Người Phi công tuổi xế chiều
Nguyễn Trà
(Kính gởi một cành hoa hồng đến qúy Niên Trưởng, qúy bạn bè phi công chúc mừng tuổi thọ)
Bao nhiêu năm đã trôi qua như một thoáng mây bay, đời người ai cũng có những kỷ niệm, đau thương hay hạnh phúc lẫn lộn, kỷ niệm đôi khi thoáng qua, mờ nhạt như áng mây bay lơ lửng trên bầu trời, rồi để lại chút hình ảnh bâng khuâng, nhưng cũng có khi rất sâu đậm, có thể coi như là một biến cố, tạo thành khúc rẽ quan trọng cho cuộc đời, là những năm tháng bay bổng đi mây về gió, với tuổi già chồng chất và mái tóc đã ngả màu sương khói, ký ức của một thời bay bổng, giờ đây lập loè như ánh mắt hoả châu mơ ước thật nhiều tưởng chừng vô hạn, cuối đời ngậm ngùi tìm lại chẳng có là bao, cách đây gần năm mươi năm về trước mà giờ này ngồi ghi lại, tôi vẫn thấy hiển hiện như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Trong bản nhạc hành khúc của Không Quân:
“Ta là đoàn chim bay trên cao xanh
Khi nhìn qua khói những kinh thành tan
Đôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh
Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng” …
Người phi công khi về già tính tình trầm lặng hồn nhiên, ăn nói nhẹ nhàng, vẫn tiếu ngạo kể chuyện tếu lâm, hấp dẫn lôi cuốn và linh động phần nhiều là câu chuyện về phái nữ, coi phái nữ như một cành hoa hồng đang nở rộ vào buổi bình minh với những giọt sương rơi lấp lánh như những hạt kim cương.
Người phi công năm xưa đã từng nhào lộn giữa khung trời cao rộng, giữa không gian vô tận, đi đây đi đó có dịp chiêm ngưỡng những kỳ quan vĩ đại trên thế giới ngắm nhiều thắng cảnh tuyệt vời, nhiều đô thị mỹ lệ lộng lẫy, đã trải qua những nơi ăn chơi thanh lịch lành mạnh. Sức khỏe tuyệt vời do trời đất ân sủng ban cho một thân thể cường tráng, một tâm hồn minh mẫn, mang đến những người phi công tuổi già nua thất thập, bát thập mà vẫn an nhiên tự tại với đời.
Niên trưởng của tôi là cựu Tr/tá phi đoàn trưởng phi đoàn Hoàng Ưng 239 ở Đà Nẵng, Nguyễn Anh T, ông có good job đi bay cho hãng dầu ở New Orleans từ ngày qua Mỹ cho đến ngày về hưu trên hai mươi năm, ông đang ở tuổi bát thập vẫn khỏe mạnh và an nhàn, hiện đang sống cùng phu nhân tại thành phố New Orleans tiểu bang Louisiana (chúc anh chị bách niên giai lão, nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, cùng con cháu).
Người phi công mang khuôn mặt hào hoa, gan dạ lấy không gian làm nhà, lấy nghiệp bay làm lẽ sống, “yêu thương là gió, nhân tình của mây” người viết không phải là người của làng văn, làng báo là mẫu quân nhân thuần túy được tiếng hào hoa, nhưng cá nhân lại mẫu mực nghiêm túc, trong quân phong, quân kỷ, tâm tư lúc nào cũng hướng về quê hương đất tổ, con người luôn cầu tiến và hoạt động xã hội, cộng đồng tôn giáo không ngừng nghỉ, cố gắng sống tốt và làm sống lại một thuở hào hùng, tuy đôi chân đã già yếu, cơ thể hao mòn, nhưng trong tôi bao nhiêu niềm trăn trở dằn vặt vì sức tàn lực kiệt, hôm nay đã đi gần cuối cuộc đời sống nơi xứ lạ quê người tuy đầy đủ vật chất nhưng vẫn mang nỗi khắc khoải khôn nguôi khi chưa làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người con đối với đất nước và đồng bào, những ấp ủ, những giấc mơ thầm kín về một Việt Nam tự do và dân chủ.
Người phi công trầm ngâm sau những lần ngâm nga trong chén trà vì đã từ bỏ quê hương điêu tàn, quay lưng với tương lai đen tối, không bao giờ quên dòng máu Việt, họ không ngồi khóc thương cho một khung trời cao rộng đã mất, mơ tưởng một dĩ vãng tàn phai, họ luôn luôn nghĩ về quê hương và đất nước, ngậm ngùi trong tinh thần thanh thản để đón chờ ngày vinh quang trong ánh thanh bình trên toàn cõi Việt Nam yêu dấu.
Trong bản nhạc Tuyết Trắng của Trần Thiện Thanh có mấy câu:
“Đây áo bay màu xanh xanh như tình ái
thắt lại khăn ấm chính em đan
khi gió quay cuồng sau cánh bay
con tàu thét gầm cho tim ngất ngây
phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên…”
Mỗi lần cất cánh đều nhớ người yêu đang đợi nơi cổng trường, “tuyết ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương”… Khi người phi công về già vẫn mang nặng “thói hư tật xấu” vẫn nghĩ về em gái bé bỏng thời tung mây lướt gió, cho nên rất gần gũi với giới phụ nữ, những hình ảnh đẹp sexy đều được quảng cáo và trang trí trên nón bay (helmet) và trong phòng lái của đủ các loại máy bay.
Người phi công khi về già thường hay ở những thành phố lớn, khí hậu ôn hoà, phương tiện di chuyển tiện lợi, kinh tế, sức khỏe tiện nghi… rất hiếm thấy một ai sống ẩn dật vui thú điền viên nơi miền quê xa xôi tĩnh lặng, hàng ngày thường đi bộ thể dục, đánh tennis… cuối tuần tham dự tiệc nhỏ có tính cách gia đình, cờ bạc rượu chè cũng ít, tôi thường nghe các bà chị khen chồng rối rít “nhà tôi lúc nào cũng lịch lãm nhỏ nhẹ hiền hòa như đứa con nít”…
Người ta có thể sản xuất ra hàng loạt những cuốn lịch xác định, ngày nào cuối năm, nhưng không ai có thể tiên liệu chính xác ngày nào là ngày cuối cùng của đời mình. Nhu cầu của con người luôn thúc bách hàng ngày, hàng giờ không đợi đến cuối năm đầu năm, nỗi thống khổ của thế gian cũng diễn ra triền miên bất tận, ở khắp nơi trên địa cầu không phải chờ đến thời gian. Đời người cũng trôi quanh như một dòng sông ngày đón mặt trời, đêm hưởng trăng sao, bức tranh vân cẩu trải dài năm tháng, nước xuống, nước lên cuốn theo vô số cỏ cây tàn úa của hai bờ lau sậy, bên lở bên bồi, đẩy đưa thuyền trôi bến nọ bờ kia, nào người giặt giũ tắm mát, nào người phóng uế xả rác… nước sông vẫn lững lờ chảy chuyên chở tất cả và đôi khi gió lặng sống yên nước trong veo ẩn hiện một vầng trăng vằng vặc ngời sáng, hãy sống như một dòng sông đừng ngăn bít, đắp bờ, dựng cọc che chắn đường ra đại dương, đừng tự biến con sông thành ao, thành hồ rồi vui thích đắm mình trong nước đọng ao tù, dòng sông nguyên thủy hàng ngày là dòng sông nước vẫn thản nhiên lên xuống tuôn chảy ra đại dương.
Nước Mỹ có năm mươi tiểu bang, lại có hàng ngàn thành phố hầu như người phi công ở rải rác khắp các thành phố, tùy thuộc vào thành phố lớn nhỏ nhiều ít người Việt Nam tỵ nạn sinh sống, các anh chị là những người tài hoa, mang nhiều tinh thần dân tộc là thân hào nhân sĩ lại có căn bản Anh ngữ nên tình nguyện sinh hoạt xã hội trong cộng đồng, có người đến tuổi hưu trí mà vẫn tiếp tục sinh hoạt “ăn cơm nhà vác ngà voi”, với tinh thần quảng đại và rộng lượng đồng bào tỵ nạn luôn luôn quý mến và biết ơn.
Để gởi gắm ký ức của tôi những nỗi da diết, trăn trở của một phi công nỗi buồn hơn là niềm vui. Những kỷ niệm bay bổng sương khói mờ nhạt trong lòng cảm thấy kỳ lạ vẫn mờ ảo cứ luôn lãng đãng trong ký ức và trái tim già cằn cỗi của tôi. Kiếp nhân sinh của mỗi người như một hành trình dài đăng đẳng, khi thăng lúc trầm, khi vui khi buồn, lúc giàu lúc nghèo… đừng so sánh hay lấy lòng người khác mà lại đánh mất bản tính của mình. Chiến tranh chỉ là giai đọan, tình yêu mới là vĩnh cửu, tôi không viết truyện để sống mà tôi sống để viết truyện, những câu chuyện hay, hoặc những câu chuyện thật thể hiện và chiêm nghiệm được và mất trong câu chuyện, tất cả thể hiện bằng sự trau chuốt từ câu chuyện đẹp vui đến câu chuyện buồn da diết nhưng không ủy mị, mà lại thăng hoa trong đời sống văn hoá và nghệ thuật.
Không ai có thể giúp bạn hoàn thiện một cách tốt đẹp hơn, thời gian cũng không khiến bạn trưởng thành, tất cả là do chính bản thân mình, là phúc hay hoạ, là vui hay buồn, là mạnh mẽ hay yếu ớt chỉ có không ngừng tiến bước tu dưỡng phẩm hạnh rèn luyện tài hoa, bạn mới tìm được hạnh phúc chân chính của riêng mình.
Sống với thực tại mới tìm được trạng thái lý tưởng của sinh mệnh, đời người có hàng trăm, hàng ngàn chuyện không biết trước, cần mẫn và chăm chỉ làm những điều tốt trước mắt mà thôi, sống hiện tại là cách sống tốt nhất về thể xác lẫn tinh thần cùng hoà chung một nhịp điệu, đây cũng là thái độ sống chân thực nhất, khi sống với thực tại không bị qúa khứ che mờ đôi mắt, chẳng bận tâm trước tương lai, từ đó chúng ta có thể tìm lại được trạng thái lý tưởng của sinh mệnh. Tóm lại ngày hôm qua đã trở thành dĩ vãng, ngày mai chẳng biết những gì sẽ xảy ra, chỉ có hiện tại mới là món quà qúy giá nhất mà trời đất đã ưu đãi và ban tặng cho chúng ta, hiện tại chính là nơi duy nhất, sở hữu cuộc sống nầy, năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua như “bóng câu qua cửa sổ”, khi tuổi xế chiều tôi mới ngộ ra về danh vọng, địa vị, số phận, sự nghiệp, hôn nhân, gia đình và bạn bè…
Theo thời gian mọi thứ đều biến hóa và đổi thay khôn lường, có thể sinh ra hoặc mất đi, có thể phát triển rồi lại rụi tàn, cái gì có đến chắc chắn sẽ có đi, không bao giờ tồn tại mãi mãi, nhưng đó chỉ đúng với vật chất ngoài thân, có một thứ mà con người gìn giữ nó tồn tại lâu dài với thời gian đó chính là tình người. Hy vọng rằng bạn có thể nếm trải vị ngọt, buông bỏ những phiền não, đắng cay và phiêu du giữa những ngày trong xanh êm ái.
Những chiếc lá vàng mang màu sắc sặc sỡ của mùa thu cuối cùng tại thành phố West Palm Beach là nơi tôi đang ở cũng đã lìa cành, ngọn gió thu còn sót lại mơn trớn trên cành cây sau vườn nhà tôi mang chút buồn riêng tư man mác, theo định luật xoay vòng của vũ trụ thu đến thu đi, thu đi trong nhớ nhung và luyến tiếc. Ai trong chúng ta đều đến thế gian này một chốc lát rồi trở về với cát bụi, có chăng chúng ta để lại nơi đây là những kỷ niệm, những mảng ký ức vô giá để lại cho người, cho đời. Tha hương vọng về quê cũ trong ngậm ngùi hoài cảm thấp thoáng bóng cây đung đưa theo gió rì rào, hay tiếng chiều êm ả trong kỷ niệm xa vời vợi. Tình yêu là hơi thở muôn đời và tình già rộng mở nhưng lại bao dung cho một thời tàn rụi, ngoài tình yêu còn có sự qúy trọng và bao dung, nhường nhịn nhẫn nại. Tình già có thể là tình vợ chồng dài lâu ân nghĩa, cũng có thể là tình bạn tâm giao, chúng ta hãy sưởi ấm tình nhau trong những ngày còn lại trong cõi ta bà.
Nguyễn Trà
Hoàng Ưng 239
cuối thu 2020
No comments:
Post a Comment