Peter Trần văn Nhơn, Người vừa lên đường, không trở lại.
Giao chỉ, San Jose
Trong đời sống của chúng ta, đôi khi có những người rất đặc biệt nhưng chỉ khi nào không còn nữa, chúng ta mới biết. Có thể cuối tuần này, người đó là bác Trần văn Nhơn. Suốt đời Peter Trần văn Nhơn đi tìm kiếm con đường.
Tôi gọi bác là Pathfinder. Kẻ tìm đường. Đi trên đường đời mà còn tìm thêm lối đi khác. 16 tuổi chuẩn bị đi Pháp nhưng tai nạn làm cho giấc mộng xuất dương của cậu bé không thành.
Pathfinder Tran và Một Nửa
Cha mẹ gốc Huế, nhưng Trần văn Nhơn ra đời tại Quy Nhơn năm 1932 mất tại San Jose 2008 thọ 76 tuổi. Ông là người có khả năng thiên phú về ngoaị ngữ. Không cần tốt nghiệp cao đẳng về ngữ học. Chỉ hết trung học rồi tự học tiếng Pháp và đặc biệt Anh ngữ rất xuất sắc. Nhờ có căn bản Pháp văn nên được tuyển dụng vào quân đội Pháp, học chương trình đào tạo đặc biệt ra Thiếu úy đeo lon Tây. Từ quân đội Pháp ông chuyển qua quân đội quốc gia, làm huấn luyện viên Trường Thủ Đức cho những khóa đầu tiên.
Rồi từ quân đội chuyển qua làm cho cơ quan Viện trợ Mỹ tại Việt Nam. Với khả năng Anh ngữ và tính nết xông xáo, Peter Nhơn leo dần lên GS 13 là cấp bậc cao nhất của chuyên viên dân chính ngoại quốc làm cho chính phủ Mỹ.
Vào thời kỳ di cư 54, một triệu người Bắc vào Nam, cuốn phim Chúng tôi muốn sống ra đời với các tài tử Lê Quỳnh, Mai Trâm, nổi danh 1 thời. Nhưng ít người biết có 2 nam tài tử vai phụ xuất sắc. Một người đóng vai Chủ tịch tòa án nhân dân trong màn đấu tố địa chủ. Người thứ nhì đóng vai cán bộ xách động. Anh chàng trẻ tuổi xách động là Trần văn Nhơn. Lúc đó Nhơn là bạn của đạo diễn Vĩnh Noãn. Ông làm liên lạc viên kiêm thông dịch giữa Việt Nam và các chuyên viên điện ảnh Phi luật Tân.
Vĩnh Noãn nhờ Trần văn Nhơn nhẩy đại vào đóng vai xách động quần chúng. Anh nhập vai hết sức xuất sắc. Chỉ 1 đoạn rất ngắn, ai cũng nhớ mãi Peter, người có tên Mỹ ngay từ thập niên 1950. Một chuyện đáng lưu ý của Trần văn Nhơn là được phái bộ Hoa Kỳ giới thiệu làm thông dịch viên riêng cho đại tướng Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Cho đến năm 1975, chuyện hi hữu xẩy ra. Ông bà Trần văn Nhơn hoảng loạn vì những bài đồng giao loan truyền tại Saigon khi cộng sản đã vào đến ranh giới thủ đô :
“Quân nhân công chức thì tha,
Dân làm sở Mỹ, lột da đóng giầy”
Sợ quá, ông Nhơn bèn cho 4 người con đi theo chương trình trẻ mồ côi để được làm con nuôi người Mỹ khắp 4 phương trời. May mắn thay! ông bà và con cái còn lại di tản kịp thời. Gia đình đã đi tìm lại được đám con chưa kịp phân tán. Riêng câu chuyện nầy cũng đủ để làm thành 1 phim hấp dẫn.
Sau khi gia đình đoàn tụ, công việc đầu tiên của Peter Nhơn là quyết tâm ... đi làm giám đốc. Ông thành lập 1 cơ quan thiện nguyện cung cấp dịch vụ tỵ nạn tại Santa Rosa, miền Bắc Califorrnia.
Một trong các thành tích lý thú của Peter là giới thiệu nhà báo Đỗ ngọc Yến đi rửa chén cho nhà hàng Tàu. Nhưng cả 2 người di tản buồn cũng đều làm việc cầm chừng để còn tiếp tục ....Pathfinder.
Đỗ ngọc Yến đi theo tiếng gọi của truyền thông dọn về Texas rồi qua Orange County. Peter bỏ Santa Rosa ghé về làm việc 1 thời gian tại IRCC San Jose. Từ San Jose ông lại đi theo tiếng gọi đầy ánh sáng rực rỡ từ Reno qua Las Vegas. Sống ở tiểu bang Nevada, Peter Trần sớm trở thành 1 tay giang hồ chính hiệu, bơi lội trong ánh đèn mầu. “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Chuyện tình duyên với các nàng tóc vàng sợi nhỏ là chuyện thường. Peter phu nhân là người Việt gốc Hoa rất hiền lành và luôn luôn bình tĩnh sống trong cảnh chờ đợi tại California.
Có 1 thời Trần văn Nhơn làm công việc tài chánh cho casino. Đêm đêm chỉ huy đếm tiền, ngồi canh kho bạc và hộ tống các nhân viên an ninh đẩy xe bọc sắt.
Đời đẹp tựa bài thơ
Nhưng một hôm ông lại trở lại với IRCC, Inc San Jose và nhận chức vụ phụ tá giám đốc.
Trong những năm sống với cơ quan IRCC, Peter Trần là người đã hội họp hàng tuần với Sở công viên địa phương San Jose và góp phần vào việc xây dựng những bước đầu của kế hoạch công viên văn hóa và kỳ đài Việt Nam trên đường Capital Expw.
Đời cứ như là mơ
Rồi lại đến 1 hôm ông từ giã Cali để lên đường. The Pathfinder không bao giờ ngồi yên 1 chỗ. Hỏi rằng bây giờ tính đi đâu. Ông cho biết đã có cơ sở làm ăn về hải sản mời cộng tác. Chúng tôi nói ngay: Chắc là đóng tàu đi đánh cá. Ông cho biết không phải đánh cá, mà là tôm cua. Ở đâu? Cuba!
Quả thực đây là cuộc phiêu lưu mạo hiểm không thể hiểu được. Hình ảnh gởi về chỉ thấy 1 ông già Việt Nam ngồi trong quán rượu tại Havana, Cuba như nhà văn Hemingway của thế kỷ trước.
Coi bộ con đường tôm cua tại đảo quốc không có tương lai. San Jose và vợ con lại đón ông trở về. Với khả năng Anh ngữ linh hoạt, Peter bắt đầu làm thông dịch cho hãng Telephone tại gia. Rồi làm thông dịch viên tòa án quận Santa Clara. Tuy nhiên,dù đã đến tuổi về hưu nhưng máu giang hồ còn chẩy trong huyết quản. Ông tham dự kỳ thi tuyển làm thông dịch viên Việt Ngữ cho bộ ngoai giao Hoa Kỳ. Và ông được tuyển dụng như là một viên chức cao niên nhất trong số các thành viên Việt Nam.
Cũng đôi lúc ưu tư ...
Ông bắt đầu công việc trong suốt gần 10 năm qua. Đối với ông đây là một công việc kỳ thú. Người thông dịch không phải chỉ đơn thuần dịch thuật. Đây là đại diện chính thức cho nước Mỹ để tiếp phái đoàn ngoại quốc nói tiêng Việt. Ông đã hướng dẫn từ 1 người đến 12 người đi thăm Hoa Kỳ, từ một tuần lễ đến 40 ngày.Vừa là đại diện bộ ngoại giao, vừa là tài xế, vừa là thông dịch, vừa là tour guide và lại là cố vấn cho mọi người. Hãy nghe kể lại về chuyến đi từ San Francisco.
Phái đoàn các luật gia Việt Nam qua thăm nước Mỹ. Thăm phân khoa luật tại Berkeley, thăm tòa án, thăm các thị xã, thăm các cơ sở tư pháp khắp nước Mỹ. Thăm các danh lam thắng cảnh. Thăm quốc hội từ tiểu bang đến liên bang. Nếu ở Việt Nam, cái gì cũng gọi là nhân dân nhưng chính phủ kiểm soát tất cả, thì ở Mỹ, suốt 1 tháng dẫn đi thăm mọi nơi, không hề thấy chính phủ ở đâu. Chỗ nào cũng là của dân, và do dân điều hành. Trường Đại học vĩ đại mấy cũng là tư nhân hoặc cơ quan bất vụ lợi. Tòa án cũng do dân xử. Ông Nhơn gọi đó là chương trình của Hoa Kỳ mở mắt Việt Nam. Ngày đầu xuống phi trường San Francisco, cả phái đoàn rất nghiêm túc chờ đón nước Mỹ đến chào mừng.
Chẳng thấy viên chức nào của chính phủ, công an hay CIA, FBI. Chỉ thấy ông Peter, hơi già, nói toàn tiếng Việt. Peter dẫn mọi người vào khu chờ đợi tại phi trường. Xong ông mới vào quầy thuê xe lấy chìa khóa chiếc xe Van thật lớn.
Ông kêu mấy tay Mỹ đen, đội mũ đỏ đến giúp đỡ xếp hành lý. Rồi ông lái về Hotel cho anh em lấy phòng. Phái đoàn gồm các ông tòa, và luật sư Việt Nam, đa số là có tuổi đảng đều ngạc nhiên thấy ông già Việt Nam lái xe ào ào, tiếng Mỹ tiếng ta như gió. Vừa phụ khiêng đồ, hướng dẫn Hotel và sau khi yên vị ông lại đại diện nước Mỹ phát cả bao thơ hàng xấp mỹ kim cho mỗi người. Quả thực đúng là xứ tự do. Cứ như thế Peter mở toang cửa nước Mỹ. Trên mọi con đường, mọi góc canh đầy đủ nhất của xã hội thực sự dân chủ. Ông nói chuyện ồn ào với vị khoa trưởng đại học, sắp xếp chương trình, dịch ngược, dịch suôi từ tranh luận đến hội thảo. Sau chuyến đi Peter không còn là hình ảnh thông ngôn trong đầu các viên chức Việt Nam. Bác Trần văn Nhơn đã trở thành ông thầy chỉ dẫn cho đám học trò bài học Tự do Dân chủ sờ được, mó được tại nước Mỹ. Quan trọng nhất là ăn tiêu được tại Mỹ quốc. Đó cũng chính là mục đích của bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
Chuyến đi lý thú đáng ghi nhận là kỳ bác Nhơn dẫn đường cho nhà văn Nguyễn huy Thiệp thăm viếng và nói chuyện tại các đại học. Chuyến đi do hội nhà văn Mỹ đề nghị với bộ ngoại giao
Để chuẩn bị, ông Trần Văn Nhơn phải tìm đọc tất cả các tác phẩm của tác giả.Từ Tướng về hưu đến chuyện hư cấu về vua Quang Trung. Ông phải tìm hiểu về quan điểm chính trị, triết học và nghệ thuật của tác giả .
Huy Thiệp không phải là người đã được chuẩn bị để nói chuyện, dù bằng Việt Ngữ cho người ngoại quốc. Tác giả trình bầy rất Việt Nam với nhiều danh từ biền ngẫu và trừu tượng. Và đây là lần đầu Peter thấy rằng dịch ra Anh Ngữ đã gặp nhiều khó khăn. Khi diễn giả nói chuyện về thân phận con người.
Nói về 12 bến nước, bến đục bến trong, rồi bến mê bến tỉnh. Chắc chắn không thể dịch là “bến thức giấc buổi sáng hay bến coma bất tỉnh buổi chiều”. Làm sao so sánh con đò về bến mới với chuyến tàu rời Newport.
Vì vậy ông thầy thông dịch phải vất vả hàng đêm ngồi với học trò văn sĩ, để tìm hiểu thực sự anh ta muốn gửi thông điệp gì cho nước Mỹ.
Một lần có ông già tỵ nạn hỏi rằng: Khi nhà văn phản kháng nói bến đục, bến trong có phải ý nói là nước đục là cộng sản độc tài và bến trong là tự do dân chủ?
Tác giả vội vàng trả lời ngay mà không chờ thông dịch. Không, tôi không phải là nhà văn phản kháng, tôi chỉ là nhà văn thôi. Và từ đó tác giả đi nơi khác không còn nhắc đến bến bờ gì cả.
Một lần khác, Peter đang dịch thì có ông Việt Nam la lớn. Diễn giả là cộng sản. Thông ngôn là Việt gian.
Vị khoa trưởng và các giáo sư đại học thắc mắc không biết khán giả nói gì. Peter rất bình tĩnh dịch rõ từng câu. Xong bác quay lại nói với cử tọa. Xin quý vị la mắng từng câu ngắn và rõ ràng để chúng tôi dịch. Và ông dịch rõ ràng: Gentleman đó nói rằng diễn giả là cộng sản Việt Nam còn tôi thông dịch là Việt gian.
Trở lại San Jose, Peter lo việc ngày ngày cắp cặp ra tòa và bắt đầu viết sách về dòng giõi họ Trần mà ông rất hãnh diện. Bác Nhơn viết Anh Ngữ dễ dàng và trôi chẩy hơn Việt ngữ. Ông cũng không có dịp tâm sự về cuộc đời với con cái nên dự tính sẽ nhờ cuốn bút ký để nối giây thông cảm với thế hệ tương lai.
( My Dear Children,
At seventy-five and plagued with medical problems, I know I do not have much time left with you in this world. I feel I am going to die soon. It is all right. People have to die at one time or another. I have lived a long life. In my old age, I still have your caring mother; I still have a large family of many children, in-laws, and grandchildren who still love me in spite of my shortcomings.
But before leaving this world, I want to write this letter telling you a little bit about the time and life of your forefathers, the circumstances under which I grew up, how you were brought up in this world and most importantly, how you were taken to this promised land of God,
Because of the long war which spanned my entire life and the misfortunes that followed me long after our family came to the United States, I was unable to do a lot of good things for you, and I apologize to you for that. To some of you, I was even considered not a good father ).
Sau cùng tháng 4-2007, IRCC tổ chức văn nghệ “Lịch sử ngàn người viết”. Chúng tôi có dịp mời bác Trần văn Nhơn lên sân khấu lần cuối cùng với tư cách là nam tài tử còn lại của phim Chúng tôi muốn sống. Peter của chúng tôi cố gắng lắm đã đứng trên sân khấu gần 20 phút. Tai bạn nghe không rõ. Ông giơ tay chào mọi người. Peter và chúng tôi đều biết rằng đây là lần cuối.
Rồi trên sân ga đứng chờ chuyến tầu suốt
Dù 76 tuổi nhưng lực bất tòng tâm. Tất cả cơ thể đều rã rời mệt mỏi. Người tìm đường, The Pathfinder nhưng không còn tìm thấy con đường nào khác ở cõi trần gian. Hơn 1 năm trước, chúng tôi cùng bác Trần văn Nhơn ngồi xem lại đoạn đầu của của phim Chúng tôi muốn sống. Nghe bản nhạc năm xưa mà anh em chợt thấy lạnh xương sống.
“ Một mùa thu năm qua, cách mạng tiến ra đất Việt,
Bừng ngàn tiếng thanh niên xung phong phá xiềng...”
Đó là thời kỳ thập niên 40. Chúng tôi ở tuổi mới vào đời. tham gia đội ngũ thiếu niên tiền phong. Cũng hăng hái phá xiềng. Ngày nay đã 70 năm qua, lớp thanh niên ngày xưa đã ra đi gần hết, mà sao xiềng xích Việt Nam phá mãi chưa xong!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Blog Archive
-
▼
2008
(358)
-
▼
December
(31)
- Tại sao cho đến ngày hôm nay CSVN vẫn còn ngồi đó ...
- Tình Nghĩa, Nghĩa Tình Khôi AnDec 27, 2008 Tôi đã ...
- ĐẦU HẠT TIÊU & LƯỠI LOÀI RẮN Đinh Lâm Thanh ‘Ph...
- BA DÒNG NƯỚC MẮT phạmtínanninh Tôi vô cùng ngạc ...
- Thèm Người Trong Nước December 20, 2008 Lời Gi...
- Các Nước Bắc Âu Theo Chủ Nghĩa Xã Hội (Socialism)?...
- Về Giải Nobel Hoà Bình Một Năm Xưa. Phạm thắng VũO...
- Câu Chuyện Little Saigon (Đoạn kề cuối) ----------...
- Lê thị Bích NgọcPHẠM HOÀNG CHƯƠNGLê thị Bích Ngọc ...
- THIÊN LÝHUYỀN THOẠI THỊNH HƯƠNGNăm 1976, tôi làm t...
- Bối cảnh đằng sau vụ án các nhóm ăn cắp hoành hành...
- Chối Bỏ Quá Khứ Bùi văn Quý -Việt Tân, Việt ...
- NHỮNG CHIẾN BINH ĐÁNG GHI NHỚ TRONG CUỘC CHIẾN VIỆ...
- Tấm lòng của Ban Tù Ca Xuân Ðiềm với 15 năm hoạt đ...
- Cái chết trong ngày Giáng Sinh! Lữ Giang Bất chợt,...
- Một thời để nhớNguyên Huy Nếu lấy mốc thời gian ...
- BĂNG ĐẢNG NG. CHÍ THIỆN: MỘT Ổ RẮN ĐỘC ĐÃ MAI PHỤC...
- Cộng đồng Việt Nam San Jose đã đi đúng đường khi q...
- SEATTLE: HẾT TỪ THIỆN ĐẾN CỨU LỤT!?Tuấn PhanTin Si...
- HẢI ĐẢO BUỒNNGUYÊN SANGĐảo Phú quốc! Trong binh ch...
- Người VN đầu tiên đắc cử dân biểu liên bang Hoa Kỳ...
- VỎ BỌC " ĐOÀN KẾT" BIẾN CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỰ DO...
- " NÀNG BIẾT" ĐƯỜNG LÊN CÕI " NIẾT BÀN?" - TRƯƠ...
- CÂY ALOE VERAThầy lang vô danh (Tên khác: Cây dứa ...
- Peter Trần văn Nhơn, Người vừa lên đường, không tr...
- Về Việt Nam "ĂN NHẬU" món gì ?!Tuấn LinhVào đầu th...
- TRẬN ÐÁNH ÐỨC LẬP (Giải Ba cuộc thi Bút Ký Chiến T...
- Đà Lạt Trời Mưa Tôi đến Đà Lạt đúng vào một ngày...
- NGHỀ ĂN XIN CỦA VIỆT CỘNGĐinh Lâm ThanhParis 30.11...
- Tâm như thủy !!! Cách đây hai năm vào ngày sinh n...
- CON RỄ THỦ TƯỚNG Con rễ của Thủ tướng Nguyễn Tấn D...
-
▼
December
(31)
No comments:
Post a Comment