Ngày nhà giáo
FB (Cô giáo) Mai Thị Mùi
Không có một đất nước nào mà lại lắm ngày truyền thống như nước ta. Ban bệ, ngành nghề nào, quân đội, công an, luật sư, nhà giáo, nhà báo, nhà may, nhà thổ.. tất tật cố đặt ra một ngày nào đó để tự tôn và được tôn vinh. Ngày nhà giáo VN dễ nhớ nhất vì ai trong đời cũng là học sinh, là phụ huynh để PHẢI nhớ mà 'cúng cô hồn' cho yên thân.
Tôi hỏi quý vị đồng nghiệp, một năm 365 ngày, được “tôn vinh” một ngày rồi cả xã hội phỉ nhổ 364 ngày, có đáng không? Tôi nhìn quý vị xúng xính váy áo, ôm hoa mua bằng máu và nước mắt của phụ huynh nghèo, quý vị nghiêng vai nghiêng cổ cho các pô hình để up phây, rồi sau đó ngồi vào những mâm cỗ từ quỹ “tự nguyện” của PHHS mà tôi thấy như ăn phải miếng thịt ôi, chỉ chực nôn ra.
Một đất nước không cần có ngày Người Cao Tuổi, chỉ cần ở đất người già không phải đi bán vé số, nhặt ve chai, xin ăn hay bươi rác.
Một đất nước không cần ngày Trẻ Em, miễn là đừng có trẻ bị ấu dâm, bị bạo hành, lạm dụng, bỏ học đi kiếm ăn.
Một đất nước văn minh không cần có ngày Phụ Nữ, chỉ cần họ không bị bạo hành, phân biệt đối xử.
Một đất nước không nên có các bà mẹ Anh Hùng, ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ. Có thương mẹ thì để mẹ sống yên bình bên các con. Chứ bắt con mẹ lao vào cuộc chiến phi nghĩa để rồi, mẹ sống với nỗi đau thắt ruột khi mất con, được cấp cho cái bằng mẹ VNAH, mỗi dịp kỉ niệm thì đem mét rưỡi vải đỏ với cái hình...đến dí vào tay mẹ. Phụ nữ không ai cần làm anh hùng, chỉ cần cuộc sống an nhiên với chồng, với con thôi. Không tạo ra chiến tranh tức làm công đức vô lượng rồi.
Một người thầy cũng không cần đến sự tôn vinh. Chỉ cần trả lương đủ sống để họ không phải bắt học sinh học thêm, không dí học sinh đóng tiền học, không hối phụ huynh đóng quỹ lớp. Họ chỉ cần chuyên tâm vào chuyên môn thì tự khắc cả xã hội kính trọng họ, từ năm này qua năm nọ, từ đời này đến đời kia. Chứ đâu chỉ có 1 ngày hoa trái, quà cáp, phong bì, rồi những tháng còn lại chạy theo mối quan hệ mua bán con chữ, kinh doanh tri thức.
Quý vị muốn người khác tôn trọng, trước hết mình phải tự trọng. Tự trọng là không đủ tri thức thì không đứng trên bục giảng, thấy nghề giáo không đủ sống thì mạnh dạn bước ra khỏi ngành, chứ không phải cào cấu phụ huynh cho đầy hũ gạo nhà mình.
Tự trọng là thấy sai trái, bất công phải lên tiếng, chứ không hùa theo lãnh đạo, khi bị cử “nhiệm vụ chính trị” thì phải biết phản đối.
Tự trọng là thấy trường lạm thu phải đứng về phía phụ huynh, không câm lặng và làm theo những điều dối trá, sai quấy của cấp trên- cốt để yên thân, vững ghế.
Chỉ cần làm được những điều trên, xã hội sẽ tôn vinh quý vị đủ 365 ngày với sự yêu kính chân thành, không phải bằng tấm thiệp ghi những câu hoa mỹ có kẹp mấy tờ bạc, bó hoa tươi mua bằng những đoạn ruột héo, những cái hộp đựng vải áo dài, chai dầu thơm, sữa tắm...mà chỉ cần thêm nén nhang, nắm muối, nắm gạo là đủ bộ cúng mùng 2, 16 mỗi tháng.
FB Nguyễn Tuấn
Tôi nghĩ thầy cô, bác sĩ, y tá, v.v. tất cả chỉ làm nhiệm vụ của họ mà thôi. Nếu làm hơn và trên cái nhiệm vụ được trao thì họ nên được thưởng. Họ chẳng ban ơn cho ai, và cũng không nên nghĩ như vậy.
(1) Ngày 20/11 có một ý nghĩa chánh trị thời Chiến Tranh Lạnh. Năm 1949, tại Warszawa (Ba Lan) diễn ra một hội nghị của Liên đoàn quốc tế các công đoàn giáo dục trong khối cộng sản, ra bản "Hiến chương các nhà giáo" có nội dung đấu tranh chống nền giáo dục tư sản và xây dựng XHCN, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà giáo XHCN.
Năm 1957, cũng tại Warszawa, một hội nghị khác triển khai hiến chương đó, đề nghị từ năm 1958 trở đi, khối XHCN sẽ lấy ngày 20/11 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Việt Nam ở ngoài Bắc (trước 1975) và từ 1982 cũng lấy ngày 20/11 làm “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”. Như thấy, trong thực tế ngày 20/11 chẳng có dính dáng gì đến nhà giáo Việt Nam cả.
Trên thế giới, có những nước không có Ngày Nhà Giáo, Việt Nam Cộng Hòa trước đây cũng không có ngày này. Tuy rằng đa số chọn ngày 5/10- theo khuyến nghị của UNESCO- làm Ngày Nhà Giáo, nhiều nước chọn ngày khác. Hungary lấy ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 6, Ukrainia lấy ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 10, Ba Lan (14/10), v.v. Một số nước chọn những ngày gắn liền với một nhân vật hay sự kiện mang tính lịch sử. Tôi nghĩ nên bỏ ngày 20/11 và nếu cần có Ngày Nhà Giáo, tôi đề nghị Việt Nam nên lấy ngày sanh của Chu Văn An (25/8/1292).
Ở NHẬT BẢN KHÔNG CÓ NGÀY NHÀ GIÁO...-- FB Gia Nguyễn-
Một lần nọ, tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp người Nhật, thầy giáo Yamamota:
- Nhật kỷ niệm ngày Nhà giáo lúc nào, và tổ chức ra sao? Có vẻ ngạc nhiên, anh trả lời:
- Chúng tôi không có ngày Nhà giáo. Trong tôi nảy ra ý nghĩ:
- “Tại sao một đất nước giàu có, khoa học, kỹ thuật và kinh tế phát triển như thế, mà lại cư xử "thiếu tôn trọng" với nhà giáo, với công sức của họ?"
Sau giờ làm việc, Yamamota mời tôi về nhà. Vào giờ cao điểm buổi chiều, các toa tàu điện chật cứng như nêm. Khó khăn lắm, tôi mới lách được vào trong toa, ghì chặt tay vịn.
Bỗng ông cụ, ngồi bên cạnh, đứng lên nhường chỗ cho tôi. Không hiểu lý do, nhưng tôi không thể chấp nhận lời đề nghị này của một người đứng tuổi. Nhưng ông cụ cứ khăng khăng, buộc tôi phải ngồi.
Ra khỏi tàu điện, tôi yêu cầu Yamamota giải thích. Bạn cười và chỉ vào chiếc huy hiệu thầy giáo còn trên áo tôi:
- Ông cụ thấy chiếc huy hiệu nhà giáo của bạn, và để tỏ lòng tôn trọng, ông nhường ghế.
Bởi là lần đầu tiên đến thăm nhà thầy Yamamota, tôi muốn mua chút quà. Tôi tỏ ý và bạn nói:
- Phía trước có cửa hàng dành giá ưu đãi cho nhà giáo. Một lần nữa, tôi không kìm được cảm xúc :
- Đặc quyền chỉ dành cho các nhà giáo à? tôi hỏi.
- Vâng. Ở Nhật Bản, nghề dạy học được tôn trọng, thầy cô giáo được quý trọng nhất. Khi có nhà giáo đến mua, các doanh nhân cho đó là một vinh dự cho cửa hàng của họ.
No comments:
Post a Comment