Tại anh hay tại em
Gần mười năm tôi mới có dịp gặp lại người chú họ. Trông chú già đi nhiều, so với tuổi năm mươi. Chú đến thăm chúng tôi với một lý do đơn giản, muốn tìm một khoảng không gian lạ để lòng thanh thản trước khi quyết định ly dị!
Tôi hết sức ngạc nhiên, vì từ lâu vẫn ngỡ rằng ông bà rất hạnh phúc. Cuộc hôn nhân được kết hợp bằng nhiều năm yêu thương của chú Tống và thím Vân – kết quả là đứa con trai đã trưởng thành, đang phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ hai năm qua. Chú cư ngụ trong thành phố Salt Lake City – Utah yên ổn, hiền hoà, trong một căn nhà thật đẹp. Cuộc sống khá giả, thành đạt của chú khiến tôi hằng nghĩ, chú thím là cặp đôi lý tưởng với một mái ấm gia đình, nồng nàn hạnh phúc. Thế mà hôm nay chú tìm đến tôi để bày tỏ một nỗi niềm cay đắng. Chuyện gì đã xảy ra? Tại ai? Nghĩ đến đây tôi bỗng bật cười, vì nhớ một câu hát thuở nhỏ chúng tôi thường chọc ghẹo nhau: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em, tại trời ngăn cách nên chúng mình xa nhau!!” Tại ông chú hào hoa của tôi hay bà thím xinh đẹp?
Buổi chiều, hai chú cháu ngồi ngoài hiên nhà, cơn gió nhẹ của mùa Thu làm tôi nhớ một thời thanh xuân với chú Tống trên đảo Galang, Nam Dương. Tôi nhỏ hơn chú bảy tuổi, nhưng từ ngày vượt biên chung, chúng tôi thân thiết với nhau như hai người bạn. Hồi đó, chú và Thím Vân quen nhau, rồi yêu nhau, tôi là người trung gian để thông tin, liên lạc, đưa thư giùm chú. Do đó, cuộc tình của hai người tôi biết rất rõ.
– Chú thím không cãi vã nghiêm trọng, nhưng đời sống gia đình có thể nói đã là một vở kịch buồn, không đạo diễn suốt mười năm nay.
– Thế nào là vở kịch buồn? Có buồn bằng “Lá Sầu Riêng” của Kim Cương không chú?
Nụ cười nở ra thoáng chút ngậm ngùi, chú Tống uống cạn lon bia rồi vỗ vai tôi cười khì một tiếng:
– Chú mầy vẫn cái tật chọc ghẹo, tò mò. Chuyện như thế này… Sau khi sinh thằng Tuấn, chú muốn thím ở nhà chăm sóc con. Ðể đủ sức lo cho gia đình, chú phải đi làm thêm một “job” nữa suốt ba năm. Thời gian nầy, vợ chồng rất ít có dịp gần gũi, trò chuyện thân mật với nhau. Không biết có phải đây là nguyên do chính đã đưa đến sự lạnh lùng của thím hay không, mà kể từ đó, càng ngày, thím càng tìm đủ mọi cách để từ khước “chuyện vợ chồng”, với lý do muốn ngủ với con để tiện việc chăm sóc nó. Lúc đầu, chú cũng nghĩ rằng tại thím mệt mỏi vì con nhỏ, nhưng sau đó, thím luôn cự tuyệt, hoặc đôi khi đáp ứng một cách rất miễn cưỡng.
– Chú có nghĩ rằng tình yêu vợ chồng có vấn đề gì không? Hay sức khoẻ của thím?
– Chú có nói chuyện về sức khoẻ, nhưng thím khẳng định là không có vấn đề gì cả. Chú vẫn tin vậy, vả lại, trông thím vẫn khoẻ mạnh. Tất cả công việc hàng ngày của thím, việc chăm sóc chồng con, nhà cửa vẫn chu toàn, không chỗ nào đáng trách.
– Còn “chuyện vợ chồng”, chú có ngồi lại nói chuyện với thím cho ra lẽ không?
– Là đàn ông và đã có vợ, chắc chú mầy cũng biết… làm sao mà nói được chuyện tế nhị như thế. Hơn nữa, “chuyện vợ chồng” là một biểu lộ tình yêu tự nhiên, là một dâng hiến tự nguyện, nói ra, giống như mình ép người ta. Chú tự ái không muốn nói, thím thì coi như không. Tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh. Có một lần, cách đây khá lâu, chú bị một cú sốc nặng khi thím cự tuyệt bằng câu nói miệt thị “con người anh chỉ biết chuyện ấy thôi à?”. Hai vợ chồng đã cãi nhau kịch liệt và cũng từ đó chú không hề đụng chạm đến thím nữa. Sống với nhau như hai người bạn, phòng ai nấy ngủ. Trước mặt con và mọi người vẫn bình thường, nhưng trong lòng hai người như có một bức tường ngăn cách. Chú không muốn ngoại tình, nhưng luôn luôn khao khát, một khao khát rất bình thường là được chiều chuộng, thương yêu. Vì thế, chú đã sinh tật uống rượu và hút thuốc trở lại. Cuối tuần, chỉ biết đi câu cá vì đó là niềm vui duy nhất mà chú có thể tìm được.
Cách đây ba năm, hãng chú tuyển dụng một nữ nhân viên, vì tiếng Anh của cô không giỏi nên chú được giao trách nhiệm “training” cho cô. Cô rất trẻ, nhỏ hơn chú đến mười hai tuổi. Ban đầu, mọi sự đều bình thường, nhưng dần dần, cô ấy có cảm tình với chú. Ðổi lại, sự thân mật, dịu dàng của cô ấy đã làm cho chú vui và cảm thấy yêu đời hơn. Từ chỗ tiếp xúc qua việc làm, đến thân mật như bằng hữu và dẫn đến tình yêu lãng mạn… kết quả chú đã ngoại tình thật sự ở tuổi bốn mươi tám. Trước đây, chưa bao giờ chú nghĩ mình có thể phạm sai lầm như thế. Bởi vì, dù đối xử với chú lạnh lùng, nhưng thím vẫn là một người mẹ hiền, một người vợ đảm đang. Chú vẫn bị ray rứt lương tâm, nhưng không thể từ chối lời mời gọi trước một tình cảm mới mẻ, nồng nàn. Mối tình say đắm của chú và cô gái đã kéo dài trong lén lút suốt hai năm mà thím không hề biết hay không thèm biết, chú cũng không hiểu.
Hiện tại, chú đang đứng trước sự chọn lựa khó khăn. Một bên là người vợ đã gắn bó hai mươi bốn năm với những hờ hững, lạnh nhạt. Một bên là người tình tuyệt vời với niềm hạnh phúc ngọt ngào. Chú mầy nói đi, nếu phải chọn thì chọn cách nào? Một cuộc sống theo ước muốn của mình để suốt đời mang tiếng là kẻ bạc tình hay chết dần mòn trong mái gia đình khô khan, lạnh lẽo, mãi mãi thiếu vắng nụ cười.
Nghe đến đây, tôi lại phải uống thêm một chai bia và hút thêm một điếu thuốc lá, vì thật sự, không biết phải khuyên chú thế nào!
Bạn thân mến. Người viết cũng đồng tâm trạng với anh bạn kể câu chuyện trên đây. Làm sao có thể đưa ra một lời khuyên cho hợp tình, hợp lý. Mỗi việc xảy ra đều có lý do. Chúng ta không phải là ông Tống và cũng không sống cuộc đời cuả bà Vân, thì làm sao phán quyết, ai đúng, ai sai? Người chồng đáng thương hay người vợ đáng trách? Tình huống đã đến hồi không thể quay lui, chỉ có người trong cuộc mới tự trả giá đúng với những gì mình đã chọn.
Còn bạn và tôi, qua câu chuyện nầy, hy vọng sẽ cảm nhận được rằng, hạnh phúc trong hôn nhân, không phải tự nó sẽ triển nở sau ngày cưới mà phải được chăm chút hằng ngày, tìm hiểu những thay đổi của người bạn đời trong các nhu cầu tâm, sinh lý để kịp thời bù đắp, bổ khuyết những thiếu sót. Các mâu thuẫn tuy nhỏ, nhưng sẽ lớn dần, trở thành hố sâu ngăn cách nghĩa vợ, tình chồng. Làm thế nào để hiểu nhau nếu không chịu nói và lắng nghe. Nhất là trong vấn đề tế nhị -“chuyện vợ chồng”- thật không dễ chút nào? Nhưng chắc chắn sẽ dễ hơn những khó khăn đang chờ đón bạn, khi tình nghĩa vợ chồng không còn nữa.
No comments:
Post a Comment