Tuesday, April 20, 2021

" ĐÊM NHỚ VỀ SAIGON "

Nỗi khao khát có người tri âm...

Người ta vẫn nói “Nghe nhạc là nghe theo tâm trạng.” Có bài khi nghe mình thấy lòng chùng chình bao cảm xúc. Lúc khác, cũng bài đó, nhưng mình nghe với lòng bình thản, an nhiên hơn. Tuy vậy, có những ca khúc mà bất cứ lúc nào vang đến bên tai, tôi cũng đều cảm thấy mình trở nên thẫn thờ, bồng bềnh trong những nỗi niềm khó tả. “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng là một trong những bài hát có ma lực ấy.

Ðêm nhớ về Sài Gòn. Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi. Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi. Ðường im nghe quá khứ trong sâu. Ðường chia ly vẫn ngóng tin nhau…

Tôi nhớ lần đầu nghe giai điệu đó, trong một tối tan học, lái xe từ trường Golden West về nhà, trên con đường Bolsa thưa người, mà bỗng nghe một nỗi buồn ùa về, như thác dồn. Vô phương chống đỡ.

Ðêm nhớ về Sài Gòn. Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa. Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa. Ai sầu trong quán úa. Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song. Mắt người tình một trời mênh mông. Gợi bao nhiêu cho cùng…”

Nỗi buồn biến thành nỗi nhớ. Đến thắt lòng. Đến trào nước mắt.
Nhưng buồn cái gì? nhớ cái gì?
Tôi không thể gọi tên được.

Trầm Tử Thiêng trải lòng trong “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” sau hai năm ông đến Mỹ. Tôi rơi tõm trong “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” cũng sau hai năm chọn nơi này làm quê hương. Và khi bài hát đã tròn 20 tuổi.

Nỗi nhớ Sài Gòn của ông có lẽ không là của tôi. Tôi không mang trong lòng nỗi nhớ khắc khoải về hình ảnh người mẹ già ngồi bên song, không mang trong lòng ánh mắt chứa cả trời mênh mông của ai đó, khi tiễn con, tiễn người yêu đi vượt biển.

Nhưng mà tôi vẫn nhớ Sài Gòn. Nhớ những con đường tôi đạp xe đi học mỗi ngày. Nhớ con phố nhỏ ngập ngụa nước mỗi khi trời đổ mưa. Nhớ con đường vắng u hoài ru mình dưới những vòm me già ngay trước xưởng Ba Son. Nhớ lớp học những chiều mưa cúp điện, cô trò lọ mọ chép bài dưới ánh đèn cầy…

Tôi không cùng nỗi nhớ với ông. Nhưng hình ảnh của “những con đường thèm đôi chân vui,” của “phố phường buồn xưa chưa nguôi” mà tác giả gợi ra đã chạm đến tâm khảm của biết bao người, trong đó có tôi.

Để mỗi người, như tác giả, nhận ra mình “như cậu bé mồ côi, cố vui cuộc sống nhỏ nhoi.”

Để làm gì?

Ðể đêm đêm nhớ về Sài Gòn”!

Nỗi nhớ Sài Gòn nó khằn sâu trong tim, nó ghi dấu trong não. Càng vùng vẫy, càng muốn thoát ra, nó lại càng quấn chặt, lôi mình về chốn xưa, “thấy mình vừa trở lại quê hương. Ðã gặp người một trời yêu thương. Cho lòng thêm chút ấm…”

Trời ơi! Tôi thấy mắt mình cay quá. Nỗi nhớ Sài Gòn hiếm khi nào là một nỗi nhớ dịu dàng. Nó cứ như được bắc thang mà leo, từ từ, từ từ, mà da diết đến cồn cào lúc nào không biết.

Cái mênh mông, vời vợi thoát ra từ “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” cuối cùng tụ về trong nỗi nhớ bè bạn, thèm được ngồi bên nhau, thèm được trò chuyện với nhau.

“Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau
Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau
Tình chia trong đêm sầu…

Không biết ai đó có cảm nhận như tôi, rằng, tận sâu trong cái “thèm” đó chính là nơi trú ẩn của một nỗi cô đơn. Đến cùng cực.

Có mấy ai từng bị bứt ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, bị bứng lìa khỏi nơi mình từng xem là hơi thở, là nhịp sống, mà chưa từng trải qua những khoảnh khắc nhận ra mình chìm trong nỗi cô đơn đến tê dại nơi này?

Thế nên, “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng, với tôi, thực ra đâu chỉ là nỗi nhớ – nỗi nhớ rõ ràng lẫn nỗi nhớ không tên – mà “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” còn là nỗi khao khát có người tri âm, có người cho mình bấu víu, nương náu, và cất bớt dùm mình nỗi nhớ tha hương. (Ngọc Lan)

No comments:

Blog Archive