Sunday, August 31, 2008

Thức Dậy Đi, Trước Khi Quá Muộn(Cộng đồng Austin, Chuyện Cần Nói Vói Nhau)

Nguyễn Bằng

Từ cửa sổ nhà tôi, nhìn xuống chân đồi dốc thoai thoải, những hàng cây sồi vững chải đứng hóng những cơn gió mang hơi ẩm từ phương đông. Sau những ngày mưa gió não nề làm ngập lụt nhiều khu vực quanh đây, hôm nay trời tự nhiên đẹp lạ. Một sáng Chủ nhật rảnh rang, ngồi bên tách cà phê bốc khói. Đốt một điếu thuốc đầu tiên trong ngày, tôi ngồi tư lự nghĩ mông lung về đủ chuyện gần xa.

Đất Austin hiền hoà. Ai đến đây một lần cũng phải nhận xét rằng Austin là nơi đáng sống. Cảnh trí đẹp với những đồi núi, những con đường quanh co lên xuống, những hồ lớn để bơi thuyền mùa hạ, những căn biệt thự kiểu cách nằm ẩn mình trong những đám cây cao… Đúng là đất lành chim đậu. Vì thế đã có một đàn chim khoảng lớn từ phương Đông xa vời đã đáp đến nơi đây, chọn Austin làm quê hương thứ hai. Người ta ước lượng có tới trên hai chục ngàn người Việt ở thành phố Austin và các thành phố phụ cận như Pflugerville, Round Rock. Khó mà biết chính xác số lượng người Việt ở đây. Bao nhiêu lần thống kê dân số, dù được sự hổ trợ của chính quyền địa phương và sự vận động nhiệt tình của các đoàn thể cộng đồng người Việt, dân ta vẫn cứ lơ là coi như việc không cần thiết nên chẳng sốt sắng tham gia. Vì thế, nếu căn cứ trên con số mà thành phố có được, thì chỉ có khoảng vài ngàn dân Mỹ gốc Việt dù rằng đó là một cộng đồng thiểu số đông nhất trong các sắc dân Á châu.

Cũng chính vì bốn chữ đất lành chim đậu này mà ngoài những con chim hiền lành tị nạn, người ta phải nhắc đến những con cú, con quạ thường tìm về nơi đây để ẩn náu chờ cơ hội quấy phá . Trước đây, chúng tôi thường nghe rằng những tên gián điệp CS thường ghé về Austin nương thân sau khi bị đánh tơi bời ở các thành phố khác nơi mà người Việt tị nạn rất mạnh và cương quyết.

Thời gian gần đây, nhất là sau chuyến thăm viếng của Nguyễn Minh Triết, từ các nơi, tin tức dồn dập về những hoạt động của bọn đón gió trở cờ đang rình rang thách thức người Việt tị nạn. Austin cũng không tránh khỏi những chuyện chướng tai gai mắt này.

Chỉ trong khoảng hai tháng, đã có ba chương trình nhạc hội mà mỗi lần đề thấy sự xuất hiện của những nhân vật đặc biệt từng bị cộng đồng tị nạn lên án tẩy chay khắp nơi do những hành vi tráo trở, phản bội của họ.

Lần thứ nhất là đểm nhạc hội “Hành Trình 30 Năm Viễn Xứ” do Hội Bảo Tồn Truyền Thống Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF) tổ chức mà trên tạp chí “Trẻ” đăng với hàng tít lớn “..gây quỹ vinh danh Trịnh Hội.” Chỉ mới trước đó khoảng một tháng thôi, Trịnh Hội và vợ là Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã bị Cộng Đồng Người Việt tại Australia lên án là tiếp tay cho kế hoạch xâm nhập văn hoá của Việt Cộng. Sự kiện Trịnh Hội tại Úc nổ ra lớn đến nổi người Việt khắp nơi trên thế giới đều lên tiếng, và theo sau đó Kỳ Duyên đã tung ra một lá thư vô cùng xấc xược, thách thức người tị nạn năm châu. Người ta phanh phui việc Trịnh Hôi và Kỳ Duyên về Việt Nam mở quán cà phê MC, việc Kỳ Duyên thăm toà soạn báo Thanh Niên (cơ quan của Hội Liên Hiệp Thanh Niên, đoàn thể ngoại vi của đảng Cộng Sản) tại Sai Gòn và được phỏng vấn, đăng trên các báo Sài Gòn. Rõ ràng Trịnh Hội và Kỳ Duyên đã theo gương tên cẩu tặc Nguyễn Cao Kỳ mà phản bội lý tưởng họ từng theo đuổi.

Lần thứ hai là một chương trình ca nhạc “Gợi Lại Giấc Mơ Xưa” do một gia đình cựu tù nhân HO tổ chức với sự tham dự của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, người mà mấy năm trước đây đã liên quan đến vụ băng nhạc số 40 của Trung Tâm Thúy Nga Paris. Vụ Paris 40 này cũng rất lớn, gây phản ứng rầm rộ trên toàn thế giới, đến nỗi Trung Tâm Làng Văn đã ấn hành hai tập sách gom góp những bài vở, thư từ phản ứng của những nhân sĩ và đồng hương Việt Nam lên án trung tâm Thuý Nga và Nguyễn Ngọc Ngạn. (Hiện nay thì Thuý Nga và Tô Văn Lai đã công khai trở cờ)

Lần thứ ba, một đầu nậu văn nghệ từ địa phương khác đến Austin tổ chức đêm ca nhạc khiêu vũ có Nguyễn Cao Kỳ Duyên làm MC.

Những chương trình ca nhạc này đề được quảng cáo rầm rộ trên tạp chí “Trẻ”, tờ báo nằm trong hệ thống báo Trẻ mà nhiều người khắp nước Mỹ đều có nghi vấn về xuất xứ và lập trường, vì nó gần như rập khuôn tờ báo Tuổi Trẻ của Đoàn Thanh Niên CS bên VN, ngoại trừ chưa thấy xuất hiện những bài viết về chính trị (của cả phe Cộng Đồng Tị nạn lẫn phe Cộng sản Việt Nam).

Trong lúc mà các cộng đồng khắp nơi có những chiến dịch rầm rộ tẩy chay các chương trình văn nghệ loại này (mà theo nhà phê bình Đỗ Văn Phúc - một nhân sĩ Austin – là những bước đầu thực thi Nghị Quyết 36 của chính phủ Việt Cộng về việc sự xâm nhập văn hoá vào Cộng đồng Tị nạn hải ngoại), thì trong Cộng đồng Austin hiền hoà chẳng hề thấy ai lên tiếng ngoại trừ những lời bàn ra tán vào bên tách cà phê hay trong bữa nhậu của mấy ông HO. Khi chương trình Thảm Đỏ gồm hàng chục nghệ sĩ từ VN qua được quảng cáo rầm rộ tại thành phố Dallas-Fort Worth, cộng đồng DFW đã phản ứng mạnh mẽ. Tác giả Đỗ Văn Phúc đã viết bài “Văn Hoá Nội Gián, về Âm Mưu Xâm Nhập Văn Hoá của CS” để phân tích những hiện tượng, diễn tiến của sự xâm nhập mà CS từng áp dụng thành công trước đây trong chiến tranh xâm lược Miền Nam. Bài viết có ý nghĩa sâu sắc và là tiếng chuông báo động cấp thời này được đăng tải trên hầu hết các báo, diễn đàn online và các chương trình phát thanh từ Mỹ, Pháp, Úc. Nhưng tuyệt nhiên không thấy báo nào ở Austin đăng tải. Có lẽ Cộng đồng Austin chủ trương “dĩ hoà vi quý” chăng? Hay là đã đến lúc họ thấy “thế thời phải thế” chăng? Thật khó hiểu!!!

Việc cảnh giác về các chương trình văn nghệ, tuy thế vẫn chưa có tầm vóc nghiêm trọng bằng việc người ta phát giác ra việc một tổ chức quan trọng, có tính cách quốc gia đầy ý nghĩa của người Việt tị nạn “Hội Bảo Tồn Truyền Thống Người Mỹ Gốc Việt” đang nằm trong tay một con buôn mà đã nhiều lần về Việt Nam làm ăn buôn bán. Lần đầu tiên là khi vừa nghe phong thanh việc chính phủ Hoa Kỳ sắp bải bỏ cấm vận đối với VN. Bà TG - một người vượt biên tị nạn - đã về VN tính chuyện đầu tư nghành du lịch. Sau đó, bà lại tính chuyện nhập cảng gạo và cà phê. Cách đây chừng 5 năm, bà tham gia vào một công ty của Mỹ, đi về VN nhiều lần trong kế hoạch tuyển chọn nhân viên Việt Nam đưa qua Mỹ làm việc. Hiện nay, bà có công ty Khải Hoàn (Khai Hoan Vietnam Food Processing, Co. Ltd) ở tại số 123, đường Nguyễn Kiệm, Phường 3, quân Gò Vấp, Sài Gòn (Nguồn tin từ Điện báo Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Đầu Tư thành Hồ, http://www.itpc.hochiminhcity.gov.vn/vi/index_html). Xem hình. Click vào hình để xem rõ hơn

Việc làm ăn, buôn bán với VN tuy không được người Việt tị nạn đồng ý; nhưng dù sao, đó là sự lựa chọn cá nhân một khi người ta thầy béo bở có ăn. Nhưng việc vừa có một cơ sở làm ăn trong vòng luật pháp của Cộng sản, vừa có những hoạt động cộng đồng – mà dĩ nhiên mang màu sắc chống Cộng – thì thật là đáng phải quan tâm.

Theo lời bà TG, với tư cách chủ tịch hội Bảo Tồn Truyền thống Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF), bà đã từng hợp tác với Trung Tâm Việt Nam ở Lubbock, các thư viện trường học tại Texas để nhằm loại bỏ các tài liệu sách vở tuyên truyền cho Cộng Sản, và đang quyên góp tiền bạc để xây dựng một văn khố, hay bảo tàng (hay gì gì đó để lưu lại dấu tích của người Việt Tị Nạn Cộng Sản). Chúng ta có thể nào ngây thơ để tin rằng Việt Cộng nó không biết các hoạt động chống Cộng của TG tại Mỹ mà để yên cho TG đi đi về về làm ăn bên VN? Vậy thì làm sao một người có thể đảm đương hai việc chỏi nhau như thế được? Có thể có một sự thoả hiệp ngầm nào giữa bà và CS không?

Vì chưa biết, nên chúng ta chưa vội kết luận. Nhưng một tổ chức có tầm cỡ như VAHF mà nằm trong tay một doanh gia, chỉ biết lợi nhuận mà bất chấp ý thức chính trị thì rõ ràng là một điều thậm nguy, thậm nguy!!!

Trong một dịp tiếp xúc với vài nhân sĩ trong Cộng đồng Austin, chúng tôi thường nghe nhiều vị thở dài khi nhận định rằng bà TG chỉ lợi dụng Cộng đồng để làm bàn đạp tiến tới để có cơ hội tiếp xúc làm quen với các dân cử, truyền thông địa phương cho các tham vọng tài chánh và chương trình riêng của bà. Vì thế, người ta thấy bà tỏ ra rất sốt sắng trong những sinh hoạt có dính dấp đến các dân cử, bào chí, mà ít thấy góp sức vào những sinh hoạt có tính chất nội bộ cộng đồng. Nghe nói hiện nay, TG đang cầm đầu tổ chức “Nhà Ở cho Người Việt có Lợi Tức Thấp” mà ngân khoản do Thành phố và Tiểu bang xuất ra lên tới 65 triệu Đô La.

Đâu có mật mỡ thì nơi đó có ruồi. Nhiều người trách Cộng đồng Austin trong hàng chục năm qua chỉ loanh quanh việc tổ chức Tết, dạ vũ quyên góp, mà bỏ qua nhiều kế hoạch phát triển từ ngân sách thành phố hay Tiểu bang.

Trước đây có một nữ quái – Hồng Mai – trong hai chục năm, đã từng lập ra cái gọi là Asian Chamber of Commerce, lợi dụng danh nghĩa Cộng đồng để lường gạt dân và moi rút từ ngân sách thành phố ra các món tiền béo bở. Các đoàn thể Cộng đồng cũng im tiếng cho đến khi Hội đồng Thành phố truy biết ma mánh của HM mà chấm dứt tài trợ cho thị. Cái hội Cựu quân nhân mấy năm trước đây thì hoạt động xôm trò lắm. Nhưng sau này chỉ thấy ông hội trưởng và vài ba anh mỗi năm hai lần áo mũ lon lá đi chào cờ hội chợ Tết và diễn hành ngày Cựu Chiến Binh. Mấy trăm quân nhân anh hùng của QLVNCH đã chuyển qua binh chủng người Nhái rồi sao mà lặn kỹ thế?

Kể ra thì cũng đáng khen cho Ban Chấp Hành Cộng đồng gồm những thành viên trẻ tuổi, nhiệt tình, làm được nhiều việc có ích như vụ thừa nhận Quốc Kỳ VN từ ba cấp Tiểu bang, Quận hạt và Thành phố vào năm 2004. Cộng đồng cũng từng góp nhiều công sức vào sự nghiệp chung tranh đấu cho nhân quyền VN, chống cờ máu… Tuy nhiên nếu Cộng đồng, chỉ vì sợ mất đoàn kết nội bộ mà để yên cho các sự việc vừa trình bày trên cứ tiếp diễn, thì e rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cả đoàn văn công CS sẽ hùng hậu công khai phô diễn những ca khúc “như có bác hồ” ngay trên các sân khấu Austin; và cái “Văn Khố” hay “Nhà Văn Hoá” hay “Thư viện” do VAHF quyên góp xây dựng sẽ có tượng Hồ Chí Minh trang trọng ở gian chính giữa để người tị nạn, HO cùng “chiêm ngưỡng”; ấy chết, “Chiêm nghiệm” sự bất lực đồng lõa của chính mình.

No comments:

Blog Archive