Monday, April 12, 2021

CÂU CHUYỆN CỦA HUY

(Tổng Thống Trump muốn bỏ diện bảo lãnh ANH CHỊ EM là hoàn toàn có lý, sau khi quý vị đọc câu chuyện này).
PHẦN 1: VỠ MỘNG Ở MỸ
Huy, chàng trai trẻ 23 tuổi, cùng với cha, mẹ, hai em gái dưới 18 tuổi (một em 13 tuổi, một em 17 tuổi) được một ông bác ruột (ông bác hiện ở thành phố cách Bolsa chừng 2 tiếng lái xe) đã bảo lãnh sang Mỹ theo diện anh bảo lãnh em.
Hồ sơ bảo lãnh diện này hiện nay phải đợi chờ chừng 13-15 năm. Trước khi bảo lãnh sang, ông bác đã giao kèo với gia đình nhà em: Tôi chỉ giúp cho mấy người đường sang Mỹ, còn lại phải tự lo nha.
Ở Sài Gòn, tuy không khá giả gì, nhưng tiền nhà không mất, chỉ lo tiền ăn tiêu. Mẹ Huy bán bún riêu, bún bò ở vỉa hè, nhờ vào đó, mấy chị em lớn lên, chắc cũng không tới nỗi vất vả gì. Kiếm đồng nào ăn đồng đó, không hề có tiền để dành. Khi sang Mỹ, mẹ Huy cho tôi biết rằng họ không có một đồng bạc nào phòng thân. Như vậy là mọi sự có lẽ họ nghĩ mọi chuyện đã có ông bác lo hoặc nhờ vào chinh phủ, "nước Mỹ giàu có, vĩ đại mà, lo gì".
Ở nhà ông bác được vài tháng, ông nói gia đình họ dọn xuống thuê nhà ở Bolsa tự lo thân. Cũng không trách được ông, người Việt có câu rất chuẩn: "Anh em kiến giả nhất phận" tức là khi nhỏ thì ở một nhà, lớn lên thì thân ai nấy lo, mắc mớ gì ai lo cho hoài được. Ông Bác giới thiệu một người quen biết, có căn nhà Mobile home để cho gia đình Huy thuê với giá không hề ngon lành gì nếu không muốn nói là đắt đỏ. 900$/tháng với hai phòng nhỏ, chỉ là một phần của căn nhà mobile cũ nát, chắc chừng 30 năm tuổi, mỗi phòng rộng 1,5 lần cái mattress (nệm) queen size. Hai người mà đi ra đi vô phải né, nếu không là đụng nhau.
Không biết Tiếng Anh, không có người thân chỉ giúp, không công ăn việc làm, không biết đi đâu về đâu cầu cứu. Đã vậy ông bác cấm họ không được xin chính phủ bất cứ cái gì.
Ông Bác chắc nghe đồn là ông Trump đã ra cái luật, nếu mà để họ xin trợ cấp thì sau này ổng có thể bị Chính Phủ truy thu. Cho nên, ông ra lệnh cấm gia đình này xin trợ cấp, kể cả Medi-Cal. Lại thêm được bà chủ nhà cũng nhất định không ký hợp đồng thuê nhà mặc dù tiền vẫn lấy hàng tháng. Bà ấy cũng không cho gia đình Huy xin trợ cấp, không rõ là bả sợ cái gì.
Ông Bác cấm nhưng ông lại không dang tay giúp đỡ, mở đường cho con cháu ông có một đường mà sống. Ông đẩy cả nhà họ xuống Bolsa, phó mặc cho họ muốn sống sao thì sống.
Thực tế thì ông Trump không có quyền ra luật nào cả. Ông Trump chỉ có quyền thi hành luật mà thôi. Chính phủ ông Trump vẫn còn rất nhân từ, khi tính tới tính lui 4 năm nay, cũng mới chỉ ra được một cái văn bản gọi là "public charge" mà chỉ đánh vào những người chưa có thẻ xanh. Những người có thẻ xanh như Huy, hoàn toàn có thể xin Medi-Cal và các chính sách khác, trong vòng 12 tháng (xin quá 12 tháng cũng chưa có luật nào áp chế cả). Nhưng ông Bác, bà chủ nhà cũng như biết bao nhiêu người, vốn không hiểu tiếng Anh, vốn không bao giờ có cơ hội nghe trực tiếp lời từ Tòa Lãnh Sự, hay từ Tòa Bạch Ốc. Họ toàn nghe qua cái mồm của truyền thông thổ tả, cho nên nhất định là không cho nhà Huy lãnh trợ cấp tạm thời. Bất kể là tôi có nói sùi cả bọt mép mà họ không nghe.
Đã vậy, cha mẹ Huy lại không hòa thuận, ở với nhau không bao lâu, cha mẹ cãi nhau, ông bố bỏ đi lo mỗi thân mình, bỏ mặc ba đứa con "ăn chưa no, lo chưa tới" giữa đất khách quê người.
Huy xin đi làm ở một tiệm ship hàng và gửi tiền, nghe đâu tên Hồng Phát ở góc Bolsa / Brookhurst. Tiệm này hồi Tết 2020 vừa rồi, bị nhiều người dân Bolsa tố cáo là giựt tiền của họ. Họ chửi bới tiệm này vô nhân tính, người ta đi gửi mấy trăm đô và bánh kẹo quà cáp về VN biếu ông bà anh em bên đó nhân ngày Tết ta. Ấy thế nhưng bà con dòng họ bên đó không nhận được gì cả. Mất cả tiền lẫn hàng. Ông chủ tiệm này bỏ trốn không ra mặt. Huy chỉ là người làm thuê, ông chủ bảo ra ngồi trông tiệm, bao nhiêu câu chửi câu trách móc của khách hàng, Huy đều phải ngồi nghe. Có người còn dọa đánh. Ngày cuối cùng, biết sẽ có đầu gấu đến sẵn sàng gây án mạng vì tội lỗi của mình, ông chủ vội gọi Huy đóng cửa tiệm về đi. Chàng trai vội vàng đóng cửa tiêm bỏ chạy. Huy nói với tôi một câu thật buốt ruột: "Ba tháng trời em không được ông ấy trả lương, lại còn quên cả cái áo khoác ở tiệm vì bỏ chạy. Em chỉ có một cái áo đó là áo khoác duy nhất trong mùa đông mà thôi."
Đi xin việc nhiều chỗ trong một tháng trời sau đó, Bolsa đất chật, người di cư nhiều, việc làm cho khu người Việt và Mễ thì có mấy việc ra hồn, trả công rẻ mạt bằng 1/5 hãng Mỹ. Nhưng vì không biết Tiếng Anh, không phương tiện, không người quen, chỉ có cái xe đạp quèn, làm sao dễ gì có việc, cho dù là đồng lương rẻ mạt? Mẹ thì nghe nói bị đau lưng cũng xin việc nhà hàng nhưng làm không nổi phải nghỉ.
Bốn mẹ con sống lay lắt 7 tháng, trông vào duy nhất một nguồn thu nhập $1,000 của cô em gái 17 tuổi đi bán hàng ở một tiệm bán khô bò tại Bolsa. Trong khi lẽ ra ở tuổi đó, cô phải được tới trường. Căn nhà họ ở không có gì ngoài hai cái nệm và quần áo. Không tivi, không máy sưởi. Cái xe đạp cũng là nhờ người ta cho.
Bất quá, Huy lên mạng kêu cứu cộng đồng (quý vị đọc lời của Huy ở Phần 1 dưới đây)
Mẹ Huy có phần nuối tiếc, nói rằng "Nếu tôi biết sang đây mà tình cảnh khổ thế này, chắc tôi không bao giờ sang." Tôi thông cảm cho chị, bởi vì chị đã không hình dung được một điều rất cơ bản: Ở đâu cũng phải làm mà ăn thôi, đâu ai có cho không? Người ta di cư từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn, còn phải có tiền để dành mà thuê nhà, cho con đi học, mua thức ăn, rồi tìm việc làm mà sống. Huống hồ chị di cư tới một đất nước xa lạ cách nơi chị đang ở cả nửa vòng trái đất.
Bốn mẹ con ở VN, dù sao cũng đang yên ổn, sống tàng tàng nhưng không khổ. Sang đây, bơ vơ lạc lõng giữa trời Tây. Cái khó nhất của họ là ngôn ngữ trình độ không có, đã vậy, tiền để dành cũng không, người thân thì bỏ mặc.
Huy còn trẻ, tất nhiên chưa suy nghĩ thấu đáo. Huy cầu cứu cha và ông bác đều bị đáp lại những câu "sống chết mặc bay, tao đã lo cho đường sang Mỹ là tốt lắm rồi tự lo thân đi". Tôi biết, với một chàng trai mới lớn phải gánh vác cả gia đình, trong lúc túng quẫn, mà cha đẻ và bác ruột nói những câu như vậy, thật quá tàn nhẫn với em. Nhưng tôi hiểu cái lý của họ. Ông bố thì đáng trách rồi, nhưng còn ông bác thì chưa hẳn.

Tôi nói với Huy: Anh em mà, thân ai nấy lo, ông bác đâu có trách nhiệm phải lo cho nhà em mãi, phải không? Thôi em hãy tìm việc làm, có việc làm là có tất cả. Em hãy cảm ơn bác, vì nhờ ông ấy mà em được sang đây. Người ta còn mất cả triệu usd còn chưa qua được Mỹ nè em. Có người còn phải bán thân, kết hôn giả để mà qua Mỹ đó. Em hãy cảm ơn họ, kể cả cha em. Không có cha em, thì ông bác em và em chỉ là người dưng, em đâu có cửa sang Mỹ, đúng không nào? Huy gật đầu.
PHẦN HAI: CỘNG ĐỒNG GIÚP ĐỠ
Vốn sẵn có tấm lòng cảm thông và bao bọc, các anh chị người Việt ở Bolsa đã dành rất nhiều tình cảm và sự quan tâm cho gia đình Huy.
Người thì quyên góp tiền bạc, người thì tới nhà chở mẹ Huy đi chợ, muốn ăn gì, mua gì, họ trả tiền. Người thì giúp mẹ Huy đi khám bác sĩ miễn phí, mặc dù chị ấy bận bộn bề công việc gia đình và kinh doanh. Tuy nhiên đó chỉ là tạm thời, trước mắt. Tấm lòng của mọi người dù có bao la tới đâu, cũng không thể cưu mang dài lâu. Cái cốt lõi vẫn là em Huy, mẹ Huy phải có việc làm hợp với sức khỏe mình. Mẹ Huy còn khá trẻ, mới ngoài 50, tuổi ấy ở VN còn chưa già, huống hồ ở Mỹ. Chỗ tôi làm, có bác 81 tuổi vẫn còn đi làm full time, huống chi tuổi đó.
Thế rồi một chị nghệ sĩ tattoo đã tìm được cho mẹ Huy một công việc phụ dọn dẹp nhà cho gia đình rất tử tế. Công việc nhẹ nhàng, chỉ là việc nhà, không luôn chân luôn tay như làm thuê ở nhà hàng, lại thoải mái giờ giấc, mỗi ngày chỉ làm 4 tiếng, tiền công cũng khá hơn chỗ khác.
Thế còn Huy?
Khi tôi nói Huy hãy biết ơn ông bác và đừng trách ông bố, vì nhờ họ mà em có cơ hội được sang xứ sở tuyệt vời này. Tôi biết rằng chàng trai chưa thể đồng ý với tôi. Nhưng làm sao để cậu ấy đồng ý hoàn toàn, nếu như tôi không tạo điều kiện cho cậu ấy thấy được sự vĩ đại của nước Mỹ? Nếu như cậu ấy chỉ thấy nước Mỹ là những sự bạc nhược, ghẻ lạnh, bóc lột và cô đơn thì cậu ấy và gia đình sẽ biết ơn nổi người đã bảo lãnh họ qua hay không? Tôi nghĩ là không.
Chính thế tôi ra sức suy nghĩ xem làm thế nào để xin việc cho em một công việc tử tế.
Điều này không dễ tí nào với một chàng trai ba không như Huy: không trình độ, không ngôn ngữ, không biết lái xe. Hơn nữa, họ chưa quen đời sống năng động ở Mỹ, nói đến việc phải di chuyển sang tiểu bang khác để có được công việc và đời sống dễ thở hơn, là môt điều rất sợ sệt đối với họ.
Thông qua bạn bè và vài mối quan hệ, Huy được giới thiệu tới làm ở tiệm bán nước mía. Làm mỗi ngày 11 tiếng, được trả lương $300 một tuần/6 ngày, tất nhiên không có gì ngoài lương. Tính ra là $50/ngày tức là chưa tới $5/giờ. Công việc là khuân vác, bưng bê, rửa mía, róc mía...tôi hình dung ra cũng không nhàn hạ gì như tôi nghĩ là chỉ bưng ly nước mía cho khách. Tôi nói Huy phải chịu khó. Chịu cực chịu khổ là thứ cần nhất ở Mỹ này, có vậy mới thành công được. Còn không thì vứt, mình đã không có trình độ rồi. Ráng làm rồi mai mốt học lái xe, học tiếng ANH rồi xin vào hãng Mỹ làm. Huy vâng dạ làm theo.
Ấy thế nhưng, được 2 tuần, thì dịch COVID-19 bùng phát tới Bolsa. Tiệm nước mía phải sa thải nhân viên, nhà nhà bị thất nghiệp. Tôi nói với Huy, tôi sẽ ráng tìm cho em công việc khác, trong vòng 1 tuần. Mặc dù tôi cũng chưa biết sẽ xoay sở ra sao. Mẹ em cũng bị nghỉ viêc vì gia đình người chủ nhà sợ Covid-19.
Cuộc sống lại rơi vào bế tắc.
Tôi lật tung các trang web và rao vặt hàng ngày. Tôi gọi khắp nơi để xin việc. Nhưng chỗ nào cũng cần người biết Tiếng Anh, biết lái xe, nhanh nhẹn, lanh lợi, được việc, có kinh nghiệm làm xây dựng, body work...Huy không có tất cả điều đó.
Cuối cùng, may nhờ môt người bạn quen trên FB tình cờ, cô ấy làm ở Amazon Warehouse. Cô giúp đỡ tôi rất nhiệt tình. Cô nói Amazon vừa mở đợt tuyển dụng, lương $15/giờ, làm trên 32 tiếng là có bảo hiểm đầy đủ, công việc nhẹ nhàng, môi trường chuyên nghiệp. Đang lúc thất nghiệp nhiều, job mở ra chỉ vài tiếng là hết sạch. Tôi phải apply ngay, không thể chờ đợi. Huy lại không biết một chữ tiếng Anh.
Tôi bỏ cả giờ làm trong sở, ngồi mở account online, lấy tên Huy ghi danh vội vàng, làm ngay cái test và cuối cùng, nói với Huy là ngày mai tới Amazon phỏng vấn.
Huy không dám nhờ tôi chở, tiền trong nhà chỉ còn $100 cho bốn mẹ con (điều này sau này tôi mới biết). Cậu rất có ý chứ không phải là không. Tôi đã chở Huy đi xin việc, sau này, tôi nhờ cả bạn tôi chở đi. Rồi nhờ cô bạn trong Amazon mới quen đó, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của mấy người Việt ở đó, Amazon đã nhận Huy.
Tôi hi vọng mong manh rằng Huy sẽ làm tốt tại Amazon và được nhận lâu dài. Để em có cơ hội thấy nước Mỹ thực sự là vĩ đại. Từ nay, em được làm với người Mỹ và những người Việt tử tế, chuyên nghiệp. Từ nay, em có bảo hiểm mà không phải sợ phiền ai, em có vacation, có giờ nghỉ bệnh được trả tiền, có lương đàng hoàng không sợ bị cắt xén, có bảo hiểm thất nghiệp, có 401K. Mọi chuyện còn ở phía trước, phụ thuộc vào chính bản thân em. Tôi nghĩ tôi chỉ có thể giúp được tới đó thôi. Em phải tự mình thấy được sự vĩ đại của nước Mỹ.
PHẦN BA: BÌNH LUẬN CỦA TÔI VỀ CHÍNH SÁCH BẢO LÃNH DIỆN ANH CHỊ EM
Tôi hình dung rằng, nếu như ngày nay không có mạng xã hội, Huy không biết lên mạng cầu cứu, ai sẽ biết mà giúp đỡ Huy và gia đình Huy?
Nếu gia đình Huy rơi vào cảnh bế tắc cùng cực, đây có phải thực sự là điều tốt đẹp cho lựa chọn đi Mỹ định cư? Thà rằng như ngày xưa, người dân VNCH quá khổ vì bị CS ức hiếp, nên họ buộc phải vượt biển mà đi tị nạn. Họ không có gì để nuối tiếc về đời sống ở VN. Còn ở khía cạnh hàng ngàn gia đình được đi Mỹ vì người thân bảo lãnh như Huy, lại là chuyện hoàn toàn khác.
Nếu như không có ai giúp đỡ vào thời điểm này và kể cả mai sau, thì liệu gia đình cậu sẽ đi về đâu?
Có những người 20 năm sang Mỹ vẫn sông đời sống vất vưởng. Có người sang từ năm 1992 tới giờ vẫn ăn trợ cấp, con cái học hành chẳng nên người, có khi còn bị nghiện hút, tù tôi.
Lý do chính là vì bởi chính họ không trang bị cho mình một kỹ năng kinh nghiệm sống nào, cứ tàng tàng tới đâu hay tới đó như ở VN. Một lý do thứ hai, là người thân bỏ mặc khi họ bảo lãnh sang, không giúp đỡ định hướng tới nơi tới chốn.
Lỗi tại những người được bảo lãnh như gia đình Huy ư? Tôi nghĩ chỉ một phần. Bởi không phải ai sinh ra cũng có sẵn trí tuệ, học thức hay khả năng thích nghi với đời sống mới. Với những người chân chât thật thà, lại quá nửa đời người sinh ra lớn lên ở VN như mẹ Huy, họ đã quen với lối sống đó, văn hóa đó, làm sao họ có thể thay đổi nếu như không có ai nói cho họ từ rất sớm để họ chuẩn bị? Mà có chuẩn bị thì không phải ai cũng sẵn sàng thích ứng với đời sống Mỹ.
Kết cục là họ rơi vào cảnh bế tắc mà ở đó, họ cảm thấy chán nản, cùng đường và trách móc chính người đã mất công bảo lãnh họ.
Kết cục là họ hối tiếc đã bỏ cuộc sống ở VN để sang Mỹ nhưng lại không nỡ bỏ về. Về SaiGon giờ thì lại mang tiếng không cố gắng vì tương lai của con cái. Rồi đã bán hết đồ đạc, kế sinh nhai, giờ trở về dễ gì bắt đầu lại.
Phía người bảo lãnh là ông Bác cũng rơi vào cảnh "làm ơn mắc oán". Vừa mất công điền đơn, mất tiền nộp phí bảo lãnh, ký một đống giấy tờ sponsor trách nhiệm nặng nề, để rồi cho em ún con cháu sang đây. Để rồi kết quả là gì? Không được lời cảm ơn mà còn anh em từ mặt, trách bác dã tâm.
Anh em mà, thân ai nấy lo thôi. Cha mẹ không bỏ con cái, chứ con cái có khi còn bỏ cha mẹ, không lo. Huống hồ chi là anh em. Ông ta có quyền làm thế. Đẩy cả gia đình người em ra xã hội. bỏ mặc đó.
Có bao nhiêu gia đình đã lâm vào cảnh anh em từ nhau vì chuyện bảo lãnh như vậy?
Có bao nhiều gia đình đã bị đẩy ra đường và họ buộc trở thành gánh nặng cho xã hội như vậy? Xin thưa, là rất nhiều. Nhất là thời trước Trump. Hầu hết là người ta bảo lãnh nhau sang rồi bỏ đó. Để hàng triệu người đi xin Food Stamp, Medicaid, WIC, đủ thứ trên đời.
Và tôi đã chứng kiến, một đám cưới của một đại gia đình có 250 khách mời (trong số 500 khách mời tổng cộng) là bà con anh em dòng họ. Một người phụ nữ dự đám cưới ngồi cùng bàn với tôi, tâm sự: "Chúng tôi dù không thích bà chủ (mẹ cô dâu) vì bà ấy kiêu căng, khó tính, nhưng vẫn phải đi đám cưới con gái bà ấy. Vì nhờ bà ấy mà chúng tôi được sang Mỹ."
Tôi hỏi: Ủa vậy cô anh em bà con với bà chủ à?
Người phụ nữ trả lời: "Không, nào có anh em bà con gì. Thế này nhé. Bà chủ có 9 anh chị em, ông chồng bà ấy có 12 anh chị em. Ông chủ và bà chủ vượt biên sang đây từ năm 1979. Rồi họ bảo lãnh anh chị em nhà họ qua. Tổng cộng đợt đầu di cư vào năm 1995 là khoảng 19 gia đình, tính cả vợ chồng, con cháu là tới 70 người. Trong số đó có chị chồng tôi là em dâu của họ."
Tôi nghe xong là muốn lùng bùng cái lỗ tai.
"Rồi chị chồng tôi được sang Mỹ dịp đó, sau 5 năm thi vào quốc tịch, lại làm hồ sơ bảo lãnh 8 anh chị em sang. Kết quả là 35 thành viên kéo nhau sang hồi năm 2008," người phụ nữ nói thêm.
"Cứ bảo lãnh dây chuyền như thế, bây giờ là 250 người đã sang Mỹ. Tất cả chúng tôi sang đều quy ước với nhau là anh em chỉ giúp cái đường sang Mỹ thôi, còn đâu chúng tôi sẽ tự lo. Không lo được thì xin chính phủ."
Cho tới thời ông Trump thì người ta nghe loáng thoáng sẽ bị truy thu, nên ai nấy không dám xin nữa. Tuy vậy nhiều nhà vẫn xin MediCal/Medicaid vì chi phí này quá đắt.
Từ 2 vợ chồng người Việt tị nạn lúc ban đầu, sau vài chục năm, có tới 250 người di cư sang Mỹ, đa số theo diện anh chị em.
Các bạn hình dung đi, dân số di cư đã tăng chóng mặt theo cách ấy, hợp pháp.
Chúng ta đồng ý với nhau rằng, trong gia đình, trực hệ là bố mẹ và con cái. Còn anh em ruột khi đã 18 tuổi, nhất là đã có vợ có chồng, vậy thì ở VN hay Mỹ cũng thế thôi, thân ai nấy lo.
Vậy thì cớ gì nước Mỹ phải có chính sách bảo lãnh anh chị em đoàn tụ?
Và việc đó có thực sự là đoàn tụ hay là chia rẽ, không nhìn mặt nhau? Tât nhiên, tôi không nói tất cả, nhưng mà hầu như nhà nào cũng có xích mích nếu không tự biết điều với nhau.
TẦM NHÌN CỦA TỔNG THỐNG TRUMP VỀ TỊ NẠN VÀ DI CƯ: Vượt xa so với những gì quý vị mong đợi
Tôi nhớ trong bài phát biểu của Tổng Thống Trump tại Liên Hiệp Quốc năm 2017, có nêu rõ quan điểm của ông về chính sách cưu mang người tị nạn như sau:
Trích:
"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan của LHQ... trong việc tiếp nhận những người tị nạn trốn chạy từ cuộc xung đột Syria.
Hoa Kỳ là một quốc gia thiện lương và đã từng viện trợ hàng tỷ tỷ USD để hỗ trợ cho nỗ lực [trợ giúp người tị nạn] này. Chúng tôi tìm kiếm cách tiếp cận để tái định cư cho người tị nạn, được thiết kế để giúp những người bị đối xử tàn nhẫn này, và cho phép họ có thể trở lại quê hương của họ, đó là một phần của quá trình tái thiết.
Với chi phí của việc tái định cư cho một người tị nạn tại Hoa Kỳ, chúng tôi có thể giúp đỡ được hơn 10 người ngay tại quê nhà của họ. Với lòng tốt của chúng tôi, chúng tôi hỗ trợ tài chính cho việc các nước trong khu vực cho người tị nạn lưu trú và chúng tôi ủng hộ các hiệp định gần đây của các quốc gia trong khối G20 nhằm tìm kiếm nơi ở cho người tị nạn càng gần đất nước của họ càng tốt. Đây là cách tiếp cận an toàn, trách nhiệm và nhân đạo.
Qua hàng thập niên, Hoa Kỳ đã giải quyết các thách thức về nhập cư ở đây, ngay tại Tây bán cầu. Qua thời gian dài, chúng tôi đã nhận thức được rằng nhập cư không kiểm soát là cực kỳ bất công cho cả những quốc gia có người ra đi và đất nước đón nhận người nhập cư.
Đối với những nước có người ra đi, nó làm giảm áp lực trong nước để theo đuổi cải cách chính trị và kinh tế cần thiết, và thất thoát nguồn nhân lực cần thiết để thúc đẩy và thực hiện những cải cách đó.
Đối với các nước tiếp nhận, chi phí đáng kể của việc di cư không kiểm soát là dẫn tới các công dân có thu nhập thấp chiếm đa số áp đảo – những mối quan ngại thường bị các phương tiện truyền thông và chính phủ bỏ qua."
Tôi muốn lần đầu làm việc với LHQ trong việc tìm cách giải quyết các vấn đề khiến mọi người phải trốn chạy khỏi quê hương của họ. "
Hết trích.
Quý vị hãy tự ngẫm, vì sao ông Trump vô cùng có lý khi muốn bỏ đi chính sách này. Đó là chính sách tị nạn. Suy rộng ra, nó cũng có lý về việc di cư.
Ý của ông ấy, là việc bốc một người dân phải rời đất nước quê hương của họ sang Mỹ chẳng có lợi cho chính họ và cho nước Mỹ. Chi bằng, hãy giúp cho đất nước đó hết độc tài, hết áp bức hết bất công, để người dân hãy ở yên tại VN, không cần phải di cư sang Mỹ làm cái gì cả.
Bởi với rất nhiều người, dù ăn rau mắm, ở quê hương mình vẫn hơn. Tôi biết nếu bây giờ Cộng Sản không còn, đất nước có tự do, có nhân quyền, chắc chắn hàng trăm nghìn người sẽ trở về, dù họ đã ở Mỹ 40 năm. Bởi vì quê hương là điều không thể thay thế.

FB Tam An

No comments:

Blog Archive