Monday, December 15, 2008

HẢI ĐẢO BUỒN

NGUYÊN SANG

Đảo Phú quốc! Trong binh chủng Quân cảnh, khi nhắc đến địa danh nầy, thì được ví như vùng 1 chiên thuật của các quân binh chủng khác. Chốn lưu đày của lính. Chả thế sao có câu : “Phú Quốc là mồ chôn Quân Cảnh?”.

Sau khi trao trả tất cả Tù Binh cộng sản qua bờ sông Thạch Hản. Trại Giam Tù Binh trung ương Phú Quốc đóng cửa. Toàn bộ Quân cảnh về đất liền. Duy một mình tôi còn ở lại, chờ bàn giao cho Công Binh tiếp thu. Tôi trải qua một thời gian dài gần nửa năm cô đơn nơi khung trời Phú quốc với bờ biển xanh, với những rặng núi cao. Với hoa sim, sâm chỉ (một loại sâm không có củ, nhưng có rể chùm) và hà thủ ô( mà bọn lính tráng chúng tôi thích nói trại ra là hà thủ d….).Với Dinh Gia Long di tích lịch sử. Với suối Tiên chảy dòng nước ngọt, tương truyền rằng khi Nguyễn Ánh lánh nạn, được Tiên giúp đỡ. Với bải biển Khem thoai thoải . Với những hang động của núi kề bên, có thể vào trú nắng trú mưa, lỡ khi đi tắm biển bị trái gió trở trời.

Qua rồi những tháng ngày cùng đàn em đi cào sò, đi xin đầu cá thiều về nấu lá vang rừng, đi theo tàu Hải quân vớt mực…để về chén anh chén em, chén tôi chén tớ. Quên đi chung quanh là hàng hàng lớp lớp những hàng rào kẽm gai; quên đi ngổn ngổn ngang ngang những màu áo tù nâu đen, nâu đỏ. Qua rồi những ngày tháng lang thang lên đồi sim, nhai sim tím cả răng. Không phải tại vì nhớ nàng sơn nữ Phà Ca Thanh Nga với hai câu thơ nỗi tiếng của Kiên Giang Hà Huy Hà:
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người yêu.

Cũng không phải nhớ hai câu thơ, tại vì đó là hai câu thơ lảng mạn, của mối tình đẩm lệ Kinh Thượng trong vở tuồng Mưa rừng của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Mà nhớ vì hai câu thơ đã được sửa lời và rất được các trẻ em hang cùn ngõ hẻm ngân nga:
Đói lòng ăn nửa thúng sim
Uống thêm chén nước đi tìm…cầu tiêu.
Có lẻ hai câu sau thực dụng hơn. Không biết trái sim của Kiên Giang bao lớn. Nhưng trái sim Phú quốc to lắm cũng chỉ bằng ngón tay cái. Ăn nửa trái làm sao …phê? Làm sao đủ tiêu chuẩn để đi tìm…?

Cô đơn thường đi đôi với nỗi buồn. Buồn trong kỷ niệm tràn đầy trong tôi. Một chuỗi dài hình ảnh dày đặc, thường đua chen nhau xuất hiện, trong những giây phút chạnh lòng. Tôi nhớ và cho đến bây giờ vẫn còn nhớ những ngày tháng hò hẹn với những cô gái miền hải đảo. Xin mở dấu ngoặc để nói rõ. Những cô gái nầy là dân tứ xứ đến lập nghiệp. Thường thì theo chân các thân nhân của các binh chủng trấn nhậm nơi nầy. Chứ, thú thật, nếu là dân bản xứ thì tôi xin chịu, vì mặc dầu ở đây hai năm trời, tôi vẫn chưa quen và luôn sợ phải ôm ấp khô cá thiều và húp nước mắm nhỉ Phú Quốc lắm lắm!.

Tại đây, tôi có bà chị nuôi. Chị có một tiệm tạm hoá lớn nhất tại chợ An Thới, gần bến tàu giao lưu giữa Phú Quốc và Rạch Giá. Người ta thường nói: gái một con trông mòn con mắt. Chị có 4 con, làm cho đàn ông nào nhìn ngắm cũng bị mòn tới hai đôi mắt. Thoạt đầu, đến mua rượu, tôi quen chị. Dần dà thân mật, tôi thường đến phụ sắp xếp hàng hoá, hay phụ chị tính sổ, bán hàng. Chị nhận tôi làm đứa em …chị nuôi. Vì chị thường nuôi tôi bằng cách mua hoặc nấu nướng thức ăn “bắt” tôi mang về Trại, để việc ăn uống của tôi được điều độ. Chị hiểu thằng em chị nuôi. thường cơm nước thất thường, nhất là sau những tiệc tùng chè chén.

Tình thật mà nói. Tôi mượn địa điểm nầy để chiếu tướng cái quán ăn đối diện. Nói kiểu nhà binh: “ điểm là tiệm tạp hoá mà diện là quán ăn”. Quán nầy có một cô bé xinh thật xinh, với suối tóc chảy dài, ôm khuôn mặt trái soan. Tôi vẫn mơ ước được làm một sợi tóc ôm trên má nàng, như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ao ước : Thà làm giọt mưa ướt sợi lông măng. Nhiều lúc tôi nhìn thẫn thờ qua phía bên kia đường. Đến nổi chị nuôi khám phá ra cái niềm riêng ấp ủ trong lòng tôi. Chị cười cười nói một mình nhưng cố ý cho tôi nghe: “Cô bé xinh thật đấy!”. Chị làm tôi sực nhớ đến bài hát Cô Hàng Chè Xanh…. “người đâu trông mà duyên dáng. Và cô em chừng đôi tám. Miệng cô xinh thật xinh….khiến bao chàng trai ngất ngây vì cô”, trong đó có mấy thằng bạn chung đơn vị với tôi.

Trong khi tập trung nhắm bắt đối tượng ở phía bên kia đường, thì tôi lại thường bị phân tâm, chia trí bởi một phụ nữ. Nàng có cử chỉ bạo dạn, ngôn ngữ không e dè, thường mặc váy ngắn và đặc biệt, khuôn mặt lúc nào cũng điểm nhẹ chút son chút phấn. Nơi hải đảo xa xăm, bỗng dưng nổi lên một người phụ nữ độc đáo như thế! Quả là gây ấn tượng mạnh cho đàn ông lẫn đàn bà, cho con trai lẫn con gái hải đảo! Một vài người bạn sĩ quan Quân Cảnh của tôi thử buông lời trêu chọc, đều được ăn miếng trả miếng. “Địch chết ba, ta chết ráo”, “từ chết đến bị thương”, “ từ ú ớ đến ngọng luôn”. Đó là kết quả thu được của phe ta sau cuộc chiến.

Một hôm, tôi và thằng bạn đang đứng trong quán của người chị nuôi, nàng xuất hiện. Trong lúc nàng dáo dác như tìm loại hàng để mua, thằng bạn không hiểu có phải bị “ông ứng bà hành” hay không? Bỗng dưng “ thần khẩu hại xác phàm”, chỉ chai rượu đang đứng xếp hàng ngay ngăn trên ngăn tủ, mà rằng: “Lấy chai rượu Napoléon nầy đi em”. “Được lời như cởi tấc lòng”. Tôi có cảm tưởng như nàng chỉ chờ có vậy, để thò tay nhấc bổng chai rượu một cách vô tư, rồi tỉnh bơ, vừa bước ra, vừa không quên thốt câu: “cám ơn anh gì đó nha!”. Báo hại thằng bạn phải móc túi trả lại tiền vốn chai rượu cho chị nuôi tôi. Chúng tôi bình luận về thái độ ngang tàng của người con gái ấy. Chúng tôi điều tra về người con gái ấy. Có người bảo rằng: “Bà ta là vợ bé của một ông Đại Úy Hải Quân”.

Sau những ngày hành quân, tàu cặp bến để thủy thủ nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Chồng của chị nuôi, tức anh nuôi bất đắc dĩ của tôi, thường ra Tiệm giúp vợ. Anh là một Hải quân Thiếu Tá. Tôn trọng hạnh phúc của anh chị, trong những ngày tàu của anh thả neo ngắn ngủi. Tôi qua quán đối diện, kêu một dĩa thức ăn và một chai bia. Tôi chọn địa điểm ngồi, sao cho tầm mắt của cô chủ quán tóc dài, có thể thấy tôi dễ dàng. Tôi chỉ kêu một dĩa thức ăn, chỉ uống hai chai bia. Chỉ ngồi một mình lẳng lặng, khoảng chỉ một tiếng đồng hồ. Khi quán vắng khách, chỉ yêu cầu cô chủ quán cho nghe bản nhạc “Tóc mai sợi vắn sợi dài” qua chiếc máy Akai với cuộn băng nhạc to đùng. Tôi nhủ thầm: “mình đang áp dụng chiến thuật “năm chỉ”. Điểm đặc biệt là không bao giờ tôi đeo lon, nhưng lại cố ý để lộ hai lổ đinh, dấu vết của cái lon hằn trên cổ áo. Tôi đang sử dụng chiêu thức hơi “cải lương” một chút, nên dùng lời trong một bản vọng cổ để đặt tên. Chiêu thức mệnh danh: “Giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng”.
Và cứ thể! Giòng đời trôi lặng lẽ…

Sang đến tuần lễ thứ ba. bản tính hiếu kỳ của người phụ nữ, không cho phép cô chủ quán chịu đựng lâu hơn. Tôi đã bị phỏng vấn, khi đến quầy trả tiền. Những câu hỏi không khó cho tôi trả lời một cách dối gian, như: “Sao thấy ngồi một mình? Hình như là sĩ quan phải không? Có bà con gì với chị chủ quán tạp hoá bên kia đường không? Sao không dẩn vợ con ra ở chung cho đỡ buồn”..vân vân và vân vân…Toàn là những câu hỏi trỏng trỏng, nghĩa là không có chủ từ. Dĩ nhiên, tôi không cần phải ghi những câu trả lời không thật của tôi vào câu chuyện thật nầy làm gì. Chỉ biết lúc ấy, trong tôi, bụng nói với dạ, rằng thì là: “cá đã cắn câu…”. Dĩ nhiên, chỉ một khoảng thời gian không lâu sau đó, tôi đã đường đường chính chính gặp nàng, mà không cần phải thông qua việc ăn, việc uống, việc ngồi đồng và việc đóng kịch và nói dối nữa: Tôi tới gặp nàng để trả và mượn những quyển tiểu thuyết. Và cũng chỉ với một quảng thời gian ngắn tiếp theo đó, tôi đã loại được những con bướm, con ong - đa phần mang dấu hiệu Quân cảnh - dập dìu trước cửa quán và ngay cả bên trong quán của nàng.

Cô bé người Bắc tên Quỳnh. Cô phát âm giọng Bắc sệt. Nói cho đúng, là giọng Bắc đặc. Giọng Bắc năm tư. Và may mắn, không lẫn lộn giữa En lờ và Anh nờ! Da nàng trắng mịn. Hàm răng trắng đều úp mở trong đôi vành môi hồng. Tôi chợt nghỉ đến hai câu thơ:
“ Nàng về nàng nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ hàm răng nàng cười”.
Tiếc thay! Hai câu thơ hay như vậy, mà sau nầy người ta nở lòng nào, sử dụng trong quảng cáo kem đánh răng anh Bảy Chà . Hynos…Cha, Cha, Cha… của đài phát thanh thương mại Sài gòn.

Và cũng tiếc thay! Thuở ấy chưa có bài hát : “ Anh mang cho em một đoá quỳnh. Quỳnh thơm hay môi em thơm…”. Nếu không, có lẻ tôi chẳng những sẽ lải nhải suốt ngày, mà còn dùng bài hát nầy, làm nhạc background cho những cuộc hò hẹn của tôi và nàng sau nầy..

Tôi thật sự rung động vì những nét ngây thơ duyên dáng của nàng. Tôi cũng thật sự hối hận, vì tôi mà nàng đã đánh mất sự chân thật của mình. Nàng thường dối mẹ là ra chợ mua vài món hàng. Chúng tôi gặp nhau bên bờ biển vắng. Hai chúng tôi đi dọc bờ biển tay trong tay. Tôi cảm nhận được sự rung động của nàng qua bàn tay mềm mại. Con tim tôi đã không còn nghe lệnh tôi nữa. Nó nhảy nhót rộn ràng trong lồng ngực. Chúng tôi in dấu chân trên cát , chờ cơn sóng tràn bờ, xoá tan đi. Sóng biển rì rào như sóng lòng chúng tôi dạt dào, thay cho những lời đổi trao nhau. Ôi! Những lúc ấy, sao thời gian trôi quá nhanh! Và cái câu phá tan giấc mộng của tôi thường được cất lên từ đôi môi xinh xắn của nàng: “Mình về thôi, anh ạ! Em còn phải trông hàng cho mẹ nấu ăn”… Tôi dìu nàng trở về đường cũ. Những sợi tóc dài của nàng theo gió lưu luyến vào người tôi, như muốn xoa dịu nỗi buồn chia tay. Bóng hoàng hôn ngã dài trên sóng biển. Dáng Quỳnh bé nhỏ, in trên nền trời, nước và đất gặp nhau. Một bức tranh thiên nhiên gom tụ cho hậu cảnh, làm bật lên nét đẹp thiên thần của nàng. Tôi liên tưởng nàng với thiếu nữ trong tranh của truyện Bích Câu kỳ ngộ. Sự trong sáng của nàng làm tương phản sự đen tối trong tôi. Tôi yêu nàng. Nhưng lại mang cảm giác của một tội đồ bên cạnh thánh nữ. Tôi đã phạm trọng tội, khi đã gieo vào trái tim ngây thơ của nàng một tình yêu lý tưởng, chỉ có trong mơ. Quỳnh chưa nghỉ đến khoảng cách giữa mộng và thực. Chưa nghỉ đến mộng và thực là hai đường thẳng song song, không bao giờ đồng quy, trừ phi đồng quy nơi vô cực.

Vào một buổi hẹn hò. Như mọi khi, hai đứa tôi cặp tay nhau vẽ những dấu chân trên cát biển. Trời bỗng nỗi cơn thịnh nộ, cho mây đen kéo về. Tôi và nàng quay lại. Cơn mưa trút xuống. Chúng tôi nắm tay nhau chạy vội trên đường về nhà. Nhưng không còn kịp nữa. Nước mưa thấm đẩm người nàng, làm rõ nét chiếc nịt ngực bên trong. Nước mưa dán chặt áo nàng vào da. Chiếc áo bà ba trắng của Quỳnh đã chuyển sang màu hồng nhạt, màu của làn da nàng. Trú tạm vào dưới một tàng cây. Những giọt mưa rơi rơi. Tôi ghì nàng vào lòng như muốn che chắn nàng trước những giọt mưa suồng sả ngang nhiên bạo hành thân xác bé nhỏ của nàng một cách không thương tiếc.. Hôn nhẹ vào mái tóc đẩm nước của nàng, tôi hỏi nhỏ: “ Quỳnh có lạnh không?”.Nàng không trả lời câu hỏi, mà gục đầu vào ngực tôi, thỏ thẻ: “ Anh ạ! Bố em nghỉ phép thường niên và ngày mai nầy về đây với mẹ con em. Em muốn giới thiệu anh với Bố mẹ em. Anh ghé quán, anh nhé!”. Tiếng em nhẹ như gió thoảng, quyện trong hơi thở nóng dập dồn phà vào ngực tôi. Mà sao tôi tưởng chừng lời em là cơn lốc xoáy. Hơi thở nóng của em là tia sét đang đánh vào tim tôi. Hình như đây không còn là tia sét ái tình, mà là tia sét của Thiên lôi đánh vào gã đàn ông đang lừa dối một người con gái bé nhỏ thơ ngây và trong sáng. Tôi lặng người! Sự hồn nhiên và lòng tin yêu của nàng, đã làm lương tâm tôi thức dậy. Nó gắn hàm răng giả của nó vào và từ từ vừa cắn vừa rứt, làm tôi ray rức!

Nàng kể tôi nghe về gia đình nàng. Bố nàng là lính Địa Phương Quân, đồn trú tại chi khu ở Rạch Giá. Ông cho mẹ con nàng sang đây, mở cửa hàng buôn bán, để có thêm thu nhập nuôi một bầỳ con. Mẹ nàng nấu nướng trong bếp, để người con cả là nàng, trông coi quán, vài đứa em giữ vai trò chạy bàn.

Con người lương thiện của tôi trở về, không cho phép tôi làm vẩn đục một người con gái trinh bạch, dù chỉ làm vẩn đục trên phương diện tinh thần. Tôi đang say sưa ngụp lặn trong trời yêu, Quỳnh đã vô tình lôi tôi trở về với hiện thực. Quỳnh không “giả bộ vô tình”, mà nàng “thực sự vô tình”, làm rớt nguyên một cành, chứ không phải một cánh, bằng lăng trên đầu tôi, cho tôi chợt tỉnh cơn mê. Tôi nghỉ đến tương lai mù mịt của đời lính. Tôi nghỉ đến đồng lương của “tiền lính, tính liền”. Tôi nghỉ đến Quỳnh là người chị cả của gần cả một tiểu đội em thơ. Tôi nghỉ đến một gia đình đang trông đợi cô con gái lớn đền đáp công ơn sinh thành. Tôi nghỉ, Quỳnh chắc chắn cũng trông đợi tôi là sẽ chỗ dựa để nàng bàn giao cái ân tình của nàng đối với gia đình nàng cho tôi. Khổ nỗi! Quỳnh ơi! Quỳnh có biết đâu rằng: Ngay cả hiện tại, tôi cũng còn chưa biết, sau khi bàn giao Trại Giam xong, số phận của tôi sẽ về đâu nữa là! Quỳnh muốn tôi tiếp cận với gia đình nàng, có nghĩa là nàng chấp nhận cho tôi làm một thành viên chính thức của gia đình, được sự chứng nhận của cha mẹ nàng. Có lẻ Quỳnh nghỉ một cách đơn thuần, rằng hôn nhân sẽ gắn chặt hai chúng tôi lại với nhau. Có lẻ nàng chưa nghe câu nói “hôn nhân là mồ chôn của hạnh phúc”, nhất là hôn nhân trong thời chiến. Ngay cả đời sống vật chất, cũng chưa trọn vẹn, huống hồ cuộc sống tinh thần!

Thấy tôi im lặng khá lâu. Quỳnh giật giật ve áo tôi lặp lại: “ Mai anh đến với gia đình em, anh nhé!”. Nàng vô tư đến độ không nhìn ra sự suy tư của tôi. Hay vì nàng đã đặt niềm tin trọn vẹn nơi tôi? Tôi không còn đường nào khác hơn, bằng cách trả lời dối với Quỳnh.
- Mai anh bận lắm! Vì phải hoàn tất thủ tục cho một số Tù binh ngoan cố về thăm viếng thủ đô. Cho họ thấy tận mắt hòn ngọc Viễn Đông của chúng mình. Khi nào xong, anh sẽ đến với em và Bố Mẹ..

“Chụt” một cái! Quỳnh hôn mạnh vào môi tôi. Tôi chỉ nhận thức được hành động của Quỳnh, sau khi nàng buông tôi ra. Tôi nhìn vài giọt mưa đọng lại trên khuôn mặt, như những hạt kim cương lóng lánh trang điểm thêm cho đôi má ửng hồng và đôi môi đỏ thắm, dù trời bắt đầu lạnh cộng thêm cái lạnh của nước mưa thấm vào cơ thể...

- Em về trước, anh nhé!
Không đợi sự đồng ý của tôi, nàng chạy như bay về nhà. Nhìn đôi chân sáo nàng thoăn thoắt, nhìn bóng nàng nghiêng ngã, mái tóc dật dờ, tôi nghe như có gì nghèn nghẹn trong tim. Giữa tôi và nàng đang có cảm giác tỷ lệ nghịch. Nàng càng vui bao nhiêu, tôi càng buồn bấy nhiêu. Tôi lại lừa dối. Tôi lại phạm trọng tội, vì đẩy Quỳnh dấn sâu thêm vào bến bờ ảo vọng

Thẫn thờ đội cơn mưa về Trại. Tôi đi chầm chậm trong mưa. Trời trở cơn mưa nặng hạt, đập vào đầu vào mình, tôi nghe ran rát. Tôi không buồn tìm nơi trú ẩn. Mưa ơi! Mưa hãy quất mạnh vào gã đàn ông nầy, để trừng phạt hắn về tội dối gian. Mưa ơi! Mưa hãy gột bớt những gì xấu xa trong con người của gã. Lòng ngổn ngang trăm nỗi ưu tư, tôi lê bước chân về Trại như kẻ mộng du.
Sau đó, tôi quyết định ở lì trong Trại cả tháng…
Tôi trốn chạy nàng!
“Hãy quên anh đi, Quỳnh!”
“ Túp lều lý tưởng của anh và của em. Đâu đâu nào em ơi….”

Tôi cố tìm quên bằng cách lao vào công việc trong Trại, bên các Tù Binh. Tôi tổ chức thi đua văn nghệ cho các Tù Binh cải danh thành Hồi chánh. Những ngày nghỉ, tôi lên đồi, đi đào hà thủ ô và sâm chỉ. Đem về phơi khô, sao khử thổ, để làm quà tặng cho mấy bạn nhậu ở Sài gòn.

Xa Quỳnh. Nỗi cô đơn thôi thúc tôi nhớ đất liền. Nhớ Sài gòn, nhớ bạn bè, nhớ văn nghệ, nhớ quán nhậu…

Thế rồi, tôi bàn bạc với các bạn đồng ngủ, nhờ họ gồng gánh công việc giùm, để tôi “dù”. Chúng tôi thường luân phiên sắp xếp và tự cho phép nhau “về đất liền” theo kiểu đó. Nếu rủi ro, bị cấp trên khám phá, rơi vào ai thì người đó chịu phạt trọng cấm. Trên đường dù, là Sĩ quan Quân cảnh, nhất là người về từ hải đảo, thì bố Thượng sĩ hay Trung sĩ nhất Quân cảnh nào đóng đồn hay nút chặn dọc đường dám hỏi giấy phép.
Chiều ấy, một túi xách nho nhỏ làm hành trang gọn nhẹ, tôi cất bước lên đường ra bến tàu. Các chuyến tàu chở hàng, chở khách chỉ chạy ban đêm. Leo lên tàu, đánh một giấc, tờ mờ sáng hôm sau là tới bờ bên kia, Rạch Giá. Rồi từ đó đón xe đò về Sài Gòn. Con đường dẩn ra bến tàu, đi ngang qua chợ. Tôi ghé từ giã chị nuôi của tôi. Lâu ngày gặp lại, chị mừng rỡ, hỏi thăm tôi xong công tác chưa? Dù không ra khỏi Trại, tôi vẫn thường xuyên nhờ bạn bè đến lấy thức ăn của chị gửi. Nghe tôi về Saìi gòn, chị hứa hẹn một ngày hai chị em sẽ gặp nhau nơi đó. Gia đình chị ở gần rạp ciné Văn Hoa Dakao. Chị nói vói thêm, khi tôi dợm bước.
“Em may mắn lắm đó! Em về chung tàu với cô bé bán quán, gia đình cô ấy dọn hết về Rạch Giá”.

Tôi chỉ cười cười, làm như không chú ý lắm đến câu nói của chị. Nhìn sang bên kia đường. Quả thật! Cửa Tiệm đóng im ỉm. Tôi vội vả ra bến tàu. Không phải vì nôn nóng gặp lại cô bé. Sợ gặp muốn chết là đàng khác! Nhưng tôi hy vọng sẽ không gặp nàng, để tránh cảnh khó xử, vì có tới hai chiếc tàu cùng rời bến một lúc. Cái mà tôi lo sợ là không tìm được chỗ nằm tốt trên tàu.

Chiều ấy, khách hàng và hàng hoá đông quá, nhiều quá! Cả hai chiếc tàu đang thả neo, đều bị khẳm xuống. Tôi chọn đại một chiếc. Bước chông chênh qua tấm ván làm cầu. tôi đặt chân lên tàu. Người nằm. kẻ ngồi chật cứng. Đang dáo dác tìm chỗ trống. Bỗng có tiếng gọi: Anh! Một bóng người đúng bật dậy giữa rừng người ngổn ngang. Tôi nhận ra dáng dấp mà tôi trốn chạy cả tháng nay. Tôi riu ríu luồn lách đám hành khách la liệt, theo cái ngoắc tay, bước vội đến nàng. Chưa kịp nhận định tình hình, nàng tiếp luôn: “Anh về phép hở? Ngồi chung đây với gia đình em đi. Đây là bố em, đây là mẹ em, đây là…”. Tôi nghe như có gì lùng bùng trong tai, chỉ biết theo lệnh ngón tay nàng, mà gật đầu chào. Thật là “chạy trời không khỏi nắng”!. Tôi cũng tự trách sao hai chiếc tàu, tôi lại chọn đúng chiếc nầy? Tôi lại phải thêm một lần dối gạt người lương thiện:
“ Em ngồi với gia đình đi, anh còn vài người bạn đi chung. Với lại, anh ra ngoài boong tàu để dễ hút thuốc hơn”.

Không dám nhìn thẳng vào mắt nàng và cũng không để nàng phản ứng. Tôi cúi chào mọi người một lần nữa, vội vàng trở ra ngoài và… len lén lên bờ. Tâm trạng của tôi đúng như hai câu thơ trong bài thơ “Lính thú đời xưa”, mà thời tấm bé, tôi học trong Quốc Văn Giáo khoa thư:
Thùng thùng trống đánh ngủ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa
Có điều trống ngủ liên ở đây, là trống ngực đánh liên hồi. Bước chân xuống thuyền, phải hiểu “xuống thuyền, ngược lại với lên thuyền”. Và cuối cùng, mưa là mưa trong lòng tôi..

Tôi ngược về lối cũ. Lòng ngổn ngang trăm bề. Vừa buồn, vừa thương, vừa hối hận, vừa không biết Quỳnh đang nguyền rũa hay đang vẫn còn tin lời tôi mà lang thang đi tìm khắp tàu…

Tôi không còn con đường nào khác là ghé lại quán chị nuôi :
“Tàu khẳm quá, mai em mới đi chị ạ!”.

Bóng một người đàn ông cao lớn bước vào. Chị nói lớn:
“Ủa? Về hồi nào vậy? Sao không bảo tụi nhỏ ra cho em biết? Nhà chẳng còn gì để ăn, hay là…”

Chị chủ động mời tôi và bảo chồng đến quán nhậu trước, chị chờ cô em gái ra coi Tiệm, chị tới sau. Buổi tiệc rơm rả, tôi hứa hẹn khi nào Trại Giam bàn giao, tôi sẽ mang tất cả vật dụng cần thiết cho gia đình anh chị, như thùng phuy chứa nước, các đồ gia dụng do bọn tù làm rất sắc sảo, như bàn ghế, đũa chén, kẹp lược, cờ tướng…Chồng chị có lẻ vì mới “cặp bến” còn mệt, nên anh mau “tới bến” . Là nông dân Nam bộ, anh nói năng chẳng cần màu mè, “nghỉ sao nói dzậy người ơi!”, bất kể lưu thông, bất cần ý tứ. Cho nên, anh bị chị rầy lia chia. Chị sợ anh lỡ mồm lỡ miệng làm tôi buồn. Nhưng chị đâu có biết, tôi đâu nghe anh nói gì. Tôi thực sự đang buồn! Lòng tôi đang trỉu nặng! Nuốt từng ngụm men say, mà tưởng như đang nuốt những cơn sầu. Tôi nhớ Quỳnh! Tôi hối hận đã làm thương tổn đến Quỳnh. Tôi tưởng tượng, Quỳnh đang lênh đênh giữa biển khơi, chơi vơi trong biển hận. Quỳnh ơi! Em cứ nguyền rủa anh đi! Anh đã mang cho em một đoá quỳnh, rồi cũng chính anh giẫm nát đoá hoa Quỳnh xinh xắn ấy của anh. Nhưng nếu em biết cho rằng, dù có nói dối em, chẳng qua vì anh đã thực sự yêu em. Để rồi cũng chính vì anh yêu em, anh không muốn chuyện tình của chúng mình là một chuyện tình không suy tư. Thà em buồn, em giận, em hận, em thù. Thời gian sẽ làm mối tình đầu bồng bột qua đi, em sẽ tìm được một hạnh phúc chân thật và lâu dài. Còn hơn là chúng mình ngụp lặn trong một biển yêu không lối thoát, để sau đó em sẽ buồn, sẽ giận, sẽ hận, sẽ thù anh trong suốt cuộc đời. Em yêu! Vì muốn hình ảnh chúng mình luôn đẹp trong lòng nhau, mà anh chọn con đường dang dở. Anh không xứng đáng cho em đặt trọn niềm yêu, của tuổi yêu đầu đời. Hãy quên anh! Hãy để anh bị phạt phải mang nặng hình bóng em trong tim cho đến cuối đời.
Nếu chị nuôi không dằn lấy chiếc ly rượu trên tay tôi, tôi đã không chú ý anh nuôi của tôi đang gục đầu xuống mặt bàn. Chị đến quầy trả tiền xong, quay lại hỏi tôi:
“Em về Trại được không? Hay về nhà anh chị nghỉ?”.

Tôi lè nhè:
“ Em về được, chị đưa anh về giùm em nhé!”
Tôi đứng dậy cố làm ra vẻ không say cho chị an tâm, rồi bước ra ngoài. Trời đêm, gió biển lạnh. Tôi bước thấp bước cao về Trại. Tôi đã quên Quỳnh rồi!

Sáng hôm sau, tỉnh dậy, thấy còn mang giày, mặc nguyên đồ lính, nằm vắt vẻo nửa trên nửa dưới bên chiếc giường nhà binh. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi về được nơi đây! Ồ! Có lẻ “ma men” dẫn lối đưa đường cho tôi đi đến nơi, về đến chốn…
(
Tôi trở lại Hải đảo sau một tuần lễ trốn về Saigon. Mọi chuyện đều êm xuôi. Không ai báo cáo tôi vắng mặt, không ai phát hiện tôi vắng mặt, trừ bạn tôi. Để trả ơn bạn bè, tôi bắt tay ngay vào việc, làm choàng công tác cho những người bạn đồng ngũ, để họ luân phiên nhau “dù”.

Hải đảo vẫn yên bình. Ngày ngày tôi lại phải nhìn những tù binh thơ thẩn bên trong vòng rào kẻm gai. Ông xếp tôi nghiện thuốc phiện, ruồi đậu trên mép cũng chả buồn đuổi. Ông tìm được thằng đệ tử, thỉnh thoảng hai thầy trò leo xe Jeep chạy đi nhả khói. Hồn ai nấy giữ. Miễn đừng làm phiền nhau. Các sĩ quan được phân công mỗi người phụ trách một khu, nên có “dù” cũng chẳng ai đến từng khu điểm danh mà biết. Trừ phi, xui xẻo gặp nhằm lúc bị triệu tập họp mặt khẩn tại Bộ Chỉ Huy.

Trại giam chứa khoảng 30.000 Tù, kéo dài trên 3 cây số. Đầu Trại hướng ra thị xã An thới, nơi đông dân, có chợ búa, có bến cảng, có phi trường con con, với phi đạo ngắn ngủn, có lần phi cơ đáp xuống biển. Cuối Trại là một Đại Đội Dịa Phương Quân áng ngữ Cầu Sấu, nối liền qua xã Hàm Ninh, rồi Dương Đông. Dương Đông là một huyện có phi trường dân sự. Đường bộ bị Việt Cộng chặn khúc giữa không đi được, từ An Thới đến Dương Đông phải đi đường biển.

Nghĩa huynh của tôi lại ra khơi. Tôi được chị nuôi cưng chìu còn hơn “mẹ thương con”. Chỉ cần nghe tôi thích rượu Napoléon, lập tức có 13 loại trong cửa hàng. Khi nào có bạn bè cần chiêu đãi, tôi chỉ ghé Tiệm, nhấc bổng một chai, trả tiền sau và chỉ trả tiền vốn. Mặc dù chị thoái thác nhất định không lấy, tôi cũng tìm đủ mọi cách trả tiền cho chị, vì không muốn lạm dụng lòng tốt của những người yêu thương mình.

Từ cổng Trại Giam ra đến chợ, dài khoảng hai cây số. Khoảng giữa là một con dốc. Bên lề đường con dốc nầy, có cái miếu nhỏ, khói hương lúc nào cũng nghi ngút. Đó là Miếu Cô Sáu. Dân địa phương đồn rằng, cô Sáu là gái trinh nguyên bị hãm hiếp và chết oan, nên rất linh thiêng. Mỗi lần thả bộ ra chợ, ngang qua miếu, tôi thầm khấn, cô Sáu cho tôi mau về đất liền. Một buổi chiều lang thang, chân bước đi, miệng khấn lầm bầm, không chú ý, suýt đụng cô gái trước mặt. Toan lách đi, cô gái bỗng kêu lớn:
- Chú, chú! Cho cháu hỏi thăm. Phải chú là Nguyên Sang không?

Tôi giật mình, vì ở đây ai cũng gọi tên tôi, kèm cấp bậc: Thiếu Úy Sang, chứ chưa một ai gọi đúng nghệ danh của tôi. Chưa kịp phản ứng, cô gái nói tiếp:
- Có người nhờ cháu nói với chú là muốn gặp chú ngày mai, vào giờ nầy và tại đây.

Tôi chưa kịp trả lời, cô gái đã quay lưng bỏ đi vào ngôi nhà chứa đầy xác xe hơi phế thải. Tôi lửng thửng tiếp tục cuốc bộ ra Tiệm, phụ chị nuôi tôi bán hàng, quên bẳng chuyện xảy ra ban chiều. Mãi đến chiều hôm sau, gặp lại cô gái nhỏ đứng chận đường, nơi con dốc Miếu Cô Sáu, tôi mới sực nhớ tới cái hẹn ciều qua. Bèn hất hàm, cộc lốc hỏi:
- Cái người gì đó, đâu?.
Cô bé không đáp mà nói như ra lệnh:
- Chú đi theo cháui.
Tôi theo cô bé đi vòng vèo vào cái garage ngổn ngang vỏ xe và xác xe hơi hư hỏng. Bên cạnh garage là một ngôi nhà nhỏ khang trang. Vừa bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà nhỏ, tôi chưng hửng. Thì ra, cái người muốn gặp tôi, không ai khác hơn là cô gái phấn son, nhí nha nhí nhảnh, đã nhiều lần gây sự chú ý của bọn tôi giữa chợ. Đã có thời chia trí của tôi, khi tôi đang tập trung suy tư tìm phương cách tiếp cận Quỳnh ở Quán ăn đối diện phía bên kia đường. Tôi nảy lên ý tưởng,đặt cho cô nàng hỗn danh “cô gái ngỗ ngáo”. Cô ta tự nhiên như người nhà, dù tôi biết chắc, đây không phải là nhà của cô ta. Nàng phải ở Khu Gia binh trong căn cứ Hải Quân với chồng nàng, chứ không thể nào ở nơi đồn trú của các đơn vị thuộc Bộ binh được.
- Anh ngồi chơi.

Nàng chỉ cái ghế bên cạnh chiếc bàn gỗ hình chữ nhật giữa nhà, do Tù binh đóng, bằng loại gỗ tốt. Tôi đoan chắc, chủ nhân của ngôi nhà nầy có liên hệ với Trại Giam. Tối thiểu cũng là người thân hay người quen của anh lính Quân Cảnh gác Tù nào đó.
- Anh chờ em một chút. Em sẽ mời anh thưởng thức món chè đặc biệt do em nấu.

Nàng vừa nói, vừa cười cười, vừa quày quả bước sang chái bếp. Nàng khuất dạng để lại thằng tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn với tiếng xưng hô “em, anh” ngọt xớt. Ôi! Nó ngọt còn hơn chén chè mà tôi sắp được mời, tôi tưởng tượng như vậy? Nghỉ là nghỉ thế, nhưng chưa chắc muỗng chè đút vào tận cổ họng mà tôi nuốt nổi. Những thắc mắc, bâng khuâng cứ dâng trào. Không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra đây? Đã vậy, tôi còn phải chịu cuộc phỏng vấn bất đắc dĩ của cô bé con. Nào là phải chú đóng trong phim “áo dòng đẫm máu” không? Nào là chú là tài tử xi la ma phải không? Phải chú có đăng hình trong báo Sân Khấu Mới không? Không để tôi kịp trả lời câu nào, cô bé tiếp luôn:
- Chú đừng giấu nữa, chị ấy kể hết chuyện chú cho cháu nghe rồi”.
Tôi buồn cười cho cách xưng hô lộn xộn giữa ba người chúng tôi. Cô bé gọi tôi bằng chú, gọi nàng là chị. Nàng lại gọi tôi là anh và xưng em.

Trời nhá nhem tối. Bỗng cô bé vụt chạy ra bếp. Một giây sau, cô nàng ngổ ngáo hớt ha hớt hải chạy tới, nắm tay lôi tôi qua nhà xe phế thải. Cô nàng ấn tôi ngồi xuống, nói nhanh qua hơi thở dồn:
“Anh ngồi đỡ đây một chút, em có chuyện muốn nói với anh”.

Tôi thấy ánh đèn pin loang loáng. Thoáng nghe tiếng đàn ông xì xào. Sau đó là im lặng. Trong đầu tôi, bỗng nẩy ra ý nghỉ, chắc là anh chồng đang tìm kiếm cô vợ mình, coi có linh tinh lang tang gì chăng?. Tôi hơi lo sợ. Thật là “oan ôi! Ông Địa!”Tôi hứa với lòng, sẽ không dính dáng tới chuyện nầy nữa, có khi bị ăn đạn oan mạng! Đang miên man suy tư, cô bé kéo tôi đứng dậy và nói rằng :
- Chị ấy có chuyện bận phải đi gấp. Chị ấy nhờ nhắn lại với chú là muốn gặp chú trên bờ biển trước mặt, chiều ngày mai. Có chuyện quan trọng nói với chú.

Tôi chẳng thèm trả lời trả vốn, bước ra đường , đi ra chợ . Thầm ngh: Thì ra, bà ta mời mình món chè được nấu bằng muối biển. Mặn chát! Thấy tôi dẩn xác tới, chị nuôi, dù đang bán hàng cho khách, cũng vui vẻ hỏi :
- Sao hôm nay em tới tối quá vậy ?.

Tôi trả lời ngắn ngủn và chiếu lệ:
- Dạ! Nhiều việc quá!.

Rồi chẳng nói chẳng rằng, tôi lặng lẻ đúng sắp xếp hàng hoá trong các ngăn
kệ đã bị khách hàng lục xốc tung toé, cho ngăn nắp và trật tự lại. Tôi hoạt động trong vô thức. Tay tôi đang làm việc, nhưng tâm trí tôi hướng về hai hình ảnh. Người bên kia đường đã ra đi, để lại cái quán trơ trọi buồn, như cái buồn cô đơn trong lòng tôi. Còn một người đang hiện diện, mà cứ mỗi lần nghỉ đến, lòng tôi lại trổi dậy những cơn bực dọc. Một người làm tôi buồn! Một người làm tôi bực! Và đang trong cơn tức bực đó thì hình như một câu nói dân gian rơi đúng vào tình huống nầy: “Nhắc tới Tào Tháo là Tào Tháo xuất hiện”. Đưa mắt nhìn ra đường, bỗng dưng tôi mắt tôi chạm phải bóng dáng của cái “cô gái ngổ ngáo”. Cô ta đang sánh vai với một người đàn ông đi ngang qua cửa tiệm. Và hình như nàng nhìn vô tiệm, cười cười với tôi như trêu chọc. Ôi chao! Trong cuộc đời tôi, có lẻ đây là lần đầu và cũng hy vọng là lần cuối, xui cho tôi gặp một người con gái, chỉ cần liên tưởng đến, lập tức giòng máu đang luân lưu trong cơ thể tôi, cơ hồ không muốn trở về tim mà chỉ muốn dâng lên đỉnh đầu.

Một đêm không ngủ được vì suy tưởng linh tinh về nhiều giả thiết không tốt về cô gái ngổ ngáo phấn son kia. Cái tự ái của người đàn ông, không muốn tôi gặp lại nàng. Nhưng, bắt đầu buổi sáng của ngày hôm sau thì tính tò mò của tôi đã thắng sự tự ái. Tôi lại nôn nóng thời gian trôi mau, cho mau tới chiều. Tôi muốn gặp nàng để trút cơn bực mình. Tôi muốn gặp nàng cũng để biết hà cớ gì nàng cứ muốn gặp tôi? Trời rủ hoàng hôn. Tôi lang thang trên con đường len giữa đồi sim, dẫn ra biển. Đang miên man suy nghỉ và chuẩn bị cho những gì phải ứng xử khi gặp cô nàng. Tôi nghe tếng động cơ xe rì rầm sau lưng. Tôi nép vào bên lề, tránh đường cho xe chạy và quay cổ nhìn. Chiếc xe jeep sơn màu navy, chầm chậm lướt qua . Kịp cho tôi nhìn thấy nàng đang nhoẻn miệng cười. Trời chiều lành lạnh. Gió biển thổi tạt vào làm cành lá cây đong đưa vun vẫy, như nhảy như múa trêu chọc tôi. Tôi nghe nóng ran trong người. Cơ hồ đôi mắt đang nổ đom đóm và đầu tôi đang bốc khói. Như trong phim võ hiệp Tàu, luyện công phu bị “tẩu hoả nhập ma”. Tôi thề sẽ “giết người…trong mộng, để trả thù….”

Thắm thoát cũng tới ngày Trại Giam đóng cửa. Tù Binh được trao trả về bên kia vĩ tuyến. Các Tiểu Đoàn Quân Cảnh lần lượt trở về đất liền nhận nhiệmvụ mới. Còn một mình tôi và một vài binh sĩ chờ bàn giao. Chúng tôi sống trơ trọi giữa những lớp hàng rào kẽm gai mênh mông hoang vắng. Tất cả im lìm! Buồn tênh! Ảnh hưởng của việc đóng cửa Trại Giam, Chợ búa cũng đìu hiu. Anh nuôi của tôi sắp đáo nhậm đơn vị khác. Chị nuôi tôi bán đổ bán tháo hàng hoá để theo chồng. Dân bốn phương trở về với tứ xứ. Bỏ lại cư dân địa phương lam lủ, gắn cuộc đời mình với hải sản và biển cả. Ôi! Hai hình ảnh một cuộc đời! Giờ đây tôi hiể thâm thúy ý nghĩa của hai chữ “Chợ chiều” trong ngôn ngữ Việt. Tôi hình dung đến một “sân khấu về khuya”, khi ánh đèn lịm tắt và màn nhung khép lại. Tôi lang thang phố vắng, như tìm dư vị của một thuở nào tấp nập. Nhìn những cửa tiệm đóng cửa, nhìn những ngôi nhà hoang vắng bên đường, nhìn tiệm ăn bỏ ngỏ của cô bé tóc dài. Tôi nhớ Quỳnh. Tôi tự hỏi không biết nàng đang ở nơi đâu? Nàng còn nhớ và còn oán giận tôi chăng? Nàng đã tìm được người thay thế tôi trong tim nàng rồi chăng? Đang bềnh bồng trong dòng tư tưởng mông lung. Bỗng một tiếng gọi khẻ từ phía sau lưng, kéo tôi về hiện tại:
- Anh!

Tôi dừng chân, quay đầu nhìn lại. Thì ra cái cô nàng ngổ ngáo, đỏng đảnh. Cũng một chút son, một chút phấn trên khuôn mặt trái soan. Không đợi tôi hỏi. Nàng nói luôn một hơi.
- Lâu quá không gặp anh. Anh vẫn mạnh chứ? Cứ tưởng là không còn cơ hội gặp lại anh. Ngày mai em muốn gặp anh tại đây. Em có chuyện muốn nói với anh. Nhớ nha anh!

Không để tôi kịp trả lời, nàng quày quả bước đi như bị ma đuổi. Tôi lầm bầm trong cổ họng: “ Lại muốn gặp ngày mai! Lại có chuyện muốn nói!”. Đúng là cải lương tuồng cổ. Bổn củ soạn lại!
Ngày trống vắng vẫn cứ trôi.

Tôi không có việc gì để làm, và cũng không còn ai để trò chuyện. Nên thật sự lần nầy, tôi trông từng phút ngóng từng giây để gặp lại cái cô nàng mang đến cho tôi nhiều nổi khó chịu, nhiều điều khó hiểu. Tuy hình bóng nàng trong tôi không mỹ miều, không êm đềm, không muốn nói là quỷ quái. Nhưng, dẫu sao cũng phải công nhận môt sự thật là nó đã hiện diện trong tâm tư tôi.

Khi tôi đến nơi, đã thấy nàng đang đứng chờ, tay mang một túi xách. Gặp tôi, nàng nhoẻn miệng cười. Tự nhiên như người thân quen, nàng trao túi xách cho tôi, nắm tay tôi lôi đi :
- Đi anh! Mình ra bờ biển .
Vô tình nàng dẩn tôi đi vào con đường xưa, mà tôi và bé Quỳnh thường đi. Tôi nhớ tới Trúc Phương với bài hát “Con đường mang tên em”.

“”Đường chẳng riêng hai chúng mình, nên khi vắng em, đường đã thay tên,..”. Ôi! Con đường sắp sửa thay tên và chưa biết sẽ mang tên gì. Gió biển lồng lộng. Tôi cầu trời đừng mưa, để tôi đừng mất thêm một người. Cô nàng đối với tôi, trong giây phút nầy “có còn hơn không”. Lại tay trong tay. Chỉ khác là người bên cạnh tôi bây giờ mái tóc ngắn gọn, không có điều kiện đồng loả với gió vuốt ve mặt tôi. Nhưng lại cho chiếc gáy cơ hội khoe khoang sự trắng mịn của mình. Chúng tôi đi bên nhau trong im lặng. Nàng không nói gì với tôi. Tôi cũng chẳng biết phải mở lời như thế nào. Chúng tôi như đang thưởng thức tiếng gió đàn biển hát. Sóng biển rì rào vỗ nhẹ vào bờ. Phải chăng sóng đã cuốn trôi đi tất cả những ấn tượng không đẹp của tôi về nàng?
Trong tay nhau, dọc theo một đoạn bờ biển khá dài. Nàng chỉ tay vào dãy núi rừng bên cạnh và nói:
- Anh à! Mình kiếm chỗ ăn trưa đi anh. Em mua sẵn thức ăn thức uống, trong túi xách mà anh đang cầm đó!

Giọng nàng ngọt như chén chè được nêm bằng đường cát, mãi tới bây giờ nàng mới thực sự mời tôi nếm. Trong tôi, tụ động đổi hỗn danh “cô gái ngổ ngáo” thành “cô gái ngọt ngào” hồi nào, tôi cũng không hay. Chỉ biết, tôi tuân hành lời đề nghị của nàng, như nghiêm chỉnh chấp hành khẩu lệnh của Thượng cấp, chỉ thiếu động tác, chập chân lại, đứng thế nghiêm và hô to : Tuân lệnh!

Chúng tôi đi vào bìa rừng, chui vào rừng lá, giẫm lên sõi đá, tai vẳng nghe tiếng biển rì rào từ xa. Chúng tôi tìm được một tảng đá lớn và tương đối phẳng. Nàng nhanh nhẹn giật túi xách từ tay tôi. Loáng một cái, đồ ăn thức uống được bày lên một tờ báo cũ thay thế khăn trải bàn. Tạm đầy đủ cho một cuộc picnic. Chén đũa, ly muỗng. Có trái cây tráng miệng. Có cả nước đá. Có cả khăn giấy, tăm xỉa răng. Điều nầy cho thấy, nàng rất có kinh nghiệm. Khác xa với cô bé Quỳnh. Tôi chợt loé lên sự so sánh giữa Quỳnh và cô nàng. Sự khác biệt giữa hai người là: một người “tôi lo” và một người “lo tôi”.

Người xưa, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, người nay, có ăn mới rặn ra chuyện. Nàng mời tôi, nàng đơm thức ăn vào chén tôi, nàng gắp thức ăn đút vào miệng tôi. Hình như tôi chỉ là “một linh hồn tượng đá” của nàng. Một tượng đá chỉ biết ăn những gì nàng cho, chỉ biết nghe những gì nàng nói và chỉ biết nhìn những gì nàng làm. Đúng hơn là chỉ biết nhìn nàng mà không cần biết nàng đang làm gì. Vâng! Cái thân xác tượng đá của tôi là thế! Là vâng lời trước mọi mệnh lệnh và phục tòng trước mọi hành động của nàng. Nhưng cái linh hồn của tượng đá thì khác! Nó đang đi ngược với nàng. Nó nhìn gương mặt được trang điểm thật khéo của nàng với ý nghĩ, nàng là một người phụ nữ từng trải. Nó nhìn đôi mắt nâu vàng của nàng mà liên tưởng đến Tề Thiên Đại Thánh sau khi bị đốt trong lò lửa bát quái của Thái Thượng Lão Quân, trong truyện Tây Du Ký. Nó so sánh sự phạm tội của nó. Với Quỳnh là sự phạm tội với lương tâm. Với nàng là sự phạm tội với một người đàn ông khác.

Sau bửa ăn. Chúng tôi ngồi đối diện và nhìn nhau. Nàng bắt đầu tâm sự. Nàng cho biết, nàng là người ở Tỉnh Bình Dương. Tôi chợt nhớ đến người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng. Mang danh Bình Dương mà chẳng chút gì dính dáng tới Tỉnh Bình Dương cả. Tôi nhìn nàng mà liên hệ đến những trái cây nổi tiếng trên thân thể người đẹp Bình Dương thứ thiệt nầy. Đâu là bưởi, đâu là chôm chôm, đâu là nhản? Có ngọt lịm như sầu riêng và có thơm như múi mít không?... Nàng cho biết, cha mẹ nàng rất giàu, gửi nàng lên Saigon, học Marie Curie, nên ảnh hưởng Tây Phương nhiều. Hè, nàng ra đây nghỉ mát với anh trai là một Trung Úy Hải Quân. Ông anh nàng rất khó, quản lý nàng chặt chẽ theo kỹ luật nhà binh. Vì anh bảo đảm với gia đình là sẽ chăm sóc cẩn thận đứa em gái duy nhất vừa quỷ quái, vừa nghịch ngợm như con trai của mình. Anh nàng đánh giá nàng như thế. Nàng cười to lên, khi nói về nhận xét của ông anh về đứa em. Tiếng cười của nàng như sung sướng biểu lộ sự đồng tình. Nói về mình xong, nàng quay qua nói về tôi. Nàng kể một vài phim truyền hình trong đó có sự góp mặt của tôi. Nàng kể, khi gặp tôi tại đây nàng biết chắc chắn là tôi chứ không ai khác, vì nàng đã đọc trong trang Văn Nghệ của tuần báo Phụ Nữ Mới, kịch sĩ Anh Lân đã viết một bài dài về sự vắng bóng của tôi, do phải luân chuyển ra Phú Quốc. theo quy định của Binh chủng.

Bóng chiều lịm dần. nhường cho bóng tối len lỏi dưới tàng cây kẻ lá. Đội quân muỗi bắt đầu tấn công. Tôi dìu nàng quay về đường cũ dọc bờ biển vắng. Tôi vẫn nhớ câu nói của nàng, khi hôn lên mí mắt, đang khép che đôi mắt tròng vàng của nàng: “Bạn bè em thường nói trong mắt em có khói”. Tôi liên tưởng đến nhạc phẩm ngoại quốc “Smoke gets in your eyes”. Khói vương mắt em, Yến Thanh ạ! Con chim én xanh nho nhỏ và liến thoắng của anh. Ngày đầu tiên của chúng tôi như thế và cũng kể từ đó chúng tôi hò hẹn nhau từng ngày. Ngày nào, vì một lý do gì không gặp nhau, tôi có cảm tưởng thời gian xa nhau, dù chỉ một ngày hay chỉ một đêm thôi, cũng dài hơn thế kỷ. Bây giờ tôi mới thấm thía được hai câu thơ chữ Hán mà tôi đã học qua thời Trung học:
“Nhất nhật bất kiến như tam thu hề.
Kiến tam thu như bất kiến hề!”

Quả thật vậy, một ngày không gặp dài như ba năm. Gặp ba năm rồi, cũng coi như còn chưa gặp. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày, mà khi chia tay sao dường như chưa gặp. Anh nàng sắp sửa theo học một khoá tu nghiệp của Hải Quân, nay mai nàng phải trở về đất liền với gia đình. Còn tôi thì ngày bàn giao và rời trại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lưỡi dao thời gian oan nghiệt treo lơ lửng trên đầu, sẵn sàng chặt đứt tình yêu chúng tôi ra làm hai. Chúng tôi uống với nhau những ngụm men tình hối hả. Chúng tôi thâu ngắn những đêm trường xa cách, cho ngày bên nhau dài ra, có khi không kịp chuẩn bị buổi ăn trưa cho nhau. Vậy mà sao vẫn thấy ngày vắn, đêm dài. Con chim xanh của tôi rất am tường về văn nghệ. Rất thông cảm đời nghệ sĩ. Có lần nàng thỏ thẻ với tôi:
“Dù rất yêu anh. Nhưng em biết rằng nghệ sĩ là người của mọi người. Em không có chút ý tưởng nào giữ anh làm của riêng em. Con chim chỉ hót líu lo, khi được tự do bay nhảy giữa bầu trời bao la, chứ không phải được nhốt trong lồng son nhỏ bé. Điều mà em ao ước, là một trong những ngăn trong trái tim anh, có một ngăn dành riêng cho em”.

Trong các cuộc tình trong đời tôi, Yến Thanh là ngườ duy nhất hiểu được nổi khát khao và niềm mơ ước trong tôi. Chưa một người phụ nữ nào, ngoài Thanh, nói với tôi về sự nghiệp văn nghệ mà tôi đang đeo đuổi. Chưa một người phụ nữ nào, ngoài Thanh, nói với tôi rằng không muốn giữ tôi làm của riêng tư cho mình. Tôi yêu Thanh và tôn vinh Thanh như một người yêu, một người bạn, một người đồng chí hướng đang cùng sánh vai với tôi trên đường văn nghệ. Tôi nhớ mang mang một danh nhân nào đó đã thốt lên câu, đại ý: ‘Yêu không phải là nhìn nhau, mà nhìn cùng một hướng”. Hai chúng tôi có đồng sở thích là nói chuyện về nghệ sĩ, về các bộ môn văn nghệ, các loại hình nghệ thuật. Tình yêu chúng tôi kết bằng thơ, xây bằng nhạc . Mỗi người chúng tôi là một tác phẩm nghệ thuật của nhau. Để ngắm nhìn, để thưởng thức, để mân mê ve vuốt, chứ không phải để cấu xé, để nuốt trọn nhau.

Chúng tôi tìm được một hang động nho nhỏ kín đáo, làm chỗ hẹn hò. Ngày thường cư dân tất bật sinh kế, không ai rổi rảnh lội rừng, leo núi. Chúng tôi biến hang động ấy thành ngôi nhà hạnh phúc. Khung cảnh hữu tình, có đá có hoa, xa xa có biển. Tôi nghỉ, thiên thai có đẹp cũng đến thế là cùng. Chúng tôi như dính liền nhau từ đi đứng, đến nằm ngồi…kể cả khi ăn lúc uống. Hình như không còn gì là của riêng của một người, trừ những cái rất riêng. Một miếng ăn cũng cắn đôi, một miếng uống cũng hai người chia sẻ. Phải chi thời gian trôi ngược giòng, chúng tôi chắc chắn sẽ được trở về vườn Địa đàng, thuở còn chưa phạm tội …

Hôm đó. Đợi mõi mòn mới thấy bóng Thanh vất vả đạp lên đá, len con đường mòn dẫn đến Hang Hạnh Phúc. Nàng khệ nệ với hai túi xách. Tôi chạy ra đón nàng. Nàng trao hết hai túi xách cho tôi, nói trong hơi thở hổn hển:
- Em ghé chợ mua ít thức ăn thức uống. Anh chờ em có lâu không?
Tôi nịnh :
- Ồ! Gặp em là anh no rồi! Mua làm chi nhiều vây? Chờ có lâu không hở? Chờ cả đời còn được nữa là!

Nàng dí ngón tay trỏ vào trán tôi :
- Xạo hoài!
Con én xanh của tôi, hôm nay đã thành con én hồng. Bộ đồ bằng voan mỏng màu hồng, làm làn da của nàng vốn đã trắng, càng trắng thêm. Lần đầu tiên tôi thấy đôi má của nàng hồng, không phải vì phấn hồng. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi thấy nàng không trang điểm. Không hiểu nàng có biết cho rằng, với tôi bây giờ, dù có hay không trang điểm, nàng vẫn đẹp tuyệt vời! “Thương nhau trái ấu cũng tròn” ấy mà! Thanh với lấy túi thức ăn, định mở ra. Tôi nắm cổ tay nàng chận lại:
- Nghỉ mệt tí đi em.

Tôi ấn nàng ngồi xuống tảng đá, đã được trải lên chiếc mền nhà binh. Kéo nàng nằm xuống, gối đầu trên tay tôi. Tay còn lại, tôi vuốt nhẹ những sợi tóc loà xoà và hôn lên trán nàng. Chúng tôi kể nhau nghe những chuyện trên trời dưới đất. Thỉnh thoảng, hai chúng tôi im lặng, đăm đăm nhìn những chiếc lá đu đưa, nghe tiếng chim kêu hay thưởng thức tiếng biển rì rào. Bỗng dưng, một tiếng ầm vang dội vách núi. tiếng gầm thét của trời. Chúng tôi cùng chổi dậy, nhìn khung trời hẹp qua cửa hang. Mây đen kéo về che kín. Thanh khẻ nói:
- Trời chuyển mưa. Chắc là mưa lớn lắm đó anh!

Quả nhiên, sau đó không lâu. Mưa như trút nước. Khung cửa hang phủ một làn mưa trắng xoá. Chúng tôi ngồi ôm nhau nghe tiếng mưa rơi. Cơn mưa không dứt, kéo theo cái lạnh về dội vào vách đá, toả lạnh khắp hang. Thanh rùng mình. Tôi ôm chặt nàng hơn. Thanh ghì lấy tôi, nhè nhẹ thả mình nằm xuống. Đôi mi khép lại, đôi môi mở hé dợi chờ. Tôi hôn nhẹ vào trán, vào má và cuối cùng vào đôi môi . Thanh ghì lấy đầu tôi, cho môi gắn chặt môi. Chúng tôi hôn nhau, cho đến khi dường như nghẹn thở, nàng ấn đầu tôi xuống ngực nàng, buông thỏng đôi tay và bất động. . . . .
….”Mình vào đời nhau, lúc môi còn non, tuổi mộng vừa tròn
Hương thơm làn tóc, nước mắt chưa lần khóc.
Đến nay thì đã………..”

Tôi hôn lên vệt nước mắt chảy dài theo khoé mắt. Thanh nhìn đăm đăm vào trần đá, thỉnh thoảng một giọt nước mắt theo giòng chảy rơi xuống. Tôi tôn trọng sự im lặng của nàng và nàng cũng để yên cho tôi nhè nhẹ thu những chứng tích tình yêu vào chiếc khăn tay, đồng thời khép khép lại những gì tôi đã mở. Trời quang mây tạnh, cơn mưa đã dứt tự bao giờ. Tôi lại nghe tiếng rì rào của biển khi cơn sóng vỗ bờ và tiếng xạc xào của lá, khi cơn gió thoảng qua. Tôi đến ngồi cạnh Thanh, châm lửa, rít một hơi thuốc, khói thuốc bay tản mạn. Tôi nhìn Thanh và nhớ câu nói của nàng ”khói trong mắt em”. Kể từ nay, mỗi khi nhả khói, tôi tưởng tượng như mắt Thanh đang dõi nhìn theo tôi. Thanh ngồi bật dậy, luồn tay chỉnh nịt ngực, kéo vạt áo lại ngay ngắn.
- Anh đói không? Để em dọn đồ ăn, chúng mình ăn nghe anh?
Tay tôi nâng cằm nàng, xoay gương mặt về hướng tôi. Nhìn sâu vào đôi mắt, tôi
trả lời nàng bằng một câu hỏi:
- Em có giận anh không?

Nàng hôn vào môi tôi thay cho câu trả lời. Rồi thả đôi chân xuống khỏi mặt tảng đá, xỏ đôi bàn chân vào đôi dép, nàng thoăn thoắt với lấy túi xách bày biện đồ ăn thức uống. Con người hiếu động đã trở về. À! Thì ra nàng đến điểm hẹn hôm nay hơi trễ. Vì nàng muốn trổ tài cuốn gỏi cuốn với tôi. Những gỏi cuốn tuy cuốn chưa đẹp lắm, nhưng ăn rất ngon, cộng với nước chấm cay cay. Thật tuyệt! Không biết gỏi cuốn ngon thực sự hay ngon vì xuất hiện đúng lúc chúng tôi đang đói rả ruột. Hay, hai lý do đều đúng? Nàng cắn một miếng, đút tôi cắn một miếng. Hai đứa ăn chung một cuốn. Cứ vậy, cứ vậy. Chúng tôi đánh sạch hết những “tác phẩm” của nàng.

Rồi cũng phải đến lúc chia tay. Bóng đêm len dần, chúng tôi phải rời khỏi hang tình yêu, trước khi bóng đêm phủ kín bầu trời. Đêm nay, tôi không dìu nàng về theo lối bờ biển nữa, mà quanh co vào trong xã ấp, ngang qua nghĩa địa, mà bình thường cho tiền tôi cũng chẳng dám đi qua. Nàng nép người vào tôi, tôi quàng vai nàng, chúng tôi lê nhau đi chầm chậm. Bỗng dưng nàng đứng sững lại, gục đầu vào ngực tôi. Tôi có cảm giác nong nóng và ươn ướt xuyên qua lớp áo và rồi tiếng nấc nhẹ cất lên. Tôi hoảng hốt, hai tay đặt trên hai vai nàng, vừa day day vừa hỏi dồn:
- Chuyện gì vậy em? Anhđã làm em buồn à?
Thanh lắc đầu im lặng, Tôi thò tay lấy chiếc khăn tay, định lau mắt cho nàng.
Nàng gạt tay tôi ra, tôi mới sực nhớ chiếc khăn đã được sử dụng lúc ban chiều rồi. Cuối cùng, nàng cũng thốt lên.
- Mai em phải về Saigon. Anh của em đã nhận sự vụ lệnh đi học. Anh ấy đem em về, trả em cho Ba Mẹ em. Em không muốn nói sớm, sợ anh mất vui buổi hẹn chiều nay.

Giờ thì tôi đã hiểu ra. Có cái gì hơi khang khác trong thái độ và hành động của
nàng hôm nay. Thì ra thế! Thì ra buổi hẹn nầy là buổi hẹn cuối cùng trước lúc chia tay. Tôi chẳng biết nói gì với nàng. Cái ngày mà chúng tôi lo sợ, đã đến! Tôi ôm sát nàng vào lòng như không muốn rời xa nàng. Có lẻ nàng đọc được tâm trạng của tôi, nên áp má vào ngực tôi, đôi tay vòng qua vuốt ve lưng tôi. Giọng Thanh nhỏ nhẹ và buồn buồn:
- Em đâu muốn xa anh. Nhưng biết sao bây giờ, đành chịu thôi! Em sẽ cố thu xếp chuyện gia đình. Hy vọng tháng sau em sẽ trở lại. Em sẽ ở với anh, cho đến ngày anh rời đảo.

Tôi nâng mặt nàng và hôn như mưa bấc, như muốn bù trừ vào những ngày vắng nàng. Con đường mòn đã nối với đường lớn, có người qua lại. Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau, mỗi người một ngã. Tôi lê chân về Trại như kẻ mất hồn.
……
Một tháng. Rồi hai tháng.
Tôi sống trong nỗi nhớ. Nàng vẫn biền biệt. Tôi giận mình, đã vô ý không xin địa chỉ nàng để liên lạc. Cuối cùng, Toán Công Binh đã tới, tôi làm thủ tục bàn giao Trại Giam, nhận sự vụ lệnh về Tiểu Đoàn 30 Chiến Tranh Chính Trị, đồn trú tại Biên Hoà.

“ Những đồi hoa sim. Ôi! những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt”…Giã từ những đồi sim thơ mộng. Giã từ bờ biển với đoá Quỳnh, dốc núi với chim Én xanh, phố chợ với anh chị nuôi. Vai mang ba lô tôi chầm chậm nhìn Trại Giam lần cuối. Chầm chậm theo triền dốc. Dừng chân Miếu Cô Sáu, chắp ta xá xá từ biệt. Nhìn sang cái garage hoang phế. Chiếc ba lô trên vai không nặng, bằng lòng tôi đang trỉu nặng một hải đảo, lúc nào cũng muốn rời xa. Nhưng khi rời xa lại thấy buồn.
“Bước chân lên thuyền, nước mắt như mưa…”
Tàu nhổ neo, hải đảo xa dần, nhỏ dần….

Tôi trở về với văn nghệ. Làm văn nghệ phục vụ Quân Đội cũng vui. Rỗi rãnh nhận cộng tác với các chương trình phát thanh và truyền hình. Một hôm đơn vị không công tác, chúng tôi được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Tôi đang ngồi thù tạc với đám đệ tử nơi Câu Lạc Bộ, lính gác cổng vào báo:
- Thiếu Úy. Bà xả Thiếu Úy đang chờ trước cổng.
- Cái gì? Có nhầm lẩn không ?
- Tôi hỏi kỹ rồi. Đúng là Thiếu Úy rồi! Bà nói rõ tên và nghệ danh của Thiếu Úy.
Tôi đặt ly bia xuống bàn, bước vội ra cổng. Thoáng thấy trong Trạm gác có bóng một phụ nữ quay lưng về hướng tôi. Vừa bước vào trạm, anh lính gác nhanh nhẩu nói:
- Ổng tới kìa!
Người phụ nữ xoay người lại. Cái mà tôi thấy trước tiên là cái bụng bầu, sau đó
mới tới khuôn mặt của Yến Thanh. Tôi sững sờ dẩn nàng đến quán ăn gần đó!
- Sao em biết anh ở đây?
- Em xem Show truyền hình Quân Đội của Tiểu Đoàn anh, thấy anh và em dọ hỏi biết Tiểu Đoàn anh đóng ở đây.
Trầm ngâm đưa tay quấy ly nước soda chanh, nàng từ từ nói tiếp.
- Xin lỗi anh. Em đã lỗi hẹn. Em phải thu xếp công chuyện nhà, khó khăn lắm mới thoát khỏi sự quản lý chặt chẽ của Ba Mẹ em. Ba Mẹ em muốn đưa em vào nề nếp của người phụ nữ dịu dàng, đoan trang và biết phục tòng. trước khi gã em lấy chồng. Anh biết không? Em phải trả một giá tất đắt cho sự lỗi hẹn bất đắc dĩ đó. Em cô đơn nơi hải đảo vừa nhớ anh, vừa chịu sự hành hạ của đứa bé vừa tượng hình trong bụng.

Ngừng một lát, rồi không để tôi phá ngang cau cguyện dang dở, nàng tiếp:
- Anh ạ! Những gì em nói với anh em vẫn còn nhớ. Em không để anh bị mất tự do, cũng như không để anh vì em mà ảnh hưởng đến sự nghiệp. Chỉ xin anh, thỉnh thoảng về thăm con chúng mình. Đúng ra là về thăm thằng con trai của em. Vâng! Em đã đi siêu âm và biết chắc nó là đứa con trai. Em hy vọng nó sẽ giống anh như tạc. Nó sẽ thay anh mãi mãi bên em. Đó là niềm ao ước và mong đợi của em.

Tôi nâng tách cà phê đen nóng, uống một ngụm. Cà phê thoảng hương thơm, vừa đăng đắng vừa ngọt ngào. Nàng vẫn im lặng. Tôi moi trong chiếc áo trận ra, một bao thuốc lá hơi bèo nhèo. Chọc ngón tay ngoáy ngoáy, lấy ra điếu thuốc cuối cùng còn sót lại. Tôi vò tròn bao thuốc, bỏ trên bàn. bật qụet châm thuốc, rít một hơi dài. Giọng Thanh khe khẻ như quyện vào khói thuốc thoang thoảng bên tôi.
- Chiều nay tan sở, anh cho em quá giang về nhà. Anh đến đấy cho biết chỗ. Rỗi rãnh ghé về. Chút nữa, em đến nhà đứa bạn tạm nghỉ. Em sẽ chờ anh trước cổng nhà thờ Ngã Ba Tam Hiệp.Em chờ anh đó!.Vì một lý do gì anh không về được, cũng phải ra cho em biết nhé!.....

Tôi đi về phương trời tụ do, mang theo một vợ ba con, một trời Việt Nam, và một dỉ vãng buồn. Sau những năm tháng vất vả hội nhập vào cuộc sống mới. Khi các con chúng tôi trưởng thành và vỗ cánh bay đi xây dựng tổ ấm cho riêng chúng, thì vợ chồng chúng tôi đã bước vào tuổi hoàng hôn. Gần kề tuổi hưu, chúng tôi hối hả mỗi người một Job, dù phải đuổi bắt nhau trên giường. Tôi còn ngủ thì nàng đã đi làm và khi tôi đi làm thì nàng còn ngủ. Còn kiếm được tiền, cố ráng để cuộc sống phong phú hơn và để những người thân yêu bên Việt Nam vẫn luôn thương yêu mình . Trong tuổi già, mỗi nguời chọn cho mình một thú tiêu khiển, để quên đi những gì cứ nhớ và nhớ những gì mình cố quên đi. Vợ tôi có sở thích trồng trọt. Một vườn đầy các loại rau, mà lúc nàng bận, tôi phải tưới và lúc nhiều quá, phải tìm người quen để cho. Còn tôi thì làm bạn với computer. Viết dăm ba bài báo chống Cộng, bạn bè chửi tôi làm chuyện ruồi bu, quay sang viết chuyện tình, bị chê là toàn “Tìnn Tan”, kết thúc không có hậu! Không một ai chịu hiểu cho rằng: Tình tan mới có nhiều. Chứ tình không tan chỉ có một. Tạm gọi loại tình không tan là “Tình Tang” (ói! tang tình tang!).

Vào cuộc đổi đời, cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi đã vất câu “chồng chúa vợ tôi” vào sọt rác và quẳng luôn cái cảnh “cơm bưng nước rót” vào ngăn tài liệu cải lương tuồng cổ. Tôi không muốn nếm thử tù Mỹ dù chỉ môt ngày, sau khi đã nếm gần chục năm tù Việt Cộng. Từ một người trưởng thượng, lớn nhất trong gia đình, tôi rút mình thành người nhỏ nhất trong gia đình, biết vâng lời vợ, biết nghe lời con. Vợ con tôi thẩm thấu “American way”, nhiều hơn tôi rất nhiều! Qua đây, tôi đã không còn bạn bè, không còn rượu bia, không còn thuốc lá, dù chỉ phà một hơi thuốc lá, thập thò noài mái hiên và tránh xa bà xã. Nhiều lúc ngồi bên bàn phím, tìm không ra câu, ra chữ cho bài viết, tôi thèm thả hồn minh theo làn khói trắng uốn éo, lượn bay và tan biến. Tôi thèm nhìn khói thuốc lá cuộn về với hải đảo, với con chim én xanh nho nhỏ của tôi. Tư tưởng tôi đang lan man tới đây, bỗng bị đứt quảng, bởi một giọng lè nhè của người đàn bà trong phòng ngủ vọng ra:
- Làm gì mà lục đục hoài không chịu đi ngủ?. Bộ mai nghỉ làm, sao hả ?

Tôi xin giới thiệu với các bạn. Đó là giọng bà xã yêu quý của tôi. Bà ta nhắc nhở tôi đó! Cũng chả muốn giấu giếm gì các bạn. Đó cũng là con én xanh bé nhỏ ngày xưa của tôi. Giờ đã trở thành chim én không lớn hơn, nhưng già và xanh lè xanh léc ! Có điều mắt bà ấy không còn khói nữa, mà được thay bằng lửa. Những tia lửa thường bắn ra mỗi khi tôi chậm trễ trong việc bàn giao check lương cho bà .

Cảm động với mối tình của Thanh. Tôi hợp thức hoá hôn nhân bằng một lễ ra mắt họ hàng hai bên, vì Thanh đã gần ngày sanh. Tôi muốn chấm dứt cuộc đời độc thân nổi trôi, thả neo vào một bờ bến. Tôi cũng muốn có con nối dõi tông đường. Có cháu nội đích tôn cho mẹ tôi ẳm bồng. Thằng bé sinh ra, giống mẹ như đúc, chỉ giống tôi có một bộ phận.. Ừ, mà nàng cũng đâu cần giống tôi nữa, vì tôi đã đeo cái gông hôn nhân vào cổ tôi rồi. Tôi thực hiện ước mơ của nàng là được nằm trong một ngăn tim tôi, khi chúng tôi còn trong hang tình yêu ngoài hải đảo. Không những một ngăn, mà nguyên cả tủ tim. Rộng thênh thang! Vậy mà nàng không chịu nằm im, Lâu lâu một lần, tôi phải “đứng tim” cho nàng lên cơn nhảy nhót trong đó. Chúng tôi đồng ý đặt tên con đầu lòng là Nguyễn Hải Thanh Sang. Tôi và nàng là “người dưng cùng họ mà đem lòng nhớ thương”, tức là cùng họ Nguyễn. Hải là kỷ niệm ngày gió mưa nơi hải đảo. Thanh, tên nàng. Sang, tên tôi. Gọi tên Thanh Sang, trùng hợp với kép cải lương thường đóng cặp với Thanh Nga. Thôi cũng được! Vì tôi há chăng đã từng thầm yêu trộm nhớ nàng Phà ca ăn sim tím thay cơm nầy rồi hay sao? . Sau đó nàng còn tặng tôi thêm hai con chim én mái nhỏ, không có mắt màu khói vàng khè của mẹ, mà là màu than đen thui của cha.

Chìu lòng các bạn, tôi viết truyện ngắn duy nhất nầy Nó có.kết thúc có hậu với các bạn, nhưng vô hậu với tôi. Tôi cũng quyết định đặt tên cho truyện ngắn nầy là “Hải Đảo buồn” vì hai lý do: Thứ nhất, nếu không có hải đảo nầy, tôi còn có thêm rất nhiều chuyện “tình tan”, kể cho các bạn nghe. Thứ nhì, không hiểu tôi đã làm gì sơ thất với Cô Sáu ở Miếu, mà cô ấy xui cho tôi trở về Trại Giam Phú Quốc với thân phận của người tù cải tạo. Để biết thế nào là những tháng ngày quanh quẩn bên trong những vòng rào kẽm gai. Tôi mà có năng khiếu về nhạc, chắc chắn tôi sẽ sáng tác bài nhạc “Hai hình ảnh một cuộc đời” hay hơn “Ông Lái đò” nhiều!

Xin phép các bạn cho tôi đi ngủ, không khéo mụ én xanh lè lại nhảy múa làm tôi nghên tim, các sẽ mất một số tiền lạc quyên cho một thành viên của Ban Nhạc Trẻ Hồn Hoang, hoàng hôn group.

No comments:

Blog Archive