Tưởng
Khánh Trường
Năm nay tôi 75 tuổi, 14 cháu nội ngoại, bệnh đầy mình, liệt 2/3 thân thể; tay yếu và vụng không cầm nổi ly cối nửa lít đầy nước; chân đứng không vững phải ngồi xe lăn; tuần 3 ngày lọc máu; ngày nuốt 20 viên thuốc; có lúc sức khỏe suy sụp đến nỗi một tháng thăm viếng bệnh viện năm ba lần. Nói chung, tôi là điển hình đại diện cho một cái xác còn thở, vô ích và gây tốn kém phiền hà cho người thân và xã hội. Tự kiểm trên tuyệt đối không để than thân trách phận, mà chỉ để nhìn lại mình, khách quan hơn.
Từ thời còn trẻ cho mãi non một năm trước, tôi vẫn tưởng mình ghê gớm lắm!
Tài năng, thông minh, học một hiểu mười, làm được những điều nhiều người học cả đời, nỗ lực cả đời chưa chắc đã làm được. Và nhất là nhạy bén, tiếp xúc với bất kỳ kẻ nào, chỉ qua vài đối thoại tôi biết ngay họ là ai, trình độ ra sao, tính tình tốt hay xấu, đứng đắn hay lẳng lơ, thành thật hay giả dối, đê tiện hay hào sảng… Nói theo ngôn ngữ dân gian, con ruồi bay qua, tôi biết ngay đực cái. Yên trí với cái “tưởng” này tôi thường tỏ ra cao ngạo, coi khinh mọi thứ, mọi người.
Vài tháng nay tôi bỗng thấy cái “tưởng” của mình mới nực cười làm sao!
Ừ thì tôi thông minh, nhạy bén, đôi chút năng khiếu. Nhưng xét cho cùng, nào có gì ghê gớm đâu? Hôm qua vợ tôi bảo thằng cháu “Xem lại giùm ngoại cái điện thoại, tự nhiên mất dấu tiếng Việt”. Thằng cháu, mới mười bốn tuổi, nhanh nhẹn làm vài thao tác, chỉ chưa đầy một phút, xong. Con gái út tôi vào đại học, ra trường, làm việc ở một công ty chuyên antivirus cho nhiều công ty khác ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này. Điều lạ là việc nó đang làm hoàn toàn không liên quan đến những điều đã học: kế toán! Lạ hơn nữa, chỉ một thời gian ngắn, từ nhân viên bình thường nó leo lên chức Manager, phụ trách một phân bộ chỉ huy trên mười kỹ sư vi tính dày dạn kinh nghiệm. Bà hàng xóm, bạn vợ tôi, nguyên là ca sĩ đã giải nghệ vì cao tuổi, chồng chết, con cái có gia đình ra riêng và bận đi làm, chỉ thỉnh thoảng đến thăm. Ngồi không, buồn, bà vào Home Depot mua vật liệu, xem sách hướng dẫn, một mình đo đạt, cưa, đục… nhẩn nha gần một tháng, căn nhà thay đổi dung nhan, sang trọng và mỹ thuật. Thay thảm lông bằng gỗ lót sàn; sơn tường; đổi hệ thống ánh sáng toàn nhà bằng phát minh mới, đẹp và hiện đại; nhổ bỏ và trồng cây cảnh mới ngoài vườn… Tôi nói,
“Sao chị không gọi thợ?” Bà bạn cười,
“Gọi thợ thì việc đâu cho mình làm?”
“Chị tài thật.”
“Ở Mỹ cái gì cũng có sách vở, cứ theo đó mà làm, tài cán chi.”
Ngẫm lại, từ cháu, con, hàng xóm đến bản thân, chợt phát hiện ra, đã ngót hai phần ba thế kỷ, tôi chỉ làm được vài chuyện, còn hàng vạn chuyện tôi không biết, cũng không thể làm. Ngay việc tầm thường nhất, thay nhớt cho chiếc xe hàng ngày vẫn sử dụng, cũng mù! Ngoài vẽ vời, viết lách, tuy không nói ra nhưng thâm tâm tôi xem mọi công việc khác đều chả đáng quan tâm.
Quan niệm thiển cận và tự mãn vô lối!
Nhiều thập niên đã đi qua, bao biến thiên tang hải. Vài trăm bức tranh, có thời 80% bìa sách ở hải ngoại do tôi trình bày, trên mười cuốn sách, chủ biên một tạp chí, và những công việc linh tinh khác, rốt cục tất cả đều “chả ra cái đếch gì”, như ông bạn vong niên của tôi, nhà văn Mai Thảo, thuở sinh tiền thường nói.
Đúng thế, chả ra cái đếch gì, với bản thân, mọi chuyện. Cuộc đời muôn mặt, cái biết của tôi nào khác ngọn lau thấp tè, giữa bạt ngàn rừng cây cổ thụ. Vài năm nữa sau khi về với đất, mọi việc tôi đã làm sẽ nhanh chóng ra khỏi trí nhớ nhân gian. Cuộc sống bây giờ có quá nhiều chuyện cần biết, cần học hỏi, còn thì giờ đâu quan tâm chuyện đã qua? Thuở trước một bài thơ hay, một đoạn văn lạ, một phát kiến mới sẽ được người đời tụng ca. Đọc sách cũ, Thi nhân Việt Nam chả hạn, thấy có tác giả chỉ có một hai bài thơ, vậy mà từ thời tiền chiến đến giờ, đã trên dưới tám mươi năm, người ta vẫn nhắc đến với những ngợi khen, thán phục không tiếc lời. Nay, mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ, trên báo chí, sách vở, truyền thanh, truyền hình, nhất là trên mạng, vô số những cái mới và hay, lạ xuất hiện, nhiều đến trở nên tầm thường, không ai thèm ghi nhớ.
“Ngộ” ra điều này giúp tôi phát hiện ra cái tôi tầm thường trong mênh mông tri thức nhân loại, để từ đó, có được sự khiêm cung mà trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ tới.
Khiêm cung, đến tuổi thất thập ngũ niên mới biết, liệu có muộn quá chăng?
Cứ cho là muộn. Song muộn còn hơn không.
Nhìn quanh, bè bạn cùng vô số người bằng tuổi, có khi hơi tôi cả con giáp, vẫn tưởng trước và sau mình hiếm ai bằng, để rồi trong ngôn ngữ, việc làm họ luôn cao ngạo, tự mãn, phát ngôn một tấc đến trời.
Có anh họa sĩ tài năng chỉ cấp làng xã, có cậu viết văn ảnh hưởng quẩn quanh phường khóm, có chú làm thơ được vài mươi người bấm ngón tay cái hay thả tim trên mạng (hầu hết là bè bạn, tình nhân hoặc những cây si!), có bác hì hục cả đời viết, gom góp, cho ra đời một hai tập nhận định, phê bình mỏng dính… Tất cả đều tưởng mình ghê gớm. Những “thiên tài” này nhiều khả năng đến chết vẫn còn “tưởng”. Theo niềm tin tôn giáo, họ khó có cơ hội vãng sinh, bởi muốn sống dai sống dài vĩnh viễn, để truyền bá, xiển dương những thành tựu đã đạt được, để tận hưởng cái “sướng” họ may mắn “hơn người”!
Ôi những cái “tưởng”. Đáng thương và tội nghiệp.
Cho nên tôi sẽ tiếp tục việc đang làm, viết. Nhưng cố không “tưởng” nữa, biết đâu nhờ thế sẽ khá hơn chăng?
Khánh Trường
No comments:
Post a Comment