Saturday, April 3, 2021

Chris Latham: Lời Nguyện Cầu Cho Việt Nam

Như một người đạo hạnh "hóa thân" làm một nghệ sĩ, Chris Latham đã dùng âm nhạc để nguyện cầu cho hương linh của những người nằm xuống trong chiến tranh và xoa dịu nỗi đau của những người còn ở lại.

Chris Latham là nhạc trưởng, người biên soạn, sắp xếp, dàn dựng và điều khiển buổi hòa nhạc "Lời Nguyện Cầu cho Việt Nam" (The Vietnam Requiem Concert) để đánh dấu 50 năm Quân Đội Hoàng Gia Úc rời khỏi Việt Nam (1971) với mục đích nhằm vinh danh sự hy sinh của những người đã nằm xuống hay may mắn còn sống sót để trở về cùng gia đình và xoa dịu những vết thương còn hằn sâu trên thân xác và tâm trí của các vị cựu chiến binh Úc-Việt, các quả phụ và những người vượt biên, vượt biển hay thân nhân của những người kém may mắn, không đến được bến bờ tự do.

Chris đã tìm đến CĐNVTD/VIC vào chiều Thứ Bảy 13/03/2021 tại Đền Thờ Quốc Tổ, Melbourne, để trò chuyện, tâm tình và tham khảo ý kiến cho buổi hòa nhạc "Lời Nguyện Cầu cho Việt Nam" sẽ được trình diễn vào đầu tuần tháng Sáu 2021 tại Canberra.

Sau khi trân trọng làm lễ Cáo Tổ, chào cờ Úc-Việt và phút mặc niệm, để mở đầu buổi nói chuyện Chris đã mời mọi người cùng nghe phần thâu âm ca khúc "Trở về Galang" (Return to Galang) do NS Phan văn Hưng trình bày, cũng là một tiết mục của chương trình buổi hòa nhạc "Lời Nguyện Cầu cho Việt Nam".

Thật bất ngờ, khi nói về NS Phan văn Hưng và ca khúc "Trở Về Galang" Chris đã bật khóc! Chris đã tỏ ra rất xúc động khi nghĩ về những nỗi đau mà người Việt phải hứng chịu trong chiến tranh và sau cuộc chiến qua các câu chuyện mà Chris đã được nghe kể lại, đặc biệt là những câu chuyện về tù "cải tạo", về thảm nạn hải tặc của những thuyền nhân trên đường đi tìm tự do. Những câu chuyện mà Chris không thể tưởng tượng là có thật.

Chris cảm thấy thật vinh hạnh khi NS Phan văn Hưng vui lòng tham gia chương trình hòa nhạc "Lời Nguyện Cầu Cho Việt Nam" với hai bản nhạc - "Em Bé và Những Viên Sỏi" và "Trở về Galang" nói về những tâm hồn rách nát, những vết thương làm khô cạn nước mắt mà người Việt đã phải tủi nhục, đớn đau hứng chịu trên đường vượt biên, vượt biển đi tìm tự do.

Bên cạnh đó Chris còn nhận được sự cố vấn và hợp tác của nhiều vị có uy tín trong CĐNVTD Úc Châu như LS Lưu Tường Quang, Lm Chu văn Chi...

Chương trình của buổi hòa nhạc "Lời Nguyện Cầu cho Việt Nam" là lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam được trình bày, diễn tả bằng âm nhạc qua từng giai đoạn, từng biến cố quan trọng theo thứ tự thời gian trải dài từ 1955 cho đến 1975 - từ khi Việt Nam bị chia đôi cho tới lúc Úc tham chiến rồi đến ngày 30 Tháng Tư và tiếp theo sau đó làn sóng thuyền nhân.

Chris khẳng định rằng anh chỉ có lòng yêu thương ("I only have love in my heart") do đó những gì Chris đã, đang và sẽ làm chỉ nhằm mục đích vinh danh, nguyện cầu cho những người đã nằm xuống. Đối với Chris đây là một vấn đề hoàn toàn không có gì để tranh cãi và không liên quan đến chính trị.

Trong cuộc hành trình đi tìm tài liệu, Chris chỉ muốn tìm hiểu và nói lên "sự thực, chính xác, tương xứng và công bằng" ("truth, accurate, proportionate and fair") thì mới có giá trị để được lưu giữ tại các cơ quan Tưởng Niệm Chiến Tranh Úc (Australian War Memorial - AWM). Tuy nhiên Chris cũng cho biết là anh đang bị dòm ngó và bị nhiều áp lực chính trị từ bên ngoài.

Về những chi tiết không chính xác nằm trong chương trình buổi hòa nhạc, Chris đã tỏ ra rất vui mừng đón nhận những ý kiến đóng góp và sẵn lòng cộng tác với CĐNVTD Úc Châu để có được những chi tiết đúng đắn về lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đối với Chris âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn, là ngôn ngữ không biên giới đi thẳng vào lòng người, có lẽ chính vì thế mà Chris đã dùng âm nhạc để dâng lời nguyện cầu cho vong linh của những người quá cố và xoa dịu nỗi đau của những người còn sống.

Với tư thế quỳ gối cầu nguyện, Chris xin được hát bài ca "Cõi Phúc" (The Beatitudes) đã được NS Phan văn Hưng dịch sang lời Việt với những lời ca mang ý nghĩa của một lời kinh cầu phù hợp chung cho các tôn giáo - một lời (verse) cho Thiên Chúa Giáo và một lời cho Phật Giáo.

(Ghi chú: Lời kinh "The Beatitudes" đã được dịch sang tiếng Việt gọi là "Tám Mối Phúc Thật". Nhưng ở đây NS Phan văn Hưng đã dịch lời kinh "The Beatitudes" sang tiếng Việt với tính chất nghệ thuật âm nhạc bằng cách dùng những từ ngữ sao cho vừa phù hợp với âm điệu mà lại vừa phù hợp chung cho các tôn giáo. Nói một cách khác NS Phan văn Hưng đã lấy ý và nguồn cảm hứng từ lời kinh "The Beatitudes" để viết thành một lời nguyện cầu liên tôn bằng âm nhạc, cho nên xin được tạm gọi, một cách trung dung, là bài ca "Cõi Phúc" ("The Beatitudes"))

Sau đó, theo lời yêu cầu của Chris, Chris đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về bài ca "Cõi Phúc" – Mọi người đã bày tỏ lòng cảm kích về thiện chí của Chris, nếu lắng lòng để nghe bài ca thì sẽ hiểu và cảm nhận được tấm lòng của Chris. Đây là một bài ca dễ nghe, dễ hát và rất cảm động vì lời cầu nguyện thể hiện sự đoàn kết, sự hòa quyện giữa các tôn giáo, mang tính chất hòa hợp văn hóa (cross-cultural). Một bài ca đưa niềm tin tôn giáo vào lòng người, giúp con người thăng hoa, hướng tâm trí chúng ta đi vào thế giới tâm linh, hướng về cõi thiện. Và nếu lời ca (verse) của các tôn giáo được cùng trình bày giao hòa với nhau thì sẽ tạo nên cái hồn cho buổi hòa nhạc.

Giá trị của bài nhạc không nằm trong khuôn khổ giai điệu, lời ca mà đã vượt ra ngoài giới hạn âm nhạc thuần túy đó chính là tấm lòng mà Chris đã đặt vào phần trình bày bản nhạc với một ý hướng cao cả hơn - sự thành tâm đưa mọi người vào chung một lời cầu nguyện không phân biệt tôn giáo.

Ngoài ra trong lúc tâm tình và tìm hiểu, Chris đã biểu lộ ra ngoài tâm tánh hiền hậu, hòa nhã, nhún nhường và lòng nhân ái ẩn chứa trong một con người nghệ sĩ với tấm lòng dùng âm nhạc để cầu siêu cho vong linh của những người đã khuất và xoa dịu nỗi đau của những người còn ở lại.

Khi được hỏi về mục đích của Chris về buổi hòa nhạc nguyện cầu cho những sự mất mát, khổ đau trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì Chris đã quay trở về quá khứ để có một câu trả lời rõ ràng và đầy đủ hơn.

Chris kể lại rằng - Chris đã chết lâm sàng trên bàn mổ khi mới được 2 tuổi. Nhưng ngay sau đó, bằng một sự mầu nhiệm, Chris đã được đưa trở lại với cuộc sống. Sau này khi lớn khôn, Chris đã chiêm nghiệm ra rằng Chris được đưa trở lại sự sống với một sứ vụ xoa dịu những nỗi khổ đau của con người, đặc biệt là những nạn nhân trong các cuộc chiến tranh. Vì vậy Chris tin tưởng rằng bằng mọi sự cố gắng và tâm huyết hoàn thanh sứ vụ được giao phó, Chris sẽ sớm được trở về ngôi nhà của mình ("Thiên Đàng").

Là một người Công Giáo nhưng Chris cũng rất gắn bó, gần gũi với Phật Giáo và tin vào luật nhân quả. Chris luôn bày tỏ sự cảm thông, lòng trắc ẩn đối với cuộc sống đồng thời cũng mong nhận được sự cảm thông, chấp nhận và đồng cảm từ mọi người.

Chris nghĩ rằng hoặc kiếp trước Chris là người Việt hoặc do định mệnh đưa đẩy Chris đã được gần gũi với người Việt và Chris muốn thực hiện dự án này để người dân Úc biết đến những câu chuyện thương tâm của người Việt.

Chris đã ngỏ xin mọi người hãy mạnh dạn kể lại câu chuyện đau thương, thống khổ của đời mình để Chris viết thành nhạc, gởi đến cho người Úc biết về những nỗi trầm luân mà người Việt đã phải trải qua.

Đây là một cơ hội vô cùng quý giá để đóng góp những câu chuyện thật, những di vật thật phản ảnh trung thực lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam để được lưu giữ, trưng bày tại các cơ quan Tưởng Niệm Chiến Tranh Úc.

Tâm niệm của Chris là nói lên tiếng nói cho những người đã mất và những người đã phải hứng chịu những mất mát lớn lao ("give a voice both to the lost, and to those who lost them").

Có những điều Chris không thể làm được vì vấn đề tế nhị nhưng Chris khẳng định là sẽ luôn trung thành với sự thật, trung thành với cộng đồng người Việt Tự Do.

Chris cho biết là đã làm việc trên 18 tháng dài để biên soạn cho chương trình buổi hòa nhạc "Lời Nguyện Cầu cho Việt Nam". Lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ được diễn tả bằng âm nhạc và trình chiếu lên màn ảnh, và sau đó sẽ được đưa vào trong các cơ quan Tưởng Niệm Chiến Tranh Úc.

Để chấm dứt buổi nói chuyện, Chris đọc lời của bài ca "Lời Nguyện Cầu cho Thuyền Nhân" (The Boat People's Prayer) là một bài ca sẽ được trình diễn trong "chương" cuối của buổi hòa nhạc. Suốt buổi nói chuyện, cô Như Hoàng, ông Nguyễn văn Bon và ông Nguyễn Thế Phong đã giúp phần thông dịch cho Chris.

Buổi hòa nhạc "Lời Nguyện Cầu cho Việt Nam" là một phần của dự án Tưởng Niệm Chiến Tranh Úc thuộc một dự án chính - "Những Bông Hoa Thời Chiến" (The Flowers of War) mà Chris là Giám Đốc Nghệ Thuật (Artistic Director), với những tiết mục trình diễn nhạc tưởng niệm nhằm xoa dịu những vết thương để lại trên thân thể và tâm trí của con người từ các cuộc chiến tranh mà Úc đã tham chiến. Đây là những buổi hòa nhạc tưởng niệm được xem như một món quà dâng tặng cho đất nước Úc.

Trước khi tạm biệt, Chris có một số hình, tượng tôn giáo làm quà tặng cho mọi người. Đặc biệt, Chris đã tặng cho ông Bon một tượng "Thần Voi" (Elephant God Ganesh) là một "linh vật" mà Chris rất quý và luôn giữ bên mình. Đáp lại, ông Bon đã trao tặng cho Chris cuốn kỷ yếu "The Story of the Vietnam War Memorial and Commemorative Garden" (Công Viên Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc-Việt tại Kevin Wheelahan Gardens, Sunshine, Victoria). Ông Bon cảm động nói rằng món quà quý giá nhất mà cộng đồng người Việt nhận được chính là tấm lòng của Chris.

Melbourne
13/03/2021

Một số hình ảnh buổi nói chuyện của Chris Latham - https://photos.app.goo.gl/rCuGgRHP1X8vSwP2A


Xin vui lòng bấm vào những links bên dưới để biết thêm những chi tiết về Chris Latham và buổi hòa nhạc "Lời Nguyện Cầu cho Việt Nam" –





No comments:

Blog Archive