Friday, February 5, 2021

Tết Năm Xưa và Người Anh Họ

Nguyễn Đặng Bắc Ninh
Hoa đào ngày Tết. (hình minh họa của VB)

****
Thực ra Hà không mấy thích người anh ấy.

Cô gọi anh là anh Long. Anh là chồng của chị Chinh, người chị họ của Thanh, chồng cô. Hai bà mẹ là hai chị em ruột. Hà đã không thích anh, lại hơi ngán ngán vì anh cũng lớn tuổi hơn cô nhiều. Hồi đó anh ấy còn là đại tá trong một binh chủng có tiếng là hào hoa bay bướm. Hơn nữa, từ khi về làm dâu cho một họ đông đúc, cô thấy ai cũng có vẻ quí nể anh mà anh thì cứ coi cô như con nít nên nhiều khi hậm hực trong lòng mà cô không dám nói gì.

Dù ngày đó Hà còn ít tuổi nhưng cô đã tự cho mình là người lớn lắm rồi. Này nhé, cô là chị dâu trưởng trong gia đình nhà Thanh, đã là cô giáo của mấy trường trung học tư thục. Dù là dạy giờ nhưng cũng được gọi là “giáo sư”. Em chồng cô, chú Quyền thời đó cũng là một sinh viên của trường Chính Trị Kinh Doanh. Cô cảm thấy mình đã là một người đã trưởng thành, có nhiều trách nhiệm. Ấy thế mà mỗi lần họp đại gia đình, rất thường xuyên, là anh Long lại trêu chọc cô, coi cô như trẻ con.

Anh ít khi truyện trò trực tiếp với cô, chắc anh nghĩ cô không có ý kiến gì đáng kể, nhưng đôi lúc trước mặt mọi người, kể cả những khách văn võ thân quen, anh chợt kêu lên: “Kìa, nhìn con nhỏ nó cười, con nhỏ nó cười..”. Thế là ai nấy đều quay sang nhìn làm cô mắc cở chín người. Thật là bực bội. Chả là vì ngày đó cô có hàm răng trắng bóng như anh Bảy Chà Và quảng cáo kem chà răng Hynos. Những lần như vậy Hà càng ấm ức trong lòng, và cố tránh không lại gần anh, để khỏi bị làm trò cười cho mọi người.

Không thích anh Long, nhưng Hà lại rất mến chị Chinh, vợ của anh. Chị Chinh đẹp hiền dịu, phúc hậu, ăn nói ôn nhu từ tốn. Hà còn thích thêm ở chị một điều nữa là hình như anh chị không bao giờ cãi nhau. Có lẽ những lời nói âu yếm dịu dàng của chị có một uy lực mạnh mẽ với chồng. Các “quan” nhà binh thời đó thường coi lính như em, như con cháu. Mỗi khi thấy anh Long nổi giận rầy la lính, Hà lại thấy chị Chinh kêu nho nhỏ “anh Long..” Chỉ thế thôi, mà thấy anh dịu ngay. Hà phục lăn, không hiểu do tình yêu hay uy quyền gì mà chị “oai’ quá.

*
Có một chuyện mà nay đã nhiều năm qua Hà vẫn chưa quên. Hồi đó vừa sau đám cưới được mấy tháng thì Thanh chồng cô cùng những bạn cùng xuất thân từ trường Quốc Gia Hành Chánh hầu hết đều bị gọi tái ngũ vì từ hồi mới tốt nghiệp anh và các bạn đồng học đã được gửi đi huấn luyện trong quân trường Đồng Đế để thích ứng với tình hình chiến sự ở các tỉnh quận xa xôi. Với Hà, cô vừa buồn vừa lo, vừa thất vọng vì cô đã có hai người anh trong quân đội, nay hành quân nơi này, mai lại chuyển đi nơi khác. Cô vẫn tưởng rồi đây Thanh sẽ tiếp tục được phục vụ trong những cơ quan hành chánh trong tỉnh, nào ngờ... Thanh cũng buồn vì phải rời xa vợ mới và đang được ở một chức vụ mà anh rất thích. Nhưng đã qua nhiều năm “lênh đênh rừng cùng sông” ở các hải đảo phía Nam, anh cũng không ngại trở lại đời sống phiêu lưu nhiều thử thách.

Tuy nhiên, không rõ sao chị Chinh và em kế chị là chị Ngân biết được. Các chị nghĩ Thanh đã vừa phục vụ ở một quân lỵ hẻo lánh hơn ba năm trời, nay mới được về Saigon ít lâu thì lại sắp phải đi xa, dữ nhiều lành ít. Chị mời hai vợ chồng Hà Thanh đến ăn cơm cuối tuần “để chị liệu lời nhờ anh Long xem có được không...” .

Hôm đó sau bữa cơm chiều trong một căn nhà ấm cúng của anh chị Chấn Ngân ở Tân Định, Hà nghe thấy tiếng chị Ngân:

- Anh Long, Thanh lại bị gọi tái ngũ, anh xem có chỗ nào đỡ nguy hiểm ...

Anh Long quắc mắt, mặt đã hơi đỏ vì men bia:

- Đời lính thì đi đâu chẳng được. Chưa đi đã sợ. Đàn ông gì hèn vậy?

Chị Chinh nhẹ nhàng:

-… Thì cậu ấy vừa mới cưới vợ...

Anh Long cắt ngang:

- Vì vợ mà hèn thế thì bỏ đi!

Thanh không nói gì, anh chỉ cười gượng. Nhưng đối với Hà dù cho là lời nói của người say, lại là một người trên, nhưng trong lòng cô sự tổn thương thật lớn lao khi “mối tình lớn” của cô vừa thành tựu, duyên hương lửa chưa bao lâu đã bị ông anh phán một câu thật là thô bạo“..thì bỏ đi”!

Nhớ lại trong mấy ngày đám cưới của Hà và Thanh, vì bố chồng cô đã chuyển vào làm việc ở miền Trung từ khi di cư khỏi Hà Nội từ năm1954 nên ông bà chỉ vào Saigon trước ngày đám cưới mấy tuần lễ. Mọi việc đều do các bác và các anh chị, kể cả anh chị Long Chinh lo liệu hết.Vậy mà bây giờ anh nỡ nào nói vậy! Từ đó cô lại càng cố tránh anh thêm.

Sau này cô còn biết thêm anh Long tính rất ngang, các em ruột của anh, anh cũng chẳng bao giờ nâng đỡ gì. May mà họ đều có danh phận, tốt nghiệp trong những ngành chuyên môn như Y hay Dược nên có lẽ không cần nhờ cậy ông anh ngông nghênh này.

Ông anh này cũng lạ. Hình như anh làm việc cả ngày mà không ăn ra bữa, chỉ uống bia hay ít rượu pha với nước đá. Mãi tới tối, người nhà mới xới ra một bát cơm nóng hổi, đập 2 quả trứng gà tươi vào, trộn đều lên. Bữa cơm chiều của anh thế là xong. Hèn chi cả đời không lúc nào thấy anh mập ra được.

Sắp tới Tết Mậu Thân. Chiến sự ngày càng lan rộng nhưng Hà vẫn nghe như chiến tranh còn ở mãi đâu. Ngày ngày cô đưa con đi học mẫu giáo. Cha mẹ Thanh và các em đang ở trên một tầng lầu trên đường Gia Long. Tầng trên là hai bác Cả, bố mẹ chị Chinh chiếm ngụ. Họ vẫn thân nhau như thế từ mấy chục năm may, từ hồi chiến tranh Việt Pháp, khi bà ngoại còn sống.

*
Ngày Mồng Một Tết, vợ chồng Hà đưa con lên ăn Tết với cha mẹ chồng và các em. Đến đó là sẽ được gặp nhiều người thân trong ngày đầu năm, chúc Tết một thể.

Những dịp họp mặt như vậy thật vui. Họ hàng con cháu gia nhân tấp nập chạy lên chạy xuống. Người lớn thì họp chắn hay bài cào, lũ trẻ con xúng xính quần áo mới, tay lo le tiền mừng tuổi cũng có trò chơi riêng như cá ngựa, domino… Hà chẳng biết đánh bài, không lẽ lại ngồi chơi cá ngựa với trẻ con; cô ngồi bồng bé Mi ăn mứt cắn hạt dưa xem mọi người cũng thấy vui lây.

Hình không có mặt anh Long hôm nay, nhưng cô không bận tâm vì hai anh ruột cô cũng trong nhà binh nên cô cũng quen với sự vắng mặt của các người đàn ông thời chiến.

Về tới nhà, bé Mi đã buồn ngủ, mắt nhíu lại. Cô đặt con lên chiếc giường nhỏ của nó ở phòng bên có cửa thông với phòng hai vợ chồng. Ngả lưng xuống giường cô thấy mình mẩy mỏi nhừ vì những ngày sửa soạn Tết vừa qua: Quà cáp biếu xén hai bên cha mẹ, họ hàng. Nhà cửa, như thông lệ hàng năm, cũng phải cho người quét vôi lại. Chính phủ cũng khuyến cáo mọi nhà trang hoàng , treo cờ trước ngõ..

Nhà cô là một ngôi nhà do chính phủ cấp theo chức vụ của Thanh, ở gần nhà thương Chợ Rẫy. Nhà hai tầng, xây kiên cố từ thời Pháp thuộc, mái ngói, tường dầy nên trong nhà lúc nào cũng mát lạnh.

Ngày mới dọn về, mẹ chồng cô đến thăm, cụ phán:

- Nhà mát lạnh thế này cứ như vào đình hay chùa.

Cụ ra ý bảo nhà không tốt. Nhưng vợ chồng cô ngày ấy còn trẻ, làm gì có tiền mua nhà, bỗng dưng được ở một căn nhà rộng rãi, cũng không phải trả tiền thuê nhà, là may mắn quá rồi. Từ phòng khách tầng dưới bước xuống mấy bậc thềm là mảnh sân nhỏ cửa mở ra mặt tiền đường. Sân sau chạy dài mấy chục thước, cuối sân là hai cánh cổng bằng sắt cho xe ra vào. Dọc sân sau là nhà bếp liền mấy phòng nhỏ, chắc xưa họ dùng cho gia nhân trú ngụ. Cuối sân là một nhà vệ sinh và vòi nước riêng để người nhà giặt rũ.

Đặt con vào giường, chặn gối cẩn thận, cô về phòng đặt mình xuống gường, cựa mình cho dãn gân cốt, tự nhủ “Ăn Tết mà..” và chìm vào một giấc ngủ ngon lành lúc nào không biết.

*
Sáng mồng hai Tết, cô chợt tỉnh dậy. Có lẽ hãy còn sớm vì trời mới hơi hưng hửng sáng, nhưng loáng thoáng dân trong phố đã đốt pháo lẹt đẹt đó đây. Cô ngồi dậy bảo chồng:

- Để em sang xem con, anh cứ ngủ đi. Mà sao họ đốt pháo gì sớm thế!

Nhưng Thanh cũng đã trở dậy, theo vợ sang phòng con. Theo thói quen, anh tới cửa sổ cúi nhìn xuống đường. Tự nhiên, Hà thấy chồng mặt tái hẳn đi: “Em ơi, không phải pháo đâu, Việt Cộng đấy, họ mang súng AK kìa”. Cô bủn rủn cả người, không tin ở tai mình. Cả đời cô biết súng ống đạn dược ra sao đâu. Nhưng anh thì anh phải biết.

Như bản năng xui khiến, Hà đẩy chồng vào phía trong, xa cửa sổ. Dòm xuống đường, cô thấy lác đác mấy người đàn ông mặc quần áo màu xám, đội một kiểu mũ xem rất lạ mắt với cô, họ lom khom đi dọc hai bên hè phố như trong những cảnh tác chiến cô thấy trong phim ảnh.

Chợt một người ngước mắt lên, nhìn thấy cô đứng trong cửa sổ, hắn quát lên:
- Còn dám treo cờ ngụy nữa hả?

Cô hoảng hốt, chợt nhớ là chị Ba người giúp việc đã treo lá cờ Quốc Gia từ cửa sổ tầng trên từ hôm sửa soạn Tết. Chắc cái mặt cô lấp ló bên lá cờ vàng rực rỡ phấp phới từ trên cao làm hắn điên tiết. Cô sợ hãi luống cuống mãi mới tháo lỏng được sợi dây cột cán cờ. Cô lúng túng cố kéo lá cờ vào trong phòng thì hắn lại quát:
- Còn muốn giữ nó hả ?

Cô cuống cuồng lao cả cờ lẫn cán xuống sân phía dưới. Như hài lòng, hắn bỏ đi. Chắc hắn và các đồng ngũ còn có những việc gay go hơn là đến xét nhà cô hay những nhà khác trong xóm.

Lúc này chị Ba cũng đã thức dậy. Cô sẽ suỵt bảo chị đưa bé Mi xuống nhà và cố giữ im lặng. Chị Ba làm cho vợ chồng cô đã lâu. Chị hiền lành và chịu khó nên sau này cô cho cả bé Ngọc con chị đến ở chung cho chị khỏi nhớ con và cho căn nhà rộng cũng thêm ấm hơi người.

*
Thanh vẫy tay gọi vợ đứng nép vào tường, cùng ghé mắt nhìn qua khe cửa chớp nhìn xuống đường. Từ đây cô có thể nhìn sang tới phía bên kia của con lộ nhỏ mà không sợ người dưới đường nhìn thấy. Nếu rủi họ có xét nhà, Thanh sẽ trèo lên trần nhà trốn cùng hàng trăm con dơi vẫn trú ngụ trên đó. Thực ra nếu có chuyện, Thanh mà trèo lên, cả đàn dơi tung ra thì trốn thế nào được? Nhưng không còn cách nào hơn.

Cô chợt thấy nhiều người lố nhố bên kia đường. Dù không nhìn thấy mặt họ, nhưng qua cách ăn mặc, cô cũng biết họ là những người của phía “bên kia” đang nhóm họp ở đó.

Thì ra nhờ khu chung cư khá khang trang của những Hoa kiều bên kia đường với những bậc cầu thang gạch sạch sẽ, nhóm đặc công Việt Cộng đã lập một “tổng hành dinh” tạm thời ở đó. Cô thấy ngoài những cán binh VC, còn có một số cư dân trong phố, từ đâu ra không biết, người nào cũng đeo băng đỏ ở cánh tay. Họ đang chỉ điểm để tìm bắt những thành phần “phản động” trong khu phố. Từ chỗ đứng cô chỉ nhìn thấy một phần người của đám người đứng ngồi lố nhố bên kia, khoảng cách cũng không cho cô nghe được những gì họ nói.

*
Cô chợt nín thở, bám chặt tay chồng: Bên kia đường, họ lại dẫn ra một người đàn ông, hai cánh tay bị trói thúc ké ra sau. Xem ra mấy tay cán bộ vừa lột quần áo ngoài của ông, nên ông ta chỉ còn có áo may-ô và quần cụt trên người, chắc bộ quân-phục đã làm ngứa mắt các người bên kia. Tuy vậy từ phía trên này đường, vợ chồng cô vẫn thấy lấp lánh một vài hoa mai kim loại ẩn hiện trên bộ quân phục một anh cán bộ đang cầm trên tay, không rõ hoa mai vàng hay bạc, nhưng trông ông sĩ quan VNCH kia vẫn có vẻ tươm tất chỉnh tề, cặp kính cận vẫn còn trên mắt. Nhờ lúc mới tới, họ dẫn ông gần ra tới lề đường nên Hà thoáng nhìn được vẻ mặt ông ta, một vẻ mặt nhẫn nhịn, chịu đựng nhưng không có vẻ sợ hãi. Trong lòng cô chợt nảy sinh một cảm tình như là xót xa lẫn cảm phục với người đàn ông không quen biết kia.

Người sĩ quan VNCH vẫn đứng thẳng. Cách đó mấy bước, một chị cán bộ Việt Công, trông còn trẻ, nhìn xa chắc chỉ trên dưới 30 tuổi, quần chẽn, áo ngắn với hai bím tóc thả hai bên, một kiểu tóc ít khi thấy ở Saigon, ngọai trừ mấy em gái nhỏ. Chị cán bộ đứng dang hai chân, tay phải cầm khẩu súng, đưa thẳng trước mặt. Chị ta nói những gì từ xa không nghe rõ, nhưng một tiếng nổ “bụp”, người sĩ quan ngã xuống, nằm vật xuống vỉa hè. Thanh nắm chặt tay vợ. Hà hụt thở, tưởng như muốn ngất xỉu.

Run rẩy, cô lùi vào phòng trong, kéo anh vào theo. May là căn nhà kiên cố, cách mặt đường một mảnh vườn nhỏ. Sân sau ngoài cửa garage, cũng là một bãi cỏ trống không dễ gọi cửa hay đột nhập vào. Vùng này lại nhiều cư dân gốc Hoa; bên này là nhà dành cho các nhân viên y tế nên đám Việt Cộng chưa cần để ý đến.

Cũng qua khe cửa chớp, nhìn xuống xuống đường, thi thể người quân nhân nằm sát lề đường, máu đỏ thẫm chảy từ cổ ông ta chảy thành dòng xuống rãnh.

Hà rùng mình, nhắm mắt, chạy vội vào phòng trong, vơ vội mấy cái quần áo của bé Mi bỏ vào túi xách, xuống nhà, bảo chị Ba mang theo tã lót bình sữa “mình lên nhà bác Giáo”.

*
Sợ quá, ở nhà thì không xong rồi, nhưng đi đâu. Vùng Chợ Lớn cùng với miệt phía Nam này họ đã chiếm rồi. Nhưng đi đâu cho an toàn? Vậy thì theo thói quen, chỉ có đến nhà bà chị Cả là chắc. Chị vốn làm nghề gõ đầu trẻ suốt từ hồi còn ở Hà Nội cho tới nhiều năm sau ở trong Nam, nên mọi người cứ gọi là bà Giáo cho tiện. Nhà anh chị ở trung tâm thành phố, rộng lớn, cao năm tầng lầu. Hai tầng trên thì cho thuê; mấy tầng còn lại còn rất nhiều chỗ cho anh chị và 3 đứa con (hai người con lớn đang du học bên Pháp), nay có thêm gia đình nhỏ bé của cô không ăn nhằm gì. Thêm nữa, mấy đứa cháu của cô rất thân với dì Út và cũng rất thích chơi và trêu chọc bé Mi.

Ra khỏi nhà, đường phố vắng tanh. Thành phố đang ra lệnh thiết quân luật mà. May mà xe anh đang lái mang số ẩn tế của chính phủ nên không bị bắt trở về.

Lên tới nhà bà chị chưa ấm chỗ thì nghe thấy mấy người đang theo dõi tin tức TV, thì ra nhóm đặc công Việt Cộng đã bị đẩy lui ra khỏi thành phố.

Chiến tranh vẫn sôi nổi. Không lâu sau đó, anh bị trúng thương khá nặng ở vùng Chợ Lớn, do trực thăng bắn lầm; anh bị nát đầu gối bên phải, không chết nhưng từ đó phải đi khập khiễng, chớ không bị cưa chân như tin tức trên báo Mỹ.

Rồi ngày đại họa 30 tháng Tư 1975 xập đến. Việt Cộng đang chiếm cả miền Nam, nhưng thoát ra bằng cách nào? Thanh, chồng cô, làm việc bên hành chánh, hai người anh của cô thuộc ngành bộ binh. Nhiều người nói, nửa đùa nửa thật: “Trong họ có ông tướng Không Quân, ổng thiếu gì máy bay, chỉ vù một cái là cả họ ra đi an toàn...”.

Trong lúc lo âu, tuyệt vọng, Hà cũng mong vậy. Nhưng từ hồi chiến sự sôi động, mấy gia đình anh chị em ít gặp nhau, và cũng không nghe gì từ anh chị Long-Chinh.

Quả nhiên, vào giờ phút chót, gia đình Hà-Thanh với 5 đứa con lại khăn gói “lên nhà bác Giáo”, len lén bỏ những đồ vật giá trị, hay cần thiết vào mấy cái valises, sợ chị Ba, người giúp việc biết được, thì nếu lỡ không chạy được, mới làm sao? Ngay cả bức hình của Hà do Nguyễn Kỳ chụp, Hà rất thích, vẫn treo trong phòng khách mà không dám đem theo. Cũng như đồ vật gì cũng để yên chỗ. Cho tới nay, đã mấy chục năm qua, vợ chồng Hà vẫn không biết chị Ba đã làm sao với tất cả những gì mà gia đình Hà để lại trong căn nhà hai tầng với sân trước vườn sau đó?

Rồi trưa ngày 29 tháng Tư, từ nhà bác Giáo, vợ chồng con cái Hà theo xe ông anh cả, chạy loạn ra bến Bạch Đằng, leo lên được một chiến hạm khặc khừ ... mà không biết đi đâu...

Lên tàu, Hà thấy ai?... Vợ chồng cô đến chào bác Cả, mẹ thân sinh của chị Chinh, tức là ... mẹ vợ ông Tướng!Té ra cụ đã đi cùng với gia đình chị Ngân, không dính dáng gì đến máy bay Không Quân; nói gì đến anh Long!

*
Sau nhiều năm xa cách, dù cùng định cư ở đất Mỹ, họ hàng cũng không mấy khi gặp nhau, chỉ thăm hỏi bằng điện thoại hoặc thư từ. Vợ chồng Hà-Thanh thì tất bật đi học, đi làm 2, 3 jobs để nuôi mấy đứa con.

Thanh lại thích 4 mùa mưa nắng, tuyết và cả ... mưa đá của miền Đông Bắc nên cứ cầm chân tại chỗ, mặc cho đàn con lớn dần, ra trường, tản mạn khắp các tiểu bang, kể cả ngoại quốc. Anh chị Long thì nghe nói đã mở một tiệm pizza bên Wa. DC.

Nhưng trước đó anh Long cũng phải qua một giai đoạn gay go, chỉ vì bức hình oan nghiệt “bắn VC” đó.

Người Mỹ hồi đó rất bất mãn, ngay cả sở Di Trú và Nhập Tịch Mỹ (US Immigration and National Services) cũng quyết định là tướng Long đã sai phạm luật chiến tranh (War crime), rất nặng, nhất định phải trục xuất.

Để có chứng cớ mạnh, họ mời nhiếp ảnh gia Eddie Adams, tác giả tấm ảnh ra điều trần. Nhưng chính Adams lại lên tiếng bênh vực anh Long. Sau đó Adams lại lên đài truyền hình giải thích về trường hợp xảy ra ngày 1 tháng 2 năm 1968(mồng2 Tết Mậu Thân): Ông tướng Cảnh Sát nóng máu vì tay VC Nguyễn Văn Lém này vừa ra tay hạ sát quá nhiều người.Trong chiến tranh, nhiều điều ta không thể lấy tâm cảm bình thường để giám định.

Hạ viện Mỹ cuối cùng đã bỏ lệnh trục xuất; và gia đình anh Long ở lại Mỹ.

Mãi đến khoảng năm 1989 vợ chồng Hà mới bay ngang nước Mỹ, sang Burke, Virginia thăm anh chị Long, và tiệm ăn Les Trois Continents của anh chị.

Chị vẫn dung dị vui tươi, nhẹ nhàng. Tiệm nhỏ, ở giữa một shopping mall, có một người phụ việc. Anh thì ăn mặc giản dị, không già đi mấy. Trông anh vẫn tếu tếu như xưa. Đang nói chuyện thì có ông khách Mỹ gọi thêm gì đó. Anh Long đứng dậy, rót ly rượu vang, đem đến cho ông khách.

Ông này tươi cười, líu tíu:“Thank you, thank you, General...”

Hà để ý, nhiều khách hàng vẫn gọi anh Long là General một cách thích thú. Họ ái mộ về quá khứ của anh, hay họ tự hào là chẳng mấy khi được một ông tướng tiếp đãi mình?

*
Anh Long đã mất vào một ngày mùa hè năm 1998. Chính nhà nhiếp ảnh Eddie Adams đã viết lời ai điếu trên báo Time:

Ông ta là một vị anh hùng. Nước Mỹ đáng lẽ cũng phải khóc thương. Tôi muốn mọi người biết về ông ta trước khi ông ta ra đi mãi mãi... Nhiếp ảnh là một võ khí lợi hại. Nhưng gì thì chúng cũng chỉ đưa ra một nửa sự thật. Tấm hình đó có thể đặt cho người xem câu hỏi: “Giả thử bạn là một ông tướng trong hoàn cảnh xáo trộn, trong một ngày nóng bức, mà bạn lại vừa tóm cổ được một tên khốn kiếp vừa ra tay hạ sát 1, 2 hay 3 người lính Mỹ? Trong tấm hình đó thực ra có tới hai người chết. Ông tướng Long giết anh Việt Cộng. Tôi thì giết ông tướng với chiếc máy ảnh của tôi”.

*
Câu nói của Eddie Adams luôn luôn ám ảnh Hà. Chiếc máy hình của Adams đã “thâu”được cảnh anh Long bắn chết tên đặc công VC. Còn Hà, với đôi mắt của một thiếu phụ nhỏ bé đã “không thâu” được hình ảnh VC bắn chết người sĩ quan VNCH.

Nên với cô, chỉ có niềm ân hận trong lòng suốt mấy chục năm qua.

N-Đ Bắc Ninh

No comments:

Blog Archive