Tuesday, April 13, 2021

BAO GIỜ "CHÍNH SỬ" CHÉP LẠI CHO THẾ HỆ SAU KHỎI HỒ NGHI?

Một bạn trẻ hỏi "Có thật sau 30/4/1975 toàn thể sách vở miền Nam bị mang ra đốt?" 

Tôi vẫn kể đi kể lại rằng  sau 30/4/75, Mẹ tôi, một cô giáo, đốt sách 3 ngày chưa hết.

Theo Nhà văn Nguyễn Thụy Long, người chứng kiến tận mắt (kể lại trong Viết trên gác bút – Hồi Ký):

..." Đó là những ngày tháng tủi hổ nhất cho lịch sử Việt nam, khi hàng ngàn thanh niên sinh viên học sinh của bên thua trận bị chính quyền mới ra lệnh vào tận những nhà sách, nhà xuất bản, cả những kệ sách tư nhân, tịch thu tòan bộ sách báo, ấn phẩm, tất cả những gì được in ấn, phát hành ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975 đem ra đốt.

“ . . . Trời sáng rõ, đèn đường tắt. Cờ bay đỏ phố, đỏ nhà. Những khẩu hiệu chiến thắng giăng mắc đầy đường, tường nhà, phố chợ. Những em nhỏ mang băng tay đỏ, áo bà ba, “mốt” mang dép râu, nối vòng tay lớn nhảy múa bập bẹ hát hỏng rồi làm lại trật tự lòng lề đường. Không còn bóng dáng những tà áo dài trắng nữ sinh tha thướt nữa. Một số em khác nỗ lực truy tìm văn hóa đồi trụy. Đám trẻ xộc vào nhà người ta khuân ra ngoài lề đường từng đống sách báo. Nổi lửa đốt khói lên ngút trời.

Một ông lớn tuổi đầu hói mang kính cận dầy cộm chạy ra la giằng lại cuốn sách đóng bìa da to vĩ đại:

- Các cháu ơi cho bác xin, đây là quyển Bách Khoa Từ điển tiếng Tây. Không phải văn hóa đồi trụy.

Chú nhóc miệng còn hôi sữa giằng lại cuốn sách, ném luôn vào thùng phuy đang bốc lửa:

- Đốt hết, đốt hết, sách là đốt. Lệnh trên như vậy.

Ông già ôm mặt khóc bên lề đường. Tôi quay mặt nhìn đi chỗ khác, tôi biết ông cụ. Giáo sư đại học luật, Vũ Đăng Dung. Tiến sĩ luật công pháp quốc tế. Ông cụ ở đường bên cạnh nhà tôi, đường Đinh Công Tráng, con đường nổi tiếng bán bánh xèo. . . . “

No comments:

Blog Archive