Toàn quốc nói ngọng!
Đỗ Văn Phúc – VNTB
Vấn đề dân chúng một số vùng ở Việt Nam nói ngọng đã được chúng tôi đề cập trong bài viết “Tiếng Việt Qua Ba Miền” in trong cuốn Chuyện Dài Chữ Nghĩa từ trang 194 đến trang 202. Sau đó, có vài vị quan tâm đến vấn đề này, đã đề nghị tác giả viết thêm để giải thích tại sao hiện tượng này phát triển quá nhanh và quá rộng để đến nay, gần như người trong nước Việt Nam đa số nói ngọng và viết ngọng!
Trước đây, chúng tôi biết rằng chỉ có dân một vài vùng nói ngọng; và khi họ viết ra chữ thì cũng ít sai. Nhưng hiện nay, theo dõi trên các trang truyền thông liên mạng; tình hình đã đến độ tồi tệ. Có thể, sự sai này đã trở thành tiêu chuẩn mất rồi. Không chỉ quần chúng nói ngọng, viết sai; mà cả các cơ quan công quyền, báo chí nhà nước cũng sai nhan nhản mà chúng ta có thể thấy hàng ngày. Xin đưa ra vài thí dụ với hình ảnh chứng minh như sau:
“Hình ảnh về hoạt động ‘sảm’ xuất nông nghiệp … Thành tích Huân ‘Truơng’ Độc Lập, Huân ‘Trương’ Lao Động.” (Trong phòng triển lãm thành tựu của Bộ Nông Nghiệp)
“Lao động tích cực, làm theo ‘gơng’ đạo đức bác Hồ” (Bảng lớn (billboard) trong thành phố)
“Lịch tiếp dân – ‘Sử’ lý vi phạm.” (Tại văn phòng cơ quan hành chánh)
“Cấm đổ ‘giác’” (Bảng cắm ở góc đường)
“Thùng ‘giác’ (trong sách giáo khoa cấp 1”
“Đường ‘ghồ” ghề, các phương tiện giảm tốc độ.” (Bảng báo về lưu thông công lộ)
“Nóng ‘nòng’ chờ hỗ trợ.” (bản tin trên nhật báo của đảng)
“Dù ai đi ngược về xuôi; nhớ ngày ‘dỗ’ Tổ ‘mùng’ mười tháng ba!” (Sách giáo khoa)
“Tủ đựng ‘rụng’ cụ đặc biệt.” (trong một bệnh viện)
Một điều lạ là người Bắc có thể phát âm đúng cả hai nguyên âm “l” và “n”; nhưng họ lại phát âm trái chiều “l” thành “n” và “n” thành “l”? Ví dụ: Lo lắng thành ‘no nắng’ và ngược lại ‘nông nỗi’ thành ‘lông lỗi’!
Tại sao từ khi có đảng Cộng Sản cầm quyền, ngôn ngữ Việt Nam bị thoái hóa?
Một sự mâu thuẫn lớn trong hàng ngũ đảng viên Cộng Sản. Những lãnh tụ chóp bu, khai sáng ra đảng thường là các người có học, thông minh. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đều học xong bằng Thành Chung là trình độ rất hiếm hoi vào thời đầu thế kỷ 20 ở nước Việt Nam. Tuy là đảng của giai cấp Công nhân, nhưng giai cấp này lúc đó chưa hình thành vì con số chẳng bao nhiêu; đa số là cu li trong các đồn điền. Tuyệt đại đa số đảng viên Cộng Sản Việt Nam xuất thân từ thành phần nông dân quê mùa thất học (ngay cả ở Nga và Trung Hoa cũng thế). Bọn này vì ngu muội nên Đảng dễ sai khiến lừa bịp. Chúng ngoi lên rất nhanh, nắm giữ những địa vị quyền lực như chủ tịch, bí thư các cấp sau chiến dịch cải cách ruộng đất. Thành phần trí thức lầm lạc theo Đảng thì quá ít oi và bị vậy quanh bởi một tập thể ngu dốt kiêu căng nhưng có quyền hành tuyệt đối. Họ biết thân phận; khôn hồn muốn yên thân thì ngậm miệng hùa theo, chớ dại mà lên tiếng chỉ bày cái sai của bọn cầm quyền. Người nào chính trực không nén được mà lên tiếng thì trước mắt là bị loại ra khỏi hàng ngũ, bị cô lập, kềm chế, bị đưa đi cải tạo ở vùng sơn lam chướng khí hay xa hơn có thể bị thủ tiêu vứt xác xuống sông trong một đêm đen nào đó.
Không thiếu các nhà trí thức đi theo Hồ Chí Minh khi ông Hồ còn che đậy tông tích Cộng Sản mà núp dưới chiêu bài chống Pháp. Những người này đã kẹt lại sau khi Đảng Cộng Sản cướp chính quyền. Họ không có lối thoát mà chỉ biết cam chịu nhục nhã để sống sót qua những giai đoạn đấu tố, thanh trừng man rợ. Sự hèn hạ này đã được ngay nhiều người “cách mạng lão thành” thú nhận vào khoảng thập niên 1990 khi chế độ Cộng Sản đã có chút nới lỏng hơn và cũng là khi những vị này đã ở độ tuổi trên dưới 80, không có gì để mất, không còn gì để sợ nữa.
Nhạc sĩ Tô Hải, tác giả bài ca nổi tiếng “Nụ Cười Sơn Cước” từ bỏ Đảng Cộng Sản năm 2014 khi ông 87 tuổi sau 65 năm theo đảng. Ông viết cuốn Thằng Hèn để tự thú về nỗi hèn hạ, khiếp nhược của chính ông.
Nhà Văn Nguyễn Tuân – tác giả Vang Bóng Một Thời – theo Đảng từ trước Cách Mạng Tháng 8, trước khi qua đời cũng nói một câu để đời: “Sở dĩ tôi còn sống đến ngày hôm nay, là do biết cách chịu hèn nhục.”
Nhà văn Tô Hoài rồi cũng thức tỉnh, viết tập bút ký ngắn Ba Người Khác để nói lên tính cách man rợ trong phong trào đấu tố, cải cách ruộng đất những năm 1953-1956 ở một vùng nông thôn miền Bắc. Còn nhiều, nhiều lắm.
Sau Hiệp Định Geneve, bọn Cộng Sản chiếm miền Bắc. Những gia đình trí thức, trung lưu đã cao chạy xa bay vào miền Nam; số còn lại bị truy bức đẩy ra khỏi thành phố, đuổi lên những vùng núi non Yên Bái, Lào Cai… Đám dân quê gia đình bộ đội viên chức đảng tràn vào Hà Nội và các thành thị khác. Hà Nội thanh lịch, ngàn năm văn vật chỉ còn vang bóng một thời. Từ đây, thứ văn hoá bần nông lên ngôi. Đi đâu cũng nghe những giọng nói ngọng nghịu; những câu quê mùa thô lậu nhưng lại ưa pha những chữ văn hoa mà chính người nói chẳng hề hiểu ý nghĩa của chúng! Từ các loa gắn các góc đường phố, đầu ngõ làng quê; mỗi ngày người dân bị tra tấn bởi những câu, những bản văn tuyên truyền do những cán bộ thông tin vừa học qua lớp xóa nạn mù chữ và được chỉ đạo bởi các cấp trưởng mù chữ. Làm sao mà dân chúng miền Bắc không bị thâm nhiễm bởi các ngôn ngữ sai trái và giọng nói ngọng nghịu.
Một bạn của tôi, nhà báo NGQ ở Minnesota đã cho biết thực tế là: “Khi sống chung với đám bần nông thất học gốc gác các vùng quê đồng bằng Bắc bộ; các nhà trí thức phải học theo cách nói ngọng, nói sai của chúng để như tự xác nhận mình cũng thuộc thành phần như bọn chúng.”
Chế độ Cộng Sản từ khi nắm quyền cho đến hàng chục năm sau, chỉ coi trọng việc phát triển an ninh, quân sự để củng cố quyền lực mà không quan tâm đến việc phát triển giáo dục, văn hoá. Nếu có đi chăng thì cũng nhằm vào mục đích tuyên truyền nhồi sọ là chính. Vả lại, họ chẳng có nhân lực có đủ khả năng trình độ để làm công việc phát triển văn hoá giáo dục. Chúng ta đều biết việc học hành thi cử trong chế độ Cộng Sản ra sao rồi! Cán bộ, thầy giáo nói ngọng thì dân chúng hay học trò phải nói ngọng theo. Từ đó, cả miền Bắc cùng nói ngọng và không ai nhìn thấy sự lố bịch; và cũng chẳng ai dám gồng mình lên tiếng sửa sai!
Trở lại miền Nam. Chắc chúng ta còn nhớ vào những ngày tháng đầu tiên khi Cộng Sản mới chiếm miền Nam; những chiếc áo dài màu sắc tươi thắm của các cô, các bà biến mất, thay vào đó là những bộ bà ba đen thô thiển; những chiếc áo vét, chiếc cà vạt, đôi giày da trên người các nam tử cũng thay bằng chiếc sơ mi đơn sơ bỏ ngoài quần và những đôi dép nhựa, thậm chí những đôi dép râu. Người miền Nam tự mình thay đổi sao cho không bị nhìn thấy sự khác biệt so với các cán binh Cộng Sản từ Bắc vào hay từ núi rừng mới ra thành thị. Sự thay đổi đột ngột không chỉ ở hình thức bên ngoài mà còn trong ngôn ngữ và cung cách sống. Những người Cộng Sản vốn ganh tị, thù ghét giai cấp trí thức, khá giả. Vì thế, muốn tạm sống yên thân trong xã hội mới thì cách hay nhất là hoà vào trong cái tồi tàn, bần cùng như kẻ chiến thắng.
Những kẻ bần cùng thất học, khố rách áo ôm một khi có quyền lực trong tay thì tự cao tự mãn, tự coi mình là tài giỏi hơn, cao hơn hết thảy mọi người khác – điều mà chúng ta thường nghe những người Cộng Sản Việt Nam tự khen mình là ‘đỉnh cao trí tuệ.’ Nhưng những kẻ này lại nhanh chóng tự mâu thuẫn với chính họ khi còn mặc cảm tự ti, nên cố gắng bắt chước lối sống, cách ăn nói của giới phú nông, địa chủ mà họ từng căm thù và tiêu diệt.
Theo cách ông bà xưa từng dè bỉu “dốt hay nói chữ,” bọn thất học này tập tành sử dụng những từ ngữ, cách nói của giới có học; nhưng chính họ không hề hiểu hết ý nghĩa của những chữ đó. Ngày trước có một chuyện cười tiêu biểu về một tên bần hàn mới làm giàu đã học cách nói chữ Nho mà anh ta nghe lỏm được. Đó là câu “Giáo đa thành oán” (Dạy dỗ nhiều quá cũng có thể đem tới lòng oán giận). Anh nhà giàu mới một hôm răn đe con, đã nói “Tao biết ‘Gáo tra dài cán,’ la mắng mày nhiều thì mày oán tao!”
Có lẽ trường hợp như trên ngày nay không còn là chuyện châm biếm mà đã là sự thật mất rồi. Hết phương cứu chữa chăng?
No comments:
Post a Comment