các bác sĩ nên trì hoãn điều trị cho đến sau ngày Sinh nhật 6 tuổi của cháu vào đầu tháng 4. Vì khi tiến hành hóa và xạ trị liệu, cháu có thể phải trải qua các biến chứng, và như thế có thể làm mất đi ngày Sinh nhật vui vẻ của cháu.

Phiên tòa cuối cùng sẽ diễn ra vào giữa tháng 5 năm nay.

Bây giờ bàn về khía cạnh quyền hạn và đạo đức (ethics) ở Úc cũng như các nước đã phát triển để các bạn đồng nghiệp trẻ muốn dấn thân biêt thêm. Vì vấn đề liên quan đến trẻ, nên chỉ tập trung vào quyền hạn của cha mẹ và người giám hộ (guardian) chứ không nói đến quyền lợi của bệnh nhân.

Ở Úc, đối với các cháu tuổi dưới 14-16 tùy tiểu bang, thì cha mẹ hoặc người giám hộ chính thức là người chịu trách nhiệm trong việc ký cam đoan cho phép các bác sĩ điều trị con mình theo các phương thức đã thỏa thuận, sau khi bàn thảo kỹ. Thí dụ trong trường hợp này, các bác sĩ đã chẩn đoán và cho rằng cháu Oshin bị u não ác tính thể medulloblastoma. Loại này nếu không mổ thì diễn tiến xấu rất nhanh và chết là chắc chắn, dựa trên bằng chứng hiện hành. Do đó bố mẹ cháu đồng ý ký giấy mổ với chấp nhận các rủi ro. Điều đó hoàn toàn không có gì phải bàn. Vì các bác sĩ và cả gia đình đã quyết định hành động vì quyền lợi và lợi ích tốt nhất có thể có cho cháu Oshin.

Trong khi đó, trường hợp ngược lại, có một số phụ huynh lại từ chối đề nghị cũng như khuyến cáo của thầy thuốc, về một phương thức điều trị nào đó đối với con mình. Khi đó, quyền của bố mẹ lại không  còn được coi là vô hạn.  Thí dụ, thầy thuốc có thể có 2 phương pháp điều trị khác nhau khả dĩ chẳng hạn, mà không có phương pháp nào ưu thế hơn phương pháp nào, thì bố mẹ có quyền lựa chọn một trong hai phương pháp mà bác sĩ đề nghị.

Cũng sẽ có một giải pháp thứ ba là bố mẹ từ chối cả hai hoặc nếu chỉ có một, mà lại tự chọn phương thức riêng cho con mình không nằm trong khuyến cáo của bác sĩ. Khi đó quyền lợi và lợi ích của đứa trẻ được đặt lên trên hết. Nếu các bác sĩ thấy rằng, sự lựa chọn của bố mẹ- từ chối các đề nghị của bác sĩ nêu ra là quá nguy hiểm cho cháu bé, làm cho cháu bé mất cơ hội được điều trị để giảm thiểu khả năng tử vong; và nếu có bằng chứng đủ mạnh để cho thấy như thế thì các bác sĩ có quyền cầu cứu tòa án. Tòa án cũng sẽ chỉ dựa trên một nguyên tắc chính là "quyền lợi của cháu bé" và xem xét nguyện vọng của hai bên, bên nào có lợi hơn cho cháu, tòa sẽ phán quyết theo hướng đó. Mặc dù không có gì là tuyệt đối.

Chính vì thế mà trong trường hợp này các bác sĩ ở bệnh viện Công chúa Margaret đã đưa bố mẹ cháu Oshin ra tòa, và họ đã được tòa cho phép tiến hành điều trị cho bé Oshin. Dẫu biết rằng mọi sự can thiệp hay không can thiệp cho cháu vào lúc này đều có điểm lợi và bất lợi, và nguy cơ đều rất cao, nhưng mọi thứ trong một đất nước pháp quyền thì pháp luật phải là trên hết và mọi người công dân không được phép bất tuân.


NguyenDinhNguyen

No comments:

Blog Archive