Friday, April 30, 2021

Vị Chua Nước Me
(Ký ức tháng Tư đen)

Nếu nói rằng suốt gần mười năm ba tôi phải ở trong cái gọi là "trại học tập cải tạo" tôi chỉ được vào thăm ba duy chỉ có một lần ở trại Hàm Tân Z30C là không hẳn chính xác. Hè năm 1975, tôi đã được mẹ dắt vào thăm nuôi ba tôi ở Năm Căn. Và hôm đó tôi còn được vào bên trong trại với ba tôi cho dù chỉ mấy tiếng đồng hồ.

Trạc sáu bảy tuổi, tôi còn quá nhỏ để hình dung hết mọi việc. Nhưng tôi còn nhớ như in việc mẹ tôi rất lo lắng không biết họ giam ba tôi ở đâu. Thế rồi chú Trang, một nhân viên cũ của ba tôi, tìm ra được là họ giam giữ ba tôi ngay trong sở ba tôi làm, Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Vùng 4, mà sau này lớn lên, tôi mới biết, nằm cạnh bắc Cần Thơ. Nhờ chú Trang giúp, mẹ tôi đã men đến hàng rào khi ba tôi bị họ bắt đem rác đi đổ. Nhờ vậy ba tôi mới kịp nhắn cho mẹ tôi biết chưa biết chừng nào mới được tự do và hãy đem các con về Sài Gòn.

Thế là mẹ tôi tất tả đưa chúng tôi về Sài Gòn. Sau nhiều tháng biệt tăm tích của ba tôi, chúng tôi nhận được lá thư đầu tiên ba tôi gửi, kèm theo tin mẹ tôi có thể vào thăm và đem theo một đứa con. Vì em út của tôi còn quá nhỏ, tôi là đứa may mắn trong bảy anh chị em được mẹ cho đi cùng.

Đường về miền Tây khá xa. Tôi nhớ man mán là đi mất cả ngày trời, rồi kiếm nhà trọ ở tạm qua đêm. Sáng hôm sau hai mẹ con dậy thật sớm, đi xe lôi đến cổng trại giam. Họ vẫn chưa cho vào vì còn sớm nên mẹ dắt tôi vào quán nước ngay ngoài cổng trại giam. Chưa kịp ngồi xuống ghế, cô chủ quán đã nhận ra mẹ tôi và tôi.

- Ủa, bà chủ đi thăm ông hả?

Té ra là chị Mến, người vú em và cũng là người làm trong gia đình tôi trước đây. Tôi nghe mẹ tôi trả lời giọng e dè.

- Mến ơi, bây giờ mà còn chủ tớ gì nữa. Xưng mợ cháu như xưa đi. Tin, chào chị đi con.

- Chèn đéc ơi, con quay lại tìm cậu mợ mà họ nói gia đinh đã dọn đi. Con cứ tưởng cậu mợ đi nước ngoài rồi.

- Đâu có. Cậu bị giam bên Cần Thơ, giờ mới chuyển qua đây nè.

- Sao mợ lại nói chữ bị giam nghe ghê vậy? Đảng và nhà nước có chủ trương khoan hồng. Cậu làm đúng chính sách sẽ được tha bổng sớm thôi.

Nghe đến đây, tôi không còn chút cảm tình với chị Mến. Nhưng rồi chị kể cho mẹ tôi biết, chị được chú Trang giới thiệu vào làm người ở thật ra là để... theo dõi ba tôi. Chị là du kích theo phe Mặt Trận Giải Phóng gì đó. Chị ta còn nói do ba tôi ăn ở đàng hoàng, nên chị đã đề nghị họ bắt cóc một vị thiếu tá khác để trao đổi tù binh với nữ tỉnh ủy Hậu Giang phe cộng sản lúc đó bị bắt.

Mẹ tôi bàng hoàng. Hèn gì bây giờ chị ấy có thể mở cái quán to như vầy. Chị tự tay bưng điểm tâm ra cho mẹ con tôi rồi hỏi mẹ tôi có cần gì chị giúp không. Mẹ tôi ấp úng từ chối. Rồi chị không thu tiền ăn sáng mà nói rằng ba mẹ tôi đã đối xử tốt với chị, nên chị luôn nhớ ơn.

Cảm ơn chị chủ quán, mẹ con tôi khệ nệ mang hai chiếc giỏ lác đầy đồ ăn khô và thuốc men, xếp hàng vào thăm ba tôi.

Cả nhà gặp nhau sau mấy tháng, tay bắt mặt mừng. Lẽ ra ba tôi ngồi một bên, mẹ con tôi ngồi đối diện, còn người công an mặc bộ đồ vàng kha ki, đội nón cối và đeo súng, đứng ở đầu bàn theo dõi, nhưng ba tôi xin cho tôi được ngồi với ba. Và tay công an trẻ kia gật đầu đồng ý.

Ba mươi phút sao mà ngắn ngủi. Ba và mẹ tôi đều khóc. Tôi nghe mẹ tôi dặn dò ba tôi giữ sức khỏe vì mẹ thấy ba ốm và tiều tụy hẳn đi.

Bỗng nhiên tôi liếc thấy chị Mến xuất hiện trong phòng chờ. Chị nói gì đó với mấy tay công an. Một người trong số họ bước đến chào và hỏi ba tôi:

- Anh được phép đem cháu vào bên trong, đến 4 giờ thì chị đến mà đón nó.

- Dạ... cảm ơn cán bộ. — Ba tôi trả lời mà vẫn còn ngạc nhiên.

Và thế là tôi được ba dẫn vào bên trong trại. Bên trong một căn nhà không có bàn ghế và các cửa sổ được đóng kín, mỗi người có một chiếc chiếu để lót nằm ngay dưới sàn. Tôi nhìn quanh và khoanh tay chào các bác, các chú. Tôi nhận ra khá nhiều người đồng sự cũ của ba tôi. Bác thiếu tá Anh. Chú đại úy Toàn. Hai chú trung uý Việt và Liêm. Mọi người xúm lại hỏi han như thể tôi là con họ vậy. Có người thắc mắc sao ba tôi có thể xin cho tôi vào được và ba tôi thật thà nói ông cũng không hiểu. Thật ra mẹ tôi chưa hề kể cho ba tôi nghe về chị Mến. Ba tôi xoa đầu tôi mà nói đùa:

- Chắc tại Tin "học tập cải tạo" giỏi.

Mọi người cười ồ, rồi có ai đó đã ra dấu nhắc im lặng, đừng cười lớn.
Giờ cơm trưa, tôi theo ba và mọi người đi xếp hàng lãnh xuất ăn. Tôi không nhớ rõ bữa ăn có gì, nhưng chỉ nhớ rằng ba nhường cho tôi ly nước me dầm đá chua chua ngọt ngọt. Tôi chưa bao giờ được uống loại nước này nên háo hức thấy sao nó ngon quá. Ba tôi nói hôm đó cả trại không phải đi làm rẫy và được uống nước me là món đặc biệt.

Rồi thì tôi nằm chèo queo trên chiếc chiếu của ba tôi mà ngủ trưa ngon lành cho đến khi ba tôi kêu dậy.
- Tin ơi, dậy con. Đến giờ rồi.

Tôi còn ngái ngủ, chào chia tay các bác các chú. Ba tôi ẵm tôi đi ngược trở lại khu thăm nuôi khi sáng. Dọc đường đi ba dặn dò tôi phải ráng học cho giỏi và nghe lời mẹ và các anh chị.

Sau cuộc chia tay bịn rịn đầy nước mắt, mẹ đưa tôi về lại nhà trọ để sáng hôm sau về lại Sài Gòn. Cả tôi và mẹ đều không biết rằng từ cuộc gặp gỡ đó, ba tôi bị chuyển ra Bắc mãi cho đến năm 1980 mới được chuyển về trại Hàm Tân Z30C.

Có một chi tiết nữa đáng nhớ là đêm đó tôi bị ngộ độc thực phẩm và bị tiêu chảy cả đêm. Tội nghiệp mẹ tôi nửa đêm chạy các nhà thuốc gác để tìm mua thuốc. Tôi lơ mơ nhớ về cái ly nước me dầm khi trưa. Ôi cái vị chua như quãng đời gần mười năm cha con cách biệt sau đó mà có khi mình không lường được sự đau đớn đến dường nào...

Tháng 4, năm 2020
Nhớ về Ba Mẹ

Tì Chương

No comments:

Blog Archive