Tuesday, August 5, 2008

Alexandre Soljenitsyne : " một cuộc sống lưu vong khốn khổ vì KGB " (1)

- Hứa vạng Thọ -

Theo đề nghị của Tổng Bí Thư Đảng CS Xô Viết Iouri Andropov, ngày 11.2.1974 Chính trị bộ Đảng CSXV chấp thuận tước quyền công dân Nga của Soljenitsyne , và ngày 14.2.1974 trục xuất ông ra khỏi Liên Xô với chuyến bay của Aeroflot đưa ông sang FrancFort ( Đức).Từ Francfort, Soljenitsyne sang định cư ở Zurich ( Thụy Sĩ ). Trong lúc đó, KGB Nga đã chọn sẳn Valentina Holubova , sinh trưởng tại Nga và thông thạo tiếng Nga, một nữ sĩ quan tình báo của Tiệp Khắc để cài người bên cạnh Soljenitsyne. Bà nầy núp bóng trong số người tỵ nạn Tiệp Khắc sau vụ đàn áp " Mùa Xuân Prague ".

Ngay khi ông nầy vừa mới đén Zurich, lợi dụng cảm tình của nhà đại văn hào đối với những người tỵ nạn Tiệp, Valentina Holubova đến chào ông , và tặng ông bó hoa hồng và lilas, kềm theo lời chúc tụng của người dân tỉnh Riazan, nơi ông đã từng dạy học. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, Holubova và chồng , Bác sĩ Frantisek Holub ( cũng là sĩ quan tình báo Tiệp) trở nên những người thân thuộc của Soljenitsyne. Bà Holubova còn tình nguyện làm thư ký và phát ngôn viên của Soljenitsyne.

Tháng 3.1974, Vợ chồng Holubova mời Soljenitsyne dự một cuộc triển lãm tranh hội họa của hoạ sĩ Lucia Radova tại làng Pfaffikon, gần Zurich. Người chủ phòng triẻn lãm Oskar Krause là một người tỵ nạn Tiệp Khắc. Khi Oskar Krause cho Soljenitsyne biết y cũng là tù nhân chánh trị ở Tiệp Khắc, Soljenitsyne ôm chằm ông nầy , và khóc nhòa. Cặp Holubova thừa dịp giới thiệu với Soljenitsyne một nhà văn trẻ Tiệp khắc Tomas Rezac ( bí danh : Repo) , cũng là sĩ quan tình báo Tiệp khắc núp dưới dạng một người tỵ nạn " chống Cộng Sản Tiệp Khắc ". Sau đó, Soljenitsyne chấp thuận cho Holub ( tức Holubova) duyệt lại các bản dịch của 7 dịch giả quyển sách của ông " L 'Archipel du Goulag " ( quần đảo Goulag) ( Goulag = trại tù Cộng Sản ) sang tiếng Tiệp khắc để xuất bản . Ông còn giao cho Rezac dịch thi phẩm " Nuits Prussiennes" ( Những đêm ở nước Phổ).

Thế là Soljenitsyne, cũng như nhiều người tỵ nạn Cộng Sản từ trước đến gìờ, từ những sĩ quan Nga Hoàng đến những người Trốt kít , đều rơi vào cái bẩy sập là chọn những người tín cẩn toàn là những nhân viên tình báo của Xô Viết Nga!Trung ương KGB , khi nghe tin Soljenitsyne nhờ Holub và "Repo" duyệt bài thì cũng đành bấm bụng bảo các người nầy phải thi hành cho đúng dù trong quyển sách có chửi Đảng CS Xô Viết, cốt làm sao cho Soljenitsyne tin tưởng, khỏi nghi họ là được. Nhờ vậy mà những người mà ông Soljenitsyne liên lạc ở trong nước Nga đều bị KGB theo dõi.

Ngày 24.7 năm 1974, Andropov báo cáo cho chính trị bộ là Ông Soljenitsyne cho lập " Quỹ Xã Hội " để giúp những gia đình của các tù nhân chánh trị với tiền bản quyền tác giả của ông. Cuốn " Quần đảo Goulag " của ông bán được trên 3 triệu cuốn riêng tại Mỹ , chưa kể tại các quốc gia khác trên thế giới.Andropov không báo cáo cho chánh trị bộ sự thành công của Soljenitsyne, nói rằng ảnh hưởng của ông Soljenitsyne đang mất dần và cho rằng việc trục xuất Ông Soljeitsyne ra khỏi nước là đúng.

Ngày 19.9.1974, Andropov chấp nhận kế hoạch đa dạng, quy mô ( n°5/9-16091 ) nhằm hạ uy tín của Soljenitsyne ( mà KGB gọi là PAUK) và gia đình , cùng cắt đứt mọi liên lạc của ông với những kẻ chống lại chế độ ở trong nước Nga. Một sĩ quan Khu 5 ( đặc trách về tư tưởng chánh trị và những kẻ chống đối) được đưa sang Thụy sĩ để làm mất uy tín, bôi lọ vu khống Pauk. Nhiêù quyển sách, nhiều bài báo được tung ra. Đặc biệt những bài ký tên Natalia Rechetovskaïa ( người vợ thứ nhất của Soljenitsyne) do nhân viên sở A ( của KGB) sọan thảo. Đồng thời, Rezac biến mất đầu năm 1975 với bản viết tay " Nuits prussiennes" để trở về Moscou nhằm viết ra " các quyển hồi ký Soljenitsyne " để bêu xấu ông nầy.

Chẳng bao lâu, Soljenitsyne cũng khám phá ra vợ chồng Holub là nhân viên KGB. Andropov ra lệnh cho KGB tạo tin đồn là những người thân của Soljenitsyne tòan là nhân viên của KGB , hoặc đang lường gạt ông để làm " mất niềm tin" của ông nầy. Đến cuối 1974, Soljenitsyne trong cuộc phỏng vấn của báo Time, tố cáo KGB đã " khũng bố ông " hàng ngày cũng như gia đình nhà bác học Sakharov còn ở lại Moscou vì Andropov không dám trục xuất ông nầy. KGB đã gởi cho Bà Sakharov ( Ellena Bronner) trước khi bà đi mổ mắt những hình ảnh quái gở như một cặp con mắt lòi con ngươi ra ngoài, những con khỉ bị mổ óc, v.v..

Đầu năm 1975, Andropov còn với sự ủng hộ của Krioutchkov, Grigorenko và Bobkov của KGB , thảo kế hoạch gồm 19 chương và 20 công tác phối họp để làm mất uy tín, và khủng bố tinh thần nhà Đại Văn Hào. Các hệ thống ký giả, văn sĩ, nghệ sĩ và trí thức từ Berne, Genève,London, Paris, Rome, Stockholm mở chiến dịch đồng loạt " bôi bác " Soljenitsyne.

Năm 1976, Soljenitsyne đã yêu cầu Cảnh sát Thụy Sĩ bảo vệ tính mạng ông. Do đó, ông xin tỵ nạn sang Mỹ, định cư ở Vermont. Từ đó, nhà văn hào mất đi " hào quang chói ngời " của một người chống Cộng Sản Xô Viết vì các chiến dịch của KGB : " Bôi lọ, vu khống, và khủng bố " ông ở hải ngoại, cắt đứt mọi liên lạc của ông ở trong nước. Trước đó ngày 23.8.1975, Andropov đã đưa chỉ thị thi hành kế hoạch số 150/S-9195 là đưa người nội tuyến trong những người thân cận của Soljenitsyne. Đó là mục tiêu hàng đầu của KGB. Do đó khi Soljenitsyne sang Mỹ , KGB giao công tác cho L.G. Bolbotenko ở Newyork, trong giới tỵ nạn Nga, để bám chặt nhà Văn Hào. Nhưng, nhờ kinh nhiệm Holubova, Soljenitsyne không còn tin tưởng bất cứ một ai.Ông cũng tỏ ra cay đắng với sự hờ hững của phương Tây, không nhìn thấy sự tàn ác và phi nhân của chế độ Cộng Sản Sô Viết. Tây Phương không còn giá trị đạo đức và chạy theo vật chất của một nền văn minh sa đọa. Sau bài diễn văn ông đọc trong dịp trao bằng cấp ở Đại Học Harvard năm 1978, Ông cay đắng nói lên sự thất vọng và chán chường của ông đối với Tây Phương và từ đó ông quyết định sống một cuộc đời " đóng cửa, rút cầu " đối vơí xã hội bên ngoài. Báo Newyork Times và Washington Post đã phê bình sự " nhận đinh cay đắng của ông " như một sự " không hiểu biết xã hội Tây Phưong ". Nhờ vậy, mà KGB không cài người đưọc vào giới thân cận của ông vì ông đã quyết định tự cô lập với thế giới bên ngoài.

Hai mươi năm sau, 1994, Soljenitsyne trở lại Nga. Ông đã được Gorbatchev phục hồi danh dự và quyền công dân 4 năm trước đó.Sự trở về của ông đã được thảo luận rất tỉ mỉ,một đôi khi ngay với Boris Eltsine. Từ đó,ông ở trong một khu vực cách Moscou không xa, khu vực dành riêng cho những người có biên chế cao (nomenklatura)trước đây. Ông viết lại các hồi ký lưu vong ở Âu Châu và Hoa Kỳ,trở thành một sử gia hơn là nhà viết văn.

(1). Viết theo tài liệu : Chương XIX - Quyển " Le KGB Contre l'Ouest - 1917-1991 - Les archives de Mitrokhine ", Christpher Andrew- Vassili Mitrokhine -Edition Fayard - 1999. t.r 469. - tr.474. Mitrokhine là một sĩ quan KGB sang Anh tỵ nạn năm 1992 đem theo hàng ngàn tài liệu của tình báo Nga. Nhờ đó mà Tây Phương mới bắt được vài trăm điệp viên " nằm vùng " của Nga trong các cơ quan tình báo Tây Phương ( Mỹ, Pháp, Anh, Đức, v.v..) . Đặc biệt là những chuyện KGB cài người trong các giáo Hội Thiên Chúa Vatican, Giáo Hội Chính Thống ( ngay cả Giáo Hoàng Chính Thống Alexis II là nhân viên KGB dưới bí danh " Drozdov".! Hai người mà KGB tìm đủ cách để triệt hạ : cố Giáo Hoàng Jean Paul 2, và cố văn hào Alexandre Soljenitsyne ./-

No comments:

Blog Archive