Saturday, September 16, 2023

Em sẽ trở về


Đứng trong hành lang phi trường Tân Sơn Nhất giây phút tiễn đưa cận kề thật não lòng, cả nhà cùng buồn, hai người ở lại tiễn hai người đi xa. Bà Tám cứ ôm riết thằng cháu nội đích tôn duy nhất trong tay, hết vuốt ve ngắm nghía nó từ đầu đến chân lại rưng rưng nước mắt hỏi cháu:
– Tèo à, con đi Mỹ có nhớ nội không?

Thằng bé 6 tuổi ôm lấy cổ bà nội:
– Con muốn ở nhà với nội, nội làm bánh khoai mì nướng cho con ăn.

Bà âu yếm mỉm cười nựng cháu:
– Cha mày, sao không trả lời câu hỏi của nội, con đi Mỹ nhớ nội không?

– Có nội ơi…

– Chừng nào con về với nội?

– Mai mốt con về…

Bà Tám hài lòng:
– Ừ, con về nội làm bánh khoai mì nước dừa nướng cho con ăn.

Cái món bánh dân dã rẻ tiền này thằng cháu bà thích lắm. Còn anh Địa thì mặt rầu rầu dù suốt tuần qua cô Hợi đã năn nỉ và thuyết phục anh rằng cô đưa thằng thằng Tèo qua Mỹ rồi cô sẽ trở về. Con mình yên ấm vợ chồng mình sẽ khỏe re. Thằng Tèo đã được anh chị của cô ở Mỹ bảo lãnh diện con nuôi. Anh Địa cũng nghĩ đơn giản như bà Tám mẹ anh là nghèo mà gia đình sum vầy còn hơn cho thằng con đi xa coi như mất con. Cô Hợi khăng khăng so sánh người ta giàu có tốn tiền cho con sang Mỹ, con mình đi không tốn xu nào đừng bỏ lỡ cơ hội. Cô Hợi nói với chồng:
– Tiễn con đi Mỹ mà mặt anh rầu rĩ làm thằng nhỏ mất tinh thần theo đó, mang tiếng nó đi xa nhưng nó ở với anh chị của em chứ ai xa lạ mà anh lo anh buồn chứ.

– Dù gì anh cũng thương con nhớ con đứt ruột em à…

– Chưa biết chừng chục năm nữa Tèo gởi tiền về mời bà nội và vợ chồng mình du lịch qua Mỹ thăm nó.

Anh Địa thở dài:
– Chục năm nữa mà em nói như chục ngày vậy sao.

Nhìn bộ mặt chồng như đưa đám và nghe chồng nói những lời như than trách cô Hợi chỉ muốn mau dứt ra để vào trong phòng cách ly cho rồi, nhưng hai mẹ con bà Tám thì trái lại cứ cố níu kéo để gần gũi người thân phút nào hay phút đó.

Anh Địa lại hỏi:
– Giấy tờ cho em đi Mỹ bao lâu?

– Thì em nói anh cả tuần nay rồi, em được ở Mỹ 6 tháng để lo cho con, sau đó em về Việt Nam ở nhà phụ với anh cuốc đất trồng rau chứ không lên Sài Gòn buôn bán chạy chợ nữa, không có thằng Tèo mình cũng đỡ được chút lo lắng và chi tiêu.

– Em làm như thằng Tèo nó làm hao tiền tốn bạc lắm, tại em ham tiền muốn mau làm giàu nên mới đi buôn bán Sài Gòn xa chồng xa con, nhà người ta trong xóm này có năm bảy đứa con cũng sống nghề làm vườn rẫy có ai chết đói đâu.

– Không chết đói nhưng nghèo sặc máu, nhà mình dột không có tiền lợp mái đó…

Giá như mọi ngày thì cô Hợi sẽ cãi nhiều hơn nữa, cay đắng nhiều hơn nữa, nhưng cô ngọt ngào nũng nịu:
– Em sẽ trở về với anh. Đêm qua anh vui vẻ ừ rồi mà còn hỏi hoài em giận cho coi.

Anh Địa ráng nở nụ cười:
– Tại giây phút chia tay anh xúc động qúa, khi không cả vợ con đều đi xa.

Mẹ con anh Địa bịn rịn mấy cũng đến lúc bà Tám phải buông cháu, anh Địa phải rời vợ để cô Hợi dắt thằng Tèo đi vào phía trong phi trường. Bà Tám cố nói với theo:
– Tèo ơi, qua bển học giỏi mai mốt về với ba với nội nghe con, nội sẽ làm bánh khoai mì nướng cho con ăn đã đời.

Anh Địa cũng chới với gọi theo vì chợt nhớ ra:
– Hợi ơi Tèo ơi, hai mẹ con đi đường bình an. Trời lạnh Tèo hay cảm cúm em nhớ thoa dầu gió cho con giống như anh và má vẫn làm cho nó nghe.

Chẳng hiểu cô Hợi có nghe hết lời nhắn nhủ của chồng không, cô giơ tay vẫy vẫy và đi luôn một mạch. Mẹ con bà Tám cũng giơ tay vẫy chào cho đến khi hai bóng dáng thân yêu khuất vào đám đông họ không nhìn thấy nữa. Khi cô Hợi và thằng Tèo ngồi vào máy bay cô mới thở phào nhẹ lòng và giây phút này cô mới dám tin là thật, cô sắp sửa đi Mỹ. cái giấc mộng to lớn mà cô tưởng cả đời cô không bao giờ với tới.

Cô Hợi là đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh, họ hàng gần xa đã thất lạc, phân tán, cô sống một mình trong căn chòi lá rách bươm và làm nghề cày thuê cuốc mướn để sống, gặp anh Địa ở xóm khác hai người tấp vô ăn ở coi như vợ chồng, anh chỉ hơn cô là có bà mẹ già hết lòng thương con và căn chòi của mẹ con anh dù sao có bàn tay đàn ông cũng tươm tất hơn căn chòi của cô. Bán miếng đất căn chòi ở xóm mình cô Hợi đưa tiền cho anh Địa tu sửa lại căn chòi của anh thành căn nhà đàng hoàng khi thằng Tèo ra đời. Thằng Tèo tên giấy tờ là Thiên, có nghĩa là trời, cha tên Địa là đất, bà Tám đặt tên “Trời Đất” cho con cháu như thế vì con nhà nông nhà vườn sống nhờ vào trời đất. Đất lành, trời mưa thuận gió hòa, mùa màng không thất bát là điều bà mong ước chứ bà không mong muốn gì hơn.

Hai vợ chồng cùng làm vườn nuôi bốn miệng ăn hạnh phúc ấm êm được vài năm đầu, thấy làng xóm người ta lên thành phố làm ăn cô Hợi cũng bắt chước đòi lên Sài Gòn dù mẹ chồng và chồng ngăn cản, cô làm đủ thứ nghề, giúp việc nhà, bán vé số, gánh hàng rong rồi rửa chén bưng bê trong nhà hàng… Làm việc ở Sài Gòn mỗi tháng cô Hợi lại về quê thăm chồng con, thằng Tèo do một tay bà nội chăm sóc, bà cưng nó như ngày xưa cưng ba Địa của nó.

Mấy năm sống ở thành phố, lăn lóc với cuộc đời cô Hợi đã khôn ngoan lanh lợi hẳn ra. Thấy nhiều cô, nhiều bà quá khứ, nhan sắc và nghề nghiệp hiện tại chẳng ra gì thế mà cũng lấy được chồng tây, chồng Việt kiều bảo lãnh sang Mỹ. Cô Hợi so sánh mình xinh đẹp hơn hẳn bọn họ và thèm khát đổi đời, anh Địa lù khù nhà quê của cô chẳng bao giờ có thể cho vợ con một cuộc sống khá hơn. Anh Địa chỉ quanh năm cắm đầu cuốc xới trồng trọt làm việc với đất đúng như cái tên mẹ anh đã đặt cho.

Theo lời khuyên của một cô bạn muốn lấy chồng xuất ngoại nên tìm chồng Mỹ chồng Tây, họ “khờ” và dễ dãi không phân biệt quá khứ, trình độ học vấn hay giàu nghèo như chồng Việt kiều, miễn là họ thích, họ yêu. Thế là cô Hợi đã nhờ cô bạn đăng tìm bạn bốn phương bằng tiếng Anh để tìm chồng tây cho lẹ, nội dung là mẹ độc thân một con muốn kết bạn để đi đến hôn nhân. Kèm theo là một tấm hình mới nhất của cô Hợi. Cô nhận được nhiều email làm quen, cô bạn đã giúp cô Hợi giao lưu thư từ và đã chọn ra một ông Mỹ khá nhất, chân tình nhất.

Ông John muốn đi đến hôn nhân với cô Hợi sau khi ông đã từ Mỹ bay về Sài Gòn gặp gỡ cô. Những giấy tờ cá nhân cần địa phương chứng thực thì cô Hợi về xóm cũ của cô đút lót ít tiền và khai là không chồng có một con, sống lang bạt trên thành phố không nơi cư trú nhất định. Nhà chồng cách đó mấy cây số chẳng hay biết gì. Được chứng thực giấy tờ cô giao hết cho dịch vụ lo tiếp.

Cô Hợi tìm cách ăn nói với mẹ chồng và chồng tin để mang thằng Tèo ra đi trót lọt.

Cô bịa đặt nói với họ là đã liên lạc được với người chị ruột thất lạc đang sống ở Mỹ, thấy gia cảnh nhà cô nghèo nên chị cô đã bảo lãnh thằng Tèo sang Mỹ diện con nuôi để lo cho tương lai của nó. Mẹ con bà Tám nghe đều ngạc nhiên và giãy nảy lên từ chối, thương thằng nhỏ phải xa gia đình, nhưng cô Hợi vừa thuyết phục vừa hứa hẹn đủ thứ khiến họ cũng xuôi lòng. Nào là thằng Tèo sẽ sống với anh chị cô, sung sướng nơi xứ Mỹ văn minh giàu có và ăn học thành ông này ông nọ. Dù nó sống ở đâu nó cũng vẫn là con cháu nhà này, sẽ không quên cội nguồn cha mẹ.

Cô Hợi sẽ được đi theo con trong cuộc hành trình đến Mỹ vì con còn quá nhỏ, thời gian cô được qua Mỹ 6 tháng cô sẽ đi làm việc trong 6 tháng đó kiếm mớ vốn mang về, cô kể ở Mỹ chỉ đi giữ trẻ nhà người ta hay làm phụ bếp nhà hàng mỗi tháng cũng kiếm hai ngàn đô ngon lành, tính sơ sơ 6 tháng làm việc cô kiếm cả chục ngàn đô la Mỹ.

Đêm cuối cùng ngủ với chồng cô Hợi đã thủ thỉ bao lời yêu thương, bao lời hứa hẹn ngày trở về vợ chồng thảnh thơi hạnh phúc. Cô Hợi đã cho anh Địa một đêm ân ái thật mặn nồng. Anh Địa đâu hiểu rằng đó là món quà vợ chồng cuối cùng anh được hưởng.

***
Mẹ con cô Hợi đã về nhà ông John được hai tuần, vui vì đến được Mỹ hợp pháp cho hai mẹ con, nhưng cô Hợi cũng không khỏi áy náy buồn khi nghĩ đến mẹ chồng và chồng, hai người nhà quê chân chất ấy vẫn đang đinh ninh tin cậy nơi cô, họ không một chút nghi ngờ lòng dạ cô đổi thay toan tính chuyện tày trời mang thằng Tèo ra nước ngoài, dứt lìa khỏi vòng tay yêu thương của họ đứa cháu nội, đứa con trai bé bỏng.

Dù gì cô cũng chưa quên mái nhà tranh đã gói ghém mấy năm hạnh phúc của hai vợ chồng, kia là bộ bàn ghế cũ xiêu vẹo, kia là cái giường ngủ của cô và anh Địa chân thấp chân cao phải kê bằng nhờ cục gạch sau tấm màn gió bằng vải hoa rẻ tiền xộc xệch, kia là căn bếp có những lúc mưa hắt ướt lối vào ra nhưng cũng là nơi từng tỏa khói ấm cho những bữa cơm nghèo quây quần vui.

Ngưỡng cửa cô từng vào ra và ngưỡng cửa cũng là nơi bà nội hay ngồi ôm thằng Tèo chờ đón cô đi làm đồng làm vườn trở về của thời gian đầu vợ chồng bên nhau. Ôi, ngưỡng cửa còn đấy, bà nội còn đấy nhưng thằng Tèo không còn cho bà ôm nó nữa và cô Hợi thì có lẽ không bao giờ trở về để bước qua ngưỡng cửa ấy.

Một chút ân hận cô Hợi khóc rấm rức và tự hứa sẽ gởi nhiều tiền về để đền bù cho họ.

Cô gọi phôn về cho anh Địa.

Hai mẹ con bà Tám mừng quýnh quáng chạy sang nhà hàng xóm để nhận cú phôn từ Mỹ gọi về, nghe tiếng chồng và bà mẹ chồng rối rít hỏi thăm cô Hợi đã xót xa không cầm được nước mắt. Họ hỏi gì cô Hợi cũng trả lời mọi thứ đều suôn sẻ tốt đẹp cho họ vui lòng, bà Tám đòi nói chuyện với thằng Tèo, bà bật khóc nức nở trong phôn khi nghe thằng cháu nói 3 chữ:
– Con nhớ nội.

Bà sụt sùi hỏi tiếp:
– Ba má nuôi của con có thương con không Tèo?

– Dạ, ông John thương con lắm nội ơi.

– Ủa, ba má nuôi con đâu? mà ông “Don” là ai?

– Là ba con đó nội, mẹ con nói phải gọi ông John bằng ba, giống như hồi ở nhà con đã gọi ba Địa.

Cô Hợi chụp phôn từ tay thằng Tèo để giải thích:
– Ông John quen với anh chị con, ông thấy thằng Tèo dễ thương nên gọi nó là con cũng như bà Hai Lèo ở kế bên nhà mình cũng xí thằng Tèo là cháu nội của bà vậy đó, nhà ông John bên cạnh nhà anh chị con là hàng xóm thân thiện lắm.

Mẹ con bà Tám nào hiểu biết gì, cô Hợi nói sao họ nghe vậy và gật gù khen thằng Tèo tốt số, ở đâu cũng có người thương.

Ông John đang ngồi gần đó âu yếm mỉm cười nghe hai mẹ con cô Hợi nói chuyện, ông không hiểu tiếng Việt nên cô Hợi tha hồ nói chuyện với chồng và bà mẹ chồng. Cô khoe với anh Địa:
– Tuần tới em bắt đầu đi làm cho một nhà hàng, lương tháng 1,800 đô la, chủ bao luôn hai suất ăn trưa và chiều, coi như em cất trọn ngàn tám vô túi.

Anh Địa mừng rỡ:
– Úy trời, một tháng lương làm nhà hàng bên Mỹ bằng anh cuốc đất thuê cả năm, hèn gì Việt kiều về nước ai cũng le lói huy hoàng.

Anh Địa thật thà tính toán:
– Em làm 6 tháng về mình xây nhà tường cho vững chắc ở cả đời không hư.

– Dạ, để tuần tới em gởi đỡ mấy trăm đô cho anh và má có tiền xài.

Cô Hợi đã kể với ông John cô còn vài người bà con ở quê và ông hứa sẽ cho cô ít tiền gởi về giúp đỡ họ. Cuộc nói chuyện của hai mẹ con bên Mỹ với hai mẹ con bên Việt Nam kết thúc trong vui vẻ cả đôi bên.

Cô Hợi đúng lời hứa gởi ngay ba trăm đô về cho anh Địa. Một tuần sau cô Hợi đi làm nhà hàng để có tiền riêng thường xuyên gởi về cho anh Địa, coi như cô trả nợ tình anh. Ở Mỹ gần 6 tháng thì cô Hợi phôn về cho anh Địa và báo tin cô đã xin gia hạn ở lại thêm 6 tháng nữa vì thằng Tèo chưa quen với gia đình mới của nó nên cô chưa nỡ rời con ra về.

Bà Tám lại sụt sùi thương cháu, bà cầu khẩn con dâu:
– Con ơi, nếu con nhắm thằng Tèo ở Mỹ không được con mang nó về Việt Nam đi, nghèo đói có nhau má cũng vui.

Anh Địa bổ sung thêm ý của mẹ:
– Má và anh nhớ Tèo lắm, còn anh vắng em anh nằm chèo queo như thằng mồ côi vợ, mỗi lần nghe bà con lối xóm hỏi thăm chừng nào em về anh càng thêm sốt ruột.

Cô Hợi hăng hái:
– Má và anh yên tâm, thằng Tèo đang càng ngày càng yên ổn mà con ở lại thì càng kiếm thêm tiền mang về làm vốn.

Anh Địa nghi ngại:
– Em có chắc 6 tháng nữa về không? đừng có ham kiếm tiền mà gia hạn ở thêm như khi em lên Sài Gòn cũng nói kiếm ít vốn rồi về quê mà đi miết mấy năm trời.

– Em hứa không gia hạn ở thêm nữa đâu, em sẽ trở về mà.

Một lần nữa mẹ con anh Địa lại tin vào lời hứa của cô Hợi. Từ chuyện cô Hợi liên lạc được với người chị ruột thất lạc đang sống ở Mỹ rồi chị cô bảo lãnh thằng Tèo qua Mỹ làm con nuôi, cô được xuất cảnh tháp tùng theo con đến chuyện cô xin gia hạn ở lại Mỹ tất cả đều khó ai tin nổi nhưng đã qua mặt được những người nhà quê chân chất và kém hiểu biết như bà Tám, anh Địa. Hơn nữa cô Hợi là dâu con, là người vợ thân thiết trong nhà không tin cô Hợi sao được.

Thời gian thấm thoát trôi qua, lòng ân hận và thương hại của cô Hợi với bà mẹ chồng và chồng cũng đã vơi dần theo từng ngày, từng tháng, tiền gởi ít đi, những cuộc gọi phôn thưa dần, vả lại cô Hợi cũng không có thì giờ mỗi tuần gọi phôn về Việt Nam như đã hứa với họ nữa, cô muốn bà Tám và anh Địa quen dần cho tới một ngày nào đó họ sẽ đoán ra sự thật, cái điều mà cô không thể nói thẳng ra với họ.

Cô có cuộc sống mới để sống, có người mới để yêu. Quá khứ sẽ khép lại như trang sách cũ người ta chỉ nhớ đến khi tình cờ khi bất chợt mở cuốn sách ra trong phút giây nào đó. Anh Địa than phiền cô Hợi ít gọi điện về làm anh càng nhớ vợ nhớ con thì cô Hợi phân bày con bận đi học vợ bận đi làm vất vả, khi nào rảnh rang cô sẽ gọi phôn, anh đừng tự gọi vừa tốn tiền vừa làm mất thì giờ của cô.

Còn một tháng nữa là đủ một năm mẹ con cô Hợi đã đến Mỹ, là thời hạn cô Hợi phải trở về Việt Nam thì anh Địa chịu hết nổi, anh đợi khá lâu không thấy cô Hợi phôn về nên muốn gọi phôn cho vợ để nhắc nhở. Nhưng số điện thoại cô Hợi cho trước đó đã không gọi được làm anh thắc mắc lo âu, anh gọi đi gọi lại mấy lần chỉ nghe tiếng người Mỹ nói trong máy anh chẳng hiểu gì. Sợ mình sai sót trong cách gọi điện thoại sang Mỹ, anh Địa bèn nhờ một người trong xóm “kinh nghiệm” chuyện gọi phôn sang Mỹ vì con ông ta ở Mỹ, ông gọi giùm thì mới biết là số phôn này cô Hợi đã không dùng nữa.

Bà Tám và anh Địa hoang mang, hai mẹ con bàn với nhau:
– Hay thằng Tèo chưa quen với cha mẹ nuôi, Hợi muốn ở thêm thời gian nữa với Tèo nhưng sợ bên nhà mong nên im lặng?

– Hay là Hợi đổi số phôn nhưng bận rộn quá chưa gọi về?

Họ nói thế để tự trấn an mình và an ủi lẫn nhau chứ trong thâm tâm cả bà Tám và anh Địa đều mơ hồ cảm thấy mẹ con cô Hợi đã ngày một xa cách họ. Bà Tám hay ra đứng trước sân nhìn trời cao mênh mông mà than mà khóc:
– Trời đất ở đây, ba Địa ở đây, vậy chớ thằng Thiên thằng Tèo của ba Địa, của bà nội đâu rồi?

Khóc xong bà Tám chỉ biết cầu trời khấn Phật cho cháu bà bình an. Anh Địa thì thẫn thờ, thở ngắn than dài hết thương con lại nhớ vợ. Nhiều khi đang ngồi trong nhà nghe tiếng ai chộn rộn ngoài cửa anh hồi hộp mừng rỡ tưởng tiếng cô Hợi trở về. Lời hứa hẹn ngọt ngào của cô còn đọng lại trong trái tim anh: “Em sẽ trở về mà…”

Nguyễn Thị Thanh Dương

No comments:

Blog Archive