Thursday, January 14, 2016

BẠN THÂN CỦA GÃ ĂN MÀY: BÀI HỌC ĐẮNG LÒNG KHI HOẠN NẠN



Trên cây cầu thị trấn nọ có một người hành khất. Ông ta không biết đàn, hát, thậm chí chẳng viết ra nổi hoàn cảnh của mình lên giấy để được người qua đường thêm quan tâm.

Mỗi ngày, ngồi xỗm dựa vào thành cầu, ông co ro rúc mặt giữa hai đầu gối, bên cạnh đôi chân gày gò để một cái bát mẻ cũ kỹ. May mà người qua lại chiếc cầu rất đông, thi thoảng cũng có người đem vài đồng bạc lẻ ném vào bát.

Đêm đến, người hành khất sẽ trở về nơi trú ngụ: một góc vườn rau bị bỏ hoang ở ngoại ô. Băng qua hàng rào xêu vẹo, bên trong dựng một mái che rách nát, qua đêm và tránh rét ở đây cũng đã được mấy năm.

Trong vườn rau còn có cái giếng khô, cạnh giếng có gốc cây già. Gió mùa đông ùa về, thành phố đón trận rét đầu tiên. Người qua lại trên cầu thưa thớt hẳn đi, lão hành khất đang định về nghĩ sớm, bỗng đâu chạy tới một con chó nhỏ.

Con chó bị lạnh run lên từng chập, nó đưa mõm hít hít cái bát sứt của người ăn mày, thì ra đêm hôm trước ông đã dùng cái bát này để thức ăn. Lão hành khất trong lòng thương xót, liền lấy trong người ra một chiếc bánh bao, khẽ bỏ vào trong bát.

Chú chó ngước lên nhìn ông hồi lâu, như thể cảm động lắm, rồi gục mặt vào bát ăn lấy ăn để. Người ăn mày mang con chó về “nhà” mình, từ đó người chó quấn quít không rời. Con chó rất thông minh, hễ đói là biết ngoạm cái bát chạy nhắng quanh chủ đòi ăn. Những người đi qua nhìn thấy thế rất ngạc nhiên thích thú, liền thi nhau ném tiền vào trong bát.

Người ăn mày phát hiện ra cơ hội, liền huấn luyện chó. Qua một thời gian, nó đã biết đứng bằng hai chân sau, chạy tới lui ngoạm bát làm trò để xin ăn trước mặt người qua đường. Người ăn mày càng thu được nhiều tiền thêm.

Người ăn mày bỗng ”phát tài”, có chút tiền nên thử vận may mua vé số. Thật là nằm mơ cũng không tưởng được vận số ông lại tốt đến vậy, ông trúng đặc biệt. Ông nhanh chóng mua lại khu đất, xây hẳn nên nhà lớn, nhưng vẫn giữ lại góc lều nát, cái giếng khô bên gốc cây già và nếp rào lưa thưa ngày nào ở phía sau vườn.

Người ăn mày ngày càng chú tâm sắm sửa nhà cửa toàn đồ đắt tiền, rồi bỗng chốc mê mẩn thú sưu tầm đồ cổ, rồi rộng rãi chu cấp cho nhiều cô gái trẻ, thích ánh mắt kinh ngạc, ngưỡng mộ của mọi người mỗi khi rút ra xấp tiền lớn từ trong túi.

“Quý ngài ăn mày” bắt đầu kết giao lên giới thượng lưu, dĩ nhiên đi đâu ông cũng dắt người bạn chó theo. Các bà nhà giàu ra sức ủng hộ nhiệt liệt quí ông ăn chơi mạnh tay này, và dĩ nhiên chẳng ai biết xuất thân ông ra sao. Điều duy nhất làm cho “quý ông ăn mày” cảm thấy khó xử chính là chú chó. Giới thượng lưu có thú cưng đều chọn giống quý, đắt tiền.

Vào một hôm, chú chó bổng mất kiểm soát, cắn rách tai một con chó cái giống quí, ngay trong bữa tiệc. Chủ nhân bữa tiệc nổi trận lôi đình, làm cho ngài ăn mày cảm thấy bị mất mặt nghiêm trọng.

Về tới nhà, ông lạnh lùng mang con chó ra vườn sau, cạnh cái giếng cũ. Đặt nó vào trong một cái thùng gỗ, móc dây dài thả xuống cái giếng khô. Người ăn mày quyết tâm giết chết con chó, như muốn rủ bỏ hoàn toàn cái quá khứ khốn khổ vẫn ám ảnh lâu nay.

Từ đó, bên cạnh người hành khất thiếu đi con chó trung thành, ông có thể thoải mái một mình đi gặp các cô em dễ thương ở quán rượu, hoặc rảnh tay đi dự những bữa tiệc thượng lưu xa hoa.

May mà dù thế nào ông cũng không quên mỗi ngày thả xuống giếng vài miếng thịt, vì tiếng sủa của nó mỗi ngày cho biết rằng người bạn ngày khốn khó xưa kia vẫn còn sống.

Chớp mắt hơn một tháng trôi qua, ngược với cảm giác vui vẻ – người hành khất bắt đầu thấy trống trải, chó đi rồi, bạn bè giàu có của ông cũng không nhiều thêm hơn, vả lại có một hôm, trong lúc say bí tỉ, ông đã nhỡ miệng để lộ cái thân phận thấp hèn của mình ngày xưa. Lũ người kia từ kinh ngạc rồi bắt đầu quay ra xầm xì dè biểu, lạnh nhạt với ông ta kể từ đó.

Người ăn mày cuối cùng hiểu ra rằng, trên đời này chú chó đã từng trải qua hoạn nạn với mình mới là người bạn chân chính nhất. Thế mà ông nỡ vứt nó xuống giếng khô.

Bừng tỉnh, ông chạy mau về nhà, ra sau vườn chỗ cái giếng, thả cái cũi gỗ xuống. Nhưng có gì đó làm con chó chỉ dám vòng quanh cái thùng gỗ mà không nhảy vào trong.

Người ăn mày chạy đi tìm một cái dây, một đầu buột chắc nơi gốc cây, tự mình trèo xuống đáy giếng cứu chó con. Giếng rất sâu, nhưng ông không sợ hãi, dưới đáy tối om om, bốc lên thứ mùi thum thủm, ông vội cắp con chó trong lòng rồi trèo lên.

Chó con chẳng hề oán trách, nó vui mừng liếm mặt người lâu ngày gặp lại. Vì mãi ngoái cổ ngước trông lên miệng giếng lâu ngày, nên cổ nó bị soái và thành tật mất rồi, bác sỹ giỏi nhất trong vùng cũng không thể làm gì được.

Người hành khất vì muốn bù đắp lỗi lầm của mình, mỗi ngày đều cho nó đồ ăn ngon, đi đâu cũng dắt nó theo. Con chó vui lắm, nó quắc đuôi, nhưng đầu chỉ có thể quay nhìn đằng sau, đôi mắt lúc nào cũng ngước nhìn trời cao.

Người ăn mày dẫn chó nhỏ đi khắp ngõ ngách trong thành phố, ông cầm tiền đưa tận tay những người hành khất khác. Thấy những người ấy cảm kích cầm tiền của mình, ông cảm thấy thật là mãn nguyện. Rồi ông bắt đầu có dự định mới, ông báo cho những người ăn mày trong cả thành tới nhà ông lĩnh tiền.

Tin tức truyền đi rất nhanh, đội ngũ ăn mày tới lĩnh tiền càng lúc càng đông. Những người được tiền rồi dùng mọi lời lẽ hoa mỹ nhất trên đời để tán tụng, khiến ông hưng phấn khôn tả. Đài truyền hình tới, bản tin buổi tối cũng có phóng sự nói về gương làm việc từ thiện của ông.

Hôm sau, người ở đâu như nước thủy triều đổ tới, có những người chẳng phải ăn mày cũng gia nhập đội quân lĩnh tiền. Người hành khất chìm đắm trong cảm giác vinh dự vui sướng, ngày nào cũng bận rộn chạy đi chạy về giữa ngân hàng và nhà mình để làm từ thiện.

Cho đến một hôm, ngân hàng báo số tiền trong tài khoản của ông đã cạn, ông đành miễn cưỡng thông báo với hàng dài đám đông đang háo hức rằng: Hết tiền để phát mất rồi!

Đám người xếp hàng từ cụt hứng bỗng trở nên hỗn loạn. Chúng bắt đầu chửi rủa: “Đồ ti tiện!”, “Sao đến lượt tao lại không phát nữa!”, “Dạy cho nó một bài học!”. Bọn chúng ném gạch tới tấp vỡ hết cửa kính rồi bắt đầu leo rào vào nhà. Ông chốt cổng lại, nhưng cũng sắp bị đám người xô đổ đến nơi.

Sợ quá, ông chạy ra vườn sau. Trông thấy sợi dây thừng còn buộc bên miệng giếng, vội vã leo xuống. Lúc sắp tới đáy giếng thì bất ngờ dây tuột khỏi gốc cây bên trên, người hành khất cùng sợi dây vẫn nắm chắc trong tay rơi xuống đáy giếng tối om.

Cảnh sát mất nhiều công sức mới giải tán được đám người hung hãn, nhưng ngôi nhà gần như đã biến thành một bãi hoang tàn, những thứ có thể lấy đi được, đều bị cướp hết.

Mỗi ngày qua đi, người ăn mày dưới đáy giếng vừa tối vừa lạnh, ông ngửa mặt lên mà kêu gào với trời, với trăng mong có người nghe thấy. Con chó khôn mỗi ngày chạy đi khắp nơi kiếm thức ăn ném xuống giếng, lúc thì chiếc bánh bao đã lên mốc, khi thì miếng xương đã có mùi. Nó kiếm thức ăn rất khó khăn, vì đầu chỉ có thể nhìn ngược đằng sau.

Không làm thế nào được, nó chỉ biết nằm dài ra mà hít hà dưới đất, vớ được miếng thịt hỏng hay gì đó là ngóc dậy chạy về miệng giếng khô ngay. Có lần, nó còn vứt xuống cả xác một con mèo chết.

Chớp mắt hơn một tháng trôi qua, con chó thậm chí còn không có gì để cho nó ăn, người gầy chỉ còn da bọc xương, nó yếu dần đến nỗi không thể đi nữa. Người ăn mày ngày nào cũng gào thét khản cả cổ, chẳng có ai tới cứu ông ta.

Vài ngày liên tiếp con chó không thả đồ ăn xuống nữa, người ăn mày không biết con chó đã xảy chuyện gì. Ông đau đáu nhìn lên mảnh trời hình tròn nhỏ bé trên miệng giếng, biết mình sắp chết.

Một buổi sớm, có tiếng người rì rầm trên miệng giếng đánh thức người hành khất khỏi cơn mê sảng, ông thu hết hơi tàn hô lên một tiếng.

Ông được mọi người dùng dây thừng đưa lên, ánh sáng chói lọi bên trên làm ông mở mắt không nổi. Mọi người săm soi người đàn ông lem luốc hôi thối trước mặt:

“Nếu không phải thấy có xác con chó chết ở miệng giếng này, thì chẳng có ai nghe được tiếng kêu của ông”.

Người ăn mày nhìn cái xác gầy guộc của chú chó, nước mắt rơi lả chả ướt cả bộ lông dính đầy đất bẩn của nó.

No comments:

Blog Archive