Sức mạnh của việc xin lỗi
Tôi xin lỗi!
Đây là một trong những câu nói có tác động mạnh mẽ nhất trong ngôn ngữ giao tiếp. Nhưng dường như nó lại không dễ dàng được nói ra. Khi nói ‘Tôi xin lỗi’ có nghĩa là bạn ân hận về việc mình đã làm hay đã nói. Đó là một cách thú nhận mình đã sai. Hôm nay chúng ta bàn về sức mạnh của việc xin lỗi.
Trên những con đường Nalanda ở Ấn Độ, có một người đàn ông ăn mặc bẩn thỉu đang ngồi đó. Quần áo ông ta được may từ những cái túi cũ. Đôi giày xấu xí đeo quanh cổ. Tên ông là Shyam Narayan Sharma. Ông có một quá khứ đen tối. Cách đây nhiều năm, ông thú nhận mình từng giết mười sáu người.
Khi còn trẻ ông làm nghề giết mướn, chuyên đi thanh toán người khác để được trả tiền. Mười lăm tuổi ông đã giết người lần đầu tiên. Đó không chỉ là tội phạm duy nhất. Vào năm 1986, ông bắt cóc một đứa bé. Đòi ba mẹ nó tiền chuộc, rồi ông sẽ trả đứa bé lại. Nhưng sau ba tuần giữ đứa bé, Sharma đã thả nó ra. Ông nói thấy tội nó. Câu chuyện đã trở thành nổi tiếng, cảnh sát đã không bắt giữ ông.
Sharma cũng đã từng có một nhà máy. Như nhiều người ở Nalanda, ông chế tạo súng ống. Nghề làm súng bất hợp pháp này đã đem lại cho ông nhiều tiền.
Sau nhiều năm sống trong tội lỗi, Sharma đã ra đầu thú với cảnh sát. Ông bị ở tù vài năm, nhưng sau khi được thả ra, ông lại trở về con đường tội lỗi. Ông lại tìm đến cảnh sát một lần nữa vào năm 1995, và lần cuối là vào năm 2000.
Suốt thời gian trong tù, Sharma đọc rất nhiều sách. Những cuốn sách này đã thay đổi cuộc đời của ông. Một trong chúng là sách đạo đức như quyển Kinh Thánh. Sharma nói rằng những cuốn sách đó đã thay đổi cách nhìn cuộc đời của ông. Ông bắt đầu chỉ cho những người tù khác cách đọc sách. Ông đổi tên là Dayasagar. Có nghĩa là ‘Đại dương buồn khổ và tận tâm’.
Sau bốn năm trong tù và được phóng thích. Dayasagar không chịu ra tù, chỉ khi nào cảnh sát cho phép ông tiếp tục dạy tù nhân cách đọc sách. Lực lượng bảo vệ phải dùng bạo lực để trục xuất ông ra khỏi tù.
Sau đó, Dayasagar bán nhà, dùng tiền đó để bắt đầu mở lớp học cho trẻ em nghèo. Ông đặt tên trường là ‘Nai Subah’ nghĩa là ‘Bình minh mới’. Dayasagar dạy 60 trẻ em trong làng, chúng được học miễn phí.
Ở đầu bài viết, chúng tôi đã tả cách ăn mặc khác người của ông – quần áo may từ những cái túi cũ và đeo đôi giày quanh cổ. Đây là cách ăn mặc chứng tỏ ông ý thức tội lỗi của mình và cầu xin sự tha thứ. Mở trường và mặc quần áo dị thường là cách để Dayasagar tỏ lòng thống hối.
Dayasagar ăn năn về tất cả những điều không tốt mình đã làm. Nhưng một người có thể xin lỗi về những điều người khác làm không? Vào năm 2000, ĐTC Gioan Phaolô II đã thực hành điều này.
Giáo Hội Công Giáo đã hiện diện hơn một ngàn năm. Trong thời gian này, Giáo Hội đã làm được những điều lớn lao. Nhưng trong lời xin lỗi của mình, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội cũng đã làm thương tổn nhiều người. Cách cư xử của Giáo Hội cũng đã gây ra chia rẽ và đau khổ. Đôi khi, đã đưa đến cái chết vì những điều trên.
Vì thế, ĐGH đã xin lỗi. Ngài nói lời xin lỗi tới một vài nhóm, đặc biệt như Do Thái, Gipsy, phụ nữ và người bản địa. Ngài cũng xin lỗi vì nhưng đau khổ mà Giáo Hội đã gây ra cho những người không Công Giáo. Ngài xin lỗi vì những biến cố trong lịch sử đã qua.
ĐGH xin lỗi ngay cả với Galilê. Galilê là một nhà khoa học của thế kỷ 17. Ông là một trong những người đầu tiên nói rằng quả đất xoay quanh mặt trời. Tại thời đểm đó, những người đứng đầu Giáo Hội không tin điều này. Vì thế, Galilê bị đưa ra tòa và tống vào tù. Ngày nay, các khoa học gia và Giáo Hội đã đồng ý trái đất xoay quanh mặt trời. ĐTC Gioan Phaolô muốn cho thế giới biết rằng, Giáo Hội lưu tâm đến sự thật. Ngài muốn chứng tỏ rằng, bất kỳ con người hay cộng đồng nào cũng có thể bị sai lỗi.
Nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội nghĩ rằng chưa chắc việc ĐGH làm là đúng. Họ cho rằng Giáo Hội không nên thừa nhận những cái sai. Họ e rằng người ta sẽ mất niềm tin vào Giáo Hội – và Giáo Hội sẽ mất đi quyền lực của mình. Nhưng Đức Thánh Cha không đồng ý với ý kiến đó. Ngài nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta nhận lỗi.
Nhiều Bác sĩ tán thành thành ý nghĩ xin lỗi là quan trọng. Xin lỗi là phương cách tốt dành cho cả người cho và người nhận. Khi một người đón nhận lời xin lỗi, họ bắt đầu cảm thấy vết thương được điều trị. Xin lỗi giúp người ta bỏ qua những giận dữ trong quá khứ. Khi một người làm điều sai trái, họ mặc cảm về nó. Cảm giác này gây tổn hại trong cõi lòng họ. Việc xin lỗi giúp chữa lành xúc cảm này. Lời xin lỗi cho thấy anh tôn trọng người mà anh đã lỡ xúc phạm. Xin lỗi cũng giúp người ta tránh làm điều xấu đó lại một lần nữa.
Bạn đã lỡ làm điều gì mà thấy ân hận chưa? Bạn đã lỡ đối xử tệ với một người nào đó không? Bạn có cần nói lời xin lỗi với người nào không? Đây là năm điều cần làm sẽ giúp bạn thành công trong việc xin lỗi.
Một: nói lên lời xin lỗi thật lòng. Để ý cách nói của mình. Người ta có thể nhận thấy bạn thực sự nhận lỗi hay chỉ là nói cho xong.
Hai: đừng giải thích. Một lời xin lỗi không có nghĩa là bạn phải giải thích vì sao bạn đã làm như vậy. Khi giải thích tức là bạn không nhận lỗi, bạn lại đổ lỗi cho việc khác, người khác rồi.
Ba: hãy quyết tâm thay đổi. Một lời xin lỗi chân thành cho thấy bạn đã rút ra được một bài học từ việc làm đó. Hãy cho thấy bạn đã học được điều gì.
Bốn: hãy chứng tỏ bạn thật sự biết lỗi. Chỉ nói “Tôi xin lỗi” thôi thì chưa đủ. Nói về việc mình đã làm và cảm nhận việc đó không đúng. Thật quan trọng đối với người kia khi biết bạn thật sự nhận ra sai lỗi của mình.
Năm: chuẩn bị trường hợp không như ý. Thường thì lời xin lỗi được đón nhận. Tương quan được chữa lành. Nhưng đôi khi xin lỗi không giải quyết được mọi việc. Phải cần thời gian để sự hối lỗi được chấp nhận. Người kia có thể nổi giận với bạn. Bạn sẽ không biết hết mọi kết quả, nhưng thường thì lòng ăn năn được chấp nhận để tha thứ.
Bạn có biết ai là người bạn cần xin lỗi hôm nay không?
10/01/2016
Kinh Ngọc (dịch)
Kinh Ngọc (dịch)
(The power of apology / spotlight english)
No comments:
Post a Comment