Saturday, February 20, 2021

Thế giới tự do nên vạch ra ‘lằn ranh đỏ’ đối với Trung cộng

Theo cố vấn về Trung cộng của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, thế giới cần thức tỉnh trước sự bắt nạt của Trung Cộng và thiết lập các quy tắc của riêng mình để ngăn chặn các hành động gây hấn của chế độ này.

Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), một học giả gốc Hoa, người đã giúp chính phủ của cựu TT Trump định hình chính sách về Trung cộng, đã chỉ ra thủ đoạn đe dọa Hoa Kỳ của Trung cộng, trong đó Bắc Kinh cảnh cáo Hoa Kỳ không được can thiệp vào các vấn đề được coi là “công việc nội bộ” của chế độ này, bao gồm cả vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương — những vấn đề mà Bắc Kinh gọi là “lằn ranh đỏ.”

“Đây là ‘lằn ranh đỏ’ của Trung cộng, tất cả chỉ có thế. Đó không phải là ranh giới đỏ dựa trên luật pháp quốc tế,” ông Dư nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times.

Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu).

Gần đây nhất, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung cộng – ông Dương Khiết Trì – đã cảnh báo chính phủ ông Biden rằng “bất kỳ hành vi xâm phạm nào đều có thể làm tổn hại mối bang giao Trung cộng - Hoa Kỳ và chính lợi ích của Hoa Kỳ.”

Dương Khiết Trì

Theo ông Dư, khi chính quyền Trung cộng nói với các nước rằng chủ đề về Tân Cương là “lằn ranh đỏ”, thì điều mà họ thực sự đang nói là, “chúng tôi sẽ giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, chúng tôi tra tấn họ, chúng tôi ngăn cấm sự tự do của họ. Và các vị, cộng đồng quốc tế,… không được phép nói một lời nào để phản đối. Nếu không, các vị đang không tôn trọng chúng tôi.”

Ông Dư cho rằng “thế giới phải thức tỉnh trước kiểu bắt nạt đó” và bác bỏ những lời lẽ rỗng tuếch như vậy.

Mặc dù Trung cộng tuyên bố rằng những quốc gia nào muốn quy trách nhiệm cho Bắc Kinh về những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương chính là đang can thiệp vào vấn đề “chủ quyền nội bộ,” ông Dư cho rằng luận điệu nói trên không đúng trong trường hợp này, “bởi vì đến một thời điểm nào đó người ta không thể nhân danh chủ quyền để thực sự giết người, thực hiện tội ác diệt chủng.”

Thay vào đó, ông Dư kêu gọi cộng đồng quốc tế vạch lằn ranh đỏ của riêng mình nhằm chống lại sự bắt nạt của Trung cộng, buộc chính quyền này phải tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Làm điều đúng đắn

Ông Dư tin rằng chính quyền của cựu TT Trump đã vĩnh viễn thay đổi cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Trung cộng, bằng cách nhận ra bản chất của thách thức mà Trung cộng đặt ra-đó là “mối đe dọa trung tâm của thời đại chúng ta,” một mô tả thường được cựu Ngoại trưởng Pompeo sử dụng.

Theo ông Dư, các chính phủ tiền nhiệm đã bị “hao mòn” do tìm cách duy trì một “mối bang giao suôn sẻ” với Trung cộng dựa trên một “khuôn khổ khiếm khuyết.” Khuôn khổ đó được dẫn dắt bởi cái mà ông Dư gọi là “tình cảm kiểu truyền giáo”: một quan điểm cho rằng can dự kinh tế với Bắc Kinh sẽ dẫn đến việc Trung cộng trở thành một nước dân chủ và có trách nhiệm hơn trên thế giới.

“Những gì chúng tôi đã làm là, chúng tôi đã cố gắng thay đổi khuôn khổ này. Thay vì tập trung vào làm thế nào để làm việc theo đúng quy trình, chúng tôi tập trung vào làm thế nào để làm điều đúng đắn,” ông Dư phân tích.

Đối với ông Dư, quan điểm trước đây về Trung cộng là “hoàn toàn kỳ quái,” bởi vì họ không hiểu được bản chất của chế độ đang cai trị người dân Trung cộng này.

“Chúng ta ở phương Tây luôn đánh giá thấp mức độ mà Trung cộng vẫn là một Đảng Cộng Sản,” ông Dư nhận xét, nói thêm rằng Trung cộng là đảng chính trị theo chủ nghĩa Lênin giáo điều nhất trong lịch sử nhân loại.

“Hãy nhìn vào chính sách đối nội của họ. Nhìn vào chính sách quốc tế của họ. Mọi nước cờ chính sách lớn trong đó đều do loại hệ tư tưởng này thúc đẩy,” ông Dư nói và cho biết thêm rằng người ta chỉ cần đọc các bài diễn văn của các nhà lãnh đạo Trung cộng sẽ nhận ra điều này. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã không đánh giá đúng nó một cách nghiêm túc.

“Tôi nghĩ đó là thiếu sót nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trước thời TT Trump,” ông Dư nhận định.

Là người lớn lên ở thành phố Trùng Khánh phía tây Trung cộng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông Dư có góc nhìn độc đáo để đưa ra đánh giá thực tế hơn về chế độ này. Năm 1985, ông Dư đến Hoa Kỳ với tư cách là một sinh viên trao đổi. Bốn năm sau, vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn đã khiến ông trở thành một sinh viên ủng hộ dân chủ ở Trung cộng.

Ông Dư tiếp tục theo học tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley, trước khi trở thành giáo sư về lịch sử quân sự và Trung cộng hiện đại tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở thành phố Annapolis, tiểu bang Maryland vào năm 1994, nơi ông đã ở lại, ngoại trừ bốn năm qua khi ông chuyển sang làm việc cho Bộ Ngoại giao.

Ông Dư là người đi đầu trong việc phát triển chính sách về Trung cộng của Bộ ngoại giao. Vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, Ngoại trưởng Pompeo đã trở thành gương mặt đại diện cho lập trường cứng rắn của chính phủ Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh. Ông Pompeo đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác nhằm vào Trung cộng vì vi phạm nhân quyền, đàn áp các quyền tự do ở Hồng Kông, gây hấn quân sự ở Biển Đông, và các mối đe dọa do công nghệ Trung cộng gây ra.

Trong khi được một quan chức cao cấp của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ca ngợi là “kho báu quốc gia,” ông Dư đã bị chế độ Trung cộng đặc biệt khinh miệt. Truyền thông nhà nước Trung cộng gán cho ông Dư là kẻ phản bội số một đối với dòng giống Trung Hoa trong lịch sử hiện đại, và trường trung học cơ sở mà ông Dư từng theo học ở Trùng Khánh đã loại bỏ tên ông ra khỏi một bức tường danh dự của nhà trường.

Thâu tóm giới tinh anh

Ông Dư cho rằng một trong những “thành tựu rực rỡ” không công khai của chính phủ ông Trump là họ đã có thể giảm thiểu “ảnh hưởng không lành mạnh” của chính sách vận động hành lang của Trung cộng, mà theo nhiều phương diện có lợi cho Trung cộng.

Trung cộng đã tận dụng quyền kiểm soát độc quyền của mình đối với việc tiếp cận thị trường để tác động đến các công ty và tập đoàn của Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Trung cộng. Điều này cũng áp dụng cho các nhà vận động hành lang ở Hoa Thịnh Đốn, những người “sẽ phải đến gặp giới tinh anh của Trung cộng để được tiếp cận với Trung cộng,” ông Dư nói.

“Điều đó đã vĩnh viễn tạo ra một tầng lớp không lành mạnh và rất nguy hiểm [trong xã hội],” ông Dư nhận xét.

Theo ông Dư, các nhóm vận động hành lang cực đoan đã tạo ra “ảnh hưởng rất lớn trong chính sách đối ngoại của đất nước chúng ta và đặc biệt là quá trình xây dựng chính sách về Trung cộng.”

Hợp tác với các đồng minh

Vị cựu cố vấn này đã phản bác những người chỉ trích chính phủ ông Trump đã quá đơn phương trong việc thực thi các chính sách của mình đối với Trung cộng. Các quan chức của ông Biden đã cam kết sẽ làm việc với các đồng minh để đối phó với các mối đe dọa đến từ chế độ này, mà theo họ là điểm tách rời so với chính phủ tiền nhiệm.

Ông Dư cho hay ông Pompeo đã dành “phần lớn thời gian của mình” để cố gắng nâng cao nhận thức toàn cầu về thách thức đến từ Trung cộng, và xây dựng một liên minh để chống lại nó.

“Chúng tôi đã dành rất, rất nhiều nỗ lực để hình thành liên minh đa phương đó,” ông Dư cho hay. Nhưng từ rất sớm, chính phủ tiền nhiệm đã vấp phải nhiều sự phản đối từ các quốc gia khác.

“Nhiều bạn bè và đồng minh của chúng ta ban đầu không nhìn nhận như vậy,” ông Dư nói, đồng thời cho biết thêm rằng họ cáo buộc Hoa Kỳ hành động đơn phương. “Nhưng chính họ mới là những người hành động đơn phương nhất, bởi vì họ không muốn đi cùng.”

Ông Dư nói rằng phải đến sau đại dịch COVID-19 nhiều quốc gia mới nhận ra mối đe dọa toàn cầu này.

Ví dụ, ông Dư nói, Hoa Kỳ đã thuyết phục NATO giải quyết thách thức Trung cộng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một điều được coi là không tưởng chỉ ba năm về trước.

Đồng thời, theo ông Dư, Hoa Kỳ phải có khả năng dẫn đầu trong cuộc đối đầu với Trung cộng.

“Khi chúng ta dẫn đầu, các quốc gia tự do sẽ theo sau,” ông Dư khẳng định.

“Không phải vì chúng ta ngạo mạn. Đó là bởi vì… chúng ta là quốc gia có khả năng… ngăn chặn sự bành trướng của Trung cộng trên toàn cầu.”

Ông Dư bày tỏ rằng quan điểm trình bày ở trên là quan điểm của cá nhân ông, và không đại diện cho quan điểm của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, Ngũ Giác Đài hoặc chính phủ liên bang.

Cathy He & Jan Jekielek _ Yến Nhi

No comments:

Blog Archive