Người đàn bà ở vườn Luxembourg
And with our love, through tears and thorns… Thanh Hà.
Tôi nghĩ trong tất cả chúng ta – từng một thuở học trò – không ai là không nhớ đến đoạn mở đầu bài văn Tôi Đi Học của tác giả Thanh Tịnh:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
Và không hiểu vì sao mỗi khi nhớ về đoạn văn của Thanh Tịnh, tôi luôn liên tưởng đến văn sĩ Pháp Anatole France. Có lẽ vì cả hai đều viết câu chuyện tương tự nhau, nhắc về kỷ niệm lúc còn là chú bé 5,6 tuổi bắt đầu vào lớp học vỡ lòng, và đều tả về cảnh mùa thu tuy buồn nhưng thơ mộng làm lay động lòng người:
Tôi sắp kể với bạn những gì gợi nhớ trong tôi: Hằng năm cảnh trời thu xao động. Có những bữa ăn chiều dưới ánh đèn và những chiếc lá vàng trên các hàng cây run rẩy. Tôi sắp nói với bạn những gì tôi trông thấy khi đi qua vườn Luxembourg trong những ngày đầu tháng mười, hơi buồn nhưng đẹp hơn bao giờ hết…
(Lược dịch Le Livre De Mon Ami, Anatole France)
Từ khi còn ở lứa tuổi mới lớn, tôi thường nghe ca sĩ Thái Thanh hát bài Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng:
Em ra đi mùa thu/ Mùa thu không trở lại/ Em ra đi mùa thu/ Sương mù giăng âm u
Nhất là mấy câu: Ngày em đi/ Nghe chơi vơi não nề/ Qua vườn Luxembourg/ Sương rơi che phố mờ/ Buồn nầy ai có mua
Hoặc trong bài thơ của Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc Mùa Thu Paris, có đoạn:
Mùa thu âm thầm/ Bên vườn Lục-Xâm/ Ngồi quen ghế đá/ Không em nghe buốt giá từ tâm
Thật không khó cho một người có tâm hồn đa cảm – là tôi – đâm ra bâng khuâng xao xuyến. Hình dung một khung cảnh mùa thu với vẻ đẹp u tịch trầm mặc, có những chiếc lá đỏ, vàng lần lượt chao lượn trong không gian như vũ điệu chào vĩnh biệt cuộc đời ngắn ngủi trước khi rơi xuống lối mòn, dưới gót chân người giẫm lên xào xạc. Và cũng không lạ khi lúc đó tôi đã thầm ao ước một lần nào chính mình đặt chân vào vườn Luxembourg (Lục Xâm Bảo) để chiêm ngưỡng và đắm chìm trong cảm giác mà bao nhiêu văn, thi sĩ trải qua.
Tôi đã đến Paris nhiều lần, nhưng lần nào cũng không đủ thời gian vì còn bận lễ Tết với họ hàng, vì còn bận đi các viện bảo tàng xem tranh tượng, các kiến trúc lâu đài nhà thờ, các di tích, đi thuyền trên dòng sông Seine, leo lên tháp Eiffel… Mỗi một nơi phải mất từ nửa đến trọn ngày nếu muốn ngắm cho đã mắt. Đi một lần chưa đủ, phải đi lại lần nữa, rồi lần nữa… Thậm chí còn chịu khó đứng sắp hàng ba, bốn tiếng đồng hồ giữa mưa thu hiu hắt, chờ mua vé xuống đường hầm dưới lòng đất Catacombes quận 14 để xem khoảng sáu triệu bộ hài cốt được sắp thành hai dãy tường toàn bằng sọ và xương người, thoạt nhìn trong cảnh tranh tối tranh sáng giống như những hàng củi khô hai bên đường hầm chạy dài 1.7 km.
Lần này có nhiều thời gian, và mọi thứ đã xem đi xem lại nhiều lần nên buổi trưa nọ tôi quyết định đến vườn Lục Xâm Bảo với cô em họ. Trong lúc vừa đi loanh quanh trong công viên mà chiều ngang chiều dài nhìn từ đầu này thông suốt tới đầu kia, tôi bỗng nghe tiếng phụ nữ chào bằng tiếng Pháp:
–Xin chào, có phải các bà là người Việt Nam?
Ngó dáo dác tìm, đó là người đàn bà ngồi trên một băng ghế. Bà độ khoảng ngoài 60, tóc nửa trắng nửa xám được cắt uốn rất khéo, mặc áo khoác đen, mang giày bốt đen. Tôi ngờ ngợ không biết bà hỏi ai nên nhìn bà mà chưa vội trả lời. Lúc ấy bà đứng lên tiến về phía chúng tôi, lập lại câu chào lần nữa. Tôi chào lại:
–Đúng rồi, chúng tôi là người Việt Nam. Bà đoán hay quá chứ đa phần hễ thấy dân châu Á là cứ nghĩ chúng tôi người Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa.
–Không, tôi biết ngay các bà là người Việt Nam vì gương mặt có khác, cùng vóc dáng cách đi. Hơn nữa tôi nghe hai bà nói tiếng Việt.
–Ô, bà hiểu được tiếng Việt sao?
Bà gật đầu:
–Tôi chỉ nhớ loáng thoáng nhưng nghe âm tiết thì biết ngay. Cách đây hơn 40 năm tôi hiểu và nói nhiều hơn. Giờ thời gian lâu quá rồi.
–A, 40 năm trước…
Tôi ngập ngừng muốn hỏi nhưng sợ cho là tò mò nên thôi. Bà đỡ lời:
–Đúng, 40 năm về trước tôi có quen một người Việt Nam. Chính anh ấy dạy tôi nói tiếng Việt mà.
–Thế à? Hay quá. Vậy chắc bà yêu quí người Việt lắm mới chịu học nói tiếng nước tôi?
–Tôi chẳng những yêu quí mà suýt trở thành cô dâu Việt nữa đó.
Tôi lại tiếp tục ô, a, thế à, vậy sao… liền miệng:
–Bà làm tôi ngạc nhiên quá, một ngạc nhiên đầy thú vị.
Bà nở nụ cười làm sáng bừng gương mặt quí phái tuy đã hằn nhiều nếp nhăn nhưng vẫn còn rất đẹp với đôi mắt u buồn xa xăm, chiếc mũi nhỏ nhắn, môi thoa son màu tím sen khéo léo:
–Vì vậy khi gặp người Việt Nam, tôi có cảm giác như thân thiết gần gũi.
Trời bắt đầu lất phất mưa phùn, đứng lâu thấy lạnh nên tôi đề nghị vào một quán cà phê sưởi ấm và uống chocolate nóng. Khi đã an vị trong quán, mọi người ấm áp và thoải mái gọi cà phê, chocolate nóng thì Madeleine, tên người phụ nữ, kể cho chúng tôi nghe chuyện tình từ hơn 40 năm trước của bà. Đây là lời của Madeleine:
“Chúng tôi quen nhau ở trường Đại học Sorbonne nơi cả hai cùng học chung một lớp về chính trị kinh doanh. Lúc đó vào khoảng năm 1970, Quốc – tên người bạn trai – từ Sài Gòn sang du học. Số phận dun rủi thế nào mà khiến chúng tôi “đụng” nhau rất buồn cười. Vâng, dùng tiếng “đụng” mới chính xác cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó.
Hôm đó là đầu giờ chiều, tôi vào trường trễ, vì giờ ăn trưa tôi có hẹn gặp người yêu. Phải, lúc đó tôi đã có bạn trai rồi, yêu nhau từ thời trung học. Jean Louis học trên tôi ba lớp, anh theo ngành văn chương. Hôm đó chúng tôi cãi nhau vì chuyện gì đó tôi quên mất, nhưng khá kịch liệt. Thế rồi xem giờ sắp trễ tôi hối hả chạy. Đang vắt giò lên cổ, tay ôm chồng sách, băng qua sân để vào lớp thì va phải ai đó một cú thật mạnh, khiến tôi ngã chổng vó, sách văng tứ tung.
Vừa chạy mệt, vừa trễ giờ, vừa đang giận người yêu, vừa đau. Nhìn lên không thấy ai, ngó dáo dác thì thấy bóng một người con trai cũng té nhào bên cạnh, đang lồm cồm dậy tay xoa xoa đầu. Tôi giận quá hét lên:
-Trời ơi, bộ không có mắt hả? Đi đứng phải nhìn cẩn thận chứ!
Người ấy quay lại, một gương mặt Á Đông đang nhăn nhó nhưng cố gắng lấy lại vẻ tự nhiên, trả lời lịch sự:
-Ồ xin lỗi cô, tôi vội quá nên không nhìn thấy. Cô có đau nhiều không? Tôi quá bất cẩn xin cô tha thứ.
Vừa nói anh ấy vừa đứng dậy, lại nắm tay tôi đỡ lên, xong gom nhặt các quyển sách của cả hai nằm lăn lóc dưới cỏ, chọn ra và đưa trả tôi. Rồi lập lại lời xin lỗi lần nữa.
Cử chỉ nhã nhặn lịch thiệp, người cao ráo, gương mặt sáng sủa, cách phát âm tiếng Pháp rất chuẩn khiến tự dưng tôi thấy xấu hổ cho việc kết tội oan anh ấy. Vì chính tôi cũng nhắm mắt nhắm mũi chạy có nhìn ai đâu. Không chừng tôi mới là kẻ đâm sầm vào anh đó chứ. Tôi lí nhí trả lời:
-Thôi không sao, tôi cũng hơi đau chút thôi. Mà anh cũng bị té, thế anh có đau nhiều không?
-Không đâu cô. Cám ơn cô đã quan tâm.
Chúng tôi nói vài câu xin lỗi nữa rồi chào để vào lớp. Lúc đó mới phát giác ra là chúng tôi học cùng nhau. Thế mà từ lúc khai trường đã hơn một tháng đâu có gặp nhau bao giờ hoặc là không chú ý.
Đó, chúng tôi quen nhau trong một dịp như thế đó, ngộ nghĩnh chưa?!”
–Chuyện của Madame quả là thú vị thật, tôi góp lời. Bà dùng chữ “đụng” rất chính xác. Chúng tôi cười vui vẻ. Madeleine uống một ngụm cà phê, rồi kể tiếp:
-Trước cú ngã đó, tôi không quan tâm mấy đến bạn đồng học, nhất là người ngoại quốc, tôi xin lỗi các bà đã nói vậy. Cho nên tôi không biết Quốc. Nhưng kể từ hôm tai nạn, tôi thường thấy anh dù không lại gần trò chuyện. Chẳng hạn như đi chung chuyến métro, ăn trưa ở cantine, vào thư viện… Thỉnh thoảng nếu lỡ ánh mắt có trao nhau thì chúng tôi gật đầu chào, nói bonjour. Tôi vẫn còn yêu và đi chơi với Jean Louis.
Nhưng hình như trong tiềm thức tôi đã thấp thoáng hình ảnh anh sinh viên châu Á cốt cách thanh lịch xen vào rồi. Vì mỗi ngày tới trường, tôi bắt đầu tò mò đưa mắt tìm kiếm xem anh ấy có dự giờ không? Nếu vắng bóng, tôi cảm thấy thiếu thiếu cái gì dù chỉ chút xíu thôi. Có lẽ định mệnh muốn tôi và Quốc phải kết hợp với nhau hay sao ấy.
Một Chủ nhật mùa xuân, tôi và Jean Louis rủ nhau vào pique-nique ở vườn Lục Xâm Bảo. Hôm ấy trời xanh trong, nắng chan hoà, hoa bắt đầu nở màu sắc rực rỡ. Tâm hồn trẻ trung của chúng tôi cũng tràn đầy nhựa sống như tương lai sáng sủa đón chào. Chúng tôi là một đôi tình nhân tương xứng, đồng điệu về mọi phương diện. Đang yêu và được yêu. Ngẫu nhiên thế nào Quốc cũng có mặt cùng với hai người bạn trai. Không thể phớt lờ, chúng tôi chào hỏi nhau. Qua câu chuyện, tôi mới biết anh là người Việt Nam, mà trước giờ tôi luôn nghĩ anh là người Trung Hoa. Đối với người Tây phương, hễ ai thuộc châu Á chúng tôi đều gọi chung là Trung Hoa hết. Buồn cười chưa.
–Điều ấy thì tôi có biết, tôi nói.
-Sau đó Quốc cùng bạn đi nơi khác, còn tôi và Jean Louis lấy khăn trải xuống cỏ để ngồi nằm tùy thích ở gần hồ phun nước. Ăn uống, đọc sách, trò chuyện, thậm chí chợp mắt ngủ. Trời hơi xế bóng, chúng tôi vẫn còn nằm lơ mơ thì bỗng nghe tiếng khóc phát ra từ hồ nước. Giật mình ngồi lên, tôi thấy đám đông nhốn nháo. Ô kìa, cái anh chàng Việt Nam đang lội ngoi ngóp dưới hồ, hai tay giơ lên không một em bé khoảng 3, 4 tuổi quần áo ướt đẫm, đang khóc ré vì sợ hãi và lạnh. Tôi nói với Jean Louis: Có em bé té xuống hồ, anh lại coi giúp mang bé lên. Jean Louis hơi nhỏm nhìn, nói: Thôi đã có anh chàng Việt đó cứu rồi, anh lại chi nữa. Xong nằm xuống nhắm mắt tiếp.
Tôi chạy lại gần, thấy Quốc sau khi đã lên được bờ vẫn tiếp tục sơ cứu để săn sóc em bé trong lúc đợi nhân viên bên y tế tới. Sau nầy Quốc kể với tôi, anh đã được học về cứu thương trong đoàn Hướng Đạo và qua ba mẹ đều là bác sĩ. Đã quen sinh hoạt tập thể lúc còn là Hướng Đạo Sinh nên anh rất thích tham gia việc xã hội. Thảo nào mà trông anh tự tin, nhanh nhẹn nhảy xuống hồ vớt em bé.
Tình cảm tôi như vết dầu loang dần về phía Quốc, xa dần khỏi Jean Louis. Từ hôm thái độ Jean Louis thản nhiên trước việc xảy ra bên hồ, tôi không còn nhìn anh bằng đôi mắt tôn trọng nữa. Làm sao mà anh ta có thể bàng quan thờ ơ trước mạng sống của đứa bé cùng gốc gác với mình, trong khi Quốc là anh chàng ngoại quốc đến từ xứ nhược tiểu – trăm lần xin lỗi các bà là lúc ấy tôi cũng có ý nghĩ quá tự tôn về nguồn gốc như vậy – đã không ngại hồ sâu nước lạnh phóng xuống ngay khi phát giác em bé bị té. Lần trước Quốc đã khiến tôi xấu hổ cho cách xử sự hồ đồ, giờ đây tôi lại xấu hổ cho cái quan niệm phân biệt chủng tộc tầm thường của mình. Vì vậy mà thật dễ hiểu là một thời gian ngắn sau đó, tôi nói lời chia tay với Jean Louis. Và bắt đầu cho chuyện tình giữa tôi với Quốc…
Madeleine dường như đắm chìm trong ký ức, đôi mắt buồn xa xăm. Tôi kiên nhẫn chờ vì biết thế nào bà cũng kể tiếp.
-Càng tiếp xúc gần Quốc, tôi càng khám phá nhiều khía cạnh tốt đẹp trong nhân cách của anh. Tôi càng yêu anh nhiều hơn. Chúng tôi thường đưa nhau vào vườn Lục Xâm Bảo để học bài, để pique-nique thư giãn cuối tuần. Mọi ngõ ngách Paris đều in dấu chân chúng tôi. Thời gian ấy sao mà tuyệt vời thế. Tôi còn nhớ chúng tôi thường dạo chơi trong công viên Lục Xâm Bảo, và anh thường hát tôi nghe bài hát rất thịnh hành thời gian đó: A Time For Us, được viết cho phim tình Romeo & Juliet, nghe rất êm đềm tha thiết.
A time for us, some day there’ll be
When chains are torn by courage born of a love that’s free
A time when dreams so long denied can flourish
As we unveil the love we now must hide….
Một hôm, tôi quyết định đưa anh về giới thiệu với ba mẹ. Lúc đầu họ cũng có thành kiến, chỉ muốn tôi quen với người Pháp chính gốc. Nhưng sau vài lần gặp Quốc, cung cách cư xử, nói chuyện của anh đã chinh phục được họ. Chúng tôi chờ học xong là cưới. Anh viết thư cho ba mẹ ở Việt Nam. Họ nói tùy anh quyết định. Hạnh phúc của anh là quan trọng hơn tất thảy. Cuối năm 1974 chúng tôi ra trường, tôi thuyết phục anh ở lại Pháp còn anh thì lưỡng lự nửa định quay về Việt Nam nửa muốn ở lại, vì biết tôi chỉ thích nghi với cuộc sống nơi nầy. Đang dùng dằng thì đầu năm 1975, ba mẹ anh nhắn tin kêu anh đừng về vì tình hình chiến sự ở Việt Nam gia tăng ác liệt, nhưng anh cãi lời:
-Mấy năm nay anh chưa về thăm nhà, dù gì anh cũng muốn về gặp gia đình xem sao. Nếu thật sự tình thế gay go thì anh cố yêu cầu ba mẹ thu xếp sang bên nầy luôn.
Thế rồi anh ra đi, hứa sẽ quay lại nhanh nhất có thể. Về Việt Nam, anh viết cho tôi vài lá thư, nói tin tức báo chí đã đưa đúng sự thật. Gia đình anh đang vận động mọi chỗ quen biết ở các tòa đại sứ Pháp, Mỹ… để họ chấp thuận cấp visa cho cả gia đình anh. Riêng anh muốn đi lúc nào cũng được, nhưng anh không thể bỏ đi như vậy, xin tôi ráng kiên nhẫn.
Cuối Tháng Tư, các bà biết rõ rồi đó, mọi chuyện xảy ra nhanh hơn dự kiến, gia đình anh chưa kịp thu xếp gì hết. Anh cũng kẹt lại luôn. Chúng tôi không thể liên lạc với nhau được nữa. Tôi muốn điên lên, chạy hết cơ quan nầy đến cơ quan chính phủ nọ, kể cả Tòa Đại sứ VNCH… để dò la tin tức. Kết quả là số không. Bà không thể hình dung tôi khổ sở đến thế nào. Tôi dám bay qua Thái Lan để thử xem có cách nào xin visa vào Việt Nam, vô ích.
Nói đến đây mắt Madeleine rươm rướm lệ:
-Năm 1980 tôi nhận được thư của anh, phong bì nhàu nát lấm lem, dấu bưu điện gởi đi từ một trại tỵ nạn ở đảo gì bên Phi Luật Tân, tên ngoài bì không phải là anh. Trong đó anh viết là anh và gia đình vẫn còn kẹt ở Việt Nam, nhưng anh sẽ tìm cách ra đi. Thư này là anh nhờ người bạn đi trước mang giùm để gởi cho tôi hay. Tôi mừng quá viết thư cho người bạn đó để hỏi thêm chi tiết thì được biết là gia đình anh từ sau 1975 gặp nhiều sóng gió. Nhà bị mất, ba anh đi tù, mẹ anh được lưu dụng ở bịnh viện một thời gian rồi cũng bị sa thải… Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tinh thần anh rất kiên cường, vẫn nghĩ và yêu tôi nhiều lắm. Tôi hãy yên tâm chờ đợi ngày đoàn tụ.
Tôi chờ… tôi chờ… nhưng ngày ấy không bao giờ đến. Tôi lúc nầy đã có việc làm ổn định nhưng vẫn độc thân chờ Quốc. Năm năm sau nữa, có một người Việt Nam đến nhà ba mẹ tôi (vì lúc đó Quốc liên lạc với tôi qua địa chỉ nầy) để tìm tôi. Tôi hay tin nên gọi lại và hẹn gặp, mới hay là Quốc vượt biên năm 1981. Trong chuyến vượt biển, khi chứng kiến cảnh cướp Thái Lan bắt đàn bà trên tàu hiếp dâm, Quốc không ngồi yên nhìn, chống cự lại nên bị chúng giết quăng thây xuống biển. Những người sống sót tìm báo cho gia đình anh, mới hay rằng ba anh đã chết, mẹ anh mỏi mòn ốm yếu. Mẹ anh đưa địa chỉ của tôi cho các bạn Quốc, yêu cầu nếu ngày nào họ may mắn đi thoát thì nhờ báo tin cho tôi hay về Quốc.
Lúc nầy thì tôi cũng khóc theo Madeleine. Bà tiếp:
-Nghe kể việc Quốc chống cự lại với bọn cướp, tôi không ngạc nhiên chút nào. Tinh thần nhân nghĩa đã thấm nhuần trong máu anh rồi, anh không thể sống khác được. Tôi đau khổ nhưng vô cùng hãnh diện có một người yêu như Quốc. Nhiều năm sau tôi mới lập gia đình. Rất hạnh phúc. Anh là người Pháp làm trong ngành khoa học. Nhưng chắc định mệnh bắt tôi sống cô độc. Tháng Chín 2001, chồng tôi đi dự hội nghị bên Mỹ, có mặt trên chuyến bay tử thần khi quân khủng bố tấn công tòa tháp đôi New York. Tôi giờ để tang cho hai người chồng mà một chưa kịp cưới. Cả hai đều ra đi không để lại chút vết tích gì về thể xác nhưng linh hồn họ mãi mãi bên cạnh tôi đến hết cuộc đời này.
Thác là thể phách, còn là tinh anh (Nguyễn Du)
Tôi bóp nhẹ bàn tay Madeleine đang run rẩy.
-Hôm nay là đúng 41 năm ngày tôi tiễn Quốc ra phi trường. Tôi đến vườn Lục Xâm Bảo ngồi để nhớ về kỷ niệm xưa, ngẫu nhiên xui tôi gặp các bà là đồng hương với người tôi yêu và trút tâm sự, tôi thấy tâm hồn nhẹ nhàng nhiều lắm. Cám ơn hai bà đã nghe chuyện buồn của tôi.
Tôi không thể nào mở miệng nói được câu gì vì còn đang khóc, chỉ choàng tay qua ôm vai Madeleine và nhìn sâu vào đôi mắt buồn thăm thẳm của bà để chia sẻ nỗi lòng. Tự dưng phía sau quầy cà phê, có ai mở nhạc khe khẽ. Lại đúng giọng của Andy Williams cất lên bài A Time for Us:
And with our love, through tears and thorns
We will endure as we pass surely through every storm
A time for us, some day there’ll be a new world
A world of shining hope for you and me…
Thụy Sĩ, Oct | 2022
No comments:
Post a Comment