Những năm tháng ấy
Một góc Bolsa (phía sau nhà hàng Thành Mỹ) – ảnh: Mạnh Kim
Bắt đầu từ ngày 30 tháng 4 năm 1975…
Cái ngày định mệnh cho dân tộc Việt Nam, ngày mà một triệu người vui cùng với một triệu người buồn. Trong một triệu người buồn ấy có đến vài chục ngàn người đầu tiên vượt biển tìm đến vùng đất mới, bất kể là đâu miễn là tránh được làn sóng đỏ đang tràn vào. Họ gồm mọi thành phần, binh lính, doanh nhân, Hoa kiều, trí thức, thậm chí công nhân hay nông dân, vốn là thành phần không biết gì về chế độ cộng sản.
Những chuyến tàu vượt biển không thành đành chôn vùi vào bụng cá. Những chuyến đến bến bờ tự do bắt đầu một cuộc sống khác nhưng cũng có chuyến đã ra khỏi Việt Nam lại quay trở về làm người tù “phản bội quốc gia”. Con tàu Việt Nam Thương Tín đến bây giờ vẫn là một dấu chấm than trong trang sử Boat People của người Việt. Những “thuyền nhân” ấy trở thành dấu ấn cho lịch sử thế giới về người tị nạn, cả một làn sóng người từ vài chục ngàn lên đến hàng trăm ngàn tới con số triệu chỉ trong vài năm làm chấn động lương tâm thế giới cũng như đã và đang sống mãi trong lòng người Việt tha hương bất kể họ sống ở nước nào trong mấy mươi năm qua.
Đảo Pulau Bidong thuộc Malaysia, Galang thuộc Indonesia, Palawan của Philippines, trại Saikung Hongkong, và Phanat Nikhom thuộc Thái Lan thậm chí Darwin Harbour của Úc là những nơi đầu tiên mà bất cứ thuyền nhân nào từ Việt Nam ra đi đều phải ghé lại trước khi đến một nước thứ ba. Những trại ấy tuy cuộc sống khó khăn đến bao nhiêu thì người ta vẫn khao khát sống vì bến bờ tự do đã được chạm chân, hình ảnh các nước đón nhận họ luôn hiện diện trong những giấc mơ tùy theo nước chấp nhận họ: Úc, Pháp, Canada, Na Uy, thậm chí Do Thái… nhưng nhiều nhất vẫn là Mỹ, nơi mà người Việt có liên quan mật thiết nhất trong suốt cuộc chiến.
Theo Vietnamese Museum trong những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ vào Tháng Tư 1975, khoảng 140,000 người Việt Nam có liên hệ mật thiết với chính quyền miền Nam Việt Nam cũ đã được di tản khỏi Việt Nam và tái định cư tại Hoa Kỳ. Cuộc di tản do chính phủ Hoa Kỳ tổ chức được tiếp nối bằng những cuộc di tản nhỏ hơn của người Việt Nam, khi họ dùng thuyền chạy sang các nước Đông Nam Á láng giềng. Đến cuối năm 1975, khoảng 5,000 người Việt Nam đã đến Thái Lan; 4,000 người đã đến Hong Kong; 1,800 người đã đến Singapore và 1,250 người đến Philippines.
Phước Lộc Thọ, một biểu tượng của cộng đồng người Việt tại Nam California (ảnh: Mạnh Kim)
Theo US Investment, việc Sài Gòn sụp đổ dẫn đến việc sơ tán do Hoa Kỳ bảo trợ của khoảng 125,000 người tị nạn Việt Nam. Làn sóng đầu tiên này bao gồm chủ yếu là các quân nhân và dân thành thị, các chuyên gia có liên kết với quân đội Hoa Kỳ hay chính phủ miền Nam Việt Nam làm cho họ trở thành mục tiêu của các lực lượng cộng sản. Cuối những năm 1970, làn sóng thứ hai của người Việt tị nạn vào Hoa Kỳ. Làn sóng thứ ba di cư vào Hoa Kỳ trong suốt những năm 1980 và 1990; không giống như những cuộc di cư trước đó, nhóm này chứa ít người tị nạn và bao gồm hàng ngàn con lai Việt Nam (trẻ em của các quân nhân Mỹ và bà mẹ Việt Nam) cũng như các tù nhân chính trị.
Con số 125 ngàn người Việt đầu tiên đến Mỹ được Migration Policy xác nhận chứng tỏ rằng làn sóng đầu tiên là giới chức làm việc hay thân cận với Mỹ rồi sau đó là những thành phần khác, tất cả họp lại cấu thành cộng đồng người Việt tại Mỹ mà thủ đô tỵ nạn của họ là Sài Gòn nhỏ, tức Little Saigon.
Đợt người Việt đầu tiên khi rời khỏi Sài Gòn đến trại Pendleton ở Oceanside, miền Nam tiểu bang California, rồi sau đó được phân chia đi nhiều tiểu bang khác nhau ở Mỹ. Tiếp sau hàng loạt người từ các trại tỵ nạn tới Mỹ sống tại nhiều tiểu bang cuối cùng họ tìm thấy vùng đất rộng lớn gồm các thành phố kề sát nhau, người Việt định cư rải đều ra các thành phố Westminster, Garden Grove, Midway City, Santa Ana ở quận hạt Orange, mà người Việt hay gọi là Quận Cam. Họ quây quần sống với nhau và thành lập một khu vực rộng lớn đủ để chứa gần 400 ngàn người Việt với cái tên “Sài Gòn Nhỏ”. Một Saigon bị mất đã được hồi sinh từ những người xa xứ.
Người Việt từ các tiểu bang như Pennsylvania, Arkansas, Florida cũng đổ về thành lập những cơ sở thương mại. Đầu tiên là tiệm phở Hòa và chợ Đà Lạt gần ngã tư đường First và Fairview thuộc thành phố Santa Ana rồi sau đó chợ Hòa Bình có lẽ là khu chợ Việt Nam đầu tiên xuất hiện khoảng năm 1978 cùng với nhà sách Tú Quỳnh, nhà hàng Thành Mỹ, rồi nhật báo Người Việt góp phần mang nét văn hóa Sài Gòn cho người xa xứ.
Bên trong Phước Lộc Thọ (ảnh: Mạnh Kim)
Những người Việt tỵ nạn dần tập trung và lập nên một khu phố thương mại phảng phất hình bóng Việt Nam. Năm 1982, sách báo tiếng Việt bắt đầu dùng danh từ “Phố Sài Gòn” cho tới khi hãng Bridgecreek của Triệu Phát, một người Việt gốc Hoa, cho xây thương xá Phước Lộc Thọ từ năm 1986-1988 thì Little Saigon đã mang một ý nghĩa khác, Phước Lộc Thọ được người Việt tại Mỹ bất kể ở tiểu bang nào vẫn xem là trái tim hội tụ mọi người Việt với nhau khi về California.
Mà thật vậy, Phước Lộc Thọ rất gần gũi với người Việt. Người sống tại quận Cam nhìn nó như một biểu tượng để hẹn nhau, để mua sắm và lâu dần thành quen chân, cứ ra khỏi nhà là nghĩ ngay đến Phước Lộc Thọ, vì nơi đây ồn ào náo nhiệt hẳn so với đời sống lặng lẽ của Mỹ. Bạn có thể mua vàng, hột xoàn hay đá quý với cách chào hỏi rất Việt Nam của người bán. Bạn có thể sà xuống một cửa hàng nho nhỏ thưởng thức những món ăn đường phố của Sài Gòn, từ bún riêu tới mì Quảng, từ bò bía tới bột chiên…, những thứ mà khi ra đi người Việt vẫn canh cánh bên lòng.
Phước Lộc Thọ còn có những bàn cờ tướng mà người lính già năm xưa ngồi lại với nhau vừa đánh cờ vừa nhắc nhau chuyện cũ. Những quán cà phê cóc mà người uống có thể ngồi cả ngày để nhớ lại Sài Gòn. Phước Lộc Thọ sau bao năm vẫn như thế vì tâm tình người Việt dù có già đi, có quên bớt nhiều chuyện, nhưng nhớ Sài Gòn hầu như không bao giờ phai nhạt.
Như một vết dầu loang, từ tâm điểm Phước Lộc Thọ và đại lộ Bolsa, lan ra các thành phố lân cận như Long Beach, Stanton, Fountain Valley và Anaheim, người Việt đi tới đâu là quán phở theo tới đấy. Phở Little Saigon khác với nhiều nơi, kể cả Việt Nam; và tiếng vang của nó giúp người Việt khắp nơi tìm tới như một địa điểm phải có mặt khi đến Bolsa. Sau phở là các loại nhà hàng lớn nhỏ với các món ăn trong Nam ngoài Bắc, đa dạng và ngon lành không hề kém trong nước. Có lẽ do gia vị cao cấp, tài năng đầu bếp có chọn lọc và được tiếp thu cung cách nhà hàng của Mỹ nên tiệm ăn nào của Little Saigon cũng sạch sẽ và lịch sự.
Một góc chợ ABC (ảnh: Mạnh Kim)
Little Saigon cũng như mọi thành phố khác trên hành tinh này cũng có mặt trái của nó. Những cư dân bất đắc dĩ lang thang trước Phước Lộc Thọ không phải hiếm. Những chiếc garage nhỏ bé được sửa sang lại cho thuê chứa tới hàng chục người là bình thường. Những công nhân người Việt phụ việc trong các nhà hàng lãnh lương tiền mặt chỉ bằng phân nửa giá lương chính thức của quy định tiểu bang. Những người già neo đơn ngồi nhìn nhau trong các cơ sở nhà nước do người Việt quản lý… Nhưng dù sao, bức tranh toàn cảnh của “Sài Gòn Nhỏ” vẫn hơn xa những gì người trong nước chứng kiến cái thành phố hoa lệ mang tên Hồ Chí Minh ngày nay…
Kể từ ngày ấy, bốn mươi tám năm đã trôi qua, nhắc tới Saigon Nhỏ như nhắc tới Sài Gòn thật trong ký ức để từ đó bắt đầu những hồi tưởng, những chiêm nghiệm đời mình, cuộc đời của một người tỵ nạn mà cho dù trăm năm vẫn cô đơn nhớ nhà nhớ xứ…\
Mac Lâm
No comments:
Post a Comment