Duy Liêm
Huyền Thoại-Thịnh Hương
***
Duy Liêm là tên Việt Nam của thằng chaú nội Bà Hai. Bà phiên âm từ cái tên trong khai sanh của nó là William.
Sau khi siêu âm và được biết sẽ sanh một bé trai vợ chồng con bà vui lẳm. Không phải vì họ đang mong ước có có con trai để “nối dõi tông đường”, nhưng vì đã có cô con gái đầu lòng rồi nên chuyện có thêm đứa con trai là một điều đáng vui. Vài người bạn của bà khen “Vậy là tuị nó có đủ tẻ và nếp rồi nhé!”. Mới đầu, hai vợ chồng Phúc – con trai bà – dự tính chỉ sanh một đứa con thôi, vì bao nhiêu khó khăn vất vả mà hai vợ chồng trải qua sau khi sanh Quỳnh Anh, cô con gái đầu lòng . Quỳnh Anh từ lúc sanh ra đã khó ăn khó ở. Môĩ lần ăn là cô nàng ói thốc ói tháo. Một chén bột chắc chỉ con giữ laị trong bao tử chừng một phần ba. Ăn bột ói, uống sữa cũng ói! Khi cô nàng ăn, bà hay cha mẹ phải ngồi trước máy vi tính cho nó xem các phim hoạt hoạ như Pingu, Big Bird, Elmo…Cha mẹ và bà nội lo xanh mắt vì sợ cô nàng thiếu chất dinh dưỡng nên năn nỉ bác sĩ cho toa mua thuốc bổ, nhưng bà bác sĩ tỉnh bơ, nói không cần uống thuốc, chỉ cố cho nó ăn ít và ăn nhiều bữa là được. Nó ói thì chờ vài tiếng rồi cho nó ăn nữa. Quỳnh Anh được một tuổi thì phải tìm babysitter vì mẹ Quỳnh cần đi học trở lại cho xong bằng cấp. Được mẹ ôm ấp chăm lo suốt một năm nên cô nàng hoảng sợ khi thấy có một bà lạ hoắc ẵm bế mình. Cô nàng khóc liên tu bất tận cho đến lúc mẹ đến đón. Về đến nhà khoảng năm phút cô nàng nằm lăn ra ngủ. Có lẽ sự căng thẳng bên người lạ và nỗi nhớ nhung cha mẹ đã làm nó mệt nhoài. Bây giờ về nhà cô yên tâm ngủ bù. Hôm sau trở lại nhà cô babysitter thì con bé nắm chặt áo bố không chiụ buông, hai chân dẫy đạp như muốn đẩy cô ra xa. Phải mười lăm phút sau mới chịu ngưng đạp. Chắc tại mệt quá hết đạp nổi. Hoạt cảnh này kéo dài cả tuần lễ mới ngưng làm bố mẹ nó căng thẳng muốn đứt giây thần kinh. Mấy háng sau cô giữ trẻ …ốm nghén nên phaỉ bỏ việc, con dâu bà được bạn giới thiêụ một cô khác. May mắn thay cô mới rất yêu Quỳnh Anh và thường ẵm ru cho nó ngủ trưa vì cô nàng mang luôn bệnh khó ngủ. Khó ăn khó ngủ nên bố mẹ nó sợ có thêm con là điều dễ hiểu. Vậy mà lạ thay, chỉ vài tháng trước ngày đủ tuổi để đi nhà trẻ Quỳnh Anh hết ói và chịu ngủ riêng trong phòng của mình.
Sau sáu năm, những nhọc nhằn nuôi con từ từ phai nhạt, Phúc thuyết phục vợ sanh thêm một đứa con nữa, trai hay gái gì cũng đều “welcome”. Phúc viện lý do là qua kinh nghiệm chính bản thân mình, anh thấy làm con một nó … buồn lắm! Buồn vì “bị” cha mẹ lo lắng chăm lo cho mình một cách thái quá! Lúc nào cha mẹ cậu cũng nơm nớp lo âu, sợ những tai vạ không đâu vận vào đầu con mình. Phúc đi đâu cũng phải báo cáo cho cha mẹ biết đi nơi naò, bao lâu, chừng nào về. Sau vài giờ không nghe cậu lên tiếng báo trễ là cha mẹ sốt ruột, đi ra đi vào như lửa đốt trong lòng. Sau này khi cell phone trở thành món cần thiết cho mọi người mọi nhà thì tha hồ cho ông bà réo gọi, “Con ơi, con OK không? Chừng nào con về?”. Những dịp cuối tuần câụ đi parties thì ông bà thức đêm chong đèn chờ, chỉ khi nghe tiếng xe câụ ngừng ngoài driveway thì ông bà vội vã tắt đèn giả vờ đã ngủ từ lâu. Có lần cậu bực quá, tuyên bố là nếu ông bà “kềm kẹp” kỹ quá câụ sẽ dọn ra ở với bạn cho có chút tự do!
Phúc còn một lý do nữa để xin vợ thêm một đứa con, đó là mai đây khi cha yếu mẹ già thì còn có thêm người phụ lo cho cha mẹ, chứ “chỉ hai đứa mình thôi nhé” thì oải vô cùng! Từ tháng thứ tư của chu kỳ thai nghén, vợ chồng Phúc bắt đầu tìm tên cho con. Bà Hai không tham gia, vì bà hiểu rằng bên xứ này ông bà nội ngoại chớ nên can thiệp vào chuyện gia đình con cái kẻo gây ra nhiều phiền toái. Ông bà thì “được quyền” giúp đỡ chăm sóc, chứ những quyết định nên để “vợ chồng người ta” tự lo. Bà Hai góa bụa trước khi con trai cưới vợ, nên bà “mời” hai vợ chồng Phúc chung nhà với bà. Bà có công ăn việc làm tốt nên không muốn ở nhà giữ chaú, chỉ xin nhận coi cháu vào những cuối tuần hay khi cô babysitter bận chuyện nhà, không thể giữ trẻ trong mấy ngày.
Trở về chuyện tìm tên, Phúc chiều ý vợ, chọn tên William cho con. Theo con dâu bà, nhũng người có tên William thường có tài và nổi tiếng! Thí dụ như Bill Gates, hoàng tử William của Anh Quốc, tổng thống Hoa Kỳ William Clinton... Bà Hai thầm nghĩ nhưng không dám nói ra miệng, là bà có một ông xếp tên William mà khó chịu dàn trời, ít ai ưa.
Duy Liêm chào đời đúng ngày đúng tháng. Bà Hai không đưa con dâu đi sanh như lần trước vì bà phải ở nhà giữ Quỳnh Anh. Khi việc sinh nở xong xuôi, Phúc gọi điện thoại báo tin là tất cả đều suông sẻ, mẹ tròn con vuông, và thằng cháu nội cuả bà mai đây có thể vượt xa các ca sĩ hát nhạc Opera của Ý. Bà không hiểu thì Phúc giải thích rằng vừa ra khỏi bụng mẹ nó la chói lói, thiếu điều muốn bể kính cửa số nhà thương. Bác sĩ nói thằng bé này có hai lá phổi tốt! Phải công nhận nó mà hét lên thì điếc tai thiệt.
Nhà bà ở trên đồi, thỉnh thoảng mấy con nai dẫn nhau đến ăn hoa trái. Hôm đó, bà nhớ, Duy Liêm chừng ba tuổi. Hai bà cháu ra vườn tỉa lá hái hoa thì có hai con nai lừ đừ đi tới định kiếm gì bỏ bụng. Bà Hai hầm hừ, vung tay xua đuổi, cầm cây hù doạ mà chúng chả sợ, cứ giương mắt nhìn bà một cách rất là ngây thơ vô tội. Nhưng lúc Duy Liêm cật lực hét lên thì hai con nai cong đuôi bỏ chay! Thế là đủ biết nó có uy rồi nhé! Bà Hai nói nó có “giang” làm …tướng, và câù mong nó làm tướng quân đội chứ đừng làm tướng gì khác. Duy Liêm cũng kén ăn nhưng không đến nỗi quá “kinh dị” như chị nó. Mỗi lần cho nó ăn phải ngồi cả giờ, thức ăn văng vaĩ tứ tung vì anh chàng cứ quay qua quay laị, không ngồi yên.
Saú tháng, con dâu bà hết hạn nghỉ phụ sản. Laị phải ra công tìm người gửi con! Lạ kỳ, không hiểu được, vì cô này vừa ôm nó vào lòng là nó khóc như bị nhéo bẹo rồi nhoài người ra đòi mẹ bế. Cô bảo, “chị cứ yên tâm, một lát nó sẽ quen”. Nhưng chỉ hai tiếng sau cô gọi Quỳnh báo là Duy Liêm khóc hoài không nghỉ, khan tiếng rồi. Quỳnh sợ quá vội vã đến đón con. Vừa thấy mẹ thì chàng ta hết khóc. Bà Hai tin rằng con nít có một ràng buộc thiêng liêng với người mẹ, mà người ta thường nói là quen hơi bén tiếng, nên khó lòng xa mẹ một cách đột ngột. Chúng không nói được nên dùng tiếng khóc để phản đối sự chia lià và bày tỏ lòng thương nhớ của mình.
Bà Hai còn nhớ ngày bà mới sanh Phúc được một tháng thì mẹ chồng bà ra lệnh đem Phúc về cho bà và cô Năm nuôi phụ, nại cớ là bà Hai sanh con so, chưa có kinh nghiệm nuôi con, ngoài việc vợ chồng bà đêù đi làm, mướn người làm uổng tiền. Nghe thì rất chí lý, nhưng Bà Hai biết rõ, rất rõ, là mẹ chồng sợ bà đem Phúc vô nhà thờ làm lễ Rửa Tội theo Thiên Chúa Giáo, dù bà đã hứa sẽ để cho Phúc quyết định tôn giáo của mình khi nó đã trưởng thành. Hai tuần sau, mẹ chồng goị bà về đón Phúc vì nó khóc cả ngày lẫn đêm, khóc dai dẳng làm ai cũng mất ngủ, ẵm bế nó rã rời tay chân, hết muốn canh giữ! Khi Bà Hai vừa bước chân vô nhà và lên tiếng goị thì Phúc nín khóc và lúc được mẹ ẵm vào lòng nó cười toe toét, “dễ ghét” lắm. Mẹ chồng bà mắng yêu, “Tổ cha nó, nó mới ngửi hơi con mẹ nó là nó nín. Thôi, dià thì dià đi, ai mà ham! Tổ cha mầy!”. Mang được con về, bà mừng lắm. Thời của bà, con dâu kính sợ và nghe lời mẹ chồng, chứ không như thời nay, nhiều mẹ chồng phải e dè con dâu vì sợ mất cả con lẫn cháu.
Quỳnh cần đi làm nên ba ngày liên tiếp đem con tới nhà cô giữ trẻ và ngồi chơi với nó khoảng vài tiếng, hy vọng thằng bé sẽ quen dần với người lạ. Nhưng khi mẹ vừa đi khỏi là Duy Liêm lại khóc thảm thiết như hôm đầu. Hết ba ngày cô giữ trẻ vái nón chiụ thua, không dám giữ nó. Một người bạn giới thiêụ một bà lớn tuổi, hiện đang coi sóc hai đứa cháu ngoại . Và, kỳ lạ thiệt, vừa thấy bà Duy Liêm liền nhoẻn cười và sà ngay vào vòng tay mở sẵn của bà. Người ta nói nó hạp hơi bà. Cỏ lẽ người Mỹ sẽ noí nó và bà có “good chemistry”. Nhờ Duy Liêm có “good chemistry” với bà Mai mà mẹ Quỳnh được đi làm trở lại, mém chút nữa phải bỏ nghề vì con.
“Thời” của Duy Liêm thì Ipad đang đà thịnh hành, nên bà Mai cho nó coi hoạt hình khi cần nó ngồi yên trong khi bà lo cho mấy nhóc kia. Coi riết anh chàng ghiền, về nhà thấy Ipad của bà Hai là nó giơ tay đòi, bập bẹ “Coi. Coi”. Nó thích coi Elmo nhất, nhưng chưa nói soĩ nên nó gọi Elmo là “Mô Mồ”. Từ Mô Mồ, nó gọi Ipad là Mô Mồ luôn cho tiện bề ăn nói. Vì thế, khi nghe nó ra lệnh “mô mồ” là cả nhà biết nó muốn coi Ipad.
Trái với chị, Duy Liêm “đeo” bố nhiều hơn mẹ. Từ lúc Phúc đi làm về là anh ta dính liền với bố như bị nam châm. Bố lên lầu, con lẽo đẽo đi theo. Bố ngồi ăn, con ở sát nách. Bố đi ngủ con theo vào giường. Bố thức dậy, con dậy theo. Nhiều khi Phúc nổi giận, gằn giọng bảo nó để bố yên thì nó trề môi mếu máo “Bố không thương”. Nó sẽ ngồi khóc cho tới khi Phúc bế nó lên và xác nhận, “bố thương, bố thương” thì mới nín.
Khoảng hai tuổi, nó bắt đầu trở chứng, hờn giận một cách vô lý và khóc lóc vật vã một hồi lâu. Người Mỹ goị là “throwing a tantrum”. Thí dụ, một hôm chuẩn bị ăn cơm, nó đòi moị người đơị cho nó lắp xong một món “lego” hồi mới được ăn. Mấy phút trôi qua, moị người quyết đinh không chờ nữa thì nó nằm lăn ra sàn nhà, chân đạp chòi lia lịa, khóc la inh oỉ, miệng bải hải than không ai nghe lời nó. Bố mẹ ra sức dỗ dành, kể cả doạ nạt mà y ta không nín, tiếp tục la hét.
Hôm khác, nó muốn chị nó mặc áo mầu xanh để đi chơi nhưng Quỳnh Anh không chiụ chiều, nhất quyết mặc mầu hoa cà. Thế là y ta khóc, chẳng những khóc mà con la hét đinh tai nhức óc, không ai dỗ được. Mấy hôm sau vợ chồng Phúc đem nó đi bác sĩ xem có cần chữa trị chi không thì bác sĩ nói trẻ con tuổi này đang lớn, hormone thay đổi nên tánh nết bất thường. Cứ để nó khóc, mệt nó sễ nín, nhưng mình phải luôn ở gần và quan sát, đề phòng nó sặc hay có triệu chứng khác thường. Mỗi lần cháu khóc dai như vậy Bà Hai đứng ngồi không yên. Bà đi tới đi lui vì đau lòng xót chaú, thêm nỗi ngại ngùng, sợ hàng xóm nghe tiếng khóc lại nghĩ gia đình bà hành hạ con nít. Bà đóng cửa số trong nhà cho kín. Cửa nhà bà hai lớp kính nhưng tiếng khóc vẫn lọt ra ngoài tuy khá nhỏ.
Bà lên internet tìm hiểu bệnh trạng của Duy Liêm, thì thấy nó có vài triệu chứng OCD, Obsessive Compulsive Disorder, tạm dịch là Chứng Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế. Nếu ai đã từng coi phim “Monk” trên TV, thì sẽ thấy ông thám tử này rất sợ vi trùng và những gì dơ bẩn. Ông thuê một cô phụ tá riêng theo ông kè kè như bóng với hình. Cô phải lau sạch một vật thể trước khi ông sờ tay vào trong lúc điều tra kiểu tâm linh của mình. Sau khi ông đụng chạm vật gì cô phaỉ tức tốc đưa giấy lau tay cho ông. Ông có vài chục bộ đồ cùng mầu cùng kiểu; ông treo áo quần mũ nón theo đúng thứ tự. Nếu có sự xê dịch khác biệt là ông phải sửa lại ngay tức khắc dù ông đang rất vội. Bà Hai cho rằng Phúc cũng mang phải cái bệnh OCD này, nhưng nhẹ thôi! Anh chàng làm việc gì cũng tỉ mỉ quá đáng. Sửa vật dụng gì trong nhà cũng coi đi ngắm lại nhiều lần. Có gì không vừa ý là anh ta loay hoay chỉnh sửa cho đúng sách vở, không có chuyện đại khái cho xong. Khi phải đi đâu, moị người ra khỏi nhà, anh ta ra xe rồi lại trở vô, để yên trí là đèn điện, bếp ga và các voì nước đã tắt an toàn. Nhiều khi cô vợ phát giận vì cái tánh kỹ lưỡng đến lề mề của anh chồng.
Vì Duy Liêm và bố đều có vài biểu hiện OCD nên bà hay gọi hai bố con là OCD Senior và OCD Junior, dù bác sĩ không đồng ý với việc định bệnh nghiệp dư của bà. Khi bà hỏi tại sao Duy Liêm đeo bố như đôi sam, thì nó dõng dạc trả lời “OCD people stick together!”.
Thấm thoát mà anh chàng sắp ba tuổi, tuổi đi học mẫu giáo. Vợ chồng Phúc quyết định ghi tên cho nó vào học một trường đạo gần nhà, trường mà Quỳnh Anh đã học trước đây. Khổ nỗi, anh chàng được chiều quá nên giờ này vẫn chưa chịu tự đi tiêu tiểu một mình. Bố Phúc bảo “Nếu con không đi potty một mình thì cô giáo sẽ tính thêm tiền học. Nếu con muốn “save” tiền cho bố mẹ thì con phải tự “take care” con, hiểu không?” Chắc nó hiểu, vì một tuần trước ngày nhập trường nó đã tự lo cho mình một cách chu đáo không ngờ. Bố mẹ nó khoái lắm tiết kiệm được một trăm đô mỗi tháng. Tuy nhiên nó nhất định không chiụ ngủ riêng trong phòng của mình. Bố Phúc cố tập cho con ngủ một mình bằng cách mang gối trải mềm nằm trên sàn kế giường nó, vậy mà nó lại lăn xuống sàn nằm với bố cho tới sáng. Sau một tuần như vậy, ông bố chiụ thua thằng con vì nằm sàn ê mình quá! Thế là ba ta lại một giường như bình thường.
Ngaỳ đầu Duy Liêm đi học thật là vất vả. Anh ta chỉ mới học được năm, mười từ tiếng Anh ở nhà, như Good morning, hi, hello, thank you…Mấy ngày đầu cô nói gì mặc cô, bạn hỏi gì mặc bạn, nó chỉ tha thẩn chơi với mấy thứ đồ chơi trong lớp. Cô Monica đã từng dậy vỡ lòng cho các con em gia đình nhập cư nên cô mang sẵn “google dictionary” để … giao tiếp với học trò “non-English” của mình. Chiều gặp bà Hai đến rước cháu về, cô khoe cô đem “tự điển nói” ra hỏi Duy Liêm muốn gì khi thấy nó “ngồi buồn một mình”. Anh chàng trả lời “con đói” vào phone giúp cô giải quyết vấn đề một cách mau chóng. Thời buổi tin học tiến bộ làm cho nhiều việc dễ dàng và thuận tiện biết bao! Vậy mà chỉ sau bốn tháng đi mẫu giáo Duy Liêm đã nói rành tiếng Anh và ít gặp trở ngại trong lớp. Về nhà không chịu nói tiếng Việt với cha mẹ nữa. Cha mẹ hỏi tiếng Việt nó trả lời tiếng Anh. Bà Hai và bố mẹ nó hơi … phiền, nhưng phải đồng ý rằng đây là lúc phải cho nó hòa đồng với cô giáo và bạn bè nó bằng Anh Ngữ để nó phát triển con đường học vấn. Còn nhiều cơ hội và thời gian để cho nó ôn lại tiếng Việt khi nó lớn lên, cũng không muộn.
Cô giáo cho Bà Hai biết Duy Liêm chơi rất thân với một cô bé da trắng tên Kelly. Trong lớp ngồi cạnh nhau và vì hai đứa nói chuyện hơi nhiều, bị cô can thiệp, bắt ngồi với bạn khác. Nhưng trong giờ chơi hai đứa lại tìm nhau đùa nghịch. Một hôm bà Hai có dịp đi ngang trường nhằm giờ ra chơi nên ghé thăm cho biệt sự tình. Qua hàng rào mắt cáo bà thẩy Kelly đang chở Duy Liêm trên chiếc xe đạp. Duy Liêm nét mặt hân hoan, hai tay ôm chặt eo ếch của cô bạn. Cô giáo nói hai đứa chỉ chơi với những trẻ khác khi một trong hai đứa nghỉ học. Một ngày kia, Duy Liêm đi học về, mặt buồn thiu, than với mẹ rằng Kelly bị bịnh phải nghỉ học vài ngày. Y ta yêu cầu bà nội hôm sau chở y tới nhà Kelly để thăm. Y còn muốn ra tiệm mua thú nhồi bông làm quà cho bạn vui và mau hết bịnh. Ôi trời, mới ba tuổi rưỡi mà đã biết thế nào là lãng mạn rồi.
Năm ngoái bà Hai quyết định nghỉ hưu vì đã bương chải kiếm tiền đúng nửa thế kỷ rồi dù bà vẫn còn dư sức khoẻ để làm công việc của mình. Hơn nữa, bước qua tuổi thất thập cổ lai hi, bà muốn buông bỏ dù các xếp trong sở yêu cầu bà ở lại làm part time. Bà đã ngán những chuyến đi công tác dài ngày ở một thành phố lạ, một quốc gia xa xôi không người quen. Bà cũng ngại lái xe trên đường cao tốc chằng chịt ngã rẽ. Bà nhất quyết treo kiếm, về làm tài xế đưa rước hai chaú đi học, giúp cha mẹ nó thoải mái, không phải bầm dập với nạn kẹt xe để về rước con cho kịp giờ tan học.
Nhưng đùng một cái, dịch cúm Vũ Hán bùng nổ khắp thế giới… Hãng xưởng, tiệm buôn, nhà hàng, nơi giải trí được lệnh đóng cửa. Dân chúng phải giãn cách, khẩu trang xuất hiện trên mặt mọi người mọi nơi. Quỳnh Anh vừa học xong lớp năm, tưởng đâu năm nay nghỉ hè sẽ được cùng cha mẹ đi Hawaii. Ai dè… Tới tháng tám , nhà trường vẫn còn lệnh đóng cửa, học sinh phải đến trường trên vi tính… Nhà trẻ của Duy Liêm vẫn được hoạt động, nhưng mỗi lớp chỉ được nhận mười hai em. Nhiều phụ huynh được làm tại nhà nên cho con nghỉ học, lớp chỉ còn lại con em của các bậc phụ huynh phải đi làm như y tá, bác sĩ, công chức, v.v…Phúc và Quỳnh được làm tại gia nên Duy Liêm cũng được nghỉ học. Bà Hai đã có chương trình đi du lịch với mấy người bạn, nhưng vì cả thế giới bị bế quan toả cảng, nội bất xuất ngoại bất nhập nên các bà phải gọi huỷ vé máy bay và khách san.
Có chuyện ngược đời, là trong khi nhiều người bị tạm thất nghiệp vì hãng xưởng “shut down” thì Phúc lại được một hãng lớn goị tới “dụ” sang làm cho họ! Những yêu cầu, đòi hỏi của Phúc được họ chấp nhận một cách mau chóng, dễ dàng. Không thể tử chối một số lương tăng đáng kể, Phúc gửi thông báo cho sở cũ xin nghỉ làm. Ông xếp goị lại điều đình, nhưng phải chịu thua vì không thể trả theo một số lương ngoài ngân sách của hãng. Sau hai tuần, hãng mới gửi computers, bàn ghế, máy in và máy fax để Phúc làm việc online. Bà Hai nhận xét là làm việc tại gia đỡ tốn thì giờ lái xe đi về, không hao xăng và hư mòn xe cộ, nhưng Phúc nói số tiền điện hàng tháng sẽ tăng lên, và phải làm nhiều giờ hơn vì bị con cái chi phối, quấy rầy.
Dù có bà nội ở nhà nhưng hai chị em thay phiên nhau xuống văn phòng của cha mẹ dưới garage léo nhéo suốt ngày. Nhiều khi hai chị em cà khịa nhau bà nội không can thiệp được chúng lại xuống thưa kiện. Cha mẹ lại phải ngưng việc để xử án. Khi cha hoặc mẹ đang họp trên Zoom mà con cái xuống léo nhéo ỳ xèo thì kỳ quá nên Phúc phải làm thêm khoá bên trong để chúng không vô quậy trong những lúc dầu sôi lửa bỏng!
Ở nhà tù túng , Quỳnh Anh và Duy Liêm rất nhớ bạn bè. Vì vậy môĩ cuối tuần Phúc và Quỳnh phải chở con đến nhà bạn cho chúng đỡ nhớ. Thăm nhau mà đứa đi thăm bước xuống xe, đeo mặt nạ đứng chờ. Đứa được thăm cũng đeo mặt nạ bước ra trước cửa. Hai phe nói qua nói lại mấy phút rồi hôn gió goodbye. Chưa bao giờ có cảnh vừa khôi hài vừa đau lòng như thế. Duy Liêm được bố mẹ chở đi thăm Kelly một lần. Hai đứa dứng xa xa nhìn nhau, ngượng ngùng vẫy tay chào, chả biết tâm sự thế nào! Vài tuần sau cô nàng đến thăm trả lễ. vi` hai trẻ ké né không ra lời nên hai bên cha mẹ đành tạm ngưng xã giao, hẹn ngày tái ngộ khi giặc vũ hán lui quân.
Vì không có bạn nên Duy Liêm bắt bà nội tham gia giải trí. Lúc chơi trò trốn tìm, lúc dở trò ráp chữ. Chơi trò hiền lành chán, y ta bắt bà nội chơi đấu kiếm. Đẩu kiếm trong nhà nó cũng chán, lại rủ nội ra sân sau… múa cán chổi, rồi đá banh! Tội nghiệp lão bà trên bảy bó gần đất xa trời mà còn phải gồng mình giang chân múa tay quay cuồng cùng thằng chaú tranh giành thắng bại! Bà chạy không nhanh bắt banh không kịp nên bị cháu chê “ you too old to win”. Trời ạ! Ngó xuống mà coi!
Cho đến hôm nay, sau gần mười hai tháng giãn cách Thống Đốc bang California đang bị tiểu bang tìm cách “recall” vì những kế hoạch đối phó dịch bệnh và phương cách cai trị của ông. Tuy vậy những đợt chích ngừa covid đã và đang được thi hành chậm rãi và trật tự. Đợt đầu dành cho những chiến sĩ tiền tuyến như bác sĩ, y tá, các bô lão tuổi baỷ lăm trở lên đã tạm xong. Đợt dành cho các cụ từ sáu lăm tới bảy lăm đang bắt đầu. Có tin vui trong giờ tuyệt vọng! Bà Hai được văn phòng bác sĩ thông báo và cho địa điểm đi tiêm phòng, nhưng bà phải tự lên online để ghi tên và xin hẹn. Bà đã có hẹn và đang hồi hộp chờ. Bà hồi hộp vì bây giờ đang mùa đông, muà cảm cúm. Nếu bà bị nóng sốt thì người ta sẽ không chích ngừa cho bà theo hẹn, rồi bà phải làm hẹn trở lại! Bà nôn nóng trông chờ ngày moị người moị nơi được chích ngừa để hết bế quan toả cảng, để bà và bạn bè lại có cơ hội gặp nhau chia xẻ vui buồn “real time” và cùng nhau đi du lịch “giối già”. Bà không tin con cúm Vũ Hán sẽ ngủm củ tỏi hoàn toàn, nghe đâu người ta dự đoán nó sẽ như bệnh cúm hằng năm và rồi thiên hạ sẽ phải đưa tay ra chích thêm một loại chủng ngừa thường niên từ đây. Theo bà, thêm một muĩ chích chằng phiền hà chi! Còn hơn cứ bị cách ly và đóng cửa biên giới, phi trường… Rõ ràng là khoa học càng tiến bộ thì vi trùng bệnh tật nó cũng rộ lên theo tỉ lệ thuận.
Phúc cho bà hay vợ chồng anh đã goị nhà trường xin cho Duy Liêm đi học trở laị, lý do là trong hơn mười tháng qua, các cô giaó cũng như trẻ em vẫn đến trường không ai bị nhiễm covid. Để Duy Liêm ở nhà nó lười học và chỉ ham vô Youtube Kids xem Minecraft và hoạt họa muốn lé hai mắt. Duy Liêm nghe vậy thì buồn lắm vì ở nhà vui chơi thoả thích quen rồi. Nhưng khi nghe nói Kelly cũng đã trở lại trường y ta sáng con mắt. Buổi sáng đầu tiên trở lại lớp Duy Liêm lừng khừng không chịu buông tay bố để theo cô giáo vào lớp, nhưng khi Kelly chạy ra đón thì anh chàng vội ôm chào bố rồi mau mắn theo nàng. Ôi, phép mầu của tình yêu!