Mối tử thù
Ông Trần Văn Mạnh có một mối tử thù bất cộng đái thiên với ông Phan Văn Lịch. Ông thề trước bàn thờ tổ tiên rằng nếu ông chết đi mà không trả được mối thù này thì con cái ông phải trả cho ông, đứa nào không trả được thì coi như là con bất hiếu, không xứng đáng được hưởng gia tài ông để lại, không được mang giòng họ Trần của gia tộc, chết xuống suối vàng mà ông gặp được thì ông nhất định sẽ giộng cho một đạp…
Câu chuyện bắt đầu vào ngày xưa, rất xưa ở Việt Nam nhưng ông Mạnh không thể nào quên được. Cả hai người đều là bạn nhau lúc còn hàn vi áo vải. Ông Mạnh làm nghề công chức còn ông Lịch làm nghề buôn bán. Thời gian trôi qua, cuộc đời thăng trầm của hai người này biến chuyển theo... tỉ lệ ngược. Nghĩa là ông Lịch làm ăn ngày một khá giả còn ông Mạnh thì ngày càng sa sút. Ông Lịch lần lần trở thành một nhà giầu có nhất tỉnh. Con cái ông ta là đứa thì kỹ sư bác sĩ, đứa thì đi lính không hiểu làm nên chức gì mà đeo một lần tới ba bốn cái bông mai bạc trắng xóa cổ áo. Ngày Tết ngày lễ con cái tề tựu về xe cộ cứ nườm nượp ra vào cái cổng nhà làm bụi bay mù khắp xóm. Trái ngược lại, nhà ông Mạnh thì nghèo rớt mùng tơi. Ông làm công chức lương ba cọc ba đồng, tính tình lại thật thà không biết ăn nói không biết nịnh bợ nên dù tận tụy đi sớm về trễ 20 năm mà vẫn không mua được chiếc xe Honda cho cậu con trai lớn đi học. Cậu con trai mới lớn, thấy hàng xóm bạn bè của mình đứa nào nếu không Suzuki thì cũng Yamaha, còn mình thì ngày hai buổi đạp chiếc xe đạp cọc cạch đến trường nên nhiều khi lấy làm đau khổ. Thỉnh thoảng cậu con trai nhân dịp bố vui vẻ cũng mớm ý hỏi xin bố mua cho một chiếc xe. Ông Mạnh chỉ nhìn con chua xót:
- Con trai, bố thương con bố, bố cũng muốn cho con chiếc xe Honda để đi với chúng bạn lắm nhưng bố đâu có tiền con. Tiền ăn ngày hai bữa mà bố cũng chưa chắc lo được thì tiền đâu mà mua xe cho con" Con thương bố con ráng ăn học nên người để mai này giúp bố nuôi các em con.
Cậu con trai là loại hiếu thảo nên nghe bố tâm sự não nùng như vậy thì hiểu ý ngay, từ đó không dám đòi hỏi gì nữa, chỉ lo ăn học. Rồi sau nhiều cố gắng cậu cả đậu được cái bằng tú tài II hạng ưu. Ngày đó là một ngày trọng đại trong đời ông Mạnh. Từ nhỏ đến giờ ông chỉ có hai ngày trọng đại: ngày thứ nhất là ngày ông cưới bà Mạnh, ngày thứ hai là ngày ông được mướn vào làm thư ký trong tòa hành chánh. Hôm nay sau bao nhiêu công trình dưỡng dục, thằng con cả ông đậu tú tài, ông phải liệt ngày này vào trong những ngày trọng đại của đời ông. Hai bố con ngồi nói chuyện với nhau, cả hai đều đồng ý rằng nhà tuy nghèo, nhưng nên mượn tiền mở một buổi tiệc nho nhỏ để thết đãi quý thầy cô, quý hàng xóm và bạn bè. Hai cha con đồng ý xong, mặt mày hớn ha hớn hở, chỉ chờ sự chấp thuận của bà Mạnh là ra sau nhà giết gà mổ lợn liền.
Bà Mạnh đang ngồi giặt đồ sau nhà với đứa con gái thì ông Mạnh gọi lên. Bà linh cảm được có chuyện quan trọng sắp sửa xảy ra nên rửa tay chạy lên. Nghe ông Mạnh trình bày ý kiến xong, bà thả người xuống ghế, nét mặt rầu rầu:
- Bố nó nói đúng. Con mình đã cực khổ nhiều nay nó nên thân thì cũng nên làm một cái gì để ghi nhớ ngày này. Nhưng bố nó xem, lấy đâu ra tiền mà tiệc với tùng. Phú quý thì mới sinh lễ nghĩa được, mình đang chạy gạo vắt giò lên cổ thì lễ nghĩa với ai"
Ông Mạnh rót chén nước trà, tu một hớp rồi nhìn bà Mạnh:
- Bà này chỉ được cái kỳ đà cản mũi. Con mình bây giờ đã làm ông tú, mai kia nếu có đi lính thì cũng làm quan, còn đi làm công chức thì thế nào cũng có ngạch có trật đàng hoàng, nó sẽ phụ giúp được mình. Vả lại nhà hơn hai mươi năm nay chưa có tiệc tùng đãi đằng ai cả. Còn cái này nữa, con nó cũng đã đến tuổi cặp kê, mình cũng phải làm cái gì để chuẩn bị kiếm cho nó một cô vợ chứ. Vấn đề tiền bạc, tôi đã có cách rồi.
Nghe đến đây, mắt bà Mạnh sáng rực lên:
- Cách gì, ông nói tôi nghe thử"
Ông Mạnh đắc ý vuốt chòm râu:
- Bà lúc nào cũng coi thường bố con tôi. Này nhé, tôi nói bà nghe, bà có nhớ ông Lịch không"
Bà Mạnh bỗng khựng người lại. Gì chứ ông Lịch thì bà còn lạ gì. Hơn hai mươi năm qua, mỗi ngày đi bộ qua dãy nhà tường cao bát ngát của ông Lịch, ngàn lần như một, không lần nào bà không thấy đau nhói trong tim. Bà buồn vì chồng mình không có lẹ tay lanh mắt như người ta, buồn vì bà Lịch và bà ngày xưa cùng xuất thân nghèo hèn, nay khá giả sao bà Lịch đã vội quên bạn bè... Giác quan thứ sáu của bà báo cho bà biết vụ này có cái gì không ổn. Đang suy nghĩ thì ông Mạnh tiếp lời:
- Thằng... ơ ông Lịch với anh là chỗ bạn bè biết nhau từ thuở còn mặc quần thủng đít, để anh qua bên ấy mượn vài chục ngàn làm bữa tiệc, tiện thể mời ông ấy qua nhà mình để chung vui luôn.
Bà Mạnh nghi ngại:
- Đã hơn hai mươi năm, ông còn nhớ người ta không biết người ta còn nhớ đến ông không"
- Bà hễ mở miệng ra là nói toàn chuyện bi quan không. Đàn bà quả thật vô tích sự. Thì cứ để tôi qua bên ấy xem có chết thằng Tây nào không đã. Thằng cả là con của bà luôn chứ đâu phải chỉ là con của tôi không đâu" Ý tôi đã quyết, bà đừng có cản. Vô lấy bộ đồ để tôi mặc đi qua nhà ông Lịch.
Ông quay sang cậu cả:
- Mày cũng thế, thay đồ đẹp đẽ để đi với tao.
Hai cha con được mời ngồi ở phòng khách nhà ông Lịch. Phòng khách sang trọng không chịu được. Ông Mạnh suốt cả hai mươi năm qua, đây là lần đầu tiên ông bước vào phòng khách nhà người bạn thuở xưa. Cái gì cũng mới cũng đẹp, cũng mắc tiền. Đây là hòn non bộ, kìa là chậu cá, chỗ nọ khe nước nhân tạo chảy róc rách nghe êm tai chả khác nào đứng bên giòng suối. Trong một giây phút động lòng ông Mạnh bỗng thấy thương cho số kiếp của mình. Con vua thì làm vua, con thầy chùa thì đi quét lá đa. Ông quay nhìn thằng con trưởng nam đang ngồi bên phải mình, xem thử nó có tướng quét lá đa hay không. Ông hơi ngạc nhiên khi thấy khuôn mặt nó bình thản, không có vẻ khúm núm như ông. Ông thầm nghĩ: “Không chừng thằng bé này lại làm được chuyện gì cho giòng họ chăng"”.
Đang suy nghĩ thì ông Lịch bước ra.
Ông Lịch, bẵng đi một thời gian không gặp vẫn béo tốt như dạo nào. Chưa kịp nói, cái mồm ông đã cười toe toét ra, hai tay giơ lên làm như gặp được một tri kỷ lâu ngày lắm. Ông Mạnh thấy ông Lịch tiếp đãi mình như vậy rất lấy làm khoái chí, mối hằn học, mối cay đắng chấp chứa từ bao nhiêu năm nay bỗng biến mất hết. Trước mặt ông bây giờ là một thằng Lịch dễ thương ngày nào, một thằng Lịch cùng đi bắt cá, đi ăn cắp ổi chung, một thằng Lịch đá banh tuy không giỏi nhưng ai cũng khiếp sợ nhờ tài chơi xấu, banh không thèm đá mà cứ đá vào cẳng người ta. Không ngờ sau mấy chục năm, thằng Lịch bạn của ông vẫn không thay đổi. Ông hơi tự trách mình có vẻ vì mang mặc cảm nghèo nên mới xa lánh người giầu chứ chưa chắc ông Lịch đã muốn xa lánh ông. Hai người nói chuyện tầm phào một chập, ông Lịch đưa tay áo nhìn đồng hồ làm như sắp sửa đi đâu:
- Anh Mạnh hôm nay qua thăm tôi chắc có chuyện gì... cần bàn không"
Ông Mạnh hít thở hai ba lần để lấy can đảm, rồi thú thật với ông Lịch là nhân dịp cháu đậu tú tài ông muốn mượn vài chục ngàn để làm tiệc ăn mừng cho cháu, và nhân tiện, ông cũng mời gia đình ông Lịch sang chung vui với cháu một thể. Khuôn mặt ông Lịch đang vui sướng bỗng xẹp xuống một lèo như cái bong bóng xì. Ông xua tay lia lịa:
- Tôi... gia đình tôi bận lắm rồi. Thôi tôi cảm ơn bác tôi không đi được đâu. Tuần tới tôi mắc bận đi ăn tiếp tân tại phủ thủ tướng, xong rồi còn phải lo thu xếp quần áo đi Pháp lo coi lại cái còm măng hàng hóa xem tới đâu rồi. Còn cái vụ tiền thì chờ tôi một tí, để tôi vào xem coi.
Ông đứng dậy đi vào nhà trong bỏ mặc bố con ông Mạnh ngồi chưng hửng nơi phòng khách. Ông Mạnh không thể ngờ rằng thằng Lịch bạn ông ngoài mặt thì niềm nở thân thiết như thế kia, tưởng có thể chết cho bạn bè được mà trong ruột thì khô khan keo kiệt không thể nói được. Ông đã toan đứng dậy đi về nhưng nghĩ đến khuôn mặt của thằng con trai, của bà vợ hiền, ông liền ráng vuốt nóng ngời chờ đợi.
Gần mười lăm phút sau, ông Lịch trở ra. Ông tiến đến gần ông Mạnh, tay trái chìa ra một tờ bạc giấy 500 đồng, tay phải dơ ra bắt tay ông Mạnh, giọng nói rất kẻ cả:
- Chỗ anh em nói thật bác đừng buồn, người Việt mình có câu: “Liệu cơm gắp mắm”. Cái gì bác thấy không kham nổi thì đừng có làm. Nhà bác nghèo, con cái có đỗ đạt thì cũng chỉ nên mua kẹo đậu phụng về uống với nước trà tầu để ăn mừng; làm gì lại phải đi vay mượn cho thêm công nợ". Tôi cho bác mượn tiền rồi mai mốt bác không trả được thì không lý chỗ anh em tôi lại kêu phú lít đến bắt bỏ tù bác à". Đây, tôi biếu bác 500 đồng để về muốn làm gì thì làm tùy thích.
Nghe xong lời dạy dỗ của người bạn, xém tí xíu nữa thì ông Mạnh ngã té xỉu xuống nền nhà. Mắt ông long lên, trợn tròn lại tưởng có thể bay phọt ra ngoài cắm vào cái mặt bẩn thỉu kia. Suốt đời ông, ông đã bị hạ nhục nhiều lần, như lần đi nhậu đứng đái bậy bên cột đèn bị thằng cảnh sát hăm he đòi bỏ bót để ông phải hạ mình năn nỉ... nhưng chưa có ai hạ nhục ông như lần này. Trong giây phút nóng nảy, ông muốn xông tới thò tay nắm lấy cái cổ đầy mỡ của ông Lịch mà cắn một phát cho nó phụt máu ra rồi thiên hạ có muốn đem ông đi giết hay đi ở tù gì cũng được. Nhưng trong lúc ngút lửa hận thù đó, bỗng tự nhiên ông trở nên bình tĩnh lạ thường. Ông thầm nghĩ:
“Mình bây giờ là kẻ nghèo, thất thế sa cơ, nếu mình đánh nó là mình dại. Chưa biết có làm gì nổi nó không nhưng chỉ tổ khổ vợ khổ con. Vả lại, đời xưa có nói: “Người quân tử trả thù ba năm chưa muộn”. Chi bằng bây giờ ta cứ làm mặt tự nhiên, cầm lấy tờ giấy bạc bố thí từ tay thằng khôn này, đem về để trên bàn thờ để nuôi chí phục thù. Ngày nào đó, ta làm ăn nên rồi sẽ bố thí cho nó tờ giấy bạc này”.
Thế là ông vận hết nội công để nở một nụ cười, cầm lấy tờ giấy bạc từ tay ông Lịch, cúi đầu thật sâu để cảm ơn rồi dắt thằng con trai lớn ra về.
Rồi thời gian qua, tờ giấy bạc 500, tang chứng của mối nhục gia đình nằm trên bàn thờ tổ tiên đã đổi màu, bụi đóng lên hàng mấy lớp mà mối thù vẫn chưa trả được. Nhiều hôm cúng giao thừa, ông vừa lạy vừa sụt sùi khóc khẩn cầu tổ tiên cho ông trả được mối thù trước khi chết...
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày vui của ông Mạnh. Ông chẳng phải là Việt Cộng, hay là dân nằm vùng gì, nhưng ông mừng là ông muốn để ý xem gia đình ông Lịch xoay xở thế nào trong cuộc thay đổi đời này.
Đúng y như ông dự đoán, gia đình ông Lịch thay phiên nhau đi tù. Từ ông bác sĩ, ông trung tá xuống cho đến cậu út kỹ sư mới ra trường ai cũng ôm chiếu đi trình diện tuốt luốt hết. Sau khi khu nhà vila sang trọng bị tịch thu làm của công cho nhân dân, ông Lịch bỏ đi biệt tích. Ông Mạnh có ý tìm kiếm mấy lần nhưng không được, sẵn có một chuyến vượt biên do người bạn tổ chức, ông bèn dắt vợ con phóng tuốt lên thuyền theo bạn ra khơi, không quên đem theo tờ giấy bạc 500 đồng Việt Nam gói rất kỹ trong xì líp chung với tờ giấy một đô la để dành. Đối với ông, mối thù vẫn chưa được trả, nếu trời cho ông đi lọt chuyến này, ông nguyện sẽ cúng một con heo và sẽ kiếm cho được ông Lịch để trả cho được mối thù kia…
Trời dường như cảm thông với những khổ cực của ông, cho ông vượt biên đến nơi an toàn, tuy ông không có cúng con heo như lời hứa ngày nào nhưng trời cũng không lấy thế làm buồn, cứ cho ông dắt vợ con qua đất Mỹ tỵ nạn. Tính đến ngày hôm nay thì ông đã ở thành phố New Orleans gần sáu năm, đã mua nhà mới, sắm xe mới, chiều chiều hay xách vợt đi đánh tennis và nuôi thêm cả chó cho nó hợp thời trang. Cuộc sống của ông bây giờ rất thoải mái nhưng không phải vì thế mà ông quên mối thù cũ với ông Lịch. Ông thỉnh thoảng cũng có dò hỏi tin tức kẻ thù. Có người đồn là ông Lịch đã chết, có người đồn là ông Lịch đã vượt biên rồi qua Pháp...
Hôm nay, một buổi chiều đầu xuân, đang quần xà lỏn ngồi ăn Crawfish thì thằng con út chạy vào đưa cho ông một cái thơ. Nhìn cái bì thơ, ông biết ngay lá thơ này nếu không đến từ trại tỵ nạn thì cũng đến từ Việt Nam. Ông đã quá quen với những lá thư từ trại và Việt Nam gửi qua xin tiền rồi, ngần ngừ toan cất đi để tối đọc thì bỗng cái hàng chữ của người gửi làm ông giật mình, con crawfish đang nhai nửa chừng xém bắn ra ngoài làm thằng con út phải đăm đăm mắt nhìn để chuẩn bị... né. Lá thơ đến từ trại tỵ nạn Thái Lan có tên của người gởi là Phan Văn Lịch, kẻ tử thù của ông.
Ông dẹp liền cái vụ ăn uống, rửa tay chân lên phòng khách ngồi bóc thơ ra xem. Đại khái ông Lịch tả cảnh mấy đứa con đều đi học tập chưa về, vợ ông đã mất cách đây hai năm vì quá đau buồn, còn ông đã bán hết gia tài được ba lượng vàng để ra đi. Nay ông Lịch đã nằm trên đảo gần hai năm mà vẫn không được cứu xét chờ đi Mỹ vì ông không thuộc phải thành phần quân nhân cũ, và cũng không có thân nhân gì ở Mỹ. Ông Mạnh càng đọc đến nỗi đau khổ của ông Lịch thì ông càng cảm thấy khoái chí trong lòng như vừa uống được một loại rượu quý. Trong đầu ông bỗng hiện về cái hình ảnh của buổi chiều ông bị làm nhục cách đây vài chục năm nhưng ông thấy như mới ngày nào. Có thế mới biết con tạo xoay vần, ông Mạnh ngồi rung đùi thầm nghĩ. Ông lại nghĩ không chừng ông bà mình linh thiệt, tết này phải mua một con heo thật lớn để cúng.
Tính toán một chặp ông quyết định ngày mai sẽ gởi một lá thơ qua tòa đại sứ Mỹ ở BangKok. Ông sẽ vu khống cho ông Lịch là cộng sản và đề nghị họ gởi trả ông Lịch về Việt Nam. Nói là làm, ông mở tủ lạnh thưởng cho mình một chai bia rồi lấy giấy bút ra thảo lá thơ.
Bà Mạnh đi làm về thì lá thơ đã được thảo xong. Bà thấy chồng hôm nay có vẻ vui hơn mọi ngày nên tưởng là ông Mạnh vừa thắng football. Nhưng nghĩ lại, bà thấy vô lý vì mùa football đã hết từ lâu. Nghe đứa con gái nói bố vừa nhận được thư ở Việt Nam, bà liền hớn hở:
- Có tin tức gì ở Việt Nam không ông"
- Có cái tin này còn hay hơn cả tin ở Việt Nam nhiều bà ơi. Tin thằng Lịch.
Mặt bà Mạnh thoáng lên một chút ngạc nhiên:
- Ông ấy lúc này thế nào ông"
- Đang ở đảo, đói quá chịu không nổi nên mới biên thư qua nhờ mình bảo lãnh.
- Ông ấy có đem vợ con theo được không ông"
- Được con khỉ, chạy lấy thân là may quá rồi, làm gì còn tiền bạc mà đem con cái theo. Quân vô luân khốn nạn, chuyến này nó mới sáng con mắt ra.
Bà Mạnh ngạc nhiên vì thái độ của ông chồng, bà không hiểu ông chồng mình đã uống mấy lon bia rồi mà sao có vẻ... quá mồm. Bà nhíu mày:
- Ông nói gì lạ vậy, đàng nào cũng là bạn bè với nhau ngày xưa. Tôi không hiểu ông được.
Ông Mạnh vỗ bàn:
- Bà chả biết cái con khỉ gì cả. Thế bà còn nhớ ngày xưa lúc thằng cả thi đậu tú tài không. Tôi qua mượn tiền nó, nó lại bảo nên liệu cơm mà gắp mắm, rồi cho tôi 500 đồng bạc. Bà coi, nó làm nhục tôi đến như vậy mà bà bảo quên được à"
Thì ra vậy. Bà Mạnh sống với chồng đã lâu, ít khi thấy chồng để ý thù ai bao giờ. Hôm nay trên đất khách quê người, sau bao nhiêu năm chung sống, bà không ngờ chồng lại có một nỗi lòng ẩm ức từ đời nào mà lại giữ kỹ trong lòng, chưa hề hé răng nói cho bà biết. Bà kéo cái ghế ngồi xuống bên chồng, nhẹ nhàng hỏi:
- Thì có chuyện gì ông nói cho tôi nghe với nào, vợ chồng ăn ở với nhau đã mấy chục năm, ông có giấu tôi điều gì đâu"
Ông Mạnh lấy một lon bia, làm một hớp chi tiêu bớt giận hờn:
- Bà không nhớ hôm ấy à" Tôi nhớ lúc ấy nhà nghèo quá, thằng cả thi đỗ tú tài tôi muốn làm một bữa tiệc cho con trước là để khoe hàng xóm sau là để kiếm cho nó một con vợ. Đi qua nhà nó chầu chực, tưởng nó còn chút lương tri bạn bè, nhân thấy mình túng quẫn, nó cho mình mượn chút ít để về làm tiệc. Nó đã không cho rồi lại còn sỉ nhục giòng họ nhà mình.
- Ông ấy sỉ nhục thế nào"
Ông Mạnh phát cáu lên, không hiểu sao mụ vợ mình hôm nay lại bày đặt lý sự chất vấn đủ điều. Ông lườm bà Mạnh một phát ý chừng như muốn bảo ông đã cáu lắm rồi:
- Bà này chỉ được nước hỏi móc họng. Này nhé, nó bảo tôi nên liệu cơm mà gắp mắm, rồi còn “mo ran” cho tôi một bài học về cách xài tiền. Đ m tiên sư bố nhà nó. Tôi nghèo tôi xài tiền thế nào kệ bố tôi, có mắc mớ gì đến nó mà nó phải dạy dỗ cho tôi"
Bà Mạnh bỗng bật cười lên một tiếng nhỏ. Ông Mạnh thấy thế thì lại càng sôi gan lên, ông toan mở miệng thì bà đã cướp lời:
- Thế nếu ông Lịch hôm ấy dúi vào tay ông một mớ tiền cho ông mượn thì ông ấy là người bạn tốt hay sao"
Ông Mạnh khựng người lại, không trả lời được câu hỏi kỳ quặc của vợ mình. Bà Mạnh tiếp:
- Nói thật với ông, tôi thấy ông ngày nào cũng đi họp với hành tham gia tổ chức này tổ chức nọ, hễ mở miệng ra là hôm nay đòi về nước, mai đòi về nước. Cái kẻ thù nguy hiểm nhất nó nằm ngay trong con người ông mà ông chưa diệt nổi thì ông đòi diệt ai"
Thấy ông Mạnh ngồi trầm ngâm như đã thấm ý, bà Mạnh tiếp:
- Tôi chỉ là hạng phụ nữ chân yếu tay mềm, đáng lẽ ra chỉ phải lo việc bếp núc trong nhà, còn chuyện quốc gia đại sự thì để cho mấy ông, nhưng thấy ông nhiều lúc vô lý không chịu được"
Ông Mạnh bực lắm, vào những ngày xưa ở Việt Nam mà bà Mạnh dám lý sự với ông như thế này là đã có chầu ăn bợp tai, nhưng bây giờ ông chỉ còn biết ngồi nghe bà Mạnh giảng luân lý.
Bà Mạnh cười khẩy:
- Ông khỏi phải lo chuyện chết không nhắm mắt được, bên Mỹ này các nhà đòn đám ma họ sẽ lo vuốt mắt, tô điểm mặt mày cho ông. Ông để tôi hỏi ông câu này, đồng ý là ông Lịch đã làm nhục ông. Ông cho đó là nhục, tại sao lúc đấy ông không chống lại hay chửi lại ông ta"
- Bà tưởng tôi ngu à" Lúc ấy nó giầu, mình nghèo, mình chống nó để chết à"
- Tôi thì nghĩ khác. Tôi nghĩ là ông hèn. Bị người làm nhục mà không dám làm gì là hèn. Chờ cho đến khi người ta thất cơ lỡ vận rồi mới lên mặt đòi trả thù thì còn hèn hơn.
Ông Mạnh không tin ở cái lỗ tai mình, không ngờ con mẹ Mạnh ngoan ngoãn ngày nào hôm nay bỗng bị quỷ ám hay uống thuốc liều hiệu gì mà dám lăng nhục ông như vậy. Trong cơn nóng giận, ông chụp lấy cái gạt tàn thuốc ném xuống sàn nhà vỡ tan tành.
Bà Mạnh đứng lên, giọng không hề có chút sợ hãi:
- Lần sau có ném thì ném cái gì quý cỡ vài trăm bạc để mình còn mua cái khác, ông ném cái gạt tàn thuốc chưa tới một đồng bạc, không gây được “tiếng vang” lại mất công mẹ con tôi dọn dẹp... Trở lại chuyện của ông, tôi thấy ông từ lúc sang đây, ông đã bao nhiêu lần bảo tôi là ông khinh những thằng ngày xưa ở Việt Nam, nghe xếp hét một tiếng là chạy xịt cứt ra quần, những thằng ngày xưa gặp người ta cách mười thước đã dở nón chào thật sâu, rồi đứng khúm núm bên lề đường nhe răng cười cầu tài quên mất cả phẩm cách mà mới sang tới Mỹ đã gọi xếp cũ là thằng này thằng nọ... vân vân. Ông thử nghĩ lại xem ông có hơn bọn nó không"
Trời cho mỗi người một bàn tay và ý chí, ai chịu khó làm ăn thì giầu. Vả lại sự giầu sang của ông Lịch đâu phải tự dưng mà có được, ông ấy cũng đâu phải hạng tham nhũng hại dân" Ông ghen tức chỉ vì ông thấy người ta có nhà cao cửa đẹp, còn những lúc người ta cực khổ làm ăn trong khi ông ngày ngày hai bữa sáng cắp ô đi tối cắp ô về thì ông không thấy. Nhờ trời phật phù hộ sang được đến đây rồi, thay vì tận dụng chút sức thừa còn lại của tuổi già để làm việc giúp đỡ đồng bào, ông lại xử sự như một đứa con nít. Ông phải giải phóng ông khỏi cái đầu óc nhỏ hẹp đầy tầm thường nhỏ mọn, ai nói động một câu là nhớ cho đến chết, cái lòng ích kỷ tự tôn tự đại, cái gì có tôi quyết định thì mới xong được. Nếu ông giải phóng cho ông được những chuyện đó, ông khỏi cần về nước, cứ ở lại đây thì sự có mặt của ông đã là một hãnh diện của cộng đồng Việt Nam rồi.
Bà Mạnh nói một hồi không cảm thấy mỏi miệng nhưng cảm thấy... mỏi chân, liền ngồi xuống ghế. Ông Mạnh kể từ khi lấy vợ, cứ tưởng vợ mình cù lần nên rất ít kiêng nể, hôm nay thấy vợ tự dưng xổ liền một thôi toàn những lời văn hoa lý lẽ, đầy đủ Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín như đức Khổng Tử thì đâm ra kiêng nể.
Ông thầm nghĩ mụ vợ mình không chừng có thể ra tranh cử chức Hội Trưởng Hội Bảo Vệ Hạnh Phúc Gia Đình tại New Orleans được, nếu kẹt lắm thì chắc cũng tóm được cái chân Tổng thư ký. Ông thò tay lấy cái lá thư “chụp mũ” vừa thảo xong vò nát đi.
Bà mạnh nhìn ông dịu dàng:
- Ông có nhớ ngày mình mới vào đất Mỹ không" Bọn Mỹ với mình, không cùng họ hàng, không cả cùng chủng tộc mà đã đối xử với mình lúc ấy là những kẻ sa cơ như những người bạn, giúp đỡ rất tận tình. Ngày hôm nay, ông Lịch, người Việt Nam đồng chủng, người bạn già của ông vừa bị ngã ngựa, con cái đứa thì chết dở trong tù, đứa thì không biết lưu lạc nơi đâu, ông thấy có chạnh lòng không" Ông Lịch là người khôn ngoan, trước khi đặt bút viết lá thư này chắc cũng đã hiểu tâm trạng của ông. Ông ấy nếu là người thường chắc chẳng bao giờ dám viết thơ đến nhờ vả ông. Đã dám viết thơ cho ông tức là ông ấy đã hạ mình, chấp nhận là kẻ hèn kém chỉ để mong chờ vào cái sự quảng đại của mình. Ông ấy tốt xấu thế nào thì mình khó mà biết, nhưng mình hẹp hòi hay độ lượng thì mình biết được mình ngay. Hơn nữa, nói thật với ông, già cả hết rồi, còn sống được bao lâu mà để hận thù nó làm đời mình mất vui đi.
Ông Mạnh ngồi cúi đầu suy nghĩ, nhớ lại lời nói của vợ, nhìn vào đáy cái khay đồng trên bàn, chợt nhận ra đầu mình đã hai màu tóc. Ông thở dài, nắm tay vợ:
- Mới ngày nào cùng thằng Lịch đánh đáo mà bây giờ tóc đã điểm sương rồi. Mau thật, Thời gian đi mau thật.
Ông quay vào nhà gọi lớn:
- Thằng út đâu, lấy cái bản đồ ra đây để tao kiếm đường ngày mai lên Hội đồng công giáo bảo lãnh bác Lịch bên đảo qua.
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
No comments:
Post a Comment