Wednesday, August 23, 2023

NỖI ĐAU TRƯỜNG HẬN!

Dịch Covid, Sài Gòn tan hoang, thê lương với mấy chục ngàn người phải bỏ mạng vì chính sách chống dịch sai lầm. Bên cạnh đó, 2.2 triệu đồng bào phải lũ lượt rời bỏ thành phố vì đói, vì kiệt quệ mưu sinh, vì cạn hết đường sống. Dòng thác người tràn ngập xa lộ, đông kìn kịt trên các nẻo đường bằng đủ loại phương tiện trong đó có cả việc đi bộ hàng trăm kilomet để về quê. Cứ ngỡ cái đói, cái khổ, cái chết tang thương chỉ có ở thời chiến tranh và nhất là sau những năm "Giải Phóng" nhưng không ngờ... Gần 50 năm sau, có 1 tầng lớp đeo mặt nạ người, ở vị trí quyền cao chức trọng nhưng lại là dã thú. Chúng ăn xương máu và xác của hàng chục ngàn đồng bào chết oan ức tức tưởi bằng Kit test, bằng những chuyến bay giải cứu và đẩy đồng bào vào cái đói, cái sợ đến mức lũ lượt di tản rời bỏ Sài gòn. Ấy vậy mà, những kẻ đốn mạt đã nuốt chọng mấy trăm ngàn đô, hàng chục triệu đô - đó là tiền được đổi bằng máu, nước mắt và mạng sống của mấy chục ngàn người dân - nhưng lại có thể thoát được tội hối lộ với án tử!...

Thế mới nói, mạng người Việt Nam mình rẻ lắm, rẻ như "Bữa cám heo" trong câu chuyện dưới đây. Câu chuyện đau thương này được chính Má nuôi tôi kể lại, bà vừa kể vừa rơi nước mắt. Đây là một câu chuyện có thật liên quan đến cái chết của 4 con người khốn khổ khốn nạn mà bà tận mắt chứng kiến. Nó cũng là 1 trong cả ngàn câu chuyện bi thương của những phận người sau biến cố 1975. Và ai ngờ đâu, sau gần 50 năm, đã có 2.2 triệu người rời bỏ nơi sinh sống để ra đi vì cũng sợ sẽ chết vì "Đói"!

------

Đà Nẵng 29.3.1975

Tiếng pháo, tiếng súng, tiếng reo hò của quân "Giải phóng" vang dậy ngập trời, Đà Nẵng đã thất thủ!

Chị chạy sấp ngửa tìm chồng, hòa vào đám đông đang chen nhau chạy, chen nhau trốn trong khói bụi mù mịt, mùi thuốc súng khét lẹt vương trên khuôn mặt thất thần của chị, cái nón lá cầm theo rách tơi tả thả rơi xuống đôi chân trần rướm máu khi người ta báo tin: chồng chị - Si Quan Ngụy đã bị bắt!

Chị về tới nhà khi đã tối muộn. Đứa con lớn nhong nhóng níu áo mẹ hỏi ba đâu? Còn 2 đứa nhỏ ôm chân mẹ mếu máo bảo con đói bụng. Nước mắt lưng tròng, nhìn 3 đứa con chị biết...những ngày đau thương sắp đến!...

Sau đó là những năm tháng dài đằng đẵng, chị lê la khắp nơi xin làm mướn nhưng chẳng ai cho. Cái nghèo, cái đói, cái rách như tổ đỉa, cái khốn nạn cùng cực của những năm tháng sau Giải Phóng đã làm cạn kiệt lòng thương xót của tất cả mọi người. Ai cũng meo mốc, cũng sống cầm chừng, cầm hơi bằng chút thức ăn khó nhọc lắm mới kiếm được. Chị đã bán tất cả những thứ trong nhà có thể bán: cái xe đạp, bàn ghế gỗ, bộ phản nằm, tủ thờ, tất tần tận xoong nồi, quần áo lành lặn... Chỉ còn 1 thứ duy nhất chị không bán, nó nhỏ bé nhưng quý giá đến nỗi được xem là "hy vọng sống" của chị để chờ chồng về, dù thế nào chị cũng phải cố giữ lấy nó!... Và căn nhà chị giờ trống toang trống toác, cửa nẻo sập xệ tênh hênh cho gió thổi gió lùa nhưng vẫn không thể lấp đầy dạ dày của ba đứa nhỏ!

Đứa con gái lớn mới 10 tuổi, nó như biết thân biết phận, cứ im im cả ngày, đôi mắt luôn ầng ậng đầy nước, chỉ khi chị ôm con bé vào lòng thì nó mới òa lên khóc nức nở. Còn 2 đứa nhỏ: thằng nhóc 7 tuổi, gái út 3 tuổi thì khóc dặt dẹo vì đói, cứ níu áo mẹ đòi ăn, đòi sữa...

Đêm! Chị đói cồn cào và không dám ngủ. Cả 3 đứa nhỏ cũng đang lăn qua chằn lại. Thằng bé ngồi nhổm hẳn dậy và khóc mếu máo, cứ mẹ ơi con đói, con đói. Đứa út thì rên ư ử, nó nóng hầm hập mà lại run lẩy bẩy, người cứ co quắp lại như con tôm luộc. Chị lấy khăn lau khắp người cho con bé nhưng không giảm được cơn sốt. Con bé như muốn lên cơn co giật, hai hàm răng nghiến chặt lại ken két. Chị cạy hàm nhét ngón tay vào miệng con. Ngón tay chị muốn đứt lìa trong cái hàm siết chặt của con bé. Nước mắt chị chan hòa, tay còn lại chị bịt miệng mình dằn cơn đau và tiếng nức nở trong cái nhìn hốt hoảng của con bé lớn. Nó đã đứng bên cạnh chị từ lúc nào, đôi mắt cứ mở to toang toác hết thẫn thờ nhìn em rồi nhìn mẹ!...

Và cái đói đã quật ngã cả 3 đứa nhỏ!. Chúng nó cứ nằm thoi thóp bất động, mắt lờ đờ nhìn mẹ, cả 3 đều không còn hơi sức để khóc. Tay chân chị cũng run lẩy bẩy khi cố vét vài hạt đường còn vương trong cái hũ quẹt vào miệng con bé út. Con bé ngậm nút ngón tay của mẹ, cứ chùn chụt mà không muốn nhả. Nước mắt chị trào ra trong hố mắt sâu đăm đắm đen ngòm màu tuyệt vọng. Chị chỉ còn một cách duy nhất để cứu con!:

Đêm đến, chị nhẹ bò vào sân sau nhà hàng xóm ngoài đầu làng. Cái thùng đựng nước vo gạo, cơm cháy canh cặn, đầu cá, rau lang, đọt chuối người ta để tênh hênh cạnh chuồng heo, chờ sáng sớm dậy nấu thành cám cho heo ăn. Chị trút một ít sang cái xô nhôm nhỏ mang theo và nhẹ chân mang về...

Ba đứa nhỏ châu đầu vào húp cám heo, lần đầu chúng mửa ra, nôn thốc nôn tháo...Vài lần sau chúng húp xì xà xì sụp, chỉ còn chừa lại chút đáy nồi là phần chị!

Và chị đã đi "Ăn cắp cám heo" như thế cả tuần cho tới khi:

Chị bị bắt quả tang!

Nửa đêm người ta la ó, bắt tận tay, day tận mặt chị!

Người đầu làng chửi như tát nước vào mặt chị. Hùa theo là các láng giềng, các bà, các cô bu xung quanh xúm xít, người một câu, người vài câu chỉ chỏ ngón tay vào mặt nhục mạ chị!

Người ta cay cú bởi người ta cũng nghèo, phải đi xin nước vo gạo, xin những thứ thiên hạ vứt bỏ, không thể nuốt nổi, chỉ có thể cho heo ăn suốt cả buổi chiều mới được lưng chừng thùng cám, để mang về nuôi 1 con heo duy nhất. Ấy vậy mà chị "Táng tận lương tâm", ăn cắp "nguồn sống" của hàng xóm để mang về "nuôi heo nhà mình"!...

Chị cứ đứng cúi đầu câm lặng chịu nhục! Đôi vai gầy thõng xuống trong tiếng la rủa xả, chửi bới của người hàng xóm. Rồi người ta "Dẫn giải" chị về nhà để xem con heo chị nuôi giấu ở đâu mà lại độc ác đi ăn trộm cám heo của người khác. Về tới nhà, người ta không tìm thấy heo đâu, chỉ thấy 3 đứa nhỏ gầy trơ xương đang nằm lăn lóc trên chiếc chiếu rách mướp trên sàn nhà. Chúng giật mình thức dậy, trố mắt hốt hoảng nhìn mẹ và một đám người lúc nhúc bu quanh mẹ...

Và cả đám người bỗng câm lặng! Không ai nói với bất cứ ai điều gì, họ lặng lẽ tản mác đi về, để lại mình chị cứ đứng trơ trơ trước căn nhà trống hoác. Chị cứ đứng câm lặng như thế suốt đêm, cho tới khi trời dần sáng!

Sáng, chị lết thết đi bộ ra chợ trời - chợ Cồn, bán cho người ta thứ "quý giá và duy nhất" chị còn giữ bên mình - Chiếc Nhẫn Cưới!

Chị mua ít thịt - cá, làm bữa cơm tươm tất nhất sau bao nhiêu tháng ngày đói mờ mắt, đói nhăn răng meo mốc. Ba đứa con chị reo hò, xúm xít quanh mâm cơm. Chúng ăn, chúng nuốt vội thứ thức ăn ngon lành mà đã quá lâu rồi chúng hẳn quên mất cả mùi vị. Chị cũng ăn nhưng ăn chầm chậm, chầm chậm...Nước mắt chị rơi lã chã xuống chén cơm, chúng khiến miếng cơm mặn đắng và ruột gan chị quặn thắt khi vừa ăn vừa gọi thầm tên chồng:

"Anh ơi, tha thứ lỗi cho em!"

Ba ngày sau!

Người ta phá cửa khi thấy mùi hôi thối bốc ra từ nhà chị, họ thấy:

Ba đứa nhỏ nằm xếp lớp bên cạnh nhau dưới nền nhà, kế bên là người đàn bà mặc bộ đồ đen, tóc xõa rã rượi, mắt mở trừng trừng nhìn vào hư không!... Gần đó là một mâm cơm còn dang dở, ít thịt ít cá còn sót lại đã bốc mùi chua loét...

Bữa ăn ngon lành là bữa ăn cuối cùng kết thúc cuộc đời của 4 con người tận khổ!

Chị đã mua thuốc độc trộn vào thức ăn để chấm dứt những tháng ngày đau đớn vì đói khổ và để kết thúc một nỗi nhục nhã ê chề không thể tỏ bày!

Cái chết của 4 con người cùng khổ ở cuối Thế kỷ 20!. Nếu Victor Hugo có sống dậy, ông cũng không thể hình dung được sau gần 200 năm lại có những mảnh đời còn khốn khổ khốn nạn hơn gấp nhiều lần "Những người khốn khổ" của ông ở đầu Thế kỷ 19!

"Giải phóng" 1975: "Bên Thắng Cuộc" đã c.ướp đi rất nhiều mạng sống của những người đồng bào cùng 1 màu da, cùng máu thịt, cùng tổ tiên nước Việt. Biết bao thây người đã bị chôn vùi trong rừng thiêng nước độc có tên "Trại Cải Tạo"; bao nhiêu người phơi thân trên biển cho cuồng phong - cá dữ, cho Hải tặc trên những con tàu Vượt Biên và biết bao phận người đã: Chết vì đói, chết vì khổ, chết vì nhục nhã không thể gượng dậy được như 4 Mẹ con trong câu chuyện trên. Họ đã ra đi mà không thể nhắm được mắt!. Nỗi đau đớn, nỗi uất hận còn in hằn trên nét mặt người "Đàn bà Việt Nam" có chồng đi cải tạo, phải tự tử chết cùng 3 con trong cái đói - cái nhục đến tận cùng. Nỗi đau này ngàn năm sau cũng không thể thể xóa nhòa!

Biến cố 1975: Nước Việt tan tác, có triệu phận người với nỗi đau mang tên:
"Nỗi đau trường hận"!

Bạch Cúc

No comments:

Blog Archive