Friday, December 5, 2008

TRẬN ÐÁNH ÐỨC LẬP

(Giải Ba cuộc thi Bút Ký Chiến Trường năm 1970 của Cục Tâm Lý Chiến, N.A.H)

PHẠM PHONG DINH sưu tập và biên soạn

Bọn chúng tôi gồm sáu người thuộc Tiểu Ðoàn 230 Pháo Binh đến Bộ Chỉ Huy Hành Quân Trung Ðoàn 45 thuộc Sư Ðoàn 23 Bộ Binh tại Ðức Lập, tỉnh Quảng Ðức, bằng trực thăng lúc11 giờ trưa, trong đầu còn mang theo một vài hình ảnh uy nghi của ngày kỷ niệm Cách Mạng 1.11.1970. Ăn cơm trưa xong, chúng tôi bắt tay ngay vào việc.

Sau khi nhận trách nhiệm phối hợp hỏa lực do các sĩ quan Pháo Binh Hoa Kỳ trao lại (theo sự thỏa thuận trước, trong mấy ngày đầu của cuộc chiến, công tác phối hợp hỏa lực do các sĩ quan Pháo Binh Hoa Kỳ đảm nhiệm, vì tại Ðức Lập họ có 14 khẩu đại bác). Sau khi hội đủ thành phần hỏa yểm để hoạch định công tác, sĩ quan phối hợp hỏa lực phân công người thiết lập kế hoạch pháo yểm, thiết lập hệ thống truyền tin, người ghép bản đồ, vẽ phóng đồ, đào hầm hố,... Bắt tay vào việc chưa đầy một tiếng đồng hồ, thì được tin địch bắn rơi hai trực thăng tại Ngã Ba Daksong, 14 cây số Tây Nam Ðức Lập. Lúc 2 giờ chiều, địch pháo kích Trại Biệt Kích Daksak, cách Bộ Chỉ Huy Hành Quân 5 cây số về phía Ðông Nam. Lúc 7 giờ tối, chúng lại pháo kích Căn Cứ Dorie, cách Bộ Chỉ Huy Hành Quân 14 cây số về phía Ðông Bắc. Ðã bận, chúng tôi càng bận thêm vì phải điều động các đơn vị phản pháo. Sau nửa ngày làm việc không ngừng, chúng tôi đã nhận định được tình hình và làm quen được với khung cảnh hoạt động. Thức quá khuya để làm xong cho bằng được 12 bản kế hoạch pháo yểm, chúng tôi để cả giày, trùm mền ngủ.

3.11.
Chỉ một đêm ở Ðức Lập đủ để tôi hiểu thời tiết vùng này. Lạnh hết chỗ nói ! Ngủ cả giày, với áo len, quần áo tác chiến, trùm một chiếc mền len gấp đôi, tôi vẫn phải thức dậy lúc 3 giờ sáng, để rồi thức luôn đến sáng. Sáng ra, sương mù dầy đặc mang cho tôi cảm tưởng đang sống tại miền quê một xứ Bắc Âu. Tôi quơ tay xem có ai đứng trước mặt không, vì trong óc chợt nảy ra một ý nghĩ ngộ nghĩnh: Biết đâu chẳng có một tên Cộng Sản xâm lược với khẩu AK cũng đang quờ quạng quanh đây. Cái lạnh Ðức Lập chưa đến nỗi làm nước đóng băng nhưng đủ để ngăn chúng tôi chải răng buổi sáng, là vì kem Perlon bị đông đặc, bóp mấy cũng không ra. Ðược cái là không có muỗi. Ðiều này cũng dễ hiểu, vì gió lộng suốt đêm, muỗi có mọc thêm bốn cánh nữa cũng bị thổi bay. Sương tan được một lát, hai đại đội thuộc Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân được trực thăng vận đến Ngã Ba Daksong với nhiệm vụ tiếp cứu phi công trực thăng bị nạn. Buổi chiều, địch pháo kích vào Trại Daksak hai lần, không gây thiệt hại nào.

4.11.
Mới 6 giờ sáng tình hình đã hứa hẹn nhiều sôi nổi. Hai đại đội Biệt Ðộng Quân bị địch pháo kích và tấn công dữ dội trong liên tiếp nhiều giờ. Biệt Ðộng Quân có 3 binh sĩ tử thương nhưng quân ta lượm được của địch 21 xác. Ðến 10 giờ, một cuộc hành quân giao tiếp cấp thời được tổ chức để đón hai đại đội Biệt Ðộng Quân về. Thành phần còn lại của Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân và toàn bộ Tiểu Ðoàn 1/53 được điều động từ Ðức Lập xuống phía Nam. Thế là những trận đánh xảy ra dọc đường tiến quân, trên một đoạn đường ngoằn ngoèo của Quốc Lộ 14. Ðịch từ các triền Ðồi phía Tây bắn xuống bằng đủ mọi loại súng: AK có, B40 có, trung liên, đại liên, súng cối có. Các chiến sĩ ta bám vào vệ đường phía Ðông chống trả, trong khi phi cơ bay đến oanh kích tôi bời, Pháo Binh tác xạ “như điên”.

Chiều đến, Chi Ðoàn 3/8 Thiết Kỵ và một đại đội thuộc Tiểu Ðoàn 1/45 tới tăng viện. Lại chạm địch. Những khẩu đại liên 50 trên thiết vận xa M113 lâu lâu mới gặp mục tiêu thích hợp, khạc đạn rung rinh cả khoảng rừng già. Quân ta phản công, tiến đến chân dãy đồi thì trời sập tối. Ðịch lẩn sang những triền đồi phía sau. Quân ta lùi lại chừng 500 thước giao khoán các mục tiêu cho Pháo Binh. Từ bốn căn cứ hỏa lực quanh quận lỵ Ðức lập, đạn 105 ly được phóng đi, đầu nổ nhanh có, đầu nổ chậm có, đầu nổ cao có. Hầu như suốt đêm. Khói súng quyện lấy sương mù làm cho bầu không khí tại những căn cứ hỏa lực trở nên ngột ngạt, mằn mặn.

5.11.
Ngoài những đơn vị tham chiến ngày hôm trước, Bộ Chỉ Huy Hành Quân “đầu tư” thêm Tiểu Ðoàn 2/45 và Ðại Ðội 45 Trinh Sát. Tiểu Ðoàn 2/45 làm nỗ lực chính ở phía Tây Quốc Lộ 14. Chi Ðoàn 3/8 Kỵ Binh và Ðại Ðội 45 Trinh Sát tiến trên quốc lộ. Các đơn vị khác “tả phù hữu bật”.

8 giờ 15. Lệnh xuất phát ban ra. Các cánh quân liên lạc dọc, liên lạc ngang, tiến lên. Như một mẻ lưới. Ðịch lùi xuống phục kích phía Nam chỗ phục kích ngày hôm qua. Nhìn con mồi gồm những chiếc M113 xám xanh chạy trên đường, địch giương mắt theo dõi, chờ lệnh khai hỏa. Thật dễ dàng làm sao ! Chúng không biết Tiểu Ðoàn 2/45 đang tiến ngang cạnh sườn chúng. Cho nên khi Tiểu Ðoàn 2/45 từ bên hông nổ súng tới, địch rối loạn hàng ngũ liền. Tuy vậy chúng vẫn quay đầu chống trả thật kịch liệt, kịch liệt đến nỗi quên cả Chi Ðoàn 3/8 Thiết Quân Vận và Ðại Ðội 45 Trinh Sát lúc này đang ở sau lưng chúng. Nên khi những chiếc M113 tiến gần hơn rồi nhả đạn, rồi Ðại Ðội 45 Trinh Sát hạ chiến, địch chỉ còn cách mạnh ai nấy chạy. Ðúng là một mẻ lưới.

Các đơn vị tham chiến tiếp tục tiến xuống phía Nam. Ðến 5 giờ chiều, Tiểu Ðoàn 2/45 giao tiếp được với cánh quân Mũ Nâu. Anh em ôm nhau, nước mắt rưng rưng. Tổng kết hai ngày giao tranh dữ dội: Địch 157 chết, ta 36 chết, 41 bị thương.

6.11.
Quá nửa đêm, lính gác tại Bộ Chỉ Huy Hành Quân báo cáo có tiếng động khả nghi ngoài hàng rào. Trời tối, lại có sương mù. Mấy phút sau, lính gác nổ súng. Ðồng thời hỏa châu, đạn chiếu sáng rực trời. Bị lộ, phản ứng tiên khởi của địch là nã súng cối vào Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Nhưng bắn súng cối thì Ðặc Công địch chưa xung phong được, đành nằm chịu trận ngoài hàng rào, biến thành mục tiêu tốt cho Ðại Ðội 45 Trinh Sát và Ðại Ðội Chỉ Huy Công Vụ của Trung Ðoàn 45, hai đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Khi súng cối địch ngưng bắn, bao nhiêu Ðặc Công còn sống sót, còn can đảm đứng dậy, còn dám liều lĩnh xung phong ? Cuộc lục soát ngay đêm ấy và sáng hôm sau cho thấy xác tên Ðặc Công liều lĩnh nhất, nhanh chân nhất nằm trên lớp hàng rào giữa. Số còn lại rải từ lớp rào ngoài cùng ra đến các khu rừng chung quanh. Tổng cộng 24 xác, tịch thu 6 súng và vô số chất nổ. Một chiến sĩ phát biểu ý kiến của anh :

o Mình phát giác nó trước, mình ở trên cao nó ở dưới, mình có súng trong khi bọn nó nhiều tên chỉ mang những miếng chất nổ đen vừa lòng bàn tay. Mình ở trong hầm nó ở ngoài trống, mình vừa trùm mền vừa thụt ra trong khi nó cởi trần giữa đêm lạnh, nên nó phải chết.

11 giờ trưa, địch pháo kích Trại Daksak làm cháy bệnh xá. 3 giờ 15 chiều, đoàn xe tiếp tế từ Ban Mê Thuột tới. Có bánh mì, có báo. Lác đác vài người có cả thư nhà dù “xuất quân” chưa được một tuần. Công việc nặng nhọc nhất của các pháo thủ là xuống đạn : 400 quả 155 ly và 600 quả 105 ly. Mọi người đang nỗ lực làm việc bỗng vang lên một tiếng nổ lớn. Một trái lựu đạn hay một quả mìn claymore phát nổ ? Không, một cột khói đen bốc lên cách Bộ Chỉ Huy Hành Quân chừng 400 thước. Có tiếng la : “Pháo kích, pháo kích”. Trong giây lát, cả khu vực đang hoạt động bỗng vắng hoe. Chỉ còn những cấp chỉ huy đảo ngược, đảo xuôi kiểm soát, tìm hiểu sự việc. Và các quân nhân pháo thủ. Bởi một phản ứng trở thành thói quen, các pháo thủ vẫn trân trân đứng đó chuẩn bị đạn dược, chờ lệnh phản pháo.

Một tiếng rít dài trên không. Tiếng nổ thứ hai tiếp theo. Một cây cổ thụ bị chém gãy cành trụi lá. Chúng tôi đã nhận định được tình hình : Ðịch bắn hỏa tiễn 122 ly từ hướng Tây Bắc. Những toán quân tuần tiễu hoạt động bên ngoài cung cấp thêm tin tức. Chúng tôi có đủ yếu tố để phản pháo. Một phút sau, đại bác 105 ly bắt đầu bắn trả. Thêm nửa phút nữa là đại bác 155 ly. Các căn cứ hỏa lực kế cận cũng góp tiếng. Phản pháo xong, anh em pháo thủ mới có thì giờ nhìn chung quanh xem những chuyện gì đã xảy ra. Ðài tác xạ vừa hoàn thành với sườn bằng gỗ, mái bằng vĩ sắt đã không cánh mà bay. Vĩ sắt rải rác đó đây, một tấm đập vào hông một chiếc xe vận tải bị cong thành hình chữ L. Thì ra một trái hỏa tiễn với đầu nổ chậm đã chui lọt vào và phát nổ trong đài tác xạ. Không ai hề hấn gì vì chưa dọn vào. Ðài tác xạ chỉ cách khẩu đội 15 thước, nhưng mãi thi hành tác xạ, nên lúc hỏa tiễn nổ không ai để ý.

Một sự việc khác có phần lý thú đối với anh em Pháo Binh. Số là mỗi khi chiếm đóng vị trí, một trong những điều Pháo Binh phải chú ý là tà giác bực chắn. Tà giác bực chắn là góc cao của những chướng ngại vật chung quanh vị trí có thể ngăn cản đường đạn đi. Tà giác bực chắn càng lớn thì càng gây nhiều khó khăn cho việc tác xạ. Thế mà tại vị trí Bộ Chỉ Huy Hành Quân, một cây rừng cao to, chết khô, đứng sừng sững ngay trước mặt Trung Ðội 155 ly. Anh em tính hạ từ mấy này trước, nhưng sợ cây đổ làm hư xe cộ, hầm hố chung quanh. Bây giờ, nhờ một trái hỏa tiễn nổ sát gốc, cây khô vật ngã chình ình ra đó mà không gây thiệt hại nào. Một anh lính Pháo Binh bắt chéo chân, cúi đầu giở nón chào theo kiểu ảo thuật gia, bình phẩm một câu theo lồi hành văn của các ký giả thể thao :

o Các đồng chí đã bắn một trái để đời, đáng cho chúng ta giở nón cúi đầu.

7.11.
Xế trưa, một đại đội thuộc Tiểu Ðoàn 2/45 chạm địch trong khi tuần thám phía Bắc Ðức Lập, giết 2 tên, tịch thu một hầm vũ khí gồm 4 trung liên, 2 B40 và 12 súng cá nhân.

8.11.
Tình ngày hôm nay có vẻ êm ả, dạo một vòng quanh Ðức Lập. Trước hết là chợ Ðức lập. Sản phẩm địa phương bày bán thứ nào cũng rẻ hơn ở Ban Mê Thuột. Rẻ đến nổi nhiều người mệnh danh chợ Ðức Lập là siêu thị. Thịt heo 220 đồng một ký so với 400 đồng, gạo 4,500 đồng một tạ so với 6,000 tại Ban Mê thuột, v.v.. Khốn nỗi sản phẩm địa phương chỉ có vài ba thứ, những thứ khác từ Ban Mê Thuột mang đến tất nhiên đắt hơn. Phải nói đắt hơn quá nhiều mới đúng. Lại nữa, “siêu thị” thì nhỏ, binh sĩ bỗng chợt kéo đến cả ngàn nên vật giá leo thang từng ngày, từng giờ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, giá thịt heo lên 420 đồng một ký, và gạo 6,500 đồng một tạ. Chả cần học kinh tế cũng biết luật cung cầu là thế.

Rời chợ rẽ tay trái là làng Ðức Minh gồm dân từ Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào. Nhờ cuộc đi dạo này, tôi tìm hiểu được phần “địa lý nhân văn và thảo mộc” như sau. Dân Ðức Minh tiếng nói nặng. Người đứng tuổi vẫn ăn mặc theo lối xưa : đàn bà vấn khăn, đàn ông quần trùng, áo dài. Con gái : xinh. Nói chung, tại Ðức Minh không có ai nghèo thật sự, mà chỉ có người giàu và người ít giàu, hay kém giàu, hay không giàu bằng. Người giàu có nhà ngói khang trang. Người ít giàu không làm được nhà ngói thì trồng thật nhiều mít cho có vẻ giàu thật sự. Có lẽ ít nơi đâu chịu ảnh hưởng của câu “nhà ngói, cây mít” hơn ở Ðức Minh. Sau mít là xoài, có thể ngoài mít và xoài, Ðức Minh không còn loại cây ăn trái nào khác. Cũng có thể nói “trên là trời, dưới là mít và xoài. Ðầu làng có con suối chảy ngang, chen chúc những cô nàng giặt lụa... Thái Lan. Về công nghệ, có một tiệm sửa đủ loại máy móc : Honda, máy cày, máy bơm nước, xe hơi, đồng hồ, v.v.. Nhà máy xay lúa hoạt động tấp nập. Ðức Minh có một trường trung tiểu học tư thục, các cô giáo ăn mặc đúng mốt Sài Gòn, thướt tha và yểu điệu.

Trở ra, đi ngược Quốc Lộ 14 chừng ba cây số là làng Tú Minh, tương tự Ðức Minh. Có khác chăng chỉ là ở Tú Minh dân cư thưa thớt hơn và người ta trồng cà phê, thay vì cấy lúa như ở Ðức Minh. Dọc Quốc Lộ 14 xuống phía Nam là làng Ðức An gồm di dân nguyên ở Quảng Nam. Phần lớn dân Ðức An làm trà, tuy nghèo hơn nhưng chống Cộng không thua dân Ðức Minh và Tú Minh.

9.11.
Buổi sáng, phóng viên các hãng thông tấn tấp nập kéo đến Bộ Chỉ Huy Hành Quân xin đi theo Tiểu Ðoàn 2/45 quay phim, viết bài. Mỗi toán phóng viên đi theo một đại đội. Lúc 3 giờ chiều, Trung Ðội Biệt Kích của Tiểu Ðoàn 2/45 chạm địch dữ dội. Dữ dội nhưng ngắn ngủi, trận đánh kéo dài không quá mười phút. Song thời gian ấy cũng đủ để anh em Biệt Kích đổi 2 người bị thương lấy 22 xác địch, 2 trung liên, 1 B40 và 2 AK. Chiều về, các phóng viên người nào cũng tiếc ngẩn ngơ vì không ai đi theo Trung Ðội Biệt Kích. Một phóng viên dậm chân than trời :

o Tiếc quá ! Ði theo cánh quân bên cạnh nghe súng nổ rần rần mà không sao qua được.

16.11.
Tình hình tuần qua không sôi động mấy nhưng hết sức căng thẳng. Công cuộc chuẩn bị vô cùng ráo riết. Tại những căn cứ quân bạn, hầm hố kiên cố được thiết lập bằng cây rừng loại lớn. Dây kẽm gai chàng chằng chịt ngang dọc. Tin tức tình báo rất dồi dào cho thấy lực lượng địch được tăng cường ngày một nhiều. Ngoài Trung Ðoàn 28, còn có sự hiện diện của Trung Ðoàn 40 Pháo, Tiểu Ðoàn 394 Pháo, Tiểu Ðoàn 37 Ðặc Công và các đơn vị địa phương. Ðể phối kiểm tin tức và thăm dò lực lượng địch, những cuộc hành quân tuần thám của quân ta được tung ra liên tiếp. Ðạn dược, thực phẩm được ùn ùn chở đến các căn cứ đóng quân.

Về phía địch, chúng gia tăng pháo kích, khi thì hỏa tiễn, khi thì súng cối, khi thì súng không giật. Những hoạt động này có lẽ chỉ có mục đích cầm chân quân ta để chúng có thì giờ chuẩn bị, chắc cũng ráo riết không thua gì ta. Tựu trung, cả hai bên đều muốn nắm chắc phần thắng nên còn rình rập nhau như hai con thú tranh mồi, gầm gừ tìm sơ hở của nhau. Song nếu các đơn vị Bộ Binh và Thiết Giáp sửa soạn kỹ càng cho công cuộc phòng thủ như vậy, thì các chiến sĩ Pháo Binh lại ở thế công hơn ai hết. Tin tức ghi nhận vị trí địch tới tấp gửi về Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực. Từng đơn vị địch được theo dõi cẩn thận trên bản đồ. Những loạt đạn “nổ đồng thời” (time on target, một lối bắn của Pháo Binh nhằm tập trung cùng một lúc hỏa lực của nhiều đơn vị vào một mục tiêu ) dồn dập phóng đi bất kể ngày đêm. Mãnh liệt đến nỗi thú rừng phải dội ngược về các căn cứ phòng thủ, giúp chiến sĩ ta đỡ phải ăn khem lối “đàn bà đẻ “.

17.11.
Buổi sáng, một trung đội thuộc Tiểu Ðoàn 1/45 chạm địch, ta 3 bị thương, địch 2 chết. Buổi chiều, Ðại Ðội 3 Tiểu Ðoàn 1/45, trong một cuộc hành quân sưu tầm tin tức đã giao phong dữ dội với một đơn vị địch, giết 32 tên, thu một số vũ khí và quân trang. Phía bạn có 7 chết, 10 bị thương. Tối đến, vị trí đóng quân của Ðại Ðội 285 Ðịa Phương Quân bị pháo kích. Pháo Binh ta phản pháo “tưng bừng”. Sáng ra, Ðại Ðội lục soát thấy 3 xác địch, tịch thu 2 AK47.

19.11.
Không phải chỉ có thú rừng dội ngược về phía những căn cứ hỏa lực vì đạn pháo binh. Mà cả địch quân nữa. Một Trung Sĩ cộng sản tên Lê Hồng Kiều ra trình diện Nghĩa Quân xã Ðức An xin hồi chánh. Kiều là Tiểu Ðội Trưởng Tiểu Ðội Trinh Sát của Tiểu Ðoàn K 3, Trung Ðoàn 28 Cộng Sản Bắc Việt thuộc Mặt Trận B3. Kiều ăn nói hoạt bát, hiểu biết khá về quân sự. Anh mặc bộ kaki vàng nhàu nát, đi dép cao su, mặt mũi phờ phạc, chân tay nứt nẻ vì thời tiết. Anh mang theo một khẩu AK, một địa bàn, nhưng đáng giá hơn cả là tấm bản đồ hành quân của Tiểu Ðoàn K3.

Kiều cho biết trong trận đánh dọc Quốc Lộ 14 ngày 4.11.1970, khi quân ta mở cuộc hành quân giao tiếp với Biệt Ðộng Quân, Tiểu Ðoàn K3 vừa chết vừa bị thương trên 50 người. Nhiệm vụ của K3 hiện nay là cùng với các Tiểu Ðoàn K1 và K2 và một số đơn vị khác chuẩn bị chiến trường đánh giao thông chiến, rồi sau đó quyết tâm đánh dứt điểm Ðức Lập. Về pháo binh địch, Kiều cho biết ngoài các loại súng cối, hỏa tiễn, Trung Ðoàn 28 còn có thể được Mặt Trận B3 đưa đơn vị Pháo 152 ly đến yểm trợ. Kiều xác nhận nhiều đơn vị cộng sản bị khốn đốn vì hỏa lực pháo binh ta. Ngay đêm hôm trước, một bộ phận Thông Tin (Truyền Tin) của K3 cũng bị tổn thất vì pháo binh. Anh cung cấp cho chúng tôi vị trí một đại đội cũng của tiểu đoàn này, đóng cách bộ phận Thông Tin 200 thước. Kiều còn tiết lộ, kể từ hôm nay địch khởi sự ra mặt công hãm ngọn đồi 804, ngọn đồi chúng tôi quen gọi là Núi Lửa, do Tiểu Ðoàn 1/45 trấn giữ.

Lúc 5 giờ chiều, quả đúng như lời Kiều nói, địch pháo kích Núi Lửa bằng súng cối 82 ly. Chúng pháo kích luôn vào đồn Ðịa Phương Quân Sarpa gần đó. Giai đoạn đầu của mặt trận công hãm mở màn ? Ðịch đã thấy được sơ hở của ta ? Hay chúng muốn đánh lạc hướng hầu thực hiện một âm mưu khác ? Thời gian sẽ cung cấp lời giáp đáp thích đáng.

20.11.
Buổi chiều, địch bắn hỏa tiễn 122 ly vào Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Lại vô sự. Một máy bay quan sát nhận ra vị trí hỏa tiễn liền điều chỉnh pháo binh tác xạ. Tác xạ có quan sát, nhất là tác xạ phản pháo, là điều chúng tôi luôn mong ước. Cho nên sau khi điều chỉnh xong, tất cả các đơn vị Pháo Binh đều tập trung hỏa lực vào mục tiêu này. Khác với những lần trước, lần này chúng tôi đã cắt ngang cuộc pháo kích của địch.

21.11.
Sáng sớm, một cặp phản lực khu trục lừng lững đảo tròn trên khu vực vị trí hỏa tiễn địch. Chiếc máy bay điều không vừa ném trái khói, một chiếc khu trục nhào xuống liền. Một trái bom vun vút lao xuống. Một cột khói bốc lên. Ở xa nhìn lại, cột khói có vẻ khác lạ vì nó lớn hơn, cao hơn, nhưng loãng hơn và không tròn trịa như thường thấy. Tiếp đến là tiếng nổ. Tiếng nổ thứ nhất được kèm theo tiếng nổ thứ hai có phần lớn và đầm hơn. Qua máy vô tuyến, chúng tôi nghe tiếng sĩ quan Ðiều Không báo cáo với giọng vui mừng:

o Có tiếng nổ phụ. Trúng hầm hỏa tiễn.

Chiếc khu trục thứ nhì nhào xuống. Lần này mục tiêu được đánh dấu rõ ràng bằng một cột khói, chớ không phải chỉ bằng trái khói. “Khán giả “ lo ngại giùm cho phi công, vì không thấy máy bay ngóc lên. Lúc nghe tiếng nổ ầm ầm, mọi người ngẩng nhìn, thấy phi cơ vụt bay ngang đầu. Thì ra cột khói tỏa quá rộng đã che lấp phi cơ trong thời gian nhào lộn.

Trong ngày, địch pháo kích sáu lần vào Núi Lửa và đồn Sarpa gây cho ta 2 chết, 1 bị thương.

22.11.
Tôi có dịp bay lên Núi Lửa để xem xét tại chỗ. Thực ra, đó là một miệng núi lửa đã tắt, hình bầu dục, dài khoảng 500 thước, rộng khoảng 300 thước, cao hơn mặt đất 80 thước, nơi trũng nhất trong lòng miệng núi có cao độ 804 so với mặt nước biển. Triền núi phía trong khá dốc, chằng chịt dây leo quấn lấy những cây cổ thụ to lớn. Giữa miệng núi, xanh rì một vạt chuối rừng rậm rạp. Trong trận Ðức lập tháng 8 và 9.1968, nhiều cuộc thư hùng đã xảy ra giữa ta và địch tại Núi Lửa này vì tính chất quan trọng của nó về mặt chiến thuật. Chiếm được Núi Lửa, kể như mặc nhiên kiểm soát được quận lỵ Ðức Lập và những làng xã lân cận. Cho nên, với mọi giá, ta phải trấn giữ, cũng như địch cố đánh chiếm Núi Lửa. Ðoán trước ý định của địch, anh em Tiểu Ðoàn 1/45 ngay từ khi chiếm ngọn núi này, đã ra công sức đào hố, đấp hầm chờ những cuộc tấn công, pháo kích sẽ xảy đến. Tại đây, hầm ếch là loại thông dụng nhất: Một giao thông hào dài, sâu chừng 3 thước, đào hườm vào trong những khoảng trống đủ cho một, hai người nằm, phía trên ken cây cứng. Bên cạnh hầm ếch đều có bậc thềm để binh sĩ nhô lên chiến đấu dễ dàng.

Khi trực thăng đáp xuống, chúng tôi phải nhảy ra thật nhanh để tránh súng cối địch và để trực thăng cất cánh liền. Khi trực thăng tới đón, chúng tôi phải lên trong vòng năm giây đồng hồ. Trung bình cứ năm lần hạ cánh, trực thăng bị pháo kích bốn lần, hoặc bằng súng cối, hoặc bằng hỏa tiễn.

24.11.
Trận đánh của Ðại Ðội 2, Tiểu Ðoàn 1/45 lúc 8 giờ 50 và lúc 3 giờ 50 chiều trên Núi Lửa gây cho địch 5 chết, 1 B40 bị tịch thu. 10 giờ tối, sau khi pháo kích ba lần không hiệu quả vào Núi Lửa, địch quay lại tấn công Trung Ðội Nghĩa Quân xã Ðức An. Nghĩa Quân phục kích nghênh chiến ngoài hàng rào xã giết 5 tên, thu 2 AK. Những người thường nghi ngờ tinh thần chống cộng của di dân là những người đầu tiên chặc lưỡi thán phục. Giết 5 tên địch, lấy 2 khẩu súng không phải là kỳ công đối với các anh Nghĩa Quân, nhưng nếu đặt mình vào hoàn cảnh lúc bấy giờ mới hiểu rằng thắng lợi ấy không dễ thực hiện. Lực lượng quân ta bị công hãm, việc liên lạc với tiền đồn Núi Lửa bị cắt đứt, tinh thần căng thẳng sau một thời gian dài chuẩn bị và mục kích những trận đánh lớn... Những yếu tố ấy chắc chắn ảnh hưởng mạnh mẽ tới tinh thần và hoạt động của chiến sĩ Nghĩa Quân xã Ðức An. Thế mà, thay vì có thể đến trú đóng chung với Ðại Ðội 285 Ðịa Phương Quân đồn Sarpa, Nghĩa Quân Ðức An ngày đêm vẫn tuần phòng, phục kích để giữ làng, bảo vệ dân, mặc dầu biết mình ở thế thất lợi.

27.11.
Xế trưa, Trung Ðội Biệt Kích của Tiểu Ðoàn 1/45, lâu nay vẫn án ngữ một đường xâm nhập của địch gần quận lỵ Ðức Lập, được trực thăng vận đến Núi Lửa trả cho đơn vị gốc để tăng cường phòng thủ. Trung Ðội vửa nhảy khỏi trực thăng trên một ngọn đồi nhỏ dưới chân Núi Lửa là địch pháo như mưa. Anh em vừa phân tán vừa tiến lên đỉnh núi vô sự.

Mười phút sau, một chiếc trực thăng bị bắn rơi ngay chỗ Trung Ðội vửa đáp. Chưa kịp nghỉ, Trung Ðội có việc liền : tiếp cứu phi công. Mới bò lên, bây giờ bò xuống. Bò xuống đón, phi công lại bò lên. Công việc hoàn tất trong vòng nửa tiếng đồng hồ, không có tổn thất. Chiếc trực thăng được khu trục đến oanh kích phá hủy.

Xẩm tối, một ổ phục kích của Tiểu Ðoàn 1/45 thấy thấp thoáng mấy tên địch từ chân núi bò lên. Chờ mục tiêu tiến đến vừa tầm súng, một loạt đạn bắn ra chưa kịp dứt, tên đi đầu đã giơ tay với khẩu súng AK đeo sau lưng, nòng chúc xuống. Một hồi chánh viên. Anh khai tên Phan Ðình Bát, cấp bậc Trung Sĩ, thuộc Ðại Ðội 3, Tiểu Ðoàn K1, Trung Ðoàn 28 Bắc Việt. Ngày hôm trước, đại đội anh đến thay thế Ðại Ðội 1, vì Ðại Ðội 1 bị tổn thất trên 50% quân số gây ra bởi hỏa lực Pháo Binh và Không Quân của ta. Ðược hỏi về mấy người đi cùng, Bát cho biết họ cũng ra hồi chánh như anh, nhưng bất ngờ bị ổ phục kích bắn nên truồi xuống.

28.11.
Không hiểu có phải để nâng cao tinh thần đồng bọn, hầu giảm thiểu số hồi chánh viên hay không mà trong vòng 24 giờ từ lúc anh Phan Ðình Bát ra trình diện, địch pháo kích cả thảy mười lần vào Tiểu Ðoàn 1/45. Tại Bộ Chỉ Huy Hành Quân, 27.11 và 28.11.1970 là hai ngày hết sức bận rộn. Theo lệnh Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, Tiểu Ðoàn 1/45 sẽ được Tiểu Ðoàn 3/45 đến thay thế nhiệm vụ. Toàn bộ Trung Ðoàn 45 và Thiết Ðoàn 8 Kỵ Binh hỗ trợ cuộc hoán đổi này. Nỗ lực chính gồm Tiểu Ðoàn 2/45 và Chi Ðoàn 1/8 Chiến xa. Nỗ lực phụ gồm Tiểu Ðoàn 4/45 và Chi Ðoàn 3/8 Thiết Kỵ. Lực lượng trừ bị chính là đơn vị “lên phiên”, tức Tiểu Ðoàn 3/45. Chúng tôi nhận chỉ thị, thu thập tin tức, thảo luận, thiết kế.

5 giờ chiều, sau buổi họp trình bày kế hoạch, Bộ Chỉ Huy Hành Quân phổ biến lệnh hành quân. Các đơn vị tham chiến hầu như phải làm việc suốt đêm để nghiên cứu và chuyển kế hoạch chi tiết xuống các thành phần phụ thuộc. Ngày mai hẳn phải khác những ngày trước.

29.11.
Chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng, sửa soạn bắn chuẩn bị. Dưới hầm Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực và Ðài Tác Xạ, điện thoại reo liên hồi. Những chi tiết cuối cùng được chuyển đạt cho các đơn vị Pháo Binh. Ngoài vị trí đại bác, các pháo thủ lặng lẽ tháo đạn, ráp đầu nổ, kiểm soát súng. Chúng tôi dự tính bắn 2,000 quả cho cuộc hành quân ngày hôm nay.

7 giờ 30, chúng tôi nhận thêm một Trung Ðội 155 ly từ Ban Mê Thuột tới.

8 giờ, qua máy vô tuyến, một sĩ quan tại Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực đếm lùi:

o 60, 50, 39, 38, 4, 3, 2, 1... Nổ đồng thời !

Hai chục giây sau, những tiếng nổ từ vùng mục tiêu dội lại. Trong sương mai, tiếng nổ trở nên lớn hơn, rền rĩ hơn, âm u như vang vọng từ đáy vực sâu.

8 giờ 20, các cánh quân rời tuyến xuất phát trong tiếng ì ầm của đại bác tiếp tục bắn. Một vài cuộc chạm súng diễn ra, song địch quân bị đánh guc ngay bởi lực lượng hùng hậu của quân ta. Các sĩ quan tham mưu xê dịch ước hiệu của quân bạn trên bản đồ. Ðường tiến quân được nối dài... Cho đến 11 giờ, một lực lượng cộng quân cấp tiểu đoàn tổ chức hầm hố kiên cố trên sườn đồi dùng mọi loại súng dội như mưa vào Tiểu Ðoàn 2/45. Chi Ðoàn 1/8 Chiến Xa dàn đội hình hàng ngang trợ lực 2/45 phản công. Trong khu rừng rậm hoang vu, chiến xa đè cây đổ ngã như những con quái vật hung hãn, các chiến sĩ Bộ Binh nương theo chiến xa tiến lên. Nhưng rồi những chiếc M41 phải dừng lại, vì càng vào sâu cây cối càng lớn. Ðịch đã khéo chọn địa điểm phục kích. Tuy nhiên, tại đây cộng quân không ngờ chúng lại là mục tiêu của TOT (time on target) đã được Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực dự trù sẵn.

Theo lời yêu cầu của sĩ quan Tiền Sát Tiểu Ðoàn 2/45, loạt đại bác đầu tiên đã bắn xuống ầm ầm. Toán Tiến Sát kế cận báo cáo trở ngại. Sĩ quan Tiền Sát Tiểu Ðoàn2/45 xin bắn hiệu quả. Chỉ trong vòng 12 phút, với tất cả lực lượng Pháo Binh khả dụng, chúng tôi đã bắn đi 480 quả đạn 105 ly và 155 ly. Trong lúc đang tác xạ, Tiểu Ðoàn Trưởng 2/45 reo lên trong máy vô tuyến :

o Hay lắm ! Tôi quan sát cả xác địch văng lên.

Sĩ quan Tiền Sát báo cáo thấy súng của địch tung lên lẫn trong cát bụi. Anh phải báo cáo tới lần thứ ba chúng tôi mới nghe được, vì anh nằm cách mục tiêu chỉ có 150 thước, tiếng nổ át mất tiếng gọi. Cuộc tác xạ Pháo Binh chấm dứt làm chấm dứt luôn trận đánh. Bốn bề trở nên vắng lặng vì địch quân bị nhiều thương vong, phần im lìm trốn chạy. Tiểu Ðoàn 2/45 lục soát trên mặt đất ghi nhận trên 40 xác địch, tịch thu 8 súng, nhưng khẩu nào cũng hư hỏng vì mảnh đạn. Trưa nay, mãi đến 2 giờ anh em Pháo Binh mới ăn cơm. Người nào người ấy mệt nhoài vì làm việc quần quật từ sáng sớm. Người ngồi, kẻ đứng, ai cũng vội vã nuốt cho đầy bụng càng lẹ càng tốt. Biết đâu chẳng có nhiệm vụ tác xạ khác ngay bây giờ ? Riêng Ðại Úy Pháo Ðội Trưởng chưa ăn. Ông lợi dụng thời gian nghỉ bắn để kiểm soát lại những khẩu đại bác. Ông đến chỗ chiến sĩ đang ăn cơm loan báo kết quả tác xạ đạt được. Không ai bảo ai, ngần ấy cái miệng reo vang, ngần ấy đôi tay cầm đũa đưa lên khua lấy khua để. Có anh khua luôn cả chén cơm chan canh làm nước canh đổ đầy đầu người đứng kế cận. Một binh sĩ vừa tu bổ đại bác xong, cầm cái bơm mỡ nhảy lên chồm chồm làm một cục mỡ bơm súng rớt xuống chảo canh, váng nổ lều bều. Mỡ mặc mỡ, mọi người vẫn điềm nhiên ăn ngon lành, hể hả. Tinh thần lên cao khiến quên hết mệt mỏi.

Lại nói về cuộc hành quân. Bởi mục đích chính là hoán đổi hai Tiểu Ðoàn 1/45 và 3/45 nên Tiểu Ðoàn 2/45 không có thì giờ lục soát kỹ mục tiêu Pháo Binh tác xạ. Vì vậy, trong các công sự đổ nát, đến bây giờ cũng chẳng ai biết bao nhiêu địch đã bị vùi thây. Kiểm điểm tổn thất bạn, có 2 chết, 4 bị thương, 1 chiến xa hư. Các cánh quân lại tiếp tục nhiệm vụ và hoàn tất công tác, trở về vị trí lúc 11 giờ đêm.

30.11.
Ðể “chào mừng” Tiểu Ðoàn 3/45, tảng sáng địch bắn vào Núi Lửa 50 quả đạn B40, gây cho 2 binh sĩ tử thương và 3 bị thương. Từ đó đến chiều, địch còn pháo kích và tấn kích thêm 7 lần nữa. Nhờ những cuộc tấn kích, Ðại Ðội 1 của 3/45 san bằng được cách biệt: Địch 3 chết.

1.12.
Tiểu Ðoàn 3/45 với lính còn khỏe, mang cho khu vực Núi Lửa một bộ mặt mới. Nhiều mũi dùi được phóng ra, nới rộng khu vực ta kiểm soát. Sáng nay, sau khi bị pháo, 2 chiến sĩ bị thương, chúng tôi nghe đại úy Tiểu Ðoàn Trưởng ra lệnh trong máy vô tuyến cho một sĩ quan Ðại Ðội Trưởng đang săn địch dưới chân núi :

o Ði cho cẩn thận. Ráng trả thù nghe mày.

Câu nói thật ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, nhắc nhở vị Ðại Ðội Trưởng phải vận dụng mọi khả năng để giết địch mà không gây thiệt hại cho quân ta. Ðại Ðội không chạm địch mạnh, chỉ lẻ tẻ nhiều lần. Tuy thế, tổng kết trong ngày, Ðại Ðội hạ được đúng 20 tên, thu 1 B40, 1 AK.

7.12.
Trong sáu ngày từ 2.12. đến 7.12.1970, địch pháo kích 65 lần vào Núi Lửa, Ðồn Sarpa, Trại Daksak và Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Cũng trong thời gian này, Tiểu Ðoàn 3/45 trong những cuộc hành quân tuần thám chung quanh Núi Lửa, chạm địch tất cả 11 lần. Tổn thất bạn gồm có 3 chết, trong đó có 1 phóng viên hãng CBS người Pháp, 1 M113 cháy, 1 trực thăng bị bắn rơi. Về phía địch có 12 chết, 2 về hồi chánh.

8.12.
Sau một thời gian tảo thanh quanh Núi Lửa, Tiểu Ðoàn 3/45 đã có thể mở rộng hoạt động ra các vùng đồi núi phụ cận. Các cánh quân, với sự yểm trợ mạnh mẽ của Pháo Binh, cẩn thận tiến chiếm từng cao điểm. Tại một địa điểm phía Ðông Núi Lửa, Ðại Ðội 1 khám phá 20 ngôi mả mới chôn của địch. Một khoảng rừng khá rộng xung quanh địa điểm này bị tàn phá vì bom và đạn pháo binh. Anh em đào thử một mả thấy ba xác địch nhưng không dám đào tiếp vì mùi hôi thối nồng nặc.

9.12.
Trung Ðội Biệt Kích Tiểu Ðoàn 3/45 hoạt động phía Ðông Bắc Núi Lửa phá hủy nhiều hầm hố của địch, tịch thu một số đạn dược và mặt nạ phòng hơi độc. Trong ngày, địch pháo kích dữ dội sáu lần vào Căn Cứ Núi Lửa. Trước những sự kiện xảy ra, nhất là sự kiện địch không còn chủ trương kháng cự trong mấy ngày qua, Bộ Chỉ Huy Hành Quân cấp tốc triệu tập một cuộc họp để nhận định tình hình. Sau phần thảo luận căn cứ vào những dữ kiện thu thập được từ tin tức tình báo giá trị cao, từ việc địch thay đổi chiến thuật đến những dấu vết tàn phá ghi nhận trên chiến địa, chúng tôi đi đến kết luận là tổn thất của địch rất cao, nên nếu không phải chúng đang chủ trương từ bỏ ý định đánh Ðức Lập, ít nhất cúng cũng tạm lui để chấn chỉnh hàng ngũ. Những cuộc pháo kích dữ dội chỉ nhằm mục đích che đậy ý định của chúng. Do đó Bộ Chỉ Huy Hành Quân lợi dụng ưu thế hiện có, dự trù tung ra những cuộc hành quân tấn sát biên giới Việt ố Miên để truy lùng và phá vỡ kế hoạch của chúng.

11.12.
Sau một ngày thảo kế hoạch, cuộc hành quân truy lùng đầu tiên được thực hiện. Ðại Ðội 3, Tiểu Ðoàn 3/45 khám phá một tiểu đội địch nằm chết ngỗn ngang cách Núi Lửa chừng hai cây số. Càng đi xa càng thấy nhiều dấu vết tàn phá. Một cánh tay vắt vẻo trên cành cây. Những hầm hố sập đổ vì bom đạn. Rải rác khắp nơi đủ loại đạn của địch. Chúng tôi đã ước đoán đúng. Ðịch đang vội vã trốn chạy, bỏ cả quân dụng cùng xác đồng bọn, không kịp mang theo hay chôn cất.

12.12.
Tại phía Bắc khu vực Ðại Ðội 3, Ðại Ðội 1 gặp một toán địch đang lom khom cuốc đất. Súng nổ, địch bỏ chạy. Ðại Ðội 1 ào lên, thấy một hố dài với 37 xác địch nát bấy vì đạn pháo binh hoặc cháy nám vì bom xăng đặc. Cộng thêm 2 xác quân ta mới phơ xong là 39. Chung quanh khu vực này, đạn dược vất ngỗn ngang, ê hề. Ðạn súng cối 60 ly, 82 ly, 122 ly, đạn B40, lựu đạn, mìn, cộng chung chừng một tấn. Ðại Ðội phải để lại một trung đội lấp mả và phá hủy đạn dược.

13.12.
Ðại Ðội 2 đi hai ngày mà chưa thấy gì, ngoại trừ vết máu và vỏ đạn. Ðã vậy, xế trưa Ðại Ðội còn chạm địch. Rừng quá rậm, không rõ địch tình ra sao, nên Ðại Ðội Trưởng cho ngừng lại và áp dụng đúng quan niệm “sử dụng tối đa hỏa lực phi pháo tiêu diệt địch”. Thế là Pháo Binh lại có dịp ra tay. Sau ba loạt điều chỉnh là những loạt bắn hiệu quả. Vài anh lính Bộ Binh ở tuyến đầu nhổm dậy coi kết quả liền bị “bản năng sinh tồn” dán sát xuống mặt đất. Gần quá, mảnh đạn bay chíu chíu ngang đầu.

15 phút sau, Ðại Ðội tiến lên lục soát, đếm trên 40 xác địch, thịt xương nát bấy, vung vãi lẫn lộn với súng đạn. Một bộ phận địch cách đó 300 thước không bị thiệt hại vì pháo binh, liền rót súng cối vào Ðại Ðội. Sau cái phất tay của Trung Úy Ðại Ðội Trưởng, cả Ðại Ðội xông về hướng đặt súng địch. Phản ứng của Trung Úy Ðại Ðội Trưởng thật lẹ. Mấy giây đồng hồ sau, Ðại Ðội ra khỏi vùng nguy hiểm, rồi mấy phút sau, Ðại Ðội chiếm được ngọn đồi nhỏ kế cận, tịch thu một bàn tiếp hậu súng cối 60 ly. Ðịch chạy vội, chỉ mang được cây súng. Sĩ quan Tiền Sát nói với trung úy đại đội trưởng:

o Trung úy liều quá ! Chưa hiểu rõ tình hình đã xung phong sang, rủi bị phục kích là kẹt cả lũ.

o Thanh toán xong bọn chận đánh, đâu còn gì đáng ngán. Hàng ngũ chúng đang rối loạn, mình phải truy kích gấp. Ở lại chẳng kiếm thêm được gì còn bị sứt mẻ là khác.

15.12.
Xã Ðức An và khu vực quanh Núi Lửa dần dần lấy lại bộ mặt quen thuộc. Binh sĩ ngược xuôi lùng địch, lấy nước, tắm giặt. Dân chúng qua lại chăm nom vườn tược, ruộng đồng. Và để được tận mắt nhìn cái hố bom, hố đạn, xác chiếc trực thăng cháy, cái hầm sập mái chôn cả chục tên Cộng Sản xâm lược.

Buổi chiều, dân Ðức An tự động lũ lượt kéo nhau lên Núi Lửa với ba gánh bánh tét. Có lẽ từ ngày khai thiên lập địa, hôm nay Núi Lửa mới tiếp nhận một số người đông như thế. Mới mấy ngày trước Núi Lửa còn là tử địa, bây giờ cũng chính Núi Lửa lại là nơi nườm nượp cả quân và dân, tạo một niềm cảm thông hết sức chân thật.

24.12.
Tại Ðức Lập, một đoàn người khá dài kéo nhau đến Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Vài người giàu tưởng tượng nghĩ ngay đến một cuộc khiếu nại, đòi bồi thường, yêu cầu này nọ... Ðoàn người tới gần. Chúng tôi nhận ra Cha Sở Tú Minh đi đầu. Ði cuối là một con bò mộng. Cha Sở nói :

o Họ đạo chúng tôi đến cám ơn anh em chiến sĩ đã đánh nhau can trường để chúng tôi dù không hưởng được cả mùa Giáng Sinh vui vẻ, nhưng ít nhất cũng hưởng được ngày lễ Sinh Nhật tưng bừng. Con bò này thể hiện một phần nhỏ lòng biết ơn ấy.

Ðêm xuống, giữa chốn rừng xanh hiu quạnh và xa lạ của một phần đất nước thân yêu, những ngọn đèn ngôi sao rực sáng. Có phải đó là những ngôi sao dẫn đường cho chúng tôi chiến đấu, để đạt đến cuộc sống thanh bình mà Chúa Cứu Thế hằng phán.

(Trích trong tác phẩm THIÊN HÙNG CA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA của PHẠM PHONG DINH)

No comments:

Blog Archive