Thursday, August 14, 2008

TRỐN CHẠY
Xuân Vũ TRẦN ÐÌNH NGỌC

Cụ ở cùng lều với tôi, tại Subic Bay – Phi luật Tân - từ những ngày đầu tháng 5 năm 1975, sau khi tôi rời khỏi Sàigòn bằng đường biển vào trưa ngày 30-4-1975 ngay sau khi Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng Sản.

Không biết cụ tới đây lúc nào, chỉ biết khi tôi đặt chân lên hòn đảo tuyệt đẹp này thì đã thấy cụ ở đây rồi. Tên cụ là Tường - Lê văn Tường - người huyện Phú Thọ, tỉnh Thanh Hoá, Bắc Việt. Dáng người gầy nhưng trông còn khang kiện, năm đó cụ vào khoảng 65, 66 tuổi với những nét nhăn trên trán, trên má và chòm râu bạc trắng như cước.

Ngày ba bữa cụ rủ tôi đi lấy cơm từ một nhà ăn rộng lớn do Chính Phủ Hoa Kỳ đài thọ, với số người làm bếp đủ để phục vụ mười lăm ngàn đến hai mươi ngàn người trên đảo mà tất cả toàn là người Việt tị nạn, sau khi đã đào thoát khỏi Việt Nam trước hoặc sau ngày 30-4-75. Mỗi buổi chiều, khi lấy đĩa cơm xong, tôi với cụ Tường thường mang ra bờ đá trước nhà ăn, sát chân sóng, vừa ăn vừa nói chuyện, có khi tới tối mịt mới trở về lều. Trong câu chuyện cụ kể cho tôi nghe, có câu chuyện vô cùng thương tâm của chính gia đình cụ mà hôm nay tôi viết lên đây để cống hiến bạn đọc. Và sau đây là lời cụ Tường.

“Thanh Hóa được kể là một trong những tỉnh Chính phủ Cộng Sản Hà nội dùng làm thí điểm trong những đợt người Cộng Sản gọi là “Ðấu tranh chính trị, đấu tố địa chủ, cường hào ác bá” hay “Cải cách ruộng đất” tại Bắc Việt. Trước Hiệp Ðịnh Genève năm 1954, nghĩa là trước khi Cộng Sản hoàn toàn làm chủ đất Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra, trong khi những vùng khác không có thì tại Thanh Hoá cũng đã có những cuộc đấu tố, hiến điền rầm rộ rồi. Trong những cuộc đấu tố đó, biết bao nhiêu lương dân đã gục ngã, biết bao gia đình đã tan nát chỉ vì chính sách quá thâm độc, dã man của Cộng Sản. Cộng Sản không muốn bị mang tiếng là cướp ruộng đất của dân nên chúng đánh thuế thật nặng qua những cuộc “lương giá” ruộng tốt, ruộng xấu để đóng nhiều hoặc ít lúa cho Chính phủ mà những nông dân ngồi bình nghị là chính những người được chúng huấn luyện để làm công việc đó. Vì vậy, nhiều gia đình, nhất là những gia đình địa chủ trước kia, đã phải “lậy” mà dâng ruộng đất cho chính phủ, Cộng sản gọi là “hiến điền”.

Số lương dân bị đấu tố và bị chết trong vùng rất nhiều, tôi không thể nhớ hết. Chỉ xin kể ra vài trường hợp điển hình trong đó có một linh mục Công giáo, cha Phạm Tần - sau này lên Giám mục - và thân phụ tôi, một người tôi kính yêu suốt đời.

Cha Tần ở xứ Phúc Lãng, huyện Quảng Xương, bị Cộng Sản đưa ra đấu tố vì Cộng sản muốn diệt ngài, diệt một người có uy tín với giáo dân, có thể kích động giáo dân nổi lên chống Cộng Sản, chống những sự tham tàn, độc ác của Cộng Sản. Dù là một người không Công giáo, tôi cũng biết rõ điều đó.

Bọn Cộng Sản đánh cha hai trận bằng tầu lá cọ có gai nhọn và cứng dài đến hai đốt ngón tay, đánh từ chập tối đến nửa đêm, cho đến khi cha ngất đi không còn biết gì nữa mới thôi.

Trong trận đấu tố này, chúng dùng một đứa con gái tên Chữ, khoảng 21, 22 tuổi. Bố mẹ con Chữ đang là câu, sãi cho nhà xứ Phúc Lãng, từ lâu vẫn sống nhờ sự giúp đỡ của các cha. Bọn cán bộ Cộng sản dạy con Chữ cách căm thù cha Tần. Ðầu tiên chúng nhồi vào đầu óc đứa con gái ngu dại này rằng chính cha Tần và các linh mục trong nhà xứ đã bóc lột sức lao đông của cha con nó từ bao lâu nay. Lẽ ra gia đình nó phải được ăn sung mặc sướng, có nhiều tiền, nhiều thóc như nhà xứ Phúc Lãng. Nhưng vì cha Tần tham lam, không trả công tương xứng nên cha Tần chỉ làm giầu cho chính mình trong khi gia đình nó nghèo túng, thiếu ăn, thiếu mặc. Bọn cán bộ còn bắt con Chữ phải dựng đứng câu chuyện bỉ ổi là trước mặt dân chúng, con Chữ phải nói ràng chính cha Tần đã bắt nó phải ngủ với ông bao nhiêu lần, đã trêu ghẹo nó, làm tầm bậy tầm bạ làm sao vv... Cán bộ Cộng Sản cũng bắt con Chữ và mọi người phải gọi là “thằng Tần” chứ không được gọi là cha Tần như trước. Ðến ngày đấu tố, bọn cán bộ vào nhà xứ lôi cha Tần ra trước sân cuối nhà thờ, ở đó dân chúng đã bị thúc đẩy đi dự đấu tố đông nghẹt một sân rộng. Con Chữ đã làm tất cả những gì bọn Cộng sản muốn, kể cả việc nó trùm váy của nó lên đầu cha. Và sau đó là những trận đòn cho đến khi ngất đi.

Cần phải để ý là bọn cán bộ không dùng những người ngoài Công giáo để đấu tố các cha. Chúng dùng ngay những người Công giáo và dùng ngay chính những kẻ xưa nay được tiếng là thân tín với các cha để đấu tố các cha. Như cha Tần, sau khi bị đánh lần thứ hai, chúng tưởng ngài chết rồi nên gọi giáo dân đến khiêng về nhà xứ mà chôn. Lúc ngài được khiêng vào phòng khách nhà xứ, một người đàn ông tên Mạnh và con Chữ quì xuống nắm lấy tay ngài khóc, nói:

“Chúng con bị bọn cán bộ bắt buộc phải đấu tố cha, phải nói dựng đứng những chuyện cha không có. Chúng con đã đấu tố bậy. Xin cha tha lỗi cho chúng con.”

Nhưng cha Tần đã hôn mê, ngài còn biết gì nữa đâu. Tất nhiên sau đó bao nhiêu ruộng của nhà xứ Phúc Lãng mà chúng buộc là của cha Tần, bị xung công gần hết, chỉ còn để lại mấy sào không đủ nuôi vài miệng ăn trong nhà xứ.
S
Sau đó đến cha Thước, xứ Thổ Ngõa. Cung cách chúng dùng để đấu tố cha Thước cũng y như những bài bảng đã áp dụng cho cha Tàn. Chúng muốn hạ uy tín các linh mục là những cán bộ nòng cốt của Giáo hội để không một giáo dân nào tin tưởng và tuân phục mệnh lệnh các cha và chúng tiến đến dần đến chỗ tiêu diệt tôn giáo.”

Cụ Tường nói một thôi không nghỉ. Giọng cụ lẫn vào tiếng gió và sóng biẻn vỗ vào bờ đá làm tôi có cảm tưởng những linh hồn oan khuất của những lương dân vô tội bị Cộng sản giết oan trong các đợt đấu tố dã man như đang hiển hiện về đây nói cho chúng tôi nghe những căm hờn uất hận khôn nguôi. Cụ Tường ngưng một lúc, lấy trong túi áo ra một cái ví nhỏ xíu như của đàn bà vẫn dùng. Cụ mở ví lấy ra một tờ giấy mỏng, lấy thuốc lá sắp đều lên tờ giấy. Cụ vấn thuốc hút. Tôi phải giúp cụ bằng cách ngồi che gió và bật quẹt cho cụ. Khi điếu thuốc đã cháy, cụ rít một hơi, thở khói, nói:

“Tôi đã bỏ hết quần áo sau khi chuyển qua mấy chiếc tầu nhưng cố giữ ít thuốc vấn vì tôi hút thuốc lá của Mỹ nóng lắm, chịu không được. Ông tính cuộc đời của tôi còn gì. Bố chết phải bỏ nằm đấy mà chạy. Hai lần bỏ vợ, bỏ con. Bây giờ trôi dạt ở đây một thân một mình...”

Tôi an ủi cụ:
“Thôi cụ ạ, vận nước. Vả lại chẳng qua cũng cái số. Cụ có buồn cũng không ích gì.”
“Vẫn biết thế, ông Vũ ! Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy buồn. Buồn cho nước, cho đồng bào bị cái khổ nạn không biết bao giờ mói qua. Buồn cho gia đình, cho thân thế mình, những người liên hệ với mình, cả một cuộc đời long đong lận đận đầy khổ nhục và nước mắt. Rồi mai sau, với cái hiện tại như thế thì con cháu mình sẽ ra sao, sẽ là cả một cuộc đời tăm tối ở trước mặt, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Thôi được, tôi nói tới đâu rồi, hả ông Vũ ?”
“Dạ, thưa cụ đang nói đến chỗ bọn cán bộ đấu tố cha Thước cùng một kiểu như cha Tần ...”

Cụ Tường nâng ly nước vừa lấy từ nhà ăn lên nhấp một ngụm:
“Ờ, ờ, tôi cũng cần phải thêm với ông rằng bọn cán bộ ghép cho các linh mục cái tội “phong kiến” để đem ra đấu tố. Ông có biết sau khi cha Tần bị đánh bằng cái tầu lá cọ , gai đâm vào người cha lấy kìm nhổ ra được gần một chén ăn cơm. Gai đâm khắp mình mẩy, chỉ trừ đầu là chúng chừa ra mà thôi vì sợ đánh vào đầu sẽ chết mau. Ông thấy chúng dã man chưa ? Các linh mục, như tôi nói, chúng dùng toàn người Công giáo để đấu tố; một số địa chủ thì chúng dùng toàn người làm, tá điền và chúng bắt cả con cái phải đấu tố cha mẹ như trường hợp cụ Cai Bái ở làng Gia Ðại. Cụ Bái có hai người con trai, một người làm tới chức Chủ tịch Tiểu khu, người kia là Cán bộ Liên khu 3, thế mà hai người này phải về đích thân đấu tố, chửi bố mẹ là địa chủ phú nông bóc lột vô sản, thậm chí nhổ nước miếng vào mặt bố mẹ, đứng nhìn cho những con vợ tá điền trùm váy vào mặt bố mẹ. Tôi hỏi ông, chủ nghĩa vô luân như thế thì còn trời đất nào không ?”
“ Thưa cụ đúng. Chủ nghĩa nghịch lòng dân, trái đạo trời làm sao đứng vững được.”

Tôi thấy gió bắt đầu lạnh, trời cũng đã muộn muộn mà ông cụ có vẻ không được khoẻ, bèn đề nghị:
“ Nghe chuyên cụ thâu đêm còn muốn nghe, nhưng có lẽ đã hơi lành lạnh. Mời cụ về nghỉ, mai lại xin cụ cho nghe tiếp.”

Thu nhặt chén đĩa giấy, tôi đem bỏ vào một cái thùng phuy lớn gần đó rồi cùng cụ trở về lều. Mặt biển đen thẫm mênh mông trước mặt với vài ngọn núi nhỏ trơ vơ. Tiếng sóng đập vào ghềnh đá bộp bộp thành một âm thanh đều dều nghe thật buồn nản. Nỗi kinh hoàng mới vài tuần trước đây tại Sàgòn khi Sàigòn rơi vào tay Cộng Sản cùng với nỗi đau đớn của cái cảnh quốc phá gia vong làm cho thần trí tôi nhiều lúc mê muội đi không còn nghĩ mình đang sống hay đã chết, hoặc sống nhưng là sống với cái xác không hồn. Một phút bỗng tiêu tan hết, một phút sụp đổ hết. Số phân mình cùng với số phận của đồng bào và cả quốc gia dân tộc. Ðau đớn biết chừng nào ! Những lời an ủi cụ Tường lúc nãy cũng chính là những lời tôi tự an ủi.

Tôi và cụ Tường chui vào lều. Ðám trẻ đã rủ nhau đi coi xi-nê . Mỗi tối, quân đội Mỹ có ba, bốn chỗ chiếu phim để giải trí cho đồng bào tị nạn. Có những gia đình đi được cả vợ chồng con cái, ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng. Họ vui như Tết và có thể họ mang được vàng bạc, đô-la theo. Họ thấy cuộc di tản này quả có lý. Ngày ba bữa, cả gia đình mấy chục người sắp hàng đi lấy cơm ăn xong ra bờ biển chơi, tối xem xi-nê. Họ vừa lòng với cảnh di tản và không có một điều gì phải lo nghĩ. Trái lại, có nhiều gia đình vợ mất chồng, con mất cha, anh em tứ tán. Họ buồn rầu, khổ sở, lo lắng. Có những người ngồi khóc cả ngày. Thậm chí có người sang tới Guam rồi ghi tên xin trở về Việt Nam. Có lần tôi hỏi cụ Tường:
“Người ta kẹt gia đình ở Việt Nam nên có nhiều người xin trở về. Cụ nghĩ sao ?”

Nét mặt rầu rầu, cụ đáp:
“ Tôi bỏ lại nhà tôi và 5 đứa con tại Sàigòn. Tôi cũng đau khổ lắm chứ. Nhưng bảo trở về sống với Cộng sản thì nhất định không. Thà tôi chết dập chết vùi nơi đây còn hơn. Ông Vũ tính coi, tôi đã sống với chúng và chúng đã bắt chúng tôi phải làm tập thể, ăn tập thể. Ðàn ông ở riêng, đàn bà ở riêng. Mỗi buổi sáng đánh một tiếng cồng thì ra đồng làm. Trưa đánh một tiếng cồng thì về ăn cơm. Có ban hoả thực riêng lo việc nấu nướng. Chiều lại ra đồng làm rồi tối lại về. Ăn cơm tối xong, họp hành kiểm thảo đến nửa đêm mới được đi ngủ để sáng sớm lại ra đồng. Con người như cái máy chả còn gì là sinh thú của cuộc đời nữa. Vợ chồng thì ba, bốn tháng chúng cho gặp nhau một lần. Chết đem ra đồng chôn. Sống như thế thì ông bảo tôi trở về để làm cái gì ? Tôi quá sợ cái chế độ đó rồi.”

Ngày hôm sau, cụ Tường và tôi đi lấy cơm sớm hơn. Lại ra chỗ cũ ngồi va cụ lại kể tiếp:
“Hôm nay tôi kể cho ông Vũ nghe về cái thảm cảnh của gia đình tôi, cái thảm cảnh mà mỗi lần kể là tôi lại khóc.

Hồi đó, ông bố tôi làm Chánh tổng, tổng Thủy Cơ. Phải biết tỉnh Thanh Hoá có bẩy phủ, bẩy huyện và tổng Thủy cơ. Tổng Thủy Cơ bao gồm tất cả các thuyền bè đậu ở khắp nơi thuộc về tỉnh Thanh Hoá. Nói thế chắc ông Vũ cũng mường tượng ra Tổng Thủy Cơ lớn như thế nào. Dân số trong tổng Thủy cơ rất đông và chức Chánh tổng tổng Thủy Cơ cũng được coi ngang hàng với các chức tri huyện, tri phủ trong tỉnh. Trong đợt đấu tố đầu vào những năm 1950-51, bố tôi thoát được vì ông tìm cách khéo léo với cán bộ xã, huyện để chúng khỏi báo cáo lên cấp trên. Nhưng đến đợt cải cách ruộng đất năm 1956-57 thì chúng đem bố tôi ra đấu tố. Cũng nên mở một dấu ngoặc ở đây là sau Hiệp định Genève tháng 8 năm 1954, dân Thanh Hoá, cả Công giáo và không Công giáo đều muốn di cư vào Nam. Số người muốn ở lại với bọn Cộng Sản đa số là cán bộ hoặc liên hệ gia đình với cán bộ, không có bao nhiêu. Nhưng bọn cán bộ rất tinh quái. Chúng tìm đủ mọi cách để ngăn chặn làn sóng di cư vào Nam, y như nhiều nơi khác. Có những gia đình rục rịch trốn đi, chúng biết được liền cản trở và để tâm trả thù, làm hại. Gia đình tôi muốn đi lắm lắm, nhất là bố mẹ tôi, thế mà không sao đi được. Chúng tôi biết chỉ có vào Miền Nam sống dưới chế độ Quốc gia thì mới có tự do sinh sống, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo. Còn ở với bọn chúng thì mất hết tự do, chẳng những vậy, gia đình tôi bị chúng để ý theo dõi, ngộp thở lắm ông à !

Tháng 9 năm 1956, nhân cái đợt gọi là “Cải cách ruộng đất” do tên đồ tể Trường Chinh phát động, bọn cán bộ đem bố tôi ra đấu tố. Chúng ghép cho bố tôi cái tội là địa chủ bóc lột tá điền, trước kia là Chánh tổng tổng Thủy Cơ ăn hối lộ và bóc lột dân thuyền bè sinh sống trên sông nước. Chúng kể ra cho bố tôi một trăm thứ tội. Nào là ngủ với vợ thằng tá điền này, đánh thằng tá điền kia, không cho vay lúa thóc, bỏ đói những tên tá điền khác. Còn mẹ tôi thì chúng ghép vào tội cho tá điền vay lúa thóc lấy lời nặng, trả công người làm với giá lương quá thấp, chết đói vv... Chúng đem trói bố mẹ tôi vào một cái cọc trước sân đình rồi cho các tá điền trước đây làm cho bố mẹ tôi cứ thế mà chửi rủa, quát tháo, lăng nhục. Con vợ một thằng tá điền tên Cam đã đứng vén váy đái vào đầu bố tôi, còn mẹ tôi thì nó tát cho sưng cả mặt. Chúng định đưa cả tôi ra đấu tố vì chúng đã ghép tôi vào hàng địa chủ. Vả lại, trước kia tôi có giúp đỡ bố tôi trong công việc hàng tổng, lo về giấy tờ hộ tịch mà người ta gọi tôi là hộ lại của Tổng Thủy Cơ. Nhưng hình như có một vài đứa đề nghị sao đó, nói rằng nên để tôi vào đợt sau thì hơn vì đem tôi ra đấu cả đợt này cùng với bố mẹ tôi thì e rằng nhân dân sẽ cho là nhà nước tư thù gia đình tôi, đem tất cả ra mà đấu tố. Nhờ thế mà tôi thoát chết.

Sau khi chúng đấu tố bố mẹ tôi và đánh đập mắng nhiếc suốt một ngày trời thì chúng cho về, bảo rằng sẽ còn đưa ra đấu tố một lần nữa vào một tuần sau. Chúng ra hạn cho bố tôi phải làm bản tự thú hết mọi tội lỗi, những tội tưởng tượng mà chúng đưa ra đều phải nhận hết, đồng thời xin Chính phủ, Ðảng và nhân dân tha tội. Mục đích của chúng là khi đã nắm được bản thú tôi của bố tôi thì mọi chứng cớ đã hiển nhiên, tờ thú tội phù hợp với những lời khai gian, vu cáo của bọn tá điền. Rồi, từ đó, chúng sẽ tịch thu hết ruộng đất, tài sản của gia đình tôi bằng một toà án nhân dân do chúng lập ra.

Sau trận đấu tố đó, bố tôi về mang bệnh nằm liệt giường. Mẹ tôi thì đỡ hơn nhưng ông nghĩ coi, tuổi già sức yếu, các ngài làm sao chịu được những điều khổ nhục đau đớn như thê ? Ngày xưa, mọi người đều gọi bố tôi là cụ Chánh (Chánh tổng), bây giờ chúng bắt mọi người phải gọi bằng thằng. Chúng cô lập gia đình nhà tôi. Ðem đồ đi chợ bán, chúng không cho người ta mua, nếu chúng tôi muốn mua những đồ cần thiết,chúng cũng không bán. Chúng cấm mọi người liên lạc, lui tới. Chúng rình rập đêm ngày và làm mọi cách để khủng bố tinh thần người trong nhà. Chúng cho người ta có cảm tưởng rằng giầu là một trọng tội, dù giầu bằng sự cần cù, chân chỉ, làm ăn lương thiện. Còn ra làm việc dưới thời Pháp thuộc, dù làm để giúp dân giúp nước, làm một cách ngay thẳng thanh liêm cũng là có tôi, có trọng tội đối với chúng. Tôi chỉ lấy làm lạ rằng sao hồi đó Việt cộng ghét thực dân Pháp đến thế mà bây giờ, sau 30 năm kể từ ngày 19-8-45, Việt cộng lại o bế Pháp hơn ai hết, thân thiện với Pháp hơn bất cứ nước nào. Vậy mà trước Hiệp định Genève 1954,người dân nào bị chúng gán vào tội Việt gian tay sai cho Pháp thì chỉ có chết, không cách gì sống nổi. Thật kỳ lạ cho cái miệng lưỡi của Cộng Sản.”

Cụ Tường lại lấy thuốc ra vấn, thông lệ của cụ sau mỗi bữa ăn. Hôm nay gió nhẹ chứ không thổi mạnh như hôm qua. Mặt trời đỏ ối đang từ từ chìm dần xuống mặt biển. Vài chiếc tầu đậu tít ngoài khơi hiện hình trên đám mây trắng trôi nổi trên nền trời xanh. Một đám trẻ hò hét ầm ĩ thả những chiếc tầu nhỏ xíu chúng gấp bằng giấy xuống biển và ngồi trên bờ nhìn cho chúng trôi. Thỉnh thoảng một cái kỳ đen của một con cá lớn chạy dài trên mặt nước làm đám người đứng trên bờ hô hoán lên là kỳ của cá mập.

Tôi móc thuốc lá ra - bao Winston - hút với cụ Tường một điếu cho vui. Ðám người ngồi hóng gió thưa dần. Họ trở về lều hay chuẩn bị đi xi-nê. Chiều xuống lặng lẽ với vài tia nắng mờ nhạt còn thoi thóp trên lùm cây cao phía chân núi. Tôi chìm đắm trong nỗi buòn thấm thía, không biết rồi tương lai của mình sẽ đi về đâu.

Kéo xong vài hơi thuốc, cụ Tường lại tiếp tục:
“ Lẽ ra một tuần sau đó chúng lại đưa bố tôi ra đấu tố một lần nữa như chúng đã nói. Nhưng vì ông bố tôi đau nặng quá không lết nổi, nên chúng tuyên bố hoãn lại cho đến khi nào ông cụ khỏi. Tuy vậy, chúng vẫn cô lập và rình rập gia đình tôi đêm ngày. Mẹ tôi muốn mua bán thứ gì phải nhờ người em họ, chồng cô ấy vốn làm việc cho chúng từ hồi còn bí mật, để cô ấy mua bán giùm những thứ cần thiết và đến tối mới chui bụi tre phía sau đem vào cho chúng tôi. Dạo đó tôi đã có vợ và 4 đứa con. Gia đình tôi ở cách nhà bố mẹ tôi khá xa. Vả lại, như tôi đã nói, tôi chưa phải là mục tiêu của bọn chúng lúc đó vì vậy còn được thong thả đi lại, nhưng cứ nghĩ đến cái tai nạn bố mẹ đang phải chịu, tôi không cầm được nước mắt. Sau ba tháng, bố tôi hồi phục nhờ vì bà cô lén mua thuốc bắc giùm tại một ông lang mãi tận Ba Làng. Sắc thuốc thì phải sắc lén kẻo mùi thuốc bắc đánh sang hàng xóm, bọn công an vào khám được thì tội càng nặng thêm. Ðồ ăn đồ uống có cái gì ngon cũng phải xào nấu lén. Mua đượcmột con gà để nấu cháo cho bố tôi ăn cho chóng khỏi, phải cắt tiết ở ngoài cánh đồng, còn lông thì đem chôn ở góc vườn. Ăn giấu, ăn đút còn hơn là kẻ có tội nữa. Tôi chưa thấy cái chánh sách nào kỳ cục như thế.

Chỉ còn mười ngày nữa là đến tết Ðinh Dậu (1957), bọn cán bộ đến báo cho bố mẹ tôi là chúng sẽ đem bố mẹ tôi ra đấu tố một lần nữa vào đúng ngày hăm ba tháng chạp năm Bính Thân, ngày ông Táo chầu trời. Trước đó, tôi cũng đã dược biết qua một người bạn rất thân đang làm việc với chúng là sau bố mẹ tôi thì sẽ đến lượt tôi. Tội nghiệp bố tôi, nào ông cụ đã khoẻ hẳn đâu cơ chứ. Mới hơi hơi lại người sau một cơn đánh đập tàn ác thập tử nhất sinh, thiếu thuốc, thiếu đồ bồi dưỡng. Ông cụ mới đi đi lại lại được trong sân nhà và từ nhà trên xuống nhà bếp thì chúng lại đưa ra đấu tố nữa. Hai thằng đầu trâu mặt ngựa vốn xưa kia là tá điền của bố tôi, bố tôi coi chúng như con, lấy tô rất nhẹ lại còn dựng vợ gả chồng cho chúng, cho tiền, cho thóc đối đãi hơn cả cháu ruột. Thế mà giờ này chúng nghe theo lời bọn cán bộ nhất định giết bố tôi cho bằng được.

Ðối với chúng, “Trí, Phú, Ðịa, Hào, đào tận gốc trốc tận rễ” còn phải căm thù hơn cả giặc xâm lăng. Chúng muốn cho toàn dân ngu dốt và nghèo đói để chúng dễ cai trị và chỉ có một giai cấp thống trị là bọn chúng.

Chiều hăm hai tháng chạp, bố tôi gọi tất cả con cái tề tựu lại trước bàn thờ tổ tiên. Có vài người chị gái tôi lấy chồng xa không thể đến được, còn thì tất cả đều hiện diện đầy đủ. Vì là gần Tết, bon cán bộ mải đi sám sửa tét nhất nên chúng lơ là việc canh chừng gia đình toi nên mọi người mới tề tựu đông đủ được. Khi con cái đã ngồi trên mấy cái chiếu trước bàn thờ, bố tôi sai tôi đi thắp hương và nến lên. Cụ mặc quần áo trịnh trọng, đội khăn và đi giầy tử tế rồi đứng trước bàn thờ lâm râm khấn và lễ. Xong cụ đúng bên cạnh để mẹ tôi, rồi lần lượt đến chúng tôi, ai ai cũng đều khấn vong linh ông bà tổ tiên và lạy trước bàn thờ. Mẹ tôi và mấy đứa em gái thấy khung cảnh trang nghiêm và cảm động, lại nhớ đến hoàn cảnh đau đớn của gia đình, bất giác bật khóc. Bố tôi thấy vậy không cho khóc, cụ nói bọn cán bộ nghe được thì chúng giết cả nhà. Vì vậy chỉ còn nghe những tiếng nấc tức tưởi với hàm răng nghiến chặt cho tiếng khóc khỏi bùng ra. Lễ xong, bố tôi bảo mọi người ngồi xuống chiếu, còn cụ thì ngồi ngay chính giữa sập, mẹ tôi ngồi một góc bên cạnh. Cụ dõng dạc nói:
“ Nhà ta từ các cụ cho đến đời bố mẹ đều cố gắng ăn hiền ở lành. Làm việc cho hàng tổng thì bố cố giữ thanh liêm vì nhà ta có bát ăn bát để từ lâu, đâu có thiếu thốn gì mà phải đào khoét của dân. Còn ruộng nương, điền thổ trong nhà là do ông bà để lại, tá điền cấy rẽ thì lấy tô thật nhẹ, nhẹ hơn người ta nữa thế mà từ ngày chánh phủ mới lên, họ khép cho bố những tội tầy đình, nào địa chủ bóc lột, nào cường hào ác bá. Họ đã đem bố ra đấu tố một trận và kết quả là bố tưởng chết ngay sau đó. Bây giờ mới tỉnh dậy được một tí, họ lại đem ra đấu tố nữa. Bố nghĩ trước sau bọn cán bộ cũng sẽ tìm cách giết bố cho bằng được, mà giết một cách khổ nhục, ê chề. Vì vậy, có thể lúc lâm chung bố không còn kịp gặp mẹ và các con, ngày hôm nay bố gặp mẹ và các con một lần cuối.”

Bố tôi nói đến đó thì nghẹn lời, cụ không nói tiếp đuợc nữa vì quá cảm động. Mà mẹ tôi với anh em chúng tôi cũng không cầm được nước mắt, tiếng khóc oà vỡ ra như nước lũ phá bờ đê. Bố tôi thấy vậy, nghĩ là quá nguy hiểm nên khoát tay ngăn mọi người và nói:
“Bà và các con cấm không được khóc. Khóc tụi nó nghe thấy thì còn khổ hơn. Hãy nghe đây! Sau khi bố chết rồi thì cả nhà may ra sẽ được yên với chúng nó hơn, vì cái gai là bố chúng nó đã nhổ được rồi. Chỉ có thằng Tường có ra làm việc với tổng mà lại có tư điền mấy chục mẫu vậy sau bố có lẽ chúng nó để ý dến con. Con liệu xem có cách nào trốn để bảo toàn được cái mạng chứ con ở nhà thì bố chết không nhắm mắt đâu.”

Nói xong, ông cụ bảo mọi người giải tán rồi vào trong buồng nằm. Tôi cũng trở về nhà vì lúc đó cũng gần tối.

Ðêm hôm đó tôi không ngủ được. Phần nghĩ rằng ngày mai chúng sẽ đưa bố tôi ra đấu tố, có lẽ lần này bố tôi chết nên ông cụ đã trối trăn hết tất cả. Cứ nghĩ đến một đời bố tôi lo lắng cho mẹ tôi và chúng tôi, ăn hiền ở lành, người trong tổng Thủy Cơ, ngay cả nhiều nơi trong tỉnh Thanh Hoá cũng quí mến bố tôi vì tinh thần hay cứu giúp người và làm việc nghĩa. Thế mà bây giờ bọn chúng thù ghét bố tôi đến như thế, không muốn để bố tôi sống nữa. Về phần tôi là con trai cả trong gia đình, tôi có bổn phận nhiều hơn các chị và các em tôi để nhang khói cho ông bà cha mẹ. Nhưng tôi biết rõ, sau bố tôi là đến lượt tôi vì vậy bố tôi hết mực khuyên tôi phải cao chạy xa bay thì mới bảo toàn được mạng sống. Tôi có hai người đồng chí cùng muốn trốn với tôi. Người thứ nhất là bạn cùng làm việc trong hàng tổng, giữ chức thư ký, tên anh ta là Các, cũng trạc tuổi tôi, có vợ và năm đứa con. Người thứ hai là ông thầy bên Công giáo vẫn gọi là thầy Ðiền, đang dạy trẻ tại xứ Thổ Ngoã. Từ hôm cha Thước bị đem ra đấu tố vì mỗi cái tội bị ghép là “phong kiến”, ông thầy Ðiền đâm ra sợ hãi quá chừng. Ông tìm gặp tôi vì trước kia ông hay đến nhờ cậy bố tôi và tôi việc hàng tổng. Ông dám nói thật với tôi ý định trốn đi vì ông biết tôi cũng đang tìm đường trốn và có thể tin cậy tôi được. Có lẽ nay mai tôi phải kiếm cách gặp hai người đó để bàn tính ngày lên đường vì nghe đồn đã có ít người trốn được vào Nam rồi.

Hai giờ đêm đó, con bé cháu con cô em tôi (ở chung nhà với bố mẹ tôi) đến báo cho tôi hay bố tôi đã mổ bụng tự sát. Nó nói sau khi con cái về hết rồi, bố tôi đi lấy một con dao đi rừng thật tốt đem ra mài. Cả nhà cứ nghĩ có lẽ tết gần đến, cụ mài dao như mọi năm, để có thái thịt thái rau gì chăng nên chẳng ai để ý. Mài dao xong lại thấy cụ vào phòng nằm. Ðến hai giờ đêm, mẹ tôi nghe tiếng bố tôi rên la nhè nhẹ, liền thắp đèn lên chạy vào thì thấy máu đổ ra hàng vũng lớn trên nền nhà mà bố tôi ruột gan phơi cả ra ngoài, mắt trợn trắng, sắp chết rồi. Khi ông cụ ra dấu cho bà cụ ghé tai vào miệng để ông cụ trối thì bà cụ chỉ nghe được có năm tiếng thì thào gần đứt hơi:” Bảo thằng Tường trốn ngay !” Nói xong câu đó, cụ trút hơi thở cuối cùng. Ngay lập tức, mẹ tôi cho đứa cháu gái len lỏi đi lối tắt đến nhà tôi báo tin dữ, đồng thời bảo tôi liệu mà trốn đi ngay, chớ có thương tiếc gì nữa.

Nghe đứa cháu nói xong, tôi khóc oà lên, thương cho bố tôi quá và cũng cảm phục bố tôi quá can đảm, thà tư giết mình hơn là để bọn cán bộ giết, thà chết như thế còn hơn là sa vào tay bọn chó sói. Nhưng tôi phải bụm miệng ngay lại. Bố tôi đến lúc chết vẫn còn nghĩ dến tôi, mấy lời cuối cùng của cụ là giục tôi trốn đi. Vậy tôi phải cố gắng làm theo ước nguyện của Người để linh hồn Người được mát mẻ nơi chín suối.

Tôi bảo con cháu ra về đồng thời quay dặn vợ tôi vài câu, nhìn qua mặt mấy đứa con đang ngủ, rồi cứ thế, với một bộ quần áo độc nhất trên người và ít tièn trong túi, tôi đến nhà anh Các. Tại đây, tôi bàn kế hoạch trốn đi với anh và anh đồng ý ngay. Tuy nhiên, chúng tôi phải đợi đến đêm hôm sau mới đi được vì còn nhờ người thông báo cho thầy Ðiền. Chúng tôi muốn có bạn đồng hành vì đi toàn đường rừng rất nguy hiểm, người nọ dựa vào người kia, lúc khoẻ đã vậy lúc đau ốm, có bạn cũng đỡ nhiều. Sở dĩ bọn cán bộ không truy lùng tôi ngay vì sau khi bố tôi chết rồi, mẹ tôi không động tĩnh gì hết, cứ mặc quần áo và đắp chăn chiếu cho ông cụ y như cụ hãy còn sống. Mẹ tôi cũng cấm con cháu trong nhà không được khóc và cấm loan tin bố tôi đã chết ra ngoài. Có lẽ mẹ tôi dụng tâm giúp tôi một lần cuối cùng để cho tôi đi thoát vì nếu bọn cán bộ biết bố tôi đã chết, chúng đến nhà không thấy có mặt tôi là truy lùng tôi ngay.

Tối hăm ba ông Táo chầu trời, vào lúc vàng vàng mặt trời, bọn cán bộ kéo đến nhà bố tôi cùng với những tên tá điền phản chủ, vô ân bội nghĩa. Chúng vào trong nhà quát ầm ĩ lên:” Thằng Thiềng đâu ? Hãy ra đây cho nhân dân xử tội !” Mẹ tôi chỉ tay vào trong buồng. Bọn chúng tông cửa chạy vào nhưng tất cả đều bổ ngửa ra khi thấy bố tôi đã chết. Tự sát chết. Dĩ nhiên chúng tra khảo mẹ và các em tôi rất dữ nhưng đầu mối là bố tôi mà bố tôi đã chết rồi, chúng có làm gì chăng nữa thì cũng đến thế thôi. Một tên trong bọn sực nhớ đến tôi, liền la lên:”Còn thằng con của nó nữa, thằng Tường.” Thế là cả bọn bàn kế hoạch truy lùng tôi nhưng lúc đó tôi đã cùng hai người bạn vào sâu trong rừng rồi. Sở dĩ tôi biết được các chi tiét xẩy ra sau khi đi vì có mấy người làng sau này cũng trốn được vào Sàigòn kể lại cho nghe.
*

Cuộc hành trình xuyên sơn của chúng tôi vô cùng gian khổ. Khởi hành ngày 23 tháng chạp mà đến tháng tư năm sau chúng tôi mới tới được khu vực do quân đội Quốc gia kiểm soát tại Quảng Trị. Từ Thanh Hoá, nếu đi theo quốc lộ I, chúng toi phải đi qua Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng bình rồi mới đến Quảng Trị. Cách Quảng Trị hơn 30 km là cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải, ranh giới giữa hai miền Nam Bắc. Sang được bờ phía Nam sông Bến Hải đã là điều mừng lắm rồi. Nhưng chúng tôi đâu có dám đi theo quốc lộ. Con đường chúng tôi đi còn xa và nguy hiểm hơn con đường mòn dọc Trường Sơn bọn cán bộ Việt Cộng sau này dùng để tải bom đạn và người vào quấy phá mièn Nam. Có khi, mỗi ngày chúng tôi chỉ đi được hơn chục cây số, lại phải nghỉ và trốn vì sợ bọn chúng bắt gặp. Ðã có những nhóm người bị chúng bắt, chúng đem xử tử ngay, không cần phải giải về quê quán.

Một lần ba anh em chúng tôi lạc vào một bộ lạc người thiểu số, chẳng biết là Mường hay Mán, ở gần biên giới Lào - Việt. Mới đầu, bọn người này làm rất dữ, tôi tưởng phen này chắc là bị chúng giết vì ngôn ngữ bất đồng, không sao giải thích cho họ hiểu được. Nhưng sau nhờ có một ông già trong bộ lạc đứng ra nói với tên tù trưởng và đưa chúng tôi về nhà, một cái nhà sàn ngay giữa làng. Ông già và vợ con ông ta đối đãi với chúng tôi rất tử tế. Nào cho ăn, cho quần áo thay để tắm giặt, cho uống rượu cần và líu lo với chúng tôi cả ngày nhưng chúng tôi có biết họ nói gì. Ông bà già có một người con gái chừng hai mươi tuổi, xinh xắn, dễ thương. Tên cô là Mây Mali. Cô thường sắp cơm cho chúng tôi ăn, dẫn chúng tôi ra suối và kể cho chúng tôi nghe những chuyện thật dài nhưng chúng tôi hoàn toàn không hiểu, chỉ gật đầu tràn.

Chúng tôi lưu lại nhà của Mây Mali một tuần lễ cho lại sức vì cả tháng chỉ toàn ăn đồ khô và ngủ trên cành cây trong rừng. Có mấy viên thuốc cảm đưa đi uống đã hết, chúng tôi chỉ sợ bệnh sốt rét rừng giữa đường thì thật là nguy khốn. Một bữa, ông già ra hiệu bảo với chúng tôi ông sẽ kiếm cho chúng tôi mỗi người một cô vợ. Riên thầy Ðiền trẻ nhất bọn và khá đẹp trai, ông sẽ gả Mây Mali cho. Nghe hai ông bà già nói, chúng tôi cứ cười ngặt cười nghẽo. Hoàn cảnh này mà dám nghĩ đến chuyện lấy vợ lấy con sao ? Giá có tiên thực chúng tôi cũng không dám. Mạng sống đang như sợi chỉ mành treo chuông còn dám bay bướm sao ? Chúng tôi khoát tay chối từ với ông già nhưng ông không hiểu lại nghĩ chúng tôi từ chối lấy lệ. Và ông làm ngay điều ông định làm.

Tối hôm đó, ông già bảo thầy Ðiền nằm riêng ra rồi cho Mây Mali đến nằm cạnh thầy. Còn tôi và Các thì ông dẫn ở đâu đến hai cô con gái khác. Ông nói những gì với hai cô này rồi một cô lại kéo tay tôi và một cô đến kéo tay Các đưa ra cửa. Tôi và Các khựng lại không chịu đi. Hai cô này có vẻ rất ngạc nhiên, nói một tràng với ông già. Ông già lại nói với tôi và Các, và cầm tay tôi và tay Các đặt vào tay hai cô gái. Nhưng chúng tôi vẫn không chịu đi. Rốt cuộc hai cô gái Mường tiu nghỉu ra về trong khi ông già buồn bã lắm.

Cuộc “tình duyên” của tôi và Các với hai cô gái không êm đẹp chút nào, nhưng cuộc “tình duyên” của Mây Mali và thầy Ðiền cũng không hơn gì. Sau khi hai cô gái ra khỏi nhà ông bà già, Ðiền lại chổ ba chúng tôi vẫn nằm ngủ và nằm miết ở đó tới sáng. Tội nghiệp cho Mây Mali, cô bị bẽ bàng lại còn bị bố mẹ phiền trách, làm như cô không đủ tài thu hút đàn ông. Sáng hôm sau gặp chúng tôi, mặt cô cứ đỏ nhừ lên.

Dù ông bà già thiểu số tốt cách mấy, chúng tôi cũng phải lên đường. Vả lại, sau khi dàn xếp việc gả mấy cô gái cho chúng tôi không xong, ông bà già không còn mặn mà với chúng tôi như trước và có lẽ muốn chúng tôi đi sớm. Chúng tôi cũng biết điều đó và sửa soạn lại lên đường.

Ngày nhìn thấy bờ sông Bến Hải là ngày vui mừng khôn tả. Chúng tôi nhìn thấy sự sống, nhìn thấy Tự Do, nhìn thấy tương lai sáng lạn. Riêng tôi không khỏi buồn vì trón đi giữa lúc bố chết. Mẹ, vợ, con và các chị em tôi bây giờ ra sao ? Có đỡ bị hành hạ không ? Cứ nghĩ đến đó, lòng tôi thắt lại. Sau khi trình diện toà Tỉnh Trưởng Quảng Trị, chúng tôi được cấp phát giấy tờ và ít tiền làm lộ phí. Sau đó cả ba chúng tôi đều quyết định vào Sàigòn để làm lại cuộc đời mới. Tôi bị cắt đứt với gia đình không liên lạc được. Năm 1960, tại Sàigòn, tôi lại lập gia đình với người con gái một gia đình hết lòng thương tôi như con ruột. Nhà tôi sau đó có với tôi năm đứa con, ba trai, hai gái. Cháu gái lớn nhất năm nay đã 13 tuổi. Cháu đang học lớp 8 trung học.”

Cụ Tường ngưng một chút để nghỉ. Giọng cụ lạc đi khi nói đến người vợ và 5 đứa con thân yêu đang ở bên kia bờ đại dương , không biết sống chết thế nào.

Cụ đúng lên. Tôi biết ý cụ đã muốn về. Trên đường về lều, cụ bảo tôi:
“Tôi biết trước là phải chạy mà không sao thu xếp cho vợ con cùng đi được, ông Vũ ạ. Nhà tôi cũng biết tôi ở lại là chết nên khuyến khích cho tôi đi y như người vợ năm xưa ở Thanh Hoá cũng chỉ nghĩ đến cái mạng sống của tôi mà thôi. Chín đứa con thân yêu, hai lần chạy giặc Cộng, tôi không mang theo được đứa nào để an ủi khi tuổi già xế bóng. Hai người vợ sống chết với mình, cả hai lần bỏ lại. Ông nghĩ đã đau đớn chưa ? Nhưng tôi không làm sao hơn được. Tôi ghê sợ bọn chúng quá rồi, thà tôi chết còn hơn phải sống với Cộng Sản.”

Tôi cứ để cụ nói cho vơi bớt đau khổ. Tôi chỉ nghe và cảm nhận. Càng thấm thía khi chính hoàn cảnh tôi lúc đó không hơn gì hoàn cảnh cụ, cũng như hoàn cảnh xẻ đàn tan nghé của một số đông đồng bào di tản đang ở trên đảo Subic Bay này.

Ngày sang Guam, tôi với cụ Tường cùng đáp một chuyến bay và tôi với cụ lại ở cùng lều tại Orote Point. Sau đó, tôi đi đảo Wake kiếm gia đình (bị thất lạc), còn cụ đi Camp Pendleton, California và từ đó tôi không còn gặp cụ nữa.

No comments:

Blog Archive