Wednesday, April 20, 2016

Xâm hại tình dục trẻ em (ấu dâm)- Nhận dạng và phòng ngừa

Các bậc phụ huynh chúng ta gần như trở nên hoang mang hơn nhiều sau vừa mới đây,  trường hợp một ông gia sư có tuổii ở Sydney bị quan tòa kêu án phạt cao nhất có thể cho tội ấu dâm- 24 năm tù, trong đó phải thi hành 18 năm tù ở rồi mới được phép xin giảm án hoặc án treo;  cũng như một nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam sắp ra hầu tòa bên Mỹ vì tội ấu dâm này.  Điều này không lấy làm gì ngạc nhiên vì tội phạm hướng đến đối tượng trẻ em, các cháu còn ngây thơ, chưa trưởng thành về mặc thể chất, và chưa có khả năng tự bảo vệ mình. Và cũng không thể bắt các cháu tự bảo vệ mình hết được trong mọi hoàn cảnh.

Bài viết hôm nay nhằm cung cấp thêm cho các bạn một số thông tin cần thiết về xâm hại tình dục trẻ em cũng như những dấu hiệu để có thể phát hiện sớm tình trạng ấu dâm trong cộng đồng để bảo vệ cho các cháu. Thông tin về xâm hại tình dục ở trẻ em rất nhiều. Tôi cố gắng tập hợp, biên khảo và lược dịch từ nhiều nguồn khác nhau. Dù có cố tóm tắt đến đâu thì bài cũng vẫn dài. Nhưng vì để cho thông tin liên tục, tôi không chia nhỏ mà viết chung vô một kỳ. Các bạn chịu khó và kiên nhẫn đọc từ từ.

Một số thông tin về xâm hại tình dục trẻ em [1,2,3,4]
Xâm hại tình dục trẻ em là một vấn nạn toàn cầu, nó xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng phổ biến hơn ở những nước kém phát triển hơn, cũng như nơi mà biện pháp bảo vệ trẻ em kém chặt chẽ hơn. Bạn sẽ phải sửng sốt về những sự thật khủng khiếp này.

Mỗi năm tại Mỹ có tới 300 nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục. Thống kê tại Úc cho thấy, tuổi các cháu bị xâm hại nhiều nhất là giữa 8 đến 12 tuổi. Tuổi trung bình các cháu bị xâm hại không khác nhau lắm giữa hai giới, khoảng 10 tuổi. Có đến 1/3 trẻ em gái và 1/7 trẻ em trai dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục.  90% trẻ bị xâm hại tình dục bởi những đối tượng mà trẻ biết và tin tưởng.

Nạn nhân của những kẻ hám dục trẻ em (paedophelia) còn nghiêm trọng hơn.  Trong một khảo sát (1994)  trên 453 người hám dục trẻ em, kết quả cho,  thấy họ thừa nhận có hành vi ấu dục khoảng 67 nghìn trẻ em. Hay nói cách khác một người hám dục trẻ em có trung bình tới 148 nạn nhân.

Chỉ có 5% những tội phạm là người hám dục trẻ em có biểu hiện tàn phế về tâm thần (mentally handicapped) mà thôi. Hay nói cách khác những người hám dục trẻ em đã từng phạm tội là những người có tâm thần bình thường- mặc dù hám dục trẻ em được coi là một rối loạn tâm thần.

Hệ quả của việc trẻ em bị xâm hại tình dục
Không có gì phải bàn cãi nhiều,  các cháu là nạn nhân bị xâm hại tình dục có biểu hiện rối loạn phát triển nhân cách và mắc bệnh tâm thần cao hơn rõ rệt so với trẻ bình thường. Nghiên cứu có sức thuyết phục nhất là tiến hành trên các cặp sinh đôi để so sánh. Dinwiddie và cộng sự (2000) nghiên cứu trên 5995 cặp sinh đôi, kết quả cho thấy các bé bị xâm hại tình dục có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm nặng, rối loạn hồi hộp (panic)  và nghiện rượu cao hơn so với nhóm anh em sinh đôi còn lại. Một nghiên cứu trên 1991 cặp sinh đôi khác ở Úc (Nelson và cộng sự, 2002)  cho thấy nhóm bị xâm hại tình dục có tỷ lệ mắc trầm cảm, tự sát, rối loạn hành vi (conduct disorder), nghiện rượu, lo âu khi ra ngoài xã hội (social anxiety), đi hãm hiếp người khác và ly hôn cao hơn so với nhóm anh em sinh đôi của họ. [5] Nghiêm trọng hơn là tình trạng có ý định tự sát, cố ý tự sát, uống thuốc quá liều.

Hám dục trẻ em (Paedophelia hay paedophilia)  và Ấu dâm [1]
Chúng ta cần phân biệt rõ giữa hám dục trẻ em và ấu dâm. Ấu dâm, không phải bàn cãi nhiều, là một tội phạm hình sự (crime). Là những người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em bằng nhiều hình thức khác nhau để thỏa mãn dục tính của mình.

Trong khi đó hám dục trẻ em mà có khi gọi là ấu nhi, nhưng ấu nhi không chính xác. Ấu nhi chỉ nói đến việc yêu trẻ em, mà yêu trẻ em thì là lẽ đương nhiên, không có gì tội lỗi. Trong khi đó hám dục trẻ em (dịch từ chữ paedophelia hay paedophilia) là một chứng rối loạn tâm thần, mà người mắc chứng này thích trẻ em là đối tượng để gợi dục cho họ.

Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm thần Mỹ,  có 3 yếu tố để kết luận là Hám dục trẻ em (Paedophelia): 
(1) tình trạng tái diễn ít nhất  6 tháng, mức độ hứng tình, ham muốn tính dục hay có hành vi tình dục quá mức đối với trẻ tiền dậy thì (thường dưới 13 tuổi); 
(2) các biểu hiện trên gây tác động ức chế nghiêm trọng về mặt lâm sàng hoặc về phương diện xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng khác; và (3) đối tượng được gọi là Hám dục trẻ em phải ít nhất là 16 tuổi hoặc lớn hơn nạn nhân ít nhất 5 tuổi.

Đặc tính của người hám dục trẻ em bao gồm: đa số là nam giới, có nhiều nạn nhân, thường người này biết rõ nạn nhân của mình, hành vi xâm hại tình dục kéo dài, nạn nhân là bé trai nhiều gấp đôi so với bé gái, hành vi của đối tượng rất tinh vi, có kế hoạch cụ thể về những kỹ thuật, kỹ năng để xâm hại tình dục trẻ em, và họ có xu hướng thu thập những thứ kích dục liên quan đến trẻ em như hình ảnh trẻ khỏa thân, trẻ bị kích dục.

Câu hỏi đặt ra là vậy chứng hám dục trẻ em là có bị phạm pháp không vì đó là một bệnh rối loạn tâm thần. Có rất nhiều ý kiến bàn cãi, nhưng gần đây rõ ràng theo định nghĩa chứng này với luật pháp thì Hám dục trẻ em là một dạng nguy cơ rất cao dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em mà còn nguy hiểm hơn. Tuy nhiên,  người hám dục trẻ em chỉ trở thành tội phạm hình sự khi họ có hành vi cụ thể trên nạn nhân, và khi đó bệnh lý tâm thần không biện minh được cho hành vi phạm tội ấu dâm. Ngoài thọ án ấu dâm, người hám dục trẻ em sau đó còn phải được điều trị về bệnh này, vì nguy cơ tái phạm của họ rất cao.

Hành vi tính dục  và lứa tuổi
Khám phá bản thân mình và của người khác cũng là sự phát triển của trẻ trong từng giai đoạn. Nhiều khi các yếu tố bên ngoài có thể tác động đến sự chú ý đến tính dục của trẻ sớm hơn như hình ảnh trong phim hoặc chứng kiến người lớn.  Đó là quá trình hoàn thiện về sự phát triển cơ thể và giới tính của trẻ. Thế nhưng có một số trẻ có những biểu hiện và hành vi hướng tới tính dục không giống như đa số trẻ khác cùng lứa tuổi. Điều đó không hoàn toàn là bất bình thường, nhưng là những dấu hiệu chúng ta cần chú ý, quan sát trẻ xem cháu có bị xâm hại tình dục hay không.

Ở tuổi tiền học đường (dưới 5 tuổi), hành vi khám phá tính dục được coi là phổ biến như là dùng tên bộ phận sinh dục đặt cho các bộ phận khác trong cơ thể; sử dụng từ "nhạy cảm" ở mọi nơi, mọi chỗ (bathroom talk); đóng vai ba, mẹ, con cái; khoe "của quý" hoặc tò mò nhìn vào chỗ kín của người khác, trẻ khác. Các hành vi được cho là bất thường ở nhóm tuổi này như là nói chuyện về các hành động quan hệ tình dục cụ thể, có hành vi sinh hoạt tình dục hoặc dùng ngôn ngữ tình dục cụ thể, tiếp xúc, va chạm với trẻ khác như một người lớn.

Ở lứa tuổi học sinh (từ 6-12 tuổi), đối với trẻ tiền dậy thì, các cháu có thể đặt câu hỏi về các mối quan hệ giới tính hoặc về sinh hoạt tình dục; hỏi về hành kinh và mang thai. Các cháu có thể thử nghiệm bản thân với bạn mình trong lúc chơi chung với nhau như hôn, cố ý đụng chạm, khoe "của quý";  chơi đóng vai, hoặc tự kích thích bộ phận sinh dục ở những nơi kín đáo. Các hành vi đó được cho là bình thường. Trong khi đó, các sinh hoạt tình dục như người lớn, hoặc nói chuyện về các hành vi tình dục cụ thể hay khoe "của quý" nơi công cộng thì được coi là không phổ biến.

Đối với các cháu sau dậy thì trong nhóm tuổi này, các hành vi được cho là phổ biến như tăng tính tò mò về các công cụ tình dục (materials)  cũng như tìm hiểu về các thông tin, đặt các câu hỏi về các mối quan hệ giới tính, các hành vi tình dục; sử dụng các từ trong quan hệ tình dục, nói chuyện về các sinh hoạt tình dục đặc biệt với bạn cùng lứa. Thích khám phá các sinh hoạt tình dục như hôn miệng, vuốt ve, ôm ấp hoặc thủ dâm ở nơi kín đáo. Trong khi đó, nếu hành vi quan hệ tình dục như người lớn lặp đi lặp lại hoặc thủ dâm nơi công cộng thì có thể được coi là không phổ biến.

Ở lứa tuổi từ 13- 16 tuổi, ở Mỹ hay Úc, thống kê cho thấy 30% các cháu đã có quan hệ tình dục, và gần như các biểu hiện hướng đến tính dục đã khá hoàn chỉnh. Trong khi đó hành vi thủ dâm ở nơi công cộng hoặc có hoạt động tình dục đối với trẻ em trẻ hơn mình rất nhiều được coi là không bình thường.

Đối với các hành vi tính dục không phổ biến ở mỗi lứa tuổi không phải hoàn toàn là bất thường, nhưng có thể tiềm ẩn trong đó là nguy cơ các cháu đã bị xâm hại tình dục, chúng ta cần phải theo dõi và tìm hiểu kỹ lưỡng về nguyên nhân các hành vi không được coi là phổ biến (hay nói cách khác là không bình thường) ở nhóm tuổi các cháu.

Tò mò tính dục giữa trẻ với nhau và Xâm hại tình dục
Đôi khi rất khó có thể phân định giữa sự tò mò một cách tự nhiên về tính dục của trẻ em hoặc trẻ vị thành niên với nhau hoặc đó là có nguy cơ xâm hại tình dục.  Nhiều khi trẻ cũng có những hành vi tình dục với nhau do vì tò mò, hoặc biết được qua sự bất cẩn của bố mẹ. Những hành vi này thường không có đem lại hệ quả gì nghiêm trọng cho trẻ. Nhiều khi trẻ chưa đủ ý thức, có thể có những hành vi sinh hoạt tình dục nguy hiểm, chứ khó có thể gọi là xâm hại tình dục.

Tuy nhiên, có một số sinh hoạt tình dục giữa các em vị thành niên, người lớn cần phải cảnh giác, có thể có tiềm ẩn nguy cơ xâm hại tình dục đối với các cháu.

Thứ nhất là tầm vóc của hai cháu. Tầm vóc giữa một đôi vị thành niên quá chênh lệch với nhau không có nghĩa là có xâm hại tình dục, nhưng sự chênh lệch về kích thước và tầm vóc có thể tiềm ẩn về sự đe đọa buộc cháu bé hơn phải tuân theo, khi đó sẽ được coi là xâm hại tình dục chứ không phải tự nguyện. 

Thứ hai là vị thế trong xã hội, thí dụ như lớp trưởng, hoặc đội trưởng của một đội thể thao, lãnh đạo sinh hoạt, điều đó không có gì sai, nhưng cũng là một nguy cơ tiềm ẩn của việc ép buộc đối tượng của mình trong quan hệ đôi bên. Thứ ba là yếu tố sử dụng "quyền lực ngầm" như là mua chuộc, đe dọa, lập mưu gài bẫy bạn mình, điều này thì rõ ràng là có hành vi xâm hại tình dục.

Chung tay cứu trẻ em
Đặc thù của xâm hại tình dục trẻ em là tội phạm thì khôn khéo và khó có thể nhận dạng bằng diện mạo bên ngoài, trong khi đó nạn nhân lại là các cháu bé chưa đủ trí khôn để có thể tự nhận dạng hoặc khai báo cho người lớn biết mình đang bị xâm hại tình dục. Chính vì thế mà hàng ngày, nạn xâm hại tình dục trẻ em vẫn ngầm xảy ra khắp nơi quanh ta mà có khi chúng ta không hề hay biết.  Do đó, mỗi một người lớn chúng ta cần phải chung tay với xã hội để sớm phát hiện ra những nghi ngờ có khả năng là tội phạm hay nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ nhỏ, bằng cách tự huấn luyện khả năng nghi ngờ của mình.

Những dấu hiệu được mô tả dưới đây có thể giúp bạn đặt nghi vấn liệu có phải cháu là nạn nhân bị xâm hại tình dục hay không hoặc liệu có phải là đối tượng tội phạm hay không. Đa nghi là chuyện không nên, nhưng cảnh tỉnh là việc bạn nên có. Sự nghi hoặc của bạn có thể đúng có thể sai, nhưng bạn hãy cứ tin vào trực giác của mình, rồi đặt nghi vấn cho người khác, bạn mình hay người có trách nhiệm để giúp giảm bớt nỗi thống khổ cho các cháu, cho gia đình và cho xã hội.

Những dấu hiệu nghi ngờ trẻ có thể bị xâm hại tình dục
Điều cần ghi nhận trước hết là ở trẻ bình thường hoặc những trẻ phải trải qua những sang chấn tâm lý không phải xâm hại tình dục như: di chuyển chỗ ở, mất vật nuôi, xa bạn, mất người thân, cha mẹ ly dị  vân vân thì các dấu hiệu dưới đây có thể xuất hiện. Hoặc trẻ chỉ có một dấu hiệu đơn lẻ thì cũng không hẳn là bị xâm hại tình dục. Nhưng nếu ở một trẻ mà bạn biết rõ gia cảnh, hoặc trẻ có nhiều biểu hiện thì bạn nên đặt nghi vấn liệu cháu có bị xâm hại tình dục hay không. Các dấu hiệu đó bao gồm [3]:

- Ngủ ác mộng, rối loạn giấc ngủ, sợ hãi quá mức và vô lý.
- Những biến đổi nhân cách xuất hiện đột ngột, có biểu hiện thối lui, giận dữ, tính tình thay đổi, cáu bẩn, nghi kỵ, rối loạn hành vi ăn uống.
- Trẻ lớn mà có những biểu hiện non nớt: như mút tay, tè dầm ban đêm.
- Sợ hãi đặc biệt ở một nơi cụ thể nào đó, không dám ở lại một mình với người không quen biết.
- Từ chối không chịu tắm, đi vệ sinh hoặc thay quần áo ở những nơi an toàn.
- Chơi, viết, vẽ hoặc mơ về những giấc mơ có hình ảnh tình dục hoặc hình ảnh kinh dị.
- Không chịu tiết lộ bí mật mà cháu có quan hệ với người lớn hoặc trẻ lớn tuổi hơn mình.
- Đau bụng hay ốm vặt rề rề mà không tìm ra nguyên do.
- Có hành vi ngại ngùng, phản kháng khi nói chuyện về tình dục.
- Sử dụng từ mới hoặc từ người lớn dùng để chỉ các bộ phận sinh dục.
- Có hành vi tình dục như người lớn với đồ chơi hoặc với trẻ khác.
- Có mối quan hệ với bạn lớn tuổi hơn kể cả việc cháu có tiền, có quà hoặc có những đặc lợi khó giải thích.
- Cố tình xâm hại cơ thể thí dụ như tự cắt tay, tự đốt, bỏ nhà hoặc chửi thề tục tĩu.
- Tỏ ra lén lút sử dụng internet và điện thoại cầm tay.
- Có những triệu chứng như là đau rát, bầm xung quanh miệng hoặc bộ phận sinh dục mà không giải thích được lý do, bị  mắc bệnh hoa liễu hoặc bé gái bị mang thai.

Liệu có phải đối tượng phạm tội không: Hãy đừng che dấu suy nghĩ, hãy đừng ngại đặt câu hỏi [3]

Có khi nào đó bạn chứng kiến một cảnh một người lớn đang tiếp xúc với một đứa trẻ mà bạn cảm thấy cái gì đó không bình thường, hoặc bạn chứng kiến một cháu bé có hành vi không bình thường, hãy tin vào bản năng mình và cần phải tự vấn, liệu có gì không ổn hay không.  Nếu gặp phải một số người có hành vi hay biểu hiện dưới đây, bạn nên cảnh giác, và đừng im lặng.

- Những người lớn có hành vi quấy rầy, phớt lờ sự khó chịu của trẻ về mặt cảm xúc, giao tế và vượt qua giới hạn gần gũi thân thể.

- Không cho trẻ giữ giới hạn tiếp xúc của cháu. Dùng lời nói hoặc hành vi có tính đe dọa các cháu khi các cháu tỏ ra khó chịu không cho tiếp xúc.

- Nài nỉ để được ôm ấp, sờ soạng, hôn, thọc lét (cù), vật trẻ xuống hoặc giữ chặt trẻ mặc dù cháu có phản ứng không muốn người đó tiếp cận mình.

- Thường xuyên đề cập đến chuyện tình dục, hoặc nói chuyện về sinh hoạt tình dục, chuyện đùa tục đối với các cháu.

- Có những hành vi lén lút đối với trẻ vị thành niên như chia sẻ thuốc, rượu, đồ chơi tình dục, gửi quá nhiều tin nhắn, email hay hẹn gặp các cháu

- Tốt bụng là đức tính tốt, nhưng quá quá tốt bụng đối với trẻ thì cần cảnh giác, thí dụ như nhận trông trẻ miễn phí, dạy kèm miễn phí, tặng quà, cho tiền cho trẻ mà không có lý do rõ ràng.

- Thường xuyên tha thứ cho trẻ họ biết về các hành vi thô lỗ, khó chấp nhận được của cháu.

Xin nhắc lại, không phải cứ phải gặp ai có những biểu hiện nêu trên đều là người có ý đồ ấu dâm cả, mà chỉ là một số dấu hiệu cảnh tỉnh bạn mà thôi.  Cẩn thận vẫn hơn mọi sự hối hận. Nếu gặp những trẻ rơi vào các trường hợp như thế dù không phải con của bạn,  và nếu bản năng của bạn cho rằng có gì đó rất khả nghi, bạn hãy lên tiếng giúp cho gia đình các cháu cảnh giác.

Chung tay xây dựng một kế hoạch an toàn cho gia đình [3]
Điều quan trọng là dạy cho trẻ  về sự an toàn, nhưng điều còn quan trọng hơn là chúng ta phải tự giáo huấn mình cần biết cách nhận dạng, biết đặt nghi ngờ khi cần thiết để giúp cho con em mình và cho cả xã hội được an vui.

Đối với người lớn, chúng ta phải có trách nhiệm. Phải có ý thức cảnh tỉnh khi nhìn thấy những  hành vi không thích hợp của người lớn và trẻ lớn hơn khi tiếp cận với trẻ em.

Phải giám sát chặt chẽ con trẻ trong khi chúng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại cầm tay, internet, mạng xã hội, mạng giao lưu.

Dạy cho trẻ biết cách nói "không", và điều nói không của cháu cần phải được tôn trọng. Cần phải thiết lập sự riêng tư ngay cả trong gia đình.

Mỗi thành viên trong gia đình dù lớn nhỏ cũng cần phải được tôn trọng sự riêng tư trong lúc đi vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo.  Đặc biệt trong các gia đình người Việt chúng ta, các bà nội, bà ngoại thương cháu thường hay sờ mó, cắn "yêu" cháu mình ngay cả bộ phận sinh dục của cháu, là một hành vi nên khuyên các cụ bỏ, vì sẽ rất nguy hiểm cho các cháu. Nhiều cháu có thể nhầm tưởng đó là chuyện bình thường, và có thể để cho người ngoài xâm hại cháu mà không biết.

Bạn không nên giữ im lặng khi linh tính bạn mách bảo bạn là có thể có xâm hại tình dục trẻ em. Bạn hãy thổ lộ với một ai đó để cùng kiểm chứng nghi ngờ của bạn.

Dạy cho con trẻ mình sớm biết chỗ nào là "chỗ kín" có nghĩa là chỗ không được lộ ra cho bất cứ ai thấy, chỉ trừ khi đi vệ sinh nơi an toàn. Cần phải dạy cho trẻ biết cách nói "không" với người ngoài khi cháu cảm thấy khó chịu và không muốn được đụng chạm. Cần dạy cho trẻ cách nói ra những điều khó nói, thí dụ như "con bị sờ vô chỗ kín", "con bị chú/anh/cô đó ôm con mà con không muốn", và chúng ta cần phải tập luyện cho trẻ nói to, nói rõ ở nhà, coi như đó là một chuyện bình thường cần phải nói ra.

Cần phải sử dụng từ ngữ chuẩn xác về bộ phận sinh dục của cháu. Giống như bạn dạy cháu học tên bộ phận mắt, mũi, thì bộ phận sinh dục của cháu, cháu cũng cần phải được biết tên đúng và chính xác. Khi đó cháu sẽ có thể mô tả chính xác những hành vi nghi hoặc là cháu có thể bị xâm hại tình dục.

Cần phải dạy cho trẻ biết được là chỗ nào trên cơ thể cháu không được phép sờ. Và phải dạy cháu kể lại là ai đã sờ vào những "chỗ kín" của cháu. Nên nhớ rằng trẻ có thể dựng chuyện để nói, nhưng điều đó không quan trọng, một khi cháu đã nói, thì chúng ta phải cảnh tỉnh. Dù rằng các cháu có thể nói sai, nói ẩu nhưng cẩn thận sẽ hơn mọi sự hối hận.

Cần dạy cho các cháu phải phân biệt rõ giữa sự bí mật và sự ngạc nhiên. Giữ bí mật để gây ngạc nhiên là một món ăn tinh thần bổ ích, giúp cho mọi người vui. Nhưng sự bí mật đó luôn được tiết lộ ra trong một thời gian ngắn, và mọi người đều vui, rồi bí mật qua đi. Còn những sự bí mật không thể tiết lộ, sợ tiết lộ là những bí mật rất nguy hiểm, cần phải nói ra.

Thiết nghĩ, với những thông tin lược lại trên đây cũng ít nhiều giúp ích được các bậc phụ huynh và những ai còn có trách nhiệm với xã hội cần chung tay để giúp loại trừ một vấn nạn kinh tởm, phi nhân tính, để đem lại niềm hạnh phúc, sự bình an cho các cháu và mỗi gia đình của chúng ta.

NguyenDinhNguyen
====

[1] http://www.aic.gov.au/media_library/publications/rpp/12/rpp012.pdf
[2] http://www.nsvrc.org/projects/child-sexual-assault-prevention/preventing-child-sexual-abuse-resources
[3] http://www.stopitnow.org/sites/default/files/documents/files/prevent_child_sexual_abuse.pdf
[4] http://www.mako.org.au/factsstats.html
[5] https://aifs.gov.au/cfca/publications/long-term-effects-child-sexual-abuse/impact-child-sexual-abuse-mental-health

No comments:

Blog Archive