Tuesday, April 26, 2016

IS tuyên chiến vi EU?

Lý Anh

IS tuyên chiến với EU?

Sau vụ quân khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công vào thành phố Paris vào tháng 11/2015, khiến hơn 130 người chết, hàng trăm người bị thương, Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận như Pháp, Đức, và Anh… tăng cường hợp tác đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt hoàn toàn IS. 

Tại Iraq và Syria, các đợt không kích đã và đang tiêu diệt những kẻ đầu sỏ của IS, phá hủy vũ khí hạng nặng, xe chở dầu, và cơ sở hạ tầng của quân khủng bố IS khiến chúng ngày càng điên cuồng tìm cách khủng bố các thành phố lớn của các nước phương Tây để trả thù. 

Gần đây nhất là vụ đánh bom tự sát tại thủ đô Brussels, Bỉ Quốc, ngày 22/03/2016, khiến ít nhất trên 30 người chết và hàng trăm người bị thương, báo động một nguy cơ mới: Bọn khủng bố IS nhằm vào các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) để trả thù các nước phương Tây đang ngày càng tìm cách tiêu diệt bọn chúng. Nhiều người đặt câu hỏi: “Phải chăng IS đang tuyên chiến với EU?”.

Các vụ đánh bom tự sát tại Brussels

Tám giờ sáng ngày 22/03 (giờ địa phương), giữa lúc mọi người vô cùng bận rộn, thành phố Brussels đang nhộn nhịp chuẩn bị bước vào một ngày sinh hoạt mới, bỗng có tiếng nổ từ sân bay quốc tế Zaventem, cách trung tâm Brussels 11,7 km về phía đông bắc, trần nhà phòng hành khách khu vực xuất phát sụp đổ nặng, nhiều bức tường kính vỡ tan, mảnh kính vương vãi khắp nơi. Hành khách nghe tiếng nổ hốt hoảng bỏ chạy. Một nhân viên kiểm tra hành lý chứng kiến vụ nổ đầu tiên nói: “Ít nhất có 6, 7 người bị mảnh bom bắn trúng, thịt người bắn tứ tung, máu chảy lênh láng”.

Một người khác đứng gần nơi bom nổ nói với giới truyền thông: “Trước khi bom nổ, một số người nói tiếng Ả Rập la hét ầm lên”.

Hai lần bom nổ ở sân bay quốc tế Zaventem lần lượt xảy ra tại phía trước khách sạn Hillton, gần quầy kiểm tra trước khi vào sân bay (check in) của công ty hàng không Hoa Kỳ American Airlines và phía ngoài tiệm cà phê Starbucks gần tòa nhà hành khách khu vực bay, khiến khoảng 14 người tử vong, 35 người bị thương.

Khoảng 79 phút sau, trạm xe điện ngầm Maelbeek gần tòa cao ốc của Liên minh Châu Âu ở trung tâm thành phố Brussels lại xảy ra một vụ đánh bom tự sát khác, khiến 20 người tử vong, trên 100 người bị thương. Truyền thông địa phương loan tin, lúc bom nổ, một đoàn tàu 3 toa đang rời khỏi nhà ga, bỗng toa giữa vang lên tiếng nổ, toa tàu hỏng nặng, thân thể hành khách cháy đen thui bắn tứ tung. Cảnh tượng vô cùng khiếp sợ.

Sau tiếng nổ, những hành khách còn sống sót hốt hoảng chạy ra ngoài. Khói đen bốc kín cửa ra vào nhà ga. Xe cứu hỏa vội vàng đến nơi bom nổ cứu chửa, nhân viên y tế cấp cứu những người bị thương. Các ga tàu điện ngầm lập tức đóng cửa không hoạt động. Thành phố ra lệnh các loại giao thông không được chạy như thường lệ. Các nước Châu Âu cũng ra lệnh máy bay và tàu hỏa không được đến Brussels. Sau vụ đánh bom ở Paris xảy ra vào tháng 11/2015, đây là lần thứ hai các nước Châu Âu sống trong tình trạng khủng khiếp..

Sau những vụ đánh bom tự sát ở Brussels, Nhà nước Hồi giáo đưa tin trên hãng thông tấn Amaq, vốn có liên hệ với tổ chức này, về các vụ tấn công ở Brussels với nội dung: “Quân IS hôm nay đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom bằng thắt lưng bom và thiết bị nổ tại một sân bay và một trạm xe điện ngầm ở trung tâm thủ đô Brussels, nước Bỉ”.

Những kẻ đánh bom tự sát là dân bản xứ

Sau vụ đánh bom tự sát ở Brussels, cảnh sát Bỉ lùng sục khắp nơi để bắt những nghi can còn sống sót. Bộ Nội vụ công bố lệnh báo động chống khủng bố lên cấp 4 là mức cao nhất. Qua mấy cuộn băng ghi hình bí mật ở trong sân bay quốc tế Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek, nhà chức trách biết rõ 5 tên khủng bố đã tham gia vào vụ đánh bom ở Brussels sáng ngày 22/03. Trong một đoạn băng ghi hình thấy rõ hai nghi can mặc áo đen, đeo găng tay màu đen, có chỗ lồi lên như giấu vũ khí ở trong đó. Dáng điệu và bước đi của họ thật là thanh thản, khoan thai. Một bóng người mặc áo trắng đi cạnh hai tên áo đen, có thể là đồng bọn.

Công tố liên bang Bỉ Frederic Van Leeuw cho biết, sau loạt vụ tấn công tại thủ đô Brussels khiến 35 người thiệt mạng hơn 200 người bị thương, cảnh sát nước này đang tiến hành nhiều cuộc đột kích trên toàn quốc. Ông còn cho biết, nghi can mặc áo đen trong băng ghi hình đã chết vì đánh bom tự sát là Ibrahim El Bakraoui. Cảnh sát tìm được chiếc laptop của nghi can ở gần nơi hắn ẩn náu, trong đó có một di thư, biết thêm em trai hắn là Kalid, 27 tuổi, cũng tham dự và đã chết khi đánh bom tự sát ở ga xe điện ngầm Maelbeek.

Ông Frederic Van Leeuw lại cho biết, Ibrahim El Bakraoui và Kalid đã có tiền án về tội cướp súng và trộm xe hơi, nhưng không ngờ chúng lại có quan hệ với bọn khủng bố IS. Cách đây không lâu, cảnh sát vào khám xét một khu chung cư để bắt giữ Salah Abdeslam, thủ phạm từng tham gia vụ đánh bom ở Paris, hai anh em Ibrahim El Bakraoui và Kalid chạy thoát, sau đó cảnh sát biết thêm Kalid đã dùng tên giả thuê căn hộ này, mới biết chúng là thành viên của IS.

Tên mặc áo đen thứ hai trong băng ghi hình từng để lại một chiếc túi đựng quả bom chưa nổ do trục trặc kỹ thuật. Trong cuộc họp báo tại sân bay Zaventem, Thống đốc bang Flemish Brabant, ông Lodewijk De Witte nói: “Chúng đưa ba quả bom vào sân bay, nhưng một quả không nổ”. Ông cũng cho biết quả bom này sau đó đã bị tiêu hủy trong một vụ nổ có kiểm soát.

Giới truyền thông trong nước loan tin, tên mặc áo đen thứ hai tên là Faycal Cheffou, một ký giả hành nghề tự do. Cảnh sát còn tìm thấy một lá cờ IS và 15 kg bom triacetone triperoxide (TATP) trong một khu chung cư ở thị trấn Schaarbeek, trực thuộc thành phố Brussels. Mấy ngày sau, cảnh sát lại bắt thêm 8 nghi can, trong đó có Faycal Cheffou. Viện công tố lập tức khởi tố hắn và hai nghi can khác.

Một nguyên nhân khiến một số cư dân Bỉ tham gia vào tổ chức IS là: Phía sau vẻ phồn hoa, thịnh vượng, chênh lệch giàu nghèo ở Bỉ vô cùng trầm trọng, biến đất nước này thành “quả bom nổ chậm”, có thể nổ sang tận các nước Châu Âu.

Thị trấn Molenbeek, ngoại ô Brussels, cư trú nhiều di dân Châu Phi và Trung Đông và con cháu họ sinh ra trên đất Bỉ. Những người này đa số theo đạo Hồi, chỉ biết tiếng Ả Rập, nên khó kiếm việc làm, thất nghiệp khoảng ba bốn chục phần trăm. Không có công ăn việc làm, thu nhập thấp, bị xã hội khinh rẻ, trở thành đối tượng cho IS “chiêu binh mãi mã”. Một số thanh niên bị bọn IS quyến rũ, đến Sirya hoặc Iraq tham dự các lớp huấn luyện khủng bố. Sau đó trở về Bỉ hoạt động. Bởi vậy, thị trấn Molenbeek, một trong 19 khu tự quản ở vùng thủ đô Bruxelles, có tên gọi chế giễu (nickname) là “nơi sinh ra thánh chiến” (a jihadist breeding ground). Thêm vào đó, quy chế quản lý vũ khí ở Bỉ cũng không chặt chẽ. Theo thống kê năm 2015, toàn nước Bỉ có 330.000 cây súng lậu. Đó cũng là một trong những điều giúp cho bọn khủng bố IS dễ dàng hoạt động.
Những nguyên nhân trên khiến nước Bỉ trở thành “lỗ hổng” đe dọa an ninh của các nước Châu Âu, tạo điều kiện cho IS dễ dàng hoạt động.

IS tuyên chiến với EU

Loạt tấn công đẫm máu nhằm vào thủ đô Paris của Pháp và thủ đô Brussels của Bỉ hồi tháng 11/2015 và tháng 03/2016 khiến trên 200 người chết cho thấy chỉ vài nhóm khủng bố liều chết được trang bị súng AK-47 và đai nổ cũng có thể gây nên các cuộc thảm sát làm rung động Châu Âu.

Một số chuyên viên an ninh ở các nước Châu Âu lo ngại rằng, đó chỉ là bước khởi đầu cho một âm mưu tấn công quy mô lớn nhằm vào Châu Âu. Cũng có thể nói, đó là sự tuyên chiến của IS đối với EU để trả thù những cuộc đánh bom của Mỹ, Pháp, Anh đối với bọn chúng.

Một quan chức phụ trách chống khủng bố của Châu Âu phát biểu với ký giả AFP: “Đối với tôi, những diễn biến trong năm 2015 chưa thấm tháp gì. Chúng ta sắp phải đối mặt với những vụ tấn công của bọn khủng bố không khác gì vụ 11/9/2001 ở New York. Đó là các cuộc tấn công đồng thời xảy ra vào cùng một ngày ở nhiều nước, và nhiều nơi khác nhau. Đây là một âm mưu được phối hợp chặt chẽ và tinh vi. Chúng tôi biết rằng khủng bố đang có kế hoạch thực hiện âm mưu đó”.

Chuyên viên này cho biết thêm, Châu Âu hiện đang trong “tầm tay của khủng bố”. Khủng bố đang tuyển mộ các công dân Châu Âu đưa đến Syria và Iraq huấn luyện kỹ thuật khủng bố, sau đó cho trở về nguyên quán thực hiện âm mưu đó. Chúng có đủ các giấy tờ tùy thân cần thiết, thành thạo ngôn ngữ và địa hình, đặc biệt có kỹ năng sử dụng vũ khí. Các cơ quan chống khủng bố Châu Âu đã ngăn chặn được nhiều âm mưu của chúng. Tuy nhiên, hiện nay bọn này quá nhiều, chắc chắn nhiều tên đã lẩn trốn thành công.

Didier Le Bret, chủ tịch Hội đồng Tình báo quốc gia Pháp (Chairman of The French National Intelligence Council), cho biết: Các tổ chức tình báo Châu Âu đã phát hiện một mạng lưới âm mưu tấn công đang phát triển ngày một rộng tại Châu Âu. Ông cho biết các cuộc bắt giữ các phần tử thánh chiến trở về từ Syria và Iraq ngày càng làm gia tăng mối lo ngại này. Ông khẳng định:

Tình hình đang thay đổi. Châu Âu đang chứng kiến các phần tử khủng bố cực đoan trở lại, những phần tử dày dạn kinh nghiệm chiến đấu và lẽ ra không nên có mặt ở Châu Âu. Chúng là những phần tử trung thành tuyệt đối với con đường đã chọn”.

Bên cạnh các cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố, các nhà phân tích của Pháp cho rằng, cần tập trung tìm ra nguyên nhân sâu xa tại sao Châu Âu luôn phải đối mặt với tình trạng này. Họ đặc biệt nhấn mạnh vào tầng lớp thanh niên Hồi giáo, tầng lớp được cho là “nguồn nhân lực dồi dào” của tổ chức khủng bố thánh chiến.

Romain Caillet, một chuyên viên chống khủng bố độc lập, nhận định: Các thanh niên Hồi giáo ở Châu Âu luôn tự cho rằng họ là nạn nhân của những định kiến và tình trạng phân biệt đối xử ở nơi làm việc và trong xã hội.

Theo kết quả điều tra mới nhất về sắc tộc thiểu số và sự phân biệt đối xử tại các nước trong Liên minh Châu Âu, 1/3 số thanh niên Hồi giáo tham gia trả lời khẳng định từng phải chịu nạn phân biệt đối xử. Những người có phản ứng mạnh mẽ nhất với tình trạng này có độ tuổi từ 16-24. Những thanh niên này thất nghiệp khá nhiều, nếu có công việc làm thì nhận được tiền công thấp hơn so với người dân bản xứ làm cùng một công việc. Đó chính là đối tượng tổ chức khủng bố IS dễ dàng lôi cuốn để thực hiện âm mưu của chúng.

Một bình luận viên về chống khủng bố của AFP nhận định:
Châu Âu thực sự đang đứng trước nguy cơ khủng bố cao, nếu không triển khai được các biện pháp đồng bộ nhằm ngăn ngừa trước mắt cũng như giải quyết nguyên nhân sâu xa của vấn đề, sẽ phải hứng chịu những cuộc tấn công kiểu như 11/09 tại Mỹ”.



Lý Anh

No comments:

Blog Archive