Thursday, December 18, 2008

THIÊN LÝ

HUYỀN THOẠI THỊNH HƯƠNG

Năm 1976, tôi làm thiện nguyện cho cơ quan USCC để giúp người Việt ổn định trong những ngày đầu bỡ ngỡ trên một xứ sở đầy khác biệt. Mỗi chiều, sau công việc ở sở làm chính, tôi đến đây khoảng hai giờ đồng hồ. Thứ bảy, tôi làm trọn ngày. Chủ nhật tôi dành cho riêng tôi. Ngoài ý nghĩ "làm phúc lấy đức", tôi cũng muốn bận rộn để quên bớt nỗi buồn thất tình đang gậm nhấm con tim . Hồi trước, tôi có một anh bạn gốc người Long An. Lúc người yêu ôm cầm sang thuyền khác, anh buồn quá, đêm đêm ôm cái cassette, nghe đi nghe lại bài hát có câu " Thôi là hết em đi đường em. Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi! &" Lúc đó, tôi thấy tội nghiệp anh ta, và tự hỏi sao lại có người yêu hết mình đến cỡ đó. Làm như trên đời không còn ai nữa để mà yêu! Nhưng bây giờ thì tôi hiểu được nổi sầu của kẻ bị "bồ đá".

Sơ Catherine cho tôi hay có một cô Việt Nam mới đến xin làm thiện nguyện "on-call". Nghĩa là khi nào chúng tôi cần thì gọi cho cô biết, nếu cô sắp xếp được thời giờ thì cô đến giúp, chứ cô không muốn có thời khóa biểu nhất định. Tôi không hỏi sơ cô này là ai, nhưng đoán cô là dân đang du học trong lúc quân của ông Hồ vô Nam giải phóng tự do. Chứ người mới tới, ai có điều kiện mà đi làm thiện nguyện!

Cô đến làm hồ sơ và nhận thẻ nhân viên nhằm lúc tôi đang có mặt. Đó là một cô gái nhan sắc trung bình, nhưng có nụ cười rạng rỡ, khoe hai hàm răng đều như hai hàng bắp. Cô cao hơn những người con gái Việt Nam mà tôi quen, và tướng đi của cô cũng không tha thướt hoặc làm dáng chút nào. Cô mặc quần jean, áo sơ mi màu xanh đậm bỏ ngoài quần, chân mang giầy tennis trắng. Tóc cô cột ngược về phía sau thành một một lọn rỗi giữ chặt bằng cây trâm nhựa nhọn hoắt. Đôi vai ngang của cô vì vậy càng thêm ngang. Căn cứ vào tờ khai lý lịch, tôi biết cô kém tôi một tuổi. Cô tên Thiên Lý, Lê Thiên Lý. Sau khi giúp cô hoàn tất hồi sơ, tôi gợi chuyện:
- Cô đang đi học?
- Tôi vừa đi học vừa đi làm. Lấy GD xong thì học nghề y tá.
Vậy là cô không phải dân du học. Tôi hỏi tiếp:
- Cô đi làm ở đâu? Có gần đây không?
Vừa cất giấy tờ vào chiếc xách tay bẳng vải denim, cô vừa trả lời:
- Buổi chiều "moa" làm waitress ở nhà hàng kiếm tiền giúp "ông bà già". Thứ bảy tới võ trường dậy Judo. Cũng gần đây thôi.
Trời đất, nàng dậy Judo? Hèn gì tướng tá nàng nhiều nam tính hơn nữ tính, kể cả bộ ngực rất khiêm tốn của nàng. Nàng "ăn tiền" nhờ nụ cười tươi và đôi mắt long lanh như hai ánh sao. Tôi kéo dài câu chuyện:
- Wow... Cô dậy võ! Chắc đẳng cấp phải cao lắm?
Nàng dấm dẳng trả lời:
- Đai đen. Đệ nhất đẳng .
Bỗng nàng trở nên bực dọc, nói tiếp:
- Mẹ kiếp, dạo 54, ông bà cha mẹ tôi chạy bọn Việt Cộng trối chết. Năm ngoái chạy tiếp, kéo theo cả đàn con, trong đó có tôi.
Lần đầu tiên tôi mới nghe một cô gái chửi thề tỉnh bơ trước mặt nam giới chẳng ngại miệng. Bị kích thích vì tính khí khác người của nàng, tôi hỏi thêm:
- Gia đình cô có ai bị sót lại không?
- Ông anh rể và thằng em trai. Chẳng biết bây giờ ra sao.
Nàng chuẩn bị ra về. Tôi cố hỏi thêm:
- Gia đình cô ở gần đây?
- "Ông bà già" ở thành phố kế bên. Tôi ở đây với mẹ nuôi.
Câu trả lời của nàng tôi làm tôi thắc mắc, nhưng không dám hỏi thêm, sợ nàng gắn cho cái nhãn hiệu tò mò thì quê lắm. Những ngày sau đó, nghĩ đến vẻ ngang tàng và thái độ coi tôi như cục gạch của Lý, tôi cảm thấy thú vị và tự nhủ sẽ tìm hiểu hơn về nàng.

Sau mấy lần tiếp xúc với tôi trong công việc, Lý có vẻ thân thiện và cởi mở hơn. Nàng bảo nàng muốn học điều dưỡng vì hồi còn bên Việt Nam nàng có những kinh nghiệm không mấy đẹp với giới y tá bên đó. Thay vì "lương y như từ mẫu" thì phần đông họ dữ như hà bá, muốn làm "ma nhà thương" thay vì tiên nương áo trắng. Có dạo mẹ Lý đau nặng phải nằm bệnh viện . Tâm lý người bệnh thường lo sợ, và vì vậy hay gọi y tá. Gọi năm lần bảy lượt y tá mới đến, trợn mắt quát nạt:
- Đau thì ráng mà nhịn, kêu gì mà kêu hoài! Mỗi chút mỗi kêu. Bộ tôi làm đầy tớ mấy người hả?
Cảm nhận được tâm tình của những người bệnh qua chính mẹ mình, Lý muốn học làm bác sĩ, nhưng tự biết không đủ điều kiện nên cô quyết định học điều dưỡng. Tôi nhìn Lý, thán phục. Đằng sau cái bề ngoài ngang tàng và ngổ ngáo của nàng là một tấm lòng nhân ái vị tha.

Lý cho tôi biết hiện nay "ông bà già" đang ở với hai cậu con trai và bốn cô con gái trong một chung cư ở thành phố kế bên, chỉ cách nửa giờ lái xe. Lý là con thứ hai trong gia đình. Người chị cả của nàng ở căn apartment kế cạnh với bốn đứa con nhỏ. Đứa lớn mới có bảy tuổi. Đứa nhỏ nhất vừa ăn sinh nhật thứ hai tháng trước. Chị đang đi làm "house keeping" cho gia đình một ông mục sư. Mẹ Lý làm việc vặt trong nhà bếp của trường tiểu học địa phương và "ông gìa" nàng làm tài xế gia đình, đưa đón vợ con và bốn đứa cháu ngoại mỗi ngày. Lý bảo tôi nàng và "ông già" nàng kỵ tuổi nên rất khắc khẩu, hai cha con cứ xáp lại một lúc là có chuyện để hục hặc nhau.

Lúc còn bên Việt Nam, "ông già" đi làm trên Sàigon trong khi gia đình ở Biên Hòa do việc buôn bán của mẹ nàng ở đây. Là công chức trung cấp nhưng công việc của ông không có "tài ngoài" nên tiền lương của ông chẳng đủ nuôi bầy con chín đứa. Vì vậy, vợ ông phải tảo tần bán buôn với cái cửa hàng tạp hóa ngoài chợ. Ông ở trọ trên Sàigon với gia đình người anh, chỉ về với vợ con vào mỗi cuối tuần nên bao nhiêu chuyện trong gia đình ông giao phó hết cho vợ. Lý lén mẹ theo học Judo, cứ rảnh rỗi là vô võ trường đấm đá huỳnh huỵch. Có lần đấu biểu diễn, nàng bị người bạn đồng môn đá vẹo mũi. Nàng bảo "ông già" nàng bị té Honda để bị ông đánh cho một trận kinh hồn vì tội nói láo không có "căn". Té Honda mà sao chỉ vẹo lỗ mũi, còn thân thể chẳng có một vết trầy. Chưa học hết lớp mười hai thì Lý bỏ ngang đi làm, vì một cô bạn giới thiệu nàng vào làm thông dịch viên cho cơ quan DAO ở Sàigòn với số lương gấp ba số lương của ông già nàng! Ông già biết nàng đi làm sở Mỹ thì giận lắm. Ông chỉ vào mặt nàng quát :
- Tao chưa đến nỗi để cho chúng mày chết đói thì mày cũng đừng để người ta cười vào mặt tao! Nhục nhã lắm, mày có biết không?
Lý sợ, nhưng vẫn cố biện minh cho việc làm của mình. Nàng ra đứng gần cửa, chuẩn bị... chạy nếu bị đánh:
- Làm gì mà bố phải nhục? Bộ đi làm cho Mỹ là phải làm đĩ hay sao?
Ông già gầm lên:
- Mày còn già họng hả? Mày không làm đĩ, nhưng người ta cứ cho mày là đĩ! Mai đây có... chó nó cưới mày về làm vợ! Mày muốn làm gái già thì tao cho mày vừa ý! Tao không cần tiền của mày. Gia đình này chưa có chết đói!

Mặc cho "ông già" sỉ vả nàng cứ tiếp tục đi làm. Lý không muốn thấy mẹ đăm chiêu tính toán chuyện chi tiêu, mua sắm trong gia đình. Nàng muốn các em được ăn mặc tươm tất và không phải mang mặc cảm nghèo hèn với bạn bè. Bởi vậy, mỗi cuối tuần Lý sang nhà Hiền, cô bạn thân đã giới thiệu sở làm cho nàng , để lánh mặt và tránh những cơn lôi đình của ông già. Không chửi được Lý, thì ông quay qua tấn công vợ, đổ thừa vợ tham tiền, không răn đe con cái thay ông.

Nhưng rồi chính nàng là người đã cứu cả gia đình, đem mọi người di tản theo cơ quan hai ngày trước khi miền Nam lọt vào tay cộng sản Bắc Việt, kể cả bà chị lớn và bầy con nhỏ. Ông anh rể và người em trai của Lý không tháp tùng được vì lúc đó cơ quan của nàng không được phép di tản những người của quân đội. Lý nghe nói thế nào rồi họ cũng sẽ được di tản theo đơn vị khi có lệnh của cấp trên. Lúc lên xe ra phi trường, anh rể và em trai cô bịn rịn đưa tiễn, cố giấu những giọt nước mắt đằng sau cặp kính sậm mầu, không mấy tin vào ngày đoàn tụ trong một tương lai . Hai người đàn ông chấp nhận ở lại như một hy sinh cho sự sống còn của những người thân yêu . Nhìn mấy đứa cháu vươn mình lên cố quay lại nhìn bóng cha đang dần khuất phía sau xe nàng cắn răng nén khóc, ôm lấy mẹ đang rũ người trong những tiếng nấc đứt đoạn. Bố nàng mím chặt môi , hai con mắt đỏ hoe, một bàn tay nắm chặt, tay kia giơ cao vẫy chào từ biệt hai người con đang chay bên hông xe như cố thâu cho hết những hình ảnh cuối cùng của người thân vào trong trí nhớ.

Gia đình Lý rời trại tạm cư Pendleton do sự bảo lãnh của một gia đình ở Kansas. Khi mọi người đã tạm ổn định với cuộc sống mới, Lý bắt đầu xúc tiến việc lấy chứng chỉ GD vì đây là đòi hỏi đầu tiên của chương trình học điều dưỡng. Trong thời gian đi học, Lý chiếm được cảm tình của một bà giáo góa bụa không con. Bà nhận Lý làm con nuôi, đem nàng về ở với bà để nàng có thể chú tâm vào việc học. Bà mua cho nàng một chiếc xe tuy cũ nhưng còn khá để nàng di chuyển.

Tình bạn giữa tôi và Lý tăng theo tỉ lệ thuận với số ngày chúng tôi quen nhau. Tôi bị vẻ bạo dạn và tính tình ngay thẳng của nàng chinh phục, nhưng tôi biết mối quan hệ của chúng chưa có bóng dáng của tình yêu. Hình như Lý cố tránh né, không muốn cho tôi cơ hội để đến gần nàng hơn. Thỉnh thoảng đi coi movie ngoài trời với nhau, ngồi chung trong xe giữa môi trường rất riêng tư, nhưng tôi chưa bao giờ dám lộ một cử chỉ âu yếm thân mật nào với nàng . Có lần tôi đánh bạo kéo nàng lại gần để dò phản ứng. Lý dựa đầu vào vai tôi một cách... ngoan ngoãn, vừa nhai kẹo vừa theo dõi màn ảnh. Nhưng khi tôi vuốt ve cánh tay nàng, Lý liền bảo:
- Nhột! Lý không thích!
Tôi làm gan tán nhảm:
- Cho anh hôn thì hết nhột liền một khi!
Nàng hất tay tôi ra khỏi vai nàng, vênh mặt, bỉu môi:
- Đừng có ham. Để yên thì Lý tiếp tục đi chơi với, còn không thì nghỉ chơi luôn đi! Mấy người đàn ông sao ưa lộn xộn quá thể!

Tôi thở dài, để yên tay trên vai nàng. Tự nhiên tôi đâm ra ghiền cô con gái khô khan này mới khó hiểu. Hoa Thiên Lý là một loài hoa trắng nho nhỏ hiền lành. Người ta dựng giàn cho hoa leo để mùi thơm thoang thoảng của hoa làm dịu đi cái oi nồng của những ngày nóng cháy. Khi hoa gần tàn, người ta hái hoa nấu canh ăn cho mát. Nhưng Thiên Lý ngồi bên tôi lại là một hành trình ngàn dặm đầy thử thách mà tôi đang cố vượt qua.

Một hôm Lý mời tôi về nhà cha mẹ ruột để ăn mừng vì mới nhận được tin của người anh rể và đứa em trai từ Việt Nam. Họ vẫn còn sống nhưng đang bị nhốt trong mấy trại tập trung mà người ta gọi là "trường cải tạo". Từ ngày sang đây, bố nàng bớt khó khăn, bớt càm ràm với Lý, vì ông biết rằng nếu không nhờ nàng, nhờ cái "sở Mỹ" của nàng, thì giờ đây ông cũng đang đi tù "mút mùa lệ thủy". Đến nhà nàng hôm đó tôi mới biết là Lý rất khác các cô em gái và bà chị của nàng. Tất cả đều xinh đẹp hơn nàng, thùy mị hơn nàng, và ai cũng trang điểm phấn son. Lý đi làm với gương mặt trần, chỉ một chút má hồng và một thoáng phơn phớt son môi. Nàng thường mặc quần và áo sơ mi. Có một lần thấy nàng mặc váy và áo jacket mầu xanh nhạt, tôi khen nàng duyên dáng và đề nghị nàng mặc váy thường xuyên hơn. Nàng lắc đầu:
- Mặc váy vướng víu thấy "bà". "Chơi" quần jean là tiện nhất. Bộ đồ này bà già nuôi mua tặng nên "moa" mặc cho bà vui.

Lúc Lý ra đón tôi ở cửa tôi ngạc nhiên đến sững sờ! Lần đầu tiên tôi thấy nàng mặc áo dài! Nàng xinh đẹp một cách lạ lùng! Nữ tính nàng thể hiện rất rõ rệt qua làn tóc buông xõa trên bờ vai và chiếc áo dài ôm gọn thân hình thon thả của nàng. Tôi vẫn nghĩ chiếc áo dài Việt Nam là loại y phục kín đáo nhưng gợi cảm nhất thế giới, và lúc này, Lý là một nhân chứng hùng hồn nhất. Có lẽ tôi đã thật sự bị tiếng sét ái tình kể từ giây phút đó. Nhìn bản mặt ngơ ngẩn của tôi, Lý cười dòn:
- Coi kìa! Làm gì như kẻ mất hồn vậy hả?
Tôi nhìn nàng mê muội:
- Ừ, anh mất hồn thật. Hôm nay Lý đẹp như tiên giáng trần.
Lý cỏ vẻ thẹn thùng. Nàng nguýt yêu tôi và nói nhỏ:
- Nịnh đầm vừa vừa thôi nghen!

Lần đầu tiên gặp ông già của nàng tôi hơi khớp, nhưng ông cụ tiếp đãi tôi khá vui vẻ. Có lẽ ông cần đẩy nàng đi lấy chồng cho mau kẻo nàng mang họ ê sắc đến nơi. Nhìn mẹ nàng, tôi nghĩ có lẽ thời còn trẻ bà đã từng làm nhiều gã đàn ông đêm về ngủ mơ, vì nay tuy đã lớn tuổi mà bà còn mang nhiều nét ưa nhìn. Tóc bà điểm rất ít sợi bạc, da mặt bà trắng và mịn màng. Bà có nụ cười chừng mực quí phái. Các em gái của Lý giống bà, cô nào cũng nhẹ nhàng và đằm thắm, trong khi Lý có nhiều nét giống cha, nhất là cái vẻ mặt cứng cỏi, cương nghị của nàng.

Thời gian sau đó Lý mời tôi về nhà mẹ nuôi những khi nàng trổ tài nấu món ăn Việt Nam đãi bà. Hình như nàng cũng đã có nhiều cảm tình với tôi hơn, vì dạo này nàng không cự nự khi tôi gọi nàng bằng "em" hoặc "cưng" nữa, dù thỉnh thoảng nàng vẫn còn gọi tôi bằng những danh từ và đại danh từ chẳng mấy ngọt ngào . Tôi cũng vẫn chưa có can đảm nói câu "anh yêu em" với nàng. Sợ bị nàng cho "nghỉ chơi" thì buồn biết mấy!
Vài tuần lễ sau khi được tin của em và anh rể, nàng cũng nhận được tin Hiền, cô bạn ngày xưa đã từng "chứa chấp" mỗi khi nàng phải trốn tránh ông già. Vợ chồng Hiền cũng không chạy thoát được trong thời gian di tản, và cũng như anh rể và em trai của Lý, chồng Hiền đang ở tù vô hạn định. Lý đến báo tin mừng cho tôi biết, rồi tuyên bố:
- Lý phải nghỉ việc "chùa" ở USCC để đi kiếm thêm việc làm giúp con Hiền. Với lại cũng phải gởi tiếp tế về nhờ nó đi thăm nuôi em trai và anh rể của Lý luôn.
Lúc đó nàng sắp mãn khóa. Tôi sợ nàng đi làm nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến ngày ra trường, nhưng nàng bảo:
-Lý tự lượng sức mình, anh đừng lo.
Nghe nàng gọi mình bằng anh, tôi mừng hết lớn. Vậy là tôi cũng có một chút hy vọng được nàng cho ôm hôn một ngày đẹp trời nào đó!

Vừa đi học full time, vừa đi làm hai jobs, người Lý sút thấy rõ. Sau, nàng quyết định thôi dậy võ làm tôi mừng rỡ thở phào. Thỉnh thoảng tới võ trường xem nàng dậy, tôi sợ và phục nàng sát đất! Nàng nhảy tới, phóng lui, phạt ngang phạt dọc rồi chặt chém lung tung làm tôi chóng cả mặt. Học trò của nàng toàn là những tên Mỹ to lớn kềnh càng, có đứa to gấp đôi nàng. Tôi tự dặn lòng, đừng bao giờ dại dột chọc cho nàng giận! Nàng chỉ xách tôi lên quăng cho một cái thì gẫy xương, dập phổi!

Thời đó chưa có dịch vụ gởi tiền về Việt Nam. Người ta chỉ gởi quà, mỗi năm hai lần bằng hàng hóa. Bởi vậy, mỗi lúc rảnh rỗi, Lý đi mua thuốc tây, áo quần, xà bông, dầu gội đầu để dành. Khi thấy đã kha khá, Lý rủ tôi tới chợ Việt Nam gởi về cho Hiền, giao phó trách nhiệm đi nuôi ba người tù. Có lần Lý lén giấu tiền vào mấy thứ đồ chơi rồi viết note dặn Hiền đừng bán những món này, giữ lại cho con chơi! Lúc đó Hiền chưa có con, nên Hiền hiểu ám hiệu. Được vài ba lần thì bể mánh, công an Hải Quan tóm được, chẳng những bị tịch thâu tiền mà Hiền còn phải đi học lý thuyết ở công an phường hết mấy ngày! Thấy Lý vất vả quá tôi xót xa. Mỗi lần Lý đi mua hàng, tôi năn nỉ nàng cho tôi ké vài món, với lý do là tôi cũng thương tù như nàng vậy. Nàng miễn cưỡng nhận lời cho tôi vui. Khi đã lấy được bằng Registered Nurse rồi, Lý bảo tôi:
- Bây giờ Lý đi làm kiếm tiền cho con Hiền vượt biên. Khi nào nó sang tới đây thì Lý học tiếp lên cao.

Lúc đó ông bà già của Lý đòi dọn qua California ở, vì nghe bên đó có nhiều ngưòi Việt Nam, sinh hoạt cộng đồng náo nhiệt, nhất là khí hậu lại ôn hòa, ấm áp. Một lần nữa, họ chuẫn bị... di cư . Lý bảo tôi nàng muốn theo ông bà già, để có gì thì còn tiện bề thăm nom chăm sóc. Không muốn xa nàng, tôi vội xin nàng nhận tôi làm chồng. Nàng bảo:
- Lý nặng gánh lắm, anh không sợ à?

Nàng hỏi để mà hỏi, chứ nàng thừa biết là nàng đã cột chặt tôi vào ngón tay nàng từ lâu rồi! Nàng lại phán:
- Lấy Lý thì anh cũng phải "move" qua Cali!

Thế là tôi mau mắn ca bài "em ở đâu thì anh đó", xin nghỉ việc rồi từ giã cha mẹ lên đường theo vợ! Ông già nàng nghe tôi chịu theo nàng, có lẽ ông mừng phát khóc, vì cuối cùng cũng có đứa chịu được cô con gái " ngỗ nghịch" mà ông tưởng chẳng thằng đàn ông nào dám rớ tới vì sợ... vỡ mông. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức vội vàng để kịp ra đi vào thời gian bố mẹ nàng đã dự trù. Hôm đám hỏi, ông hỏi tuổi tôi rồi gật gù:
- Được... được đấy. Anh hơn nó một tuổi. Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một. Có điều anh phải ráng... dưới cơ nó một chút, vì nó cao số hơn anh!

Ôi, điều này ông không nói thì tôi cũng đã biết từ lâu. Nội việc tôi mau mắn từ giã gia đình, bỏ công bỏ việc để theo nàng cũng đã nói lên tất cả cái sự trên dưới của nàng và tôi rồi. Nàng theo đạo Phật, tôi theo đạo Tin lành. Chẳng có chùa chiền gì quanh đây, nên ông già nàng bằng lòng cho làm lễ cưới ở nhà thờ. Nàng còn nghĩ ra được một chuyện khác để thử thách sự dễ bảo của tôi:
- Hôm làm lễ ở nhà thờ Lý cho anh mặc đồ veston, nhưng lúc tiếp tân anh phải mặc áo dài khăn đóng.

Tôi không ham cái màn trình diễn thời trang đó chút nào, đang tìm cách thoái thác thì nàng phán, "Lý đã gởi mua cho anh rồi. Không mặc thì ông già không gả!"
Trời ơi đất hỡi, tống được con gái đi lấy chồng, đáng lẽ ổng phải mừng, phải thương tôi mới đúng, cớ sao mà còn hành hạ tôi cỡ này mới hả lòng? Đã trót thì phải trét (nói theo kiểu của mẹ nàng), tôi chẳng dám cãi. Hôm tiếp tân, tôi xém té mấy lần vì vấp ống quần. Gia đình tôi ai cũng có cảm tình với nàng, nên chẳng ai phàn nàn, bàn ra tán vào về đòi hỏi của gia đình nàng. Lúc tôi mặc thử bộ đồ "quốc hồn quốc tuý" lụng thụng, ai cũng phải cười nghiêng cười ngả.

Qua Cali, tôi và nàng may mắn kiếm được việc trong vòng hai tháng. Chúng tôi tìm mướn cho gia đình nàng một căn nhà bốn phòng ngủ gần khu chợ Việt Nam ở Westminster. Tôi và nàng thuê apartment gần nhà thương nàng làm. Hai vợ chồng đi làm trái giờ, nên mỗi đứa phải đi xe riêng. Trước khi Lý ra đi bà mẹ nuôi cho nàng một số tiền kha khá. Đáng lẽ dùng để làm downpayment mua một chiếc xe mới thì nàng lại quyết định:
- Thôi, em không mua xe mới đâu. Mắc nợ thêm mệt.

Vậy là tôi miễn cưỡng đưa nàng đi mua một chiếc xe second-hand, để nàng dành tiền gởi về cho Hiền tìm đường vượt biên, vì lúc đó phong trào vượt biên đang rầm rộ, và nhiều người đã sang được các trại tị nạn bên Thái, bên Phi. Tôi hỏi nàng:
- Nếu Hiền đi được thì ai sẽ lo cho ba người đang ở tù?
- Gia đình nó sẽ lo! Đi được người nào, hay người đó. Ở bên đó đói khổ lắm, tôi nghiệp nó anh à.

Tôi chẳng hiểu vì sao hai người đàn bà này thân nhau đến độ vợ tôi cứ lăn lóc đi làm, cứ cắc củm từng đồng, cứ nhịn tiêu xài để gởi về cho Hiền. Hiền cũng nghe lời khuyến khích của vợ tôi, nhưng đi chui mấy lần đều bị bể. Vài lần bị công an biên phòng bắt nhốt, vợ tôi lại gởi tiền về để gia đình Hiền lo lót cho nàng được thả. Lấy nhau vài năm mà Lý cũng chưa chịu có con . Tôi không vui thì nàng an ủi :
- Ráng thêm ít lâu nữa anh ạ! Thế nào Hiền cũng sẽ đi được thôi. Lúc nó qua đây đi làm kiếm tiền lo cho mấy người bên đó thì em nhẹ gánh, mình có con cũng không muộn !

Mấy năm sau Hiền vẫn chưa đi lọt. Vợ tôi bắt đầu thấy nản nên quyết định có con, vì sợ cái tuổi lý tưởng cho người đàn bà sanh con sẽ qua mất. Ngưng kế hoạch hóa mấy tháng mà chẳng thầy động tịnh gì, vợ tôi đi hỏi bác sĩ sản khoa. Bác sĩ nói nàng bị "stress" quá, làm việc nhiều quá, lại ngừa thai lâu nên bây giờ hơi khó thụ thai. Thế là tụi tôi phải đi trị bệnh hiếm muộn. Bác sĩ bắt nàng phải nghỉ ngơi, cắt bớt giờ làm việc ở nhà thương. Vợ tôi làm bớt giờ thì tiền lương hụt xuống. Để cho nàng yên tâm, tôi bèn xung phong đi làm thêm hai đêm cuối tuần ở một night club. Có hôm đi làm về mệt mỏi, tôi khuyên vợ tạm ngưng lo việc vượt biên của Hiền , chỉ nên chú trọng việc thăm nuôi ba người tù thôi, nhưng nàng không chịu. Lý rưng rưng bảo nàng tự thấy có bổn phận phải lo cho Hiền, vì dầu sao Hiền cũng là người gián tiếp đem lại những may mắn của gia đình nàng ngày nay. Càng ngày Lý càng cho tôi thấy rõ hơn cái tâm hồn cao quí của nàng và tôi yêu nàng hơn. Người ta chỉ thấy vợ tôi qua hình ảnh một người đàn bà bộ dạng cứng cỏi với những câu nói "bốp chát" và những thế võ kinh hồn . ..Thương vợ, tôi tiếp tục ngậm bồ hòn làm ngọt, cắm cúi đi làm bảy ngày một tuần, chẳng còn thì giờ và hơi sức đâu để đưa nàng dung dăng dung dẻ nơi này nơi kia , dù chung quanh có bao nhiêu bãi biển thơ mộng dọc con đường Highway I, từ chỗ chúng tôi chạy dài tới Long Beach. Phải thú thật, lắm lúc vợ chồng tôi cũng hục hặc điều qua tiếng lại vì tiền bạc không được xài thoải mái, nhưng luôn luôn tôi là người phải nhận lỗi và xin lỗi. Chỉ cần vợ cau mày là tôi đã muốn đầu hàng vô điều kiện, ngoại trừ mấy hôm lấy rượu làm thuốc liều tôi mới có can đảm nói những điều mà nàng bảo " nghe không lọt lỗ tai". Hèn gì ông già nàng hồi đó khuyên tôi phải chịu dưới cơ nàng. Con ổng tạo ra, ổng phải biết là đúng sách vở rồi! Đã chẳng thương tôi, mà mấy thằng em vợ còn mỉa mai :
- Anh sao sợ vợ quá xá, làm tụi tôi cũng khó ăn khó nói với mấy bà nhà này.

Tôi cãi, không phải là tôi sợ vợ, mà là tôi quá yêu vợ , không muốn làm vợ buồn. Thế thôi. Chưa bao giờ nàng phải xử dụng Judo để nói chuyện với tôi thì tôi có gì mà phải sợ!

Để rút ngắn câu chuyện, tôi xin nói ngay rằng sau khi Lý sanh đứa con đầu lòng được sáu tháng thì Hiền đi thoát và qua với vợ chồng tôi sau mấy tháng nằm đảo. Dĩ nhiên là vợ tôi mừng lắm lắm Tôi cũng mừng, vì từ nay không phải đi làm security ở night club mỗi cuối tuần, và có thêm thời giờ coi con thay vợ. Ngày trước Hiền cũng đi làm cơ quan DAO như vợ tôi nên qua đây cô tìm việc không khó lắm. Hiền vừa đi làm part-time tại một văn phòng bác sĩ, vừa đi học lớp "pharmacy technician".

Số là, hồi đó Hiền được một gia đình cho lên tầu, lấy trước một cây vàng, sau khi đến Mỹ thì vợ chồng tôi trả thêm cho họ hai ngàn nữa. Lý sai tôi ra ngân hàng vay tiền, vừa trả nợ cho Hiền vừa down cho nàng mua chiếc xe mới, vì giờ đây nàng muốn cho Hiền chiếc xe cũ của nàng. Tôi răm rắp nghe lời vợ, dậy Hiền lái xe mỗi cuối tuần! Hiền học lái mau lắm, thi chỉ một lần là đậu. Nhưng có một địều tôi không làm sao dậy nàng cho thành thạo được! Đó là việc de xe từ garage ra đường. Chả là cái garage nhà tôi nằm tuốt phía sau nhà. Mỗi lần đem xe ra đi làm, Hiền không thể nào de thẳng được! Hôm thì quẹt hàng rào, hôm thì leo vô sân cỏ! Trời mưa thì, ô hô, vườn cỏ của tôi tự nhiên có hai rãnh nước sâu hoắm. Mấy lần phải đắp đất trồng lại cỏ, tôi ước gì tôi có thể đá vào mông cô mấy cái cho cô bớt ngu! (Xin lỗi, tôi chửi lén cho đỡ tức).

Mấy năm sau, chồng Hiền, em trai và anh rể của Lý cũng lần lượt sang Mỹ sau nhiều đợt đi chui trầy da tróc vảy. Ngày nay thì ai cũng nhà cửa đề huề, công ăn việc làm chẳng thua kém những người đến trước là bao. Hiền và Lý lúc nào cũng như keo sơn, thương nhau còn hơn chị em ruột, lắm lúc làm tôi phát ghen, phát phiền lên được. Không phải chạy tiền gởi về VN nữa, vợ tôi đi học trở lại . Ngày nay nàng là một nurse practitioner tận tuỵ. Vợ chồng tôi có hai con, một trai một gái. Đứa con trai có tên trong giấy tờ là Benjamen, goị tắt là Ben. Đứa con gái tên Holly. Vậy mà nàng bắt mọi người gọi chúng là Biên và Hoà, để kỷ niệm nơi gia đình nàng cư ngụ lúc còn bên quê nhà. Mỗi tuần nàng bắt cha con tôi chở nhau đi học tiếng Việt, vì sợ con cái quên tiếng mẹ đẻ! Một hôm, sau lớp học, cha con tôi dẫn nhau đi ăn . Con gái tôi dõng dạc order đồ ăn:
- Chú cho bố cháu tô phở tái, cho anh cháu tô hủ tiếu Mỹ Tho. Còn cháu, một tô bún riêu không có huyết!

Anh chàng waiter ngạc nhiên, trợn mắt nhìn nó như nhìn một Maika từ trên trời rơi xuống. Cả phút sau, anh ta "hòan hồn", cười toe toét nói với cô waitress vừa đi tới:
- Trời đất ơi, cô bé người Mỹ này nói tiếng Việt rành hơn con Việt Nam!
Con gái tôi vội trả lời:
- Không phải! Cháu là người Việt Nam chính hiệu con nai vàng chú ơi!
Cô waitress cười rũ người:
- Dóc quá đi! Người Việt Nam chính hiệu mà da trắng, mũi lõ!
Quay sang tôi, cô hỏi bằng tiếng Anh:
- Bé học tiếng Việt bao lâu rồi mà nói rành quá hả ông?
- Dạ... học từ hồi còn trong bụng mẹ!
Tôi trả lời bằng tiếng Việt. Thực khách mấy bàn xung quanh quay lại nhìn cha con tôi, ngạc nhiên và thích thú lắm.

Và, còn điều này nữa, tên cúng cơm của tôi là Calvin, mà suốt ngày nàng gọi tôi là Công, vì nàng tên Lý! Có công lý giữa vợ chồng tôi hay không thì tôi không dám chắc, nhưng tôi biết chắc là suốt đời tôi không bao giờ dám "kháng án" dù nàng có xử ức cho tôi cỡ nào chăng nữa ! Bây giờ thì tôi hiểu vì sao ông gìa vợ tôi nói câu "Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một"! Tôi sanh nhằm năm con trâu, còn nàng sanh năm con cọp. Nhiều khi tôi tự hỏi cha con tôi là người Việt gốc Mỹ, hay người Mỹ gốc Việt?

No comments:

Blog Archive