Sunday, August 24, 2008

TÌNH BẮC DUYÊN NAM
Viết rất vội vàng để riêng tặng bạn Kiến Hòa Nguyễn Văn Nghĩa

Trương Phú Thứ

Cuối cùng hay nói theo văn chương Cải Luơng miệt vườn tức là đọan cuối của một chuyện tình thì tôi cũng đã ôm vào cái nợ đời với một "cô em Bắc kỳ nho nhỏ". Trai Kiến Hòa mà gặp gái Bắc Ninh là coi như đánh bài cào trúng cây chín nút. Dân miền Nam tụi tui ruột để ngoài da, ăn nhậu tối nay mà không cần ngó qua đến sáng ngày mai. Chơi với bạn bè là xả láng, mút mùa Lệ Thủy. Khỏi cần nói thì ai cũng biết hồi xưa đất miền Nam ruộng đồng phì nhiêu, tôm cá đầy sông kín lạch. Nhấc cái câu lên là có đồ mồi. Qưởn qưởn lùa con gà dzô góc vườn xé phay lai rai vài ba xị với mấy thằng bạn cũng đủ một ngày vui. Một xị cay đi với hai xị ngọt. Khi nào quắc cần câu rồi hạ hồi phân giải. Bởi vậy mấy cha nội Bắc kỳ càm ràm tụi tôi lè phè tối ngày thì cũng đúng lắm chứ đâu phải chơi.

Dân Kiến Hòa tụi tui xìu xìu ển ển. Ông to bà lớn cũng nhiều mà người đẹp người hùng cũng lắm. Thôi hơi sức đâu mà kể lể ba cái chuyện hà rầm này. Nhân vật chánh mà tôi phải kể ra đây là một tên con trai Kiến Hòa chính là tôi và một thiếu nữ gốc Bắc Ninh có " bố mẹ ri cư vào Lam năm măm tư". Lần đầu khi nghe nàng nói tôi đã phải nhờ vả một thằng bạn gốc rau muống dịch sang tiếng…Việt vì nghe tiếng Bắc chưa quen. Nàng có ý nói rằng "ba má di cư vào Nam hồi 1954" đấy.

Chuyện tình của tụi tui mà phải kể từ thưở ban đầu thì nó dài dòng văn tự lắm. Cỡ ba, bốn trăm trang giấy học trò cũng chỉ mới diễn tả được những ngày tháng mới quen nhau. Ngày đó tôi là sinh viên năm thứ hai trường Luật còn nàng thì đang gạo ngày gạo đêm bắt cái tú tài hai. Tôi quen Ngọc Lan trong một buổi nghe nhạc jazz ở hội Việt Mỹ. Lúc nàng chen chân vào được thính phòng không còn một chỗ đứng thì tôi đã anh dũng chơi một quả ga lăng còn hơn mấy thằng Tây chánh hiệu Ba Ri . Tôi đứng lên nhường cái ghế có tấm nệm thật êm và ấm cho nàng. Người đẹp và dễ thương như thế mà phải đứng nghe nhạc thì quả thật là một chuyện không đúng cách. Mấy ông Mỹ đen thổi cái hồn nhạc của những người một thời cay đắng vào khỏang không gian tĩnh mịch làm cho người nghe phải bùi ngùi xốn xang. Nhìn vẻ mặt buồn và rất đăm chiêu của nàng tôi cũng đọc được tâm tư của một người đang có những tư tưởng giải phóng và bứt phá cho những kiếp người bị đầy đọa triền miên. Tôi dám chắc nàng cũng phải là một người trí thức có thừa. Trong suốt cả buổi hòa nhạc tôi cứ dán mắt vào chiếc áo dài mầu mỡ gà dưới suối tóc đen óng ả. Nàng đẹp lắm. Khuôn mặt đã thanh tú dễ thương mà thân hình lại quá mời gọi. Tôi bắt đầu mộng mơ.

Những cung điệu cuối cùng của buổi hòa nhạc vừa thóat ra từ chiếc kèn đồng của người nhạc sĩ da đen có bờ môi như hai quả dưa leo trái mùa. Một lần nữa nàng cám ơn tôi đã nhường ghế ngồi và hỏi xin tôi tờ chương trình có những dòng chữ giới thiệu tiểu sử của ban nhạc và các nhạc sĩ. Chuyện gì nàng sai bảo tôi còn làm được chứ ba cái lẻ tẻ này thì nhằm nhò gì. Lúc theo nàng ra ngòai đường, tôi đã dụ dỗ được nàng ngồi lên chiếc xe Honda cà tàng của tôi để "đêm nay anh đưa em về".

Nhà nàng ở gần khu Lăng Ông Bà Chiểu. Nàng ngồi sau tôi trên chiếc yên xe chật chội nhưng tôi đã không ngửi thấy mùi hương khói của nơi cúng bái mà hương thơm của trinh nữ ngào ngạt một khung trời. Hương thơm của một người con gái tuổi học trò sao lại quyến rũ và lãng mạn đến thế. Bởi vậy các ông văn sĩ mới tán ra mà gọi là tuổi chanh cốm. Thơm như mùi chanh và nuột nà như gói cốm. Đến gần nhà, nàng nhỏ nhẹ nói "hôm nào anh có dảnh thì mời anh lại chơi". Trời đất qủy thần ơi, tôi chỉ chờ một câu "phán xét cuối cùng" như vậy. Ít nhất là tôi đã nắm được cái phao đang lúc chơi vơi giữa đại dương.

Vài tuần sau, vào một buổi chiều vạt nắng non của những ngày cuối năm còn rơi rớt nơi thành phố chưa có tiếng bom đạn, tôi đã uống một thang thuốc liều hùng dũng lên đường đến thăm nàng. Hôm nay tôi diện ác lắm. áo trắng ủi phẳng lì, quần mầu xám tro, giầy đen bong lộn và đầu tóc gọn gàng có chải tí bi-xăng-tin thêm chút điệu đàng. Tôi không sợ nàng sẽ chê tôi lôi thôi lếch thếch nhưng tôi muốn "hai cụ thân sinh" ra người mà tôi đang ôm vào mình qua từng hơi thở nhịp tim phải thực sự cảm kích cho lần đầu gặp gỡ.

May quá! Số tôi lúc nào cũng có qưới nhơn giúp đỡ. Vừa đến trước cửa nhà, tôi đã nhìn thấy nàng đang ngồi gạo bài dưới tàn cây ở sân trước. Bữa nay nàng bận bộ đồ mầu tím hoa cà, mái tóc búi gọn lên để lộ nguyên cái cổ trắng ngần trông như một ngò sen đang độ. Nàng nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên hơi chút lo sợ. Tôi đọc được tâm trạng của nàng nhưng mà ở vào cái thế chẳng đặng đừng nàng chỉ còn biết mời tôi vào nhà cho "phải phép". Vừa bước vào trong nhà, nhìn thấy "ông cụ thân sinh" ra nàng, tôi đã chắp tay khấu đầu lễ phép:
"Cháu chào bác ạ.'

Người đàn ông ở vào tuổi trung niên quẹt ánh mắt như đổ lửa trên cái thân xác như cây chuối trụi lá của tôi giữ phòng khách, thật hững hờ:
"Không dám! Chào cậu."

Tôi như bị một cú song phi đá thẳng vào mặt. Nghĩ rằng: mình đâu có ân óan gì với ông già và vẫn chưa dám cầm tay con gái ông cụ mà sao lại bị tuyên chiến thế này. Ngọc Lan vừa nói vừa run, thưa gửi mấy lời về thân thế và sự nghiệp của tôi. Chưa kịp hòan hồn thì ông già phán tiếp:
"Nan , nấy cho bố cốc nước chè."

Thiệt tình là lúc này mà có phép độn thổ thì tôi cũng chơi luôn. Trận chiến vừa xung phong mà tôi đã ôm đầu máu kéo cờ trắng chạy thục mạng. Nói rồi ông già cầm cái ống tre nhìn giống như khẩu súng ba-zô-ka, bật quẹt kéo một bi thuốc nào, tiếng kêu của ống điếu nổ như pháo tết, khói bay mù mịt. Ngọc Lan từ nhà trong bước ra với ly nước trà trên tay nhìn tôi có vẻ ái ngại. Uống hết ly nước trà, ông già đứng lên bước vội ra cửa nhưng cũng không quên dặn dò:
"Bố chạy qua nhà anh Bình xem thằng bé ốm đau thế nào nhá."

Ông cũng ban cho tôi một cái nhìn không đến nỗi thù hằn:
"Anh em ở nhà cẩn thận nhá."

Sau một tiếng dạ rất kích thước thì tôi tự hỏi mình rằng có làm gì đâu mà phải cẩn thận. Chắc là ông già muốn bảo vệ thành lũy của cô con gái nên căn dặn vậy thôi. Chuyện đó thì phải nói là ông già quá cẩn trọng. Có cho kẹo tôi cũng không dám. Lạng quạng mà đụng vào ông gìa Bắc kỳ này thì không chết cũng bị thương nặng.

Tôi ngồi đối diện với Ngọc Lan trên bộ xa lông ở phòng khách. Nàng nói ông cụ là sĩ quan quân đội nhưng ít khi mặc đồ nhà binh. Nghe mà lạnh xương sống. Nhưng tôi là người đàng hòang, không có gì bậy bạ thì sợ gì. Tôi đến với nàng bằng một tâm hồn trong sáng và thân xác chưa hề bợn nhơ. Ngọc Lan cũng thấy được tôi thật sự có chút không được "an tòan trên xa lộ". Nàng vài ba lần nói về những phong tục tập quán khắt khe của người miền Bắc. Riêng gia đình nàng thì lại còn có phần kỹ lưỡng hơn. Thành lũy vững chắc với hệ thống phòng thủ kiên cố. Chúng tôi nói chuyện học hành, văn nghệ văn gừng rất tương đắc. Ngọc Lan nõn nà mượt mà chỉ cách tôi một xải tay nhưng nghĩ đến ông cụ là dân nhà binh mà lại không mặc đồ lính cũng đủ làm cho tôi phải thúc thủ trong cái rọ chẳng dám cựa quậy.

Đang lúc chúng tôi chuyện trò rôm rả về những bài hát ca ngợi cảnh thanh bình của đồng quê miền Nam thì ông cụ bất ngờ đẩy cửa bước vào. Thấy chúng tôi rất nghiêm chỉnh "thọ thọ bất thân" thì ông cụ có vẻ hài lòng, vẻ mặt tươi tỉnh và nói năng vui vẻ hơn. Ông bắt chuyện với tôi về sự học hành rồi đến quê quán gia thế ba đời nội ngọai nhà tôi. Những câu hỏi của ông nhiều khi cũng có pha phách chút nghề nghiệp nhưng tôi vẫn lễ phép trả lời đến từng chi tiết. Sau hơn một giờ đồng hồ bị "lấy khẩu cung", tôi xin phép ông ra về. Ông cười to phán rằng "khi nào anh có dảnh thì đến chơi nhá". Ông không gọi tôi là cậu mà là anh. Một thay đổi chiến thuật xác nhận gió đã đổi chiều. Nhìn Ngọc Lan có phần tươi tắn hơn làm cho tôi cũng yên lòng.

Những chuyện gì xẩy ra sau lần đầu hội ngộ mà viết ra đầu ra đuôi thì cũng mất đến vài chục kí lô giấy cũng không đủ. Một chi tiết cần phải nói đến là dân nam kỳ như tôi mà dám mặc áo giáp xông vào một gia đình bắc kỳ thì cũng phải nói là chưởng lực cũng đã có thứ hạng. Chỉ mấy tháng sau tôi đã bỏ hẳn thuốc lá mà bắt đầu kéo thuốc nào. "Ăn cái anh thuốc nào nó vừa nhàn nhã lại… mát phổi". Ông cụ thân sinh ra người đẹp của tôi đã phán như vậy thì ắt hẳn phải là chân lý. Vấn đề trọng đại hơn là vài tuần mà không sơi một bữa thịt cầy đã thấy nhớ nhung. Tôi đã không còn thìch món cầy tơ nhưng mà phải nói là tôi đã nghiện cái món bổ âm bổ dương rất dân tộc và rất văn hóa. Thịt cầy từ vài ba món cho đến đủ bộ bẩy món tôi rành sáu câu. Món nào phải đi với củ riềng. Món nào phải kẹp thêm lá húng chó. Đâu ra đó chứ một thiếu sót nho nhỏ cũng đủ làm cho "bữa riệu" mất ngon mất bổ đi.

Một lần tôi đến nhà thì ông cụ đang sửa sọan món dồi. "Sống trên đời ăn miếng dồi chó". Các cụ đã ra tuyên ngôn như vậy thì có sai câu nào. Ăn một miếng dồi chó vào là mát gan mát ruột bổ tì bổ phế kéo dài tuổi thọ lên đến vài ba năm. Ông nói lớn tiếng bảo tôi đi ra chợ mua nắm lá mơ. Dồi chó mà thiếu lá mơ thì còn tệ hơn tô hủ tíêu Mỹ Tho không có nước lèo. Tôi mau mắn thi hành lệnh. Ra hàng rau ngòai chợ, gặp mấy bà bán hàng người nam hỏi mua nắm lá mơ thì bà nào cũng ngớ kèn tầu ra. Mãi đến khi tôi chỉ vào rổ lá mơ thì mấy bà hàng mới nhìn nhau khúc khích cười. Một bà xồn xồn nói rổn rảng:
"Qủy thần ơi cái lá đó mà kiu là lá mơ. Bà cố tui cũng chịu thua luôn".

Tôi mang chuyện này về "mét" lại với Ngọc Lan. Nàng nhéo tôi một cái hơi đau đau mà thật ra lại êm êm, Sau này tôi có nghe đồn rằng một ông thi sĩ nào đó đã đặt tên là "nỗi đau dịu dàng":
"Thì anh sắp làm rể bắc kỳ rồi mà. Cái lá đó là lá mơ chứ còn gì nữa."

Chuyện một "anh giai" Kiến Hòa có vợ Bắc Ninh sẽ dài lê thê lướt thướt. Tôi phải tạm ngưng nơi đây vì bữa nay có nhiệm vụ phải đưa cụ Ngọc Lan ra sở An Sinh Xã Hội để khai báo xin lãnh tiền già.

No comments:

Blog Archive