Tuesday, April 20, 2021

SÀI GÒN MÙA LÁ ME NON

Trần Tiến Dũng 19-4-2021

Từ trước những năm 1975, không đâu có những con đường trồng nhiều cây me như ở Sài Gòn, nhiều đến mức những hàng me phủ xanh bên đường được tôn là biểu tượng để làm dáng, làm duyên phố thị, để đi vào thi ca nhạc họa và để có những gánh hàng rong bán me dốt chấm muối, me ngào đường, nước đá me...

Thực ra người Sài Gòn ngày nay không mấy người để ý là trong hệ thống cây cảnh của thành phố có một thứ cây ăn trái gọi là cây me. Nhưng trái lại nhiều Việt kiều ở tuổi trung niên, lâu lâu cũng buột miệng hỏi: “Hàng me trên đường Trần Quí Cáp cũ (Võ Văn Tần) còn không nhỉ?” Lập tức những người Việt, dù là đang lưu vong hay đang cô độc ở giữa lòng một Sài Gòn hôm nay lòe loẹt và hỗn độn sẽ bừng tỉnh cảm xúc về những hàng me xanh mượt, sáng ngời mùa thay lá, những cơn mưa lá me lất phất hiu hắt trong tiết trời buổi trở mùa.

Ðầu mùa mưa đi thăm hàng me
Tuy có lúc Sài Gòn phải trải qua thời bao cấp với mùa nóng và mùa cúp điện đến mức ai cũng nhìn thấy viễn cảnh “tận thế,”vậy mà chỉ cần mưa xuống vài đám nhỏ chưa đáng gọi là mưa đầu mùa thì lập tức có người thuộc “bộ lạc”những người lãng mạn cuối cùng rủ tôi đi coi me thay lá.

Anh thợ hồ, bạn tôi, một người đã ngoài năm mươi tuổi, có gốc là con sĩ quan VNCH, rủ rê rằng: “Ê tao thấy mày lơ là với bạn bè cũ quá, đi coi me thay lá với tao chơi, nhớ con T. học chung không? Nó ở Mỹ mới về, T. thành bà ngoại bà nội rồi nhưng muốn tao với mày đi dạo dưới hàng me với nó, nghe lạ chưa! Sống vậy mới đáng gọi là người Sài Gòn chớ... ”

Tất nhiên là tôi không thể đưa ra những vấn nạn của đường phố hiện tại của Sài Gòn để từ chối, dù biết rằng đi với cảm thức lãng mạn dưới hàng me Sài Gòn hôm nay sẽ bị coi là hơi bị khùng. Ngày xưa, những đôi tình nhân trẻ ưa dìu nhau đi dưới đường me Nguyễn Du, Gia Long... thì ngày nay dân Sài Gòn cũng khoái ngồi vỉa hè dưới bóng cây dù chẳng ai biết, cũng không cần biết đó là cây gì.

Thật ra Sài Gòn vẫn còn nhiều con đường trồng me, dù người ta đã thay các gốc me cổ thụ bằng các cây me non. Ở quận trung tâm, từ buổi sáng, nếu hên không bị công an rượt, bạn có thể chọn cho mình một hàng me rồi ngồi uống cà phê, ăn sáng ngay gốc cây me vỉa hè. Ðường Nguyễn Trung Trực là một đường có hàng me đẹp, nếu thích, bạn cứ ngồi ngó ra đường ngắm me, lá me, bông me, trái me rồi nhậu luôn cho tới tận khuya. Ngồi trên con đường ngắn này, nhìn theo cái dốc xuôi xuống chợ Bến Thành, nhìn lá me bay, dám chắc, nếu ai là dân Sài Gòn chính hiệu sẽ hồn nhiên buột miệng hát lại, hát mãi bài hát cũ “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi.”

Nhưng hàng me Sài Gòn cũng cho người ta cảm xúc đắng cay về đời thị dân cơ cực. Sau biến cố 1975, Anh Út, nhà ở quận 10, một người thuộc gia đình làm nghề đổ rác tư, lúc nhỏ ngoài giờ phụ má kéo xe đi lấy rác, tới mùa me có trái anh thường trèo me hái trái về cho má bán thêm. Lúc đó những hàng me của đường phố Sài Gòn được đám con nhà nghèo phân chia, ai xâm phạm là bị ăn đòn.

Anh kể: “Tới mùa me rộ kiếm bộn lắm, bán không hết thì chở vô Chợ Lớn cân cho vựa. Mà kỳ nghe, người Bắc ít ăn me, còn người mình sao khoái ăn me chua, với nấu canh chua me, chỉ mỗi cái nồi canh chua mà giúp cho mấy ông Tàu giàu nứt trứng luôn. Ðời bây giờ bớt rồi, người ta có ăn là ăn me Thái, với lẩu Thái.”

Canh chua lá me
Cây me cũng cho người dân miền Nam một món nấu chua thượng hạng khác là canh chua nấu bằng lá me non. Ít người Sài Gòn được hân hạnh ăn món canh chua này, bởi đâu có siêu thị hay nhiều chợ bán lá me non, hơn nữa lá me non cũng chỉ có vào một thời điểm nhất định, nên từ một món canh kiểu nhà nghèo mà trở thành thứ quí hiếm là vậy.

Chúng tôi phóng xe gắn máy chạy về hướng cầu ông Thìn, vì theo lời mách bảo của bạn bè là ở đó có bán lá me non. Sau khi vượt gần hai mươi cây số đường trong hơi nóng ẩm của buổi chiều trời đầy mây mưa. Trong thời tiết này, chúng tôi lại có dịp cảm nhận rõ ràng, không đâu như ở miền Nam, khoảng thời gian giao mùa từ mùa nắng sang mùa mưa, tuy ngắn ngủi nhưng giàu cảm xúc vô cùng. Trong vùng cảm xúc về đất về người, cùng những kỷ niệm thời cuộc và số phận con người vui buồn lẫn lộn, bất giác ai cũng nhớ đến một món ăn đậm đà nào đó đã được bà, má, chị... nấu cho ăn từ nguồn thực phẩm của đồng đất miền Nam dưới dòng nước mát mưa đầu mùa.

Cái chợ nhỏ nằm gần chân cầu ông Thìn này chỉ họp vào buổi chiều. Cá đồng, rau ruộng ở đây là thứ người trong vùng tự trồng, tự đánh bắt trong ngày nên rất tươi ngon, kiểu chợ này không có một đặc điểm gì khác ngoài chuyện giá rẻ và muốn mua nhiều cũng không có. Chúng tôi tìm thấy vài mớ lá me được bán, hỏi giá người ta cho biết là “mắc lắm nghe, mua được thì mua không ép.”

Thật ra, nếu người không hiểu thì cái thứ tầm thường gần như nhà nào ở quê cũng có như lá me non thì giá sáu ngàn một trăm gờ-ram là mắc, nhưng nếu biết chuyện thì đâu phải dễ hái được một nắm lá me non, huống gì là hái cả ký lô đem đi bán. Chỉ người nghèo mạt vận không đất, không ruộng, không nghề mới bỏ công đi tuốt từng đọt lá me non, nếu tuốt phải lá già thì phải lựa ra bỏ, nếu tuốt chậm thì lá me sẽ già, nếu tuốt sớm thì để cách ngày là héo queo, bán cho ai.

Canh chua lá me thường được người dân quê nấu với tép rong, cua rạm, cá sặc nhỏ, cá lóc càu cửng, nói chung là nấu với tất cả những loại cua cá nước ngọt, nước lợ đánh bắt được trong ngày. Nếu ai rảnh thì hái thêm ít rau nhút, rau muống hoặc sang hơn là chặt một khúc thân cây chuối, nhất là chuối hột, về xắt ra thành miếng. Nhưng thiệt tình một nồi canh chua lá me chỉ cần lá me với tép rong là đủ.

Nồi canh chua lá me sôi lên, có mùi chua thơm lừng cả nhà, nếm thử sẽ thấy vị chua thanh vô cùng. Dám cá là trong tất cả các vị chua từ đồng bằng cho tới rừng, từ me trái, lá vang, cơm mẻ... không thể có vị chua nào thanh đầu lưỡi như lá me non, chỉ có nồi canh chua lá me non mới có màu trắng đục như sương sáng, lại có cả màu vàng lá me nấu chín như màu đồng lúa buổi xế chiều.

Tôi và người bạn cùng đi, mua cả ký lô lá me non, dù biết rằng chỉ cần một nắm lá me là đủ. Nếu gọi là mua nhiều để biếu bạn bè, không khéo người ta lại cười cho, ai đâu đi biếu lá me, ai đâu lại gợi ý cho người ta ăn món ăn đơn giản của dân quê nghèo trong thời buổi ai cũng sính thứ cao lương mỹ vị ở tầm toàn cầu.

Nhưng người bạn đi cùng tôi nói: “Tôi mua để thỏa lòng! Mình sống ở Sài Gòn đây còn nhớ còn thèm canh chua lá me muốn chết luôn, huống gì Việt kiều. Giá mà anh chị tôi ở nước ngoài về đúng dịp có lá me non.”

Trần Tiến Dũng

No comments:

Blog Archive