Tuesday, November 22, 2022

Một tiếng thở dài

Đến hôm nay tôi còn nghe tiếng Cố thở dài bảo Mẹ tôi: “Ôn vô dụng quá!”

Hồi đó, sau thế giới chiến tranh, vừa hồi cư về Huế, gia đình tôi sống chật vật trên đồng lương giáo viên ít ỏi của Mẹ. Không phải dễ để nuôi tám miệng ăn: năm người lớn, ba trẻ con. Qua giao thiệp, quen biết Mẹ và hai Dì được người ta nhờ cậy đan áo len và công việc ấy đã đem thêm chút đỉnh tiền cho gia đình. Trong hoàn cảnh sau chiến tranh, áo len rất quý. Người ta đã mất đi những chiếc áo len tốt khi chạy về làng tránh bom đạn. Nay ai cũng cần áo len để qua mùa đông vì mùa đông của Huế rất lạnh, cái lạnh ẩm, buốt vào tận xương. Mưa dầm dã, ngày này qua tháng nọ. Qua Xuân mới có tí nắng ấm.

Đan áo len xem như nghề của Mẹ và Dì. Tối nào ba cô cháu nội của Cố cũng thoăn thoắt đan. Không khung cảnh nào đấm ấm hơn: Mẹ và Dì chăm chú vào sợi len, Cố nhấp nước trà, trẻ con chúng tôi ê a tập đọc. Một gia đình nhỏ đùm bọc lẫn nhau qua cơn nghèo khó.

Cố quan sát Mẹ đưa sợi len qua lại với hai que tre và bảo: “Coi cũng dễ thôi, con dạy cho Ôn đan, Ôn giúp cho mau xong.” Mẹ phá lên cười: “Thôi, Ôn chơi với cháu đi”. Nhưng Cố, cháu nội của ông Hoàng đâu có biết chơi với cháu. Cố chỉ quen đọc sách ngâm thơ, chơi bài, nhắm rượu, hay trò chuyện với bè bạn, hàng xóm láng giềng. Mọi chuyện khác trong nhà đã có người lo.

Cố thở dài: “Ôn vô dụng quá!”

*
Cố là cháu nội của Tĩnh Gia Vương, Ông Hoàng thứ bốn mươi chín, con của vua Minh Mạng. Cố về hưu lúc năm mươi tuổi. Lúc ấy ông ngoại tôi, con trai trưởng của Cố, đã làm quan ở Thanh Hoá, lo toan mọi việc. Cố đã sớm có những ngày hưu trí khá thong thả. Nhưng chiến tranh đột ngột chấm dứt cuộc sống an nhàn ấy. Thời chiến tranh Ông Bà Cố và hai Dì ở trong phủ làng Kim Long, sống với tí tiền dành dụm trước và nhờ có rau cỏ, hoa trái trong vườn để trao đổi, bán qua lại với hàng xóm. Mẹ không đưa chúng tôi về quê ngoại ấy và quyết định lánh nạn về quê nội ở làng Minh Hương. Các bác quen rộng, hiểu biết tình hình chính trị, gần dân tình, có thể che chở Mẹ và chúng tôi. Quê nội lại có nhà rộng, vựa đầy thóc, rẫy đầy khoai sắn và các bác rất lo lắng thương yêu chúng tôi.

Hết chiến tranh, vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt thể chế quân chủ và những trọng vọng dành cho hoàng tộc. Pháp ổn định lại quyền lực trong Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau); Việt Minh kiểm soát miền Bắc (từ Quảng Trị đến biên giới Việt Nam-Trung Quốc). Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình chúng tôi phải chịu cảnh người Bắc, kẻ Nam: Ông ngoại và Ba tôi kẹt ở ngoài Bắc, bặt âm vô tín; Mẹ và ba anh em chúng tôi ở trong Nam, rời làng Minh Hương về Huế.

Mẹ đi dạy lại, gắng xếp đặt một cuộc sống bình thường. Mẹ thuê một căn nhà nhỏ trong một hẻm hẹp của Thành Nội để đón Ông Bà Cố và hai Dì về ở cùng. Mẹ lo ngại ở làng Kim Long không được an ninh cho Cố. Có người xem gia đình hoàng tộc như thuộc thành phần địa chủ, bóc lột; có người thì nghĩ vua quan là phong kiến hủ lậu. Mẹ phải gánh vác, thu xếp một cuộc sống khiêm tốn, yên ổn cho gia đình.

Sống với Mẹ và Dì, Cố rất được thương yêu, chiều chuộng, được lo cơm nước và áo ấm. Mẹ và Dì rất khéo tay mua đâu được vài thước vải tốt nên may cho Cố một bộ áo mới. Nhưng mãi không thấy Cố mặc, hỏi ra thì Cố bảo: “Đi chơi gặp thằng làm trong phủ hồi xưa thấy nó xanh xao nghèo khổ nên cho nó bộ áo rồi”.

Ngày ngày Cố vẫn qua hàng xóm chơi bài tuy không còn có thú ăn thua như xưa, nhưng cũng đủ cho Cố vui cười. Tôi, cô bé sáu tuổi, ngoan ngoãn, dễ thương, được đi theo Cố. Cố đánh bài, tôi chơi với lũ trẻ. Xế chiều Cố cháu mới về nhà. Đến đầu xóm tôi tung tăng sung sướng khi đánh hơi nghe mùi mực nướng thơm phức. Ấy là ngày vui: người ta vừa trả tiền công đan áo. Cố cháu có tí ăn chơi trước bữa cơm tối: Dì Ý đập mực nướng và xé ra từng sợi nhỏ để Cố nhâm nhi với tí rượu đế; Dì cho tôi mấy cái râu mực để nhai chầm chậm, thưởng thức vị mằn mặn. Cố cháu nhìn nhau cười. Dì Ý chia vui: “Cháu thấy ngon không?” Dì Ý thương tôi nhất nhà!

Sau hơn một năm, công việc đan áo của Mẹ và hai Dì trở nên rất bận. Người ta đã bắt đầu biết đến ba chị em. Tiếng đồn từ Thành Nội ra phố: các cô vừa đẹp, vừa dễ thương, đàng hoàng và khéo tay. Hết người này đặt áo cánh, người kia thúc đan khăn quàng, người nọ mong có ngay chiếc áo khoác. Có ông chỉ lấy cớ hỏi hay xin đặt áo len để được nói chuyện với Dì Tâm hay Dì Ý, cả hai người đẹp chỉ mới ngoài hai mươi. Khách khứa tấp nập. Bận quá, Mẹ nghe lời Dì Ý, nuôi thêm anh Ứng (anh ấy khoảng 12-14 tuổi, người làng Minh Hương, mồ côi, được các bác nuôi lo từ nhỏ). Mẹ sắp đặt để anh Ứng đi giao hàng khi áo len đã đan xong và chăm sóc trẻ con chúng tôi, em út của tôi, Vinh, lúc đó mới 3, 4 tuổi.

Vậy là cuộc sống đã ổn định. Tiền đủng đỉnh vào đều đặn. Cố có thêm những thứ trà ngon để uống buổi sáng. Mùi mực nướng thơm phức trở nên quen thuộc hơn. Cơm tối nay có cả thịt hay cá. Tình hình kinh tế càng ngày càng khả quan hơn, tưởng sẽ tiếp tục êm đẹp. Tôi bỗng mắc bệnh thương hàn.

Thời ấy trụ sinh rất hiếm. Cố và hai Dì lo cuống lên. Mẹ khóc sướt mướt. Bác sĩ thương tình, tận tình chăm sóc tôi, liên tục cho truyền nước biển mà không nệ hà tốn kém. Vài tuần sau tôi mới qua cơn nguy kịch và được uống tí nước cháo thật loãng. Rồi tôi được xuất viện, về nhà. Cố luôn luôn ở bên cạnh giường bệnh, đút cho tôi từng muỗng nước cháo, an ủi tôi với chuyện cổ tích. Cố kiên nhẫn chăm sóc tôi qua bao nhiêu ngày và bao nhiêu tháng cho đến khi tôi được ăn cháo, ăn cơm. Cố đỡ tôi ngồi dậy, đứng lên. Cố tập cho tôi đi lại từng bước một, để cho tôi níu, tựa vào cánh tay gầy của Cố. Có ai có thể nghĩ rằng cháu nội của Ông Hoàng, xưa quen có người hầu kẻ hạ, nay hằng ngày chăm sóc cơm áo, thuốc men cho cô bé chắt yếu đuối!

Khi tôi đi vững, tôi hỏi Cố: “Bao giờ Cố cháu mình mới qua chơi hàng xóm”. Cố cười: “Con còn yếu chưa đi được đâu và Cố không còn biết đánh bài nữa”. Cố đã bỏ những thú tiêu khiển xưa như rũ xếp chiếc áo cũ và trở thành Ông Cố thương yêu của tôi! Cố nay là thầy, là bạn của tôi. Cố giúp tôi tập đọc, tập viết, dạy tôi đánh cờ tướng và kể cho tôi nghe nhiều chuyện cổ tích. Tôi thích nhất khi Cố giảng giải cho tôi hiểu lễ nghi của triều đình nhà Nguyễn mấy năm về trước như những kỳ thi và ngày phong tước cho những vị thủ khoa. Tuy tôi không hiểu mấy nhưng vẫn thấy hấp dẫn vì Cố còn tả những món ăn ngon, và áo quần đẹp.

Cố lại có thêm một việc quan trọng mới: tiếp khách hàng đến đặt đan áo len, giúp Mẹ và Dì phát triển công việc. Mẹ và hai Dì bấy giờ có nhiều lúc phải chạy xuôi ngược mua, đổi, bán len. Có len nhiều màu khác nhau Mẹ và Dì có thể đan những chiếc áo thật đẹp, kiểu cách, đặc biệt và kiếm nhiều tiền hơn.

Cố tiếp khách vui vẻ, khéo léo. Cố biết nhiều chuyện xưa để chia sẻ. Cố cũng hay nhẹ nhàng hỏi thăm gia đình lý lịch những ông bà, bạn mới của Mẹ và hai Dì. Đó là cách Cố thanh lọc, giúp Mẹ và hai Dì giữ được những khách hàng tử tế, dễ chịu. Cố có tính khôi hài, nói chuyện rất hóm hỉnh, nghe rất “hoàng phái”: “Ông bà ở An Cựu à? Vậy mua được ‘Gạo Vua’ không, lâu quá tôi không thấy, cũng nhớ”. Hay là: “Ồ, anh con nhà Nguyễn Khoa đấy à? Tốt quá. Trong họ không có ai ăn cắp ăn trộm gì”. Hơn cả nhân viên công an, Cố biết hết tông tích của nhiều gia đình ở Huế.

Thêm một thay đổi nữa. Đôi lúc Cố ngồi lẩm bẩm một mình nói chuyện xa xôi: “Hừ! Ta sinh ra được những bốn con trai, nhưng rồi đây chết đi không có người chống gậy, thằng kẹt ngoài Bắc, thằng ở tù ở Côn Đảo, thằng mất tích lúc Nhật rút quân, thằng ẩn biệt trong Nam”. Theo phong tục cổ truyền, khi người cha mất con trai phải mặc áo tang, đội mũ rơm chống gậy đi thụt lùi trước quan tài, ý là để tiễn cha đi. Dì Tâm an ủi Cố: “Ôn đừng lo. Cháu sẽ giả trai chống gậy cho Ôn”. Cố cười: “Ừ, cũng được đó”. Cố vẫn vui vẻ, tuy có lúc thẫn thờ, ăn uống ít và đi ngủ sớm hơn. Mẹ hơi lo: “Ôn già rồi”.

Nhiều tháng trôi qua; khi tôi bình phục hẳn thì đã gần Tết Trung Thu. Gia đình tôi rộn rịp chuẩn bị ăn Tết. Dì Tâm làm bánh; Dì Ý phơi hoa tường vi, hoa mộc và tim sen để ướp trà. Mẹ sửa soạn mâm cúng. Cố nhắc nhở thêm rằng phải có mãng cầu, đu đủ, thơm, cam, quýt trên bàn thờ để tỏ ý cầu xin gia đình được an lành. Anh Ái và anh Ứng làm lồng đèn. Hai anh làm cho tôi một cái lồng đèn ngôi sao với giấy bóng xanh đỏ thật đẹp. Anh Ứng bảo để mừng tôi lành bệnh. Tôi nao nức nghĩ đến ngày mai kia đi sẽ được đi rước đèn với hai anh.

Không hôm nào vui hơn Trung Thu năm ấy. Nhà nào cũng lấp lánh nhiều đèn đẹp nhưng tôi nghĩ đèn tôi đẹp nhất. Cả xóm nhộn nhịp tiếng cười nói, tiếng trẻ con hát hò. Cơm chiều quyện mùi thơm của nếp than, gạo lức, thịt nướng. Cố tỏ vẻ rất vui, ngồi uống nước trà nụ ướp tim sen. Cố gọi tôi đến để cho một chiếc đũa, đầu đũa cuốn ít mạch nha ngọt dịu nhất xứ. Tôi không thích gì hơn là mút đầu đũa ấy. Sao Cố biết ý và chiều chuộng tôi thế!

Vài ngày sau Trung Thu trời bắt đầu trở lạnh. Không để ý đến gió buốt, Cố bước ra cổng xem hàng xóm đã cất đèn treo trước ngõ chưa và lẩm bẩm: “Không biết ngoài Bắc vừa rồi có ăn Tết Trung Thu? Trời nay có lạnh lắm không? Bao giờ gia đình mình mới đoàn tụ nhỉ?” Mẹ biết Cố nhớ Ông Ngoại và lo cho Ba tôi. Mẹ pha trà mời Cố vào và rủ hai Dì đến ngồi nói chuyện cho Cố vui. Tôi được ngồi cạnh, được Dì Ý cho một miếng kẹo gừng để mân mê trong tay. Một chốc sau Cố bảo hơi mệt, ớn lạnh. Dì Tâm vội vã đun một nồi lá cho Cố xông. Tôi giành nhiệm vụ lau lưng cho Cố để ngửi mũi thơm của lá chanh, bó xả, dầu khuynh diệp. Tối hôm ấy tôi đỡ Cố vào giường; Cố nằm xuống thoải mái, an nhiên, thơm tho từ đầu đến chân. Cố đi ngủ sớm… và không bao giờ dậy nữa. Cố mất nhẹ nhàng trong giấc ngủ ba ngày sau Trung Thu.

Tôi khóc không ngừng, ngồi một mình trong xó bếp cạnh lò lửa. Cả nhà bận lo tang lễ. Nào là phải may áo tang, kết mũ rơm, vót gậy cho Dì Tâm và Dì Ý giả trai đưa quan tài Cố đi; nào là phải mua vàng bạc, hương đèn; nào là phải báo tin cho bà con gần biết. Tuy không có tiền để làm một tang lễ long trọng, Mẹ muốn đủ lễ nghi đúng với vai vế của Cố trong gia tộc.

Chả ai để ý đến tôi trong xó bếp. Tôi vô ý để tay áo bén lửa cháy. Cánh tay tôi bỏng nặng. Anh Ứng cõng tôi chạy ù đến nhà thương. Tôi vẫn khóc suốt dọc đường, không biết vì cánh tay rát quá hay vì tôi biết Cố đã mất rồi.

Đám tang Cố tôi không được tham dự, không thể đi theo xe tang tiễn Cố đến nơi an nghỉ. Cánh tay tôi đã được băng bó cẩn thận nhưng vẫn có thể nhiễm trùng lở loét. Tôi ở trong nhà, đứng nép vào cánh cửa, thút thít, nhìn Dì Tâm và Dì Ý chống gậy trước quan tài, Mẹ theo sau với hàng xóm, bà con. Xe tang rời ngõ hẹp, tôi khóc oà.

Cố đi rồi. Cánh tôi tay rát quá. Chân tôi yếu nhũn. Tôi ngồi xuống, không còn biết gì nữa.

*
Cố mất thế là đã hơn nửa thế kỷ. Tôi đã trưởng thành, đã trải qua cuộc di tản của gia đình đến Mỹ. Những ngày đầu trên xứ lạ, không nhà cửa, không nghề nghiệp, tôi nhớ lại cảnh sau chiến tranh lúc hồi cư về Huế và tôi thấm hiểu tiếng thở dài của Cố. Thế giới quen thuộc không còn nữa, tương lai rồi sao đây, bây giờ làm được gì? Cố thở dài. Có lẽ Mẹ cũng đã thở dài. Và chính tôi cũng có lần thở dài trước hoàn cảnh khó khăn của việc định cư tại Mỹ.

Nhưng có phải sau khi thở dài thì mình có thể xếp quá khứ vào ngăn nào đó trong ký ức, để đứng lên, níu tựa vào bản tính lạc quan, niềm ý hi vọng và tiềm năng phấn đấu, và để rồi bước vào thực tại đầy thử thách? Vậy là thở dài không phải là chấm dứt mà bắt đầu và tương lai là chuỗi ngày đầy ngạc nghiên; khó khăn, thất bại hay thành công tùy theo mình có thật chú tâm để vượt qua những trở ngại hay được người giúp đỡ, hay gặp nhiều may mắn.

Hiểu vậy, trước một hoàn cảnh khó khăn, tiếng thở dài của tôi nay rất ngắn để nhường cho một tiếng cười, hay câu nói hóm hỉnh. Thì ra tính lạc quan, bản chất khôi hài có tí “hoàng phái” Cố để lại cho tôi là một di sản quý báu nhất tôi thừa hưởng được.

-- Hạt Tiêu

No comments:

Blog Archive