Trôi Dạt Về Đâu.
Nguyễn Hoàng Hôn
Nếu bây giờ có ai hỏi tôi: “Có phải bạn là một thuyền nhân Việt Nam tị nạn vượt biển không?”, chắc chắn tôi sẽ trả lời người đó là: “Không! Tôi không phải!!!”.
Cái quá khứ hãi hùng năm xưa dù nhiều lần tôi chối bỏ, muốn quên đi, vẫn thỉnh thoảng trở lại trong tôi, qua những cơn ác mộng mà khi tỉnh dậy, đã làm cho tôi ú ớ kinh sợ, với mồ hôi toát ra ướt đẫm cả thân người.
Không bao giờ tôi có thể quên được ngày thứ ba hôm đó, trời âm u với những cơn mưa như trút nước. Tôi cùng Duy tay trong tay với niềm chan chứa hy vọng sẽ được con tầu bé nhỏ mong manh, do cha mẹ chúng tôi gửi gấm, mang hai đứa con thân yêu đi tìm tự do, đến được một bến bờ nào đó, an toàn gửi một bức điện thư về báo tin mừng.
Duy hơn tôi ba tuổi, năm đó Duy hai mươi, tôi mười bảy “tuổi bẻ gãy sừng trâu”. Không biết ai đã nói câu đó, nhưng với tôi thì tôi chỉ là một cô bé yếu đuối.
Duy chăm sóc cho tôi từng ly từng tí. Chúng tôi là bạn cùng xóm, ba mẹ chúng tôi đã có lời đính ước cho hai đứa khi mẹ tôi sinh ra tôi. Chúng tôi lại hợp nhau, chơi với nhau từ nhỏ.
Khi tôi gần xong trung học thì Duy đã đi dậy học thêm ở một trường Trung Học, và đang là sinh viên năm thứ hai của Đại Học Luật Khoa.
Vì tương lai của hai đứa, ba mẹ chúng tôi đành phải gạt nước mắt cho chúng tôi ra nước ngoài, sau khi tổ chức lễ đính ước thật vội vàng cho chúng tôi.
Chuyến đi lúc đầu thì trót lọt, nhưng càng lúc càng thấy rối rắm, khó khăn. Trước hết là máy tầu bị quấn lưới không quay cánh quạt được. Phải sửa hết gần nửa ngày với hai người thi nhau lặn xuống dưới nước để tháo gỡ những sợi dây chằng chịt dính trong đó.
Đi thêm ba ngày nữa, khám phá ra mấy thùng nước ngọt dự trữ không hiểu sao ai đó vặn lỏng nút đậy, nước chảy hết ra ngoài. Thế là người ta không còn nước uống! Khỏi nói thì ai cũng lo âu, chỉ biết chắp tay cầu Trời khấn Phật ra tay tế độ.
Trên tầu có hơn bốn mươi người, khủng hoảng đã xảy ra khi ba ngày sau có đứa con gái của bà kia rú lên những tiếng kinh dị vì khát quá.
Tinh thần mọi người lúc đó bất an, bị tiếng hét của cô gái đó càng làm cho bấn loạn thêm. Duy ôm tôi thật chặt trong tay.
Dù sao tụi tôi cũng còn vài trái chanh trong túi xách có thể cầm cự được vài ngày, nhưng đây là một điều nguy hiểm, vì nếu có ai thấy, họ dám giết chúng tôi để cướp mấy trái chanh như chơi!
Chắc cũng có một số người trên tầu có giấu đồ ăn riêng như chúng tôi, nhưng ai dại gì chia sẻ lúc này. Biết tình hình ngày mai sẽ ra sao?
Không ai dám ăn nhiều, vì ăn vào thì khát nước. Thức ăn thì cũng sắp cạn vì chỉ chuẩn bị chuyến đi có hai tuần. Người ta cầm cự bằng cách ăn cam, ăn chanh, ăn bưởi.
Thuyền của chúng tôi gặp rất nhiều tầu lớn nhưng những tầu đó, cuối cùng đều chạy rất xa.
Vài ngày sau nữa, ai nấy đều lừ đừ. Bây giờ thì vừa đói vừa khát. Mẹ của cô gái hét ngày hôm qua đã phải cắt tay nhỏ máu vào miệng cho cô đỡ khát.
Một vài người cũng bắt chước cắt máu nhỏ vào miệng cho con mình.
Người ta cầu trời cho mưa xuống. Mưa mà xuống lúc này thì đỡ lắm vì chủ tầu đã chuẩn bị mấy tấm ván hứng nước mưa dự trữ. Nhưng mưa chưa xuống dù bầu trời đen nghịt!
Ngồi cạnh tôi, một ông bố ôm đứa con gái nhỏ lên bảy với khuôn mặt hốt hoảng thống khổ. Con bé đã nhắm nghiền hai con mắt mệt lả vì thiếu nước uống, nói mê sảng: “Bố ơi con chết bố đừng ăn thịt con nghe bố.” Không biết cô bé đã nghe những điều này từ đâu, có thể từ những chiếc thuyền vượt biên khác đã xảy ra thảm trạng đau lòng này.
Tôi run lên từng cơn, không phải vì lạnh mà vì đói! Đói mà chỉ có vài giọt chanh vào miệng càng xót ruột hơn! Duy thì chịu đói giỏi hơn tôi. Duy ôm tôi thật chặt trong hai tay, cố xốc cho tôi ngồi tựa vào người Duy để tỉnh táo hơn. Duy sợ tôi ngủ. Ngủ rồi không thức dậy là điều mà Duy sợ lắm!
Người đàn ông nấc lên từng hồi. Ông xoay qua Duy rồi bất chợt chấp tay vái Duy mấy cái:
– Tôi lạy cậu. Cậu làm ơn cho tôi xin một ít nước tiểu tôi cho con tôi uống không cháu chết mất.
Duy lúng túng nhìn ông… mấy ngày rồi, có được giọt nước nào vào bụng đâu rồi làm sao mà đái! Tôi thều thào: “Ráng thử đi Duy”. Duy xoay qua một bên, cầm cái ly cúi xuống, một lát Duy quay ra, lắc đầu: “Anh không thể làm được” người đàn ông thất vọng. Ông nói to hơn, xin những cậu con trai trên thuyền. Chẳng có nước đái mà cho. Ông khóc mà khuôn mặt mếu máo, không một giọt nước mắt nào chảy ra.
Tôi chỉ còn một nửa trái chanh cuối cùng, nửa trái chanh đã vắt nước gần hết. Nếu tôi cho cô bé vài giọt thì cũng tốt, dù không biết có cứu sống được cô bé không! Rất mệt nhọc, tôi bỏ tay vào túi thì chiếc thuyền lắc nhẹ, càng lúc càng mạnh hơn. Một người ở trên lái la to:
– Có tầu.
Mọi người vui mừng như muốn đứng hết dậy để nhìn, dù sức khoẻ họ không cho phép. Lát sau, một ca-nô chạy lại gần thuyền chúng tôi. Đó là một chiếc tầu của nước Nga. Khi biết chúng tôi cần thức ăn, nước uống, họ tiếp tế cho những thứ chúng tôi cần sau đó họ đi thẳng, mặc cho lời van xin cầu cứu của những người trên thuyền.
Ngày hôm sau, ai nấy đều có vẻ khoẻ hơn vì được ăn cháo, uống nước từ tối hôm qua cho đến sáng. Tôi cũng đỡ hơn nhưng còn rất mệt, dù vậy tôi cũng cố ngồi lên để đón những ngọn gió biển mát mẻ giữa đại dương xanh thẳm không biết đâu là bến bờ.
Chủ ghe cho biết:” Còn vài ngày nữa là đến Mã Lai, tương lai của chúng ta có mòi tươi sáng rồi bà con ơi.”
Ai nấy đều phấn khởi trong lòng. Hai bố con ngồi cạnh tôi thì da mặt cô bé đã có vẻ tươi hơn một chút. Cô gái có tiếng hét lanh lảnh ở góc kia bây giờ ngu ngơ cười một mình. Hình như có cái gì không ổn trong đầu cô rồi!
Còn bao nhiêu người trong kia mà tôi không biết mặt. Cả tôi và Duy nữa. Tội nghiệp cho Duy, cái gì cũng nhịn cho tôi mà không than thở một lời nào. Nhìn Duy đang ngủ ngon lành tôi chợt thấy thương Duy hết sức. Mới có hơn hai tuần mà Duy ốm hẳn đi. Không chỉ mình Duy, tất cả mọi người trên thuyền hình như ai nấy đều hốc hác thấy rõ.
Qua một đêm bình yên, giờ thì mọi người gần như lại sức. Nắng rực rỡ lên cao. Tôi ngước mắt tìm cho ra một cánh chim. Không có. Bầu trời xanh ở phía trên, ở dưới nước cũng xanh. Người ta nói có thấy chim thì mới mong tới gần đất bằng…. Chừng nào chúng tôi mới đến được đất bằng thì chủ ghe lại reo lên:
– Có tầu.
Mọi người vui mừng sắp được cứu rồi. Duy ôm tôi:
– Mình sắp đến bờ tự do rồi Hoàng ơi.
Chúng tôi ngóng về chiếc tầu. Nhưng tôi thấy ông chủ ghe biến sắc, ông xua vợ con xuống hầm:
– Thuyền hải tặc, tụi nó có súng…. Đi xuống mau. Trét đồ dơ lên người.
Rồi ông xoay qua chúng tôi:
– Coi chừng thuyền hải tặc đó bà con ơi !!!
Người ta nhốn nháo lên. Ai nấy mặt mũi tái nhợt, người thì lo cất giấu nữ trang vàng bạc, kẻ thì la lối phải đối phó làm sao.
Duy kéo tôi đến bên nồi cơm trên bếp, lấy lọ nồi trét tùm lum trên tay, lên mặt tôi rồi chà lan trên da một cách vội vã, Duy thì thầm:
– Hoàng làm bộ bịnh nặng nghe không… nằm úp mặt xuống đừng cho tụi nó thấy.
Vài cô gái trên tầu cũng được cha mẹ làm y như Duy lo cho tôi. Mọi người run rẩy chờ đợi tai họa tiến đến.
Chiếc tầu lớn cặp sát ghe của chúng tôi. Mấy thằng hải tặc thật kinh dị, khuôn mặt chúng bóng lẫy và đen thui, đứa nào đứa nấy bắp thịt cuồn cuộn rất khoẻ mạnh, như những con trâu nước! Chúng nhẩy sang ghe tị nạn, tay lăm lăm khẩu súng. Đàn ông bị lùa ra sau, đàn bà con nít một góc, con gái một góc. Mấy cô gái cỡ tôi khóc như ri…
Đợt đầu chúng thu nhặt tất cả tiền bạc vòng vàng, sau khi khám xét thật kỹ trên từng thân thể con người. Có thằng mất dạy vừa khám vừa bóp mông ngực con gái mấy bà rồi cười hô hố khiến ai nấy bất mãn ra mặt mà không dám nói.
Tôi giả bộ đau cũng bị một tên lôi dậy. Tên này có lẽ là Chúa đảng nên thấy hắn hay ra lệnh cho tụi kia. Hắn bắt tôi đứng thẳng trước mặt hắn rồi đưa tay kéo áo tôi xuống. Bộ ngực thanh tân của tôi hiện ra, tôi xấu hổ lấy tay ghì chiếc áo lại thì hắn chĩa súng vào đầu tôi.
Phía sau tôi, mấy cô gái trên tầu cũng bị bắt cởi truồng tồng ngồng đứng đó không mảnh vải che thân. Gia đình và những bà mẹ các cô khóc lóc van xin, những tên cướp mặt lạnh như tiền! Mấy tên khốn nạn này nếu tôi đoán không lầm thì chúng bắt chúng tôi thoát y để lựa cô nào ưng ý nhất bắt đem theo đây mà. Không, tôi không thể để cho hắn làm nhục như thế này được. Tôi cảm thấy tức tối khi bị súc phạm. Tại sao mấy cô kia lại im chịu cho hắn làm nhục chứ. Khi hắn đưa khẩu súng hạ xuống để hất cái quần tôi đang mặc, thì tôi nhào vô người hắn đánh đấm lung tung, cùng một lúc Duy ở phía cuối ghe cũng chạy xông vào cứu tôi. Mấy tên trong bọn nhảy vào trận. Duy bị một tên quất một báng súng ngay đầu, Duy gục xuống còn bị bọn chúng đánh đập tàn nhẫn trong lúc tôi hét lên đau đớn “Trời ơi! Duy. Duy..” Sau cùng bọn cướp vất xác Duy xuống biển.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Duy là thân xác chàng máu me cùng khắp, bồng bềnh trên mặt biển từ từ trôi xa.
Tôi gào lên muốn giết hết bọn chúng. Nhưng tôi không phải là “17 bẻ gãy sừng trâu.” Bọn chúng lại có súng và đông quá! Chúng đè tôi xuống lột quần tôi ra dù tôi phản ứng dữ dội. Có tên giận quá vung tay tính đánh vào mặt tôi, trả thù khi tôi cắn vào tay hắn thì tên Chúa đảng ngăn lại. Bọn chúng nói với nhau bằng thứ tiếng gì tôi không hiểu, sau cùng hắn trói tôi lại bằng sợi dây dù mà chúng mang theo từ tầu của chúng qua.
Nước mắt tôi chảy dài khi nghĩ đến Duy, chàng còn sống hay đã chết. Làm sao chàng sống nổi với trận đòn chí tử của bọn khốn nạn này. Lúc đó bọn cướp vẫn tiếp tục lôi những cô gái trên ghe ra đọa đầy. Có đứa bé mới chỉ 12 cũng bị hành hạ tận tình. Nước mắt tôi biến thành một lòng căm giận và tôi như hóa đá!
Sau đó, mười mấy đứa con gái bị bắt qua tầu bọn cướp. Trước khi rời thuyền tị nạn, bọn chúng còn đục thủng vài lỗ cho nước tràn vào, với những trận cười ha hả trước khi quay thuyền đi.
Những ngày lênh đênh theo bọn cướp trên thuyền, không nói gì thì cũng biết chúng tôi là những người mang lại niềm vui thể xác cho bọn chúng! Riêng tôi, tôi được cái may mắn là: “Người tình của Chúa đảng!”
Tên Chúa đảng dù hắn yêu thích tôi, chiều chuộng tôi, nhưng hắn đâu có biết rằng trong thâm tâm tôi thù hắn tận xương tủy. Tôi nghĩ đến Duy, tôi nghĩ đến con bé 7 tuổi với khuôn mặt thiên thần của nó, tôi nghĩ đến lúc bọn chúng lột quần áo tôi. Niềm căm thù của tôi dâng cao như ngọn sóng thần.
Tôi phải giết bọn chúng nó mới hả giận. Tôi phải trả thù cho dân tộc tôi. Chúng đã ăn cướp, hãm hiếp, còn giết người không gớm tay. Con bé cạnh tôi không biết giờ ra sao??? Phải mất một tháng tôi mới biết cách bắn như thế nào.
Tôi phải nhìn cách tên Chúa đảng lau súng, bỏ đạn vào, lấy đạn ra, lên nòng… tôi biết giờ ăn giấc ngủ của tụi nó. Tôi biết tôi phải làm gì. Và tôi sẽ hành động một mình.
Tôi được tên Chúa đảng cho lên đất Thái Lan chơi vài lần. Tôi biết cách gọi taxi bằng tiếng Thái, học lõm bõm vài câu Thái Lan, quen biết vài người ngoài chợ nhờ mua thứ mình cần.
Thế rồi một ngày phải đến, khi thuyền vừa cập bến đất Thái, tôi mời chúng buổi chiều ghé lại thuyền ăn cơm do tôi đãi. Chúng vui vẻ trở lại chiều đó. Những cô gái bị bắt cùng với tôi đã bị chúng đem ra những nhà thổ bán. Tôi là người may mắn nhất trong mười cô.
Chuyện phải đến đã đến. Các tên cướp biển đã bị tôi cho thuốc mê nằm ngủ như chết. Tôi định giết chúng bằng khẩu súng có sẵn trên thuyền, nhưng rồi tôi cảm thấy tôi không nên bạo động như thế hại cho đời tôi. Ba má tôi và ba má chàng đang đợi chúng tôi ở quê nhà.
Tôi ra phố, không quên lấy theo những bằng chứng cướp của giết người của bọn chúng. Tôi đi tìm những người Việt Nam sinh sống tại đây kể đầu đuôi câu chuyện và xin giúp đỡ.
Máu chảy ruột mềm, tình đồng hương thắm thiết. Tôi đã được giúp đỡ tận tình, được cả báo chí ngoại quốc phỏng vấn, được qua Mỹ định cư vì là trường hợp đặc biệt, vì ước muốn của tôi là được đến Mỹ.
Bọn cướp đã bị bắt, chúng sẽ phải đền tội “Thiên dung bất gian” tôi rất tin tưởng điều đó. Trong những ngày còn ở Thái Lan, tôi đã tình nguyện đi tìm những người con gái bị hải tặc đem bán cho các động mãi dâm tại Thái.
Cũng không ít con gái Việt Nam trong những nơi này. Tôi cũng đi vào trại tỵ nạn Thái để tìm cho ra những người đi cùng tàu của tôi, hỏi thăm về Duy người yêu quí của đời tôi.
Cuối cùng thì tôi không gặp được ai. Những người đó đã đi về đâu, hay họ xuất trại, hoặc trôi giạt đi một trại tỵ nạn nào khác?
Tôi không biết, tôi hoàn toàn không biết, và không bao giờ tôi muốn nghĩ rằng, con thuyền tỵ nạn nhỏ nhoi, mong manh đi tìm tự do có hai chúng tôi trên đó, chính mắt tôi thấy đã bị bọn cướp đục lỗ cho nước tràn vô, để tầu chìm giữa đại dương, dễ dàng phi tang những tội ác do chúng gây ra mà không ai biết, không hề có một bằng chứng nào để tố cáo.
Bây giờ chỉ còn mình tôi và chín cô gái bị bắt, số phận lẽ ra ở trong nhà thổ làm nô lệ tình dục suốt đời. May mắn được cứu sống, tương lai có thể sẽ được sáng sủa.
Còn tất cả những đồng bào đi chung trên ghe, mục đích tìm hai chữ tự do, trong đó có Duy và tôi, đã biến mất tăm mất tích như truyện đời xưa, như một cơn ác mộng dữ dằn.
No comments:
Post a Comment