Tuesday, January 12, 2016

Đà Nẵng- Nơi Mãnh Long Chưa Kịp Quá Giang

Trần Du Sinh

Dạo này thành phố Đà Nẵng phủ mặt báo khá nhiều, từ báo lề phải, lề trái hay thậm chí không lề. Nào là thành phố sạch đẹp văn minh, nào là thành phố đáng sống của người Việt lẫn người Trung Quốc. Cũng nhờ vậy mà tôi lại có dịp tìm về lại những giấc mơ của một thời học trò.

Một góc quán cà phê tối trên đường Hoàng Diệu, gần quán bánh tráng đập nổi tiếng, là nơi một người bạn chuyên Văn của tôi nói tôi sẽ không có cơ hội được vào đảng vì lý lịch gia đình. Tôi có thân nhân ở Mỹ từng là thuyền nhân. Lúc đó tôi biết con đường công chức trong tương lai coi như tối mịt mùng.

Một quán cà phê nhạc trẻ trên đường Lê Lợi rợp hoa phượng đỏ, nơi nhạc rock của Mỹ vẫn chiếm ngự tâm hồn tuổi trẻ chúng tôi thời đó, dù vẫn nghe nhạc đỏ ra rả mỗi ngày trên Tivi hay từ cái loa phường.

Một quán cà phê hộp, một trào lưu cà phê máy lạnh sang trọng, trên đường Trần Phú, nơi có bộ tứ chúng tôi và một cô hoa khôi thường ngồi tán dóc. Cô hoa khôi này luôn làm tâm điểm của những lần ngồi đồng cà phê, vì cô làm cho hơn một anh chàng trong nhóm dệt mộng từng đêm.

Đà Nẵng của tôi là bãi biển T-20 vắng vẻ. Tôi cũng chẳng biết T-20 là mật mã gì, chỉ biết đó là một bãi biển gần khu nhà binh. Đây cũng là nơi mà Thành Đoàn tổ chức lửa trại hàng năm cho các bí thư chi đoàn mỗi lớp vào dịp kỷ niệm ngành thành lập 26-3.

Tôi vẫn còn nhớ như in một đêm trốn trại đi uống cà phê, một cô bạn khá tròn trịa trong nhóm không thể trèo qua nổi cái cổng nhà binh nên cả nhóm xúm lại nghĩ cách. Cuối cùng thì mấy đấng nam nhi xắn tay áo đào sâu xuống một chút để cô nàng chui qua. Nhưng vì mắc cỡ nên cô nàng nhất quyết không chịu chui trước mặt mọi người. Rốt cuộc, cả nhóm phải nấp đi chỗ khác thì cô nàng mới chịu lăn qua cổng, và cấm mọi người nhắc lại sự kiện này. Có lần tôi nhắc lại cho vui mà cô nàng giận tôi cả tháng.

Mà không hiểu tại sao tôi lại được giáo viên chủ nhiệm chọn làm Bí thư chi đoàn nguyên cả ba năm trung học, dù gia đình tôi thuộc hàng tiểu thương và chẳng có ai làm trong chính quyền. Có lẽ do tôi ít phá nhất trong nhóm, hay vì cái gương mặt tôi cũng đủ nghiêm nghị như mấy người cán bộ. Cũng nhờ vậy mà tôi không bỏ sót kỳ lửa trại nào của Thành Đoàn, và thấy được nhiệt huyết của tuổi trẻ thời đó được dùng vào những việc gì.

Tôi còn nhớ năm đầu tiên ra Đà Nẵng trọ học, tôi ở ngay trước mặt Kho Đạn. Dù nói là Kho Đạn, nhưng đó là một cái nhà tù. Cứ mỗi sáng thức dậy là tôi nghe tiếng tù nhân tập thể dục hay học tập cái gì đó mà rất đồng thanh đồng điệu. Nơi trọ học này cũng là nơi mà một đứa bạn cứ mỗi tuần là có hai ba ngày tới rủ tôi đi học thêm Pháp Văn. Hắn có chiếc xe đạp khung bằng dura của Pháp rất cáu cạnh, rất êm và nhẹ nên hai đứa thường đi chung, và thường thì hắn chở, dù hắn không to con hơn tôi. Có lẽ vì hắn dẻo dai hơn. Không phải vì tôi không có xe đạp để đi, mà vì đi chung xe vui hơn, dễ tán dóc hơn. Và đến giờ chừ tôi cũng không hiểu tại sao hắn lại chịu khó đạp ngược lên Kho Đạn đón tôi rồi đạp xuống chợ Nại Hiên để tới nhà thầy Pháp Văn. Có lẽ vì một tuổi trẻ không toan tính.

Năm cuối cấp, tôi lại chuyển nhà trọ về khu chợ Nại Hiên thì thằng bạn này lại tới chở tôi đi học thêm Anh Văn ở Đống Đa. Lần nào bọn tôi cũng đi hết chiều dài của trung tâm Đà Nẵng, nhưng lần này nhờ lớn hơn một chút mà hắn được cha mẹ cho đi xe Honda. Đó là một chiếc Honda cup đời 81 thì phải. Năm đó là năm 1994, chiếc xe này không phải là thời thượng vì nhà tôi đã có chiếc Honda Dream, nhưng lại ở ngọai tỉnh. Thời đó, con nhà buôn bán thường khá hơn con nhà cán bộ, và cũng ít ai nghe tới mấy khái niệm giải tỏa, dự án hay cơn sốt bất động sản. Tôi nhớ trong thời gian này tôi không hiểu từ 'địa ốc' khi nó xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ, và tôi nghĩ có lẽ đây là một từ Hán Việt cổ vì thấy ít ai nhắc tới.

Kỳ lạ, mỗi khi nhớ tới Đà Nẵng là tôi nhớ tới hai đợt đi quá giang này, và cả hai lần đều là đi học thêm ngoại ngữ, và đều do một đứa bạn là hắn chở đi. Cách đây vài năm, tôi trở về thăm thành phố này, trường tôi nay đã bị dời qua bên kia Sông Hàn, nơi xưa kia là Quận 3 nghèo nàn hơn so với bên này sông. Giờ đây đó là khu của những nhà giàu, nào là sòng bài, khu nghỉ mát và khu biệt thự. Đón taxi qua đó chơi không khỏi làm tôi choáng ngợp bởi con đường có 3-4 làn xe rộng thênh thang. Phía xa xa là chiếc cầu Thuận Phước dài thăm thẳm. Thời của tụi tôi là thời của chiếc phà sông Hàn đối diện toà nhà Tỉnh Ủy và một chiếc cầu duy nhất bắc qua sông cũ kỹ có tên là Nguyễn Văn Trỗi hay Nguyễn Thị Lý. Hồi mới ra đây, tôi có thắc mắc tại sao dân địa phương lại có hai tên gọi khác nhau cho một chiếc cầu, dù đó là tên của hai người đồng chí. Sự thay da đổi thịt của Đà Nẵng thường gắn liền với tên tuổi một chính trị gia có tiếng tăm nhưng sớm yểu mạng- ông Nguyễn Bá Thanh.

Ông Bá Thanh chết đi để lại nhiều huyền thoại phố phường, mà cái huyền bí của nó đậm màu tâm linh nhân gian, không chỉ của tâm linh Việt, mà còn là tâm linh Chàm. Có lẽ ai cũng biết, ngoài những công trình dân sinh và công cộng gắn với công lao của ông còn có vết đen là địa danh Cồn Dầu.

Theo sách địa chí của Đà Nẫng, Cồn Dầu là một trong ba điểm phong thủy linh thiêng của thành Rudrapura cổ của người Chàm, nay là khu vực Cẩm Lệ. Thành Rudrapura có ba điểm linh thiêng: Núi thiêng Phước Tường, Sông thiêng Cẩm Lệ và Rốn thiêng Cồn Dầu. Không biết ông Thanh vô tình nghe ai sử bậy hay cố ý mà đã cho san bằng Cồn Dầu với lý do giải tỏa cho xây dựng.

Tương truyền rằng, ngày Cồn Dầu bị san bằng là lúc núi thiêng Phước Tường sạt lở ba tuần liền. Nghi là có chuyện chẳng lành, ông Thanh đi coi thầy Năm Kiều ở Thanh Chiêm mới biết được rằng mình đã phá đi phong thủy của người Chàm cổ. Ông xin thầy Năm Kiều hướng dẫn cách giải cái hạn này thì được khuyên là nên xây cầu Rồng trên đất long mạch của người Chàm, chân cầu nên đặt gần chùa An Long. Chùa này vốn là nơi Chúa Nguyễn an vị long mạch nên mới có tên là An Long. Thầy cũng nói rằng đầu Rồng phải hướng về núi thiêng Phước Tường để chầu phục. Thế nhưng, trong quá trình thi công, ông Thanh lại đồng ý để các kỹ sư thay đổi chi tiết, hướng cái đầu Rồng ra biển. Ông Thanh quên rằng đó là hướng của Hoàng Sa.

Cũng nghe tin đồn rằng tụi Tàu biết được những bí mật này của ông Thanh, sẵn sứ Tàu vẫn còn căm chuyện ông Thanh có lần chơi xỏ hắn vì dẫn ra thăm con đường có tên Hoàng Sa khi chúng tới khảo sát đầu tư ở Đà Nẵng. Tụi Tàu mới bèn cho thầy Pháp Sư ra Hoàng Sa trấn yểm long mạch từ một cái chùa cổ trên đảo. Theo truyền khẩu của các ngư dân Đà Nẵng, đúng là ở ngoài Hoàng Sa có một ngôi chùa cổ thờ các oan hồn.

Có giả thiết cho rằng thầy địa lý Tàu mượn chiếc cầu Rồng của ông Bá Thanh để đưa các oan hồn vào ám ông. Nếu ai tin vào tâm linh thì sẽ thấy là ông Thanh từ một người khỏe mạnh bỗng chết rất nhanh bởi một căn bệnh không ai biết, ngay cả y khoa Hoa Kỳ cũng bó tay. Nói theo dân gian thì ông bị ma quỷ ám đến chết. Ông Bá Thanh đúng là một huyền thoại phố phường thời hiện đại.

Câu chuyện dân gian về nhân vật Nguyễn Bá Thanh đã làm chuyến hồi hương của tôi thêm phần ly kỳ. Và trong dịp này, tôi gặp lại hắn. Bấy giờ hắn đã là một người đàn ông chững chạc và có sự nghiệp đang lên. Hắn biết tôi về từ thủ phủ tị nạn bên Mỹ, vì hắn đã tới đó trước tôi khá lâu khi còn đi du học. Hắn biết khá nhiều về nơi tôi sống nhưng chúng tôi chẳng nói gì ngoài hỏi thăm bạn bè cũ, chuyện vợ con và chuyện những bóng hồng ngày xưa. Trước khi gặp hắn tôi có chút đắn đo về hai màu vàng đỏ, nhưng khi nói chuyện, chúng tôi chỉ nói về màu xanh. Đó là màu xanh hi vọng của thế hệ sanh sau cuộc chiến.

Tôi quen hắn khi hắn là đứa con trai của một người có quyền lực hàng đầu Đà Nẵng. Hai mươi năm sau, hắn lại là người có quyền lực hàng đầu thành phố này. Nhưng đối với tôi, quyền lực của hắn là ở tấm lòng của hắn với bạn bè, với một người bạn nhà quê trọ học như tôi. Không ai có quyền chọn đấng sinh thành của mình, hay có đặc ân chọn nơi mình sanh ra, nhưng họ vẫn có quyền chọn bạn cho mình. Và đã bạn bè thì không có lằn ranh chính trị hay bất cứ ý thức hệ nào chia cách. Hơn nữa, hắn đã cho tôi quá giang hai lần.

Và rồi khi đi ngang qua Cổ Viện Chàm, câu chuyện long mạch bị đứt của ông Bá Thanh lại hiện về trong tâm tưởng. Cái bảo tàng viện vẫn còn buồn thiu nhìn ra sông Hàn, hay xa hơn là đang nhìn cái chùa cổ trên đảo Hoàng Sa. Không biết lần này oan hồn ông Bá Thanh có bị đem ra nhốt ngoài đó hay không. Tôi cũng tự hỏi, cái long mạch Chàm này có liên quan gì tới con số du khách Tàu tới đây vào ngày càng nhiều nhưng ở lỳ không về. Và rồi câu chuyện ông thầy địa lý Tàu trong tương truyền về Đinh Bộ Lĩnh lại rộ lên.

Đà Nẵng, nơi có một con mãnh long chưa kịp quá giang.

No comments:

Blog Archive