Vầng trăng bốn mươi năm cũ
Thần Long
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Trung Thu, trời Sydney vẫn còn se se lạnh, cái lạnh cuối mùa Đông. Ánh trăng non vằng vặc giữa bầu trời đêm, ánh trăng bàng bạc trải trên thảm cỏ, trên cây lá sau nhà tôi. Tít trên bầu trời lẫn trong ngàn vì sao lấp lánh là ánh đèn của một chiếc phi cơ bay trong đêm. Ánh trăng, và sự trầm lặng của đêm làm cho tâm tư dịu xuống và gợi lại biết bao kỷ niệm. Nhớ những đêm trăng sáng tại trại ty nạn năm nào. Đời sống ở cái trại tỵ nạn giữa biển khơi đó, tuy là rất đơn sơ về vật chất nhưng lại là những chuỗi ngày đầy tiêu dao tự tại. Ngày ba tôi, em tôi và tôi đặt chân đến Úc mỗi người một cái túi xách tay, bộ quần áo trên người, cũng là những ngày vui sướng, không lo lắng. Rồi tháng năm qua, như bao người ty nạn, dần dà nợ cơm áo, công danh cứ nặng dần. Trăng trung thu đêm nay đưa ký ức tôi đi về một nơi chốn cũ thật xa trong dĩ vãng...
Năm 1971, ba tôi, vị Chỉ huy Trưởng mới toanh, ra căn cứ KQ Phù Cát thành lập một phi đoàn mới toanh, Phi Đoàn 427. Những ngày được ba tôi dẫn theo ra Phù Cát tôi còn bé xíu, chỉ khoảng bằng tuổi Cu Bi con trai đầu của tôi đang học lớp một bây giờ. Thật là thích thú, được ba tôi cho đi loại máy bay “mới”, có tên là Caribou. Ô! sao nó chẳng giống mấy chiếc C-47 “cũ” của ba đã bay hồi trước tí nào. Máy bay gì mà cái đuôi nhỏng cao tít lên trời, lại có cái bánh ở mũi phi cơ, còn C-47 cái đuôi thì thấp thấp quen mắt, có cái bánh nằm sau đuôi. Cái gì cũng ngược lại với hình dáng chiếc C-47 quen thuộc dễ mến. Rồi phi đoàn tân lập của ba tôi từ Phù Cát chuyển ra đồn trú tại Đà Nẵng.
(hình Cohuong : http://hoiquanphidung.com/showthread...8-VNAF-Cartoon)
C-7A Caribou là loại phi cơ vận tải mới nhất trong các loại máy bay vận tải của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, là loại vận tải cơ có khả năng đáp và cất cánh trên những phi đạo xấu và cực ngắn. Với trọng tải tương đương như C-47, nhưng nhờ hai cửa đuôi rất lớn, một cửa mở lên trần, một cửa mở xuống dưới rất thuận lợi cho công tác vận chuyển tiếp tế đạn dược cho các tiền đồn rải rác khắp miền Trung.
Ở Đà Nẵng vào những tháng nghỉ Hè, mỗi sáng tôi không muốn đi đâu chơi hết, chỉ xin ba tôi cho đi theo đi lên trên phi đoàn. Còn nhớ, chiếc xe Dodge pickup màu xanh của ba tôi chở chiếc xe đạp nhỏ và tôi đằng sau thùng xe. Đi xe pickup tôi chỉ muốn ngồi sau thùng xe để gió mát lùa vào cổ vào mặt, chẳng có ghế chẳng có seatbelts gì hết. Thật khác xa với bây giờ ở Úc mỗi khi vào xe là nhắc nhở hai đứa con phải seatbelt kỹ càng.
Khi đã vào phi đoàn, tôi đạp xe loanh quanh trong hangar. Có khi chạy qua hangar bên cạnh coi những chú kỹ thuật đang sửa một chiếc C-7A to lớn. Những khi có bác Cự là bác ruột của tôi qua coi mấy chú thợ dưới quyền của bác sửa máy bay thì thế nào bác cũng cho tôi leo lên những cái dàn sắt cao dọc theo cánh phi cơ để nhìn cho rõ. Tôi mê máy bay và KQ lắm, có thể nói 99.9% những câu chuyện trao đổi với ba tôi thế nào cũng dính dáng đến KQ và máy bay.
Vào những buổi sáng có phi vụ huấn luyện, là ba tôi đánh thức tôi dậy thật sớm, ăn sáng thường là cơm rang, hoặc cháo trắng với nước mắm dầm hột vịt luộc là món ba tôi ưa thích do má tôi chuẩn bị sẵn. Ăn xong là hai cha con lên xe đi “làm diệc” theo giọng Nam đặc của ba tôi. Lên đến phi đoàn, ai cũng tề chỉnh hết. Ba tôi bước vào phòng họp, các chú đồng loạt đứng lên đưa tay ngang trán chào, ba tôi cũng đứng nghiêm chào đáp trả. Cửa phòng họp đóng lại, một lúc lâu sau tôi hé hé cửa nhìn vào thấy ba đang đứng trên bục nói và viết viết vạch vạch những đường thẳng những con số bằng viết chì mỡ trên bảng nhựa trắng. Không hiểu mô tê chi cả, thôi lén vô phòng làm việc của ba leo lên ghế ngồi quay quay thấy mình oai hẳn lên.
Trong phòng có chưng quốc kỳ huy hiệu KQ, và phù hiệu của phi đoàn. Trên tường có nhiều bức hình C-7A (dĩ nhiên là của Phi đoàn 427) đang bay information. Đang hí hoáy vẽ hình máy bay trên tờ giấy trắng, chợt có tiếng mở cửa, tôi giật mình bỏ nhanh mấy cây viết chì màu xuống. Ba tôi bước vô: - Phá gì đó nhóc con? Ra leo lên xe đi. A ha! Đi đi máy bay! Tôi chỉ đợi có thế thôi. Leo lên chiếc pickup, với các chú trong phi đoàn tôi thắc mắc - Hôm nay mình đi chiếc nào? YA hay là YR, chắc chắn không phải là YA vì hôm trước thấy nó bị gỡ hết máy rồi. Chẳng mấy chốc, xe dừng lại trước chiếc YN chiếc này hôm trước còn thấy bên hangar của bác Cự mà! Thì ra, hôm nay tôi sẽ được bay trên chiếc này.
Không biết có đúng hay không, nhưng chắc chắn tôi là một trong rất ít đứa trẻ được đi máy bay của KQVN thường xuyên, và cũng chắc là không mấy phi công dẫn con theo đi bay trong các phi vụ huấn luyện hoặc thử máy. Khi viết những dòng này xin cảm ơn ba tôi thật nhiều đã cho tôi những cơ hội đặc biệt đó, đó là di sản tinh thần quí giá nhất mà ba tôi đã cho tôi. Leo lên máy bay rồi các chú trong phi hành đoàn ai làm việc đó rất thành thạo. Ba tôi leo lên ngồi ghế phía bên trái, nai nịt xong quay lại nhìn tôi cười, và giơ ngón tay cái hướng hướng lên trên trời. Máy khởi động, cánh quạt chậm chậm quay, rồi lụp bụp gầm lên. Máy trái, rồi máy phải quay khói xăng bốc mù mịt. Tôi thích nhất là lúc máy máy bay bắt đầu nổ. Chiếc phi cơ bổng trở thành một sinh vật có tri giác và người phi công không phải là người điều khiển nó mà ngược lại là người phải tuân theo những luật lệ của nó đã ban sẵn, tôi có cảm tưởng rằng nó đòi hỏi mọi người phải nuông chiều nó, nếu làm ngược lại ý nó thì tất sẽ có hậu quả không hay. Tôi thích nhìn cái trục màu bạc (hub/spinner) trước cánh quạt, nó phản chiếu ánh sáng lập lòe có sức thôi miên người nào nhìn nó lâu. Nhìn động cơ quay, đều rồi nhìn ba tôi, bàn tay phải đeo găng thoăn thoát bật tắt điều chỉnh các công tắc trên trần phòng lái. Vị trí của cần đẩy ga của C-7A khác với những phi cơ vận tải khác, thay vì nằm trước bảng phi cụ nó lại nằm ở trên trần của phòng lái. Lúc đẩy thêm ga cho phi cơ di chuyển, cánh tay phải của người phi công treo lủng lẳng theo nhịp rung của thân tàu, còn tay kia trên cái bánh xe điều khiển bánh múi, giống như cao bồi trong phim một tay đang cầm cương ngựa tay kia đang giơ tay bắn súng. Một người lính ở dưới đất đưa tay ngang trán chào, rồi nhanh nhẹn đẩy chiếc xe có gắn bình cứu hỏa ra xa. Thắng nhả, chiếc C-7A bắt đầu di chuyển, người cơ phi leo lên chiếc thang sau ghế pilot chú nhoài hẳn cả nửa thân người qua cửa sổ để quan sát bên phải, bên trái cánh. Với sải cánh dài 96 feet và chiều cao gần hơn 30ft của cái đuôi quá khổ C-7A khi taxi dưới đất nếu không cẩn thận rất dễ bị quẹt hay đụng hai wing tips vào ụ máy bay. Nhiều lần ở dưới đất nhìn lên thấy chú cơ phi đó giống như lính thiết giáp đang ngồi trong pháo tháp. Tôi có nói ý nghĩ trẻ thơ đó cho ba tôi nghe và đề nghị ba nên cho gắn một khẩu súng trên nóc C-7A như là xe tăng vậy đó, khi nào ba đang đáp có VC bắn mình thì mình bắn nó lại. Ba tôi cười cười: “Ờ ờ, nhưng rủi VC nó chạy ra phía sau đuôi, chú bắn súng bắn theo nó, rồi trúng cái đuôi thì làm sao?” “Thôi, vậy gắn súng bên cửa sổ đi giống như AC-47 đó ba!” Tôi nhớ ba tôi cười lớn: “A a, thành ra AC-7A hay hay...”
Tôi nhớ lại mỗi khi nói về nghiệp bay bổng hay bất cứ chuyện gì, ba tôi không bao giờ coi tôi như đứa con nít, dầu cho tôi có hỏi hay nói những điều mà bây giờ nghĩ lại thấy rất là ngớ ngẩn. Những khi rãnh rỗi ở nhà ba tôi giảng cho tôi nghe về máy bay, giở sách chỉ cho tôi coi hình từng phi cụ trên máy bay và giảng nghĩa cho tôi nghe, cái này là chân trời giả, cái này là để chỉ cao độ, radio console thì kéo cái này ra... tôi nào có hiểu gì nhiều, nhưng vẫn rất thích nghe, vẽ mặt của ba tôi lúc ấy say sưa yêu nghề lắm. Ba tôi đã làm cho tôi say mê KQ say mê máy bay lúc nào không hay.
Chiếc C-7A đi chậm chậm lướt qua các ụ máy bay, tiếng máy nổ dòn háo hức. Cửa bửng đuôi vẫn mở, trạm tiếp-liên các ụ máy bay quay ngang dọc qua khung cửa đuôi đó là một trong những điều tôi thích thú khi được đi theo bay trên Caribou, ngay cả khi lên trời cửa bửng đuôi nhiều khi cũng mở - “Mở cho mát! Các chú trong phi hành đoàn thường nói vậy”. Bỗng nhiên động cơ, dường như êm hẳn lại, đi hết taxi way, trước khi ra phi đạo chính, phi cơ đứng lại động cơ idle một vài giây rồi gầm lên.
Last checkup! Go! Chiếc máy bay nhẹ nhàng phom phom ra phi đạo chính, bánh lăn nhanh dần. Chiếc C-7A hôm nay không có chở hàng nên nhẹ nhàng khoan thai lắm, chỉ mới chạy một chút là máy bay đã cất cánh. Mặt phi đạo xa dần, chiếc Caribou vừa lấy cao độ vừa quẹo clear phi đạo. Bánh máy bay cũng vừa xếp vào hẳn. Không gì thú vị bằng hình ảnh, chiếc gear cồng kềnh lăn bánh nhanh trên phi đạo, càng gear mỗi lúc thêm dài ra như lưu luyến không muốn rời mặt đất. Khi đôi cánh bắt đầu dần dần nâng đở toàn sức nặng của phi cơ từ các bánh xe là khi máy bay lìa hẳn khỏi mặt đất. Làm xong vòng quẹo là chiếc C-7A đã ở trên mặt vịnh Sơn Chà, mặt biển xanh thẩm, phẳng lặng lóng lánh như mặt một tấm gương khổng lồ trong nắng sớm. Các nhánh núi đâm ngang ra biển đẹp và hùng vĩ tuyệt vời, đâu đó trên mặt biển là vài chiếc thuyền chài nhỏ bé. Bầu trời buổi sáng, trong xanh không gợn một bóng mây, trừ ra một vài sợi mây mỏng manh như làn khói bao quanh triền núi. Bay một lúc chợt tiếng động cơ giảm dần, tôi cảm thấy tốc độ phi cơ chậm hẳn lại. Tôi từ bên phải chạy qua cửa sổ bên trái. Caribou có tám cửa sổ hình bầu dục rất lớn mỗi bên thân tàu, nhìn ra ngoài rất rõ. Ô! Máy trái tắt hẳn rồi! Các cánh quạt quay chậm dần rồi được “feather” để giảm bớt lực gió cản. Một phía máy bay êm hẳn đi, tôi trố mắt nhìn, rồi chạy lên cockpit. Cockpit của C-7A chỗ pilot ngồi là một cái platform cao, tôi đứng lấp ló ở dưới, đập đập vào đùi ba tôi. Ba tôi đang ngoái đầu ra sau nhìn ra cửa sổ về hướng động cơ đã tắt hẳn. Nghe tôi kêu ba tôi quay lại, kéo cái head phone/microphone qua khỏi một bên tai và cúi xuống nói lớn át tiếng máy - “Ba đang thử máy! Con chạy qua bên phải coi đi, ba sẽ tắt máy bên phải!”
Chiếc Caribou, dầu chỉ còn bay bằng một máy nhưng bay rất thăng bằng, khoan thai êm ả bay trên mặt vịnh Sơn Trà. Hai chú cơ phi, và áp-tải chắc đã quá quen thuộc trong những chuyến bay thử máy này nên một chú ngồi đọc báo, một chú thì đang “secure” mấy hàng roller bằng sắt để lăn cargo.
Vài phút sau máy bên trái lịch xịch nổ trở lại. Khi máy trái đã nổ đều, máy bên phải lại tắt. Sau khi đã thử hai động cơ vừa mới được bảo trì xong, là lúc phi cơ chuẩn bị về quay về đáp. Chiếc Caribou nghiêng cánh quẹo vòng trên mặt biển. Một đầu cánh như đâm xuống biển làm trụ cho toàn chiếc tàu quay vòng trong không gian, đầu cánh kia chỉa lên trời cao. Bình phi, máy bay giảm cao độ dần. Lúc nào phi cơ sắp đáp tôi cũng cảm thấy rất bồi hồi, luyến tiếc, hình như chiếc C-7A này cũng cùng một tâm trạng như vậy vì nó sắp phải từ trên trời cao tự do trở về lại mặt đất nằm im lìm trong các ụ máy bay nhàm chán. Bánh đáp được thả xuống, phi cơ lướt qua những rặng núi vào đất liền, nhà cửa ruộng vườn hiện rõ dần. Bóng phi cơ lướt nhanh trên mặt đất. Phi cơ làm approach. Phi trường Đà Nẵng hiện rõ dần, xa xa đủ các loại phi cơ lên xuống, bận rộn như một bầy ong. Phi đạo Đà Nẵng quá dài, quá dư cho loại máy bay STOL (Short Take Off and Landing) như C-7A. Khỏi flaps, cũng đáp xuống ngon lành. Có chú phi công còn nói, nhiều khi bỏ flaps đã giảm ga rồi mà nhấn đầu nó xuống nó cũng hổng thèm xuống. Xẹt xẹt, êm ái bánh xe chạm mặt phi đạo. Cánh quạt đổi chiều, 2 máy 1450 mã lực Pratt & Whitney R-2000 7MD gầm lên để giảm bớt tốc độ. Chiếc C-7A nhanh chóng rời phi đạo chính, quẹo vào một taxi way gần nhất, di chuyển về bến đậu. Mấy chú trong phi hành đoàn trong khi chuẩn bị xuống máy bay nói chuyện với nhau: - “Hai cái máy mới được làm lại này đã thiệt! Nghe nó lên ga, hay xuống ga gì cũng ngọt xớt”. Chú kia đáp: “Ờ, có tay ông Đại Úy Cự nhúng vô là hết xẩy!”
Tôi thầm hãnh diện về người bác của tôi, việc gì đụng tới máy móc là bác tôi khỏi chê. Tôi có một chiếc máy bay đồ chơi “Flying Tiger” chạy bằng pin có 4 chong chóng, chạy vòng vòng dưới đất chớp chớp đèn, rồi cửa đuôi sẽ mở ra để lộ khoang máy bay đầy cargo. Bữa kia chiếc máy bay đồ chơi “Flying Tiger” của tôi tự nhiên bị hư. Ba tôi đem tới nhà bác Cự nhờ bác sửa giùm. Mấy hôm sau vào một buổi tối, có tiếng điện thoại reo, ba tôi bắt lên vâng vâng, dạ dạ một lúc, rồi kêu tôi tới nói: - “Bác Cự muốn nói gì với con kìa”. Bắt ống nghe lên: - “Alô thưa bác Cự...” không có tiếng đáp lại, nghe kỹ thì có những tiếng tạch tạch u u quen thuộc. “A! Bác Cự đã sửa xong máy bay cho con rồi...” Và bác đã dạy cho tôi bài học mechanic đầu tiên - “Cái này con chơi thì đừng có lấy tay đẩy, vì bánh xe răng cưa này khi quay ngược chiều sẽ bị tức giống như mình đi xe đạp, mà đạp bằng tay chứ không phải bằng chân mô-tơ sẽ mau bị hư...” Bác tôi, con người khéo léo, tài giỏi, tận tụy vối công việc làm và rất đỗi bình dị, Bác tính tình thẳng thắng, nói năng thẳng ruột ngựa, kể cả trước mặt thượng cấp. Vì đức tính cương trực không thích bợ đỡ ai, nên rất nhiều người kính trọng bác.
Tôi có một kỷ niệm khó quên với bác như sau.
Một buổi trưa mùa hè nắng gay gắt, tôi ngồi thừ ngoài cổng trường Nguyễn Hiền - Đà Nẵng, đợi ba tôi đến đón. Mấy đứa bạn tôi, kể cả thằng Lộc bạn thân con của ông Trung Tá Nguyện cũng đã được ba nó rước về rồi. Tôi rầu rĩ càu nhàu, ba tôi làm cái chi mà lâu đến đón quá. Sáng nay ba tôi đi bay sớm, trưa là về rồi. Một lúc lâu sau, có chú Lúi đi xe Suzuki, chạy đến đón tôi -
“Ba mi đi bay chưa về, leo lên xe chú chở về”.
Tôi càu nhàu “Sao mà chưa về? , sáng nay ba nói là sẽ đón cháu mà?”
Chú Lúi, vẽ mặt đăm chiêu không trả lời. Chú phóng xe nhanh nhưng thay vì vô phi trường bằng cổng bên Phước Tường quen thuộc để về nhà tôi, chú lại chở tôi thẳng về sở làm của bác Cự. Bình thường tôi thích lên sở làm của bác lắm, trong văn phòng của bác có cái bảng kim loại lớn vẽ sơ đồ phi đạo và cac ụ máy bay. Những chiếc máy bay nhỏ xíu có nam châm, được gắn lên trên chiếc bảng này để đánh dấu vị trí của từng máy bay của các phi đoàn. Nhìn quanh không có ai để ý là thế nào tôi cũng “cho” một vài chiếc “cất cánh” chơi. Nhưng trưa hôm ấy, bụng thì đói, cổ họng thì khô vì khát nước, tôi hỏi chú Lúi:
- “Ơ, sao chú không chở cháu về nhà?”.
Chú trả lời ngắt quảng, - “Ba mi, đi bay... bị mất liên lạc, mất tích từ sáng đến chừ...” -
Tôi điếng hồn, nghe như là sét đánh giữa trời trưa. Dầu là còn nhỏ nhưng tôi hiểu rất rõ ràng ý chú, vì những cái tin như thế không phải là hiếm trong căn cứ KQ Đà Nẵng. Dầu nhỏ tuổi tôi cũng biết là nhiều dữ ít lành trong cái tin đó. Tôi chợt hiểu má tôi đã điện thoại nhờ bác Cự sắp xếp đón tôi đi học về, và bác Cự đã nhờ chú Lúi đón tôi về. Nhưng thay vì về nhà tôi, chú Lúi một người lính của bác cũng lo lắng nóng lòng cho ba tôi nên chạy thẳng về sở của bác để nghe thêm tin tức.
Khi đến sở của bác, xe chưa dừng hẳn tôi đã nhảy nhanh xuống xe. Ui da!! Chợt nghe nóng rát bên bắp chuối bên chân phải, cái bô xe Suzuki nóng bỏng đã in một dấu tròn đỏ ửng trên bắp chuối của tôi. Như thường ngày chắc là tôi đã mếu máo và nước mắt rơi rồi. Nhưng hôm ấy thì không. Tôi chạy nhanh vào sở bác của tôi, lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt bác gần như thất thần vì lo âu, khác với sự tự tin hàng ngày. Bác xoa đầu cái đầu đầy mồ hôi của tôi, rồi vào lục trong tủ lạnh đưa cho tôi một chai nước. Bác đi ra đi vào không nói gì giữa tiếng máy vô tuyến motorola nheo nhéo. Khoảng bằng lúc tôi uống xong chai nước thì có chuông điện thoại trên bàn làm việc của bác reo liên hồi. Bác nhấc ống nghe, sau vài giây, nhìn sắc mặt của bác tôi có cảm tưởng như có một khối đá nặng vô hình được nâng khỏi hai vai bác. Bác gác ống nghe quay qua nói với tôi -
“Máy bay của thằng bố mày bị bắn hư máy, phải nhào xuống đáp ở Gia Vực”.
Phi đạo đất nhỏ ở Gia Vực nằm trong một thung lũng bốn bề vách núi, vô tuyến không liên lạc về Đà Nẵng báo tin sớm được.
Cái sẹo của vết phỏng năm xưa trên bắp chân tôi vẫn còn đây, mà bác Cự đã ra người thiên cổ mất rồi. Tội nghiệp bác quá, vừa mới được Việt cộng thả ra từ cái gọi là “trại cải tạo”, khi mà thủ tục HO xong xuôi cả, chỉ đợi ngày đi Mỹ thì bác qua đời.
Ba tôi là em rể của bác, dầu rằng ba tôi mang cấp bậc cao hơn bác nhưng không vì thế mà kém lòng kính trọng bác. Những khi bác nổi giận thì ba tôi cũng phải kiêng nể ông anh vợ. Có một lần một chú pilot cấp bậc Thiếu Tá trong phi đoàn ba tôi đi bay về. Phi cơ bị trục trặc kỹ thuật chi đó, nên khi chú phi công này tắt máy rồi, thấy bác Cự đi qua, đưa ngón tay ngoắc bác than phiền -
“Ê! Đại Úy, máy bên phải sao mất “tua” dữ quá!”
Không may là lúc đó chắc bác đang có chuyện bực mình, cho nên cách nói hoặc thái độ của người pilot đã làm cho bác nổi giận. Mang cấp bậc Đại Úy nhưng bác là Trưởng phòng Bảo Trì phi cơ tại Đà Nẵng, nên quyền hạn và trách nhiệm của bác rất lớn. Bác đứng ngay trước phi cơ và quạt chú pilot đó một mách -
“Anh là ai nào mà dám Ề Đại Úy? Kêu "thằng sếp" của anh ra đây”.
Báo hại "thằng sếp" của Phi đoàn 427 là ba tôi phải chạy ra kéo bác vô, chứ không thì mất mặt quá. Tính của bác quá bộc trực thẳng thắng, ngay đến thượng cấp mà có điều gì không rõ ràng bác cũng nói thẳng. Ba tôi kể, nhiều khi đi họp chung với các chỉ huy trưởng trong căn cứ mỗi khi thấy bác mặt mũi đỏ lên, dợm đứng dậy là biết bác sắp sửa “dũa” ai đó, nhiều lúc ba tôi phải kéo bác ngồi xuống.
Ở Đà Nẵng, thường sau khi tan học buổi chiều sau khi học lớp Pháp Văn ba tôi đón tôi về. ăn cơm xong rảnh rỗi là ba tôi bày ra nhiều trò chơi như làm diều thả và làm đồ chơi cho tôi và các em. Đồ chơi của tôi chỉ là máy bay và... máy bay. Thời đó ngoài những chiếc máy bay ráp nhỏ xíu mua ngoài phố, ba tôi còn đẻo gọt mấy miếng móp trắng làm máy bay cho tôi. Có lần ba tôi làm cho tôi model một chiếc C-130, có 4 máy, hai fuel tanks coi giống lắm. Tôi cho máy bay "cất cánh" từ sân nhà tôi bay qua sân cỏ rộng, đến dãy nhà các chú độc thân trong phi đoàn ở. Buổi chiều mát các chú tụ họp chơi volley ball và nói chuyện ồn ào náo nhiệt. Có một chú tên là Thúy ưa chọc quê tôi, khi nào thấy tôi len men tới là thế nào cũng nói -
“Có “cô” nào cầm máy bay tới kìa!
Và câu trả lời của tôi sẽ là: - “Ơ, con trai gì mà tên là Thúy kỳ quá, chỉ có con gái mới tên là Thúy thôi... he he”.
Một chú khác chêm vô: - “Biết tại sao mà các chú kêu con là “cô” không? Tại vì con ưa mặc quần dài đó! Coi mấy chú nè ai cũng xà lỏn hết trọi”.
Đúng thiệt, mấy chú khi cởi bộ đồ bay nhiều huy hiệu hoa lá cành ra, chú nào cũng lên bộ xà lỏn ráo. Có chú đứng hút thuốc trên mấy bực cầu thang, gió thổi phồng phồng cái quần, giống hệt như là cái wind sock cuối phi đạo, tức cười ghê. Khác với hình ảnh oai hùng, phong trần trong bộ đồ phi hành khi ra chiến trận, các chú khi ấy thật là hồn nhiên dễ thương. Cũng từ thuở đó đến bây giờ, dầu cho mùa Đông lạnh giá hay mùa Hè nóng bức chỉ trừ khi đi làm, còn ở nhà lúc nào tôi cũng mặc quần cụt. Sau chuyện quần xà lỏn, có một chú hỏi: -
“Ai làm máy bay cho con mà đẹp vậy”.
Tôi hãnh diện khoe: - “C-130 ba con làm đó”.
Một chú nói nhỏ nhỏ: - “Ê tụi bay, sao ổng lái C-7A mà lại làm C-130 cho con chơi kỳ dậy mậy?”
- “Ờ, kỳ quá há, tao thấy ổng mết C-7A lắm mà, hổng khoái sao bay nhuyễn được mậy!!”
Tôi thấy cần phải thanh minh cho ba: - “Cái này là tại con kêu ba con làm thôi, chứ ba con đã làm cho con một chiếc Caribou bằng mi-ca trước chiếc này rồi.”
Mấy chú xúm lại trêu: “Ơ, đứa nào mà chơi C-130 bày đặt hổng thích C-7A, mai mốt hổng cho nó lên máy bay C-7A đâu...”
Khoảng một tháng sau, khi ba tôi đang đi công tác tại Bangkok, một đêm Việt pháo kích dữ dội vào phi trường. Một trái hỏa tiễn trúng một trong ba dãy nhà độc thân nơi các chú trong phi đoàn ở, cướp đi sinh mạng nhiều người. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến chết chóc là gì. Sau đó mỗi khi đi ngang qua cái dãy nhà bị pháo kích cháy xém đó, tôi thấy thương các chú thật nhiều. Hình ảnh anh hùng của những người Việt Nam trẻ xương xẩu, gầy gò, đem một chiếc vận tải cơ dềnh dàng đâm đầu từ trời cao đáp vội xuống những phi đạo đất cực ngắn rải rác khắp núi rừng miền Trung để tiếp tế, tải thương cho những tiền đồn. Phi cơ chưa dừng những con người đó đã xô nhiều tấn đạn dược, gạo muối xuống mặt đất. Máy bay vẫn lăn bánh đều tới cuối phi đạo, phi cơ quay đầu đẩy ga bốc lên như một con chim ưng khổng lồ trong bụi mù, và một chiếc khác từ một hướng khác đâm đầu xuống khẩn tốc đáp để đổ quân... Máy bay vận tải là mục tiêu to lớn dễ bị VC bắn rớt. Nhưng những con người tài hoa của Phi Đoàn 427, chưa bao giờ làm mất một phi cơ vì đạn quân thù hay do lỗi của pilots. Họ đã tranh dành sự sống cho quân bạn trong các tiền đồn bằng những tiếp tế đúng lúc. Hỏa tiển Nga, viên đạn Tàu nào được bắn đi do bọn mặt người hung ác tay sai ngoại bang đã cướp đi sự sống của các chú giữa giấc ngủ trong đêm hiền lành.
Năm mất nước - 1975, như bao đứa trẻ khác tuổi thơ của tôi bị cắt ngắn từ đây. Người ta dạy tôi rằng những lính trong QLVNCH, những người như bác tôi, các chú trong Phi đoàn 427 và ba tôi là “quân ngụy, là kẻ có tội với nhân dân.” Tôi buộc phải lớn nhanh hiểu nhanh rằng kẻ có tội với đồng bào tôi chính là những tên mặt mẹt chằng, răng vẩu, nón cối, dép râu, ngơ ngác giữa Sài Gòn, là những tên ma mãnh tại Bắc Bộ Phủ là con cháu củ một con quỉ có túm râu dê lưa thưa mấy cọng ngạo mạn tự xưng là “cha già dân tộc”.
Năm 1975, rời Đà Nẵng trên một C-130, nhìn thành phố mảnh đất đã cho tôi bao năm tháng đẹp đẽ, nhiều kỹ niệm ấu thơ. Có ngờ đâu rằng lần đó là vĩnh viễn xa Đà Nẵng. Không như lời hứa của ba tôi, - “Chỉ về Sài Gòn tạm thôi, rồi ba sẽ về đón ra lại Đà Nẳng”. Ba tôi cũng đã lầm, lầm như bao người lính khác đã cố góp phần giữ vững miền Nam, và đã bàng hoàng sửng sốt khi thành phố Đà Nẵng mất. Có thể nào như vậy được?
Lần đầu ở Úc nhìn những bức hình của những chiếc C-7A trên một cuốn sách, những chiếc C-7A mà “tail letters” bắt đầu bằng chữ “Y”. Thương nhớ quá những chiếc này mình đã leo lên đùa nghịch mà, còn chiếc kia bị gỡ hết hai máy nằm trơ trụi buồn bã.
Ba mươi mốt năm sau viết những hàng này thì đứa bé ngày xưa ưa quậy phá các chú trong Phi đoàn 427, đứa bé đó ngày hôm nay tóc đã có sợi bạc và tuổi đời đã xấp xỉ tuổi các chú thuở ấy, nhưng chưa làm gì để nên danh cùng sông núi như các chú. Chuyện đã bốn mươi mốt năm vẫn tưởng như ngày hôm qua...
Vầng trăng đêm nay có gì khác vầng trăng của ba mươi năm xưa cũ? Thế nhưng người xưa, cảnh xưa nay ở đâu...!?
Thần Long
No comments:
Post a Comment