THÀNH PHỐ MỘNG MƠ ĐÃ HẾT RỒI MƠ MỘNG?
Trên mạng xã hội từng "dậy sóng" vì cái bill tính tiền của một phòng trà ca nhạc khá nổi tiếng ở Đà Lạt dành cho nhóm du khách 8 người vào đây uống nước và thưởng thức ca nhạc. Tổng chi phí cho buổi giải trí này tròm trèm 2.500.000 đồng, với chi tiết đơn giá được ghi rất rõ từng mục mà theo nhóm du khách là bất hợp lý và còn mang tính chụp giật, chặt chém. Không chỉ có giải trí, các loại dịch vụ khác như ăn uống, vé tham quan thắng cảnh… cũng bị du khách kêu rêu là quá mắc mỏ, thái độ phụ vụ khách cũng không thân thiện.
Đà Lạt trước năm 1975 được ca ngợi là thành phố mộng mơ, thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa... do sức hút của các thắng cảnh nổi tiếng và thiên nhiên ưu đãi cho một khí hậu lý tưởng kết hợp với sự thân thiện của người Đà Lạt xưa. Người Đà Lạt xưa dù trên lãnh vực nào cũng rất mến khách, buôn bán, kinh doanh thật thà. Người Đà Lạt biết kéo du khách để làm giàu cho mình không chỉ từ thiên nhiên, thắng cảnh, mà còn từ lòng người. Tức nhân tâm.
Thế nhưng ngày nay, cái gì đã làm Đà Lạt thay đổi và mang tiếng đến vậy? Người Đà Lạt xưa gần như đã được thay thế bằng Người Đà Lạt mới. Tôi không "quơ đũa cả nắm", chỉ nói riêng về lãnh vực kinh doanh du lịch - khai thác, tận dụng một ngành kinh tế không khói mà làm kiểu "con rắn tự ăn dần cái đuôi của mình". Nhiều thắng cảnh đã bị tàn phá, còn hơn là nơi hoang phế. Buôn bán, kinh doanh là mũi nhọn kinh tế của Đà Lạt nhưng lại buông lỏng quản lý để cho các dịch vụ chặt chém du khách. Từ nhà hàng, khách sạn đến những quán ăn bình thường cứ lợi dụng dịp lễ, tết là tăng giá khủng khiếp.
Rồi cũng từng xảy ra chuyện Khu du lịch "Núi Quỷ", khai thác du lịch theo kiểu nhát ma, lấy hình tượng của "ma vú dài", quỷ "đầu to", "quỷ treo cổ"... định làm một thứ âm cung, ngạ quỷ kích động ma lực, thử dây thần kinh người trần gian. Chẳng hiểu người ta nghĩ ra chuyện "Quỷ Núi" để tô vẽ gì thêm cho Đà Lạt. Một nơi nhảm nhí, phản cảm và kinh dị như thế không hiểu sao lại được cấp phép hoạt động, đến khi báo đài, du khách phản ứng dữ đội cơ quan có trách nhiệm mới "ngớ" ra và cho lệnh tạm đóng cửa để chấn chỉnh. Chấn chỉnh cái gì? Núi Quỷ đã sai từ tư duy, từ cái đầu kinh doanh thì chấn chỉnh thành Núi Thiên Thai à?
Thiết nghĩ các cơ quan chính quyền, ban, ngành chức năng có trách nhiệm hãy "vi hành", hoặc "ghé mắt tới" những nơi phá bĩnh truyền thống tốt đẹp của Đà Lạt, kinh doanh chụp giật, đuổi du khách hơn là tìm cách lưu giữ, phá nát Đà Lạt trong tâm tưởng của mọi người để xử lý thích đáng. Vì đây không chỉ là kinh tế mà còn là nguồn cơn để xã hội "không chịu phát triển" nhìn từ thành phố mộng mơ nhưng hết còn mơ mộng vì ngày càng tuột dốc không phanh.
Rồi mới đây, ngay đầu mùa mưa của năm 2023, Đà Lạt đã bị ngập lụt ngay trong khu trung tâm thành phố. Không tưởng tưởng tượng nổi Đà Lạt là thành phố cao nguyên, vị thế thành phố Đà Lạt cao hơn mặt nước biển cả ngàn mét, xung quanh Đà Lạt là thác, suối, hồ…hệ thống trữ nước và tiêu thoát nước cho Đà Lạt từ ngày xưa chưa có khi nào đến mức cảnh báo thì còn nói chi đến ngập lụt, nhất là ở những con đường cao, nhiều đồi dốc như Đà Lạt?
Như thế cho thấy rằng thành phố Đà Lạt về mặt quản lý tổng thể môi trường đã có vấn đề. Rừng thông bị cháy, bị chặt phá, hồ Than Thở, thác Cam Ly, Suối Vàng… mùa khô cạn nước, ô nhiễm trầm trọng, hổ Xuân Hương đẹp và thơ mộng, một trong những hình ảnh đẹp của Đà Lạt mực nước xuống rất thấp trong mùa khô, nhưng mùa mưa thì ngập tràn bất thường. Nếu không có tư duy, tầm nhìn về quản lý, buông lỏng cho tàn phá rừng, nhất là rừng thông thì trong vài năm nữa Đà Lạt có thể sẽ không còn cả sương mù, hơi lạnh vốn là “đặc sản” của Đà Lạt mà trong mùa nắng nóng du khách các nơi thường đổ dồn về đây để “thưởng thức” thời tiếc đẹp và có màu sắc như châu Âu này.
Có lẽ không chỉ bản thân tôi, mà rất nhiều rất nhiều người thế hệ tôi từng gắn bó với Đà Lạt, yêu quý Đà Lạt như một người tình thuỷ chung không muốn thành phố mộng mơ này bị phụ rẩy, bị tàn phá, bị ngược đãi và ngoảnh mặt vô tội vạ.
TỪ KẾ TƯỜNG
No comments:
Post a Comment