Tuesday, August 12, 2008

VỀ SOLZHENITSYN, NHÀ VĂN NGA

Trương Đ. Trung

Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn, người được nhận gỉai Nobel văn chương năm 1970, vừa tạ thế hôm qua, Chủ Nhật 3/8/2008, vì bệnh tim, hưởng thọ 89 tuổi.

Một số những tác phẩm nổi tiếng của Ông như  One day in the life of Ivan Denisovich, The Goulag of Archepelago, The first circle đều đã được dịch ra Việt ngữ trước năm 1975 ở Miền Nam và rất quen thuộc với nhiều người, nhất là giới sinh viên, học sinh.

Solzhenitsyn sinh năm 1918, trong một gia đình Cossack ở phía bằc vùng núi Caucasus, nằm giữa Hắc hải và Caspean. Thân phụ Ông là một sĩ quan pháo binh, tham dự đệ nhất thế chiến, và qua đời lúc Solzhenitsyn mới 6 tháng tuổi. Ông lớn lên trong cảnh nghèo, thân mẫu của Ông phải làm thêm việc vào buổi tối để nuôi Ông. Vì gia cảnh, Solzhenitsyn đã phải từ bỏ mộng học văn chương ở Mạc-tư-khoa; thay vào đó Ông vào học đại học Rostov phân khoa Toán-Lý và tốt nghiệp năm 1941. Khoảng những năm 1939-1941 Ông học hàm thụ văn chương trường đại học Mạc tư Khoan. Solzhenitsyn tham dự đệ nhị thế chiến với tư cách một đại úy pháo binh, hai lần được tưởng thưởng huy chương.

Rất sớm, Solzhenitsyn đã có bài viết phê phán Lenin. Tuy có công trạng trong đệ nhị thế chiến, khoảng năm 1945-1953 Ông đã bị tù, rồi bị đày qua Kazakhstan vì viết bài chỉ trích Staline nhan đề :"Người với bộ ria mép" ( The man with mustache). Trong thời gian lưu đày, có lần Ông bị ung thư dạ dày nhưng qua khỏi. Những kinh nghiệm này đã giúp Ông viết, trong bí mật, cuốn Cancer Ward và cuốn The First Circle ( Tầng đầu điạ ngục).

Vào năm 42 tuổi, dưới thời xét lại và hạ bệ Staline của Khrushchev, Solzhenitsyn cho ra đời cuốn One day in the life of Ivan Denisovich mô tả sự khủng khiếp của một ngày bình thường trong trại khổ sai Liên Xô thời Staline. Quyển sách gây tiếng vang cả trong lẫn ngoài nước. Tiền tác quyển quyển sách đã giúp Ông mua được một chiếc xe hơi nội hoá.

Năm 1968, Solzhenitsyn cho ra đời cuốn The First Circle nói về cảnh ngộ của giới trí thức, các nhà khoa học trong các nhà tù và trại lao động. Họ bị cưỡng bức lao động và thảo luận không ngừng về chính tri và đạo đức Cộng sản chủ nghiã. Nhan đề của quyển sách dẫn từ tập thơ Inferno nổi tiếng của Dante trong đó mô tả tầng địa ngục thứ nhất là nơi ít đau khổ. Nếu người tù không làm đạt chỉ tiêu lao động thì sẽ bị đưa xuống tầng thứ hai, đau khổ hơn.

Nhưng rồi thời kỳ xét lại qua đi, Khrushchev bị loại, những tác phẩm về sau của Solzhenitsyn bị tịch thu, cấm xuất bản, bản thân Ông bị khai trừ ra khỏi Hiệp hội Nhà văn. Các tác phẩm của Ông được chuyển lén ra ngoại quốc và kể từ đó tên Ông nổi như cồn ở phương Tây.

Tác phẩm nổi nhất là cuốn The Gulag Archipelago được chuyển lậu ra ngoài dưới dạng vi phim và xuất hiện lần đầu tiên năm 1973 ở Paris. Quyển sách dựa vào nhiều nguồn tài liệu, báo cáo, nhân chứng sống về mạng lưới nhà tù và trại khồ sai rãi rác như những hải đảo trên biển nước Nga mênh mông. Đây là một bản cáo trạng hùng hồn về chế độ độc tài, công an trị tàn bạo của Cộng Sản Liên Xô thời hung thần Staline. Vì quyển sách này, Ông bị nhà cầm quyền Sô Viết cáo buộc tội phản bội.

Năm 1970, Solzhenitsyn được trao giải thưởng Nobel văn chương do “sức mạnh đạo đức Ông đã cống hiến trong việc hoằng dương những truyền thống đặc trưng của văn học Nga” ( for the ethical force with which he has pursued the indispensable traditions of Russian literature). Nhưng vì sợ sẽ bị ngăn trở không cho về lại nước Nga nên Ông đã không đi Stockholm để nhận giải. Mãi đến năm 1974, khi bị trục xuất, Ông mới nhận.

Ngày 12/2/1974, dưới thời Leonid Brezhnev, Solzhenitsyn bị kết án là "đã thực hiện một cách có hệ thống những hoạt động không phù hợp với tư cách công dân Sô viết và phương hại cho Liên Sô " ( for the systematic execution of actions incompatible with Soviet citizenship and harmful to the USSR), Ông bị 7 công an KGB áp tải bằng máy bay của hảng Aeroflot, trục xuất qua Frankfurt, Tây Đức. Một tháng sau, nhạc mẫu, vợ và 3 con của Ông được cho đoàn tụ với Ông. Lúc đầu Solzhenitsyn định cư ở Thụy Sĩ. Đến năm 1976, Ông qua Mỹ, chọn ở bang Vermont là nơi có cảnh trí hơi giống với nội địa Nga.

Tại Mỹ, Solzhenitsyn đã sống một đời ẩn dật, tránh tiếp xúc với báo chí và giới thượng lưu của Mỹ. Trong khi mong đợi ngày hồi hương, Ông dùng toàn bộ thời gian để viết anh-hùng sử nước Nga. Tuy phê phán gay gắt chế độ CS, nhưng Ông đã không tỏ ra vồ vập, hoặc trút hết thiện cảm cho các chế độ chính trị, xã hội Tây phương. Ngược lại, Ông lên án xã hội Tây phương mà Ông cho là sa đoạ, ích kỷ, quá nặng về vật chất và cá nhân chủ nghiã. Ông cũng chỉ trích về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và sự hòa hoãn của Tây phương tại Hội Nghị An ninh và Hợp tác Âu châu ở Helsinki.

Những chỉ trích Tây phương của Solzhenitsyn cô đọng nhất trong bài diễn văn Ông đọc tại đại học Havard ngày 8/6/1978 trước một cử toạ đông đảo hàng chục ngàn người gồm các sinh viên sắp tốt nghiệp cao học, các giáo sư đại học và đông đảo các học giả tiếng tăm của Mỹ.

Trước hết Ông công kích thái độ tự tôn mù quáng của Tây phương khi tin rằng hệ thống của họ là tốt nhất, là mẫu mực chung cho mọi quốc gia trên hành tinh này; là thước đo sự phát triển của các quốc gia; và dần dà những khác biệt của thế giới sẽ hội tụ về trong khuôn mẫu dân chủ đa đảng của Tây phương. Solzhenitsyn cho rằng niềm tin đó là sai lầm, Tây phương đã không hiểu được yếu tính của những hệ thống khác, đã chỉ đem tiêu chuẩn của riêng mình để đánh gía sự phát triển của những hệ thống đó, và sẽ không thể có sự hội tụ giữa những khác biệt Đông-Tây. Ông cũng chỉ ra rằng đi đôi với thái độ tự tôn là sự sút giảm lòng can đảm nơi giới trí thức, thành phần lãnh đạo của Tây Phương; những người thường ngày tỏ ra oai quyền đối với chính phủ của các nước nhược tiểu, nhưng lại nhút nhát trước các cường quốc và những kẻ xâm lăng.

Con người trong xã hội Tây Phương, theo Solzhenitsyn, do quá sung túc về vật chất, quá giàu có, chỉ biết có tiền bạc và sự nhàn hạ, được hoàn toàn tự do theo đuổi sự hưởng thụ nên không còn khả năng chấp nhận hy sinh cá nhân mình cho những giá trị chung hay cho quyền lợi quốc gia. Solzhenitsyn cho rằng chính đời sống sung túc vật chất Tây Phương này đang bộc lộ những tai hại của nó; đó là sự nghèo nàn và trống vắng về tinh thần của con người trong xã hội.

Solzhenitsyn cũng phê phán chế độ luật pháp, là nền tảng cho mọi sự tổ chức của xã hội Tây Phương. Trước hết Ông cho rằng hệ thống luật pháp là quá phức tạp. Hơn nữa mọi người đều tôn thờ Luật Pháp, tin rằng đó là giải pháp tối cao ( the supreme solution) duy nhất cho mọi tranh chấp trong xã hội. Mọi người tự do hành động đến tận cùng giới hạn của Luật pháp mà không hề có một sự tự chế nào về mặt đạo đức. Solzhenitsyn cho rằng một xã hội không biết đến hệ quy chiếu nào khác hơn Luật pháp thì cũng tệ không khác gì một xã hội không có một hệ thống luật pháp khách quan. Ông cho rằng Luật pháp Tây Phương quá lạnh lùng và hình thức nên không mang lại ảnh hưởng tốt cho xã hội. Chẳng hạn, một công ty dầu hoả có quyền bỏ tiền ra mua bản quyền một phát minh về năng lượng mới để ngăn cản không cho phát minh ấy được xã hội xử dụng rộng rãi. Trong trường hợp đó, công ty dầu không hề bị một sự chế tài pháp lý nào cả, tuy rằng xét từ góc độ đạo đức công ty đó, có lẽ, đang gây thiệt hại cho quyền lợi chung của xã hội.

Solzhenitsyn cũng chỉ trích sự tự do quá trớn của cá nhân và của báo chí trong xã hội Tây Phương. Ông cho rằng sự đề cao quá mức cho việc bảo vệ quyền tự do cá nhân đôi lúc làm cho quyền lợi cộng đồng bị đe doạ và xã hội, xét như một thực thể, mất đi khả năng tự vệ; và rằng người ta quá đề cao nhân quyền ( human rights) mà không đề cao một cách tương xứng nghĩa vụ của con người (human obligations). Tự do của Phương Tây, như vậy, theo Solzhenitsyn, là một sự tự do hủy diệt và vô trách nhiệm, làm cho xã hội mất đi khả năng bảo vệ chống lại sự sa đoạ của con người; một sự tự do bắt nguồn từ quan điểm nhân bản sai lầm rằng “ nhân chi sơ tính bản thiện “.

Trong lãnh vực báo chí, Solzhenitsyn nhận định rằng giới báo chí Phương Tây, ngoài những quan tâm về luật pháp, không bị ràng buộc bởi trách nhiệm đạo đức đối với việc thộng tin sai lạc, không phù hợp, hoặc những bình luận hời hợt, nóng vội, non nớt hay nhầm lẩn. Báo chí Phương Đông ( Nga sô) chịu sư lãnh đạo độc đoán thống nhất đã đành, nhưng báo chí Phương Tây cũng hợp nhất không kém dưới những khuôn mẫu chung do công tác thông tin bị thu tóm trong tay một thiểu số tập đoàn truyền thông. Ở Phương Tây, mọi tư tưởng, mọi quan điểm đều được tự do, không bị cấm đoán. Tuy vậy, không phải tất cả mọi ý tưởng đều đưọc các phương tiện truyền thông quảng bá đồng đều như nhau. Trái lại chỉ có những ý tưởng phù hợp với trào lưu (fashion) chung là được ưu đãi. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ việc tạo ra, hay uốn nắn, trào lưu chung đó không thuộc về độc giả mà thuộc về các tập đoàn truyền thông.

Solzhenitsyn cũng cho rằng xã hội Tây Phương chắc chắn không là mô hình đáng cho nước Nga của Ông noi theo vì con người Tây Phương có một đời sống qúa dễ dàng, nặng về vật chất, không được trui luyện nhiều trong nghịch cảnh nên nghèo nàn về tinh thần. Điều này bộc lộ ra ở sự sa đoạ trong nghệ thuật, sự thô lỗ trong âm nhạc và sự thiếu vắng những chính khách tầm cỡ. Solzhenitsyn hình dung rằng chỉ cần không có điện trong vài giờ là xã hội Tây Phương có thể rơi vào cảnh hôi của và hổn loạn rất dễ dàng vì hệ thống xã hội đó không ổn định và lành mạnh.

Về mặt chính trị, Solzhenitsyn phê phán sự thiển cận trong quan điểm của một số lý thuyết gia Tây Phương, tiêu biểu như George Kennan, cha đẻ của chính sách Ngăn Chận (Containment policy) nổi tiếng trong Chiến Tranh Lạnh. Kennan đã từng nói rằng:

“ Chúng ta không thể đem áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức vào chính trị” ( We can not apply moral criteria to politics).

Solzhenitsyn cho rằng nói như vậy tức là trộn lẩn cái tốt với cái xấu, đúng với sai, tạo ra kẻ hở cho cái Ác toàn thắng thế giới. Theo Ông Tây Phương cần phải dựa vào các tiêu chuẩn đạo đức trong việc chống lại chiến lược toàn cầu của Cộng Sản. Sự thất bại của Mỹ, một siêu cường với tất cả sức mạnh, trước chỉ một nửa nước VNCS là một bằng chứng về sự ươn hèn, thiển cận của trí thức Tây Phương trong lãnh vực chính trị quốc tế; làm sao có thể hy vọng Tây Phương có thể đứng vững trong tương lai khi lúc bấy giờ Mỹ đã thua trận như vậy.

Theo Solzhenitsyn, các nước dân chủ Tây Phương, chưa hề tự mình chiến thắng một cuộc chiến tranh lớn nào, trái lại đã phải nhờ đến Cộng Sản Liên Xô để có thể thắng Đức Quốc Xã trong đệ nhị thế chiến, và có lẽ đang phải nhờ đến Trung Quốc để thắng Liên Xô; có nghĩa rằng đã và đang phải liên minh với cái Ác để giành phần thắng, và đó chính sẽ là tai hoạ cho Tây Phương.

Cuối cùng, Solzhenitsyn quy kết tất cả những nhược điểm trên đây của Tây Phương vào sự sai lầm căn bản có gốc rễ trong chủ nghĩa Nhân Bản ( humanism). Theo Ông, từ sau thời Phục Hưng khi xã hội Tây Phương thoát ra khỏi sự tăm tối của thời Trung Cổ, những tư tưởng của thời Ánh Sáng đã gíup giải phóng con người khỏi sự áp bức độc đoán của thần quyền, trở thành nền tảng cho cơ cấu cấu chính quyền và khoa học xã hội mới trong đó chủ nghĩa nhân bản duy lý là trung tâm. Con người từ đó tự xem mình hoàn toàn tự trị, không còn ai cao hơn, ở trên mình. Solzhenitsyn gọi đó là Anthropocentricity: con người là trung tâm của tồn tại vũ trụ.

Và đó chính là một sai lầm, vì theo Ông, từ đó con người Tây Phương đã trở nên cực đoan, hoàn toàn quay lưng lại với Tinh Thần, ôm choàng lấy Vật chất với tất cả khát vọng vô biên của mình. Tư tưởng nhân bản duy lý thôi thúc con người chạy đuổi theo Vật chất với một tự do không giới hạn; quên rằng cái Ác gắn liền với bản chất của con người và với Vật chất, và rằng con người cần thoã mãn những nhu cầu Tinh thần khác cao hơn để cân bằng và vươn lên. Sự Tự do không thôi không đủ giúp xã hội giải đáp tất cả mọi vấn nạn hiên nay của Nhân loại.

Solzhenitsyn còn cho rằng Cộng sản và tư tưởng Tây Phương có cùng chung gốc rễ từ chủ nghĩa nhân bản duy lý và cả hai đều lấy việc thõa mãn đời sống vật chất làm mục tiêu; tự do hoàn toàn khỏi mọi trách nhiệm tôn giáo và cùng lấy hạnh phúc trần thế làm cứu cánh. Chính điều này giúp giải thích hiện tượng, tưởng chừng như khó hiểu, là có rất nhiều trí thức Tây Phương có thiện cảm với các chế độ Cộng Sản ở Đông Phương. Từ đó, Solzhenitsyn lý luận rằng sự phân hoá Đông Tây, Cộng sản-Tư bản, của Thế giới hiện nay tưy là một vấn đề, nhưng chưa phải là điều đáng ngại. Tai hoạ là ở chỗ cả hai-Cộng sản và Tư bản- đều cùng có chung một căn bệnh; đó là căn bệnh Duy Vật.

Cuối cùng con đường mà, theo Solzhenitsyn, Tây Phương nên đi là tiếp nối hành trình từ thời Phục Hưng đến nay, nhưng không bằng vào chủ nghĩa Nhân bản Duy lý Duy vật, mà bằng cách xác định bản chất hữu hạn của con người, thừa nhận sự tồn tại của một Thực Thể Toàn hảo Tối cao (Supreme Complete Entity) mà con người cần nương tựa vào đó để kìm hảm dục vọng của mình và tìm lại sự sở hữu đời sống Tinh Thần quý giá đã bị đánh mất. Đó là giải pháp Solzhenitsyn đã đề nghị cho Tây Phương sau khi phê phán họ kịch liệt trong bài diễn văn nổi tiếng ở Havard.

Trên đây là vắn tắt một số nhận định của văn hào Nga Solzhenitsyn đối với Tây Phương, nơi Ông đã lưu ngụ gần hai mươi năm trước khi hồi hương. Riêng đối với nước Nga hậu Cộng sản, những năm về sau này Ông cũng đã nhiều lần lên tiếng công kích Tổng Thống Nga Boris Yeltsin, cho rằng Yeltsin đã làm cho kinh tế Nga suy kiệt bằng cách cầu viện, và sau cùng bị lũng đoạn bởi, IMF, tạo ra cơ hội cho tư bản phương Tây khống chế và khai thác tài nguyên nước Nga; bất lực trong viêc ngăn chận sự bành trướng của khối NATO, và vì vậy làm suy yếu nền an ninh của Nga; dung dưỡng thiểu số triệu phú Nga làm tay sai cho ngoại quốc. Tổng Thống Yeltsin ngỏ ý trao tặng huy chương thánh Andrew, một huy chương cao quý, cho Ông, nhưng Solzhenitsyn đã từ chối không nhận. Và khi Boris Yeltsin từ chức, Solzhenitsyn là người đã đề nghị truy tố Yeltsin trước pháp luật về những thiệt hại đã gây cho nước Nga.

Trái lại, thời gian gần đây Solzhenitsyn có mối quan hệ thân thiện với Vladimir Putin, người kế vị Yeltsin. Cả hai đồng ý với nhau rằng do văn hoá đặc trưng của mình nước Nga sẽ có một đường lối riêng trong việc xây dựng chế độ dân chủ, khác với con đường của Tây Phương. Điểm đáng chú ý ở đây là Vladimir Putin trước kia thuộc về KGB của Cộng Sản Liên Xô, một cơ quan đã giam giữ, hành hạ và, sau cùng, trục xuất Solzhenitsyn ra khỏi Liên Xô.

Những nhận định, phê phán liệt ra ở trên, của Solzhenitsyn đúng hay sai là điều nằm ngoài khả năng xét đoán của người viết bài này, và hơn nữa đó không là vấn đề chính. Điều người viết chú ý hơn là những đức tính nơi con người đặc biệt này.

Trước hết, Solzhenitsyn là một nhà văn can đảm; một sự can đảm gây được sự cảm phục không chỉ từ những con người bị đàn áp, mà cả kẻ thù và từ tất cả những ai tôn trọng công lý và tự do trện thế giới,

Kế đến, Solzhenitsyn là một con người trung thực; Ông trung thực với mọi người và với chính bản thân. Ông sẳn sàng bày tỏ quan điểm và niềm tin của mình một cách thằng thắn, không khuất phục trước kẻ thù hung hản, cũng không quỵ lụy trưóc người bằng hữu quyền uy. Ông đã hiên ngang chống lại, bằng ngòi bút của mình, cả hệ thống chính quyền Sô Viết, đầu sỏ của hệ thống CS thế giới. Đến khi định cư ở Mỹ, Ông cũng đã thẳng thắn công khai phê phán các chính sách của nước chủ nhà. Đó là một sự trung thực đáng khậm phục.

Sự độc lập và cân bằng về mặt tư tưởng là một nét khác rất độc đáo của Solzhenitsyn. Là một trí thức chống Cộng Sản, nhưng khác với rất nhiều các nhà trí thức chống Cộng khác, Solzhenitsyn không nhảy từ thái cực này qua thái cực khác trong nhận thức. Ông chống Cộng sản, nhưng không tức khắc nhận ngay Tư bản là giải pháp duy nhất và cuối cùng cho đất nước của Ông. Trái lại, với óc phân tích sắc bén và suy tư độc lập, Solzhenitsyn đã nhận ra được những nhược điểm sinh tử của chế độ dân chủ tư bản, chỉ ra được sự trống vắng đáng sợ về tinh thần của văn minh Tây Phương. Có thể những nhận định của Ông chưa hẳn đã đúng hoàn toàn, nhưng điểm đáng nói ở đây là tính độc lập cao về tư duy của nhà văn Nga này.

Cuối cùng, Solzhenitsyn là một con người với lòng yêu nước thiết tha. Ông đã chứng tỏ một sự hiểu biết rất sâu sắc về nước Nga của Ông cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Việc dùng toàn bộ thời gian gần hai mươi năm ở Mỹ để nghiên cứu và viết thiên anh hùng sử của nước Ông là một bằng chứng. Và Ông đã không chọn nơi nào ngoài nước Nga làm quê hương của Ông. Solzhenitsyn đã không tự ý lià bỏ nước Nga đi tìm tị nạn chính trị ở ngoại quốc, Ông chấp nhận đối diện với kẻ thù dù phải bị tù đày ngay chính trên quê hương. Ông đã bị trục xuất. Cuối cùng, Ông đã quay về và chết trên quê hương yêu dấu của mình.

Tóm lại, Solzhenitsyn là một kẻ sĩ dũng cảm, trung thực, độc lập về tư tưởng và có một lòng yêu nước nồng nàn. Ông xứng đáng là nhân vật lịch sử của thế giới. Tiểu sử của Ông đáng cho chúng ta đọc và suy ngẫm. Nước Nga chỉ với hơn ngàn năm văn hoá đã sản sinh ra được một Solzhenitsyn. Liệu Việt Nam, tự hào với bốn ngàn năm lịch sử, sản sinh được bao nhiêu người ngang tầm cỡ ấy; nhất là có được một mức độ độc lập về tư duy như vậy ? Ước mong lắm thay!

Sunnyvale, CA ngày 5/8/2008.

Trương Đ. Trung


Thư mục:

1.- East and West, Solzhenitsyn. Harper& Row Publisher, inc. 1980.
2.-www.columbia.edu/cu/augustine/arch/solzhenitsyn/harvard1978.html.
3.-www.macleans.ca/culture/wire/article.jsp.
4.-www.kirjasto.sci.fi/alesol.htm.
5.-www.sfgate.com/cgi-bin/article.cfi?f.
6.-http://www.youtube.com/watch?v=28U0Wsfyxu0.

No comments:

Blog Archive