Saturday, November 5, 2022

CHÍNH TRỊ MỸ ĐI VÀO CỰC ĐOAN

Trong vài tuần qua, ta đã có dịp xem qua khác biệt giữa hai chính đảng Mỹ là đảng Dân Chủ (DC) và đảng Cộng Hòa (CH). Đó là những khác biệt có tính ‘nền tảng’, đã có từ cả trăm năm nay, tuy trên thực tế, đã được đào sâu hơn nhiều trong chừng hơn nửa thế kỷ nay, từ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Để rồi bất ngờ thay, biến thái, đưa cả hai đảng DC và CH vào thế ngày càng cách xa nhau, ngày càng phân hóa, ngày càng cực đoan, đặc biệt là trong hai đời tổng thống mới nhất, Trump và Biden.

Phải nói ngay, đây là một biến chuyển thật bất ngờ.

Cuối thập niên 1980, khi mà trong một cái chớp mắt của lịch sử nhân loại, các chế độ CS Liên Xô và Đông Âu bất thình lình đồng loạt sụp đổ hoàn toàn, không phải là rơi rụng vài mảng, mà sụp đổ toàn diện, gần như không còn vết tích nữa, thì nhiều chuyên gia, trong đó có rất nhiều người có uy tín lớn, đã tưởng là lịch sử sang trang, các chế độ cộng sản đã bị vứt vào ‘thùng rác lịch sử’ (danh từ của TT Reagan), và nhân loại đã hoàn toàn ngả qua chế độ tự do, dân chủ, tư bản. Đại sử gia kiêm triết gia chính trị Francis Fukuyama còn đi xa tới độ hiên ngang tuyên bố ‘lịch sử đã chấm dứt’ -the end of history’, ngụ ý nôm na là nhân loại đã hết còn chuyện tranh chấp ý thức hệ gì nữa, phe tả đã chết ngắc. Bé cái lầm, mà lầm to nữa.

Thứ nhất, chế độ độc tài vô sản có thể đã chết bên Âu Châu, nhưng vẫn chưa chết bên Á Châu, khi Trung Cộng, Việt Cộng, Bắc Hàn, Lào, vẫn còn đặt Các Mác, Lê-Nin, Xít-ta-lin, Mao, Hồ, lên bàn thờ và thề trung thành vĩnh viễn với cái chủ nghĩa hoang tưởng cộng sản, chỉ hóa trang, sơn phết lại cho bớt đỏ thôi. Dĩ nhiên đám lãnh tụ CS các xứ này không u mê đến độ không nhìn thấy gì. Trái lại họ nhìn thấy rất rõ thất bại thê thảm của cái chủ thuyết hoang tưởng tàn bạo CS, nhưng họ cũng nhìn thấy chính cái chủ thuyết hoang tưởng đó đã mang lại cho họ, những người nắm quyền, nào là quyền lực, nào là bổng lộc cá nhân và phe phái quá lớn để họ có thể buông thả, vứt bỏ. Họ nghĩ ra được phương pháp gọi là ‘dung hòa’ để tự cứu sống, vừa vứt vừa giữ, đẻ ra cái quái thai ‘kinh tế thị trường với cái đuôi xã nghĩa’. Dịch qua tiếng nôm thực tế cho dễ hiểu là ‘thả lỏng thị trường về kinh tế, tiếp tục độc tài đảng trị về chính trị để nắm giữ quyền lợi’. Nói cách khác, đảng sẽ nhẩy vào làm kinh tế, kiếm tiền, cạnh tranh với dân, chỉ khác có điểm là đảng sẽ được hậu thuẫn của súng đạn và nhà tù. Kết quả cạnh tranh kiểu này, bên nào thủ lợi, thằng con nít ba tuổi cũng biết. Đưa đến sự ra đời của một giai cấp mới: đại tư bản đỏ.

Thứ nhì, ngay cả tại Âu Châu, các chủ thuyết, các chế độ xã nghĩa vẫn cố bám víu, chưa chịu chết theo CS, cuống cuồng phân bua, ‘chúng tôi không phải là CS’, ‘chúng tôi cũng là nạn nhân CS, bị CS cưỡng chiếm ý thức hệ, biến chúng tôi thành công cụ cho tham vọng chính trị cá nhân bạo tàn của chúng’. Như DĐTC đã từng viết, đây là ngụy biện thô bạo nhất. Nếu bị cưỡng chiếm thì tại sao trong hơn 70 năm CS thống trị Nga, đã không có ai ở Mỹ hay Tây Âu lên tiếng tố cáo, mà chỉ lên tiếng sau khi chế độ CS đã chết.

Thứ ba, tại cái xứ Mỹ này, cái chết của chủ nghĩa CS oái ăm thay, lại đẻ ra một hiện tượng mới: đó là việc chính trị Mỹ trở thành cực đoan hơn bao giờ hết. Phe chống cộng được thể, thừa thắng xông lên, càng chống cộng mạnh hơn, đặc biệt là các nhóm, các phong trào cực hữu, thượng tôn quốc gia nổi lên qua chủ thuyết America First của Trumpism. Ngược lại, cánh thiên tả cũng không chịu thua, như con vật bị dồn vào chân tường, cũng lên cơn điên, vùng vẫy tìm sống với những Bernie Sanders, Elizabeth Warren, Alexandria Ocasio-Cortez,...

Chưa bao giờ ông Fukuyama lại sai lầm lớn như vậy.

Cụ thể, ta nhìn vào tình trạng nước Mỹ hiện nay.

Ngay sau khi màn sắt sụp đổ dưới thời TT Bush cha, tranh chấp ý thức hệ có vẻ lắng dịu đúng như ông Fukuyama khi đó đã nhận định. TT Bush cha, với bản tính ôn hòa sẵn có, không muốn khai thác cái chết của chủ nghĩa CS và Liên Xô nên tỏ ra rất hòa hoãn, tìm cách kín đáo giúp các nước Đông Âu mới thoát vòng xích nô lệ Liên Xô mà không chạm tự ái Nga quá mạnh. Trong khi đó, cánh tả Mỹ hụt hẫng, ‘diện bích’ lo tìm cách biện giải, bào chữa.

Rồi dưới thời TT Bush con, cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo quá khích cũng đẩy tranh chấp ý thức hệ tả hữu ở Mỹ vào hậu trường. Đến thời Obama, khi mối nguy của khủng bố Hồi giáo đã bớt nhiều, cánh tả ở Mỹ sau cả chục năm lặn sâu, nghiên cứu kỹ, bắt đầu hồi sinh, lên tiếng dưới tay ông cấp tiến thiên tả nặng, Obama.

Học được bài học thất bại của Liên Xô, phe thiên tả Mỹ bỏ lá bài ‘đấu tranh giai cấp’ nghèo chống giàu, hay lao động chống tài phiệt, để ôm lấy một cuộc đấu tranh dưới hình thức mới, phù hợp với hoàn cảnh nước Mỹ hơn, đó là đấu tranh giữa ‘văn minh tiến bộ’ chống ‘bảo thủ hủ lậu’, rồi lây lan qua đấu tranh chủng tộc trắng đen, và đấu tranh giới tính nam nữ. Nguyên tắc cơ bản của CS được áp dụng: kích động một khối dân chống lại một khối khác, để ngư ông lãnh đạo cánh tả thủ lợi.

Qua tới thời Trump thì cuộc tranh chấp nổ đùng ra thành chiến tranh tàn bạo tuy chưa đi đến đổ máu. Đến cuối thời Trump, nhất là sau khi ông Trump thất cử và ông Biden lên nắm quyền qua một cuộc bầu cử chìm đắm trong sương mù gian lận, thì nước Mỹ quả đã phân hoá tới tình trạng hai bên không còn đội trời chung nữa, và cả hai bên đều sẵn sàng dùng những chiêu võ tàn độc nhất để đánh nhau. Kể cả đột kích khám xét nhà tìm bắt bỏ tù đối lập.

ĐẢNG DÂN CHỦ
Sự thống trị của cánh tả cực đoan
Sau bốn năm dưới Trump, chính trường Mỹ sôi sục vì ông Trump đã chứng tỏ là một người gây tranh cãi mạnh, ủng hộ mạnh mà chống đối còn mạnh hơn nữa. Thêm vào đại dịch COVID đã khiến dân Mỹ hoảng hốt, nhiều người cuống cuồng đi tìm bác sĩ mới. Đưa đến tình trạng phe DC ngửi thấy ‘mùi hy vọng’, tranh dành nhau ra đấu võ với đương kim TT Trump. Đâu cả hai chục chính khách DC nhẩy ra tranh cử chỉ vì đảng DC sau khi Clinton và Obama về hưu và bà Hillary thất cử, đã trở thành rắn không đầu, không ai lãnh đạo, hay chính xác hơn, ai cũng cho là mình có khả năng lãnh đạo.

Trong cái đám rừng cỏ dại đó, có một nhân vật tương đối có vẻ có kinh nghiệm, có chiều sâu, có uy tín vì thiên hạ nghe tên nhiều nhất từ lâu nay, đó là cụ cựu phó của Obama, cụ Biden, nghĩa là so với đám rừng ứng cử viên, cụ Biden tương đối trội nổi hơn cả. Nhìn đi nhìn lại, cụ Biden có thêm hai điểm lợi lớn nữa: 

thứ nhất, cụ không đến nỗi quá khích cực tả như cụ ông xã nghĩa Sanders hay cụ bà xã nghĩa Warren; 

thứ nhì, cụ có ưu điểm cực lớn: cụ có vẻ hiền hoà, lẩm cẩm, dễ uốn nắn mà ai cũng nghĩ có thể uốn nắn được cụ. Trong một nhóm tranh dành làm lãnh đạo, chỉ có thể có hai loại người có thể thành công leo lên top: một là những người có sức mạnh cá tính cực lớn, áp đảo tất cả mọi người, hai là ngược lại, người có cá tính nhu nhược, yếu đuối nhất, để tất cả mọi người có thể chấp nhận cho lên làm bù nhìn. Trường hợp đầu là ông Trump trong đảng CH, trường hợp sau là cụ Biden trong đảng DC.

Qua không biết bao nhiêu thương lượng, đổi chác trong hậu trường, đảng DC đi đến thỏa thuận đưa cụ lên võ đài chống Trump. Tất cả thỏa thuận là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế, cụ được hậu thuẫn của hai khối cử tri lớn và mạnh nhất trong đảng DC, đó là khối cử tri da đen và khối cấp tiến thiên tả nhất của đám Sanders-Warren vì nhóm này cũng ý thức được nước Mỹ chưa sẵn sàng đi quá xa về hướng tả theo họ, tốt hơn hết là họ núp trong hậu trường, sau lưng cụ Biden, sẽ dễ múa hơn. Nói trắng ra, cụ Biden đã thành nô lệ của khối da đen, đồng thời là con rối của cánh cực tả của đảng DC.

Chính sách ‘thức tỉnh’ cực đoan
Cụ Biden lên nắm quyền, đã biểu diễn ngay cho cả thế giới thấy cụ là người ơn đền oán trả, rất sòng phẳng, vì cụ biết nhìn xa, nhìn vào việc ra tái tranh cử năm 2024. Nhờ khối da đen mà cụ đắc cử nên cụ ban hành ngay chính sách thượng tôn da đen, phong thánh cho một tên du thủ du thực đen, nhắm mắt bỏ qua nạn trộm cướp đen hoành hành, tuyển chọn nhân sự nội các hay Tư Pháp theo tiêu chuẩn màu da đen,… Nhưng dù sao, đó cũng vẫn là những chuyện nhỏ.

Chuyện lớn về chính sách thì ‘bàn tay lông lá’ của cánh cực tả từ trong hậu trường đã thao túng cụ Biden triệt để, qua những chính sách lớn mà những người bảo thủ chỉ có thể trợn mắt há hốc mồm ra nhìn một cách kinh khiếp nhất. Những chính sách mà ngay cả Clinton hay Obama cũng chưa dám nghĩ tới chứ đừng nói tới ban hành.

Tiêu biểu và để lại dấu ấn nặng nề nhất chính là các chính sách gọi là ‘thức tỉnh’ -woke- cực đoan nhất đã được ban hành, ảnh hưởng đến mọi khiá cạnh của cuộc sống của người dân:

- Xã hội: hôn nhân đồng tính, chuyển giới,… được tôn vinh như những hiện tượng nhân bản nhất;

- Giáo dục: xóa bỏ làn ranh giới tính trong giáo dục từ mẫu giáo; xóa bỏ mọi hình thức gọi là kỳ thị chủng tộc, trong đó có cả hệ thống thi cử, chấm điểm,… được coi như những hình thức kỳ thị trá hình; cố lôi học sinh ra khỏi tay bố mẹ để các thầy cô dễ cải tạo chúng hơn, cho chúng theo đúng đường lối của đảng (nghe quen quen…, hình như Pol Pot đã thử qua!);

- Lịch sử: viết lại toàn bộ lịch sử để miệt thị dân da trắng, bêu riếu các Cha Già Lập Quốc, xóa bỏ di tích lịch sử;

- Chính trị: hệ thống hóa các hình thức gian lận bầu cử qua việc chấp nhận hình thức bỏ phiếu bằng thư dễ dãi nhất, chẳng có kiểm soát gì đáng kể.

ĐẢNG CỘNG HÒA
Trong khi đảng DC chạy bạt mạng về phía cực tả thì đảng CH cũng không chịu thua, đâm đầu về phía cực hữu.

Chính sách ‘quốc gia’ cực đoan
Ông doanh gia Trump ra tranh cử, rồi đắc cử dựa trên một chiêu bài chính trị trái ngược hẳn với tư tưởng thế giới đại đồng của cánh tả. Chính xác nhất, ông ra tranh cử dưới lá cờ Mỹ, với khẩu hiệu “Mỹ Trước Tiên”.

Thiên hạ không ai quên một câu chuyện nhỏ, nhưng được thổi phồng lên để bôi bác ông Trump: đó là hình ảnh TT Trump, trong một buổi họp với nhiều nguyên thủ quốc gia, đã có vẻ lấn một vài người để chen chân lên đứng trước. Bị chửi là hành động kém lịch sự, thậm chí du côn vô học. Những người suy nghĩ phiến diện, lo chỉ trích mà quên mất ông Trump đã là đại tỷ phú từ rất lâu, không xa lạ gì với các nguyên tắc xử thế lịch lãm của giới thượng lưu. Nhưng ông cố tình hành động như vậy để gửi một thông điệp cho cả thế giới: ông và nước Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận đứng sau lưng ai hết.

Dưới thời vị tiền nhiệm, TT Obama, có một câu nói bất hủ, đi vào lịch sử không thể xóa nhòa được, đó là câu “Nước Mỹ lãnh đạo từ phía sau” -America leads from behind. Đây chỉ là một câu nói hớ của một viên chức tầm thường của chính quyền Obama khi biện giải về các hành động của Mỹ tại Libya, nhẩy vào cũng như nhẩy ra theo chân Anh và Pháp. Nhưng vô hình chung, câu này đã đi vào lịch sử vì đã mô tả quá chính xác chính sách đối ngoại của Obama, từ phương diện quân sự qua việc đi theo Tây Âu trong vùng Trung Đông, từ Iran tới Libya, tới phương diện kinh tế khi hồ hởi ôm chính sách đại đồng kinh tế qua việc tham gia cả lô tổ chức kinh tế, tài chánh, mậu dịch quốc tế trong đó Mỹ luôn luôn là anh nhà giàu cõng nợ cho cả thế giới, bị cả thế giới vừa moi tiền Mỹ vừa sỉ vả Mỹ.

"Lãnh đạo từ phiá sau thiên hạ" chẳng những đi vào lịch sử, mà còn đi vào tâm thức dân Mỹ, là một giống dân với tinh thần quốc gia và tự ái cao hơn ai hết. Câu nói bị coi như ô nhục nhất cho mấy anh cao bồi Mỹ, từ trước đến giờ chưa bao giờ chịu đứng sau lưng ai.

Ông Trump cũng có nhiều đặc điểm (và kẻ này ủng hộ hoàn toàn) khiến ông hiện ra như một tổng thống không giống bất cứ vị tiền nhiệm nào khác, làm cho nhiều người mê mẩn nhưng cũng rất nhiều người công kích:

- Thẳng thừng tố cáo những người bạn giả dối, những đồng minh lợi dụng Mỹ, luôn luôn bắt chẹt Mỹ để Mỹ cõng tất cả những gánh nặng của mọi nhu cầu của thế giới, từ các thỏa ước mậu dịch tới quốc phòng, tới môi trường tới bảo vệ khí hậu.

- Công khai ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, sỉ vả các chế độ cộng sản và xác nhận rõ ràng ông chống CS tuyệt đối để bảo vệ thể chế dân chủ, tự do và tư bản của Mỹ. Dân Mỹ có quyền hãnh diện về thể chế chính trị của Mỹ, không có nhu cầu chạy theo cộng sản hay ngay cả các chế độ xã nghĩa Tây Âu gì hết.

- Sẵn sàng lớn tiếng thóa mạ giới trí thức và chính khách thiên tả, mục hạ vô nhân, hay vọng ngoại, kiểu như ngoại trưởng của Obama, ông John Kerry chuyên môn đi nghỉ hè Âu Châu, uống rượu vang Pháp, hãnh diện nói tiếng Pháp, trong khi ông Trump lại muốn hòa mình với mấy anh Mỹ ruộng uống bia Budweiser, ăn MacDonald.

- Khác xa với đám chính khách chuyên nghiệp uốn lưỡi chín lần trước khi mở miệng nói những câu rỗng tếch, vô nghĩa, ông Trump là loại người gọi là ‘có sao nói dzậy, hổng thích nghe ráng chịu’, nói và làm nhiều khi mang tính ‘bạt mạng’, dễ đụng chạm tự ái người khác, đưa đến tranh cãi hay thậm chí nhiều phụ tá bực tức phản lại.

- TT Trump thù ghét các chính khách giả dối, coi thường các thủ tục hành chánh, thậm chí coi thường luôn cả luật lệ, sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì ông nghĩ đúng, đưa đến thành quả cụ thể ông nghĩ là cần thiết và tốt cho nước Mỹ.

Cái tinh thần ‘Mỹ trước tiên’, bất cần thế giới, bất chấp thiên hạ, phải nói ngay chính là tiêu biểu của cái gọi là chủ nghĩa quốc gia -nationalism- cực đoan, tuy còn xa lắm mới tới chế độ phát-xít nhưng cũng đã bị gọi là dân tuý hay mị dân hay cực hữu.

Bất kể gọi là gì, dưới cái tên nào thì cũng phải nhìn nhận ‘chủ nghĩa Trump’ hay ‘trumpism’ hiển nhiên có đường lối khuynh hữu khá cực đoan.

Sự thống trị của Trump và cánh hữu cực đoan
Khác một trời một vực với Biden, dù thích hay ghét Trump, không ai có thể nói Trump là bù nhìn hay con rối của ai hết. Trump là Trump, là biểu tượng của Trumpism, là một cách xử thế, một triết lý, một nhân sinh quan, một ý thức hệ luôn luôn đấm ngực ‘Me First’.

Chẳng một ai nghĩ cụ Biden đã có một ‘chủ nghĩa’ gì, một đường hướng nào, hay ngay cả lãnh đạo ai. Ngay cả một chính sách thống nhất cũng chẳng có. Nhìn vào đảng DC, chẳng ai biết chắc vai trò của cụ Biden, ảnh hưởng của cụ có hay không, có được bao nhiêu. Cuộc đời chính trị của Biden tóm lại chỉ là ...'là đà cuốn theo chiều gió chính trị thời thượng để giữ ghế', không hơn không kém. Nghĩa là một chính trị gia không có nguyên tắc chỉ đạo.

Trong khi đó, trong đảng CH, vai trò và ảnh hưởng của ông Trump không thể nào rõ ràng hơn. Cứ nhìn vào những cuộc bầu sơ bộ trong nội bộ đảng CH trong vài tháng qua thì thấy: sau khi ông đã rời Tòa Bạch Ốc hơn một năm rưỡi, hơn 90% các ứng cử viên được ông hậu thuẫn vẫn liên tục đắc cử. Đảng DC cũng như cả đảng CH đang điên đầu phân tích ảnh hưởng của ông Trump. Chẳng cần phải là siêu chuyên gia chính trị cũng hiểu được cái ảnh hưởng vĩ đại của ông Trump chỉ là hậu quả trực tiếp của việc chủ nghĩa Trumpism, các chính sách của ông, cũng như ngay cả cách xử thế của ông mà phe cấp tiến thường miệt thị, coi thường, những cái đó đã đáp ứng đúng những mong đợi của một khối lớn dân Mỹ cho dù đó là thiên hữu nặng.

Những kẻ nào coi thường ông Trump, cứ ra rả bôi bác, miệt thị, nhục mạ ông về những chuyện lắt nhắt, vớ vẩn, sẽ phải trả cái giá đắt. Năm xưa, đảng DC nhận định ông Trump nếu đắc cử đại diện cho đảng CH ra tranh cử tổng thống chống bà Hillary, sẽ là miếng mồi dễ ăn nhất, nên đã cố tung hô thổi ông lên, với hy vọng ông sẽ thắng, hạ tất cả các đồng chí CH, để rồi ra làm mồi ngon cho bà Hillary. Kết quả đúng như vậy, ông Trump hạ tất cả các đồng chí CH, nhưng rồi cuối cùng, ông cũng hạ luôn cả bà Hillary.

Tuyệt đại đa số mấy con vẹt suốt ngày sỉ vả ông về những tội nói láo, gian manh, xảo trá,… chỉ là loại thiếu hiểu biết, chỉ giỏi chửi nhảm kiểu hạ cấp nhất, mà chẳng ai thèm nghe.

Đảng CH bây giờ đúng là đảng Trump, không còn là đảng CH ển ển xìu xìu của cánh Bush-Cheney-McCain-Romney nữa. Các chính khách chưa nhìn ra sự kiện này sẽ thất bại, cho dù họ khan tiếng tố cáo cánh Trump là cánh cực hữu, cũng không giúp họ được gì. Trump và Trumpism, đó chính là con đường gần một nửa dân Mỹ đã chọn.

NGUY CƠ CHÍNH TRỊ CHO CẢ HAI ĐẢNG
Việc cả hai đảng đều hăm hở chạy về phía cực đoan đưa ra một hình ảnh một nước Mỹ phân hóa như chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ, mà cũng là một sự kiện khá lạ lùng, vì đi ngược lại truyền thống chính trị Mỹ là tuyệt đại đa số dân Mỹ có khuynh hướng thiên hữu nhưng ôn hòa.

Việc chạy qua hai đầu cực đoan tất nhiên sẽ có hậu quả mà chưa ai hiểu rõ, chỉ có thể đoán mò thôi.

Biden mất uy tín
Về phiá đảng DC, nạn nhân đầu tiên chính là cụ Biden, không ai khác hơn. Cụ Biden đã xây dựng sự nghiệp chính trị dựa trên hình ảnh một chính trị gia tuy cấp tiến, nhưng ôn hòa, có thể nói 'ba phải', sẵn sàng bắt tay hợp tác hay ít nhất nói chuyện với những người đối lập.

Cái hình ảnh đó đã bị phá nát khi Biden trong vai trò tổng thống, đã lấy những quyết định cực đoan nhất dưới áp lực của các khối da đen và cực tả trong đảng. Việc cả hai bộ luật lớn nhất của cụ, Luật Cứu Nguy COVID và Luật Giảm Lạm Phát đều được thông qua với đúng zero phiếu của phe đối lập CH đã là bằng chứng hiển nhiên nhất của chính sách cực đoan của Biden. Tuyệt đối không có và không cần tới một phiếu đối lập! Chuyện ‘lưỡng đảng’ đi vào thùng rác, đường ta một mình ta cứ đi, không cần ai hết.

Tình trạng của Biden hiện nay là càng ngày càng lệ thuộc, càng bị trói chặt bởi hai khối da đen và cực tả, càng ngày càng mất quyền quyết định để rồi từ đó càng ngày càng mất uy tín, trở thành một thứ con rối lẩm cẩm.

Cụ Biden nếu có ra tranh cử nữa vào năm 2024, muốn đắc cử, sẽ càng sa xuống hố sâu hơn nữa, càng lệ thuộc hơn nữa vào hai khối da đen và khuynh tả cực đoan nhất.

CH: cơ hội chiến thắng bị đe dọa
Về phía CH, hưởng lợi lớn nhất chính là ông Trump và những thành phần khá cực đoan sống chết với ông, và nạn nhân tất nhiên là cánh ôn hòa trong đảng.

Ở đây, có một điểm quan trọng cần phải chú ý. Như đã bàn, các ứng cử viên được ông Trump ủng hộ đã chiến thắng hàng loạt, trong các cuộc bầu sơ bộ trong nội bộ đảng CH, trên nhiều tiểu bang. Nhưng đó có thể là con dao hai lưỡi.

Trước hết, ta phải hiểu chế độ bầu bán của Mỹ. Xin nhắc lại chuyện đã bàn trong một bài viết trước đây: trên căn bản phải bầu ít nhất hai lần, một lần là các cuộc bầu trong nội bộ một đảng gọi là bầu sơ bộ. Có tiểu bang đòi hỏi bầu sơ bộ tới hai lần luôn. Rồi đi bầu lần thứ nhì -hay có thể là lần thứ ba- trong kỳ bầu toàn quốc đầu tháng 11. Việc bầu hai ba lần đưa đến tình trạng thường là những người có khuynh hướng tịch cực nhất, hay cực đoan nhất mới chịu khó đi bầu sơ bộ. Từ đó, đưa đến tình trạng các ứng cử viên cực đoan có nhiều hy vọng thành công hơn các ứng cử viên ôn hòa trong các cuộc bầu sơ bộ. Nhưng qua cuộc bầu chung kết thì tình hình thường trái ngược lại, đại đa số cử tri đi bầu mang tính ôn hòa hơn nên thường bầu cho ứng cử viên ôn hòa hơn.

Các ứng cử viên chiến thắng vì được ông Trump ủng hộ, đương nhiên có khuynh hướng tương đối cực đoan. Trong khi về phía đảng DC, những ứng cử viên cực tả được sự ủng hộ của cụ xã nghĩa Sanders hay cô cựu bán bar quá khích Ocasio-Cortez ủng hộ, phần lớn đã rớt đài, nghĩa là chỉ còn các ứng cử viên tương đối ôn hòa.

Như vậy dân Mỹ có sẵn sàng bầu cho các ứng cử viên tương đối cực đoan của cánh Trump không, hay họ sẽ bầu cho các ứng cử viên tương đối ôn hòa hơn của đảng DC? Một câu hỏi vĩ đại mà thiên hạ chỉ có câu trả lời sau ngày bầu cử. Chỉ cần coi kết quả bầu cử, xem những người được ông Trump ủng hộ, bao nhiêu sẽ thắng, bao nhiêu sẽ thua thì biết.

Bỏ qua cái nhìn ngắn hạn, qua cuộc bầu quốc hội tới, nhìn xa hơn, ta thấy hiển nhiên cả hai cánh tả hữu trong chính trị Mỹ, qua hai chính đảng CH-DC, ngày càng tách xa nhau, mà chẳng ai thấy được viễn tượng thay đổi, hòa hoãn lại với nhau. Ngoại trừ trường hợp các cử tri, hay nói chung, dân Mỹ cảm thấy quá mệt mỏi với cảnh đấu đá, chẳng giúp ích gì cho đất nước, muốn có thay đổi thực sự và bầu cho những lãnh tụ tương đối ôn hoà hòa hơn, trong cả hai đảng. Chuyện này, cho đến nay, chưa ai thấy triệu chứng nào. Trái lại, có nhiều triển vọng sau bầu cử, bất kể phe nào chiến thắng, cuộc đấu đá sẽ chỉ tăng cường độ thôi.

Vũ Linh

No comments:

Blog Archive