Tuesday, August 26, 2008

HỘI THẢO PHẬT GIÁO TẠI TORONTO VÀO NGÀY CHỦ NHẬT 10 THÁNG 8, 2008

ĐỀ TÀI: Hiện Tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau ngày lễ Vesak LHQ 2008 và sau ngày Đức Đệ Tứ Tăng Thống Viên Tịch

Đặng Tấn Hậu

Buổi Hội Thảo Phật Giáo được tổ chức tại Toronto vào ngày chủ nhật 10 tháng 8, 2008 lúc 1 giờ trưa. Tôi nhận thấy có nhiều người quay phim, thâu băng và chụp hình trong buổi hội thảo. Tưởng cần biết, cá nhân tôi không có nằm trong ban tổ chức mặc dù tôi được mời làm MC trong ngày hội thảo. Tôi ghi vội vài hàng tóm lược buổi hội thảo để chia xẻ cùng quý đồng hương.

Sau phần chào cờ, phút mặc niệm và giới thiệu các hội đoàn, ông Dương Văn Anh, chủ tịch Hội Nhân Quyền Ontario, tuyên bố lý do buổi hội thảo. Ông cho biết các hội đoàn, đảng phái tại Toronto và vùng phụ cận yêu cầu ông đứng ra tổ chức buổi hội thảo vì gần đây, tình hình Phật giáo VN rất phức tạp; kể cả những người phật tử cũng không hiểu rõ sự việc. Do đó, ông đã mời hai diễn giả từ xa đến thuyết trình là HT Thích Thiện Tâm, chủ tịch hội đồng điều hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Canada (*) và TT Thích Giác Đẳng, tổng ủy viên truyền thông VP II/ VHĐ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại (*).

Kế tiếp, ông Nguyễn Văn Tấn, chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân (HCQN) Ontario; kiêm chủ tịch Ủy Ban Yểm Trợ Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội lên đọc Thông Cáo của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH do giáo sư Nguyễn Xuân Vinh làm chủ tịch. Thông Cáo kêu gọi cộng đồng lên tiếng mạnh mẻ chống đối khi có cán bộ CS đội lốt tu sĩ ra hải ngoại nhằm mục đích làm cho cộng đồng hải ngoại yếu kém. Ông Tấn cũng còn cho biết là gần đây, ông được tin ĐĐ Thích Nhật Từ, sư quốc doanh, có liên lạc với một thầy ở Canada và sẽ đến Canada một ngày gần đây. Ông kêu gọi đồng bào yểm trợ cho HCQN (*) dàn chào ĐĐ Thích Nhật Từ khi ông này đến Canada.

Diễn giả đầu tiên là TT Thích Giác Đẳng, ngài cho biết bất cứ tổ chức nào tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền đều là đối tượng bị CSVN đánh phá. Ngài khuyên chúng ta cần tỉnh táo vì chính sách tinh vi của cộng sản. Chúng ta cần thấy vấn đề nằm ở chổ nào. Thí dụ, lúc đầu, CSVN đánh tiếng là sẽ cho phép giáo hội Thống Nhất (*) phục hoạt với điều kiện không có nhị vị lãnh đạo ĐLHT Thích Huyền Quang và ĐLHT Thích Quảng Độ. Khi thất bại, chúng lại đưa ra hình ảnh ĐLHT Thích Huyền Quang ôn hòa và ĐLHT Thích Quảng Độ quá khích để tạo thế ly gián, dù hai ngài lúc nào cũng làm việc tay trong tay, kết hợp chặt chẽ và ăn ý với nhau. Ngay cả trong ngày tang lễ vừa qua, ĐLHT Thích Quảng Độ không muốn cho công an phá buổi lễ, ngài chỉ dạy từ lúc nhập kim quan đến nhập bảo tháp, giáo hội chỉ có tụng kinh 24/24; thế mà chúng cũng lôi kéo được một số người lấy danh nghĩa phúng điếu để phá rối buổi lễ, làm cho người ngoài không hiểu thực hư thế nào.

Ngày nay, cộng sản đổi chánh sách không chiếm đoạt chùa chiền công khai như trước nhưng đưa ra nhiều chiêu bài mới để xen vào lũng đoạn sinh hoạt Phật giáo. Thí dụ, cho một vài tăng sĩ đi du học tại Ấn Độ để mà mắt phật tử hay cho tổ chức lễ Vesak LHQ 2008 (1). Vì thế có một số phật tử nghĩ như vậy là có tự do tôn giáo tại VN. Nhà nước cộng sản còn tinh vi hơn nữa tuyên truyền rằng Thiên Chúa Giáo nguy hiểm cho Phật Giáo hơn Cộng Sản. Đáng tiếc là tư tưởng này đã thu hút được một số nhà trí thức Phật giáo. Vì thế, họ chọn con đường hợp tác với nhà cầm quyền CSVN.

Nhị vị ĐLHT Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ đã khẳng định nhiều lần; thứ nhất, Phật Giáo phải độc lập với thế quyền; thứ hai, CSVN phải chấm dứt khuynh đảo, lèo lái Phật giáo. [ Bằng cớ là chính GS Lê Mạnh Thát đã trả lời cho đài SBTN, lễ Vesak LHQ 2008 là lễ của nhà cầm quyền cộng sản; Phật giáo chỉ đóng vai trò phụ hợ (2) ]. Ngày nay, Đức Đệ Tứ Tăng Thống, ĐLHT Thích Huyền Quang đã ra đi; nhưng ý chỉ, tư tưởng của ngài vẫn sáng ngời, vẫn soi sáng cho chúng ta trên con đường đạo pháp và dân tộc.

Diễn giả thứ hai là HT Thích Thiện Tâm, ngài trình bày ba điểm; thứ nhất là lịch sử giáo hội Thống Nhất sau 1975; thứ hai là chính sách chiêu dụ của nhà cầm quyền CSVN; thứ ba là nguyên nhân giáo chỉ số 9 của Đức Đệ Tứ Tăng Thống ĐLHT Thích Huyền Quang được ban hành.

1. Sau 75, CSVN bắt giam nhiều tăng ni, buộc tăng ni hoàn tục và chiếm đoạt nhiều cơ sở của giáo hội, đưa đến cuộc tự thiêu tập thể của 12 tăng ni tại thiền viện Dược Sư Cần Thơ cuối năm 1975. Trước tình thế căng thẳng đó, một số thầy chủ trương hòa hợp với nhà nước để giáo hội được tồn tại, trong số đó có cố HT Thích Trí Thủ (còn gọi là Ôn Già Lam) (3). Lúc bây giờ với tư cách là Viện Trưởng VHĐ, ngài đã đứng ra kết hợp với hội Phật giáo yêu nước vận động thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tức Giáo hội quốc doanh ngày nay (*). Việc làm này không được HT Thích Huyền Quang (phó Viện trưởng VHĐ), HT Thích Quảng Ðộ (Tổng Thư Ký VHĐ) và HT Thích Thiện Minh (cố vấn VHĐ) tán đồng. Sự việc kể trên đã đưa đến cái chết u uất của cố HT Thích Thiện Minh trong tù năm 1978 và sự đày ải nhị vị HT Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ suốt mấy mươi năm qua bởi nhà cầm quyền CSVN.

Điều may mắn cho giáo hội Thống Nhất (*) là lúc đó còn có HT Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngài đã viết thư phản kháng và yêu cầu nhà nước trả tự do cho các cấp lãnh đạo cũng như quyền sinh hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đồng thời xin minh bạch hóa cái chết của cố HT Thích Thiện Minh. Tiếc thay, chẳng những ngài không được trả lời mà còn bị nhà nước CSVN cô lập tại chùa Thiên Mụ cho đến ngày viên tịch năm 1992.

Khi HT Thích Đôn Hậu viên tịch, HT Thích Huyền Quang tuyên bố tuyệt thực để cương quyết đòi ra Huế tham dự tang lễ. Trong giây phút gặp gỡ ngắn ngủi đó, HT Thích Nhật Liên, trưởng đệ tử của cố HT Thích Ðôn Hậu cùng toàn thể môn đồ pháp quyến quỳ trước kim quan và giác linh Bổn sư đọc chúc thư và dâng ấn tín lên HT Thích Huyền Quang theo lệnh của Sư phụ, trao quyền xử lý hội đồng lưỡng viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho Ngài.

Cùng lúc với Đại Hội rút gọn tại Tu Viện Nguyên Thiều của Hội Ðồng Lưỡng Viện trong nước, có Ðại Hội Khoáng Đại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại được tổ chức tại Melbourn Úc châu. Trong cả hai đại hội, cử tọa chư tăng và phật tử đồng cung thỉnh Ðại Lão HT Thích Huyền Quang lên cương vị Ðệ Tứ Tăng Thống, HT Thích Quảng Ðộ lên cương vị Viện Trưởng VHÐ và HT Thích Hộ Giác lên cương vị Phó Viện Trưởng VHÐ. Từ đó, Giáo Hội trong và ngoài nước có đủ nhân sự trong hai Hội Đồng để điều hành Giáo Hội.

2. Biết khó lòng tiêu diệt được Giáo Hội Thống Nhất, CSVN tiếp tục kế sách chiêu dụ để phân hóa lực lượng của Giáo hội. Ðiển hình là GS Lê Mạnh Thát và TT Thích Tuệ Sỹ đã bỏ Giáo Hội Thống Nhất, hợp tác với nhà nước và Giáo hội quốc doanh. GS Lê Mạnh Thát nhận chức Phó Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh do HT Thích Minh Châu cắt cử và GS đã đứng ra vận động tổ chức lễ Vesak LHQ 2008 cho nhà nước. Bên cạnh đó, TT Thích Tuệ Sỹ đã đánh mất tinh thần đấu tranh như thầy đã từng tuyên bố hãy phó mặc việc đó cho thần lực của Như Lai lo liệu. Nếu mọi người đều nghĩ như thế thì có lẽ VN đã trở thành mãi mãi là một tỉnh huyện của Trung Hoa hay là một thuộc địa của Pháp từ lâu rồi.

3. Thời gian gần đây, sự truy bức Giáo hội của nhà nước rất tinh vi, họ lập chiêu thức mới là rút ruột giáo hội. Trước hết, họ tổ chức hội "Thân Hữu Già Lam" để bành trướng ảnh hưởng của khối trí thức Già Lam trước đây do HT Thích Trí Thủ thành lập. Thấy có kết quả tốt nên họ tiến tới giai đoạn thành lập nhóm Thanh Niên Tăng Ni Hải ngoại, rồi đi đến đại hội Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại. Mục tiêu chánh vẫn nhằm lôi kéo lực lượng cốt cán của Giáo hội bỏ đấu tranh đòi phục hoạt cho Giáo Hội bằng hình thức chuyên về sinh hoạt văn hóa giáo dục. Chiêu bài này đã thu hút khá đông Tăng Ni, và đặc biệt là Ngày Về Nguồn hay Giỗ Tổ đã quy tụ rất nhiều Tăng Ni từ khắp nơi về cúng bái và gia nhập nhóm Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại. Đây là chiêu thức rất hấp dẫn nhằm đánh lừa dư luận và mở rộng được sự kết nạp lực lượng Tăng Ni cùng Phật Tử trên toàn thế giới. Vì biết rõ mọi sự việc cộng sản sắp đặt từ trong nước và đánh giá rõ hệ quả sự phân hóa nguy hiểm thập tử nhất sinh, ngài cố Tăng Thống ĐLHT Thích Huyền Quang mới ban bố Giáo Chỉ số 9 để chỉnh đốn tổ chức giáo hội Thống Nhất.

Tiếp theo là phần câu hỏi, diễn giả trả lời và cử tọa góp ý.

Câu Hỏi: Đài SBTN có chiếu đoạn phim phỏng vấn ông Trần Minh Thành, tuần báo Viet Times Toronto, vào ngày thứ hai 4 tháng 8, 2008 lúc 1 giờ trưa. Ông Thành cho biết ông đã phóng vấn TT Thích Tâm Hòa, trú trì chùa Pháp Vân, người đã đứng ra tổ chức Ngày Về Nguồn vừa qua. TT Thích Tâm Hòa cho biết tổ chức của TT liên lạc và nhận chỉ thị trực tiếp từ giáo hội Thống Nhất trong nước và không có liên hệ hay không nhận chỉ thị từ VP II VHĐ/Hải Ngoại. Không biết điều này có thể có hay không? (Ông Thành xác nhận có phỏng vấn TT Thích Tâm Hòa như trên).

HT Thiện Tâm: Theo Giáo chỉ số 9 do chính Đức Đệ Tứ Tăng Thống ban hành, ngài đã cắt cử người Tổng ủy viên đặc trách liên lạc Canada. Nếu giáo hội trong nước cần chỉ thị cho Giáo hội Canada, thì chắc chắn Giáo hội sẽ liên lạc thẳng với người Tổng ủy viên đó; chứ không lý gì Giáo hội làm ngược lại giáo chỉ? Tôi không tin điều này xảy ra và tôi rất ngạc nhiên về lời tuyên bố đó.

Câu Hỏi: Xin ông Thành cho biết trong buổi phỏng vấn TT Thích Tâm Hòa, TT có cho biết tổ chức của thầy Tâm Hòa đã làm gì cho giáo hội Thống Nhất trong mấy năm vừa qua và bao nhiêu lần?

Ô. Trần Minh Thành Trả Lời: Thành không có đặt câu hỏi này với thầy Tâm Hòa nên không thể trả lời thay cho thầy Tâm Hòa.

Câu Hỏi: Xin quý thầy cho biết Giáo hội cần phải chỉ dạy thế nào cho các thầy trú trì ở các chùa đường hướng để đi cho đúng.

TT Giác Đẳng: Đạo Phật không có cơ chế pháp quyền. Giáo hội chỉ đòi hỏi tinh thần lương thiện. Nói theo người đời, người tu không nên treo đầu heo bán thịt chó. Nếu một người đang nằm trong giáo hội chống lại giáo hội; đó là hành động thiếu lương thiện.

Câu Hỏi: Tôi thấy TT Thích Tâm Hòa vinh danh Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, ủng hộ ngày 30/4; nhưng tôi không hiểu tại sao Tờ Báo Khai Thác Thị Trường chỉ trích TT Thích Tâm Hòa?

HT Thiện Tâm: Thầy Tâm Hòa, Thầy Nguyên Lạc, Thầy Bổn Đạt đều cùng chung Giáo Hội Thống Nhất Canada trước đây. Nhưng kể từ khi chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn tư tưởng, từ địa phương hay từ trong nước mà lập trường có thể thay đổi. Do đó, có chùa còn tiếp tục tranh đấu cho tự do, dân chủ và quyền phục hoạt cho giáo hội; có chùa đã chấm dứt sự đấu tranh.

Ô. N.B. Long Trả Lời: TS. Nguyễn Bá Long, chủ nhiệm báo Khai Thác Thị Trường, trả lời câu hỏi trên như sau: TT Thích Tâm Hòa là người tổ chức Về Nguồn, là nồng cốt của Hội Thân Hữu Già Lam. Họ chủ trương làm văn hóa, hoằng pháp, từ thiện với trong nước, tức là làm với giáo hội quốc doanh vì giáo hội Thống Nhất (*) trong nước bị cấm chỉ hoạt động. Website của chùa Pháp Vân đã ca ngợi Võ Đình Cường, Trịnh Công Sơn trong các tháng 5 và 6 vừa qua. Ngoài ra, từ 2005, các đạo từ, thông điệp của nhị vị ĐLHT Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ thì không thấy TT Thích Tâm Hòa thông báo cho phật tử biết. TT Thích Tâm Hòa đã phản lại giáo hội Thống Nhất từ lâu.

Câu Hỏi: Tiếp theo câu trả lời của TS. N.B. Long, một vị lên tiếng xác nhận là nhân chứng sống. Vị này cho biết ba thầy Tâm Hòa, Nguyên Lạc và Nhật Quán đã có ý định ly khai ra khỏi giáo hội Thống Nhất từ lâu. Trở về quá khứ, HT Thích Thiện Tâm là người có công lớn trong việc thành hình chùa Việt Nam, tiền thân của chùa Pháp Vân ngày nay; chứ không phải thầy Tâm Hòa (một vị khác trong phòng họp cũng đồng lên tiếng xác nhận chuyện này).

HT Thiện Tâm: Mười mấy năm trước, khi mới thành lập Giáo hội, tôi có vận động thành lập chùa Việt Nam tại Mississauga để làm trụ sở chính cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada; lúc đó, có bốn thầy Tâm Hòa, Nguyên Lạc, Nhật Quán và Nhật Trí, đang gặp chuyện lủng củng tại chùa Vạn Đức, nên sau khi thành lập ngôi chùa này, các thầy đã lần lượt về chùa Việt Nam. Sau đó không lâu, các thầy đòi trao chùa VN cho các thầy quản trị tại địa phương. Lúc đầu, tôi không đồng ý vì đây là trụ sở chính của giáo hội Hải Ngoại Canada. Nhưng khi thấy các thầy cứ làm áp lực và sự việc đã kéo dài mấy năm. Cuối cùng, tôi thuyết phục chư tăng trong giáo hội Hải Ngoại Canada (*) hãy trao cho bốn thầy đồng quản trị cơ sở này, tuy nhiên đây vẫn là trụ sở chính miền Ðông của Giáo hội. Sau khi tôi trở về thành phố Edmonton thành lập cơ sở miền Tây cho Giáo hội, các thầy bán ngôi chùa VN, để lập thành chùa Pháp Vân và trở thành Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam Ontario tại Mississauga.

Điều đáng buồn là quý thầy đã đi ngược lại đường hướng của Giáo hội trong nước do Ðức Cố Ðệ Tứ Tăng Thống và Ngài Viện Trưởng lãnh đạo, đôi khi còn có lời xúc phạm với Ngài Viện Trưởng. Các thầy có ly khai ra khỏi giáo hội thì cũng không sao, chỉ xin đừng đâm thủng chiếc thuyền cũ đã từng đưa mình qua sông.

Câu Hỏi: Gần đây, chúng tôi thấy giáo hội Hải Ngoại Canada (*) có tổ chức đại hội bất thường khoáng đại kỳ IV tại chùa Thuyền Tôn của TT Thích Viên Diệu ở Montreal. Đại hội có bầu TT Thích Bổn Đạt làm chủ tịch hội đồng điều hành của Giáo Hội Hải Ngoại Canada (*). Vậy, chúng ta có hai giáo hội có cùng tên và có hai vị chủ tịch vì HT Thích Thiện Tâm cũng là chủ tịch hội đồng điều hành giáo hội Hải Ngoại Canada (*). Vậy giáo hội nào tiếm danh? giáo hội nào chánh thống?

HT Thiện Tâm: Đại hội vừa rồi, các thầy làm không đúng với Nội quy và Quy chế của Giáo hội quy định, các thầy tuyên bố bất khâm tuân Giáo chỉ số 9 của Ðức Ðệ Tứ Tăng Thống, tự ý hủy bỏ Hội đồng Chứng minh, Ủy ban Giám sát, Ủy ban Giám luật. Không mời Hội đồng Chứng minh và các thành viên khác trong Giáo hội tham dự như: Ðại lão HT Thích Hộ Giác, TT. Thiện Tâm, TT. Minh Thông, TT. Hạnh Cần, TT. Viên Giác, TT. Quảng Duệ, ÐÐ. Nguyên Thảo, ÐÐ. Pháp Không, ÐÐ. Pháp Hòa, ÐÐ. Quảng Ðiền, Sư Cô Chơn Thành, SC. Huệ Cảnh, SC. Chủng Huyền, SC. Pháp Huệ... kể cả một số hội đoàn thành viên hiện đang sinh hoạt với Giáo hội vẫn không được mời. Vì thế, Hội đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước và VP2-VHÐ tại Hải Ngoại xem đó là thành phần ly khai ra khỏi Giáo hội. Vì thành phần Tăng Ni cốt lõi sáng lập Giáo hội Hải Ngoại Canada (*) vẫn còn đó, những người giữ vững lập trường vẫn còn đây thì chúng ta tái phối trí lại và tiếp tục làm việc thôi.

Câu Hỏi: Con là phật tử hộ trì Tam Bảo. Con nghe thầy Tâm Hòa tổ chức Ngày Về Nguồn để cho các chư tăng khắp nơi trên thế giới về chùa Pháp Vân làm giỗ tổ của các thầy không phân biệt tông phái. Con rất mừng vì đây là dịp con có thể cúng dường, hộ trì và gặp nhiều chư tăng về chùa Pháp Vân. Nhưng, đến ngày Về Nguồn, con chỉ nghe thầy Tâm Hòa nói về Nhóm Già Lam làm cho con rất thất vọng. Con là phật tử còn không hiểu thì những ai khác làm sao hiểu được. Nếu thầy đại diện cho Giáo hội, con xin thầy dùng phương tiện truyền thông thông báo cho đồng bào biết sự thật.

TT Giác Đẳng: Tôi có ba đề nghị: thứ nhất là nhìn tổng thể vấn đề để biết kế sách tinh vi của CSVN. Thí dụ, thành viên trong giáo hội Thống Nhất mà thành lập Tăng Ni VN Hải Ngoại hay Về Nguồn là vấn đề không đơn giản. Thứ hai là nhìn ngọn cờ chỉ đạo của nhị vị ĐLHT làm mực thước, hướng đi. Thí dụ, có người nói tôi theo Thống Nhất nhưng không theo ĐLHT Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ là có vấn đề. Thứ ba là bình tỉnh nhận ra những người quang minh chính đại, không nhập nhằng. Điều gì dấu kín là tà mị. Chúng ta phải biết tôn trọng lẽ phải và sự thật.

GS Trần Gia Phụng Góp Ý: Cộng sản chủ trương độc quyền chính trị. Họ triệt tiêu tất cả những ai làm mất quyền toàn trị của họ. Họ muốn tiêu diệt 4 tôn giáo lớn tại VN là Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo vì tôn giáo có quần chúng. CĐ (*) và PGHH (*) không có thể lực quốc tế nên họ đánh cho tan nát. TCG (*) và PG (*) có thế lực quốc tế nên cách đánh phải khác. TCG có hệ thống từ Đức Giáo Hoàng ra lệnh trở xuống nên thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng phải đi chầu Đức Giáo Hoàng tại Vatican. PG không có hệ thống, nhưng khó đánh nên họ dùng Nghị Quyết 36 để chia rẽ.

Phật tử là người có Bi-Trí-Dũng. Nếu sư mà không có Bi-Trí-Dũng thì không phải là sư. Nếu thấy CS tàn ác mà theo là vô minh; nếu ca tụng CS là không có trí, bất nghĩa; nếu tiếp tay CSVN là phản bội dân tộc. Việc đấu tranh ở hải ngoại rất cần thiết, làm cho những người trong nước có niềm hy vọng về tự do và dân chủ.

TT Giác Đẳng: Lúc trước, CSVN cho những ai không hợp tác với họ là chống đối nhà nước. Bây giờ, CSVN quan niệm những ai không chống đối họ là hợp tác với họ. CSVN dùng những người có ảnh hưởng trong quần chúng để tuyên truyền cho họ. Tôi đồng ý là PG không có hệ thống nên họ khó khống chế. CSVN phải dùng kế sách khác tinh vi hơn.

Thí dụ, ĐĐ Thích Nhật Từ là cán bộ CS từ trong nước đi đến các chùa ở Houston thuyết pháp, không một ai dám lên tiếng vì sợ đụng chạm tôn giáo. Chính nhờ giáo chỉ số 9 mà cộng đồng đã lên tiếng. Do đó, giáo chỉ số 9 là đối sách quan trọng. Ngày nay, một số thầy theo cộng sản vẫn treo Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vì nồi cơm của họ, vì còn sợ cộng đồng chống đối.

Khi giáo hội Thống Nhất bị triệt tiêu, chúng ta không biết Phật giáo sẽ ra sao? Chúng ta phải có can đảm nói lên sự thật. Nếu không thấy được điểm này, đó là điều đáng tiếc!. Do đó, vấn đề giáo hội Thống Nhất (*) cần được chia xẻ cùng với phật tử và những người không phải là phật tử. Niềm an ủi lớn là cộng đồng hải ngoại còn ủng hộ nhị vị đại lão hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ.

GS Vũ Hữu Doanh Góp Ý: Chúng ta đừng bi quan. Đạo Phật không dễ đánh đâu vì đạo Phật là đạo vô tướng. Điều nguy hiểm mà tôi thấy hiện nay là CS dùng lý thuyết Duyên Sinh Quan của đạo Phật cho là thuyết Duy Vật của CS để mị dân. Điều nguy hiểm thứ hai là năm 2006, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã đào tạo 20,000 cán bộ công an trở thành tu sĩ để xâm nhập và khống chế tất cả tôn giáo tại VN và hải ngoại. Nhưng, chúng ta không nên bi quan vì đạo Phật ở trong tâm chứ không nằm ở tổ chức; do đó, đạo Phật khó bị tiêu diệt.

Câu Hỏi: ĐĐ Thích Nhật Từ, sư quốc doanh, vừa trả lời cho phóng viên Tuyết Mai là đại đức sẽ xin đăng cai tổ chức lễ Vesak LHQ 2009 (2) tại Đại Nam Quốc Tự, nơi có thờ tượng Hồ Chí Minh trước tượng Phật. Không biết quý thầy nghĩ sao về chuyện này?

HT Thiện Tâm: Chúng tôi có theo dõi trên diễn đàn, chúng tôi nhận xét CS muốn biến đạo Phật thành tôn giáo CS vì họ không thể đứng độc lập mà tồn tại lâu dài. Bộ chính trị CSVN muốn đưa vào chùa các hình tượng của cán bộ CS để trở thành một vị thánh trong chùa như người Tàu đã thờ Quan Công làm hộ pháp Già Lam. Dụng ý của họ rất nguy hiểm khi tổ chức lễ Vesak LHQ 2009 tại Đại Nam Quốc Tự.

Câu Hỏi: Chúng tôi có nghe người bạn nói giáo chỉ 9 là cách chức những người trong giáo hội. Theo tổ chức ngoài đời, người bị cách chức vẫn còn nằm trong tổ chức; do đó, họ có quyền dùng danh xưng của giáo hội mà không bị mang tiếng tiếm danh. Xin ý kiến của quý thầy về điểm này.

TT Giác Đẳng: Giáo chỉ số 9 không có cách chức ai hết mà chỉ thay đổi cơ cấu: VP II không còn nằm dưới giáo hội Hải Ngoại (*) mà do thỉnh cử từ trong nước. ĐLHT Thích Hộ Giác có tổ chức đại hội mời tất cả thành viên về tham dự để tham khảo, chia xẻ, thảo luận. Có một số không về tham dự đại hội; lại còn có lời lẽ bất nhã đối với nhị vị lãnh đạo trong nước. Tiếp theo giáo chỉ số 9, giáo chỉ số 10 xác định thành phần nhân sự. Còn vấn đề tư cách hay không tư cách, nếu trong lòng chúng ta có Giáo Hội là người của Giáo Hội. Nếu không, dù có dán nhãn hiệu gì cũng không phải là người của Giáo Hội. Chính ngài Hộ Giác là người có quyền xác định tư cách thành viên của giáo hội Hải Ngoại (*).

Câu Hỏi: Có thể nào chúng ta có hai di chúc; tất nhiên có hai vị Tăng Thống hay không?

HT Thiện Tâm: Giáo Hội Thống Nhất (*) vẫn còn đây. Ngài Viện Trưởng vẫn còn đây. Giáo hội Hải Ngoại (*) vẫn còn đây. Do đó, chắc chắn, chúng ta chỉ có một di chúc và chỉ có một vị Tăng Thống cho giáo hội Thống Nhất (*). [Buổi hội thảo được tổ chức một tuần trước ngày chung thất của Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống ĐLHT Thích Huyền Quang nên di chúc của ngài chưa được thông báo trong ngày hội thảo].

Buổi hội thảo chấm dứt lúc 4:45 chiều; 15’ còn lại dành cho đài SBTN Canada và tuần báo Viet Times Toronto phỏng vấn. Nhiều người còn nấn ná ở lại và mong muốn cộng đồng tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo tương tự trong tương lai để đồng bào am tường thời cuộc.



Ghi chú:

(*) vài danh từ viết tắt nằm trong dấu ngoặc ( ).

- Đại đức (ĐĐ). Thượng tọa (TT). Hòa thượng (HT). Đại lão hòa thượng (ĐLHT). Giáo sư (GS). Tiến sĩ (TS). Thiên Chúa Giáo (TCG). Phật Giáo (PG). Cao Đài (CĐ). Hòa Hảo (PGHH). Hội Nhân Quyền (HNQ). Hội Cựu Quân Nhân (HCQN).

- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Thống Nhất). Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại (Hải Ngoại). Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada (Hải Ngoại Canada). Văn Phòng II Viện Hóa Đạo (VP II VHĐ).

- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh) là hậu thân của Giáo Hội Phật Giáo Yêu Nước (cộng sản) đặt dưới Mặt Trận Tổ Quốc; đây là tổ chức ngoại vi của đảng CSVN.

1. Vesak là tiếng Tích Lan có nghĩa là rằm tháng tư (hay trăng tròn tháng 5) dịch từ Nam Phạn Pali Vesakha hay Bắc Phạn Sanskrit Vaisakha. Vesak còn có nghĩa là lễ Tam Hợp vì đây là ba ngày lễ lớn của Phật Giáo hợp lại để tưởng nhớ ngày Bồ Tát Cồ Đàm giáng sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, ngày Bồ Tát đắc đạo thành Phật Thích Ca tại Bồ Đề Đạo Tràng và ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn tại Câu Thi Na cùng nhằm ngày rằm tháng 4 âm lịch.

Năm 1990, Liên Hiệp Quốc biểu quyết lễ Vesak là ngày lễ quốc tế. Lễ Vesak LHQ 2000 được tổ chức lần đầu tiên tại New York. Các năm kế tiếp tại Thái Lan. CSVN xin đăng cai tổ chức lễ Vesak LHQ năm 2008. ĐĐ Thích Nhật Từ, tổng thư ký Vesak 2008, thừa thắng xông lên, muốn tổ chức lễ Vesak LHQ 2009 tại Đại Nam Quốc Tự, nơi có thờ tượng Hồ Chí Minh tại chánh điện. Đại Nam Quốc Tự là trung tâm du lịch do Dũng Lò Voi tạo dựng tại Bình Dương.

2. Điều khôi hài nhất là ngày lễ Vesak LHQ 2008 vừa qua, phật tử không được tham dự lễ Vesak 2008 được tổ chức tại Hà Nội, mà chỉ có đảng viên CSVN, những người chủ trương vô thần, mới được tham dự.

3. HT Thích Trí Thủ tu tại chùa Già Lam ở Gò Vấp nên được các đệ tử gọi ngài là Ôn Già Lam. Thân Hữu Già Lam lấy từ tên gọi của HT Thích Trí Thủ, người đã gia nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Yêu Nước; bây giờ trở thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; còn gọi là quốc doanh.

No comments:

Blog Archive