'Cung Đàn Việt Nam’ , âm nhạc thuần túy văn hóa Việt của Đoàn Lạc Hồng
August 23, 2023
Đằng-Giao/NV
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Chương trình “Cung Đàn Việt Nam” do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng thực hiện sẽ ra mắt khán giả yêu nghệ thuật dân tộc lúc 3 giờ 30 phút chiều Chủ Nhật, 27 Tháng Tám, tại Rose Center Theater, 14140 All American Way, Westminster, CA 92683.
Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng có đầy đủ nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
“Cung Đàn Việt Nam” là chương trình văn nghệ đầu tiên mà Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng thực hiện sau COVID-19.
Ban tổ chức rất hứng khởi khi thực hiện “Cung Đàn Việt Nam” vì đây là dịp tốt đẹp để các em thanh thiếu niên hội viên biểu diễn khả năng chơi nhạc cụ cổ truyền Việt Nam và trình diễn các ca khúc dân tộc Việt Nam.
Thời gian ba năm xa khán giả đã đủ để các em nhớ khán giả, nhớ sân khấu.
“Vì tác động quá to lớn của đại dịch, chúng tôi phải tạm ngưng thực hiện chương trình một thời gian, vừa giữ cho chúng tôi mà cũng vừa để bảo vệ khán giả,” nhạc sĩ Nguyễn Châu, giám đốc nghệ thuật, cho biết.
“Cung Đàn Việt Nam” sẽ có nhiều tiết mục đặc sắc dàn dựng theo tôn chỉ xưa nay của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng là dung hòa với âm nhạc Tây phương nhưng vẫn giữ nét tiêu biểu của nhạc Việt, theo ông Nguyễn Châu.
Ông nói: “Tiết mục công phu nhất mà cũng hoành tráng nhất và làm chúng tôi hãnh diện nhất của chương trình là trường ca ‘Hòn Vọng Phu.’ Trường ca này tổng hợp ba bài ‘Hòn Vọng Phu’ của nhạc sĩ Lê Thương,” ông Nguyễn Châu vui vẻ nói.
Trường ca “Hòn Vọng Phu” sẽ là một sự hòa quyện tài tình và thích thú giữa âm giai ngũ cung dân tộc với lối hòa âm cổ điển Tây phương.
“Xưa nay, nhạc phẩm bất hủ này của nhạc sĩ Lê Thương được hòa âm theo lối Tây phương. Lần này, tuy tôi vẫn giữ phần nào nét hòa âm Tây phương nhưng sẽ nhấn mạnh, sẽ khơi dậy cái hồn Việt ẩn chứa trong nét ngũ âm của nhạc phẩm,” ông Nguyễn Châu chia sẻ.
“Cung Đàn Việt Nam” là tinh thần yêu nước của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
Trường ca “Hòn Vọng Phu” cũng tôn vinh những vần thơ chân chất Việt Nam của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: “Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây/ Chín lần gươm báu trao tay/ Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh…”
Trường ca này diễn tả sự oai nghiêm và hùng tráng của đoàn quân ra trận mà vẫn giữ được tâm sự bơ vơ lạc lõng của người thiếu phụ lặng buồn vọng phu.
Tiết mục mang tên chủ đề “Cung Đàn Việt Nam” là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Châu với nhạc cụ chính là cây sáo. Tiếng sáo réo rắt khi nhặt khi khoan, khi la đà khi bay bổng sẽ thể hiện cái hồn Việt phất phới trong mọi sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Châu.
Một tiết mục độc đáo nữa là “Xuân Thanh Bình” cũng do chính vị nhạc sĩ sáng tác.
Ông cho hay “Xuân Thanh Bình” là bức tranh mô tả một mùa Xuân Việt Nam thật vui tươi, một mùa Xuân của những ngày xa xưa khi đạn bom chưa giày xéo quê hương chúng ta.
“Nhạc cụ chính trong nhạc phẩm này là cây đàn bầu và toàn nhạc phẩm là một cuộc đối thoại thú vị, hào hứng giữa đàn bầu và ban nhạc gồm những nhạc cụ dân tộc khác như đàn tranh, đàn kìm, đàn nhị, đàn tỳ bà…
Một tiết mục khác cũng đáng được chú ý là “Mùa Hoa Anh Đào.”
Ông Nguyễn Châu muốn lột tả âm tiết ngũ âm Nhật Bản của nhạc phẩm này qua các nhạc cụ Việt Nam.
Ông nói: “Tôi cho tất cả các đàn tranh lên dây theo kiểu đàn koto của Nhật và dùng trống đại của mình chơi theo kiểu trống taiko của Nhật.”
Ông Nguyễn Châu tiếp: “Với ‘Cung Đàn Việt Nam,’ tôi muốn các hội viên có một diễn đàn để bộc lộ từ tài năng đến tinh thần yêu chuộng văn hóa nghệ thuật Việt Nam và cũng để khán giả có một buổi chiều thoải mái trong âm hưởng quê hương.”
Thành viên Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng là thanh thiếu niên gốc Việt yêu thích âm nhạc Việt. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
“Cung Đàn Việt Nam” sẽ đưa khán giả vào một cuộc du hành âm nhạc từ Bắc vô Nam.
“Ở miền Bắc, chương trình có làn điệu hát chèo, đến miền Trung thì có ca Huế, một thể loại thính phòng cổ truyền của cố đô Huế và vô tới Nam thì có làn điệu cải lương,” ông Nguyễn Châu tóm tắt.
Thành lập năm 1989, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng có mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và đã đào tạo bao nhiêu thiếu nhi, thiếu niên gốc Việt tại hải ngoại biết cách sử dụng những nhạc cụ dân tộc, biết đàn, biết hát, biết múa để phô diễn nét văn hóa nghệ thuật Việt Nam trên xứ người.
Ủng hộ “Cung Đàn Việt Nam” của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng là bảo tồn văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho thế hệ kế tiếp.
No comments:
Post a Comment