Tuesday, April 12, 2016

Ba Chàng Rể Qu

í




* * *
blank
Chàng rể quí nạp sính lễ rước dâu.

Người xưa thường nhắc đến "đại đăng khoa" và "tiểu đăng khoa" để nói đến sự thành công của đời người. Khi gần cái tuổi mà người ta gọi là "tam thập nhi lập", những người quen nói tôi là "trai lỡ...". Má và chị tôi lo lắng ra mặt, dò la tông tích của những người bạn gái của tôi, để tiếp tay đóng dán vô thuyền.

Lúc đầu thì thư thả, càng ngày thì càng gắp rút, như người chạy đua ráng vươn mình tới vạch cuối. Chắc

má tôi đã đi coi bói, được ông thầy phán:

- Chân tôi "động đậy". Nếu như tôi có vợ, sẽ có thêm người thăm nuôi! Gia đình tôi có nhiều kinh nghiệm đau thương thăm nuôi từ trước.

Việc tìm vợ cho tôi đang bế tắt, thì bà chị tôi trỗ tài. Chị tôi vừa tìm ra một cô, ai thấy cũng thích liền, nào ngoan hiền, nào tuổi trẻ đôi mươi,... là em út của người bạn của chị. Chị nói là đã xem hình của tôi rồi (chắc là hình cũ lúc tôi tuổi đôi mươi vì sau nầy tôi đâu còn hình), gia đình cô ấy thích lắm, và muốn xem mắt tôi.

Một buổi sáng, cuối hè chớm sang thu, nắng mai xuyên qua cành cây, kẻ lá thành những hình ảnh kỷ hà ngộ nghĩnh trên đường. Luồng gió trong lành từ sông Cái Vừng, làm vơi đi phần nào cái nóng oi bức, của xứ sở nhiệt đới chỉ có hai mùa mưa, nắng. Theo con lộ đá, tôi chạy xe xuôi Nam, về hướng chợ Vàm. Nhiều khúc đường người dân đem lúa ra đường để phơi khô, làm cho xe cộ bị dồn cụt, cuối cùng thì tôi cũng tìm ra được địa chỉ. Tôi bước vô nhà, giới thiệu là em của chị tôi, từ Tân Châu xuống, để mua một số lúa, gạo. Đão mắt nhìn quanh tìm Thơm (tên cô gái mà chị tôi giới thiệu), nhưng mấy người phụ nữ đều trùm kín, để che nắng và bụi, giống như những nàng kiều nữ "Muslim" (Hồi Giáo), không nhận ra. Gia đình của Thơm, chắc là biết ý định của anh chàng lái lúa, nên niềm nỡ mời vô nhà. Sau đó Thơm thụt thò, mang bình trà ra đãi khách. Thơm thật thà đoan hậu, rất dễ mến,... Ba má nàng rất thật lòng, ý muốn có người ở rễ.

Rời nhà Thơm, tôi trở về chợ Tân Phú (cách đó khoảng 6 cây số), thăm hai người bạn cùng sống chung,trong thời gian lao lý. Phụ Quí và Thế An, từ khi được về đến nay chúng tôi chưa gặp lại, hai người bày tiệc nhỏ khoản đãi tôi. Tôi kể chuyện mới vừa làm lái lúa, hai người bạn có hoàn cảnh giống y như tôi, họ phản đối quyết liệt chuyện ở rễ. Nào là ở rễ mất mặt, của đấng "tu mi nam tử"!

Một thời gian sau, hai người bạn cực lực phản đối chuyện ở rễ, đã lập gia đình và sống ở quê vợ. Tôi có gia đình, được hai đứa con gái và định cư ở Mỹ.

*
Khi đứa con gái út của tôi chào đời, qua đầy tháng, mừng thôi nôi; thì nhà tôi đã quên cái chuyện là nàng muốn có một đứa con trai để nối dõi tông đường. Cả nhà bận rộn, vui đùa, hai cô chị có thêm việc làm, là sau khi đi học về phải có trách nhiệm giúp chúng tôi đưa đón, chăm sóc nàng Út.

Khi có dịp giao tiếp với người bản xứ, ngoài những lời hỏi thăm thông thường, thỉnh thoảng họ hỏi tôi:

- Where are you from? Are you Chinese?

(Bạn từ nơi nào đến? Có phải bạn là người Trung Hoa?)

Tôi trả lời rõ ràng với họ là tôi đến từ Việt Nam, là người Việt Nam, không phải là người Trung Hoa. Tôi định giải thích thêm là đất nước tôi có trên 4,000 năm văn hiến, từng... nhưng tôi kịp dừng lại, vì họ chỉ muốn biết tới đó thôi!

Trong lịch sử của Việt Nam, có 1,000 năm Bắc thuộc, 100 năm bị Tây đô hộ,... sau năm 1,975 đến hôm nay có trên 3 triệu người Việt Nam định cư trên thế giới.

Tôi có ba cô con gái, sau nầy sẽ có ba chàng rễ. Tôi nói với các con, rễ của ba sau nầy:

- Không là người Trung Hoa.

- Không là Armerican.

Vì người Trung Hoa 1,000 năm Bắc thuộc, họ đày đọa chúng ta, miệng thì nói ngọt sớt, nhẹ như ru; còn chúng ta thì thẳng như ruột ngựa, lòng dạ như lúa sạ, nước mặn, nước phèn Cà Mau, Đồng Tháp. Người Armerican, thì lợi ích của nước Mỹ là ưu tiên, sự sống còn của những quốc gia nhược tiểu là thứ yếu. Họ đến rồi đi như cơn gió heo mai chỉ làm giảm bớt cái nóng bức oi ả trong mùa hè!

Còn đối với các con:

- Đi thưa, về cũng phải trình.

- Sau 10 giờ tối, phải lên giường ngủ.

- Sau 21 tuổi mới được có bạn trai, chỉ được hôn nhẹ thôi; còn những nơi nhạy cảm không được đụng tới.

Cô con gái đi Charleston, WV học, mỗi khi rỗi rãnh đều gọi về, kể chuyện trường lớp, kể chuyện núi rừng trùng điệp đất rộng người thưa. Đến năm cuối, cô bé bận rộn, nào là phải ôn thi, phải đi thực tập, thỉnh thoảng mới có thời gian gọi, nói vài câu.

Một hôm, chúng tôi đang làm, cô bé gọi cho hay là đã về tới nhà! Sẽ ở chơi một tuần. Tôi hỏi:

- Sao không báo trước để ba đi rước?

- Con biết ba đang bận làm, nên con đón xe về nhà luôn.

Hôm đó, tôi đi làm về sớm hơn mọi ngày, khi về đến trước nhà thì giống như một bãi chiến trường. Đứa con gái và một cậu (tướng tá cũng điển trai, không thua gì ba nó lúc còn xuân xanh) đang hì hụt sơn nhà. Nó giới thiệu:

- P. là bạn cùng trường với con. Gia đình của P. gốc làm xây dựng, nên thấy nhà mình cũ quá nên sơn lại, ba không la chứ?

- Chưa gì đã "hối lộ"! Khen con thì có, nhưng còn việc con có bạn trai?

- Ba à, năm nay con hơn 21, tuổi ba qui định rồi mà! Còn P. là người Việt gốc Hoa, Chợ Lớn; châm chế cho qua đi ba.

Sau khi ra trường, chúng tôi làm lễ cưới và năm sau có một đứa cháu ngoại gái, giống y như bà ngoại, điệu đà hết biết!

Đứa con gái kế ra trường có việc làm ở Houston, TX. Cô nầy thích giao lưu với người Việt Nam, thưởng thức được những bài văn thơ, viết trăng viết cuội của ba nó; có những lời khen "mèo dài đuôi", như người tri âm. Giúp ba nó chỉnh sửa chánh tả (dấu hỏi, dấu ngã, âm d, âm v,...). Tôi lên "Google" kiểm tra lại, đúng y chang.

Một hôm, đứa con gởi mấy tấm hình đi "picnic", tôi thấy có một cậu quá thân mật với nó:

- Bạn trai con, người Việt Nam?

- Người Việt Nam 50%, qua được không ba?

- Hèn gì! Để ba tính lại, có thể ân giảm, trả lời con sau.

Hai cô chị rắp rắp theo gia qui, "tại gia tùng phụ,...", mỗi khi đến lằn đỏ thì xuống nước xin ân giảm. Riêng nàng Út, tuy giòng giống Lạc Hồng, da vàng máu đỏ, nhưng sanh tại Mỹ, được giáo dục trong trường lớp Mỹ; nên có nhiều ý kiến "linh tinh", không được thì ưa "mè nheo".

Một hôm, nàng Út đòi mang gia qui ra biểu quyết, viện cớ là việc gì từ lớn tới nhỏ đều phải được cập nhật hoá. Chuyện ngày xưa thì đúng, qua thời gian nó không còn hợp thời nữa, nếu giữ y, sẽ làm cản trở bước tiến. Hiến pháp của Hiệp Chủng Quốc còn có tu chánh án,... Thấy cô Út nói có lý luận, chứng từ hẳn hoi, nói không lại. Nếu đem ra biếu quyết chắc là bị thua với tỷ số áp đảo, mất mặt lắm. Theo sự thăm dò:

- 1 mẹ

- 3 chị em

- 1 đứa cháu gái

- Thêm chàng rể quí, sẽ theo phe vợ con, nếu theo mình coi chừng bị bỏ đói.

Tỷ số sẽ là 6/1, thôi tìm cách hoãn binh:

- Chuyện gia qui, rất quan trọng trong gia đình chúng ta, nó giúp cho tất cả vào nề nếp, mọi người theo đó mà thi hành. Hai chị con đều thành đạt, nhiều người ngưỡng mộ, thôi hãy để từ từ.

Tôi lên "facebook", thấy "friends" của nàng Út toàn là American, đâu hiểu được cái thâm thúy của văn hóa Việt Nam. Với trình độ Anh ngữ "ESL", tôi cố gắng viết một lá thư, rồi nhờ nàng Út và các bạn chỉnh sửa dùm tôi:

Dear...

We are J.'s parents. We are very glad that you are J.'s friend and we also know that you are smart, with a good "IQ" and an 'A' average in school.

Your future will be wonderful because the world needs you.

We are living close to the end of our lives, we have lived and observed and come up to this conclusion:

Good, happy people

- Balance their lives every day, every week, every month, balanced reading, shopping, resting, walking.

- Follow medical advise such as "sleeping before 10 pm" makes people smarter.

- Learn to protect yourself against dangers.

- Love yourself and those close to you.

God will send you great gifts, and angels will sing

"Let it snow!
Let it snow!"

Thank you for taking the time to read this email

Happy holidays.

(Thân mến...

Chúng tôi là cha mẹ của J. Chúng tôi vui mừng khi biết các cháu là bạn của J. và cũng biết rằng các cháu là những đứa trẻ thông minh có chỉ số "IQ" cao, là học sinh giỏi.

Tương lai của các cháu xán lạn, thế giới cần các cháu.

Chúng tôi đã sống gần cuối cuộc đời, chúng tôi đã trải qua nhìn thấy và đúc kết:

Con người tốt lành, hạnh phúc khi:

- Cân bằng giữa học hỏi, mua sắm, nghỉ ngơi, tản bộ trong ngày, trong tuần, trong tháng.

- Theo lời khuyên của thầy thuốc, là sẽ thông minh hơn khi ngủ trước 10 giờ tối.

- Phải tự bảo vệ mình, chống lại sự cám dỗ.

- Hãy yêu mến tha nhân, và chính mình.

Ông trời sẽ gởi tặng các cháu thật nhiều quà, và thiên thần đang hát ca:

"Let it snow!
Let it snow!"

Cám ơn các cháu đọc hết điện thơ nầy.

Happy holidays.)

Người đời thường nói: "ghét của nào trời trao của đó", nếu không có gì thay đổi vào phút cuối thì tôi sẽ có ba chàng rể quí, không đúng như dự tính. Nỗi buồn biết tỏ cùng ai! Ba chàng rể quí nếu hiểu được cảnh ngộ của tôi, ông ngoại của con của nó, sẽ nói là: "old style", người của thế kỷ XX nhớ dai, nói dài, lải nhải.

Cám ơn, bà đã cùng tui
Suốt ngày bận bịu, ngoài rồi tới trong
Ba cô con gái hết lòng
Gia qui ráng giữ, "phụ tòng..." đáng khen
Chuyên môn, chữ nghĩa luyện rèn
Trai hiền, gái thảo, chữ duyên do trời
Ba chàng rễ quí, tuyệt vời
Một đàn cháu dại: ngoại ơi, ngoài à!

Ngoại ở đâu, tìm không ra?
Ngoại mệt quá, thở không ra, đây nè
"Grandpa, are you ok?"

Y Châu

No comments:

Blog Archive