Năm Sửu Nói Chuyện Trâu
Phạm thành Châu
Thường niên đáo lệ, năm mới cầm tinh con nào thì nói chuyện con đó. Năm nay là năm Sửu, chúng ta đem chuyện con trâu ra "phân tích", xem có gì đáng nói không?
Ngay từ buổi đầu dựng nước Văn Lang, thời Hùng Vương đã biết dùng trâu, bò vào việc đồng áng. Trâu Việt Nam thuộc giống Karabao được thuần hóa từ trâu rừng, rất hiền lành và vâng lời chủ. Trâu Việt Nam thuộc nhóm “đồng lầy” chỉ có khả năng cày bừa chứ không cho sữa nhiều. Trâu thuộc nhóm “sông nước” ở Ấn Độ cho nhiều sữa hơn. Theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh thì chữ Ngưu là bò, người Việt thì cho là trâu. Bộ Hán Ngữ Đại Tự xuất bản năm 1993 tại Thành Đô, Tứ Xuyên thì chữ Ngưu chỉ chung loại động vật có vú, đầu có sừng, chân guốc, đuôi có chùm lông dài, ăn cỏ nhai lại như trâu, bò, bò Tây Tạng… Để phân biệt, người ta gọi bò là Hoàng Ngưu, trâu là Thủy Ngưu, Bò Tây Tạng là Mao Ngưu, Tê Giác là Tê Ngưu. Nhưng nói theo tiếng Quảng Đông, gọi chung là “Ngầu”. Phở bò là Ngầu Phắng hay Ngầu Phảnh để chỉ món ăn nấu bằng hủ tiếu với thịt bò. “Ngầu Pín” là dương vật con bò. Các từ điển khác đều nói Ngưu là Trâu. Ngưu nhục là thịt trâu.
Trâu bò là loài thú nhai lại. Chúng có bộ máy tiêu hóa rất đặc biệt, có bốn ngăn, giữ bốn nhiệm vụ khác nhau. Khởi đầu, trâu, bò dùng lưỡi vơ lấy cỏ và cắt bằng răng cửa hàm dưới với lợi hàm trên, sau đó, lắc đầu cho đứt và nuốt vào mà không nhai. Cỏ vào bụng được chứa trong một túi lớn, kế đến chuyển vào túi tổ ong và giữ lại đấy. Lúc nghỉ ngơi cỏ được ứa lên mệng để nhai lại rất kỹ rồi cỏ từ miệng chuyển thẳng tới túi sách và được tiêu hóa nhờ các dung dịch từ dạ dày tiết ra. Sau rốt cỏ được chuyển tới túi cuối cùng để biến thành chất bổ dưỡng nuôi sống con vật. Do sự phức tạp trên nên trâu bò có ruột non và ruột già dài tới bốn mét để thích ứng với loài nhai li.
Ở Mỹ, với người Việt lớn tuổi thì ai cũng biết con trâu, nhưng bọn trẻ không hề thấy con trâu bao giờ. Lúc mới qua Mỹ được vài năm, một lần, thành phố tôi ở, có lễ lạc, kỷ niệm gì đó, ngoài thương xá gần nhà tôi có tổ chức vui chơi cho trẻ con. Đu quay, lái xe (trẻ con), hát hò...Tôi dẫn thằng con sáu tuổi ra tham dự. Thấy ở góc sân chơi có một con trâu nằm nhai cỏ, tôi không quan tâm, nhưng thằng con tôi lêu lên, kinh ngạc "Con dinosaur!" (khủng long). Hóa ra nó không biết đó là con trâu. Tôi đứng lại cho nó ngắm vừa giải thích, đó là con vật dùng để kéo xe, kéo cày ở Việt Nam cũng như ở các nước Đông Nam Á. Tôi còn nói "Nhà nông ở Việt Nam rất thương con trâu, đến nỗi người ta làm thơ ca tụng con trâu "Trâu ơi, ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta..." Ngâm xong, tôi phải dịch ra tiếng Mỹ nó mới hiểu. Tôi còn hát một bài về con trâu "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, ta sờ sừng trâu, rồi ta vuốt đuôi trâu..." như lúc nhỏ, tôi thường nghêu ngao với chúng bạn khi còn ở quê nhà. Ca nhạc Việt Nam thường bị xuyên tạc, nhưng tôi biết, có hát gì thằng bé cũng chẳng hiểu!
Nói linh tinh về chuyện trâu thì không bao giờ hết, thế nên tôi xin được ngắn gọn mấy chuyện sau đây.
Nuôi trâu để làm gì? Ai cũng nói "Để cày ruộng". Nhưng ông Lão Tử nuôi trâu để cưỡi đi khắp nơi. Tôi nhớ (không bảo đảm lắm), hễ ai nói gì chướng tai thì Lão Tử ta lấy quạt mo che "cái dưới đuôi trâu" lại. Người thượng cao nguyên Việt Nam nuôi trâu để làm của. Nhiều trâu, nhiều chiêng, cồng là giàu. Dân buôn làng vi phạm "lệ làng" thì bị phạt trâu, gà. Theo quốc lộ 14, những khoảng trống ven đường, dưới thung lũng, những dân tộc Mạ, K ho, M nông…thả trâu ăn cỏ khắp nơi. Gặp một người đàn bà Mạ đang chăn hàng chục con trâu, chúng tôi hỏi “Có ai hỏi mua trâu không?” Chị ta nói “Có nhiều lắm. Họ hỏi mua về làm thịt. Nhưng không bán. Ôi! Tội con trâu lắm. Không bán đâu!” Tôi xem DVD thấy người Thượng làm lễ đâm trâu rất đáng sợ. Họ cột một con trâu vào cọc, dùng dao nhọn phóng vào chỗ quả tim con trâu, rồi họ chặt nhượng chân sau cho con trâu quị xuống, rồi lại đâm tiếp. Con trâu ngơ ngác, không hiểu vì sao, người ta đâm mình, chặt chân mình rồi cắt cổ mình, lấy máu uống? Con người mà tự nhiên bị đập đầu chôn sống hoặc đâm chém, cắt cổ... kiểu đó tất phải gào thét, khóc la ghê lắm.
Người Thượng rất thương yêu trâu. Khi con trâu của mình bị đưa ra làm lễ “đâm trâu”, bà chủ thương tiếc, khóc than rất cảm động.
Mời trâu ăn lá cây lần cuối.
Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi!
Ta không thể giúp gì cho trâu được.
Trâu hãy rung cho ngã cọc nêu.
Trâu vùng vẫy cho đứt chùm dây.
Người ta sắp xẻ thịt trâu rồi đấy!
Thôi ta vĩnh biệt trâu ta từ đây.
Trâu hãy ăn nắm cỏ này lần cuối.
Trâu hãy ăn trước khi trâu chết…”
Các xứ ở Châu Á nuôi gần 140 triệu con trâu. Các nước Âu, Mỹ nuôi trâu trong sở thú để thiên hạ xem cho biết con trâu ra sao. Nhiều nước nuôi trâu để giết thịt, có nơi thịt trâu bán ra nhiều hơn thịt bò. Như Ấn Độ mỗi năm sản xuất gần một triệu tấn thịt trâu, Pakistan, gần nửa triệu tấn. Việt Nam cũng ăn thịt trâu, nhưng thường là trâu già, trâu bịnh. Không ai nỡ giết trâu mình nuôi "Con trâu là đầu cơ nghiệp", nhờ nó cày bừa mới có hạt cơm cho gia đình.
Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trước đây, ruộng vườn đều là của hợp tác xã, mọi người là xã viên, làm ăn "công điểm". Trâu hợp tác xã không ai săn sóc (nhiều sãi không ai đóng cửa chùa) trâu "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" mà không cho ăn no, kiệt sức, được đưa vào nhà bếp bỏ vô chảo rồi chui vô bụng xã viên, nên khi nào cần cày ruộng thì phải thuê máy cày bên hợp tác xã cơ khí nông nghiệp. Muốn anh thợ máy cày cầy ruộng hợp tác xã cho tốt, ban chủ nhiệm phải đãi đằng, thịt rượu anh ta mới chịu làm. Không cho anh ta ăn nhậu, không phong bì bỏ túi thì máy cày tất phải hỏng hóc. Cày bữa đực bữa cái, hết thời gian hợp đồng, anh ta lái máy cày về, kịp thời vụ hay không đâu phải chuyện của anh ta. Thế mới có câu "trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ (máy cày màu đỏ) ăn gà".
Tranh Đông Hồ có vẽ một thằng bé chăn trâu, ngồi trên mình trâu thổi sáo, con trâu thì vểnh tai lên nghe. Ý xỏ xiên chi đây chứ trâu có biết gì âm nhạc kịch nghệ đâu? Bằng chứng là câu "đàn gãy tai trâu". Tranh nầy có từ thời xưa được lưu hành cho đến sau nầy.
Sữa trâu, tốt hơn sữa bò, không phải dành riêng cho con nghé như Việt Nam ta mà còn làm thức uống cho người. Á Châu sản xuất 41 triệu tấn sữa mỗi năm, nhiều nhất là Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Philippine...
Ở Mỹ có loại trâu rừng gọi là Bison. Toàn nước Mỹ có khoảng 350,000 con. Có ích lợi gì thì không biết, nhưng đến mùa đông phải lùa chúng vào những nơi "tạm trú", sẵn rau cỏ, nước nôi cho chúng xơi, khi trời ấm lại cho ra rừng. Người Tây Tạng, ở xứ lạnh, có nuôi một loại trâu, gọi là trâu lùn, lông rất dày để che gió lạnh, họ chế biến sữa trâu thành "dầu tô", thắp đèn ở các đền, chùa thờ Phật, không có khói. Ở Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ không có cây làm củi, họ phải lượm phân trâu về phơi làm chất đốt. Các bà, các cô gái đi nhặt phân trâu về, trộn với rơm rạ, nắm thành từng cục cỡ nắm tay, đem phơi khô, đốt thay củi nấu nướng. Xem thế, thân thể con trâu, không bỏ cái gì cả. Lông trâu dùng làm bàn chải, làm cọ hoặc bút lông cho mấy ông đồ già viết câu đối đỏ, sừng trâu làm lược chải đầu cho quí bà và làm tù và để thổi, da trâu nấu mãi thành "a dao", trộn với vôi để xây nhà, quét tường, trộn với màu để vẽ tranh sơn dầu không hư, da trâu còn làm mặt trống, làm giày, dép, bóp, xách tay. Da trâu có thể xắt nhỏ, cỡ ngón tay, thui trên lửa cho cháy sém, đập cho mềm, ăn thơm thơm, béo béo.
Miền Nam Việt Nam ta, đến mùa nước nổi, khắp nới ngập nước, không có cỏ cho trâu ăn nên chủ trâu giao trâu cho một toán người chuyên nghiệp, họ nhận hằng trăm con trâu, lùa đến các vùng cao, đồi núi, có cỏ cho trâu ăn. Hết mùa lụt, lùa trâu về trả lại chủ, lãnh tiền công. Đó là nghề "len trâu". Chuyện xảy ra thời trước kia, nay có máy cày, ít người nuôi trâu, vì bắt đứa nhỏ chăn trâu thì không thể đi học được.
Bạn biết thuốc chủng ngừa đậu mùa chế biến từ đâu không? Từ con trâu. Có một loại đậu mọc trên cơ thể trâu, bò, gọi là "ngưu đậu". Người ta trích mủ "ngưu đậu" nhân giống loại vi trùng nầy rồi làm yếu đi, chế biến thành thuốc chủng ngừa đậu mùa cho người. Trên thế giới, hiện nay bịnh đậu mùa gần như không còn, nhưng một số nước vẫn còn "nuôi" con vi trùng đậu mùa, để dành. Khi có chiến tranh thì nhân giống lên, đem thả xuống nước thù địch, cho cả nước bị đậu mùa chết hết. "Mánh" nầy lấy từ lịch sử.
Chuyện kể rằng, ở Châu âu, vào thời trung cổ, có một nước kéo quân vây thành trì nước nọ, khá lâu mà không chiếm được thành, bèn nảy ra sáng kiến, vất vào trong thành một xác chết bị bịnh dịch hạch. Cả thành, già trẻ lớn bé đều bị bịnh dịch hạch chết ráo! Vậy là "bất chiến tự nhiên thành". Nhưng bên thắng cuộc không dám chiếm thành. Thời trung cổ, châu âu gồm nhiều nước rất nhỏ, do một ông hoàng nào đó làm chúa đất, đánh nhau lung tung để giành đất, chỉ người dân là khổ. Cũng giống như bên Tàu, thời Đông Châu Liệt Quốc, trước Công Nguyên, có đến hàng trăm tiểu quốc, thường xuyên chém. giết nhau “lấn đất giành dân”, trăm họ đồ thán!
Đó là chuyện bên tây. Bên Việt Nam ta, như đã nói, nhà nông rất quí trọng con trâu. Đến nổi nhà vua ra luật "ngưu quyền", nghĩa là con trâu được luật lệ bảo vệ đàng hoàng. Theo Quốc Triều Hình Luật (luật Hồng Đức), ban hành đời nhà Lê, thế kỷ 15. Mua bán trâu phải làm giấy tờ, làm thịt trâu phải xin phép, phải được chính quyền địa phương xác nhận trâu già, trâu bịnh mới được xẻ thịt. Tội trộm trâu, giết trâu bị phạt rất nặng. Năm Đinh Dậu (1117) Vua Lý Thánh Tông xuống chiếu định rõ lệnh cấm giết trộm trâu, nếu vi phạm, chồng bị phạt 80 trượng cho vào quân đội làm lao công (đồ khao giáp), vợ 80 trượng, đưa vào sở chăn tằm. Hàng xóm biết mà không tố cáo, bị phạt 80 trượng (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) Có một điều luật rất chi tiết "Khi hai con trâu của hai nhà húc nhau, con nào chết thì cho hai nhà mổ thịt (chia nhau), con còn sống thì hai nhà cùng cày bừa (dùng chung). Ai trái luật thì bị phạt 80 trượng"
Trâu thuộc về định chế nghi lễ. Tế Xã Tắc ở kinh đô do vua đứng làm chủ tế, cũng như tế Trời ở Đàn Nam Giao triều Nguyễn phải có lễ Tam Sanh (trâu, heo và dê). Trâu là chính yếu. Giết trâu (thường là con nghé) ngay bên lễ đàn, thui nguyên con đem tế.
Nhà Lê Trung Hưng, hàng năm, Phủ Chúa Trịnh, còn gọi là Phủ Liêu tổ chức Lễ Xuân Ngưu. Đây là đại lễ quốc gia. Trâu được làm bằng cốt tre, phủ đất, rước từ Phủ Chúa qua cung Vua, ở điện Vạn Thọ. Đám rước theo nghi lễ long trọng, sau đó con trâu giả nầy được thả xuống sông ở đông Hà Môn.
Tục chọi trâu. Sử ghi. Năm Mậu Tý (1048), vua Lý Thái Tông xuống chiếu định phép chọi trâu về mùa Xuân. Riêng vùng Đồ Sơn (Hải Phòng) tổ chức vào tháng tám âm lịch “Dù ai buôn đâu, bán đâu, nhớ ngày tháng tám chọi trâu thì về”. Tổng Đồ Sơn có 14 thôn, các thôn đều có nuôi trâu để chọi. Trâu chọi thường từ 8 đến 10 tuổi. Trước ngày hội, có cuộc đấu loại giữa trâu 14 thôn, chỉ giữ lại 6 con vào “chung kết”. Trâu được cho uống rượu rồi đưa ra đấu từng cặp. Chọi nhau cho đến khi một con bỏ chạy hoặc bị húc chết. Trâu thắng trận được võng lọng đón rước tưng bừng. Nhưng dù thắng hay thua, sáu con trâu đều bị làm thịt cúng thần rồi bán cho dân làng.
Lễ Tịch Điền đầu tiên ở nước ta là vào năm Thiên Phúc thứ 8 đời tiền Lê do vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) thực hiện. Vào đầu xuân, quan Hữu Ty chọn ngày tốt đắp đàn tế. Vua vào tế Thần nông, cầu cho mưa thuận gió hòa rồi tự tay cầm cày, cầy ruộng. Trâu cày phải là trâu đực, còn trẻ, mạnh khỏe và được phủ gấm vóc trên lưng. Vua cầy ba đường tượng trưng, sau đó các quan thay phiên nhau xuống ruộng, cũng cầy mấy đường. Ruộng đó trồng lúa, loại ngon nhất đem dâng vua gọi là gạo ngự.
Vì con trâu rất quan trọng cho nhà nông nên việc mua trâu phải rất cẩn thận. Nhiều lái trâu, đem trâu miền núi, không biết cày ruộng, về bán cho nhà nông. Miệng lái trâu rất dẻo nên nhiều người bị lầm, "Lái trâu, lái lợn, lái bè, trong ba anh ấy chớ nghe anh nào".
Người mua trâu, phải biết gốc gác con trâu, phải biết xem tướng trâu "sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi. Mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn" hoặc "Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu thì tậu liền tay" là trâu tốt. Câu xem tướng trâu "Khô chân, gân mặt, đắt mấy cũng mua", hình như các bà cũng dùng câu nầy để xem tướng người giúp việc. Hóa ra con người cũng bị xem ngang hàng với con trâu!
Tiếp theo đây là mục mà quí ông, bà tuổi Sửu nên đọc kỹ. Tức là mục xem tướng số những người tuổi con trâu.
Sách tướng có nói rằng "Người tuổi Sửu (tuổi con trâu) thường cần cù, chịu khó, ít ba hoa, khoác lác. Bề ngoài trầm tĩnh, điềm đạm nhưng có khi cũng nổi cục, mà nóng lên thì rất dữ! (trâu điên!). Tuổi trẻ có vất vả, nhưng trung niên và tuổi già cũng được an nhàn. Về đường nhân duyên, không nên lập gia đình sớm, vì có thể gặp trắc trở. Trên hai mươi tuổi mà lập gia đình thì trên thuận dưới hòa, gia đạo yên vui, con cái nên người, có hiếu với cha mẹ, anh chị em thương yêu nhau. Tuổi Sửu hợp với tuổi Tỵ, tuổi Dậu".
Tử vi, tướng số kiểu đó thì ai mà không nói được. Cứ đem con trâu ra mà "phản ánh" cho người tuổi Sửu. Trâu phải cày bừa, đương nhiên là vất vả rồi, lúc về già ốm yếu, hom hem, chủ nhớ ơn nên không bán hay xẻ thịt mà vẫn nuôi dưỡng, săn sóc. Như thế tuổi già thong dong, an nhàn. Theo cách đó thì người tuổi Ngọ (con ngựa) phải dời chỗ ở luôn luôn, chạy ngược, chạy xuôi suốt đời, mà vẫn không đủ ăn. Người tuổi Hợi (con heo) thì sướng lắm "tuổi Hợi nằm đợi mà ăn", chẳng cần bon chen, lo lắng gì mà lộc trời cứ ban cho mãi, nhưng số nầy coi chừng bị bất đắc kỳ tử, thường bị tai nạn, có thể bị mổ xẻ (bị làm thịt). “Người mập, da trắng, mắt híp, má xệ, lười biếng là tướng con heo. Yểu mệnh” Người tuổi Mùi (con dê) thì "ham chơi bời", không chịu lao động, thấy gái thì mắt la, mày lét. Người "tuổi Mẹo là con mèo ngao, hay cấu hay cào, ăn vụng quá tinh"...
Thế nên, xin quí vị đừng tin mấy ông, bà lốc cốc tử nầy mà tốn tiền, tốn thì giờ. Tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện. Đừng cướp của, giết người, làm chuyện bất lương, phạm pháp. Cứ ăn ở nhân đức thì con cháu hưởng phước.
Đã xong chuyện bên tây và Việt Nam ta rồi. Để chấm dứt bài nầy, mời bạn nghe kể chuyện bên Tàu.
Trước Công Nguyên hàng nghìn năm, ở bên Tàu có nhà Chu xưng vương đóng đô ở miền Thiểm Tây, gọi là Tây Chu (1134 - 770 BC), sau vì rợ Khuyển Nhung quấy phá nên dời đô qua phía đông (Lạc Dương- Hà Nam) nên gọi là Đông Chu (770 - 221). Thời Đông Chu lại chia làm hai thời kỳ: Xuân Thu (722 - 479) và Chiến Quốc (479 - 221). Thời Tây Chu có trên một nghìn chư hầu, các chư hầu đánh nhau, tiêu diệt nhau, đến thời Đông Chu còn trên một trăm chư hầu. Qua thời Chiến Quốc số chư hầu chỉ còn trên một chục, tiếp tục đánh nhau, tiêu diệt nhau, dân lành tiếp tục chết. Sử sách Tàu có ghi lại những chuyện chém giết nhau túi bụi đó trong bộ Xuân Thu Chiến Quốc. Trong bộ truyện đó, tôi rút ra một đoạn, đoạn nầy có nhắc đến chuyện những con trâu.
Vào thời Chiến Quôc, nước Yên (vùng đông bắc nước Tàu) đem quân đánh nước Tề (nằm ở bờ biển phía nam nước Yên). Tướng Yên là Nhạc Nghị, trong vòng sáu tháng, hạ được 70 thành của Tề, chỉ còn hai thành Cử Châu và Tức Mặc đang bị bao vây rất ngặt. Tướng giữ thành Tức Mặc là Điền Đan cùng quân dân chống trả quyết liệt. Vây suốt ba năm mà không hạ được thành, Nhạc Nghị lui quân 9 dặm (hơn 5 cây số). Điền Đan cho người phao tin trong triều đình Yên là Nhạc Nghị muốn tự lập làm vua nước Tề. Vua Yên cho quan đại phu là Kỵ Kiếp ra thay Nhạc Nghị. Nhạc Nghị sợ bị giết, bỏ trốn sang Triệu. Điền Đan lại cho phao tin rằng quân Tề sợ nhất là bị cắt tai. Kỵ Kiếp bắt được quân Tề là xẻo tai khiến quân Tề trong thành rất căm phẫn. Điền Đan lại phao tin rằng dân trong thành sợ nhất là mồ mả (ngoài thành) bị đào bới, Kỵ Kiếp cho đào tất cả mồ mả, vất xương khắp nơi. Dân trong thành tức giận, thề sống chết với kẻ thù. Rồi Điền Đan đem vàng bạc đút lót các tướng bên quân Yên và xin thương lượng để đầu hàng (dâng thành).
Trong lúc đó điền Đan họp dân quân trong thành, chuẩn bị chiến đấu. Ông gom tất cả trâu trong thành lại, phủ lên mình trâu những tấm vải vẽ những hình kỳ dị, sừng trâu được cột gươm dao bén, đuôi trâu cột đồ dẫn hỏa...
Nửa khuya, Điền Đan kích động dân quân trong thành "Chỉ còn con đường sống là phải tiến lên. Xã tắc mất rồi, hồn phách phiêu bạt, biết quay về đâu?" Rồi mở cửa thành, đốt lửa ở đuôi trâu, thúc trâu chạy trước, quân sĩ theo sau, dân trong thành ùa theo, vừa reo hò vừa gõ bất cứ vật dụng gì để gây tiếng động uy hiếp tinh thần đối phương. Trâu bị đốt sau đít, nóng quá, đâm đầu chạy về phía quân Yên, gặp gì chém nấy. Quân Yên tưởng quân nhà trời, sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Điền Đan thừa thế, xua quân đánh tiếp, chiếm lại được tất cả 70 thành trì của Tề bị mất trước đây.
Điền Đan đã sử dụng trâu như những chiếc xe tăng có "bộ binh tùng thiết" thời hiện đại.
Sau đây thêm một chuyện của mấy ông vua phịa bên Tàu. Mời quí bạn đọc chơi.
Đời xưa, bên Tàu có Hứa Do là người hiền, sống ẩn dật ở Bái Trạch. Vua Nghiêu nghe tiếng muốn nhường ngôi, nhưng bị Do từ chối. Sau đó Do lui về ở ần tại núi Trung Nhạc, phía nam sông Dĩnh Thủy, vua Nghiêu lại tìm đến cố mời ông làm vua. Hứa Do không muốn nghe nên ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai. Sào Phủ đang dắt trâu xuống sông uống nước, thấy Hứa Do đang rửa tai, hỏi nguyên do. Do nói “Không muốn nghe đề nghị làm vua, bẩn tai”. Sào Phủ nghe nói, dắt trâu lên phía trên cho trâu uống nước. Do hỏi tại sao. Phủ đáp “Sợ trâu ta uống nước bẩn của tai anh”. Sào Phủ lại hỏi Hứa Do. “Tư cách, đạo đức anh cỡ nào mà vua Nghiêu phải nhường ngôi cho anh?”
Đến đây là chấm dứt “Chương trình của ban Tùng Lâm”. Chúc bạn một năm con trâu, khỏe như trâu, suốt năm kéo cày mệt nghỉ!
Phạm thành Châu
No comments:
Post a Comment