Tuesday, January 12, 2016

Những câu chuyện quá đỗi cảm động ở nước Nhật

 Hachiko chú chó trung thành 10 năm đợi chủ 

Có lẽ câu chuyện cảm động được lan truyền nhiều nhất và được nhiều người dân trên thế giới nhớ đến nhất về đất nước mặt trời mọc, chính là câu chuyện về chú chó Hachiko. Năm 1924, giáo sư Hidesaburo Ueno giảng dạy ở khoa nông nghiệp của trường Đại học Tokyo đã mua chú chó nhỏ Hachiko.
Chú chó Hachiko trong những ngày tháng cuối đời năm 1935
Chú chó Hachiko trong những ngày tháng cuối đời năm 1935

Mỗi buổi sáng, Hachiko đều đi theo giáo sư Ueno tới nhà ga Shibuya để tiễn ông tới nơi làm việc. Đến chiều, Hachiko lại đi ra sân ga để chờ đón ông Ueno trở về. Những ngày đó cứ diễn ra đều đặn, trở thành một nhịp sinh hoạt quen thuộc đối với Hachiko, cho đến một ngày tháng 5/1925, ông Ueno bị một cơn đau tim đột ngột, và qua đời ngay tại nhà trường.

Sau ngày định mệnh đó, mỗi ngày, Hachiko vẫn tới nhà ga để chờ đón ông chủ trở về theo đúng nhịp cũ. Hachiko xuất hiện đúng lúc tàu vào ga vào cuối buổi chiều để tìm một bóng dáng thân quen giữa dòng người đang hối hả trở về nhà lúc cuối ngày. Từng ngày sau khi ông Ueno qua đời, Hachiko luôn đều đặn có mặt tại nhà ga suốt… 9 năm 9 tháng 15 ngày cho đến khi chết…

Năm 1932, một sinh viên cũ của ông Ueno được nghe về Hachiko - chú chó trung thành. Anh sinh viên đã đến thăm chú chó và thực hiện những bài viết về sự trung thành tuyệt đối của Hachiko. Một trong những bài viết này đã được đăng tải trên tờ nhật báo Asahi Shimbun - một tờ nhật báo nổi tiếng ở Tokyo và nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả.
Ngày Hachiko qua đời tại nhà ga Shibuya
Ngày Hachiko qua đời tại nhà ga Shibuya

Kể từ đó, bắt đầu có nhiều người mang đồ ăn đến cho Hachiko tại nhà ga trong lúc chú chó chờ đợi chủ mỗi ngày. Hachiko trở thành một hiện tượng trên khắp nước Nhật. Lòng trung thành của Hachiko với ông chủ đã khiến người dân Nhật cảm động và là biểu tượng cho lòng trung thành, sự tận tâm đối với gia đình, cũng là điều mà mọi người dân Nhật đều đề cao.

Câu chuyện về Hachiko cho tới giờ vẫn có sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa Nhật Bản bất kể nhiều thập kỷ đã trôi qua, người lớn vẫn kể câu chuyện về Hachiko cho trẻ nhỏ nghe, các nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng của Nhật đã từng tạc tượng chú.

Cuối cùng, ngày 8/3/1935, Hachiko đã có thể gặp lại người chủ mà chú đã chờ đợi suốt gần 10 năm. Hachiko chết tại chính sân ga - nơi gần 10 năm trước chú đã tiễn ông chủ rời nhà lần cuối. Xác Hachiko đã được nhồi bông và bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia Khoa học Nhật Bản, nằm ở quận Ueno, Tokyo.
Hachiko trong viện bảo tàng
Hachiko trong viện bảo tàng

Người ta cũng đã dựng tượng Hachiko tại nhà ga Shibuya, ngay tại cửa chính vào nhà ga. Cửa này cũng được đặt tên là “cửa Hachiko”.

Trong đời sống văn hóa đại chúng Nhật Bản, Hachiko đã trở nên quen thuộc, chú chó trung thành đã xuất hiện trong những bộ phim, những cuốn truyện tranh, được đặt tên cho những tuyến xe buýt mà trước đây hàng ngày Hachiko đã đi. Câu chuyện về Hachiko còn được khắc họa lại trong bộ phim hợp tác Anh - Mỹ “Hachi: A Dog's Tale” (2009). 

“Ông cụ phóng xạ” tình nguyện ở lại một mình để chăm sóc vật nuôi trong vùng nhiễm xạ

Khi tất cả mọi người sơ tán khỏi khu vực bị nhiễm phóng xạ ở tỉnh Fukushima, một mình “ông cụ phóng xạ” quay trở lại, để chăm sóc cho đàn vật nuôi bị bỏ lại phía sau. Câu chuyện về ông đã nhanh chóng lan truyền và gây xúc động đối với người dân Nhật.

“Ông cụ phóng xạ” Naoto Matsumura
“Ông cụ phóng xạ” Naoto Matsumura

Nỗi đau và sự mất mát ập đến sau thảm họa kép động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản hồi năm 2011 đã được phản ánh qua nhiều bộ phim tài liệu. Tuy vậy, đằng sau những bi kịch đó, người ta bắt gặp những câu chuyện cảm động.

Một trong những câu chuyện như vậy kể về người đàn ông 55 tuổi - ông Naoto Matsumura - một công nhân xây dựng sống trong vùng nhiễm xạ.

Ông Naoto đã cùng mọi người lên đường đi di tản sau khi khu vực sinh sống cũ trở nên hoang tàn và nhiễm xạ, nhưng rồi trong một lần quay trở về, những gì được thấy đã khiến ông quyết định ở lại để chăm sóc cho những vật nuôi còn sống sót sau thảm họa. Những vật nuôi này không còn được chủ chăm sóc, đã phải đối diện với nguy cơ chết đói, chết khát.

Kể từ bấy đến nay, đã 5 năm trôi qua và ông trở thành “người bảo hộ” cho những con vật bị bỏ lại ở thị trấn Tomioka, quận Futaba, tỉnh Fukushima. Trở lại vùng nhiễm xạ, ăn ở trong môi trường nguy hiểm, độc hại, nhưng ông Naoto cho biết ông không lo sợ điều gì, bởi tuổi ông đã cao và thực tế là sau 5 năm sống tại đây, cả ông và đàn vật nuôi vẫn đang khỏe mạnh.

Ông Naoto vẫn nhớ khoảnh khắc ông lái xe trở về Fukushima, vật nuôi trong nhà vẫn còn đang bị xích lại vì người ta ai cũng nghĩ sẽ sớm quay trở về, để rồi vội vã ra đi và quên mất vật nuôi của mình đang bị bỏ lại phía sau.

Đi đến đâu, ông cũng nghe thấy tiếng động vật tru, rống rất thảm thiết vì đói khát. Ngay lập tức, ông bắt tay vào cho chó, mèo ăn uống. Gia súc thì ông thả ra để chúng có thể tự đi kiếm ăn.

Đã có những người được phân công nhiệm vụ tìm đến Fukushima để kết liễu cuộc sống của đàn gia súc vì thịt của những con vật này bị cho là không thể ăn được và nếu để chúng sống thì cũng không có ai chăm sóc.

Ông Naoto đã ngăn việc này lại và chính thức nhận lời chăm sóc đàn gia súc, bởi: “Nếu họ giết những con vật này để lấy thịt, tôi sẽ không băn khoăn gì, vì đó là cuộc sống. Nhưng giết chúng chỉ vì muốn chúng chết đi ư? Không thể nào!”.

Câu chuyện về ông Naoto Matsumura đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người dân Nhật, đã có những người tìm đến đây mang theo đồ ăn, nước uống để hỗ trợ cuộc sống thường nhật của ông Naoto. Ban đầu, họ cũng e dè khi tìm đến vùng đất nhiễm phóng xạ, cũng giống như ông trong ngày mới trở về.

Nhưng dần dần, mọi người không còn quá sợ hãi nữa và tiếp tục quay trở lại tìm ông. Hiện tại, vẫn chưa có ai muốn quay trở về đây sinh sống giống như ông Naoto, và ông cụ vẫn ngày ngày một mình chăm sóc đàn gia súc: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Tomioka. Khi tôi chết, tôi sẽ chết ở Tomioka”.

Ông cụ Naoto được người dân Nhật gọi là “ông cụ phóng xạ” vì những bài kiểm tra y tế đã cho thấy trong cơ thể ông, nồng độ phóng xạ cao gấp 17 lần người bình thường và ông cụ cũng là người phơi nhiễm phóng xạ nhiều nhất ở nước Nhật. Ông Naoto biết phóng xạ rất nguy hiểm nhưng ông cho rằng ở tuổi của mình, không còn có gì để phải quá lo lắng nữa.

Ông cho rằng để ông có thể chết vì phóng xạ, cần phải 30-40 năm nữa, mà trước khi điều đó xảy ra thì quy luật tự nhiên về tuổi tác đã đến tìm ông trước rồi, vì vậy, không cần phải sợ hãi.

Những người tình nguyện tìm đến đây đều nhận thấy rằng ông Naoto là một người rất hài hước, chính điều đó đã giúp ông vẫn sống vui vẻ và khỏe mạnh trong một môi trường độc hại và cô đơn.

Cả chuyến tàu vắng lặng hoạt động chỉ vì… một hành khách

Gần đây, báo chí thế giới lại được biết tới thêm một câu chuyện giàu tính nhân văn ở nước Nhật, xoay quanh một chuyến tàu vắng lặng vẫn duy trì hoạt động chỉ vì một hành khách. Chuyến tàu này chỉ có hai điểm dừng, một điểm dừng để đón một nữ sinh trung học từ nhà đến trường và một điểm điểm dừng để đón nữ sinh này từ trường về nhà.

Đã vài năm nay, nữ sinh này là hành khách duy nhất chờ đợi chuyến tàu ở nhà ga Kami-Shirataki, nằm ở thị trấn Engaru, trên hòn đảo thuộc vùng cực Bắc của Nhật Bản - đảo Hokkaido. Chuyến tàu này một ngày hoạt động hai lần, mục đích chính là để chạy qua nhà ga Kami-Shirataki đón cô nữ sinh đến trường và sau đó đưa cô về nhà.

Câu chuyện thoạt nghe có vẻ như cổ tích, nhưng đó chính là một “chuyện lạ có thật” ở đất nước Nhật Bản, khi Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản - đơn vị chịu trách nhiệm hoạt động toàn bộ hệ thống đường sắt trên khắp nước Nhật - cách đây 3 năm đã đưa ra một quyết định chưa từng có tiền lệ.

Tại thời điểm đưa ra quyết định, lượng hành khách mà nhà ga Kami-Shirataki phục vụ đã sụt giảm đáng kể bởi nơi đây quá hẻo lánh, ít người qua lại. Đáng lẽ, chuyến tàu này đã bị dừng hoạt động nhưng người ta nhận được thông tin rằng vẫn còn một hành khách cần sử dụng chuyến tàu này mỗi ngày, đó là một nữ sinh trung học. 

Vì vậy, người ta đã quyết định vẫn duy trì hoạt động của chuyến tàu để phục vụ cô nữ sinh cho tới ngày cô gái tốt nghiệp trung học. Lịch trình của chuyến tàu thậm chí còn được điều chỉnh theo thời gian biểu của cô gái.

Danh tính của nữ sinh trung học được giữ kín nhưng người ta cho biết rằng tới tháng 3 này, cô sẽ tốt nghiệp trung học, sau đó, nhà ga Kami-Shirataki sẽ đóng cửa vĩnh viễn sau khi đã hoàn thành những năm tháng phục vụ vị khách cuối cùng.

Khi câu chuyện này được chia sẻ trên mạng xã hội thế giới những ngày gần đây, người ta đã rất ngưỡng mộ quyết định của Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản khi họ đề cao việc học tập dù chỉ là của một cá nhân.

Những chuyến tàu cao tốc của Nhật Bản vẫn đang tiếp tục mở rộng trên khắp đất nước và dần thay thế những chuyến tàu già nua, cũ kỹ nhưng trong khi những chuyến tàu hiện đại vẫn chưa kịp tới một số vùng quê hẻo lánh, thì những nhà ga xưa cũ như Kami-Shirataki vẫn cần thiết đối với một số người.

Trong khi những tuyến đường sắt xưa cũ của Nhật đang ở vào những ngày tháng hoạt động cuối cùng, thì câu chuyện về một cô gái và dịch vụ đặc biệt mà nhà ga Kami-Shiratki dành cho cô sẽ được nhớ đến như một hồi kết đẹp về thái độ tận tâm phục vụ cho tới những giờ khắc cuối cùng - một tinh thần, một thái độ rất… Nhật Bản.



No comments:

Blog Archive