Bom bẩn là gì. Vì sao gây kinh hoàng hơn bom nguyên tử?
Trúc Giang MN
1* Mở bài
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn Hạt nhân lần thứ 4 diễn ra 2 ngày 31-3 và 1-4-2016 tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ, Tổng thống Obama đã lên tiếng cảnh báo rằng nguy cơ khủng bố hạt nhân là có thật.
Mặc dù cho đến nay, chưa có tổ chức khủng bố nào đã có vũ khí hạt nhân hoặc bom bẩn nhưng chúng đã có âm mưu thu thập vật liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí. Và một khi chúng có thứ vũ khí giết người hàng loạt nầy thì đó là mối đe dọa lớn nhất đối với nền an ninh toàn cầu.
Hiện tại, khủng bố không có khả năng chế tạo bom hạt nhân, nhưng chúng có thể sản xuất bom bẩn.
Vì nguyên liệu hạt nhân như chất uranium chưa được bảo quản một cách chặt chẽ và an toàn như nước Bỉ chẳng hạn. Vì một số quốc gia chưa có khả năng ngăn chặn được những cuộc tấn công khủng bố như nước Pháp chẳng hạn, cho nên bom bẩn là nổi kinh hoàng đối với quần chúng. Vì thế, Tổng thống Mỹ kêu gọi các quốc gia nổ lực hơn nữa, gia tăng những biện pháp bảo quản, bảo toàn và ngăn chặn các chất phóng xạ, không để lọt vào tay khủng bố. Sự hợp tác quốc tế rất cần thiết.
Tóm lại, bom bẩn gây kinh hoàng hơn bom nguyên tử là thế.
2* Bom bẩn là gì?
2.1. Bom bẩn dễ chế tạo hơn bom nguyên tử
Bom bẩn (Dirty bomb hay là Radiological dispersal device-RDD) là thứ vũ khí xử dụng chất nổ thông thường để phát tán phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Chất nổ thông thường là dynamite, TNT, plastic, cần ngòi nổ để kích hoạt cho bom nổ. Phóng xạ được phát tán phổ biến nhất là chất uranium.
Cơ chế hoạt động của bom bẩn rất đơn giản, không nhất thiết phải huy động một nhóm các nhà vật lý hạt nhân để chế tạo thứ bom bẩn nầy.
Khó khăn duy nhất trong việc chế tạo bom bẩn là làm sao để sở hữu cho được chất uranium được bảo vệ tương đối cẩn mật. Không để lọt vào tay khủng bố hoặc các nhóm tội phạm.
Uranium được dùng để chế tạo bom nguyên tử và bom bẩn, là hai thứ bom có mức sát hại hàng loạt sinh mạng con người, gây kinh hoàng khủng khiếp.
2.2. Uranium nghèo và Uranium được làm giàu.
Uranium. Ký hiệu hóa học là U. Là một chất hóa học trong tự nhiên có 2 đồng vị cơ bản là uranium-238 (U-238) chiếm tỷ lệ 99.28%, và uranium 235. (U-235) chiếm 0.71%. U-235 cần thiết để chạy máy phát điện, tàu ngầm và chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng tỷ lệ quá nhỏ nên cần làm giàu, ít nhất là từ 0.71% lên tới 50%.
1). Uranium nghèo. (Depleted uranium-DU) U-238 là sản phẩm bị loại ra sau khi làm giàu uranium. U-238 không xử dụng được để chế tạo vũ khí nguyên tử nhưng chất thải nầy còn gây tác hại nên được chôn giữ và bảo vệ cẩn mật.
2). Uranium được làm giàu. (Enriched uranium). Là Uranium được loại bỏ đồng vị không xử dụng được là U-238 để có U-235 đồng vị cao.
Dụng cụ làm giàu U-235 là những máy ly tâm, làm việc tách hạt theo quy trình vật lý, loại bỏ đồng vị U-238 để có U được làm giàu là U-235.
U-235 được xử dụng để chạy máy phát điện, tàu ngầm, thông qua một lò phản ứng (Nuclear reactors) tạo ra nhiệt độ cao đun sôi nước, nước bốc thành hơi làm tăng thể tích tạo ra sức mạnh, đẩy máy phát điện hay động cơ tàu ngầm.
U-235 dùng chế tạo vũ khí hạt nhân (nguyên tử).
3* Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn Hạt nhân lần thứ 4
Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn Hạt nhân lần thứ 4 (Fourth Nuclear Security Summit 2016) được tổ chức vào 2 ngày 31-3 và 1-4-2016 tại Washington, D.C., Hoa Kỳ. Có 56 đại diện các quốc gia tham dự.
Mục đích chính là ngăn chặn khủng bố hạt nhân bằng 3 cách:
1. Giảm số lượng vật liệu hạt nhân nguy hiểm, cụ thể là giảm chất Uranium được làm giàu. (Enriched uranium)
2. Cải thiện và nâng cao mức độ an toàn các vật liệu hạt nhân và các nguồn phóng xạ.
3. Tăng cường hợp tác quốc tế.
4* Phản ứng thách thức của khủng bố IS
Tòa nhà Quốc hội Anh * Đấu trường Colosseum tại Roma
Ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn Hạt nhân lần thứ tư, khủng bố IS liền phản ứng bằng những thách thức và đe dọa tấn công vào thủ đô của các nước Âu Châu và Hoa Kỳ.
IS đã công bố một video đe dọa tấn công vào các thủ đô London, Berlin, Roma và Washington.
Đoạn video chiếu hình của tòa nhà của Nghị Viện Anh (Quốc Hội) ở London, đấu trường Colosseum tại Roma. IS tuyên bố: “Nếu Paris là ngày hôm qua, Brussels là ngày hôm nay, thì thánh Allah sẽ biết điểm đến của ngày mai là ở đâu. Có thể là London, Berlin, Roma hay Washington”.
4.1. Đe dọa đánh bom Đức
Ngày 31-3-2016, IS kêu gọi các phần tử thánh chiến ở Đức hãy thực hiện tấn công vào Văn phòng Thủ tướng Đức ở Berlin, và sân bay ở các thành phố lớn, giống như các vụ tấn công ở Bỉ ngày 22-3-2016 làm chết 31 người và bị thương 300.
Hồi tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Nội Vụ Đức, Thomas de Maiziere cho biết, hàng trăm nghi phạm khủng bố, có kinh nghiệm chiến đấu ở Syria và Iraq, đã vào Đức. Đa số là công dân Đức đã trở về nước sau một thời tham tham gia thánh chiến. Con số khủng bố ở Đức cao hơn trước đây và hiện có 760 công dân Đức đang gia nhập khủng bố IS ở nước ngoài.
4.2. IS đe dọa tấn công Hoa Kỳ
Chiến binh "nhí" IS hành quyết con tin và đe dọa nước Mỹ. (Ảnh: Dailymail) * Các chiến binh IS dọa sẽ tái diễn sự kiện 9/11 tại Mỹ
Trang mạng Israel Breaking trên Twitter đưa tin, tổ chức khủng bố IS đe dọa sẽ lập lại sự kiện ngày 11-9-2001 tại Hoa Kỳ. Cho rằng những cuộc tấn công ở Paris và Brussels chỉ là những cuộc diễn tập chuẩn bị cho cuộc tấn công chủ yếu vào nước Mỹ sắp tới.
IS đã cho đứa con nít đe dọa Tổng thống Barack Obama.
Ngày 4-2-2016, IS tung một video 17 phút trong đó một “chiến binh nhí” đang cắt cổ một con tin và chỉ thẳng vào ống kiếng nói bằng giọng Anh: “Ô, nước Mỹ, đây là những binh sĩ mà các ngươi đã trang bị vũ khí và rót tiền vào để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo. Chúng tao sẽ tiêu diệt chúng bây như đã phá hủy ở Iraq. Bọn ngươi sẽ không thể chạy thoát được”.
5* Nguy cơ khủng bố hạt nhân
5.1. Mặc dù chưa có hạt nhân nhưng IS có thể tấn công bằng thứ vũ khí nầy
Mặc dù trong tay chưa có nguyên liệu hạt nhân nhưng bọn khủng bố IS có thể tấn công hạt nhân. Đó là cho nổ số lượng lớn hạt nhân trong nhà máy điện chạy bằng hạt nhân. Xem như một quả bom nguyên tử.
Hồi tháng 3 năm 2016, bọn khủng bố có kế hoạch tấn công nước Pháp nhưng một tên khủng bố bị bắt giữ cho nên chúng phải thay đổi mục tiêu tấn công. Chuyển từ Pháp qua Bỉ. Mà mục tiêu đầu tiên ở Bỉ là sẽ tấn công vào một nhà máy điện hạt nhân, nhưng ý định không thành nên chúng tấn công vào sân bay Zaventem và trạm xe điện ngầm ở Maelneek làm chết 31 người và 300 bị thương.
5.2. Khủng bố IS dòm ngó vào nhà máy điện hạt nhân ở Bỉ
Ngày 24-3-2016, hai ngày sau vụ khủng bố làm chết 31 người Bỉ, một nhân viên bảo vệ tại cơ sở hạt nhân trong thành phố Charleroi bị bắn chết. Đáng lo ngại là thẻ an ninh ra vào của người nầy bị đánh cắp.
Ngày 25-3-2016, tờ The New York Times tiết lộ, cơ quan an ninh Bỉ đã thu lại thẻ ra vào của một số nhân viên có thể tiếp cận các vị trí nhạy cảm hạt nhân trong nhà máy điện.
Phát ngôn viên an ninh Bỉ, Sebastien Berg, cho biết họ đang lo ngại một vụ nổ bên trong nhà máy hạt nhân nầy. Lo ngại gia tăng vì bộ máy an ninh của Bỉ rất kém.
GS Matthew Bunn của Đại học Harvard cho rằng, nếu IS sở hữu được vũ khí hạt nhân thì chúng sẽ thu hút nhiều tay súng và tiền bạc hơn, kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn và chiêu dụ nhiều chuyên gia trên toàn cầu nhiều hơn tổ chức Al Qaeda.
Chừng đó khủng bố càng đáng lo ngại hơn. Nhiều nơi trên thế giới còn lỏng lẻo trong việc quản lý chất hạt nhân, nhất là các quốc gia ở Châu Phi có mỏ uranium như: Niger 4,057 tấn uranium (2014), Namibia 3,255 tấn (2014), Gabon…Ở Kazakhstan có 17 mỏ uranium sản xuất 23,127 tấn urnium (2014).
5.3. Những thảm họa tàn khốc của nhà máy điện hạt nhân
1). Thảm họa nhà máy điện Chernobyl ở Liên Xô năm 1986
Ngày 26-4-1986, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl thuộc Ukraina của Liên Xô bị phát nổ. Đó là một tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân.
Những đám mây mang bụi phóng xạ lan ra một vùng rộng lớn đến các quốc gia lân cận. Từ Liên Xô đến Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu (Scandinavia), Anh Quốc và phía đông Hoa Kỳ.
Lượng phóng xạ của Chernobyl lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào ngày 6-8-1945.
Năm 2005, Tổ Chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) đưa ra những con số như sau:
93,000 người chết trong số 200,000 người bị nhiễm phóng xa trong giai đoạn từ 1990 đến 2004.
2). Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật năm 2011
Cơn động đất gây sóng thần ở Nhật xảy ra ngày 11-3-2011 làm bùng nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đã có khoảng từ 170,000 đến 200,000 người sống trong bán kính 20km đã được di tản ra khỏi phạm vi phát tán phóng xạ.
Thiệt hại vật chất vô cùng nặng nề. Có 12,000 người nộp đơn kiện công ty Tersa và chính phủ, đòi bồi thường 1 tỷ USD. Công ty Tersa sở hữu và quản lý nhà máy.
Thảm họa của hai nhà máy hạt nhân cho thấy nhà máy là một kho hạt nhân nếu không được quản lý chặt chẽ thì khủng bố sẽ dùng làm một trái bom nguyên tử để giết hại thường dân.
6* Trò chơi chiến tranh mới gây kinh hoàng cho Tây Phương
6.1. Trò chơi chiến tranh mới
Tại Hội nghị Thượng đỉnh An toàn Hạt nhân lần thứ 4 diễn ra ở Washington, D.C., Mỹ, cả Tổng thống Obama và Thủ tướng Anh, David Cameron, đều cùng lên tiếng cảnh báo về “một trò chơi chiến tranh mới do IS thực hiện có thể giết hàng chục ngàn người đồng thời gây di hại đến hàng chục năm sau”.
“Trò chơi chiến tranh” nầy chính là những chiếc máy bay không người lái (drone) mang theo chất thải hạt nhân.
Một tổ chức tình báo tư nhân cũng đưa ra nhận định như thế: “Công nghệ rẻ tiền và dễ sở hữu như drone rất phù hợp với những nhóm khủng bố nhỏ, tài chánh ít ỏi, đang nằm vùng tại các quốc gia Tây Phương như Mỹ và Châu Âu”.
6.2. Mua drone dễ như mua đồ chơi
Máy bay không người lái (Drone)
Ở Mỹ và các nước Châu Âu, máy bay không người lái nặng từ 10kg trở xuống được bán tự do. Loại drone nầy có bán kính điều khiển 1.5km. Bay cao 200m, tốc độ 60km/giờ.
Luật pháp Mỹ quy định, không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện bay như lái phi cơ thật sự. Được phép bay cao 120m ở khắp nơi trên nước Mỹ, ngoại trừ những vùng cấm bay như: căn cứ quân sự, sân bay, thành phố lớn, hải cảng, nhà máy điện hạt nhân và những tòa nhà chính quyền…
Chiếc drone phải cài một nhu liệu (software) tự động khóa hệ thống điều khiển, không cho nó bay vào những khu vực cấm đó.
Một thống kê cho thấy, ở Mỹ hiện có 1.4 triệu chiếc drone. Riêng năm 2015 đã có khoảng 700,000 chiếc drone được bán ra. Thật ra, drone là một thứ đồ chơi của nhiều người.
Để có giấy phép điều khiển chiếc drone, chỉ cần đăng ký ở trang web của Cục Hàng Không Liên Bang (FAA=Federal Aviation Administration) kèm theo 5USD lệ phí.
6.3. Đã có bằng chứng IS dùng drone để tấn công London
1). Anh Quốc có bằng chứng khủng bố tấn công bằng drone
Thủ tướng David Cameron nói: “Cho tới nay chúng tôi đã có nhiều bằng chứng về việc IS dự định tấn công bằng drone vào những thành phố của nước Anh. Và những kẻ khủng bố mà chúng ta đối diện muốn giết càng nhiều người càng tốt bằng bom bẩn”.
Chất thải hạt nhân dạng bột được phun xuống một thành phố thì dân cư nơi đó phải di tản sang nơi khác trong nhiều năm, chưa kể một số bịnh ung thư phát sinh do phóng xạ độc hại nầy gây ra.
Cảnh sát Bỉ đã bắt giữ anh em Ibrahim Bakraoui và Khalid Bakraoui tịch thu được nhiều video quay bằng drone ghi lại mọi chuyến đi lại của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân SCK-CEN và địa điểm chứa chất thải hạt nhân ở Flandes, Bỉ.
2). Khủng bố khoe bom bẩn và dọa tấn công London
Thủ tướng Anh cảnh báo IS đe dọa tấn công bom bẩn vào London
Một công dân Anh tên Hamayun Tariq, đã đến Syria gia nhập khủng bố IS, viết trên Twitter như sau: “Nhà nước Hồi giáo đang sở hữu một quả bom bẩn. Chúng ta đã tìm thấy một số vật liệu hạt nhân tại Đại học Mosul (Iraq). Chúng ta đang thảo luận xem điều gì sẽ xảy ra khi một quả bom bẩn phát nổ ở một khu vực công cộng”.
Các chuyên gia hạt nhân cho rằng, khói bụi nhiễm xạ của bom bẩn không đủ mạnh làm chết người ngay lập tức nhưng tác động lâu dài đến sức khỏe, gây hoang mang, bất ổn.
Nỗi sợ hãi bom bẩn của công chúng là yếu tố nguy hiểm nhất, gây nhiều thiệt hại vật chất, sức khỏe hơn là sức công phá của một quả bom.
Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bịnh Mỹ (CDC=Centers for Disease Control and Prevention) cho biết: “ Nguy cơ lớn nhất từ một quả bom bẩn chính là sức nổ của nó gây ra thương vong và thiệt hại nhiều về tài sản”.
6.4. 40kg uranium lọt vào tay khủng bố IS
Ngày 10-6-2014, quân đội Iraq ở Mosul, thành phố lớn thứ hai của nước nầy, đã tháo chạy trước sự tấn công của vài trăm tay súng IS. Quân khủng bố chiếm phòng thí nghiệm của Đại học Mosul và thu giữ 40kg uranium cấp thấp. Mặc dù chuyên gia Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA= International Atomic Energy Agency) cho rằng độc tính của chất uranium nầy rất thấp, nhưng nếu khủng bố IS dùng nó để tấn công thì sẽ gây ra những hoảng loạn tâm lý rất nghiêm trọng. Bởi vì phóng xạ nhẹ không gây ra tử vong tức thời nhưng người bị nhiễm phải theo dõi sức khỏe suốt đời. Lo âu, hồi hộp, hoảng loạn, ám ảnh…
Thành phố Mosul bị chiếm từ hồi tháng 6 năm 2014 cho đến nay. Tổng thống Obama cho biết quân đội Iraq có thể chiếm lại vào cuối năm nay, 2016. Thành phố 1.5 triệu dân, nay chỉ còn 660.000 dân thuộc phái Sunni của Hồi Giáo. Người Shiite bỏ trốn.
Bên cạnh đó có những bằng chứng khủng bố IS đã mua chất thải hạt nhân từ một số cơ quan y tế. Vài vụ đã bị tình báo Anh và Mỹ phát hiện ngăn chặn nhưng cũng có nhiều vụ trót lọt.
Qua tài liệu thu được, tình báo Anh biết khủng bố IS đã có kế hoạch mua những loại drone thông dụng, rẻ tiền nên ít bị để ý.
7* Nguy cơ về an ninh hạt nhân của Bỉ
Các chuyên gia ước tính thế giới hiện nay có khoảng 70,000 thiết bị chứa nguyên liệu phóng xạ được phân bố tại 13,000 tòa nhà nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Bảo vệ an ninh các cơ sở tại một số nơi rất sơ sài và lỏng lẻo, mà điển hình là Trung Tâm Nghiên Cứu Hạt Nhân Bỉ (Belgian Nuclear Research Centre).
7.1. Trung Tâm Nghiên Cứu Hạt Nhân Bỉ
Trung Tâm Nghiên Cứu Hạt Nhân Bỉ được viết tắt theo tiếng Đức là SCK-CEN (SCK-CEN=Studie-Centrum voor Kernenergie) là một cơ sở nghiên cứu hạt nhân lớn nhất nước Bỉ. Trụ sở đặt tại tỉnh Mol (Bỉ). Được thành lập năm 1961 hiện có 700 nhân viên làm việc tại đó.
Trung tâm nầy thường xuyên nhận những lô hàng uranium được làm giàu cao (Enriched Uranium) để sản xuất chất đồng vị dùng trong y tế và các nhà máy.
7.2. Biện pháp an ninh rất lỏng lẻo ở trung tâm SCK-CEN
Năm 2010, hàng rào an ninh của trung tâm bị phá vỡ. Một số nhà hoạt động hòa bình, chống phát triển hạt nhân, đã tự do đi lại trong trung tâm kéo theo đám biểu tình đến quây video đăng trên các trang mạng kèm theo những thông điệp phản đối phổ biến hạt nhân.
Năm 2013, cầu thủ bóng đá Bỉ tên Nizar Trabelsi bị kết tội âm mưu gài bom tại căn cứ không quân Kleine Brogel, nơi chứa khoảng 20 vũ khí hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ, cũng là nơi trú đóng của một phi đội F-16.
Căn cứ không quân nầy cách trung tâm SCK-CEN 29km. Nếu căn cứ bị nổ thì sức công phá của 20 vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ sẽ làm nổ tung trung tâm SCK-CEN. Hậu quả vô cùng khủng khiếp là có thể cả châu Âu bị nhiễm phóng xạ hạt nhân, tác động lâu dài đến sức khỏe của người dân trong khu vực.
Công tác tẩy sạch phóng xạ hạt nhân cũng vô cùng tốn kém.
Sau sự kiện nầy, Tổng thống Mỹ George W. Bush quyết định ngừng chuyển nguyên liệu hạt nhân đến Bỉ cho đến khi nào an ninh được bảo đảm có hiệu quả.
7.3. Trung tâm SCK-CEN của Bỉ nằm trong tầm ngắm của khủng bố IS
Sau sáu vụ tấn công khủng bố liên hoàn tại Paris (Pháp) ngày 13-11-2015 làm chết 153 người và 200 người bị thương, thì ngày 26-11-2015 cảnh sát Bỉ đã bắt giữ một người đàn ông tên Mohamed Bakkali, tịch thu được những đoạn video thu hình dài 10 giờ theo dõi viên giám đốc của trung tâm SCK-CEN.
Mohamed Bakkali thú nhận là một trong những thủ phạm tấn công khủng bố ở Paris.
Tờ Foreign Policy tường thuật như sau, một chiếc camera nhỏ được bí mật đặt giữa những bụi cây um tùm trước ngôi nhà riêng của giám đốc chương trình phát triển hạt nhân quốc gia của Bỉ để theo dõi ông này.
Hàng đêm, hai người mặc đồ đen tên Ibrahim Bakraoui và Khalid el-Bakraoui âm thầm đến chiếc camera, rồi sau đó lái xe phóng đi.
Trang tin La Dernière Heure của Bỉ cho biết, Khalid El Bakraoui (27 tuổi) và Ibrahim Bakraoui (30 tuổi). Hai anh em tên này đã thực hiện hai vụ đánh bom liều chết tại sân bay Zaventem (Bỉ) và đều đã thiệt mạng.
Mọi việc trở nên nghiêm trọng khi phát hiện những tên khủng bố IS theo dõi viên giám đốc của trung tâm SCK-CEN.
Khủng bố đã dòm ngó vào hạt nhân ở Bỉ.
Ông William H. Tobey, thuộc Cục An Ninh Hạt Nhân Quốc Gia Hoa Kỳ nêu nhận xét: “Nếu IS thật sự nhắm tới vũ khí hạt nhân thì khả năng xảy ra những kịch bản xấu sẽ vô cùng to lớn”.
7.4. Luật an ninh hạt nhân của Bỉ
Năm 2013, Bỉ ban hành đạo luật an ninh hạt nhân, bao gồm: thủ tục và quy trình an toàn hạt nhân. Áp dụng hình phạt rất nặng với những hành vi vận chuyển trái phép, sử dụng trái phép, hoặc đột nhập vào các cơ sở hạt nhân đã được giữ an ninh nghiêm nhặt.
Tháng 12 năm 2014, một đoàn thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA= International Atomic Energy Agency) được cử đến trung tâm SCK-CEN. Báo cáo kiểm tra kết luận: “Hệ thống bảo vệ vật lý ở đây tương đối tốt”. Tuy nhiên cũng kèm theo khuyến cáo gợi ý về một vài biện pháp bổ sung để tăng cường an ninh.
Nhưng tăng cường an ninh tại các cơ sở hạt nhân vẫn chưa đủ. “Chất liệu phóng xạ có sẵn ở nhiều địa điểm. Chúng có thể dễ dàng ăn cắp trong các bệnh viện, khu công nghiệp thay vì tại trung tâm SCK-CEN.
7.5. Rất khó bảo vệ an ninh cho hạt nhân
Theo ông Matthew Bunn, cựu chuyên gia hạt nhân ở Nhà Trắng, cho biết: “Không riêng gì Bỉ mà tất cả các quốc gia sở hữu hạt nhân đều cần tập trung hơn nữa về nhiệm vụ bảo đảm an ninh”. Ông Bunn nhấn mạnh: “Rất khó để thiết kế một hệ thống có khả năng ngăn cản sự đột nhập khi chính người bên trong thực hiện hoặc làm nội ứng cho kẻ gian bên ngoài”.
Ông Bunn lưu ý rằng các vật liệu chế tạo bom lậu tồn tại trong “hàng chục ngàn các nguồn phóng xạ ở hơn 100 quốc gia trên thế giới”. Theo ước tính của Trung tâm Hạn Chế Vũ Khí Hủy Diệt Hàng Loạt, James Martin, thì trong năm 2013 và 2014, đã có 325 sự cố các chất phóng xạ bị mất hoặc đánh cắp.
Nước Bỉ sở hữu 7 lò phản ứng hạt nhân những vẫn để ra những sự cố vô cùng tai hại.
Hồi tháng 8 năm 2014, một người nào đó đã mở van không đúng cách của một ống dẫn chất bôi trơn tại lò phản ứng hạt nhân Doel-4 khiến cho lò phải ngừng hoạt động. Gây thiệt hại 200 triệu USD.
Tháng 10 năm 2014, nhà chức trách Bỉ phát hiện một công dân Bỉ gốc Maroc tên Ilyass Boughalab (24 tuổi) trong hàng ngũ khủng bố IS, bị giết trên mặt trận ở Syria. Tên nầy đã từng làm việc tại nhà máy hạt nhân Doel-4 của Bỉ.
Hai vụ ở nhà máy hạt nhân Doel-4 khiến cho giới an ninh phải lo ngại trước sự dụ dỗ, lôi kéo những người làm việc trong ngành nghiên cứu, chế tạo, sử dụng chất phóng xạ hạt nhân để đánh cắp hoặc phá hoại.
Ngày 22-3-2016, đài truyền hình VTM của Bỉ nêu tên Najim Laachraoui là một trong hai tên đánh bom tự sát ở phi trường Zaventem, tên nầy đã làm việc tại phi trường quốc tế nầy trong thời gian 5 năm, cho đến cuối năm 2012. Bộ Tư Pháp Bỉ xác nhận tên nầy lên đường sang Syria tham gia thánh chiến vào mùa xuân năm 2013 và trở về Bỉ vào đầu tháng 9 năm 2015.
Một số báo cáo cho biết những chiến binh thánh chiến IS xuất thân từ Bỉ chiếm số lượng cao hơn so với những quốc gia khác. Vì thế, khả năng chiếm lấy nguyên liệu hạt nhân để chế tạo bom bẩn cũng cao hơn các nước khác.
8* Phóng xạ hạt nhân tác hại sức khỏe như thế nào?
Khi con người bị nhiễm tia phóng xạ uranium thì phát hiện những bịnh như sau: rụng tóc, ung thư da, đục thủy tinh thể, ung thư tuyến giáp trạng, ung thư phổi, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy.
Bức xạ giết chết các tế bào thần kinh và mạch máu nhỏ, có thể gây co giật và chết ngay lập tức. Gây suy tim và tử vong. Làm suy thoái tiền liệt tuyến, tinh hoàn, buồng trứng, ung thư vú. Ảnh hưởng trực tiếp tới tủy xương nơi sản xuất ra các tế bào máu dẫn tới nguy cơ ung thư máu.
9* Kết luận
Tổ chức khủng bố IS không có khả năng chế tạo bom nguyên tử nhưng chúng có thể sản xuất bom bẩn. Bom bẩn hiện đang gây kinh hoàng đối với người dân Tây Phương, nhất là Châu Âu.
Vì chất hạt nhân phát tán phóng xạ có thể bị đánh cắp. Vì khả năng tấn công khủng bố tự sát khó ngăn chặn được, do kẻ nội thù năm ngay trong đất nước, trong nhà, trong nhà máy hạt nhân chúng đang làm việc. Cho nên bom bẩn trở thành một nguy cơ vô cùng nguy hiểm mà Tổng thống Obama đã lên tiếng cảnh báo, đó là một tai họa đối với an ninh toàn cầu nếu các quốc gia không có quyết tâm cao độ, không có khả năng ngăn chặn, khiến cho các chất gây phóng xạ rơi vào tay khủng bố.
Bom bẩn gây kinh hoàng hơn bom nguyên tử là thế.
Trúc Giang
Minnesota ngày 25-4-2016
No comments:
Post a Comment