Cách nhìn khác về show có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ở Atlanta
Hệ quả pháp lý của hành vi gây tổn thương
Vì sở thích cá nhân hướng về dòng nhạc cổ điển, tôi chưa bao giờ để ý đến các ca sĩ người Việt, dù ở trong nước hoặc ở ngoài nước, trước 75 hoặc sau 75. Đôi ba lần lướt internet gặp thông tin về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, tôi chỉ có nhận xét thoáng qua rằng đây là một người nhố nhăng, có lẽ cố tình nhố nhăng để tạo chú ý và câu khách.
Tuy nhiên, gần đây có người ở Atlanta báo cho biết là ca sĩ này sẽ đến Atlanta trình diễn trong chương trình văn nghệ mừng Lễ Tạ Ơn năm nay, làm cho một số người trong cộng đồng xốn xang hoặc phẫn nộ. Có một số người tôi quen ở tận đâu đâu cũng mua vé máy bay đến Atlanta biểu tình. Rõ ràng vấn đề này đang được nhiều người Việt không chỉ ở Atlanta mà còn ở nhiều nơi khác quan tâm. Đó là yếu tố làm tôi chú ý.
Và tôi có ý kiến như sau: biểu tình thì cứ biểu tình nhưng hãy đi thêm một bước – hãy hành động pháp lý.
Biểu tình là để thể hiện sự khác biệt quan điểm giữa một đằng chấp nhận và đằng kia không chấp nhận anh ca sĩ này, giữa một bên chủ trương thoả hiệp và bên kia không khoan nhượng với chế độ cộng sản, giữa những người cho rằng mua vé xem chương trình văn nghệ chỉ là giải trí thường tình và những ai cho rằng đây là bước thực hiện Nghị Quyết 36 mang nặng tính chính trị. Cả 2 bên đều có quyền bảo lưu quan điểm của mình và cùng được luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Mạnh ai nấy làm. Huề nhau.
Nhưng sẽ không có sự huề nhau khi một bên gây tổn thương cho bên kia. Luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ người bị hại và trừng phạt kẻ gây hại. Đó là cách nhìn khác đi mà tôi đề nghị.
Từ những năm cuối của thế kỷ trước, BPSOS đã có chương trình giúp đỡ các bác tị nạn HO thi nhập tịch Hoa Kỳ. Họ cần giúp đỡ vì hệ luỵ của những năm tù đày bị tra tấn dã man dưới chế độ cộng sản. Các cuộc nghiên cứu ở Đại Học Harvard, ở Đại Học George Washington và bởi chuyên gia tâm lý học của BPSOS cho thấy phần lớn những người tù cải tạo mang dấu hiệu trầm cảm nặng và hậu chấn tâm lý (post-traumatic stress disorder, PTSD). Ai muốn hiểu thêm thì chỉ cần tham khảo công trình nghiên cứu của Tiến Sĩ Richard Mollica thuộc Đại Học Harvard (ví dụ: “The Dose-Effect Relationships between Torture and Psychiatric Symptoms in Vietnamese Ex-Political Detainees and a Comparison Group, J Nerv Ment Dis: 186:543-553, 1998”).
Khi có yếu tố kích động, người mắc PTSD thường bị ác mộng, hồi tưởng quá khứ (flashback), và tái chấn thương tâm lý (re-traumatization). Đấy chính là lý do BPSOS thường chọn đặt văn phòng ở tầng mặt đất vì nhiều bác HO bị hồi hộp khi phải đi thang máy -- không gian bít bùng của thang máy làm họ hồi tưởng kinh nghiệm bị giam cùm trong tù cải tạo. Ở mức nghiêm trọng, sự kích động có thể xoá đi kết quả của nhiều năm hoặc nhiều chục năm chữa trị tốn kém.
Năm 2003, Ts. tâm lý học Robert Weigl, nay đã qua đời, cộng tác với BPSOS để phỏng vấn gần 100 các bác HO và thân nhân của họ. Ngoài việc tái khẳng định kết quả của nhiều công trình nghiên cứu trước đó, cuộc nghiên cứu này cho thấy vợ của các người tù cải tạo thường mang triệu chứng PTSD ngang với hoặc nặng hơn chính người tù. Dựa vào kết quả nghiên cứu, BPSOS xuất bản 2 tài liệu hướng dẫn cho các cán sự xã hội nhận diện các dấu hiệu của PTSD và các bác sĩ chẩn định y khoa cho phù hợp với điều kiện xin miễn thi nhập tịch. Hai tài liệu này đã giúp cho hàng nghìn các bác HO trở thành công dân Hoa Kỳ. Trong đó, 187 hồ sơ đang được lưu trữ ở văn phòng của BPSOS ở Atlanta.
Dựa vào kết quả nghiên cứu này, năm 2009 BPSOS phối hợp với Trung Tâm Phát Huy Sức Khoẻ Công Cộng của Đại Học George Mason phát hành giáo trình huấn luyện tình nguyện viên trong cộng đồng trở thành “bạn đồng hành” để hỗ trợ các nạn nhân tra tấn và gia đình.
Các nghiên cứu và kinh nghiệm này là căn cứ để chúng tôi khẳng định rằng cuộc trình diễn văn nghệ có sự xuất hiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ gây tổn thương cho nhiều cựu nạn nhân của chế độ cộng sản, đặc biệt là các cựu tù cải tạo và thân nhân của họ. Đó cũng là căn cứ cho hành động pháp lý đối với người gây hại.
Cách đây ¼ thế kỷ, lúc tôi còn đang làm việc trong ngành kỹ sư và chiều về thì đảm trách vai trò Giám Đốc Điều Hành tình nguyện của BPSOS, một số cựu chiến binh Hoa Kỳ tôi quen đã yêu cầu hãng FORD của Mỹ hạ lá cờ đỏ sao vàng được treo tại bản doanh của hãng ở Dearborn, Michigan. Hãng FORD trả lời rằng, theo nguyên tắc, họ treo cờ của những quốc gia nào có hãng xưởng của FORD -- năm 1995, FORD mở hãng lắp ráp xe ở Việt Nam. Các cựu chiến binh Mỹ rất bực bõ nhưng không biết làm sao hơn.
Tình cờ, trước đó không lâu tôi đọc tin thấy hãng FORD phải bồi thường hơn 1 triệu Mỹ kim cho một công nhân là cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam và bị PTSD do hậu quả chiến tranh. Anh ấy thường bị đồng nghiệp khua mỏ lết chọc ghẹo nên bị tái chấn thương. Vị quản đốc biết chuyện nhưng không can thiệp. Anh ấy kiện hãng FORD và thắng kiện.
Tôi nói với các cựu chiến binh Mỹ là để tôi viết thư cho Ban Giám Đốc hãng FORD. Trong thư, tôi nhắc lại vụ kiện kể trên và cho biết rằng trong số công nhân và nhân viên của họ có nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng như người Việt tị nạn bị PTSD và sẽ bị tái chấn thương bởi lá cờ Việt cộng. Khoảng 2 tuần sau, các cựu chiến binh Mỹ báo tin vui: hãng FORD thông báo gỡ cờ Việt Cộng với lý do là chỉ treo cờ của quốc gia nào sản xuất hơn 30 nghìn chiếc xe FORD mỗi năm trở lên; Việt Nam không đạt chỉ tiêu nên bị gỡ cờ. Theo tôi, đó chỉ là cái cớ; hãng FORD không muốn đối mặt với hàng loạt vụ kiện với mức bồi thường có thể lên đến nhiều chục hoặc nhiều trăm triệu Mỹ Kim.
Quay lại chương trình văn nghệ Lễ Tạ Ơn ở Atlanta, những ai bị hậu chấn tâm lý do là nạn nhân của chế độ cộng sản nên báo cho ban tổ chức biết về những hệ luỵ có thể xảy ra. Nếu ban tổ chức đã biết mà vẫn khư khư như không có chuyện gì thì người bị hại có căn cứ pháp lý để kiện, đòi bồi thường.
Thường thì các vụ kiện về tổn thương tâm lý khá phức tạp vì khó chứng minh mức tổn thương. Tuy nhiên, trong trường hợp các cựu tù cải tạo và thân nhân của họ thì việc chứng minh được hỗ trợ bởi hàng loạt các cuộc nghiên cứu công phu từ cuối thập niên 1970 đến nay. BPSOS sẵn sàng cung cấp các số liệu mà chúng tôi có và các tài liệu mà chúng tôi đã thu thập từ hơn 20 năm qua.
Tóm lại, đây không thuần tuý là trường hợp khác biệt quan điểm. Chính xác hơn, đây là trường hợp mà luật pháp phải bảo vệ quyền lợi của người bị hại. Không hề có sự huề nhau giữa kẻ gây hại và người bị hại.
Nhìn xa hơn, tôi mong các tổ chức, các nhóm cộng đồng người Việt ngày càng dùng các biện pháp pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình. Muốn thế, các tổ chức cộng đồng nên lập quỹ pháp lỹ để tài trợ các vụ “kiện chiến lược”. Vụ kiện chiến lược là vụ kiện có ảnh hưởng lan toả và dài lâu. Chẳng hạn, đơn kiện ở Atlanta sẽ cảnh giác những trường hợp tương tự ở khắp Hoa Kỳ trong nhiều năm tới.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
No comments:
Post a Comment